Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
604
116.721.621
 
Tín ngưỡng thờ ông Bảo & Nguyên Tiêu Thăng Hội
Trần Dũng

Hằng năm, cứ sau tết Nguyên đán, vào dịp Rằm tháng Giêng âm lịch, đông đảo bà con người Hoa khắp nơi trong tỉnh Trà Vinh, từ Cù lao Dung, Long Phú, Kế Sách bên kia sông Hậu, từ thành phố Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lũ lượt bao xe, bao đò kéo nhau về Phước Thắng cung (chùa Ông Bảo) xã Đại An, (Trà Cú) cùng người dân địa phương trẩy hội Nguyên tiêu. Nguyên tiêu thắng hội là một lễ hội dân gian truyền thống khá tiêu biểu của cộng đồng người Hoa trên đất Trà Vinh.

 

1. Thần phả, hành trạng Ông Bảo:

 

Ông Bảo hay Bảo công, vị thần được thờ tại Phước Thắng cung, là cách gọi vắn tắt mà đầy lòng tôn kích của đồng bào người Hoa Trà Kha – Đại An dành cho Bảo sanh đại đế. Tương truyền, ngài sanh trưởng ở vùng Phúc Kiến, vào thời nhà Tùy bên Trung Quốc. Từ nhỏ, ngài tỏ rõ tư chất thông minh nên được các vị tiên trên núi dạy cho phép tiên và các thuật linh đơn. Vào tuổi thanh niên, ngài kết thân với Lâm Ngạc Nương (người sau này được sắc phong là Thiên Hậu nương nương) nhưng không lập gia đình mà rày đây mai đó, tiêu dao cùng cỏ cây mây nước và chẩn mạch, bốc thuốc cứu nhân độ thế. Danh tiếng ngài lẫy lừng khắp một miền Hoa hạ xuống tận Giang Nam. Tuy vậy, khi nghe tin thân mẫu mình lâm bệnh nặng, ngài vội vã trở về cố quán nhưng bà đã ra đi trước đó vài ngày. Thọ tang xong, buồn bã trong lòng, nghĩ bụng y thuật tiên ban cũng không cãi được số trời nên ngài cho tất cả sách vở, y cụ vào hòm khóa lại, đưa lên gác cất còn chìa khóa thì quăng giữa sông Hoàng Hà, thôi không theo đuổi nghề thuốc nữa.

 

Năm tháng qua mau, trăng tròn rồi trăng khuyết, hết đông rồi sang hạ, thắm thoát hơn chục mùa xuân đào nở, chim ca, ngài vẫn ẩn mình trong vách núi. Một bữa, từ dưới bến sông có tiếng kêu khóc xôn xao. Động lòng từ tâm, ngài lần dò bước chân xuống núi, mới hay người vợ trẻ của chàng ngư phủ đang hồi nguy kịch trong cơn vượt hạn khó khăn. Đã định trở về lều cỏ nhưng mấy lần chẳng thể quay bước trước sự khóc than, năn nỉ của dân làng, ngài lại xắn tay lo cho cuộc con vuông mẹ tròn. Chàng ngư phủ vui mừng khôn tả, ngày hôm sau ra sông Hoàng Hà câu con cá chép lớn mang lên núi tặng vị đại phu. Nhận quà tạ ơn, hôm sau, ngài mang cá ra bờ sông phóng sinh nhưng lạ thay, trước khi từ biệt, cá chép cứ nhìn ngài chăm chú. Ngài đưa tay xuống nước thì trong miệng cá nhả ra chiếc chìa khóa mà hơn mười năm trước ngài từng quẳng đi như món quà tặng người cứu mạng.

 

Biết rằng số trời đã định, ngài trở về lều cỏ, vác chiếc hòm xuống, đêm chong đèn đọc sách, ngày lên rừng hái thuốc, tiếp tục cuộc đời rày đây mai đó, chẩn mạch bốc thuốc cứu người. Năm đó, thái hậu đương triều lâm bệnh nặng mà các ngự y danh tiếng chốn triều trung đều vô phương thúc thủ. Nghe danh, vua truyền triệu ngài vào cung chẩn đoán. Ba lần nhà vua bày trò thử thách, ngài đều bình thản vượt qua. Lần thứ nhất, vua cho buộc sợi chỉ vào chân giường trong cung cấm, rồi cho người kéo đầu kia sợi chỉ ra ngoài sân cho ngài ngồi nghe mạch. Tay cầm sợi chỉ, miệng mĩm cười, ngài bảo: “Mạch mộc, chẳng phải mạch nhân!”; Lần hai, vua cho buộc sợi chỉ vào tay cung nữ. Ngoài kia, ngài bảo: “Mạch nhi, chẳng phải mạch lão!”; Lần ba, vua cho buộc sợi chỉ vào tay viên thái giám. Ngoài kia, ngài bảo: “Mạch trung, không phải mạch nữ!”. Cuối cùng, tin tài phục đức, vua cho buộc chỉ vào đúng tay thái hậu. Ngài nghe mạch rồi bốc ba thang thuốc. Thái hậu uống xong, liền khỏi. Nhà vua và triều thần mừng rỡ truyền ban thưởng, mới hay ngài đã lẳng lặng hồi hương khi nào mà chẳng ai hay biết. Quân lính, theo lệnh vua, ùn ùn mang lễ vật theo tạ ơn. Bỏ ngoài tai chuyện lợi danh, ngài lánh sâu vào từng núi và chết khô trên cây đại thụ để khỏi vương vào vòng xa hoa phù phiếm. Lá, thân, rễ cây đại thụ ấy trở thành vị thuốc chữa bách bệnh. Cảm công đức ngài, vua sắc phong mỹ hiệu Bảo sanh đại đế, truyền cho thần dân trăm họ thờ ngài như vị thần cai quản về sanh mạng, sức khỏe con người.

 

Con người, nhất là con người nông nghiệp lạc hậu, ai mà không quan tâm đến vấn đề sống chết, sức khỏe và không tin tưởng vào vị thần có sứ mệnh cai quản những vấn đề trọng đại ấy. Thần Bảo sanh đại đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa – xem qua thần phả và hành trạng – rõ ràng mang dáng dấp khá tiêu biểu của Lão giáo, một trong ba tôn giáo lớn trong lịch sử Trung Hoa.

 

Khi di cư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Nam bộ Việt Nam, cũng là những nước văn minh nông nghiệp, người Hoa mang theo cả vị thần Bảo sanh của mình và nhanh chóng được cả cộng đồng cư dân bản địa cùng tôn thờ.

 

2. Kiến trúc, phối tự của chùa Ông Bảo Đại An:

 

Chùa Ông Bảo, hay Phước Thắng cung, là một cơ sở tín ngưỡng quan trọng của đồng bào người Hoa tỉnh Trà Vinh, tọa lạc tại ấp Mé Rạch, xã Đại An, huyện Trà Cú, cách chợ Trà Kha hơn cây số về hướng tây. Trà Kha là chợ xã Đại An, nơi đây có một quần cư thuộc loại sung túc nhất của Hoa kiều Trà Vinh, với hàng trăm hộ mang nguồn gốc Triều Châu, Phước Kiến, Quảng Đông… Làm ăn, sinh sống trên đất Việt, hòa đồng nếp ăn, nêp ở với cộng đồng người Việt, người Khmer chung quanh nhưng người Hoa Trà Kha vẫn giữ gìn nhiều phong tục, tập quán truyền thống như một bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Nơi được đồng bào người Hoa Trà Kha chọn xây dựng chùa Ông Bảo là một vuông đất gò cao ráo, có nhiều cây sao, dầu cổ thụ, nhìn ra con sông nhỏ, vốn là chi lưu của dòng sông Hậu, theo đúng thuật phong thủy. Ngôi chùa được xây dựng đúng theo lối kiến trúc truyền thống của người Hoa, với ngôi tiền sảnh, chánh cung, hậu cung, tất cả trên cùng một trục, mặt nhìn về hướng nam. Từ ngoài nhìn vào, trước tiên là ngôi tiền sảnh, rộng rãi, khoáng đạt dùng để bà con thập phương đến chiêm bái, cúng kiến. Phía ngoài tiền sảnh có đặt bia đá ghi công đức của những người hằng tâm hằng sản dâng cúng xây dựng, trùng tu ngôi chùa; Tiếp đến, quan trọng nhất là ngôi chánh cung, nơi đặt án thờ, bài vị Bảo sanh đại đế; Phía trong cùng là hậu cung giống như kho chứa xe nhà giàn, đồ cúng tế… Ngay trên cửa chính tiền sảnh có đặt bức hoành phi với ba chữ Phước thắng cung theo lối đại triện. Hai bên cửa là cặp câu đối ca tụng công đức của đức ông Bảo sanh:

 

Cứu cấp thừa nguy diệu diện giảng liều ân tứ tạo;

Hành nhơn phước tụng từ vân phổ biến lợi quần sanh.

 

Ở cặp cột chính chánh cung, ngay trước bài vị đức ông cũng có cặp câu đối:

 

Bảo dục quần sanh công đoài đại đế;

Quảng thi phước đức ân ngưỡng tôn vương.

 

Màu sắc chủ đạo trong nội thất tiền sảnh, chánh cung chùa Ông Bảo là màu đỏ truyền thống của người Hoa. Ở mỗi thân cột, đều có chạm nổi hình rồng theo môtíp rồng mây gặp hội.

 

Từ chánh cung nhìn ra, hai phía tả hữu là Đông lang và Tây lang, vốn là nhà khói (nhà bếp) và nơi đãi ăn uống đối với khách thập phương đến chiêm bái. Phía sau hậu cung, nơi gò cao nhất của “cuộc đất” là miếu thờ sơn thần.

 

Tại ngôi chánh cung bài vị của Bảo sanh đại đế được thờ ở chính giữa, hai bên là bài vị của Quảng trạch tôn vương và Phúc đức chánh thần, tức là hai vị thần chuyên cai quản việc làm ăn tiền bạc và việc cội nguồn phước thiện lâu dài. Đây chính là bộ ba hình thành thế chân vạc giữ gìn cho cuộc sống con người được vững chải bền lâu: Sức khỏe – tiền tài – phước đức theo quan niệm truyền thống của người Trung Hoa. Và, cũng như ở mọi cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác của người Hoa, còn có một bộ ba khác cũng được phụng thờ ngay trong nội thất ngôi chánh cung là Quan thánh đế, Châu Xương, Quan Bình. Sự có mặt của Quan Công trong tất cả các nơi thờ tự của người Hoa khiến cho không ít người, kể cả các thế hệ người Hoa trẻ tuổi sau này, lầm tưởng Ông Bổn, Ông Bảo… chính là Quan thánh đế.

 

Dần dần, theo thời gian, những người có trách nhiệm trong các Hội chùa Ông Bảo đã đưa thêm một số vị thần thánh, tiên phật… vào cùng phối tự trong khuôn viên Phước Thắng cung. Dãy nhà Tây lang, vốn được dùng làm nơi họp hội và đãi đằng khách thập phương, nay được dùng làm nơi thờ Phật, theo thế tả cung hữu tự. Ở phía huê viên bên kia lộ cũng một tượng Phật bà Quán thế âm cũng được dựng lên, do một phật tử Việt kiều về thăm quê, phát tâm cúng dường. Như vậy, trong khuôn viên ngôi chùa Ông Bảo đã có sự hiện diện của đầy đủ ba tôn giáo lớn là Lão giáo (ông Bảo), Khổng giáo (Quan công), Phật giáo (các vị phật), theo tinh thần tam giáo đồng nguyên, đã chi phối một thời gian dài đời sống văn hóa tinh thần dân tộc Hoa cũng như dân tộc Việt trong lịch sử. Không những thế, ở góc xa hơn của phía Đông lang còn có một ngôi miếu thờ Neakta, một vị thần dân gian của người Khmer của nhiệm vụ bảo an phum sóc; ở góc khuôn viên phía Tây lang lại có ngôi miếu thờ bà Chúa xứ, một vị thần dân gian mà người Việt vay mượn của người Chăm trên bước đường Nam tiến, có chức năng cứu hộ người đi trên sông, trên biển.

 

Hiện tượng phối tự nhiều đại biểu của các tôn giáo khác nhau trên cùng một cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng là một biểu hiện của hiện tượng hỗn dung tín ngưỡng thường thấy ở Nam bộ và, có lẽ, cũng là một phần tính cách con người Nam bộ. Đất mới, người mới, môi trường cảnh quan mới, điều kiện sinh sống mới… khiến người ta không thể bảo thủ với tín ngưỡng, niềm tin mang tính cội nguồn của mình mà phải dang tay ra, đón nhận, hòa nhập, tích hợp, giao lưu với những tín ngưỡng, những vị thần thánh, tiên phật của các dân tộc anh em cùng cộng cư. Ngược lại, sự xuất hiện của các vị Neakta, bà Chúa xứ được trân trọng thờ kính… ngay trong khuôn viên ngôi chùa Ông Bảo đã giúp cho cơ sở tín ngưỡng này không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của bà con người Hoa mà còn được người Khmer, người Việt trong vùng coi như cơ sở tâm linh chung, mà mỗi người dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo cùng có trách nhiệm lui tới chăm sóc, chung tay nhau lúc hội hè, đình đám. Tình đoàn kết thắm thiết giữa các dân tộc càng được củng cố, tăng cường không chỉ trong cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu mà còn ngay trong đời sống tâm linh.

 

3. Nguyên tiêu thắng hội:

 

Phước Thắng cung, tức chùa Ông Bảo, ở xã Đại An, huyện Trà Cú có khá nhiều cuộc cúng tế theo ngày vía đức ông Bảo sanh, đức ông Quảng trạch, đức ông Phúc đức, vía bà Chúa xứ, ngày cúng Neakta… Thế nhưng quan trọng nhất, được nhiều người biết đến nhất và được xem là một trong những lễ hội tiêu biểu của bà con người Hoa Nam bộ là Nguyên tiêu thắng hội và lệ cúng Trùng cửu.

 

Lệ cúng Trùng cửu, hay Trùng dương, được cử hành trong chín ngày, chín đêm từ ngày cuối cùng của tháng Tám đến hết ngày mồng Chín tháng Chín âm lịch trong khuôn viên Phước Thắng cung. Đây là dịp để người Hoa các nơi tề tựu về cùng nhắc nhở nhau lưu truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa chiêm bái những vị thần chuyên trách về sức khỏe, tiền tài, phúc đức để cầu cho chuyện làm ăn hanh thông, cầu cho phong điều võ thuận, quốc thới dân an…

 

Nguyên tiêu thắng hội là một lễ hội tưng bừng được tiến hành trong hai ngày Rằm và Mười sáu tháng Giêng âm lịch. Tuy trung tâm chính vẫn là ngôi chùa Ông Bảo nhưng địa bàn trẩy hội mở rộng ra khắp xã Đại An, nay là hai xã Đại An và Định An. Vào trưa ngày Rằm, hàng ngàn bà con người Hoa từ các huyện trong tỉnh Trà Vinh, từ Long Phú, Cù lao Dung, kế Sách bên kia sông Hậu, từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã hành hương về đây. Cùng lúc đó, hàng ngàn nam thanh nữ tú người Việt, người Khmer từ các xã trong huyện Trà Cú và các huyện lân cận cũng đổ về để được đắm mình trong không khí lễ hội. Ngôi chùa ông Bảo được trang hoàng lộng lẫy, với màu đỏ là màu chủ đạo, cờ xí rợp trời.

 

Trưa ngày Rằm, Ban trị sự hội chùa Ông Bảo, dưới sự hướng dẫn của vị cố vấn, tiến hành nghi thức khai đàn nhập hội. Ban trị sự cùng các bậc bô lão người Hoa địa phương hai hàng tựu vị trước án thờ đức ông. Trong hương đăng nghi ngút, người ta dâng lên những bánh trái, hoa quả, thức ăn chai lạt và kính báo đức ông đêm Nguyên tiêu đã đến, cung thỉnh đức ông về ngự và chuẩn bị các nghi thức rước lộc thánh. Sau khi Ban trị sự lui ra, người dân địa phương và khách thập phương đến chiêm bái, dâng cúng, van vái những điều lành cho năm mới hoặc tạ ơn về những điều tốt đẹp mà đức ông đã ban cho trong năm qua. Việc cúng tế được kéo dài suốt buổi chiều ngày Rằm tháng Giêng âm lịch.

 

Cùng lúc đó, người ta chuẩn bị các nghi thức rước lộc thánh. Đám rước bao gồm một kiệu hương đăng, một kiệu đức ông (tượng trưng bằng chiếc lư hương cung thỉnh trên án thờ đức ông), một kiệu âm binh. Đi đầu là một đoàn lân, rồi đến “bộ liệt” (do những vị trung niên có đức hạnh hóa trang thành Tam Tạng, Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng) cùng một đạo âm binh thiên tướng tạo không khí vui nhộn. Đặc biệt, mỗi năm, đi theo đám rước đều có một linh vật cầm tinh trong năm âm lịch (năm nay là con gà trống) do nghệ nhân địa phương Trầm Kim Lại chế tạo bằng khung tre, dán giấy bồi. Kéo kiệu, bao giờ cũng là trai tráng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo nhưng phải là người địa phương. Khi đám rước lộc thánh kéo từ chùa Ông Bảo (ấp Mé Rạch) ra đến cầu Trà Kha cũng là lúc hai đám rước khác từ chùa Ông Quan (thờ Quan thánh đế – Giồng Đình, Định An) và từ chùa Ông Bắc (Cá Lóc, Định An) kéo tới hội lại thành đám rước chung. Trong nhịp trống lân giục giã, theo nhịp điệu vui mắt của “bộ liệt” và linh vật cầm tinh, dưới sự hộ tống của đạo âm binh thần tướng, trong tiếng reo hò của đám trẻ con đi theo, đám rước đến Bảo an miếu, cung thỉnh bà Thiên Hậu (tượng trưng bằng chiếc lư hương trong miếu thờ bà) lên đồng vị song song trên kiệu đức ông. Đây chính là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực xưa cũ, bao giờ có dương (đức ông) cũng phải có âm (bà Thiên Hậu) mới có thể tạo ra sự sinh sôi, nẩy nở, bảo đảm cho cuộc sống đầy đủ bền lâu. Đám rước cứ thế tiếp tục đến thất Cao đài, rồi quay lại chùa Nô đôn (chùa Cò) như cùng cung thỉnh đại biểu các tôn giáo cùng dự cuộc vui của quần chúng để cùng nhau phò trợ cho người dân trong năm mới. Trên các nẻo đường mà đám rước đi qua, dân chúng, Hoa cũng như Việt, Khmer đều lập bàn hương án, khói hương nghi ngút trước cửa nhà. Đi đến đâu, đại diện chủ lễ ban phát lộc thánh bao gồm bánh trái cho trẻ con, liễn thờ cho từng gia đình để mỗi người, mỗi hộ đều được trọn năm sống trong sự chở che, phò trợ của đức ông.

 

Trước đây, mỗi lần chuẩn bị vào đám rước Nguyên tiêu, Ông Bảo đều đạp đồng về nhập xác. Xác ông đi trên lửa đỏ, uống dầu phun lửa, dùng dao bén rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa… Sau đó, xác ông theo đám rước đi khắp nơi để trấn áp ma quỷ, bảo vệ sự an lành cho người dân. Ngày nay, sau khi “xác ông” cũ chết đi, chưa có “xác mới” để đức ông nhập về nên nghi thức này không được thực hiện.

 

Thực ra, đoạn đường mà đám rước đi qua cũng chỉ vài cây số nhưng do lượng người trẩy hội quá đông, có năm lên đến vài chục ngàn người mà mỗi gia đình đều muốn cung thỉnh đức ông dừng trước hương án nhà mình vài phút nên khi đám rước trở về đến chùa Ông Bảo cũng đã là nửa đêm. Sau khi đưa ông Bảo, bà Thiên Hậu, ông Quan, ông Bắc và chư vị tiên phật, thần linh khác cùng tề tựu trên án thờ trong chánh cung, đông đảo người trẩy hội vui chơi suốt đêm trong huê viên nhà chùa, dưới ánh trăng rằm lung linh huyền ảo.

 

Sáng ra, đám rước lại hình thành để cung tiễn bà Thiên Hậu, ông Quan, ông Bắc và chư vị tiên phật, thần linh khác trở về nơi đã được cung thỉnh tối qua. Ban quản trị, bà con địa phưiơng và khách thập phương trẩy hội lại trở về Phước Thắng cung chiêm bái, cầu nguyện đức ông lần nữa cho chuyện làm ăn, tài lộc, sức khỏe, phước đức bản thân, gia đình, làng xóm được hanh thông vuông tròn và hẹn nhau mùa trẩy hội Nguyên tiêu năm sau.

Trần Dũng
Số lần đọc: 3849
Ngày đăng: 10.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hướng tới đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII - Nguyễn Trọng Tín
VÕ PHI HÙNG VÀ 10.000 QUÀ TẶNG BẠN ĐỌC - Viễn Giao
Văn chương, hay là một cách ứng xử văn hóa - Trần Mạnh Hảo
Từ phương ngữ Nam bộ đến sáng tạo văn bản thành văn - Hồ Tĩnh Tâm
Vài ý tản mạn nhân đọc thơ Vương Huy - Nguyễn Văn Hoa
Giết thơ rất dễ (!) - Trần Mạnh Hảo
Sự mặc khải của thi ca - Trần Mạnh Hảo
Sức sống văn hóa của một vùng ngôn ngữ đầy năng động - Hồ Tĩnh Tâm
Tản mạn đôi điều về văn hóa - Hồ Tĩnh Tâm
Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Hồ Tĩnh Tâm