Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
695
116.733.549
 
Nhân 120 Năm Ngày Sinh Của Bulgakov: Stalin đã thuyết phục Bulgakov không rời Tổ quốc ra sao?
Đoàn Tử Huyến

LTS: Mikhail Bulgacov (15/5/1891 - 10/3/1940), tác giả của những tiểu thuyết đã được dịch sang tiếng Việt như: Trái tim chó, Nghệ nhân và Margarita,... là một tên tuổi lớn với số phận sáng tạo gian truân từng gây nhiều tranh cãi trong nền văn học Liên Xô. Là người dịch Bulgakov từ rất sớm, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã gửi TT&VH một bài dịch trích từ cuốn sách Stalin và các nhà văn của nhà phê bình nổi tiếng Benedikt Sarnov về mối quan hệ giữa Stalin với Mikhail Bulgacov.

 

Cuộc trò chuyện giữa Stalin Bulgacov diễn ra trong những ngày tuyệt vọng của nhà văn khi bị giới phê bình và dư luận xã hội đánh tơi tả, sách không được in, kịch không được dàn diễn.

 

Từ lá đơn xin được... trục xuất

 

 

Cuốn "Nghệ nhân và Margarita" được xuất bản tại Việt Nam.

 

Vào tháng 7 năm 1929, M. A. Bulgakov gửi đến “Tổng Bí thư Đảng I. V. Stalin, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương M. I. Kalinin, Tổng cục trưởng Tổng cục Văn học Nghệ thuật A. I. Sviderski, Aleksei Maksimovitr Gorki” một tuyên bố, trong đó viết rằng ông “không còn đủ sức tồn tại, bị truy bức, biết rằng sẽ không được in sách và dựng kịch trong lãnh thổ Liên Xô”, và “bị hành hạ đến suy nhược thần kinh”, ông gửi tới tất cả các quan chức nêu trên (về thực chất là tới Stalin) lời thỉnh nguyện “Trục xuất tôi ra khỏi lãnh thổ Liên Xô với vợ tôi là L. E. Bulgakova, người cũng đồng ý với đề nghị này”.

 

Ngày 3/8 năm đó, Bí thư BCH Trung ương Đảng A. P. Smirnov chuyển đến Molotov (Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên xô) lá đơn của Bulgakov. Đồng thời ông tỏ ý nên thay đổi thái độ đối với Bulgakov: phải “kéo ông về phía chúng ta”. Còn đối với yêu cầu của nhà văn trục xuất ông ra nước ngoài thì cần phải từ chối, vì “thả ông ta ra nước ngoài với tâm trạng đó có nghĩa là làm tăng thêm kẻ thù”.

 

Ngày 28/3/1930 Bulgakov, không đợi được lời đáp nào cho “Tuyên bố” của mình, đã viết một bức thư thống thiết gửi “Chính phủ Liên Xô” (thực tế là cho Stalin), trong đó viết: “Tôi kêu gọi lòng nhân đạo của chính quyền Xô Viết và đại lượng cho phép tôi, một nhà văn không thể có ích ở trong nước, được tự do”.

 

Gỡ nút bi kịch tài tình

 

Ngày 14/4 - tức là hai tuần sau khi bức thư này được gửi đi xảy ra sự kiện nhà thơ Maiakovski đã tự bắn vào đầu. Ngày 18, một ngày sau lễ an táng nha thơ vừa tự sát, Stalin gọi điện cho Bulgakov. Không thể nghi ngờ rằng giữa hai sự kiện đó có một sự liên hệ trực tiếp.

 

Sau vụ tự sát làm rung chuyển cả nước Nga và thế giới của Mayakovski thì Stalin chỉ còn thiếu thêm vụ tự sát của một nhà văn nổi tiếng bị hành hạ đến tuyệt vọng! Mục tiêu mà Stalin muốn đạt được bằng cuộc điện thoại đó là rõ ràng. Cần phải làm yên lòng nhà viết kịch đang ở trong trạng thái thần kinh không lành mạnh, bằng một cách nào đó tháo gỡ tình huống - nếu không giải quyết được dứt điểm thì ít ra cũng làm dịu đi. Giải quyết tình trạng đó, tức là tháo gỡ cái nút bi kịch này, Stalin không thể. Bởi vì chỉ có thể giải quyết nó bằng hai cách.

 

“Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi cũng có nghĩa là bị chôn sống”, - Bulgacov đã viết trong bức thư của mình. Chỉ có một sự lựa chọn thay thế cho “mức án cao nhất” này: trục xuất ra khỏi biên giới. Nhưng ra lệnh cho phép xuất bản sách và dựng kịch của Bulgakov thì Stalin không thể (vì sao không thể sẽ được nói đến dưới đây).

 

Còn tại sao không thể đáp ứng yêu cầu trục xuất nhà văn khỏi Liên Xô thì chúng ta đã biết: “Thả ông ta ra nước ngoài với tâm trạng đó có nghĩa là làm tăng thêm kẻ thù”.

 

Stalin còn có thể làm gì trong tình huống này?

 

Chỉ có một: Chấp nhận phương án mà chính Bulgacov đã đưa ra trong bức thư của mình: “Tôi đề nghị bổ nhiệm tôi làm đạo diễn thử nghiệm ở Nhà hát Nghệ thuật số Một, trường học tốt nhất do các bậc thầy K. S. Stanislavski và V. I. Nemirovich- Dantrenko lãnh đạo. Nếu không được làm đạo diễn, tôi xin làm diễn viên đóng vai phụ. Nếu làm diễn viên phụ cũng không được, tôi xin làm công nhân sân khấu.

 

Nếu cả điều đó cũng không thể được, tôi xin chính phủ Xô Viết xử trí tôi như chính phủ thấy cần thiết, nhưng hãy xử trí như thế nào đó, bởi vì đối với tôi, một nhà viết kịch đã có năm vở kịch, nổi tiếng ở Liên Xô và nước ngoài ngay trước mắt, VÀO THỜI ĐIỂM NÀY, là đói rách, bị vứt ra đường phố, và chết”.

 

Đó là một cơn kích động thần kinh. Hoặc, nếu bạn muốn, một ẩn dụ. Vì đâu phải ông thực sự muốn xin được bổ nhiệm làm diễn viên phụ hoặc công nhân sân khấu.

 

Vừa được nghe câu nói đầu tiên của Stalin: “Chúng tôi đã nhận được thư của ông ... Ông sẽ có lời đáp tốt đẹp” - Bulgacov đã tràn trề hi vọng.

 

Lời đáp tốt đẹp đối với ông chỉ có thể là một: bãi bỏ lệnh cấm đối với các vở kịch của ông. Tức là bãi bỏ “mức trừng phạt cao nhất”. Hoặc ít ra là thay “mức án cao nhất” này bằng một mức án khác: trục xuất khỏi đất nước.

 

Về phương án lựa chọn “lời đáp tốt đẹp” này đã được Stalin bóng gió để lộ trong câu nói tiếp theo của mình: “Mà có đúng là ông muốn xin ra nước ngoài? Chẳng lẽ chúng tôi đã làm ông chán ngấy lắm rồi sao?”

 

Đang sẵn hi vọng bởi lời bảo đảm của lãnh tụ rằng lời đáp cho bức thư của mình sẽ tốt đẹp, tức là hi vọng về việc bãi bỏ lệnh cấm đối với các vở kịch của mình, Bulgakov đáp:

- Trong thời gian gần đây tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc nhà văn Nga có thể sống ở ngoài Tổ quốc được không. Và tôi nghĩ rằng không thể.

 

Câu trả lời đó đã làm lãnh tụ hài lòng:

- Ông nói đúng. Tôi cũng nghĩ vậy. Có thế chứ! Nhờ ơn Chúa! Nghĩa là bây giờ sẽ tiếp theo “lời đáp tốt đẹp” mà nhà văn đã được hứa hẹn.

 

Nhưng liền đó - như một xô nước lạnh dội lên đầu:

- Ông muốn làm việc ở đâu? Ở Nhà hát Nghệ thuật?

 

Thất vọng, Bulgakov lẩm bẩm:

- Vâng, tôi cũng muốn ... Nhưng họ ... Mức án “tử hình” đã không được hủy bỏ. Còn sự thay thế “mức án cao nhất” bằng lệnh trục xuất ra nước ngoài thì chính ông vừa từ chối xong. Vậy thì trong trường hợp này, “lời đáp tốt đẹp” ông được hứa hẹn là gì? Chỉ là người ta sẽ không để ông chết đói? Một thất bại hoàn toàn.

 

Thực tế là Bulgakov đã KHÔNG NHẬN ĐƯỢC MỘT CHÚT GÌ đối với bức thư thống thiết của ông.

 

Có vẻ như đây chính là lúc để rơi vào tuyệt vọng hoàn toàn. Nhưng trái với mọi logic và lẽ thường tình, cuộc nói chuyện này với Stalin không những không làm suy yếu mà thậm chí còn tăng thêm hi vọng của ông vào một quyết định tốt đẹp cho số phận nhà văn của mình.

 

Một năm sau (vào tháng 7 năm 1931), Bulgakov viết cho Veresaev (nhà văn Nga Xô Viết, bạn của M. Bukgakov):

 

“Một công dân có những vở kịch được diễn, rồi người ta cấm chúng, vậy thì sao? Tại sao công dân đó, Sidor, Peter hay Ivan, lại gửi đủ các thứ đơn từ đến Ban Chấp hành Trung ương và Hội đồng Dân ủy, mà lại còn về chuyện nước ngoài? Và anh ta sẽ nhận được gì? Sẽ không có gì hết. Không xấu cũng không tốt. Đơn giản là sẽ không có câu trả lời. Và thế là đúng, là hợp lý. Bởi vì nếu bắt đầu trả lời tất cả các công dân Sidor này thì mọi việc sẽ trở nên hỗn loạn. Lí thuyết là thế, anh ạ! Chỉ có điều nó chẳng để làm gì. Bởi vì vào đúng lúc tuyệt vọng nhất, thật may mắn, hơn một năm trước Tổng Bí thư đã phá vỡ lí thuyết đó, gọi điện cho tôi. Anh hãy tin vào đánh giá của tôi: ông ta đã dẫn dắt câu chuyện một cách mạnh mẽ, rõ ràng, quan cách và lịch sự. Trong trái tim của nhà văn lóe lên một tia hi vọng: Chỉ còn một bước nữa là ta sẽ được gặp ông ta và sẽ biết được số phận”. (M. Bulgakov. Tuyển tập tác phẩm, năm tập, tập 5. Moskva, 1990, trang 461 - 462).

 

 

Mikhail Bulgacov là một trong những nhà văn lớn nhất và kì bí nhất của nước Nga. Hành trình cuộc đời, hành trình văn chương của ông trên dưới trăm năm đầy gian nan thăng trầm nhưng hướng về bất tử. Mối quan tâm đối với sự nghiệp sáng tác của Bulgacov mỗi ngày một tăng ở Nga và ở nhiều nơi trên thế giới bởi hầu hết tác phẩm của ông được in, tái bản, dịch, dựng phim... Ông là một trong số rất ít nhà văn được làm Bách khoa toàn thư. Stalin rất quan tâm đến những sáng tác của M. Bulgacov. Theo tài liệu lưu trữ của Nhà hát Nghệ thuật Moskva, Stalin đã xem Những ngày của anh em Turbin 15 lần, xem duyệt Căn hộ của Dôia không ít hơn 8 lần. Cuốn Nghệ nhân và Margarita đã được xuất bản tại Việt Nam.

 

Theo TT&VH

Đoàn Tử Huyến
Số lần đọc: 1537
Ngày đăng: 16.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Suy Ngẫm Về Con Đường Mang Tên Một Vị Vua Yêu Nước - Tôn Nữ Hỷ Khương
Khi Người Việt Không Tin Chữ Việt - Lại Nguyên Ân
Mỹ cảm nghệ thuật mới trong Thơ Trẻ. - Yến Nhi
Tình Yêu Của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua góc nhìn của một người Cao Đài - Huệ Khải
Thư ngỏ gửi Bảo Ninh và Larry Heinemann - Nguyễn Khắc Phê
Tuyển tập “Thơ tình duyên hải miền Trung” - Xuân Tuynh
Về những tác phẩm Nguyễn An Ninh đăng nhật báo ‘Trung Lập’ ở Sài Gòn những năm 1932-33 - Lại Nguyên Ân
“Dâng Cha”- Khúc Nhạc Lòng Hiếu Đạo - Trần Huyền Nhung
Phan Văn Hùm & Nguyễn Trung Nguyệt” và “ Ngục Trung Ký Sự của Bảo Lương” - Thế Phong
Buồn Quá! - Hôm Nay Xem Tiểu Thuyết! - Nguyễn Trọng Bình