Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
730
116.718.814
 
Phiếm luận về ba người đàn bà cá biệt trong cổ kim văn học Việt Nam
Phạm Thành

Mấy lời nói về lý do cắt nghĩa vì sao tôi gửi bài viết này đến trang web của các vị “ Nguyễn Hiếu là một nhà văn. Dường như tất cả mọi thể loại văn chương ông đều viết nhưng sở trường và cũng là thể loại mang lại nhiều thành tựu cho ông nhất theo tôi là Tiểu thuyết và truyện ngắn. Tuy vậy mặc dù đã in đến 20 cuốn tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn, dựng bốn vở trong 52 kịch bản đã viết của ông nhưng nói như nhà văn Văn Chinh “chưa bao giờ Nguyễn Hiếu được coi là nhà văn hàng đầu đáng như phải có”. Cũng là rất may là đến thời kì phát lộ của tài năng này nên ngày 9/9 vừa qua Nhà Xuất bản Hà Nội đã cho phát hành Tuyển tập Nguyễn Hiếu coi như một ấn phẩm văn chương. Có thể coi sự kiện này là một sự hi hữu trong nền xuất bản Việt nam khi in Tuyển tập cho một nhà văn đang sung sức sáng tác. Qui mô của TTNH hơn 6000 trang bao gồm 19 tiểu thuyết, trên dưới 130 truyện ngắn. 9 kịch bản sân khấu, và khoảng 300 bài thơ . Tôi đọc TT này trước hết khâm phục sức làm việc kì vĩ của Nguyễn Hiếu nhưng cái đáng mừng hơn là trong 19 cuốn tiểu thuyết trong TT này cái nào cũng mang phong cách NH với tất cả sự bạo liệt và đa dạng có thể là niềm tự hào của văn học Việt nam đương đại. ( Có dịp nếu được phép tác giả tôi sẽ chuyển đến quí vị ba TT kì lạ này). Đó là “chuyện tình người điên” một tiểu thuyết huyền thoại viết về triều đại hoàn toàn hư cấu. Nguyễn Hiếu sáng tác TT này vào năm 1989 khi chiến dịch mùa xuân 1975 đã lùi sau 14 năm nhưng đất nước vẫn cực kì khó khăn. Nhưng vua Biđa vốn là gã nông dân lên cầm quyền thì luôn luôn cho rằng đất nước hùng mạnh của ông đang thịnh trị, trăm họ vẫn đang sống thanh bình. Cuộc xâu xé về quyền lực và những cuộc đấu tranh để dành quyền sống và cao hơn khát quát hơn là sự giằng co giữa bản năng và lý trí vẫn khi âm ỉ khi bùng phát đang dần đưa quốc gia này đến sự xụp đổ. Khi so sánh với tiểu thuyết “Nghệ nhân và Mácgarítta “ của Bunga cốp với “chuyện tình người điên” Nhà văn Văn Chinh đánh giá “hình tượng siêu quyền lực của Nguyễn Hiếu là của chung nhân loại nó có thể tái sinh và biến dạng ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào“ so với hình tượng của Bungacốp “chỉ khuôn vào một thời đại, một quốc gia” . TT thứ hai là “chân trời vỡ đôi”. Thông qua một vụ án mạng Cuốn tiểu thuyết nói về sự phản kháng cực chẳng đã của một người chân chính bị một kẻ độc ác, nhiều thủ đoạn khoác đủ mọi hình thức tốt đẹp để khống chế bắt làm đủ mọi điều xấu xa chỉ vì kẻ ác kia tình cờ chứng kiến một lỗi lầm của kẻ chân chính thời ấu thơ”. Còn TT thứ ba”con ngố”mà Văn Chinh nhận định” chuyện con Ngố là chuyện của số phận của cả một dân tộc với một triết lý sâu sắc: Đất mẹ vô ngôn, sự im lặng thậm chí là đã là nơi cho mọi mưu đồ tranh đoạt ,mọi tình yêu hoặc vô tư hoặc vụ lợi tình dục ươm gieo”. Riêng tôi lại cảm nhận thêm “con Ngố “sở dĩ là một kiệt tác vì ngoài bút pháp TT đã đạt đến độ nhuần nhuyễn thì  Nguyễn Hiếu đã vẽ lên một người đàn bà ngớ ngẩn, xinh đẹp hiền lành có thể ăn nằm với đủ loại người từ thằng mõ ,đến gã Lý Trưởng, từ thằng mật thám tây đến ông Việt minh nằm vùng đánh từ vùng tự do sang , từ ông đội cải cách ruộng đất đến ông chỉ huy bộ đội tên lửa phòng không thời chiến tranh, hay thằng Mít hèn hạ, mạt hàng nhất làng, tay cán bộ thuế vụ chuyên bắt buôn lậu  .. Phải chăng với hình tượng kì lạ có một không hai trong TT hiện đại Việt nam Nguyễn Hiếu đã khái quát thân phận dân tộc Việt nam cam chịu và chấp nhận một cách nửa vời đủ thứ giáo lý ,chủ nghĩa du nhập của thế giới từ đạo Khổng, chủ nghĩa Đại đông Á của Nhật, chủ nghĩa Mácvv .. Một thứ thắng cố của tư tưởng để rồi tạo ra một chế độ chẳng giồng ai y hệt như đứa con thứ ba của “con ngố “Liễu Có khuôn mặt xinh đẹp ,thánh thiện nhưng chân tay ,thân hình lại dị dạng của một quái thai.  Cuốn TT này ra đời năm 2007 khi đọc đi đọc lại nhiều lần tôi đã nhận ra sức khái quát lớn lao của Nguyễn Hiếu và viết nên phiếm luận này. Nay đọc lại “con Ngố’ trong Tuyển tập Nguyễn Hiếu tôi nghĩ thấy càng cần giới thiệu TT này ra thiên hạ để trả nó cũng như nhà văn Nguyễn Hiếu về đúng vị trí xứng đáng.PT               

 

               

                                                             

Cá biệt vì ba người này không giống người đàn bà nào đương thời họ sống và trong tác phẩm mà nhà văn sáng tạo ra.

 

Hai người đã rất nổi tiếng. Đó là Vương Thuý Kiều, trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, vị quan thất sủng của chế độ phong kiến. Người thứ hai là chị Dậu, trong tiểu thuyết Tắt Đèn của Ngô Tất Tố - ông nhà văn có đủ ba phần: đồ nho, Tây học, cách mạng. Người thứ 3, đó là nàng Liễu, trong tiểu thuyết Con Ngố của tiểu thuyết gia đương đại Nguyễn Hiếu, công dân xã hội chủ nghĩa. Liễu chưa nổi tiếng, vì Nguyễn Hiếu mới cho Liễu “ra lò” năm 2007. Nhưng rồi, Liễu sẽ nổi tiếng, vì nàng là một người con gái - phụ nữ - đàn bà (sau đây gọi là đàn bà), tuy cũng là cá biệt, nhưng lại mang bản chất đàn bà còn chói ngời hơn hai nàng kia. Hai nàng kia đã nổi tiếng, vậy thì, tôi đồ rằng, sớm muộn đàn bà Liễu cũng tạo ra duyên phận cho danh tiếng mình, khi nàng có đầy đủ tố chất để làm nên danh giá của một nhân vật, một kiếp người. Xin trình ra đây, những mảng “lý lịch, tính cách, thân phận”của ba người.

           

1.  Kiềù của Nguyễn Du

 

Kiều được Nguyễn Du sáng tạo cách đây gần hai thế kỉ.

Nàng được Nguyễn Du PR hết cỡ. Lấy Thuý Vân (em Thuý Kiều) làm phông, mà cô em này, thì: “ Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy dặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười, ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Hoa hậu quá rồi. Người ngọc như thế này, 10 kỳ thi Hoa hậu Báo Tiền Phong, xem ra chẳng ai có thể tranh được vương miện hoa hậu với Vân (tất nhiên, chỉ tính ở cái bản mặt và trả lời phỏng vấn thôi, chứ biết đâu, mặt Vân đẹp như trăng rằm, tiếng nói, điệu cười như nhả ngọc, phun châu, nhưng ngực nàng lại quá to, eo nàng lại quá lớn, chân vòng kiềng… thì đã bị loại ngay ở vòng thi cấp cơ sở, chứ chẳng phải đợi đến ông nhà thơ,Tổng Biên tập báo Tiền Phong, kiêm trưởng Ban Tổ chức các cuộc thi hoa hậu báo Tiền Phong Dương Kỳ Anh loại). Người khả dĩ tranh được với Vân chính là cô chị  - Vương Thuý Kiều.Vì“ Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn? Làn thu thuỷ, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh/ Một hai nghiêng nước, nghiêng thành/ Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai/”

 

Đẹp quá! Xứng đáng được truy tặng danh hiệu vạn đại mỹ nhân của nước Việt Nam ta. Còn tài của Kiều cũng thật toàn bích, đủ các ngón: cầm kỳ, thi,  hoạ. Thơ nàng viết ra không nhạt nhào, lễnh loãng như thơ của mấy ông dửng mỡ, lắm tiền, thích đeo vào mình danh hiệu thi nhân hão. Tài thơ của Kiều đến quỷ phải khóc, thần phải sầu. Nàng chỉ mới ứng tác 4 câu thơ và vạch vào vỏ cây: “Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần” mà Đạm Tiên phận bạc, từng dạn dĩ trong đời, đã phải đạp mồ chui lên, nhỏ lệ, nức nở khen: “Ví đem vào tập đọan trường/ Thì treo giải nhất dám nhường chi ai”. Riêng cái ngón cầm kỳ với đủ cung bậc, làm đắm say  lòng  người: “ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”, tương đương tài của danh nhân vĩ cầm của xứ Ý đại lợi.

 

Đẹp thế, tài thế, nhưng cái đức của Kiều có vấn đề. Thời thì khen, thời thì chê, tuỳ theo phong hoá, giáo lý của thời ấy. Người thả sức tán tụng, người thì dẩu mỏ chê bai hết cỡ. Thời phong kiến coi truyện Kiều là thứ phong tình bậy bạ, tuyên truyền cho lối sống phóng đáng, tự do vô lễ giáo. Các nho gia, quan lại coi Kiều là một con đĩ. Ngay trí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, đã giữ đến chức quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, cũng lớn giọng phê: “ Kiều là một con đĩ”.

 

Ý của cụ cũng có cái lý của nó. Mới mười lăm, mười sáu tuổi, đang sống trong xã hội bị thít chặt, ràng buộc bằng đạo lý: “nam nữ thụ thị bất thân mà cái máu ái tình đã ngùn ngụt trong mình, khiến Kiều ta bất chấp tất cả. Nhân cả nhà đi vắng, ả đã sang nhà Kim Trọng trò chuyện cả ngày, tối đêm mới đảo qua nhà chốc lát, thấy bố mẹ và hai em chưa về, Kiều lại quyết định: “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình” sang nhà Kim Trọng. Kiều lơi lả, ve vãn, rừng rực đến độ, cái gì đến đã đến: “ Chén hà sánh giọng quỳnh tương/Dãi là hương lộn bình gương bóng lồng”. Rất giống cách yêu vội, sống nhanh của đám thanh niên được thả lỏng thời nay. Những bậc phụ huynh nhà tử tế, có học cũng không thể chấp nhận kiểu tình yêu ăn xổi, ở thì chóng vánh đến vậy. Về khía cạnh này, mới hay Nguyễn Du cũng là nhà thơ thích sự sáng tạo, và nhìn thấu đựơc bản chất sâu xa của đám con gái chớm dậy thì, nguy hiểm đến chừng nào. Kiều đẹp, Kiều tài, được Nguyễn Du đặt trong nhóm tài tử để trang điểm cho sự hoa lá của giống nữ nhi, nó là cái nền để làm nẩy cái ngón lẳng lơ chim trai đến độ: sợ vợ như Thúc Sinh cũng không tránh khỏi liên luỵ; giang hồ, anh hùng cái thế  Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” như Từ Hải đã phải trả giá bằng cả mạng sống, và tiêu vong sự nghiệp cung kiếm hiển hách, ngang tàng.

 

Cái chất lẳng lơ, trai gái đĩ bợm đó được cụ đồ nho, Tam nguyên Yên đỗ Nguyễn Khuyến vạch rõ: “Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng/ Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan”, và định tội, hạ sát: “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”. Còn người khen, như cụ Thương thư Phạm Quỳnh, xem Kiều như một báu vật để kiêu hãnh. Cụ tuyên bố: “Truyện Kiều còn, thì nước Nam còn”. Người đàn bà xinh đẹp, bất hạnh ấy, thốt nhiên trở thành biểu tượng trường tồn của văn hoá Việt Nam ta.

 

Thời khen kiều, thương Kiều là thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong  sách gíao khoa dậy con trẻ làm ngươì, nói rằng: Kiều là điển hình của mẫu người phụ nữ tài năng, bị chế độ phong kiến vùi dập, và đó là bản chất của chế độ này. Thân phận Kiều, phải “ Thanh y hai lượt, thanh lâu ba lần”, là một bản án lên án chế độ phong kiến, chà đạp lên người có tài, có đức như Kiều. Kẻ đang phiếm luận này, thủa học phổ thông, nghe thày giảng đoạn này, thấy căm thù chế độ phong kiến lắm lắm.Y mơ ước, giá Kiều sống lại, ắt sẽ được trọng dụng. Tài có thể làm đến chức Hội trưởng Hội phụ nữ, hoặc ít ra cũng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Nghệ thuật như bà Giáng Hương hiện nay. Khéo chạy và có cung mệnh thuận thì biết đâu chả đựơc phong lớn, cỡ mẫu nghi thiên hạ.

 

Thôi thì, một nhân vật do con người tưởng tượng ra, ai khen ai chê - cũng là khen, chê với con người tưởng tượng đó - thế nào mà chẳng được, tuỳ tâm, tuỳ đức và tuỳ cả trí lực, văn hoá của họ. Như cái việc Kiều bán mình vậy. Có người nói, như thế là rất có đạo đức. Vì, nhờ đó mà Kiều có ba trăm lạng vàng chạy quan nên cả gia đình thóat tội vu oan của thằng bán tơ. Cái đức “làm con trước phải đền ơn sinh thành”, trước đúng, nay đúng và mai sau vẫn đúng. Còn cái chữ trinh, tuy đáng giá ngàn vàng, song, nó “cũng có dăm bảy đường/ Có khi biến, có khi thường”. Tôi cũng tán đồng việc đánh giá cao hành động hỉ xả của Kiều. Tôi tin rằng, ngày nay, cái đức này của phụ nữ vẫn còn tồn tại, và giá kể trời cho tôi có ba trăm lạng, tôi có thể cứu được hàng trăm cô gái khỏi bị bán sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

 

2. Chị Dậu của Ngô Tất Tố.

 

Chị này được cụ Ngô Tất Tố khai sinh năm 1939, và là một nông dân có ba con. Khác với Kiều, nhất quyết kiếm ba trăm lạng vàng lạng cứu cả gia đình, chị Dậu lại một mực không. Chị thà chết chứ không đem “vốn tự có” của mình ra để kiếm tiền, giải cứu cho chồng đang bị trói ở đình, vì thiếu sưu, nợ thuế và cứu những đứa con sắp chết vì đói. Có người so sánh, riêng khoản này, đức của chị Dậu không bằng Kiều. Chị không thức thời, biết mình, biết thời thế bằng cô tiểu thư nhà họ Vương kia. Cái “vốn tự có” của chị Dậu thì thế nào nhỉ? Kém xa của Thuý Kiều. Kiều mới qua tay Kim Trọng, lại trẻ, đẹp vào hàng vạn đại mỹ nhân, đủ hết các ngón tài tử làm say lòng ngưòi. Còn chị Dậu, chỉ là nông dân mù chữ, nhan sắc thì cũng là ngộ ngộ nhà quê vậy thôi, lại đã qua ba lần sinh nở. “Vốn tự có”, trên thì đã “nhăn như bị”, dưới thì “chỉ thấy da”, còn đâu vẻ ái ố mỹ miều, chim sa cá lặn. Lão quan huyện, cũng như chán vạn kẻ đàn ông trên dương thế này đều dính vào cái dớp “một cái lạ bằng tạ cái quen”, chán “ăn” má phấn, môi son, thấy chị Dậu mặn mà, ngồ ngộ, chân chất thôn dã mà ham, thế thôi. Cho quan một cái thì được lợi, mà không cho cũng không đến mức quan phải “cố đấm ăn xôi”, như cụ Ngô đã viết trong chuyện. Còn cụ cố, đã gần tám mươi tuổi, nếu chị Dậu đồng ý, cũng chỉ như để thoả chút đàn ông còn dư sót trong người, khác chi “chuồn chuồn đạp nước”. Chiều cụ cố một chút, còn lâu mới đựơc ba trăm lạng, nhưng chí ít cũng được một khoản kha khá, vừa để cứu chồng, vừa có chút ít nuôi con. Thế chẳng là đạo đức sao? Như nàng Kiều đấy. Nói gì thì nói, chứ việc bán mình chuộc cha ấy, mấy kẻ dám chê bai khinh thị. Đó là con đường sống, vì “người còn thì của hãy còn” kia mà. Nhưng, chị Dậu lại không. Chị không lựa con đường sống ấy, nhất quyết  “…chạy ra ngoài sân trời tối đen như mực, tối như cái tiền đồ của chị”, tức lao vào cái hũ nút của đời mình.

 

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng, chị Dậu kiên quyết giữ sự chính chuyên của mình với quan và cụ cố đã tạo nên cái cao cả của tác phẩm và của người con gái nhà lành. Nếu chị Dậu mà đồng ý (như Thuý Kiều kiếm ba trăm lạng) thì chất lượng tác phẩm, và cả đạo đức của nhân vật này sẽ thấp đi. Tôi cho rằng, chưa hẳn đã như vậy. Vì, Kiều đấy, không chỉ có cho mà còn bán cả thân sống của mình, vậy mà tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du có thấp đâu, Kiều có lùn đi chút nào đâu. Kiều vẫn được nhiều người nắc nỏm vì đức dám hy sinh cái riêng của mình để cứu sinh mệnh của gia đình. Đó cũng là đạo lý. Xưa nay, chuyện cứu người, chưa bao giờ bị đánh giá thấp hơn là chỉ biết khư khư giữ cái danh giá riêng của mình, để cho người thân, cốt nhục của mình bị hành hạ.

 

Tất nhiên, chị Dậu cũng là do cụ Ngô Tất Tố tưởng tượng ra, vô tình thành ngưòi đàn bà đối lập lại Thuý Kiều, và rất nhiều người phụ nữ tương tự như Thuý Kiều mà thôi. Hãy tưởng tưởng xem, hàng ngày cụ cố bú sữa của chị Dậu mấy lần? Và, khi bú trực tiếp thì khoảng cách từ bú vú đến mọi chuyện khác giữa đàn ông và đàn bà quá ư bé nhỏ. Ấy mà chị Dậu lại từ chối. Chị Dậu từ chối vì lẽ gì? Vì ông ấy già quá ư? Vì ông ấy không phải là chồng mình ư? Vì mình không cần ba trăm lạng ư? Tôi tin là không phải. Nếu đem cách nghĩ, sự xử lý thời nay mà chiếu vào thì còn khó tin hơn nữa.

 

3. Liễu của Nguyễn Hiếu

 

Không giống hai người đàn bà trên, Liễu của Nguyễn Hiếu có một lý lịch và một đời sống đàn bà khác hẳn. Đọc hết tác phẩm rồi, mình tự hỏi mình, Liễu là: con ngố, con điếm, con điên, nhân hậu, thánh thiện, hay một mẫu người đàn bà nào khác?

 

Trong tiểu thuyết, nhân vật Liễu cũng có cha, có mẹ, nhưng mắc bệnh hủi và đã chết từ hồi nào, Liễu cũng không biết. Vì vậy, Liễu bị dân làng Chiện xa lánh. Liễu không có tài sản gì. Chỗ ở của Liễu y chang chỗ ở của nhân vật nổi tiếng trong chuyện cổ tích, chàng Thạch Sanh, chỉ là một túp lều, lợp bằng lá cây, tựa vào gốc cây đa ở gảnh đình của làng Chiện, nơi ít người qua lại. Về sắc đẹp, đọc đi đọc lại, chỉ thấy Nguyễn Hiếu ghi phác hoạ theo cách của truyện ngụ ngôn khuyết danh, qua cách nhìn của dì Mận - một người họ hàng xa: “Con bé đẹp như tiên như phật, lại hiền lành nhẫn nhục thế kia”. Xét về tính tình của người đàn bà này, có thể coi là một sáng tạo lạ lùng của Nguyễn Hiếu. Ngay đầu đề của tiểu thuyết - Con ngố - đã gần như sự phiếm định về tính cách Liễu. Một người con gái, không có gia tài, không anh trên em dưới, có bề ngòai đẹp và một tính tính hoang sơ trong trẻo và cao cả như thiên thần. Khi đã không khôn ngoan, tính tóan để kiếm lợi cho sự mưu sinh của mình, thì theo quan niệm của đại đa số con người đang ăn uống, thở hít, đích thị là thứ thằng ngố hoặc con ngố rồi. Nhưng, nói gì thì nói, điều rõ nhất, đậm đặc nhất, mãnh liệt nhất, ly kỳ nhất, xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm hơn 400 trang, Con ngố đã gieo vào lòng người đọc một khẳng định: Liễu là một người đàn bà đích thực. Mà đàn bà thì “ là cái thứ để cho đàn ông vui, đàn ông thích”; nghĩa vụ là phải “chiều chuộng họ, mỗi khi họ cần”; là: “Ông trời sinh ra đàn ông, đàn bà là để cho nhau. Ai thích cứ việc. Mất gì phải ngăn cấm”,: “Đàn bà phải chiều đàn ông. Lúc mệt mỏi ốm đau thì xin đàn ông cho nghỉ”, vân vân…Vâng, trong ý niệm về đàn ông, đàn bà của Liễu chỉ có thế. Cái ý niệm này đã song hành cùng Liễu từ thời Pháp cai trị, qua thời cải cách ruộng đất, cho đến khi bom dội vào làng Chiện trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc; rồi miền Bắc tập tọang làm kinh tế với tem phiếu và những chế độ đầy chất bao cấp khác. Nghĩa là, mọi thời kì lịch sử điển hình nhất đã bừa phứa qua căn làng cổ nhỏ bé, bám lắt lẻo bên dòng sông Cái của Liễu.

 

Cũng cần “chua” thêm đôi chút để có thể hiểu thêm cái khả năng sáng tạo nhân vật đàn bà của tay nhà văn người Chèm này. Năm 1973, vừa chân ướt chân ráo rời trường đại học, Nguyễn Hiếu mang hai bản thảo cho Nhà xuất bản Văn học. Bản thảo thơ đựơc nhà thơ Chế lan Viên đọc và phê “mặc dù có câu thơ rất hay “tiếng bom nổ làm méo cả vầng trăng” nhưng phải cẩn thận để tránh rơi vào chủ nghĩa nhân văn” . Còn nhà văn Vũ Thị Thường thì nhận xét tập truyện ngắn của Nguyễn Hiếu: “chú xem ra có khả năng khi viết về loaị đàn bà tam toạng”. Cách đây 20 năm, vào năm 1988, Nguyễn Hiếu cho in cuốn  tiểu thuyết thứ hai trong văn nghiệp của mình: “ngưòi đàn bà quỉ ám”, kể về một người đàn bà dùng thân xác của mình, cùng mánh lới để tiến thân, đã tạo ra dấu ấn mạnh cho độc giá thời đó; đã làm cho nhà văn Nguyễn Đình Chính đam mê đến độ đem in lại vào năm 2001, với nhan để rất đối nghịch “thôn nữ”. Đến năm 2003, với tập truyện ngắn “khi ngưòi đàn bà trở về”, thêm một lần nữa ghi nhận khả năng vẽ nhân vật đàn bà của Nguyễn Hiếu. Đến “con ngố”- cuốn tiểu thuyết thứ 17- đã có thể coi như một đỉnh mới trong sự sáng tạo lạ lùng của nhà văn này. “con ngố” - Liễu - của một phần năm thế kỉ sau, hoàn toàn đối nghịch với cô nàng La khôn ngoan trong “ngưòi đàn bà quỉ ám”. Liễu vời vợi, mênh mông đàn bà một cách thơ dại so với ả La nhỏ nhen, tính toán theo kiểu đàn bà bợm bãi khoác áo chính chuyên. Thấy rõ, qua từng tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu, nhân vật đàn bà ngày càng trở nên kỳ quái. Nó là sự tôi luyện bản năng theo một hướng nhất quán của Nguyễn Hiếu, để Nguyễn Hiếu từng bước hoàn thiện về người đàn bà của mình - có thể nó là tam toạng và ngày một thêm tam toạng hơn; có thể nó là nhân văn và ngày một thêm nhân văn hơn. Chẳng sao cả. Cuộc sống có quy luật của nó. Sự đoán định của con người, suy cho cùng cũng chỉ là sự đoán định.

 

Trở lại nhân vật Liễu. Vì chỉ tâm niệm mình là đàn bà, Liễu đã thực hiện chức phận đàn bà một cách tự nhiên. Chữ trinh “đáng giá ngàn vàng”, Liễu cũng không có một chút ý thức nào. Nó có không, mất trong cuộc tình nào, vào lúc nào, Liễu không mảy may quan tâm. Xét về tính cách nhân vật, theo lối nói của nhà phê bình, thì đây là nhân vật đi chông chênh một cách kì ảo giữa cái thiện muôn đời và sự hỉ xả mang thiên chức phụ nữ dưới góc độ tình dục. Một nhân vật không bình thường, đáng thương, nhưng thật sự đáng kính trọng, bởi sự kì vĩ, ngô nghê thánh thần. Khi Mận (chú dượng của Liễu) hỏi Liễu, người đàn ông đầu tiên nào ăn nằm với Liễu, Liễu trả lời nhẹ tênh: “ Cháu không biết”, và Liễu hỏi lại ông chú dượng: “Mà biết để làm gì?”. Trong đầu người đàn bà này, không có chữ trinh và khái niệm về sự trong trắng của con gái.

 

Nàng Kiều thì không thế. Sau hàng loạt sự cố ở đời, nàng đã xót xa qua câu thơ cực hay mà cũng thực ngậm ngùi của nhà thơ, vị quan thất sủng của triều đình phong kiến: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”; rồi ân hận một cách ích kỉ: “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Còn chị Dậu kiên quyết vì chồng mà giữ tấm thân ba thước của mình, nhất định không bán “trinh” cho quan và cụ cố để kiếm tiền. Tất nhiên, chị Dậu giữ, trước hết cho anh Dậu, nhưng, chị Dậu cũng chưa hẳn đã biết, anh Dậu, trong hoàn cảnh cùng cực, có cần sự chính chuyên mà chị quyết giữ cho anh không, khi anh, con anh chị đang thập tử nhất sinh vì đói, vì bị đày đoạ?

 

Đã là đàn bà, chức phận là phải sinh con, đẻ cái. Mà muốn vậy, phải có đàn ông. Đối với Liễu, người đàn ông nào, cũng vậy vậy thôi.

 

Với tâm niệm đó, tấm lòng đó, Liễu chấp nhận và đôi khi đành chấp nhận bất kỳ loại đàn ông nào của làng Chiện. Từ chú dượng Mận (lấy gì của Liễu), đến thằng Mít, thằng Ổi, thằng Rơm (phận đày tớ), đến cậu Lãm (con nhà giầu), Chíp (cai lính trên đồn Tây); từ lão Chàng bổ củi đến Lý Ung (lý trưởng); từ Nhuận (mật thám cho Tây), đến Lý (cán bộ tiền khởi nghĩa, sau làm đến chức tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa), cán bộ Củng (đội trưởng đội cải cách ruộng đất) … Liễu cũng “cân” tất. Trong số đó, có kẻ xấu xí, hôi mù, người thô tháp, chân như chân ngan, chân vịt, Liễu cũng chỉ  khó chịu một chút, như một người đang đói “ăn củ khoai giun, miếng cháy khô” mà thôi.

 

Người đàn ông nào Liễu cũng thương, cũng quý. Họ tự nguyện đến với Liễu, không những được Liễu đáp ứng nhu cầu tình dục, mà còn được Liễu chia sẻ nỗi cô đơn, gánh nặng của cuộc đời. Như Lý, được Liễu an ủi, làm vơi đi nỗi tang thương cả nhà vừa bị Tây giết hại. Lính Chíp ấp ủ hy vọng được Liễu sinh cho thằng con trai để kế tục dòng họ. Chú Mận thì được Liễu chia sẻ cái tình chán vợ già. Mật thám Nhuận được an ủi bởi lâu nay phải chung tình với cô vợ thường xuyên ngoại tình với bố nuôi ( một lão mật thám Pháp già)…Khi thằng Mít khóc và than thở về thân phận làm đày tớ, thường xuyên bị cậu chủ Lãm đánh dập, chủi mắng, Liễu đã biết nói những lời có cánh: “Thôi, đừng khóc nữa. Đàn ông phải cứng rắn lên”. Nhờ lời nói đó, mà chất đàn ông trong Mít cứng lên, vội “ôm chầm lấy Liễu, rồi hai đứa lăn uỵch xuống đất. Tiếng khóc nhỏ dần. Thoang thoảng trong túp lều ven đê, tiếng tình ái đắm đuối của Liễu vang lên nhè nhẹ…Chỗ này kia mà”. Sau cuộc ái ân đó, Mít thay mặt cho đàn ông làng Chiện quyết làm cho Liễu cái giường (một nghĩa cử thương Liễu duy nhất của đàn ông làng Chiện) bằng tre đực, vì Mít biết rằng: “ Cái chỏng này yếu quá. Hai người thì gãy mất. Thôi để hôm nào tôi đóng cho Liễu cái khác, toàn bằng tre đực mới chịu được”.

 

Ôi, một người đàn bà ở hoàn cảnh như Liễu mà đem tình, đem tấm thân của mình làm vơi đi bao nỗi buồn, bao nỗi cô đơn, nỗi đắng cay của biết bao đàn ông trong kiếp người, thì con ngốc đó, vĩ đại thay. Với nghĩa cử như vậy, Liễu thoắt trở thành biểu tượng của đất Việt với mang mang hình tượng chữ S, đúng như dáng của người đàn bà phì nhiêu, mông to, ngực nở, đầu đội nón, dãi dầu sương gió. Bao nhiêu giặc giã: Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ …; rồi sau này, kể sao cho xiết đám nhà đầu tư từ mọi phương trời kéo đến. Có người đến bằng tình, bằng tính toán kinh tế; có kẻ đến vì tìm thấy cái lợi khi nhìn thấy sự khờ dại của sự quản lý kinh tế, sự trù phú của cải của non nứơc Việt. Từ đó mà đủ mọi giáo lý, đủ thứ triết học ập vào xứ sở này, để nháo nhào thành một nồi thắng cố triết học, gồm đủ thứ thượng vàng, hạ cám mà đất nứớc này vẫn chịu đựng, chấp nhận tha thứ một cách vô tư như con ngố - Liễu, đến mức thằng Mít - một người duy nhất thương Liêu đã phải tính toán phải đóng cho liễu cái chỏng khác – toàn bằng tre đực mới chịu được. Hình tượng của Liễu, tức là hình ảnh dân tọc Việt Nam trong mấy chục năm qua, sẽ mãi trường tồn là vì nhẽ đó.

Sự chia xẻ này hoàn toàn mang tính bản năng, chức phận của đàn bà, hoàn toàn không vụ lợi. Vì vậy, khi những đàn ông ở làng Chiện hỏi Liễu: có biết vì sao họ đến với Liễu không? Liễu chỉ có một câu trả lời: “Cháu không biết”.

 

Đã không cần biết chữ trinh là gì, người đàn bà vĩ đại này, có chửa với ai, cũng không quan tâm. Khi thấy bụng Liễu thỉnh thoảng lại lum lùm (3 lần), đầy tớ Mít hỏi: “Chửa với ai?”; chú dượng Mận hỏi: “Của thằng nào đấy?”; Lý Ung hỏi: “Cái này là của ai?”… Liễu vô tư chỉ với một câu trả lời: “ Cháu làm sao biết được”.

 

Bận rộn quanh năm chuyện ái ân và sinh đẻ, làng Chiện đã qua biết bao biến cải: đánh đổ thực dân phong kiến, kháng chiến chống Pháp chín năm; cải cách ruộng đất, chia quả thực; Mỹ đánh phá ra miền Bắc; bộ đội về làng; được cấp tem phiếu lương thực, thực phẩm, dường như không mảy may ảnh hưởng đến người đàn bà thuần khiết này. Liễu lúc nào cũng ôm bụng chửa mà hỏi người làng Chiện rằng: “ Việt Minh là gì? Mật thám là gì? Địa chủ là gì? Phản động là gì?...”. Tôi cứ băn khoăn mãi về chi tiết này. Có thực có một người đàn bà như thế tồn tại trong cõi đời này không? Nói như nhà văn Phong Thu: “Nguyễn Hiếu cứ viết xơi xơi như thế để người đọc thả sức băn khoăn”. Nhà thơ Trần đăng Khoa lại nhấn “Nguyễn Hiếu để ý đến đích bay hơn là cách bay”. Lời thiên hạ đúng sai khó lường.

 

Tuy không biết “chính trị chính em” là gì, nhưng Liễu lại hiểu một cách bình dị, thế nào là lẽ đời. Khi chú dượng Mận chê Liễu: “ Nhà mày có mả hủi, ma nó cũng không dám rước”. Nghe dứt câu, Liễu vùng vằng, vụt đứng dậy, đốp lại: “Chú về đi. Về ngay đi. Cháu xấu xí, bẩn thỉu, chú thiết gì mà đến”. Ông chú dượng Mận buộc phải làm lành: “Ơ, con này. Tao mới nói thế đã dỗi”, rồi rối rít làm lành: “Ơ, mày làm thế trông càng xinh. Thích nhỉ”. Hay khi lý trưởng làng Chiện Lý Ung mắng Liễu về cái việc Liễu “ăn nằm” với nhiều đàn ông: “ Mày là đồ chó cái”. Liễu thủng thẳng đáp: “ Cháu mà là chó cái á? Thế thì lạ quá, chó cái làm sao ngủ được với người?”. Hồn nhiên như chân lý.

 

Liễu có thể ngủ với nhiều đàn ông trong làng, nhưng trong đầu óc thơ dại của Liễu luôn nhận ra cái lý của sự làm người. Khi ông chú dượng mò đến, Liễu không cho, dượng Mận đã giải thích: “Chồng cô, vợ cậu, chồng gì/ Trong ba người ấy chết thì không tang”, tức là chả có anh em máu mủ gì với nhau, mà phải kiêng khem, Liễu mới đồng ý.

 

Liễu cũng dứt khoát không làm con đĩ. Liễu hiểu rằng, cho người ta ăn nằm với mình mà nhận tiền của của người ta, thì mình mới là con đĩ, tức là bán trôn nuôi miệng. Ở làng Chiện, có nhà hàng của mụ Hai Ngãi kinh doanh món hàng này. Liễu không khinh thị họ, nhưng Liễu xa lánh vì cảm thấy thế nào ấy.

 

Đây cũng là một nét đáng yêu của Liễu. Thực tế Liễu nghèo lắm! Nghèo đến mức cái bát ăn, cái niêu nấu cơm cũng không có. Nhưng ăn nằm với Liễu mà cho tiền thì Liễu nhất định không lấy. Nhà cách mạng Lý, trong một lần bị mật thám đuổi bắt đã chui vào lều của Liễu, và hai người đã ái ân. Nhà cách mạng này đưa cho Liễu một nắm tiền, nhưng Liễu từ chối. Mật thám Nhuận vì bị ốm ở lại lều của Liễu, sáng sáng đưa tiền cho Liễu đi chợ, khi về tiền  thừa bao nhiều Liếu trả lại đủ.

 

Tóm lại, Liễu là một mẫu người đàn bà khác hẳn Kiều và chị Dậu, rất riêng biệt trong văn học Việt Nam. Cả ba đều không thể là điển hình của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam từ phong kiến, qua đế quốc thực dân và đương đại xã hội chủ nghĩa. Ba thân phận này là cá biệt, chỉ chiếm một tỷ lệ  rất nhỏ bé trong cộng đồng chị em phụ nữ nước ta từ trước đến nay mà thôi. Nước Việt Nam ta, đàn bà đa phần là chính chuyên, yên phận, mấy ai đa đoan như ba người đàn bà mà kẻ phiếm luận này đang bàn.

 

Theo tôi, trong ba nhân vật phụ nữ này, thì nhân vật Liễu là nhân vật nhân bản nhất, sống vi tình người nhất và đúng thiên chức nhất. Nàng có tinh thần của mẹ Âu Cơ (muốn sinh thật nhiều con), có căn cốt của Liễu Hạnh (thoả mãn tình dục). Tôi khoái nhân vật này. Nếu như Kiều, có nhiều người ghét, vì cho nàng là một con đĩ, vì nàng mà có người (Từ Hải) chịu chết đứng và tiêu huỷ cả sự nghiệp. Chị Dậu lại không biết quyền biến, khư khư giữ cái “vốn tự có”, để chồng con chịu khổ, thì nàng Liễu chẳng có cái gì để mà chê, mà ghét. Liễu nghèo, không có chữ, không phải là cơ sở để người đời khinh bỉ. Liễu là đàn bà, thì vui vẻ sống với cái kiếp đàn bà, phải làm sao cho tất cả những người đàn ông đến với mình đều nhận được ở mình sự giao hoà mặn nồng của âm - dương - trời - đất, và sau đó là sự sinh con để cái cho đời. Nàng như cây cỏ trong sự phồn thực mang tính tôn giáo thuần khiết,  không lấy cái “vốn tự có” để chài đàn ông, làm hại đàn ông, vì lợi ích riêng cho mình. Đây là thiên chức của giới tính đàn bà, xưa đúng, nay đúng, ngày mai vẫn đúng. Nhân vật Liễu của Nguyễn Hiếu lộ rõ phẩm cách này và hơn hẳn Kiều của Nguyễn Du và chị Dậu của Ngô Tất Tố. Tôi nghĩ, trong kiếp người ngắn ngủi, tâm niệm như vậy, sống thực như vậy, thế cũng là đủ.

 

Trong tiểu thuyết kì lạ này, nhà văn Nguyễn Hiếu triết lý: “ Đàn bà, dù quyền cao, chức trọng đến đâu mà cô đơn trên trái đất này cũng bất hạnh hết. Sau những tiệc tùng, tung hô, ngợi ca trở về còm cõi, quằn quại trên giường, thèm một bàn tay sần sùi, thô kệch của đàn ông. Thèm một mùi khai nồng của nước đái trẻ con át đi mùi thơm lừng của giầu sang và danh tiếng. Từ ánh sáng lộng lẫy của hiển vinh, họ sẵn sàng đánh đổi để chui vào bóng tối sột sệt của sự hoan lạc lứa đôi”. Ý định như vậy, xây dựng nhân vật Liễu như vậy, Nguyễn Hiếu đã tạo nên một cá biệt đàn bà điển hình. Khi đọc nó, tự nhiên tôi liên tưởng ngay đến Kiều của Nguyễn Du và chị Dậu của Ngô Tất Tố. Đây là lý do tôi trình “lý lịch” ba người đàn bà này, hầu giúp bạn đọc vài phút thư giản và lắng nghe ý kiến của các bậc văn chương trác việt xứ ta. Tôi muốn lắng nghe quý vị, vì, tôi vẫn còn băn khoăn, không biết Liễu là loại đàn bà nào trong xã hội đương đại: con ngố, con điếm, con điên, nhân hậu, thánh thiện hay là một mẫu người đàn bà nào khác? Rồi lại tự giật mình mà đau, mà ứa lệ, nếu Liễu là mẹ ta, vợ ta, em ta, con ta thì dân tộc này sẽ ra sao và  đi về phía nào nhỉ?./.

 

Tháng 8/2008

 

 

Phạm Thành
Số lần đọc: 1962
Ngày đăng: 06.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Tình Huyền Diệu Pha Lẫn Phàm Tục So Với Thơ Tình Thuần Chất Huyền Diệu - Trần Văn Nam
Sử Thánh Tư Mã Thiên Và Sử Ký 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Sử Thánh Tư Mã Thiên Và Sử Ký 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Con Rồng Trong Tâm Thức Người Việt - Phùng Thành Chủng
Vẻ đẹp “siêu thực” trong Thơ. - Yến Nhi
Thiên nhiên vắng bóng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương - Trần Văn Nam
Tây Du Ký – Đệ tam danh tác - Đỗ Ngọc Thạch
Vai Trò Của Hà Nội Trong Sự Phát Triển Của Chữ Quốc Ngữ, Báo Chí Và Văn Học Việt Nam Thời Hiện Đại (Nửa Đầu Thế Kỷ XX) - Lại Nguyên Ân
Đệ Nhị Danh Tác: Thủy Hử Truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Cảm Thức Tính Văn Chương Lạ Trong Dòng Văn Học Phi-Lý - Trần Văn Nam