Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.416 tác phẩm
2.747 tác giả
548
116.882.827
 
Cao Bá Quát - kẻ sĩ Bắc Hà
Phan Ngọc Anh

 

Cao Bá Quát (1808 - 1855) tự là Mẫn Hiên, hiệu (bút hiệu) là Chu Thần, Cao Chu Thần, Cúc Đường và Cao Tử người làng Phú Thị (tên nôm gọi là làng Sủi) huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội. Ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, chữ đẹp, thơ hay. Đương thời, tầng lớp sĩ phu đã suy tôn và truyền tụng, ca ngợi về tài năng văn chương của ông qua đôi câu đối: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” (Văn như ông Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát khiến văn thơ thời Tiền Hán mất hết cái hay/ Thơ của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương làm mất hết cái hay của thơ thời Thịnh Đường); còn dân gian ngắn gọn hơn thì bảo nhau rằng: “Thần Siêu, Thánh Quát” (Nguyễn Văn Siêu tài như thần, Cao Bá Quát giỏi như Thánh). Tuy nhiên, sinh bất gặp thời nên cuộc đời của Cao Bá Quát cũng phải chịu thăng trầm theo thời cuộc với bao điều vinh nhục và kết thúc bằng một cái án chặt đầu và chu di tam họ vô cùng thảm khốc. Nhưng vượt lên tất cả, cuộc đời và sự nghiệp của ông để lại cho đương thời và lịch sử về sau một tấm gương sáng về một tấm lòng nhân đạo và khí phách hiên ngang của một kẻ sĩ trong thời loạn. Chỉ cần thế thôi, “Thánh Quát” đủ để sống mãi trong lòng dân tộc với sự ngưỡng vọng của con cháu muôn đời.

 

            1. Cuộc đời tài cao phận thấp.

 

            Cao Bá Quát là em sinh đôi cùng Cao Bá Đạt. Thân phụ của anh em họ Cao vốn là nhà nho làm nghề bốc thuốc (Cao Huy Sâm, sau đổi là Cao Huy Tham) nên đã lấy tên hai hiền sĩ nhà Chu để đặt tên cho con với khát vọng mong hai anh em sẽ trở thành những bậc lương đống của nước nhà. Hai anh em Đạt, Quát đã được cha gửi theo học ông thầy cùng họ hiệu Hồng Quế (Cao Huy Diệu) dạy dỗ, dìu dắt. Ngay từ tuổi thơ Cao Bá Quát đã thể hiện được tư chất thông minh với văn hay chữ tốt nên đương thời đã gọi là thần đồng. Người ta kể rằng, Cao Bá Quát viết chữ Hán đẹp như tranh vẽ (bởi thế nên nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy ông làm nguyên mẫu cho nhân vật Huấn Cao nổi tiếng trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”). Ông có thể viết được cả bốn loại chữ chân, thảo, triện, lệ mà loại nào cũng đạt đến trình độ đỉnh cao của nghệ thuật. Tuy thông minh học giỏi nhưng Cao Bá Quát lại không chịu được sự khuôn phép, gò bó. Thân sinh của ông đã từng bảo rằng: “Văn của Bá Đạt hơn về khuôn phép nhưng kém về tài, tứ. Văn của Bá Quát hơn về tài, tứ nhưng kém về khuôn phép”. Năm 12 tuổi, Cao Bá Quát đã lều chõng vào Hà Nội theo các bậc đàn anh để dự thi hương. Tuy nhiên do văn chương vượt ra ngoài khuôn phép của triều đình nên con đường khoa cử của ông khá lận đận. Mãi đến năm Tân Mão, lúc đó 22 tuổi, ông mới đậu cử nhân tại trường thi Bắc Thành. Lúc đầu ông đỗ Á nguyên nhưng sau khi Bộ Lễ xem lại thì ông lại đứng xuống cuối bảng vì chuyện trường qui.

 

            Sau khi đỗ cử nhân, Cao Bá Quát tiếp tục ôm mộng công danh theo con đường khoa cử mong rằng sẽ đỗ đạt làm quan để có dịp mang tài năng ra phò vua giúp nước. Ông đã hăm hở vào Huế, kinh đô của nhà Nguyễn để thi hội. Ông dự thi ba lần nhưng hỏng cả ba. Những lần thi hỏng này là những cú giáng đối với ông. Nếu Cao Bá Quát thi đỗ, thậm chí đỗ đầu bảng thì cũng là lẽ thường, dễ hiểu với mọi người. Nhưng việc ông hỏng thi, thậm chí thi ba lần đều hỏng thì lại là một điều băn khoăn, khó hiểu với không ít người. Một người được ca tụng “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, được ví “Thần Siêu, Thánh Quát” như ông mà thi hỏng thì chẳng đáng để băn khoăn, khó hiểu hay sao? Đây cũng là những vấp ngã, là mối hận đầu tiên của Cao Bá Quát khi bước vào đời và với triều đình nhà Nguyễn.

 

            Cũng kể từ đây ông chấm dứt ý định tiến thân bằng con đường khoa cử. Tuy nhiên sau khi vua Minh Mạng mất, năm 1840 vua Thiệu Trị lên ngôi. Thiệu Trị tỏ ý trọng dụng hiền tài nên quan đầu tỉnh Bắc Ninh đã tiến cử ông. Được triều đình trọng dụng Cao Bá Quát đã hăm hở lai kinh và nhận chức hành tẩu tại Bộ Lễ. Đến năm 1841, triều đình có cho mở khoa thi. Ông được cử làm sơ khảo tại trường thi Thừa Thiên. Trong khoa thi này, khi chấm bài, Cao Bá Quát thấy một số bài thi hay nhưng phạm húy vì mến tài nên ông đã cùng với một người bạn là Phan Nhạ lấy bút chấm muội đèn chữa bài thi. Sự việc bại lộ ông đã bị tống ngục Trấn Phủ, kết tội xử chém. Sau đó sự việc được xét lại thì ông chỉ bị cách chức. Đầu xuân 1843, Cao Bá Quát được cử đi theo phục dịch đoàn công cán của triều đình nhà Nguyễn ở Inđônêxia. Sau chuyến đi lấy công chuộc tội này Cao Bá Quát đã được cho phục chức nhưng một thời gian sau thì bị xa thải về quê.

 

            Là con người hành động, ôm hoài bão nên Cao Bá Quát không yên phận với cuộc sống ở quê nhà. Ông vẫn mong muốn triều đình có ngày lại trọng dụng mình. Đúng lúc ấy, năm 1847, cuối thời Thiệu Trị ông lại có chiếu triệu vào kinh. Lần này ông lại phấn khởi nhập cuộc. Vào đến Huế ông lại được cử đi công cán ở vùng Nam Trung Bộ, thực ra đây là công việc của người đi đày nên ông đã rất chán ngán. Sau đó ông đã được giao việc ở Viện Hàn Lâm (phụ trách việc sưu tầm sắp xếp các tài liệu thơ văn cho vua dùng). Với tính cách của Cao như vậy triều đình nhà Nguyễn khi ấy khó có thể hòa hợp được hiền tài nên cuộc sống ở kinh thành chỉ làm cho Cao Bá Quát cảm thấy buồn chán và căm tức. Cứ vậy, mối quan hệ giữa vua quan nhà Nguyễn với ông ngày càng xa cách. Mùa hè năm 1850 Cao Bá Quát đã bị đẩy về làm giáo thụ phủ Quốc Oai.

 

            Gần với nhân dân, tận mắt chứng kiến sự suy thoái của nhà Nguyễn và nhất là khi mùa màng thất bát do nạn châu chấu hoành hành ở xứ Đoài mà triều đình chẳng ngó ngàng gì tới, Cao Bá Quát đã ngày càng nhận ra con đường giải thoát mình và cứu giúp lương dân. Năm 1853, lấy cớ phụng dưỡng mẽ già ông đã xin nghỉ dạy học ở phủ Quốc để về quê. Bắt đầu từ đây ông đã tích cực liên kết với những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa để chống lại triều đình. Dưới danh nghĩa phù Lê, ông và các nghĩa binh suy tôn Lê Duy Cự làm minh chủ và tự mình xưng làm Quốc sư kêu gọi đồng bào Kinh, Mường tham gia khởi nghĩa dưới lá cờ nghĩa với hai dòng chữ lớn: “Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu, Thuấn/ Mục Dã, Minh Điều hữu Võ, Thang” (Ở Bình Dương và Đồ Bản không có những vua tốt như Nghiêu, Thuấn thì ở Mục Dã, Minh Điều phải có những người như Võ, Thang để chống lại). Do kế hoạch khởi nghĩa chưa được chuẩn bị chu đáo, một phần cũng là do bị bại lộ nên cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ sớm hơn so với dự định. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong vài tháng, đánh chiếm được phủ lỵ Ứng Hòa, huyện lỵ Thanh Oai … làm cho triều đình nhà Nguyễn phải điên đảo. Tuy nhiên do lực lượng không cân xứng nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị triều đình đàn áp và thất bại. Vua Tự Đức đã treo giải thưởng cao nhất cho ai bắt được hoặc giết chết Cao Bá Quát. Tháng giêng năm 1855, tên Suất đội đã bắt và giết Cao Bá Quát. Tự Đức đã cho chặt đầu Cao Bá Quát để bêu ông ở quê nhà và nhiều nơi khác, sau đó triều đình nhà Nguyễn đã cho băm nhỏ và vứt xuống sông cho hả giận. Đồng thời để trả thù và thị uy người khác nhà Nguyễn đã cho bắt, giết hết họ hàng nội ngoại của Cao Bá Quát ở quê hương. Anh trai song sinh của ông là Cao Bá Đạt khi ấy làm quan ở Nông Cống (Thanh Hóa) cũng bị bắt và phải tự tử dọc đường.

 

            Tin Cao Bá Quát bị bắt và bêu đầu khi ấy đã gây xúc động cho rất nhiều người. Nhiều người đã căm tức sự hèn hạ của nhà Nguyễn và tiếc thương ông. Kết thúc cuộc đời và sự nghiệp ở tuổi 47 nhưng Cao Bá Quát đã để lại một ấn tượng tốt đẹp với nhiều giai thoại về tài năng và khí phách hiên ngang trước các thế lực bạo tàn và hủ bại đáng cho đời sau noi theo. Tuy nhiên cũng có người nói, Cao Bá Quát bị thương, bị bắt giải về Hà Nội nhưng có người thương ông nên đã dùng một người có diện mạo giống ông để đánh tráo. Sau đó ông trốn lên Lạng Sơn và biệt tích. Cảm phục tinh thần và nhân cách của một con người “tài cao phận thấp”, nhà thơ - nhà cách mạng Sóng Hồng (Trường Chinh) đã viết: “Dấu xưa nay biết đâu tìm/ Thương ai bảy nổi ba chìm nước non/ Trăng kia khi khuyết khi tròn/ Tinh thần phản kháng vẫn còn sáng soi” (Đến Giacacta nhớ Cao Chu Thần).

 

  2. Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

 

            Cao Bá Quát khí tiết lừng danh. Cả cuộc đời, ông chưa bao giờ khom lưng uốn gối cúi đầu phụng sự cường quyền bất nghĩa. Một con người sống hiên ngang, bất khuất, từng là lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa làm rung chuyển đất Bắc khiến triều đình nhà Nguyễn phải hoang mang, kinh sợ như thế, vậy mà, trong đời thường ông sống vô cùng nhân hậu với nhân dân; yêu quí bạn bè; gắn bó nghĩa tình với gia đình, đất nước quê hương. Suốt đời ông luôn khát khao vươn tới cái đẹp, cái thanh tao.

            Tấm chân tình nồng hậu, cao đẹp của ông trước hết dành cho quê hương. Với Cao Bá Quát, quê hương luôn “nghĩa nặng tình sâu”. Dù ở đâu ông cũng vẫn luôn hướng về quê nhà với một nỗi niềm, đau đáu, da diết:

“Nhất thanh cô ố nhập liêm lung

Kinh khởi ly nhân phục chẩm trung/

Khả ức cố hương phong vật phủ

Am la hoàng tiếp lệ chi hồng”

(Văn bá lao)

(Một tiếng tu hú vang vào trong rèm/ Đánh thức người tha hương dậy, nằm gục đầu trên gối/ Không biết ở quê nhà phong vật bây giờ như thế nào/ Có lẽ mùa Xoài chín vàng tiếp theo mùa vải chín đỏ)

“Hương sầu duy phạm dạ

                                                 Thân sự dục qua niên”

(Hàn dạ tức sự)

            (Nỗi buồn nhớ quê không chừa gì đêm khuya/ Công việc của mình chừng muốn qua năm khác)

“Mạch mạch tương khan thức lệ ngân

                                                Nam nam bất yếm thoại hương thôn”

(Kiến bắc nhân lai, nhân thoại cố hương tiêu tức)

(Tần ngần vừa nhìn nhau vừa gạt nước mắt/ Rì rầm nói chẳng hết chuyện trong làng)

Quê hương, cái làng Sủi, ở đấy có cây gạo, có rặng tre, có ao nước lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí ông với một khắc khoải mong muốn được trở về:

“Cao cao mộc miên thụ

                                    Cổ cán hà thanh sơ ...

                                    ... Trúc mật phú dư kính

                                    Thảo phong nhiễu tiền trừ

                                    Bích chiểu hý tiêm lân

                                     Lục đẳng tú gia sơ”

(Tương đáo cố hương)

 (Cây gạo cao cao kia/ Gốc già mà ngọn thanh thanh đẹp làm sao .../ ... Tre rậm che kín lối đi/ Cỏ tốt mọc quanh trước thềm/ Cá tung tăng lội trong ao nước biếc/ Lúa tốt xanh um khắp chốn ruộng đồng).

Nỗi niềm với quê hương đất nước ở trong Cao không chỉ là sự gắn bó, nhung nhớ làng Sủi với cảnh làng quê hôm sớm. Rộng hơn, trong thơ ông ta thấy Cao luôn canh cánh với vận mệnh của đất nước. Vốn là người nhạy cảm, có tư tưởng tiến bộ, được đi nhiều nơi khắp cả trong và ngoài nước nên ông sớm nhận ra sự bất lực của Nho giáo trước thời cuộc:

“Xuất môn như hải lữ tình khiên

                                    Tảo tín văn chương bất trị tiền”

(Thuật hoài)

(Rời nhà đi hải ngoại, mối tình của người lữ khách vấn vương hoài/ Sớm tin rằng văn chương không đáng giá đồng tiền)

Từ nhận thức này, trước sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản phương Tây, ông không khỏi bàng hoàng lo lắng cho vận mệnh dân tộc trong tay triều đình phong kiến nhà Nguyễn đang lạc hậu và cổ hủ:

“Ngã thị Trung nguyên cựu nhân vật

  Tây phong hồi đầu lệ phân phân”


(Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải

 ngoại sư triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi)

(Ta là nhân vật cũ của Trung Nguyên/ Quay đầu nhìn ngọn gió Tây mà lệ rơi lã chã)

 Để rồi từ đó ông căm ghét cái bọn quyền quý mà đầu óc tối tăm ở trong nước quanh năm lấy Khổng sân Trình làm những thước đo, chẳng biết gì về thời thế, thảm hại lố bịch như một anh hề:

“Xuất thế khởi vô chân diện mục

                                     Phùng trường lãng tiếu cổ y quan

                                     Hổ môn cận sự quân tri phủ

                                     Thán tức hà nhân ủng tỵ khan”

(Dạ quan Thanh nhân diễn kịch trường).   

 (Ra đời lẽ nào không có bộ mặt thực/ Mà vào cuộc vui để cười đùa với bộ mũ áo xưa/ Việc ở Hổ môn gần đây anh có biết không/ Đáng phàn nàn cho ai đó cứ nghênh mũi ngồi xem)

            Yêu quê hương đất nước như vậy, Cao Bá Quát không thể không gần gũi với nhân dân. Có thể nói suốt đời ông lo cho dân. Ông nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn cũng bởi vì thương cảnh lầm than của bá tính. Suốt đời ông vui với cái vui của nhân dân và lo cùng nỗi lo của nhân dân. Ở đất nước nông nghiệp còn lạc hậu, trồng trọt chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết theo kiểu “ơn trời mưa nắng phải thì” nên niềm vui nỗi buồn của Cao cũng thấp thỏm theo tiết trời mưa nắng. Ông đã từng cất tiếng reo vui khi thấy mưa về làm cho lão nông mừng vui sung sướng:

“Điền tẩu quy lai hà thái hỷ

  Đồn đề liệu lý hạ tân niên”

(Đắc vũ tác)

(Ông lão nông trở về sao lại sung sướng như thế/ Chân giò lợn mua sẵn để ăn mừng năm mới).

Mỗi khi mùa màng thiếu nước, thấy mưa nhỏ lòng ông lại không khỏi phấp phỏng, âu lo:

“Vũ trạch cẩu phục sắc

                                     Thích thích tại lai thần”

(Vi vũ)

(Nếu mưa móc lại ít ỏi/ Thật đáng lo buồn cho ngày mai).

Và khi mùa màng chín rộ, chưa kịp thu hoạch, gặp mưa to không ngớt ông cũng lại không khỏi bồn chồn lo lắng suốt cả đêm thâu:

“Hắc vân thùy quá tường

                                    Thiên hôn ngưỡng nan thị

                                    Ngung tọa độc trầm ngâm

 Đáo minh thượng bằng kỷ”

(Trung dạ thập tứ vận)

 (Mây đen lướt qua đầu tường/ Trời tối sẫm trông lên không rõ/ Ngồi góc nhà ngâm khẽ một mình/ Đến sáng vẫn còn tựa ghế)

Cũng có khi mưa to, nước sông dâng cao, ông lại nghĩ đến cảnh đê vỡ mà lo lắng, xót thương:

“Bạo vũ khuynh thiên lậu

                                    Phi đào táp địa lai

Thế liên giang sắc tráng

Thanh nhập dạ phong ai

                                    Xích nhật hành hà đạo

                                    Thương sinh tán kỷ hồi

Khách tình ngâm vọng viễn

                                    Thu khí chính tương thôi”

(Đối vũ)

(Mưa dữ như nghiêng trời đổ nước xuống/ Sóng tung tóe tràn ngập mặt đất/ Một màu liền với dòng sông, thế trông rất mạnh/ Tiếng reo hòa cùng gió đêm nghe cùng ai oán/ Mặt trời đỏ lẩn đi đằng nào/ Để dân đen than thở mãi/ Nỗi lòng khách chỉ ngâm nga và ngóng trông/ Chính là lúc hơi thu đang giục giã).

            Cao Bá Quát yêu nước, thương dân nhưng không thể thoát ra ngoài vòng cương tỏa của xã hội phong kiến đương thời. Tầm vóc tư tưởng của Cao tuy to lớn hơn cái xã hội ngột ngạt ấy nhưng ông vẫn bị nó chi phối. Bởi vậy sự phản kháng với cái xã hội ấy trong thơ được ông được gửi gắm qua những khát vọng về một xã hội thái bình. Ở đó ít thiên tai và nhân họa, không có chiến tranh, loạn lạc, không có cảnh:

“Hoang thôn đỗ vũ tam canh oán

 Châu đạo hồ ly nhật tân hoành”

(Vọng Khoái Châu hữu cảm)

 (Thôn hoang tiếng cuốc ba canh ai oán/ Đường cái lớn suốt ngày cầy cáo tung hoành).

Cũng có khi mạnh mẽ hơn, khi Cao Bá Quát kín đáo lên án, đả kích bọn quan tham hại dân hại nước qua hình ảnh con chuột:

“Tân khổ cập thành gia

                                    Trí khí khả bất tích …

... Đản giới thiết thời bạo

                                    Thâu lợi phi an đồ”

(Phủ hạ thử)

(Biết bao nhiêu đau khổ đắng cay ta mới dựng nên cửa nhà/  Biết bao vật dụng sắm sửa được sao không tiếc …/... Ta cảnh cáo bọn chuột chớ ăn vụng bừa bãi/ Vì hám lợi quá không phải là chước lâu dài).

Và sinh tồn trong cái xã hội ấy con người sao có thể tránh khỏi cái cảnh phá sản ly phương tha phương cầu thực, bởi vậy ông càng xót thương:

                                    “Tích giả đê hạ điền

                                    Thập mẫu phả dĩ phong

                                    Tự thất Mậu Tý thu

                                    Lữ thực vô tây đông”

(Phụ tương tử)

 (Ngày trước có ruộng ở chân đê/ Mười mẫu tạm cũng đầy đủ/ Từ năm Mậu Tý mất mùa/ Phải đi kiếm ăn đây đó);

“Vũ vũ thùy gia tử

                                    Y phá lạp bất hoàn …

                                    ... Nhị nhật điển không khiếp

                                    Tam nhật xuyến ung xan”

(Đạo phùng ngã phu)

 (Con nhà ai một mình đi thất thểu/ Áo rách nón cũng không lành …/... Ngày thứ hai bán cái tráp không/ Ngày thứ ba nhịn cả hai bữa).

Nhưng có lẽ đầy đủ hơn cả cho cái cảnh lầm than của nhân dân đương thời hiện ra dưới ngòi bút của Cao là cái cảnh dân phường Phúc Lâm giục nhau bỏ chạy khi thấy “Công sai” về:

 “Kỳ mãn vô nhân tứ truy trục

                                      Huyện quan phụ mẫu phất ngã sát/

 Tuyển tào tiên phác như triết trúc

 Thả ngã nhị huyện thùy thế cư …

... Binh đào dịch trọng khổ vị trừ

                                     Tử nhược điệt bần khí hương lý ”

(Phúc Lâm lão)

 (Hết hạn không có ai thì người ta lùng bắt tứ tung/ Quan huyện là cha mẹ dân đã chẳng xét cho/ Nha lại còn đánh đạp dân như chém tre …/ Nào lính nào phu nỗi khổ chưa qua/ Con bé cháu nghèo đều bỏ làng đi hết).

            Vốn là một người được đào tạo trong khuôn khổ của cửa Khổng sân Trình nên đạo hiếu trung nghĩa đã ngấm sâu trong tâm hồn Cao Bá Quát. Là một người con Cao lúc nào cũng hướng về cha mẹ với một lòng thành kính nhớ thương:

                                                “Bạch phát cao đường ỷ vọng thâm

                                                 Tha hương thê tử hự như kim

                                                 Hành như hoặc sử tri dư tội

 Tình cựu năng vong huống khách tâm”

(Thuyền hồi quá Bắc Dữ giản Trần Ngộ Hiên nhị thủ)

(Ở nhà cha mẹ tóc trắng tựa cửa trông hoài/ Nơi xa xôi, vợ con lại phải chịu cảnh như ngày nay. Cái gì xui khiến cho ta đi, ta đã biết là người có tội/ Tình cảm đời nào quên được huống hồ mình lại mang tấm lòng ở đất khách).

Đó là khi ông công cán ở nước ngoài. Còn khi bị bắt giam, ở trong ngục tù, nỗi niềm ấy lại càng tăng lên gấp bội:

                                    “Cố hương hữu mộng tri hà đáo

                                    Thùy hướng cao đường úy nhị thân”

(Cử nguyệt sơ thất nhật dĩ trường sự hạ Trấn phủ ngục)

 (Cái mộng về cố hương biết bao giờ được/ Ai là người đến nhà an ủi cha mẹ ta).

 Khi nghe tin chị gái mất Cao choáng váng, đứng ngồi không yên. Nhưng ở giữa nơi đất khách ông biết làm gì hơn là hướng cái nhìn về quê mẹ:

 “Nhật mộ độc trầm ngâm

                                    Tam vãng vọng thành bắc”

(Đắc gia thư thị nhật tác)

(Trời tối độc một mình trầm ngâm/ Nhiều lần ra ngóng về phía bắc thành).

 Ngoài ra, đọc thơ của Cao ta còn thấy tình thương yêu vợ, con lúc nào cũng thường trực trong ông và không ít lần ta thấy Cao đã thốt lên trên trang giấy:

                                    “Tử nữ thâm tương luyến”

(Tích viễn)

                          (Với con cái thì rất đỗi nhớ thương);

                                    “Chuyết thê ỷ chẩm sơ bồng nấm

                                    Trĩ tử khiên y tạ khúc quăng”

(Bệnh trung).  

(Người vợ vung tựa vào gối chải mái tóc rối/ Đứa con thơ kéo áo ghé vào cánh tay nằm)

Tình yêu thương trong Cao Bá Quát, ta thấy ông không chỉ dành cho những người trong gia đình mà với bạn bè cao cũng vậy. Xem lại thơ Cao, ta thấy tình bạn của ông cũng cao đẹp vô cùng:

“Hương viễn mộng trở tam thu lạo

                                    Nhi nữ sầu liên bạc mộ nha

                                    Thùy đạo Mao khanh thành lục lục

                                    Bình Nguyên môn hạ cánh tha đà”

(Thương Sơn công hữu sở quỹ vật kiêm chí hảo thi, bộc phương nhiễu

                                    phu thất tử chi thích, cảm thế giao khẩn tình hiện hồ từ)

(Hồn mơ về quê nhà, bị nước lụt mùa thu ngăn cách/ Mối sầu thương con giay dứt trong tiếng quạ chiều hôm/ Ai ngờ chàng Mao Toại mà ra người tầm thường/ Cứ lần nữa mãi dưới cửa nhà Bình Nguyên Quân)

Đó là với Miên Thẩm. Còn đây là  là cuộc chia tay với bạn dưới sự chứng kiến của vầng trăng sông Trà:

                                    “Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết

                                      Đà môn cựu lữ Tồn Chân ông,

                                      Cần hải minh tiên hiểu tương biệt...”

                                         (Trà Giang thu nguyệt ca)

(Muốn nghiêng bầu rượu cùng trăng nói/ Tồn Chân bạn cũ cửa sông Đà/ Sớm mai quất ngựa bể Cần xa...)

            Tâm hồn Cao Bá Quát phong phú và nhân hậu. Trái tim Cao Bá Quát đa cảm và bao dung. Ông không chỉ yêu người mà còn yêu cả mọi tạo vật xung quanh với những cây cối, hoa lá, trời mây, non nước hữu tình. Những cảnh vật ấy hiên lên trong thơ ông cũng thật vô cùng sinh động và rất đáng yêu. Đây là cảnh núi Sài Sơn qua trận mưa nhỏ:

“Tiểu vũ sạ qua hồng ngẫu phố

  Hàn chung hốt khởi tịch dương lầu”

   (Vãn du Sài Sơn vũ hậu

         đăng sơn đầu đề bích).

(Trận mưa nhỏ vừa qua, bến nước đầy sen đỏ thắm/ Tiếng chuông chùa vẳng bỗng ngân lên từ trên lầu dưới bóng tà dương).

Hay đây là hoa lá trong vườn nhà họ Quan:

“Kim phong sắt súc khởi vi lương

                                    Tùng quế u lan các tự hương

                                    Sơ đạm sổ chi xuất danh cúc

Phân minh nhất bức tả thu quang”

(Du quan thị viên cư khán cúc)

(Gió thu dồn se sắt nổi lên cơn mát dịu/ Khóm quá và lan thanh đều tỏa mùi thơm/ Vài cành cúc thuộc loại nổi tiếng trông đơn sơ mờ nhạt/ Một bức tranh vẽ cảnh mùa thu rất trong sáng).

Trong hành trình đi qua đèo Ngang. Cảnh vật nơi đây hiện lên dưới ngòi bút của Cao Bá Quát không còn sợ hãi, khiếp đảm nữa. Trái lại đèo Ngang hiện lên cũng rất sinh động và rất hữu tình:

“Nhất bích ngưng vị giới

                                    Trùng vân nhiễu tác thành

                                    Viễn phong xung hải tập

                                    Cao lãng tiếp thiên bình”

(Châu trung hiểu vọng phụng trình đồng châu chư quân tử)

(Một màu xanh biếc đọng lại làm giới hạn/ Nhiều lớp mây vây lại làm những bức thành/ Ngọn núi xa chìa ra đứng giữa biển/ Làn sóng cao giáp tới chân trời).

Còn đây là cảnh sông núi xứ Huế mộng mơ khi Cao đi qua sông Hương:

                                    “Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền

                                    Trường Giang như kiến lập thanh thiên

                                    Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo

 Lưỡng cá sa cầm khuất túc niên”

(Hiểu quá Hương Giang).

 (Muôn dãy núi như chạy vòng quanh khu ruộng xanh mướt/ Ngọn sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh/ Mấy dãy thuyền chài không ngớt tiếng hò khoan đưa mái chèo/ Hai con chim trên bãi đứng co chân ngủ).

Còn núi Tổ của nước Nam, Cao Bá Quát nhìn với một cảm hứng lịch sử. Ông không chỉ cho người ta thấy hình dáng bề thế hiên ngang một cách đáng yêu mà còn cho thấy niềm tự hào của con người đất Việt về linh khí thiêng liêng của núi non khiến cho kẻ thù phải bất lực:

                                    “Danh sơn sơn thượng cổ kim truyền

                                    Tứ vọng đoàn đoàn nhược tản viên

                                    Vân mại trùng tiêu tinh khả trích

                                    Địa dao vạn nhận thủy vô truyền

                                    Yên hà truyền tỏa vô trần cảnh

                                    Tuyền thạch nhàn thê bất lão tiên

                                    Đường Ý đảm hàn, Cao thúc thủ

(Vịnh Tản Viên Sơn)

(Đỉnh núi nổi tiếng trên núi, xưa nay vẫn truyền tụng/ Bốn bề tròn trĩnh như hình cái tán/ Mây giáp tới tận trời, các chòm sao có thể hái được/ Đất xa hàng vạn bậc, nước lụt không làm gì nổi/ Khói mây luôn luôn khoá kín một cõi xa trần tục/ Giữa cảnh suối đá sống thảnh thơi một vị tiên không già/ Đường Ý khiếp đảm, Cao Biền phải bó tay/ Chót vót ở miền cực nam, trấn giữ trời phương nam).

            Cao Bá Quát vang danh tài hoa; suốt đời không chịu cúi đầu trước bất nghĩa, bất công; hiên ngang trước giáo gươm, súng đạn. Con người ấy khí tiết cứng cỏi như sắt đá nhưng tâm hồn lại rất đa cảm và bao dung. Chính trái tim ấm áp nhân hậu ấy đã đưa đường dẫn lối cho ông về với nhân dân. Và hành trình cuộc đời của Cao Bá Quát là hành trình không ngừng nghỉ để đi tìm công lý và công bằng xã hội cho mình và cho mọi người. Suốt đời ông khát khao, tìm kiếm và vươn tới cái đẹp. Đó là cái đẹp của tự nhiên, của con người, của những khát vọng tự do. Có thể nói khí phách và tấm lòng ấy của Cao Bá Quát được phản ánh chân thực qua đôi câu đối vốn được người đời truyền tụng, ngợi ca: “Thập tải luân giao cầu cổ kiến/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Dịch nghĩa: “Mười năm đi tìm gươm báu/ Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai”. Chỉ vậy thôi, tư tưởng và tấm lòng của Cao Bá Quát còn sống mãi với đất nước, nhân dân.     

 

 

1.Khu tưởng niệm Cao Bá Quát ở  Phú Thị - Gia Lâm - Hà Nội

 

2.Nhà thờ Cao Bá Quát ở Mỹ Lương - Chương Mỹ - Hà Nội

 

 

3.Tác giả bên trong nhà thờ của Cao Bá Quát ở Mỹ Lương - Chương Mỹ - Hà Nội

 

Phan Ngọc Anh
Số lần đọc: 1517
Ngày đăng: 05.01.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chất châm biếm trong thơ Nguyễn Khuyến - Trần Thanh Xem
Thế giới hình tượng của Nguyễn Thế Quang qua "Thông reo ngàn hống" - Đặng Văn Sinh
“ Đất nước những cánh cung”- ký ức lính của nhà thơ Chung Tiến Lực - Vũ Tuyết Nhung
Chỗ của THƯỢNG thơ - Vũ Trọng Quang
Bóng dáng của một thời và thông điệp vượt thời gian Về bài thơ “Tàu điện đêm” của Nguyễn Nguyên Bảy - Nguyễn Anh Tuấn
"Hoa Cỏ Lau" _ Hành Trình Hoa Của Nhà Thơ Trương Vạn Thành - Vũ Tuyết Nhung
“Đinh Xăng Hiền “Sự im lặng của kẻ rình mồi - Mai Bá Ấn
Nhặt lá mà thương duyên phận mình.Tập thơ tình của một người lính - Hoàng Thị Bích Hà
Bình thơ Van Em của Nguyễn Hàn Chung - Trần Hạ Vi
Vài cảm nhận khi đọc “Thăm bạn” của Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến