Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
633
116.737.751
 
Kỷ niệm thoáng qua
Khai Phong

I

Tình cờ một hôm tôi đi dự tiệc cưới của một gia đình quen biết đã lâu, từ thời bám trụ Vòng Cung, bỗng gặp lại chị Hai - người chị cùng thời ấy, cùng vùng đất ấy. Giờ, dường như chị vẫn như xưa, vẫn xinh đẹp với vóc dáng gọn gàng, thanh lịch và khuôn mặt điềm đạm dễ mến, có nốt ruồi nhỏ duyên bên khóe môi trái tim. Có điều khác trước là chị già đi, tóc bạc lác đác.

 

Dùng tiệc xong, chị rủ tôi về nhà chị. Tôi đồng ý, rằng đó là việc cần làm ngay vì hai mươi năm rồi - từ cái Tết Mậu Thân ấy đến giờ tôi chưa có dịp trở lại... Tôi ngỡ chị đã giận, đã trách tôi, chẳng cần gặp mặt tôi nữa!

 

Rời rạch Ngã Bát, qua rạch Đầu Sấu, vào rạch Ngã Cạy chừng vài trăm mét là tới nhà chị. Nhà chị gần nghĩa trang Mậu Thân - nghĩa trang của những chiến sĩ vô danh trong mùa xuân 68. Nghĩa trang nằm trên một gò đất của một khu vườn tạp hoang vắng đối diện với con rạch nhỏ, dòng nước lấp lánh phù sa cát từ sông Hậu tràn vào và từ những cánh đồng Vòng Cung đổ ra. Nay nghĩa trang được xây dựng lại dáng vẻ đàng hoàng, ấm áp bởi có biển đề, có tường rào quét vôi trắng.

 

Đi bên cạnh chị, tôi có vẻ vụng về e ngại. Hiểu tâm trạng tôi, chị gợi chuyện:

 

- Sức khỏe cậu như thế nào, trông cậu ốm và già đi nhiều?

 

- Em không được khỏe. – Tôi đáp.

Chị hỏi tiếp:

 

- Gia đình có gì vui, làm ăn kinh tế ra sao cậu?

 

- Cũng bình thường thôi, chị à! – Tôi thong thả đáp. - Em cũng chưa quen làm kinh tế.

 

- Tôi có nghe nói cậu gặp khó...

 

- Mấy cái hầm bí mật còn không chị? – Tôi ngắt lời chị, nói qua việc khác.

 

- Cái hầm bí mật ở trong nhà thì còn, - chị trả lời, giọng buồn buồn, - hồi đó, cậu nhớ không, làm cái hầm đó cậu phải thức suốt mấy đêm liền, tội nghiệp Thơ quá, nó cũng chịu cực chịu khổ với cậu quá chừng!

 

- Chị cũng vậy, phải thức trắng tiếp với tụi em chuyển đất đi. Thật vất vả vô cùng. Nghĩ lại ngán quá hả chị? Nghĩ lại, cũng may là thằng giặc nó không phát hiện được...

 

Chị Hai im lặng, rồi chị bỗng nói:

 

- Tới nhà rồi cậu, - chị đưa tay chỉ, - nhà ngói đổi nhà lá từ sau cái Tết Mậu Thân. Sau bảy mươi lăm tôi có cất lại, nhưng vẫn là nhà lá thôi. Có lẽ số phận của tôi là vậy, không cãi trời được. Sánh vai chị tôi rẽ theo lối mòn nhỏ, cỏ dại mọc đầy chen lẫn hoa mười giờ đang trổ đỏ thắm.

 

- Mình vào nhà cậu, - chị nói, tay mở rộng cánh cửa, - mời cậu ra nhà trước uống nước.

 

- Tôi bước theo chị. Nhà trước mà chị nói cho phân biệt vậy thôi. Thật ra chỉ là một căn nhà nhỏ được chia đôi bởi một dải bàn thờ chắn ngang nối liền với một cửa buồng hẹp.

 

- Cậu ngồi dùng nước. - Chị nói, tay chỉ bộ ghế trường kỷ đen bóng cẩn ốc xa cừ lấp lánh. Rồi, quày quả trở và nhà sau... Chị lại trở ra, tay xách chùm nem để lên cái dĩa có sẵn trên bàn. - Ăn nem, uống nước trà đi cậu. - Chị vừa nói tay vừa lấy nắp vỏ bình bằng vỏ dừa láng bóng, tay xách cái bình sứ để trước mặt tôi.

 

Tôi e ngại nói:

 

- Em làm bận chị quá!

 

- Cậu đừng ngại. Có cậu đến nhà là tôi vui. - Chị vui vẻ nói, vẫn cái giọng âm ấm ngồ ngộ. - Cậu đến nhà cũng phải có cái gì đó cho cậu ăn vui vui miệng chứ! Nem vỏ bưởi của nhà mà, vỏ bưởi thiếu gì... Vườn mình cũng còn vài cây sống sót từ sau cái Tết Mậu Thân. Sau bảy mươi lăm tôi trồng mới gần chục cây, có trái rồi, sai lắm!

 

- Chị vẫn như ngày nào vậy. - Tôi bỗng nói.

 

- Tôi lúc nào cũng vậy. Cậu ăn nem đi! Coi nem tôi gói bây giờ có bằng hồi đó không? - Chị dừng lại, rồi nói tiếp: Hồi ba tôi còn sống, anh Hai cậu chưa tập kết ra Bắc, tôi đã làm cái việc đó rồi, như một cái nghề vậy.

 

- Nhưng hồi đó thì có người tiếp chị...

 

- Giờ, chỉ có một mình... - Chị ngắt lời tôi. – Nhưng việc gói nem vỏ bưởi cũng nhẹ nhàng thôi cậu. Lúc rảnh rỗi không làm việc ấy buồn lắm!

 

Tôi vừa hớp một ít nước trà vừa quan sát dải bàn thờ một lượt và thầm nghĩ... Chị thờ ông bà và thờ... Uống cạn tách nước tôi bước tới bàn thờ chính, lấy sáu cây nhang từ trong cái ống gỗ đặt bên cạnh bộ lư đồng đã ngả màu vàng ten vì đã lâu không lau chùi, rồi dụm đầu lại châm vào ngọn đèn hột vịt đang cháy le lói. Đợi các đầu nhang cháy rực tôi chắp tay thành kính xá. Trở về bàn khách, nhìn khói hương nghi ngút trên dải bàn thờ lòng tôi không yên, rằng mình quá vô tình!...

 

- Cậu ăn nem đi! Uống trà nữa đi! Tôi bận việc nhà một lát. - Chị nói rồi thong thả đi ra nhà sau... Đột ngột chị quay trở lại, tay cầm chiếc gối trắng thêu dòng chữ “Gia Đình Hạnh Phúc” để lên bộ ngựa gõ. - Ngủ một giấc cho khỏe nghe cậu. Ăn cơm chiều rồi hãy về, - chị lại mất hút sau cửa buồng hẹp.

 

Giờ tôi mở nem ra, tháo bỏ lớp lá dong mỏng để lộ ruột nem đỏ màu thịt nạc hấp dẫn, thứ nem tôi thường dùng cách đây hai mươi năm, nay mới có dịp gặp lại. Dùng nem, uống trà xong, tôi lặng lẽ lên bộ ngựa gõ nằm xuống, thèm đánh một giấc cho đầu óc được thanh thản, nhưng không tài nào ngủ được. Những người đã khuất vừa mới hiện hình trên dải bàn thờ ấy sau khi tôi thắp hương khấn vái... Họ cứ chập chờn trước mắt tôi. Họ đang ngồi trên dải bàn ấy nhìn tôi như trách. Bất chợt, xương sống tôi ớn lạnh. Tôi xoay mặt vào vách như một kẻ phạm tội đang tìm cách chạy trốn...

 

II

 

Nếu như không phải là chị Hai mà là một người nào đó biết đâu đã không xử sự đối với tôi như vậy? Có một thời tôi đã làm cho chị, gia đình chị phải thất vọng, phải khổ sở vì tôi. Có một thời tôi đã làm cho chị có thể chê trách tôi, mất lòng tin về tôi? Ấy là... Thời đồng khởi ở Nam Bộ, tôi đã đặt chân tới nhà chị, ăn hột cơm của gia đình chị và được bảo vệ an toàn. Chị và gia đình coi tôi như người nhà, rồi dần dần ngầm coi tôi như con rể, em rể. Nhưng trớ trêu thay, lúc ấy tôi chưa nghĩ tới điều đó, biết rằng tôi rất quí gia đình, quí từng người một. Dù vậy tất cả điềuđược giữ kín.

 

Một hôm tôi được tổ chức phân công chuyển vùng hoạt động, phụ trách đội tuyên truyền xung phong võ trang phục vụ cánh Xóm Chài, Cái Da, Cái Nai – ven thành phố Cần Thơ cặp theo bờ sông Hậu. Buổi chia tay diễn ra đột ngột và cảm động. Tiệc tiễn của gia đình có món nem vỏ bưởi và khi đi chị Hai gởi tôi mang theo món nem ấy nữa. Về chuyện riêng thì gia đình ngầm để vậy. Và tôi cứ ngỡ chuyện ấy sẽ qua đi theo tháng năm xa cách, nhất là từ đây trở về sau tôi ít có dịp gần gũi với gia đình chị...

 

Nào ngờ, nửa tháng sau đó chị Hai và Thơ đi tìm tôi, thăm tôi, đem theo những chiếc nem vỏ bưởi cho tôi nữa. Đặc biệt, chị Hai gởi gắm cuộc đời Thơ cho tôi. Chị Hai còn nói thêm: “Ý má cũng vậy, Thơ nó cũng chịu. Vậy ý cậu như thế nào?”.

 

Chuyện xảy ra đột ngột quá, vả lại lần đầu tiên tôi bắt gặp trong đời nên rất bối rối, không biết phải trả lời thế nào? Tôi rất xúc động về tấm lòng của chị và gia đình đối với tôi, nhưng nếu tôi thuận ý thì không tiện...

 

Thơ vẫn đang ngồi đó, lặng người, cử chỉ thẹn thuồng và hơi thở mạnh trông thấy qua lồng ngực phập phồng sau lớp áo bà ba trắng, nhịp đập của trái tim như đang rung động thôi thúc tôi phải trả lời. Tôi cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, từ tốn nói: “Em rất quí bác Mười, rất quí chị Hai và rất quí Thơ nữa, nhưng em là học sinh mới ra trường, chân ướt chân ráođi làm cách mạng... Em thấy lo ngại quá, em e sớm  quá!”. Chị Hai liền giải thích: “Thì cứ hứa với nhau cho có chỗ có nơi đi, chừng nào cưới cũng được, chị có ép cậu tiến hành gấp đâu”.

 

Câu trả lời của tôi và lý lẽ của chị Hai đều dễ nghe cả. Nhưng cái lý của tôi không vững: nửa úp nửa mở, dễ hiểu lầm. Bằng nói thẳng, nói trắng ra thì cũng khó, không tiện. Nghĩ mãi, cuối cùng đành phải nói rõ ý, đành phải từ chối tấm lòng yêu thương, tin cậy thật là đáng quý của họ - có thể tôi khó gặp lại trong đời.

 

Chị Hai im lặng, rồi lại lặp lại câu nói khi nãy, dường như chị cảm thấy khó xử, khó nói thêm điều gì. Đôi mắt chị đo đỏ, còn Thơ vẫn ngồi lặng yên, rồi những giọt nước mắt ứa ra...

 

Về tôi, tôi không nói thêm điều gì nữa, biết rằng tôi đã xử sự rất tàn nhẫn đối với họ - những người mà mình thật sự yêu thương và quí trọng. Tôi đã ngỡ chuyện ấy đơn giản, nhưng sự thật không phải như thế. Tôi vô cùng khổ sở, và càng khổ sở hơn bao giờ hết khi chị Hai và Thơ ra về. Tôi tiễn hai chị em xuống xuồng, cùng ra bờ sông Cái Da gần đầu rạch Xẻo Bứa. Thơ đi bên cạnh tôi, đầu thấp ngang vai tôi, chốc chốc nhìn tôi như dò hỏi và hy vọng với đôi mắt đỏ hoe còn đọng lại những giọt nước đã khô trên má.

 

Chị Hai và Thơ đi rồi, tôi nhìn theo chiếc xuồng dáng hai người đang lạo những mái dầm lơi lơi rồi khuất sau doi rạch Bà Máng. Tôi xúc động ứa nước mắt. Tôi thầm nghĩ: Thơ đẹp và thơ ngây, hiền và ngoan lại sớm giác ngộ cách mạng, hiện là nữ trinh sát biệt động thành, được tổ chức tín nhiệm. Đối với tôi, Thơ không có điều gì đáng chê trách cả, nhưng tại sao tôi đã xử sự như vậy?

 

Thơ có người cha đi bộ đội Ngô Hồng Giỏi hy sinh trong trận đánh Tầm Vu. Anh Hai cũng theo bộ đội và tập kết ra Bắc, hy sinh trên đường Trường Sơn khi vào Nam. Đó là một gia đình cách mạng, hy sinh tất cả cho cách mạng. Nhưng khắc nghiệt thay, gia đình ấy thuộc thành phần giai cấp địa chủ, mặc dù đã phá sản rồi. Sự thật là như vậy, nhưng lấy gì để đo thành phần giai cấp? Vì lẽ đó, có lần một cán bộ trực tiếp lãnh đạo tôi đến làm việc tại nhà Thơ đã nhắc  héo rằng: “Đến nhà người giàu mình ngại quá, Đảng mình là đảng lao động...”. Và cũng có lần người cán bộ ấy còn có ý nhấn mạnh: “Cậu cũng phải thận trọng trong quan hệ đối với Thơ, mình sách lược đối với cô ấy thôi, chớ về Đảng, về tương lai cũng gặp khó...” Tôi rất bất bình về ông ta nhưng những lời nói ấy cứ đeo đẳng hăm dọa tôi mãi. Tôi cảm thấy mình lệ thuộc vào ông ta mặc dù đó là điều rất phi lý. Sau lần chị Hai và Thơ đi tìm tôi, thăm tôi và gởi gắm cuộc đời Thơ cho tôi, tôi đã từ chối, cả hai cùng thất vọng ra về, lòng tôi ray rứt vô cùng. Rồi tôi có ý định gặp lại hai người ấy thì xảy ra đột biến Mậu Thân. Thế là tôi có dịp trở lại quê nhà của Thơ - nơi con rạch Ngã Cạy, xã An Bình, vùng ven thành phố nối liền với Vòng Cung. Tôi sẽ đứng chân ở đó để ra nội thành. Và ở đó tôi có thể gặp lại những người thân yêu của mình!

 

 

Qua một đêm thức trắng hành quân thần tốc vượt quốc lộ 1A, lộ Vòng Cung và một ngày ém quân căng thẳng ở ngọn rạch Ngã Cạy hồi hộp chờ đợi nhận lệnh tấn công, giờ “thời cơ ngàn năm có một” đã đến! Trời nhá nhem tối. Cả khu vườn mận hồng đào qua một ngày nín lặng trong không khí bị nén động bao trùm đã bắt đầu khởi động. Lao xao bước chân người, rì rào tiếng nói của đồng đội tạo thành một thứ âm thanh trầm trầm của cái thế giới riêng, bí mật vừa có thể bình yên vừa có thể bùng nổ cuộc xô xát đẫm máu bất cứ lúc nào. Trong giờ phút nghiêm trọng này, trên khoảnh đất rộng, trống trải, những khuôn mặt đồng đội hiện ra trước mắt tôi: Thơ giản dị với đuôi tóc kẹp dài và nổi bật lên vẻ nghiêm trang với chiếc áo bà ba màu xanh nước biển. Đứng bên cạnh Thơ là anh Hai Nhứt (C trưởng 31 Tiểu đoàn Tây Đô), anh Chín Sơn, nữ đồng chí Huệ (người cùng đơn vị với tôi) và trên mười nam nữ thanh niên tự vệ thành được điều về làm nhiệm vụ đặc biệt.

 

Ủy ban khởi nghĩa giao nhiệm vụ cho chúng tôi dẫn đường cho lực lượng vũ trang đánh chiếm nội thành Cần Thơ. Đánh tới đâu cắt lực lượng chiếm giữ tới đó và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Riêng đêm nay, đưa quân thọc nhanh, tiến sâu vào trung tâm thành phố, phát triển qua trại Lê Lợi - vùng IV chiến thuật, dinh tỉnh trưởng, tòa hành chính ngụy, tiếp ứng với đội biệt động thành khai hỏa bằng B40 tại ba mục tiêu đầu não của địch, làm ám lệnh chung cho đợt tiến công đồng loạt vào giờ G.

 

Tiếp nhận nhiệm vụ, tôi hồi hộp, xúc động và nửa mừng nửa lo. Mừng vì thời cơ cách mạng đã đến! Lo vì hình dung không hết những diễn biến phức tạp và ác liệt của cuộc chiến đấu sắp xảy ra, nhất là ta không rành đường đi nước bước... Rồi, tôi tự trấn an mình là có Thơ ở bên cạnh rất quen thuộc địa hình nội thành và có kinh nghiệm chiến trường. Rồi tôi lại nghĩ rằng, thà không gặp lại Thơ trong tình cảnh này tiện hơn, đỡ lo lắng hơn.

 

Tôi đang phân vân thì anh Hai Nhứt ra lệnh hành quân. Thơ tiến lên phía trước. Tôi và số anh chị em còn lại đi sau cùng để không ảnh hưởng gì đến đội hình của đơn vị. Không ai bảo ai. Chúng tôi tự giác hành động như vậy, không có sự phân công gì nữa, cũng không nghe một ai nhắc điều gì nữa. Và ở phía sau chúng tôi là đại quân (có cả Ủy ban khởi nghĩa và Ban chỉ huy quân sự).

 

Tranh thủ thời gian, phát huy yếu tố bất ngờ, khai thác mọi sơ hở của địch, C31 vừa đi vừa đánh, vượt qua các nút chặn của chúng, đột nhập vào khu Xáng Thổi, dừng quân chờ B40 nổ làm lệnh, nhưng đại quân ta thì còn lại ở phía sau, anh Hai Nhứt điện đàm liên hệ không đạt kết quả gì, chỉ nghe tiếng tíc te hỗn loạn hòa lẫn với tiếng súng nổ giòn giã vọng lại từ trên tuyến đường đơn vị đi qua khi nãy.

 

Gần 0 giờ. Tôi sốt ruột leo lên nóc nhà quan sát tình hình, nhằm hướng trại Lê Lợi - cơ quan vùng IV chiến thuật, dinh tỉnh trưởng, tòa hành chánh ngụy, cố moi trí nhớ, tìm ra dấu vết nơi ấy, nơi tôi đã từng qua lại trong những tháng năm còn ở ghế nhà trường thì, những đóm lửa xanh lè vọt lên rồi lan ra sáng rực một vùng, rồi những tiếng nổ dữ dội, tiếng tiểu liên rộ lên... Tôi thét: “B40 nổ rồi các đồng chí ơi”. Liền đó, có nhiều tiếng reo phụ họa theo. Anh Hai Nhứt lao ra con đường hẻm bên cạnh. Tức thì những tay súng vọt theo anh như những mũi tên... Tức thì cuộc chạm trán diễn ra. Tiếng nổ rát tai và đường đạn bay rợn người... Tiếng súng thưa dần... Vài chiến sĩ ta bị thương được đồng đội điều về Sở chỉ huy đại đội để được y tá

cấp cứu. Chốc chốc tiếng súng lại rộ lên, rồi lại lắng. Anh Hai Nhứt đã đưa hết số quân dự bị ra mũi... Đang trong tình thế ấy tôi không thấy Thơ trở lại, có thể Thơ đang bám sát mũi quân cùng đồng đội chấp nhận đương đầu với cuộc chiến đấu gay go chưa từng gặp trong đời? Tôi nóng lòng lên tiếng: “Ta không phát triển lên được sao các anh?” “Nó ở trong công sự bắn ra kềm chế mũi quân của ta rát quá, vừa thấy ta xuất hiện trên đường là đại liên của chúng quạt dữ dội gây sát thương cho ta” - có đồng chí nào đó trả lời. “Ta không có hỏa lực mạnh để phá công sự địch, phá ổ đề kháng của chúng”, - một đồng chí thương binh vừa nói vừa dậm chân, huơ tay rồi bỏ đi... Tôi nhìn theo anh, nhìn theo tấm băng vải trắng che kính đầu của anh mờ dần trong đêm về sáng..

 

Cuộc chiến đấu chậm lại. Tiếng súng nổ lác đác trong tư thế bắn tỉa phòng thủ và thăm dò từ hai phía. Anh Hai Nhứt cho cụm quân lại và đưa một số tổ ra áng ngữ vòng ngoài chuẩn bị đánh địch phản kích vào sáng mai vì chúng sẽ không để ta yên. Ta phải có phương án chiến đấu mới... Tôi đang nghĩ như thế thì Thơ đã trở lại, có cả Huệ và anh Chín Sơn. Liền đó, tôi, anh Chín Sơn, Thơ và Huệ họp đứng trên con đường hẻm. Cuộc hội ý chớp nhoáng vì tình thế cấp bách quá, trời sắp sáng, có thể là 4 giờ, trễ nữa sẽ gặp khó lớn, không liên hệ với bên trong được. Tôi liền đến gặp anh Hai Nhứt.

 

- Xin phép anh, cho tụi tui đi liên hệ với đại quân, với Ủy ban khởi nghĩa để báo cáo tình hình và xin lực lượng đưa ra bắt tay với đơn vị anh gấp.

 

- Chúng tôi trụ tại đây, - anh Hai Nhứt vừa gật đầu vừa nói, - đơn vị đã mất liên lạc về trên. Máy bộ đàm không dùng được... Quân số...

 

- Tôi hiểu. - Tôi ngắt lời anh.

 

- Chúng tôi trụ tại đây. - Anh lại nhắc.

 

Lời nói của anh như rót vào tai tôi. Tôi bắt tay anh, từ giã anh trong nỗi xúc động tột cùng.

 

- Tôi nhớ. Tôi hứa. Tôi sẽ cố gắng. - Tôi ngó ngoái lại nói.

 

Thơ trông thấy tôi trở lại, liền hỏi:

 

- Ý các anh như thế nào anh?

 

Tôi gật đầu, không nói gì, hình ảnh anh Hai Nhứt đang xâm chiếm hồn tôi.

 

- Theo em. – Thơ vừa nói vừa mở mũi ra phía sau.

 

- Đi! Trời sắp sáng rồi. – Anh Chín Sơn giục.

 

- Huệ ở lại với đơn vị, với anh chị em dẫn mũi nghe. – Tôi vừa nói vừa bắt tay Huệ, rồi đi ngay, không kịp ngó ngoái lại.

 

Chúng tôi đi theo con đường hẻm trở ra Xáng Thổi, rẽ ngoặt sang trái, dọc theo bờ xáng một đoạn đường ngắn, qua những dải nhà san sát, rồi gặp khoảng trống vắng liền tạt xuống mé xáng. Thơ dừng lại nhìn tôi và anh Chín Sơn nói giọng rất khẽ: “Mình lội qua bùng binh xáng. Các anh cởi đồ cho gọn nghe!” Tôi và anh Chín Sơn đều im lặng. Tay Thơ cầm khẩu súng K54, chân bước xuống nước nhanh nhẹn như con sóc. Liền theo đó có tiếng chân người rầm rập đuổi theo...

 

- Việt cộng!

 

- Việt cộng! Đứng lại!

 

Tiếng thét vang lên trong đêm về sáng thật rùng rợn. Tiếng thét ấy đuổi theo áp sát tôi. Tôi giục: “Lội trước đi! Nhanh lên! Tôi lội theo sau!”. Anh Chín Sơn vừa lao theo Thơ thì bọn chúng cũng vừa trờ tới. Ngón tay tôi đã nằm gọn trong ổ cò súng. Đợi chúng bắt đầu bước xuống mé xáng, đối diện với tôi. Tức thì một tiếng nổ phát ra, tích tắc, một tên đi đầu nhảy dựng lên rồi quỵ xuống... Tôi lao nhanh xuống nước và lặn một hơi thật dài, rồi nổi lên, lội riết theo đồng đội. Đang khi bơi, một thoáng nghĩ trong óc tôi: “Đúng như dự kiến khi nãy, chúng sợ súng thật, và sợ chết thật, nên một phát súng nổ và một tên ngã chết trước mắt chúng là cả bọn hoảng hốt bỏ chạy. Nếu tôi không hành động như thế, rồi cùng đồng đội nhảy xuống bùng binh xáng để bơi về bờ bên kia thì chắc chắn đối phương sẽ không để chúng tôi yên. Chúng sẽ truy đuổi, quét những tràng tiểu liên và quăng lựu đạn vào đầu chúng tôi thì, tình thế sẽ đổi khác như thế nào? Tôi tạm bằng lòng với ý nghĩ như vậy, và bơi riết theo đồng đội. Càng bơi ra xa bùng binh xáng càng rộng. Đuối sức quá, bộ quần áo dắt bên dây nịt súng, khẩu súng ngắn, chiếc quần đùi mỗi lúc mỗi vướng nặng. Tôi vứt bỏ bộ quần áo, rồi lật ngửa thả tàu, rồi lật sấp bơi... Tôi nghĩ Thơ và anh Chín Sơn cũng đuối sức lắm! Phải cố gắng hơn nữa tự cứu mình, không có cách gì khác. Lại lật ngửa thả tàu, lại lật sấp bơi, lại đạp theo kiểu xếp đuôi cá rẽ nước và cố nhìn về phía trước tìm đồng đội thì bỗng thấy những con sóng, và tai tôi nghe có tiếng gọi rất khẽ:

 

- Ráng lên anh! Em chờ đây!

 

- Thơ! Thơ! Tôi gọi thầm.

 

Người tôi như có thêm sức mạnh. Tôi lại bơi.

 

- Ráng lên anh! Thơ chờ anh đây! Thơ lại gọi.

 

Tôi nhìn con sóng, mỗi lúc một gần hơn, rồi mái tóc Thơ bỗng chập chờn trước mắt tôi. Tôi mừng thầm, sắp đuổi kịp Thơ rồi.

 

- Ráng chút nữa anh. Gần tới bờ rồi.

 

- Ờ, anh ráng. Nói trong cổ họng và tôi ráng hết sức mình vượt lên...

 

Thơ bơi ngược về phía tôi:

 

- Em kè anh nghe!

 

Tôi lắc đầu nói qua hơi thở gấp:

 

- Anh lội được.

 

Thơ lội cặp kè bên tôi cho tới khi tới bờ. Thơ và tôi cùng tấp lên bờ xáng cùng thở hổn hển, cùng nhìn quanh tìm anh Chín Sơn, nhưng không thấy anh ở đâu? Có thể anh ấy đã tấp vào một hướng nào khác của cái bờ xáng gần như vòng tròn, biết đâu mà tìm? Đường về ngoại thành, về Ngã Cạy còn xa, còn nhiều cam go, nhất là dấu hiệu ngày sắp bắt đầu...

 

 

Vượt qua lưới phòng thủ của địch, tôi và Thơ về tới Ngã Cạy. Nơi đây, tôi ở lại Vòng Cung. Thơ cùng với bộ đội trở ra thành nữa. Toàn bộ mặt trận sôi động, lúc nào cũng có tiếng súng. Nhiều trận ác chiến diễn ra... Rồi những ngày sau đó, ta vừa đánh phản kích vừa tổ chức những đợt tấn công địch. Riêng đêm mùng năm Tết ta tập trung lực lượng đánh vào nội thành. Ngày hôm sau địch dùng máy bay dội bom hủy diệt, đẩy lực lượng ta ra khỏi nội thành. Trong trận này, Thơ đã hy sinh cùng với chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Tây Đô - cả hai cùng bị vùi xác trong một công sự. Hay tin này tôi bàng hoàng một lúc, rồi tôi không tin hẳn như thế, dù đó là điều có thật trong chiến tranh. Tôi vẫn hy vọng và chờ đợi. Ta trụ lại ngoại thành đánh địch phản kích ác liệt, gây thiệt hại nặng nề cho chúng, nhưng về ta phải trả giá rất đắt là nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh, phải lùi ra xa hơn nữa... Cứ thế chúng lấn tới, rồi bộ binh địch tràn ngập Ngã Cạy. Cùng với bộ đội tôi rời nơi này, rút dần về phía sau, lòng tôi băn khoăn vô kể không biết bác Mười, chị Hai phải đối phó với chúng như thế nào? Bám lại nơi nhà cũ hay đã di tản nơi đâu? Thơ còn hay mất?

 

Rồi một hôm, một số lực lượng của ta không cần thiết ở lại chiến trường nữa, nhất là cán bộ chính trị, lần lượt rời Vòng Cung. Riêng tôi, tôi quyết định trở lại Ngã Cạy nơi quen thuộc của mình. Bất chợt tôi nghĩ tới chị Hai, bác Mười và Thơ, nghĩ tới mấy cái hầm bí mật ở đó, nghĩ tới một lúc nào đó tình hình dân cư sẽ ổn định sẽ làm được việc, ít ra sự có mặt của mình cũng là một điều có lợi cho cách mạng, góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân đối với Đảng. Trời tối từ Bông Giang (Giai Xuân) tôi trở lại Ngã Cạy. Đề phòng địch đóng quân, biệt kích, tôi đi tắt qua những ruộng lúa chín rục nghiêng ngã, những khu vườn cây đổ ngổn ngang làm nghẽn lối đi, mũi tôi tanh tanh mùi tử khí. Tôi âm thầm lội ngang những sông rạch vắng lặng đến rợn người. Rồi tôi lo ngại rằng, ở đó có còn dân bám lại không? Tôi nghĩ đến chị Hai và gia đình chị ấy. Tự nhiên, mỗi lần ta gặp khó khăn thì lại nghĩ đến dân, nghĩ đến nơi đã từng che chở, dưỡng nuôi mình, tạo điều kiện cho mình tồn tại, công tác được thuận lợi. Và, thường như thế, dân giải quyết được hết. Đó là cội nguồn. Nghĩ vậy, niềm tin, niềm hy vọng trong tôi bỗng sáng lên, sức mạnh mới, nghị lực mới như được nhân lên gấp bội. Đến ngọn rạch Ngã Cạy, nhìn vào khu vườn, le lói ánh đèn dầu. Tôi mừng thầm, nghĩ thầm: Còn dân, còn cách mạng. Có thể chị Hai vẫn còn ở chỗ cũ và trong chốc lát tôi sẽ gặp, sẽ chứng kiến sự thật như thế nào, tôi có thể biết rõ về số phận của Thơ nữa, tôi lại lo sợ điều ấy xảy đến... Tôi lặng lẽ lần dò về giữa rạch. Địa hình, địa vật đã thay đổi quá nhiều. Dù vậy, tôi vẫn nhận ra vài hình ảnh quen thuộc là con đập trước nghĩa trang, chiếc cầu bắc qua con rạch nhỏ, con đường mòn phía sau nhà chị Hai. Tôi dừng lại, xác định hướng, rồi rẽ vào một lối đi nhỏ. Tôi đi từng bước một... rất khẽ... Đến gần, tôi rất ngạc nhiên: Ngôi nhà quen thuộc đã biến đâu mất chỉ còn lại cái nền lót gạch trơ trọi với ánh đèn dầu đo đỏ như đom đóm và một đóm nhang xòe ánh lửa trên một cái bàn nhỏ rồi tắt ngấm trong đêm tối. Bước tới gần nữa, năm mét, rồi ba mét... tôi nhận ra một chiếc mùng vải trắng ngà ai giăng dưới gốc bưởi già gần đó? Hồi hộp, tôi rón rén đến gần nữa, hai mét, rồi một mét...

 

Tôi dừng lại...

 

- Ai vậy?

 

Tôi giật mình, chưa kịp trả lời.

 

- Cậu Sáu hả? Chị Hai vừa hỏi tiếp vừa lật bậtngồi dậy.

 

- Dạ em. - Tôi đáp rất khẽ.

 

- Má mất rồi cậu ơi! - Chị Hai đột ngột nói.

 

Tôi sững sờ, nín lặng. Chị Hai nói tiếp:

 

- Sáng mùng bảy Tết giặc tràn vô Ngã Cạy. Biết bộ đội rút hết rồi, tôi vừa kéo má xuống hầm thì giặc vừa tràn vào nhà. Rồi chúng dùng súng ria vào miệng hầm, má gục xuống đất chết liền không trối được một lời. Còn tôi, ngồi sâu trong hông hầm nên còn sống sót.

 

- Giặc không chừa một ai. - Tôi thì thầm.

 

- Cậu có gặp Thơ ở đâu không? - Chị đột ngột hỏi, rồi đưa mắt nhìn vào mặt tôi như dò xét... – Tôi nghe tin đồn là Thơ cũng chết rồi cậu ơi! - Chị vẫn nhìn vào mặt tôi như cầu cứu.

 

Tôi lắc đầu. Không thể dối lòng mình được – tất cả đã trở thành sự thật rồi, Thơ đã vĩnh viễn ra đi rồi, không bao giờ gặp lại tôi nữa! Có chăng, những kỷ niệm mà thôi... Tôi lặng người đi trong bao lâu, không để ý, biết rằng cổ tôi đã nghẹn, tôi không muốn rằng, phải khóc lên thành tiếng trước mặt chị Hai nếu tôi nói lên điều gì đó? Tôi không muốn chị Hai đau khổ thêm nữa, tôi cố tình dành cho chị một chút hy vọng, biết rằng điều ấy rất là tàn nhẫn. Nhưng, chị Hai đã linh cảm được.

 

- Nhà này mất hết rồi cậu ơi! – Chị nói, giọng thảm thiết hơn, nhưng không khóc, có lẽ nước mắt đã hết.

 

Tôi xúc động, quay mặt đi, cắn môi lại cho thật đau. Nước mắt ứa ra, có cảm giác chua chua mằn mặn ở lưỡi. Tôi dằn lòng, vì mong muốn rằng chị Hai đừng yếu mềm đi và vượt qua được nỗi đau nghiệt ngã này, nuôi một chút hy vọng, hy vọng rất mong manh rằng, chị còn có thể gặp lại anh Hai trong một ngày nào đó, bởi vì chị đã nhận được tin anh ấy hy sinh trên đường Trường Sơn từ những năm về trước, nhưng chị không tin hẳn như thế, chị vẫn hy vọng và chờ đợi.

 

III

 

“Giờ thì nhà này mất hết rồi” như chị đã nói, mất hết từ cái Tết Mậu Thân, từ mùa xuân bảy mươi lăm, bởi vì những cái mốc mùa xuân ấy đã chỉ rõ sự thật rồi. Rằng, chị Hai sẽ chẳng bao giờ dẫn Thơ đi thăm tôi nữa, anh Hai sẽ vĩnh viễn ở lại Trường Sơn, không bao giờ về với mái ấm “Gia Đình Hạnh Phúc” như chiếc gối thêu kỷ niệm ngày cưới của hai người chị vẫn còn giữ nguyên vẹn đã đem ra cho tôi kê đầu khi nãy.

 

Giờ chị đang sống một mình trước mặt tôi đây. Chị đã không còn một người thân yêu nào nữa ở bên cạnh chị. Chị đang sống với một dải bàn thờ chắn ngang chia ngôi nhà ra làm đôi thành nhà trước nhà sau với việc gói nem vỏ bưởi. Và, không biết có ai để ý tới điều này không?!

 

Dùng cơm chiều xong, tôi ra về, đi dọc theo con đường đất ngoằn ngoèo bên bờ rạch nhỏ, đôi chân nặng trịch. Nhìn chùm nem vỏ bưởi trên tay, tôi có cảm giác chua chua mằn mặn ở lưỡi. Bên tai tôi âm vang lời nói của chị Hai: “Cậu đem mấy chiếc nem này về cho mấy cháu ăn lấy thảo... Tiện dịp, mời cậu về dự đám giỗ của Thơ, ngày mùng năm Tết, cậu nhớ không? Nhớ về nghe cậu!” Và, tôi đã hứa, giờ tôi phân vân vì biết đâu, đó chỉ là cái thoáng qua trong đời? Tôi bỗng rùng mình về những cái thoáng qua ấy, những cái thoáng qua tưởng chừng như không có gì. Tôi đã là như thế! và, nếu như có nhiều người cũng như tôi, thậm chí tệ hại hơn nữa – phản bội lại những người mà mình đã từng chịu ơn, phản bội lại cội nguồn?! Nghĩ vậy tôi lại

rùng mình...

 

Bên sông, ngôi nhà có tiệc cưới kia đã thưa vắng người.

Nắng chiều nhuộm vàng con rạch nhỏ đổ ra vàm...

 

Mùa xuân 88 - 89

N.K.P

 

Khai Phong
Số lần đọc: 2356
Ngày đăng: 28.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về - Lê Đình Bích
Giữa dòng nước lũ - Anh Đào
Bốn Bức Thư - Lê Văn Thảo
Chuyện tình bên cửa sổ - Lê Văn Thảo
Cô áo hồng, cô áo tím - Lê Văn Thảo
Cảm hứng - Trần Kim Trắc
Kẻ trộm tình - Trần Kim Trắc
Ông thối bà thiu - Trần Kim Trắc
Một người bị bỏ quên - Hào Vũ
Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui
Cùng một tác giả
Kỷ niệm thoáng qua (truyện ngắn)