Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
746
116.713.048
 
Không có cái truyện ngắn nào cả
Phạm Trung Khâu

Gần tám giờ, cái lạnh vẫn se se vào da thịt, nó làm cho làn da người ta lúc bình thường tươi hồng bây giờ răn nứt và tái mốc. Buổi sáng trôi qua thật chậm nhưng cuối cùng ở hướng đông, ông mặt trời vẫn cố tỏa lên những tia nắng hình đuôi công, đượm màu vàng bông bí, chỉ một lát sau nó trở nên rực rỡ. Trong không khí như vậy, mọi người ai cũng muốn bước ra khỏi nhà, đưa hai tay hứng lấy ánh sáng hồng tươi để được hưởng trọn cái cảm giác vừa lành lạnh vừa ấm áp của những ngày đầu xuân.

 

Sau mấy ngày Tết, chợ xã chưa có người họp, nhưng ở các quán ăn, trái lại, khách thật đông. Ngay trong quán cà phê này, sáng hôm nay, tôi đã tiếp một người khách mà hai năm rồi tôi cố tình lẩn trốn.

 

Khách chẳng có dáng dấp gì đặc biệt, chỉ có cái trán thấp phủ một lọn tóc xoăn và cách phục sức của khách, nó toát ra vẻ sang trọng với cái đồng hồ vàng, chiếc nhẫn hột xoàn, bộ quần áo đắt tiền và dáng dấp khoan thai của khách.

 

Không biết từ cánh cửa nào của quán, nhưng qua làn khói lãng đãng, ông đến thẳng bàn tôi. Khách chẳng chào hỏi mà hình như còn bực bội đi thẳng vào vấn đề:

 

- Chính ông là tác giả truyện ngắn “Không có cái truyện ngắn nào cả”?

 

- Chính tôi, nhưng tôi chưa viết ra, sao ông biết?

 

Ông khách chẳng trả lời, chỉ khinh bỉ cười nửa miệng, rồi lấy muỗng khuấy đường dưới đáy ly cà phê của tôi, uống một ngụm. Khách tiếp tục câu chuyện:

 

- Tôi thuộc làu cái truyện ngắn của ông trong đầu.

 

Gần hai năm nay tôi biết, ông phải tìm tôi để hỏi ý kiến về cách kết thúc câu chuyện, nhưng ông cứ lần lựa mãi. Tôi chẳng biết trả lời như thế nào, bởi vì chuyện tôi đang vướng phải, nó đến hồi quyết liệt, buộc tôi phải có một quyết định đúng đắn mới tránh được những hậu quả nặng nề về sau. Phần ông khách, đã hiểu rõ sự ái ngại của tôi nên tiếp:

 

- Tôi nói thẳng ông đừng giận. Cái câu chuyện đó rất tồi. Nhưng nếu ông tìm tôi sớm hơn thì phần kết thúc hạnh phúc hơn biết bao.

 

Tôi cười buồn bã, nhưng vẫn chưa muốn đồng ý dù khách đưa ra một nhận xét đúng.

 

- Bao giờ ông viết phần kết thúc?

 

- Chưa.

 

Tôi trả lời rồi dợm đứng lên, nhưng khách vẫn lầm lì, dùng tay chống vào cằm tôi và chậm rãi nhấp từng ngụm cà phê:

 

- Tôi biết, ông chẳng gấp đi đâu. Khách nói - Ông cũng đừng trốn tránh tôi vô ích, tôi còn đi với ông suốt cả đời mà. Câu chuyện của ông hoàn toàn có thật, theo ông, tình yêu sẽ đi về phía nào? Nói cụ thể vợ ông sẽ ở lại hưởng thụ sự giàu sang với ông hay bỏ theo người khác? - Khách dừng lời và lấy bàn tay tôi cầm muỗng gõ lanh canh vào thành ly.

 

Một lúc, sau khi đắn đo suy nghĩ, tôi đáp dứt khoát, giọng khản đặc:

 

- Ly dị? Sẽ không đời nào tôi cho vợ tôi ly dị.

 

- Tôi biết ông nói thế để đưa nội dung câu chuyện theo hướng khác. Nhưng không được đâu. Các nhân vật của ông sẽ đi theo hướng của cuộc sống dù ông có cố tình o ép kéo họ theo ý mình. Tôi đã từng cùng ông, vợ ông ăn một mâm, ngủ một giường, ông quên sao? Tôi nhìn một hồi vào khoảng không, rồi buồn bã hỏi:

 

- Ông sẽ giúp tôi chứ? Theo ý ông tôi phải làm sao?

 

Khách lấy điếu thuốc của tôi, đưa lên môi hít một hơi dài rồi nghiêm khắc nói:

 

- Nếu vậy chúng ta phải nhớ lại từ đầu, nhưng tôi báo trước, ông phải để vợ ông ly dị. Đó là một kết thúc hợp đạo lý. Bây giờ xin mời, ta đi vào nội dung câu chuyện, lúc ta còn sống chung Hạnh.

 

... Hạnh dùng bàn chải xát vào gót chân đỏ hồng cho đến lúc sạch bóng, rồi đứng lên với hai tay ra sau gáy, kẹp lại mái tóc làm hai bầu vú tròn nhô ra phía trước. Xong, Hạnh bưng cái mâm đựng đầy chén dĩa vừa rửa từ bến sông lên nhà. Thằng Tín ngồi xệp dưới nền gạch, chân dạng hai, miệng “bí bô” “bí bô” inh ỏi, nó ra sức đẩy chiếc xe hơi bằng nhựa chạy hết tốc lực

từ chân bên này qua chân bên kia. Hạnh vừa úp chén dĩa vào tủ vừa mắng con:

 

- Tín, xe chạy lớn quá. Tốp bớt lại cho ba ngủ.

 

Ngoảnh mặt nhìn với cặp mắt tròn xoe, long lanh,Tín đáp:

 

- Xe chở trái cây lên thành phố, phải chạy hết ga mới kịp. – Rồi tiếng bí bô lại vang lên khắp nhà. Chưa úp xong chén, Hạnh đã nghe con khóc ré. Thân đang lấy cây chổi lông gà quất vào mông Tín, thằng bé lấy hai bàn tay nhỏ xíu xoa lia lịa, cái miệng méo xệch:

 

- Mẹ ơi, mẹ ơi!

- Đi vào ngủ! Chẳng nghỉ ngơi gì được với mày.

 

Chơi cũng phải có giờ giấc chứ. – Thân nói.

 

Chạy lại dắt con vào phòng, Hạnh bảo:

 

- Con chẳng nghe lời mẹ, làm vang cả nhà. Để ba ngủ trưa chớ!

 

Chưa dỗ xong Tín, Hạnh đã nghe Thân gọi:

 

- Em ra đây anh bàn cái này.

 

Mất ngủ, Thân lại tỉ mỉ lau mãi cái máy thu băng, khệ nệ bưng nó đặt lên đầu tủ, cạnh cái ti vi. Đoạn lấy ngón tay trỏ đưa lên miệng thấm nước miếng cọ một vết đen dính trên máy.

 

- Cũng thằng Tín làm dính mủ vào đây. – Thân đưa bàn tay phủi phủi rồi nhìn Hạnh tiếp:

 

- Chiều nay anh đi thành phố độ ba ngày, chạy thêm một số hàng mới.

 

- Đám giỗ ba anh không ở nhà sao? – Hạnh ngạc nhiên hỏi.

 

- Em làm gòn gọn. Đừng mời mọc ai. Tiền anh dành dụm từng đồng dại gì phung phí. Vả lại mình còn chuẩn bị mua một máy cưa. Xong việc anh sẽ về ngay.

 

- Thân lại thấm nước miếng cọ vào vết đen, cằn nhằn.

 

- Cái thằng Tín này, không đánh không được.

 

Trong xã, ai cũng khen ngợi, vì cỡ tuổi hai mươi mà Hạnh đã cùng chồng có một cơ ngơi riêng biệt, hà cửa khang trang đầy đủ tiện nghi, có cả nhà máy cưa vừa hợp doanh với nhà nước.

 

Khi Thân đến hỏi cưới, hai bên nội ngoại Hạnh ai cũng nói vào. Thím Tám cho là một dịp hiếm, một may mắn đặc biệt gõ cửa nhà Hạnh. Người cho rằng Hạnh tốt số vì Thân rất giỏi buôn bán, không trà rượu, bạn bè. Thật vậy, Thân giống hệt tính cha. Cha Thân lúc trước, chủ một hiệu tạp hóa khá giả, suốt một đời hì hục vật lộn với tiền bạc, hàng hóa, ông không có lấy một buổi sáng rảnh rỗi để uống một tách trà, một ly cà phê. Người ta kể, cái chết của ông cũng do ông gây ra. Bị mổ ruột, xuất viện chưa quá mươi ngày, ông đã xuống lái chiếc ghe lớn vì sợ lỡ một chuyến hàng lời to. Đến khi hay được, Thân chở ông đi bệnh viện và phải mổ lại vì vết mổ trước ở ruột bị đứt đường khâu. Lần mổ này, cha Thân đã chết.

 

Tính nết Thân y như thế, tỉ mỉ từng chút, quyết định mọi việc trong nhà. Việc nhỏ từ cây kim sợi chỉ cho đến làm ăn thu nhập đều do tay Thân. Dì Tư bình phẩm, chẳng ai tốt phước được như Hạnh, mọi việc đều có chồng lo. Hạnh nghe những lời bùi tai, thấy có lý nên cứ an tâm sống bên Thân...

 

Khi nhớ tới đoạn này, khách hỏi:

 

- Lúc còn sống chung, ông đã biến vợ ông thành chiếc bóng của ông phải không?

 

- Xin nói rõ hơn, tôi chưa hiểu.

 

- Ý tôi muốn nói. Cái bóng của ông phải rập khuân theo mọi quyết định của ông. Ông đi cái bóng đi, ông đứng cái bóng đứng, ông rạp người cái bóng cũng rạp theo.

 

- Tôi hiểu. – Tôi rít một hơi thuốc rồi chậm rãi tiếp - Tôi không để vợ tôi thiếu thốn gì cả, và tôi rất yêu vợ tôi.

 

Khách cười nhỏ, giọng chua chát nói:

 

- Ông đừng quên rằng, khi ông cười, cái bóng chỉ biết nhe răng chứ không bao giờ thốt thành tiếng, khi ông khóc, cái bóng chỉ có nhíu mày chứ không chảy được nước mắt. Ông lầm to khi biến con người thành cái bóng. Ông biết, một con người có thể lực, có trí tuệ mà không có việc làm, không có quyết định gì riêng của mình thì sẽ cô đơn và khổ sở như thế nào?

 

- Nhưng tôi có làm điều gì cho vợ tôi buồn đâu?

 

- Cái việc ông biến vợ ông thành cái bóng, đủ làm cho vợ ông bỏ ông. Cái bóng không có sự sống, ông biết điều đó chứ. – Khách như muốn gào lên trong đầu tôi.

 

- Bây giờ...

 

- Bây giờ thì trễ rồi - Khách cướp lời - Hạnh phúc là một thứ phải nuôi dưỡng, giữ gìn tha thiết và trân trọng với nó, nó mới sống với mình.

 

- Nếu vậy, tôi xin hỏi ông. Tôi đã thiếu cái gì trong những điều ông nói, để đến nỗi vợ phải xin ly dị?

 

- Tôi chỉ yêu cầu ông thật bình tĩnh để nhớ tiếp đoạn truyện mà ông sắp viết. Ông sẽ rõ.

 

Người khách lạ đốt thuốc, rồi dùng bàn tay tôi đưa lên môi, cùng tôi hút chung một điếu thuốc và nhớ lại.

 

... Hạnh rước mẹ ruột về nuôi. Ý này, do Thân quyết định.

 

- Em rước má về ở với tụi mình. Còn mình má, ở riêng người ta dị nghị. Nhà vắng, mình có đi đâu, má giữ nhà rất tiện.

 

Hạnh thầm cảm ơn chồng, nhưng điều buồn lòng nhất là ngay ngày đầu, Thân đã bắt phải giặt tất cả quần áo của bà mẹ, xếp giường ngủ ở nhà dưới, ăn cơm bằng chén mủ và dọn mâm riêng. Ý này, do Thân giảng giải:

 

- Giặt quần áo má để người ta khỏi chê cười, xếp ngủ nhà dưới cho tiện việc tiêu tiểu, chén đũa mủ và mâm riêng vì mẹ già yếu cần yên tĩnh.

 

Hạnh thấy trong cách sắp xếp của Thân có điều gì không thành thật lẩn khuất đâu đó, nhưng cũng an tâm vì Thân đã lo cho mẹ mình. Ngày tháng kéo nhau đi như đám mây trắng hồng lướt qua mặt ao trong vắt. Cây ô môi ven sông đã mấy lần đơm hoa đỏ thắm, gia đình Hạnh càng giàu ra.

 

Khoảng sân trước nhà, trên cây gòn cụt đã có thêm chuồng bồ câu sơn sặc sỡ. Dưới bến, sợi dây xích chiếc ghe to thường khua loảng xoảng. Một buổi chiều, sau bữa cơm, Thân gác cây tăm lên thành ly nước và nói:

 

- Em mướn một đứa bé về giặt giũ, đổ bô cho má. Em khỏi làm việc ấy. Ngày mai em cho người dọn lại nhà kho, cho ông cán bộ huyện mới đổi về ở trọ. Có một ông cán bộ mướn nhà rất tiện cho việc kinh doanh của mình.

 

Thân lại lấy ngón trỏ để vào miệng, suy nghĩ một hồi rồi tiếp:

 

- Hình như độ này em quên anh.

 

- Em ở nhà cả ngày, có đi đâu mà quên anh?

 

- Anh đi năm bảy hôm mới về, không khi nào em rảnh để nằm trọn với anh một tiếng đồng hồ.

 

Hạnh biết, Thân phiền trách vì việc Hạnh thường phải đổ bô, giặt giũ cho mẹ. Thân không nói ra nhưng qua nét mặt thì đã rõ. Chỉ có việc vô tình bưng cái bô đi ngang qua, Hạnh thấy Thân nhíu mày ghê tởm, điều đó đã khiến Hạnh đau lòng ghê gớm.

 

Ba hôm sau, ông cán bộ đến ở nhà kho. Đó là một buổi chiều tháng ba, nắng chìa những ngón tay vàng rượm xuống khu vườn cây ăn trái, đất đã thu toàn bộ lá nên cây vườn chỉ còn trơ lại những nhánh khẳng khiu.

 

Thân không có ở nhà. Hạnh giao chìa khóa cho khách. Ông cán bộ đến với chiếc ba lô cũ, một thùng giấy vuông và một cánh tay cụt. Hạnh chỉ cho ông cái giường nằm, cái bàn viết và cũng là bàn ăn.

 

- Ở trước nhà có cái lu, ông xách nước dưới sông lên mà dùng. Mùa này nước trong và ngọt vô cùng, khỏi phải lóng phèn. Nấu ăn có bếp phía sau. Ông còn vật gì mang theo nữa không?

 

- Dạ không!

 

Ông cán bộ bối rối đưa cánh tay còn lại xoa xoa cái đầu hớt cao của mình, cám ơn Hạnh rồi lục tục kéo cái thùng xếp vào gầm giường.

 

Nhà có thêm đứa ở. Hạnh càng nhẹ công việc. Bẵng đi vài hôm Hạnh từ vườn rau trở vào nhà, chợt thấy ông cán bộ đang lui cui xới vạt đất trước nhà kho. Thấy lạ, Hạnh lại xem, ông ta lúng túng nói:

 

- Hôm kia lên chị nhưng không gặp, tôi có hỏi bác gái, tính trồng vài bụi hoa cho vui.

 

Hạnh cúi xuống, lượm một viên đất nhỏ, bóp nát trong hai ngón tay, đưa lên mũi ngửi:

 

- Chà! Mùi đất ải... – Mắt Hạnh long lanh nhìn xuống vạt đất - Ông cứ trồng đi. Mấy năm trước tôi cũng ưa trồng hoa. Giờ có chồng, lắm chuyện lặt vặt, tôi quên mất chúng.

 

- Chà, ông có nhiều sách quá - Hạnh nói khi vô tình nhìn vào nhà. Còn ông cán bộ lại bối rối, ông đưa bàn tay dính đầy đất xoa mãi hàm râu lởm chởm của mình.

 

Một thời gian sau, Hạnh ra thăm vườn. Nghe tiếng Tín cười rộ. Hạnh đến và ngạc nhiên thấy xung quanh nhà kho, đất đã kéo đến vô số hoa lạ. Tín đang sóng đôi cùng ông cán bộ vạch từng lá nhỏ, bắt sâu. Từ ngày đó, Tín bám sát ông cán bộ, nó chỉ về nhà vào hai bữa cơm hoặc khi ông cán bộ đi làm.

 

Có lần, Hạnh đang đọc giấy báo thuế của xã. Tín ở phía sau, bỗng nó choàng tay qua vai má, lấy ngón chỉ từng chữ trong tờ giấy và đọc to:

 

- Chữ A như cái tháp chuông, chữ Đ như cây cung có mũi tên, chữ O như trái cam chín.

 

Hạnh mừng đến lặng người, ôm con vào lòng hỏi:

 

- Con học đâu vậy?

 

- Bác Dương dạy con. Bác còn nghe được tiếng chim nữa đó mẹ.

 

Hạnh phì cười, vỗ vỗ vào mông con rồi hỏi:

 

- Bác nghe được tiếng chim nói gì?

 

- Bác nói - Tín quơ quơ tay ra bộ - con cu gáy

 

“cúc cù cu” là nó nói “tết rồi kìa”, con chim chìa vôi kêu “tờ ri trí ti tờ ri” là nó nói “bình minh đến bên bờ tre”.

 

- Ừ, đúng đấy. – Hạnh lại phì cười rồi kéo con vào lòng.

 

Một hôm, trời chưa tối hẳn, đang coi chương trình thời sự trên ti vi, chợt nghe Tín la thất thanh, Hạnh và Thân chạy đến, thấy Tín đang đỡ bà ngoại nằm dưới đất, vừa khóc vừa gọi:

 

- Ngoại ơi! Ngoại ơi!

 

Hạnh bồng mẹ lên giường và rối rít gọi Thân tìm dầu xoa, nhưng bà vẫn hôn mê. Cơn bệnh cao huyết áp đến bất ngờ khi Tín dắt bà đi tiểu. Hạnh giục Thân lấy ghe đưa bà đi bệnh viện.

 

- Có trời mới đẩy ra được. Nó mắc cạn rồi. – Thân trả lời rồi đưa ngón trỏ lên miệng suy nghĩ một hồi, đoạn nói là sẽ đi lên xã mượn ghe trực.

 

Dương chạy qua, lúc Hạnh đang xớ rớ bên mẹ, còn Tín vừa đấm chân cho ngoại vừa gọi:

 

- Ngoại ơi! Ngoại ơi!

 

Gạt hai người ra. Dương làm một số động tác giúp người bệnh nằm thoải mái hơn rồi đưa tay tìm mạch.

 

- Triệu chứng áp huyết cao. Chị phải đưa bác đi bệnh viện gấp.

 

Hạnh lính quýnh chạy tới chạy lui nói:

 

- Chiếc ghe nhà mắc cạn, còn ảnh nói lên xã mượn ghe trực.

 

- Không được. – Dương nói bằng giọng chắc nịch –

 

Ở xã không có ghe trực bữa nay. Ghe nhà đâu chị chỉ để tôi đẩy ra, chị thu xếp áo quần cho bác nằm viện...

 

Người khách lại nhìn thẳng vào mặt tôi và nói:

 

- Tại sao lúc đó ông không xuống đẩy chiếc ghe để đưa mẹ Hạnh đi bệnh viện?

 

- Đừng hỏi sỗ sàng như thế? – Tôi bối rối trả lời. -

 

Nhưng hôm đó tôi đã làm hết sức mình.

 

- Khốn nạn! - Người khách lạ chửi. - Hôm đó ông chỉ chạy loăng quăng như chó tháng bảy trên con đường ích kỷ, nhỏ nhen của ông. Tôi hiểu hết. Lúc ấy trong đầu ông tính toán. Đem bà mẹ vợ đi nằm viện sẽ tốn kém. Rồi ông phải xa vợ vì Hạnh sẽ phải đi nuôi mẹ. Vả lại, nếu mẹ vợ chết, ông sẽ thoát nợ. Cho nên ông chỉ làm bộ bận rộn cho Hạnh thấy, chứ thật ra ông không hết lòng. Tôi nóng nảy toan bào chữa. Nhưng ông khách lạ đã đưa tay tôi ra đốt thuốc và nói tiếp:

 

- Cái tính ích kỷ nhỏ nhen nó đã giết chết dần tình người trong ông.

 

Lặng người đi vì đau đơn, tôi xua xua tay trong khoảng không, đuổi khách đi, nhưng ông khách vẫn tiếp tục đay nghiến:

 

- Ông nhớ đi, bữa đó ông Dương với cái tay độc nhất của mình đã móc một đường đất dài cả trăm mét và vẫn cái sức lực đó, Dương đã cố gắng đẩy được chiếc ghe ra sông lớn. Tôi hỏi ông, ông Dương làm việc đó vì cái gì? Đáng lẽ ông phải cảm ơn, trái lại, ông thù ghét người ta.

 

Đầu tôi gục xuống, tôi thèm được tát một bạt tay vào mặt mình. Nhưng người khách đã hiểu ý đó, nên khi tôi đưa tay lên, ông ta lấy tay kia của tôi đè xuống, và dùng đôi môi tôi sỉ vả tiếp.

 

- Đừng... Không được nước non gì đâu. Đã trễ rồi. Ông nghe tiếp đây, để thỏa mãn tính ích kỷ, ông đã biến thành một người cai tù và nhốt vợ con ông vào cái nhà ngục nhỏ nhen đó.

 

Tôi đưa tay xô về phía trước, toan bỏ người khách lạ để chạy trốn, nhưng ông ta có thừa sáng suốt và bình tĩnh để hiểu. Ông ta lầm lì tiếp tục nói:

 

- Đừng chạy trốn vô ích, hãy mạnh dạn nhìn vào sự thật, may ra đoạn đường sau của ông sẽ khá hơn. Nhớ đi đoạn sau của truyện là một hình phạt đúng đắn mà cuộc đời đã dành cho ông.

 

... Mẹ Hạnh nằm viện cả tháng, Hạnh và đứa ở thay phiên nhau nuôi. Khi rước về, mẹ Hạnh vẫn còn yếu. Có lúc yếu quá, bà tiêu tiểu cả ra ngoài bô, vãi xuống nền gạch bông. Những lúc ấy bực bội, nhưng Thân không nói ra được nên thường bỏ nhà đi luôn.

 

Khi về, Tín lại bị Thân hành hạ. Tín là người con anh ruột của Hạnh, cha mẹ Tín chết lúc mới một tuổi, Hạnh đem về làm con nuôi.

 

- Đi chơi hai roi.

 

- Hái hoa hai roi.

 

- Bắt bươm bướm hai roi.

 

Thân biết cứ đánh Tín một roi thì Hạnh như bị mười roi. Riêng Hạnh, thấy mẹ càng yếu, Tín lại sắp đến tuổi đi học thì càng lo lắng vì sẽ phải tiêu pha tiền bạc của Thân nhiều hơn, cho nên lúc nào Hạnh cũng nơm nớp lo sợ trong lòng và bằng mọi cách, bao giờ Hạnh cũng muốn làm cho Thân vui lòng.

 

- Hạnh nè, anh mua cho em cái áo đây.

 

Hạnh mừng rỡ nhận áo rồi lại đâm lo. Mặc cảm ăn bám như một vòng thắt vô hình ngày một siết lại làm cho tính chân thật tươi vui của tuổi trẻ Hạnh chết lụi dần. Bây giờ, lúc có Thân, Hạnh làm bộ cười nói thật vui vẻ cho Thân vui lòng. Thân đi rồi, Hạnh ngồi thừ trong góc nhà lo lắng cho mẹ, cho Tín và cho mình...

 

Người khách lạ lại lên tiếng chặn dòng hồi tưởng của tôi:

 

- Vì quá yêu Hạnh, lúc nào cũng muốn Hạnh là của riêng mình, nên ông trở nên ích kỷ với tất cả người thân của Hạnh. Ông biết Hạnh yêu ông và cũng yêu mẹ, yêu Tín và ông đã tàn nhẫn giết chết mọi tình cảm đó bằng những đay nghiến nhỏ nhoi hàng ngày.

 

Tiếng nói của khách lúc to lúc nhỏ, lúc đay nghiến; lúc giận dữ nhưng không có âm vang nào lọt ra ngoài. Nó cứ ong ong chạy lòng vòng trong óc tôi. Đầu tôi nặng trĩu và cố gắng lắm mới nhớ hết đoạn truyện sầu thảm nhất của đời mình...


... Mặt trời rực rỡ. Trên những hàng bần đan tay nhau chạy tít đến đường chân trời, mỗi mắt lá bần lại long lanh ánh sáng của bình minh trắng. Vô số con sóng nhỏ, gợn lăn tăn xô những thỏi bạc vãi ra khắp con sông Tiền rộng mênh mông. Gió đung đưa những chùm hoa bần tím, bầy chim chìa vôi đậu lủng lẳng trên đó thích chí hót vang. Vài chú tách bầy bay vụt lên cao, cao mãi và hót những tràng dài rộn rã.Hôm nay, xã huy động lực lượng ra tháo các hầm tôm.

 

Cả một dãy hầm nhử tôm tự nhiên đang được tám cái máy cỡ lớn rút nước ra ngoài. Động cơ nổ rì rầm làm rung rinh những tấm lá ấu đang len kín mặt hầm. Gần cả trăm con người hái ấu, khai đường nước, đắp bờ be, chặn lưới, hát hò vui vẻ. Nước chưa rút hết hai phần, các loại cá đã rộ, bắt đầu là loại cá linh nhút nhát, vài con đến gần lưới chặn, muốn thoát, nhảy loi choi. Lát sau, cả bầy phóng đầy đặc trên mặt lưới. Một số người được phân công lấy vượt xúc hoặc hứng. Đám người trên bờ cứ hò hét:

 

- Đó.

 

- Đó.

 

Tiếng “đó” như một phản xạ tự nhiên, bất ngờ vang lên ở miệng từng người khi thấy một con cá nhảy. Hết đợt cá linh đến những con cá ngựa có vằn ngang lưng, miệnh há rộng, phóng vun vút lên cao. Rồi vô khối cá chày mắt hồng hồng, cá he với bộ kỳ vi đỏ ké, cá mè vinh cái mình trắng toát, cá lóc với vảy đen thui... phóng loạn xạ lên mặt lưới.

 

- Đó, đó...

 

- Đó, đó... đó...

 

Tiếng la hét trên bờ, tiếng máy, tiếng nước thoát ào ào, tất cả quyện vào nhau khiến cả một vùng tràn ngập niềm vui lao động. Dương cũng được xã phân công sẽ đem những vợt đầy tôm mới bắt ra ngoài ghe trực để rọng lại, chờ đem cân tươi cho trạm thu mua tôm xuất khẩu. Nhìn cảnh trên, Dương thấy lòng mình háo hức quá, không kềm chế được, phải lội ùa xuống. Đang cùng anh em hứng cá. Chợt Dương thấy ngay chỗ máy bơm, một con cá bông to bằng đầu gối, phóng vút ra khỏi bờ hầm, nó nhanh nhẹn lắc mình theo hình chữ chi, sắp sửa thoát xuống sông. Con cá bông có cơ hội thoát hầm vì mọi người đang đứng ngay lưới, cách xa nơi con cá nhảy, ai nấy la lên ơi ới bất lực nhìn con cá nhoài mình xuống nước. Bỗng từ trên chiếc ghe lớn, một người nhanh nhẹn tuộc khỏi be, lội lẹ đến đón đầu con cá. Thấy nguy cơ, con cá bông cố sức phóng thật mạnh tới mí nước. Nhưng người áo đen lại lẹ hơn, dùng hai tay mình hất ngược lại. Người và cá quần nhau trên bãi sình. Mọi người cười rộ, vỗ tay cổ vũ. Lát sau người đó đè được con cá xuống sình, cái nón lá đang đội chợt úp ngược xuống mặt và từ trong đó một giọng trong trẻo cất tiếng gọi vang:

 

- Lại phụ! Lại phụ!

 

Dương là người đầu tiên chạy tới, dùng bàn tay to bè còn lại của mình đè xuống đầu con cá, nắm chặt.

 

- Ông buông tay tôi ra.

 

Dương nới vòng tay cho người đó rút mấy ngón ra, người bắt cá sửa lại cái nón và ngước mặt lên.

 

- Ủa, chị Hạnh.

 

Dương và Hạnh ngỡ ngàng nhìn nhau, rồi Dương đưa cao con cá bông vừa bắt lên khỏi đầu để cho mọi người thấy. Con cá quẫy mạnh đuôi làm văng những giọt bùn nho nhỏ lên mặt Hạnh. Dương chợt nhìn sững Hạnh. Vầng trán lấm tấm mồ hôi điểm những giọt bùn như những vì sao đất cộng với ánh mắt long lanh hẳn đang vui vì vừa chặn được con cá, tất cả làm Hạnh đẹp lên rực rỡ, rất khác với Hạnh u buồn giữa đám đồ đạc sang trọng, bề bộn ở nhà. Dương thoáng bối rối, lại đưa cao con cá rồi chạy về hầm tôm. Mọi người lại vỗ tay vui vẻ. Choáng ngợp trước niềm vui đó, Hạnh đứng lặng một lúc rồi bất ngờ chạy theo Dương.

 

- Ủa, chị Hạnh, chị Hạnh!

 

- Chị Hạnh! Chị Hạnh bữa nay lại về bắt cá với tụi mình bay ơi.

 

Một số bạn cũ của Hạnh ùa tới xô Hạnh xuống hầm tôm. Ngày tháng tươi trẻ cũ trở về, Hạnh hòa nhập ngay vào cuộc, kéo đẩy, tát nước, vật nhau dưới sình non. Niềm vui bất ngờ ập đến, Hạnh đón mừng nó đến nỗi ứa hai giọt nước mắt. Cả bọn trì kéo, đùa giỡn chiếc áo bà ba của Hạnh chợt tuột đi hàng nút trên để lộ ra cặp vú to, săn, trắng phau dính lết bết những vệt bùn đen xám. Hạnh thản nhiên cài nút áo lại, cả bọn lại xô vào nhau. Tiếng cười lại vút lên làm con chim chìa vôi bay ngang giật mình, ngưng hót, quặt sang hướng khác. Bay một đoạn nó lại thả tiếng hót làm xao động đám mây trắng xa xa.

 

Nước cạn dần, tôm dưới đám lá ấu búng trong tróc khắp mặt hầm. Từng hàng, những con tôm lớn mang đôi càng xanh đỏ, những con tôm nhỏ mắt đỏ au đưa chùm râu tua tủa, bò ngược, bò xuôi hay cong mình phóng thẳng lên bờ. Bắt đầu công việc bắt tôm, tôm được chia loại ngay lúc bắt. Tôm loại nhất mười con một ký, loại hai ba mươi con một ký. Cứ thế, dương mang những vợt tôm nặng trĩu chạy ra đổ ngoài gọng, chạy mãi đến đôi chân mỏi nhừ muốn sút khỏi cặp mông và chẳng còn nghe lệnh Dương nữa.

 

Hạnh mê bắt tôm với các bạn đến độ quên đi chiếc ghe máy của nhà. Buổi sáng, xã có mượn ghe Hạnh trực, để khi bắt tôm xong, chạy qua sông cân cho trạm. Thân không có nhà, Hạnh đi. Thế rồi con cá bông khiến Hạnh lao vào những ngày vui cũ, những ngày cùng bạn bè tháo hầm bắt tôm khi chưa về với Thân.

 

Bóng bần ngả dài theo những bờ lác, xế chiều, ai nấy đều mệt đừ. Năm nay xã được mùa tôm, mỗi hầm có đến vài trăm ký tôm loại một. Dương được xã phân công đi với một người nữa theo ghe Hạnh, đem tôm qua sông cân.

 

Vì kéo theo hai gọng tôm to nên ghe chạy thật chậm, qua chừng phần ba sông, gió chướng bắt đầu thổi. Con sông hiền bỗng gợn nhấp nhô những con sóng đầu tiên, rồi những con sóng bạc đầu vươn cao ngọn chạy đuổi ì ầm. Trong chốc lát lòng sông trên nên hung dữ, gió rít lên xua bầy sóng quất rầm rầm vào hông ghe. Còn hai cái gọng tôm lại ra sức ẩy ngược kéo ghe lại, nó cản nước ồ ồ rồi chao đảo loạn xạ. Trong tiếng gió ì ào, Dương nghe tiếng Hạnh la to và thấy sợi dây luộc buộc hai gọng tôm có chỗ sắp đứt.

 

- Chị Hạnh lại cầm lái. Chú Tư nắm sợi dây bên kia!

 

Dương buông tay lái phóng lại chụp sợi dây đứt. Cái gọng tôm bị sút đang chìm dần xuống lòng sông sâu bỗng khựng lại theo sức kéo của Dương, dần dần nổi trên mặt nước rồi bắt đầu réo lên ào ào trên ngọn sóng. Dương hít mạnh một hơi thật dài, hai chân quắp vào đà ngang của ghe, nhoài nửa mình ra sông, sợ vuột sợi dây luộc, Dương mạo hiểm quấn một vòng quanh cánh tay mình rồi dùng toàn sức kéo lại. Cứ mỗi lần cái gọng chao đảo, Hạnh lại thấy sợi miết sâu vào cánh tay Dương và Dương oằn mình như miếng vỏ bào, những sợi dây không tài nào vuột thêm được. Hạnh muốn giúp những chẳng biết làm gì đành lo lắng nhìn Dương mãi.

 

Gió hú ù ù, cái gọng tôm quật ngang ngửa như con trâu nước. Sau khi giảm tốc lực máy, buộc được sợi dây luộc vào đà ghe. Không biết bao nhiêu cái oằn người, Dương mới buông sợi dây ra được và lảo đảo đứng lên. Còn Hạnh thì thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được mối nguy hiểm cho chính bản thân mình. Quanh cánh tay Dương, sợi dây luộc để lại một vệt xước dài như con rắn to nhuộm đầy máu. Dương dùng cánh tay đó rút khăn trong túi ra đưa lên miệng cắn rồi dùng miệng bình tĩnh chùi những vết máu ứa ra ở vết xước.

 

Cân tôm xong, chú Tư ở lại làm thủ tục lãnh tiền với trạm. Hạnh giục về vì trời gần tối. Đứng trước mũi ghe, Dương che tay nhìn ngọn gió chướng thổi muộn đang khuấy động lòng sông.

 

- Chưa được đâu chị Hạnh, sóng to lắm, nhìn những ngọn bần đàng kia xem gió muốn bẻ hai nó rồi.

 

Phải đợi dịu sóng mới về được.

 

- Ở nhà chỉ có đứa ở. Tôi phải về. Hạnh kiên quyết nên buộc Dương phải nghe theo.

 

Ghe vượt sông, độ mươi phút sau, sóng đã bẻ gãy tay lái. Dương dùng miếng ván thế, chiếc ghe vẫn xoay như cái bông vụ.

 

- Tắt máy đi chị Hạnh - tiếng Dương bạt đi trong gió - Không chạy được nữa đâu, nguy hiểm lắm. Cứ để nó tấp vào vạt bần kia. Yên sóng mới về được. Chiếc ghe sau khi tắt máy ít chòng chành hơn, nó theo gió tấp vào vạt bần và được đưa sâu vào trong để tránh sóng. Hạnh ngồi trước mũi, Dương bó gối sau lái hút thuốc. Cái im lặng giữa hai người kéo dài đến mười mấy tàn thuốc lá. Giữa cảnh bao la trời nước. Vắng vẻ đến ghê rợn, chí có hai người lọt trong dãy bần kín đáo, Hạnh thấy lòng bứt rứt không yên, vừa bồn chồn vừa e ngại, tay Hạnh cứ bẻ hết nhánh bần này tới nhánh bần khác. Hạnh muốn Dương hay mình kể một câu chuyện không đâu nào đó để xóa tan quãng trống giữa hai người. Bất ngờ Hạnh quay lại, lúc đó vô tình Dương cũng đang nhìn cô, ánh mắt hai người gặp nhau. Hạnh vội vã quay sang hướng khác, tiếp tục bẻ những nhánh bần chung quanh. Còn Dương bối rối lên tiếng bằng giọng cau có:

 

- Tôi đã nói sóng to thế này là không về được.

 

- Tôi nóng về nhà quá ông à - Hạnh trả lời như thể mình có lỗi, tiếng cô chìm lỉm trong cơn gió rì rào.

 

- Chị giữ ghe nhé.

 

Nói xong Dương trèo lên những cây bần gần đó, bẻ các nhánh khô đem xuống, bắt đầu nhúm bếp trên miếng thiếc nhỏ.

 

- Ông làm gì vậy?

 

- Tôi nướng con cá lóc cho chị ăn đây. Tôi cũng thấy đói bụng.

 

Dương loay hoay quẹt lửa bằng một tay và các ngón chân. Gió lùa mãi không làm sao cháy được bếp. Hạnh e ngại không muốn giúp Dương, nhưng khi vết xước như con rắn đỏ đập vào mắt Hạnh, Hạnh bực bội nói:

 

- Ông để tôi làm cho. – Và với cái nón che gió, chẳng mấy chốc trên tấm thiết, ngọn lửa đã rực.

 

Chọn hai con cá lóc to trong đám cá xã cho, Dương đập đầu, dùng nhánh bần xuyên qua bụng cá, nướng trui. Hạnh dùng nón che lửa, còn Dương giữ con cá trên bếp.

 

- Ông để có than rồi hãy nướng.

 

- Chị biết củi bần làm sao có than được – dương nói trong tiếng gió ào ào, - Nướng kiểu này kém ngon, nhưng mau chín. Vả lại trời cũng sắp dịu sóng.

 

Vẩy con cá lóc khô đi, vàng rượm, cháy xém và bắt đầu cong lên, một mùi thơm ngọt lừng trong gió. Đêm ập xuống rất nhanh, chỉ trong một thoáng nó đã nhuộm toàn bộ dãy bần vào cái màu xám tro đằng đặc.

 

Ngồi ăn cá, Dương chỉ còn thấy ánh lửa nhảy múa trên mắt, trên má Hạnh.

 

- Ông thấy không? Nướng áp lửa cá mau chín nhưng kém thơm. Cá xứ mình nướng kiểu gì thịt vẫn cứ ngọt lịm, nhất là vừa bắt dưới sông lên. - Hạnh nói, trong lúc Dương lấy tay bụm nước sông lên uống.

 

- Về được rồi. Trời nhiều mây quá, hôm nay mười ba trăng có sớm lắm. Tôi lấy miếng ván làm bánh lái xem có chạy được không.

 

Máy chạy, chiếc ghe lại xoay vòng vòng vì bánh lái quá nhỏ. Dương đề nghị:

 

- Chạy không được rồi, chỉ có nước bơi lần về.

 

Chị ra sau để tôi bơi cho.

 

Chiếc ghe, theo tiếng bơi lụp cụp, nhích lần qua sông.

 

Đến giữa sông, bất thần mây kéo đi và vầng trăng lóng lánh hiện ra. Một dòng sông dài và rộng như được dát vàng, nó rực lên bởi vô số những gợn lăn tăn nho nhỏ. Sóng đã dịu, chỉ còn vỗ lách chách nhẹ nhàng vào hông ghe. Ở phía Tây, dưới ánh trăng, ba chiếc ghe nhỏ xuôi theo con nước. Ghe nào cũng có bếp lửa. Ánh lửa rung rinh trong ánh trăng bàng bạc, nó là những đóa hoa bằng vàng ròng đang nhảy múa. Bỗng nhiên một trong những chiếc ghe có tiếng nói ồn ồn giọng con trai vang lên:

 

- Mấy cô em ơi! Chèo ghe bằng chèo chớ ai chèo bằng miệng, bộ hết bài hết vở rồi sao mà chẳng hò chẳng hát trả lời vậy cô em?

 

Lại có giọng trong trẻo trả lời:

 

- Anh ơi! Sợ có vợ anh đi theo tụi này mới kín tiếng, chớ chưa có vợ thì các anh nghe nè. - Rồi cũng giọng đó cất tiếng hò lên:

 

Hò... hơ... ơ... ơ

Nghe anh là khách tài hoa

Mời anh đối đáp một vài trống canh

Có lá mà lại có cành

Có em mà lại có anh mới tình

Ghe bên này có tiếng ồ ồ của một anh trai đáp:

Hò... hơ... ơ... ơ

Người thanh nghe tiếng cũng thanh

Thấy em lịch sự lòng anh cũng mừng

Đêm trăng sáng chỉ có chừng

Đôi ta đã gặp thì đừng xa nhau...

 

Dù là tiếng hò trong trẻo hay tiếng hò ồ ồ, âm vang láy lại sau cùng vẫn cứ chạy mãi và tan biến trong khói sương của sông nước. Ba chiếc ghe thong thả trôi ngang ghe của Dương

và Hạnh rồi xuôi ra biển đông. Tiếng hò nhỏ dần rồi mất hút.

 

Khi nghe tiếng hò, Dương gác dầm, cho ghe tự do trôi theo nước, Dương sợ tiếng dầm lụp cụp của mình nó làm vẩn đục đi nét đẹp thanh thoát của quê hương mà vô tình hôm nay bắt gặp lại. Còn Hạnh mãi mê nhìn theo bóng những chiếc ghe dưới trăng và cảm thấy mình vừa bắt được cái trong sạch nồng nàn của tình yêu tươi trẻ của tuổi mười lăm mười bảy. Lách chách con sóng lại vỗ vào mạn ghe. Qua được hai phần sông, Dương chợt thèm hơi thuốc.

 

- Chị Hạnh, chị lấy bịch thuốc để sau lái giùm tôi.

 

Thấy Dương bận bơi. Hạnh vấn thuốc giùm, đem lại cho Dương. Đương lại dùng ngón chân giữ bao diêm và quẹt lửa. Hạnh nói nhỏ:

 

- Ông đưa tôi quẹt giùm cho.

 

Ánh lửa bật sáng, Dương thấy đôi mắt Hạnh thật đẹp. Riêng Hạnh nhìn vào vầng trán cao của Dương có lấm tấm mồ hôi đọng, cô biết Dương đã dùng nhiều sức lực để bơi. Khi đưa lên đốt thuốc. Mặt hai người, chẳng hiểu vì sao gần chạm vào nhau, Hạnh chợt rùng mình khi làn hơi thở nóng hổi của Dương xoáy tròn ra sau gáy rồi Hạnh lại thấy lâng lâng với mùi thuốc lá hăng nồng mà cô chỉ gặp lúc nằm cạnh Thân. Tay Hạnh chợt run lên và điều đó Dương cũng nhận thấy. Đốt thuốc xong, Hạnh quày quả đi về phía lái và từ đó về đến nhà, cả hai im thin thít...

 

Không cần nhớ tiếp. Tôi hốt hoảng hỏi người khách lạ:

 

- Ông có biết còn nỗi đau nào bằng nỗi đau khi biết vợ mình yêu người khác?

 

Người khách lạ mỉm cười:

 

- Ông có biết nỗi tàn nhẫn nào sánh bằng nỗi tàn nhẫn bắt người không yêu mình phải sống với mình.

 

Ông tìm mọi cách để giữ Hạnh nhưng vô ích, kể cả thủ đoạn không cho Hạnh ly dị. Tình yêu nó không đi cặp kè với tính ích kỷ nhỏ nhen. Ông không có tình yêu. Tôi nghĩ ông nên để Hạnh sống với Dương. Hãy trả con chim chìa vôi lại bầu trời nó mới hót được. Đó là một kết thúc tốt đẹp.

 

- Rồi tôi sẽ sống với ai.

 

- Ông sẽ sống với cái ích kỷ, cái nhỏ nhen và tiền bạc của ông. – Tôi giận dữ la lên:

 

- Nhưng... – Tay tôi quơ quơ, vô tình làm rớt ly cà phê độc nhất trên bàn xuống sàn gạch. Tiếng “cạch” khô khốc, tiếng của thủy tinh mỏng chạm chất rắn vang lên làm tôi sực tỉnh, người khách lạ vụt biến mất.

 

 

Không có người khách lạ nào cả. Người khách đặc biệt buổi sáng hôm nay chính là con người thứ hai đang sống lại trong tôi. Đó chính là lương tâm tôi. Tôi muốn nhìn rõ bản chất của mình, trước khi đi đến quyết định sẽ cho vợ tôi ly dị hay không. Tôi gọi chủ quán tính tiền, tính cả cái ly làm bể và nhận lại số tiền lẻ. Xong, tôi đưa tay vuốt mái tóc lòa xòa trước cái trán thấp, buồn bã nhìn xuống cái đồng hồ đắt tiền, chiếc nhẫn hột xoàn và bộ đồ sang trọng của mình lần nửa, rồi thong thả đứng lên, đưa ngón tay trỏ vào miệng và bước ra khỏi quán với quyết định là sẽ thả con chim về với bầu trời của nó. Cũng không có cái truyện ngắn nào cả. Mọi việc đều do tôi tưởng tượng. Còn câu chuyện này và mối quan hệ tình cảm giữa Hạnh và Dương là do chính cô ấy kể lại cho tôi nghe, ngay đêm Hạnh quyết định ly thân và chờ ngày ra tòa ly dị với tôi, vì chẳng ai xa lạ... tôi chính là Thân.

Phạm Trung Khâu
Số lần đọc: 2190
Ngày đăng: 28.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về - Lê Đình Bích
Giữa dòng nước lũ - Anh Đào
Bốn Bức Thư - Lê Văn Thảo
Chuyện tình bên cửa sổ - Lê Văn Thảo
Cô áo hồng, cô áo tím - Lê Văn Thảo
Cảm hứng - Trần Kim Trắc
Kẻ trộm tình - Trần Kim Trắc
Ông thối bà thiu - Trần Kim Trắc
Một người bị bỏ quên - Hào Vũ
Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui
Cùng một tác giả
Tiếng vạc sành (truyện ngắn)
Tình quạ (truyện ngắn)