Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
441
116.756.257
 
Đi chợ miệt vườn
Trần Thành Trung

miệt này, đã mấy mươi năm trôi qua, khung cảnh đi chợ xưa, vẫn còn đọng mãi trong ký ức của nhiều người lớn tuổi. Họ thường truyền cho nhau về kinh nghiệm đi chợ khuya của người dân miền sông nước:

 

“Đi chợ chọn nước lớn ròng,

Nhìn phía trước chọn đường cây,

Mặc cho đêm tối,

Xuồng ghe đi như bay”.

 

Ngày xưa đi chợ còn là một niềm vui. Lúc này, vùng đất Nam Bộ còn hoang vu, việc đi lại trên bộ rất khó khăn, người dân đi chợ chủ yếu bằng đường sông, trên những chiếc xuồng bơi, hoặc ghe chèo. Ở Nam Bộ có nhiều loại ghe như ghe lồng, ghe bầu, ghe lườn, ghe tam bản,v.v... Ghe thường được xem như con người, người dân có tục vẽ mắt, họ tin rằng con mắt ấy sẽ giúp cho ghe thuyền tránh bị quái vật, thuồng luồng hại, mua bán được nhiều tài lộc. Nhà khá giả thường đi bằng ghe bầu, loại ghe có mui vách ván, sơn xanh đỏ rất đẹp mắt, có 4 mái chèo; dân nghèo đi bằng ghe tam bản, xuồng ba lá (thường ở miệt Cà Mau), trọng tải 10 đến 20 giạ, có mui để che nắng, che sương, được làm bằng lá dừa nước. Người đi chợ làm mui chưa kịp thì lấy chiếc chiếu, uốn cong lại để làm mui cho trẻ con ngồi đỡ nắng gió.

 

Đi chợ khuya, người dân thường đem theo đèn, dân nghèo thường dùng rọi làm bằng trái mù u, hoặc đốt đuốc lá dừa. Đèn được để trong lồng đèn, hoặc trong sạp mũi ghe, nhiều người hà tiện, tắt hết đèn theo “đường cây” mà đi ra chợ.

 

Dọc các kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long, đến những năm 80, người dân vẫn đi bằng ghe chèo đến các chợ: Cái Bè (Tiền Giang), Phụng Hiệp (Cần Thơ), Trà Ôn (Vĩnh Long), Phong Điền (Cần Thơ), chợ Lách (Bến Tre), Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long) v.v... Những nhà khá giả có máy Côle, đi chợ, họ thường đặt máy vào “cụt rù” sau lái ghe, nhưng vẫn sử dụng chèo để đi, khi nào thấy mệt, hoặc nước ngược thì họ mới giựt máy chạy.

 

Đi chợ đi theo nước. Bọn trẻ, hễ nghe cha mẹ cho đi chợ thì mừng quýnh, suốt đêm ấy, chúng không sao ngủ được.

 

Con nước bắt đầu thuận dòng, người lớn chuẩn bị đem đôi trăm trứng vịt, vài con gà thịt, ít ký khoai lang, khoai mì, mới giở giồng hồi sáng, rinh xuống ghe, để ngăn nắp, dưới khoang ghe,

sạp lái hay sạp mũi.

 

Bọn trẻ cũng không kém phần nhộn nhịp, nào đem theo bi-đông đựng nước, đem theo chiếu trải nằm giữa ghe. Trong từng nhịp chèo khua động giữa đêm khuya, bọn trẻ có thể cảm nhận được sự phối hợp nhịp nhàng trong tình cha và nghĩa mẹ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.

 

Vượt qua mấy con rạch, ra tới sông cái, thì tiếng gà cũng vừa gáy canh ba, không khí đi chợ trở nên tấp nập hơn; người xuồng bơi, kẻ ghe chèo, hối hả theo con nước xuôi dòng cho kịp đến buổi chợ. Càng về sau, không khí buổi chợ càng nghe rõ hơn. Xa xa, tiếng đôi con gà mái bị buộc chân kêu tao táo, tiếng heo bị chọc tiết la inh ỏi, tiếng nói tiếng cười hòa lẫn trong âm thanh của chiếc máy hát dĩa.

 

Nườm nượp xuồng nhỏ, ghe chèo, ghe lớn, xuồng bơi đua nhau đến chợ. Lúc này, bọn trẻ đã thức giấc và trong lòng cảm thấy vui sướng, vì từ trước tới nay chưa bao giờ thấy được khung cảnh buổi chợ đông vui như vậy:

 

“Hàng quán inh ỏi,

Rợp cả bờ sông,

Ghe xuồng đủ loại,

Vui sướngtrong lòng”.

 

Ghe, xuồng cập bến, dây mũi được buộc vào cầu chợ, hay buộc theo những chiếc ghe neo, rồi bước nhờ lên chợ. Bọn trẻ được giao coi chừng ghe, cha mẹ đem hàng lên chợ bán. Hàng bán có thể ngồi chợ, hay bán cho chủ vựa. Chẳng mấy chốc, hàng hóa được bán hết, họ rảo quanh chợ một lượt mua ổ bánh mì, gói xôi, hay tô hủ tíu cho con, rồi bắt đầu đi mua sắm. Nét rất độc đáo trong cách mua sắm của người dân miệt này được biểu hiện rõ qua cách chọn lựa. Họ mua đồ không vội, hễ ưng món nào thì đứng ngắm thật kỹ, rồi trả giá, có khi mất cả tiếng đồng hồ mới mua được vài cái chén, cái nồi...

 

Mua bán ở chợ, bán theo mớ, thúng con, miếng ước lượng bằng tay xách lên, bằng mắt nhìn. Thời Pháp thuộc, cái cân, thước đo được dùng phổ biến, nhưng đến những năm 80, miệt đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều nơi bán như vậy.

 

Sau khi mua đồ xong thì nước cũng vừa nhửng ròng và cũng là lúc bắt đầu lui ghe. Hình ảnh chợ xa dần trong tầm mắt. Đến xế chiều thì ghe cũng vừa cập bến. Cả nhà, cả xóm chạy ra mừng, nên dân gian có câu: “Vui như cha mẹ đi chợ mới về!”. Đem đồ lên mỗi người đều được chia quà. Thật là vui!

 

Ngày nay, các tuyến đường bộ được nối liền rộng khắp, phương tiện ngày càng nhiều, việc đi lại được thuận tiện hơn. Đó cũng là nhu cầu phát triển của xã hội, nhưng khung cảnh chợ xưa, vẫn còn đâu đây, giữa vùng sông nước miệt vườn.
Trần Thành Trung
Số lần đọc: 2645
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh