Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
616
116.858.613
 
Chết
Phan Huy Đường
Chương 1

Bác sĩ bảo bệnh ung thư của bố đã đi vào đoạn cuối. Bố dựng đứng người, không tin nổi. Rồi bố sụm xuống giường. Bố rên.

Sớm quá, tệ quá, tôi vẫn chưa viết xong quyển sách, vẫn chưa nói được…

Đó là lần đầu tôi nghe bố ta thán.

Tôi cố an ủi bố.

Bố đừng buồn. Bố đã được sống một cuộc đời đẹp. Bố để lại một gia đình đoàn kết, hạnh phúc, yêu bố. Đó là điều quan trọng nhất, đúng không ?

Bố cười, yên tâm.

Ừ, đó là điều quan trọng nhất. Bố sẽ chết trong niềm vui.

Cơn đau bóp môi bố méo xẹo. Bố lắp bắp.

Hết, sẽ chẳng còn gì cả. Thời gian và người đời sẽ phá trụi hết, xoá sạch, như với người Incas.

Tôi ve vuốt trán tái mét của bố.

Bố sẽ mãi mãi ở trong tim gia đình.

Bố nhăn mặt, hôn mê. Cô y tá tiêm cho bố một ống mocfin. Mũi kim vừa đâm tay bố, bố mở mắt, môi run rẩy.

Tôi phải viết xong quyển sách của tôi, nhất định phải… Con tim chỉ là im lặng…

Đã hai mươi năm nay bố viết tự truyện, gạch, xé, viết lại không ngừng cuộc đời của bố. Mẹ với tôi không biết câu nào. Nhưng buồn thấy bố không ngừng xé bản thảo. Giận dữ, tỉ mỉ, bố xé tan tành. Thỉnh thoảng bố vui vui dập thành giấy bướm. Cuối cùng, bố luôn luôn vứt những linh hồn trắng đen bé bỏng ấy vào cầu tiêu. Thắt ruột, mẹ và tôi nghe bố giật nước, một lần, hai lần, ba lần… cho tới khi không còn gì cả.

Bác sĩ yêu cầu mẹ đưa bố về nhà.

Chẳng thể làm gì được nữa, chết ở nhà vẫn hơn, ít ngao ngán hơn ở đây. Y tá sẽ ghé qua nhà tiêm mocfin cho ông ấy mỗi ngày ba lần.

 

Những ngày đầu, mọi chuyện đều yên ả. Lả người, bố để cô y tá chích, không phản ứng và thiếp ngủ yên. Mẹ nuôi bố ngay trước khi cô tới. Sau mũi tiêm, mẹ đợi một lúc lâu, chờ bố ngủ. Mẹ cởi quần áo, lau chùi, thay đồ cho bố. Và mẹ ngồi đan trong một góc phòng khách. Mẹ muốn đan cho bố một áo len cuối cùng, che lạnh cho bố một lần chót. Tôi luôn luôn rời phòng khi mẹ rửa ráy bố. Tôi không hiểu từ bao giờ đạo lý chưa từng thành văn bản ấy đã áp đảo tôi : con cái không được phép nhìn thân thể trần truồng của cha. Rửa ráy xong, tôi mang quần áo đi giặt. Phải giặt ngay tức khắc. Một mùi hôi thối kinh hoàng, ngộp thở, không sao chịu nổi. Mùi chết chóc.

 

Mẹ không bao giờ khóc, than phiền. Nhưng tôi cảm thấy rõ, đối với mẹ cũng vậy, cơn hấp hối này kết thúc càng nhanh càng tốt. Thỉnh thoảng tôi lén nhìn mẹ đan. Nhưng tôi không dám nhìn mẹ thẳng mặt vì tôi thường thấy kim đan của mẹ run run. Suốt đời, mẹ luôn luôn biết chế ngự xúc cảm của mình, phô ra ngoài một tư thế trang nghiêm. Mẹ sẽ nhục nếu mẹ thấy tôi thấy mẹ khổ đau.

 

Thực ra, chẳng ai biết bố mắc bệnh gì. Nó hao hao như ung thư, nhưng không phải là ung thư. Căn bệnh đã đánh vào óc não bố. Thường thường những tế bào não nhốt trong sọ có thể thoái hoá, đổi chỗ, chức năng. Nhưng ngay từ tuổi trưởng thành, chúng không tăng thêm. Ở bố, chúng đột ngột sinh sôi nảy nở. Sự bành trướng hỗn loạn, quấn quít hỗn độn giữa chúng khiến tất cả bác sĩ ở bệnh viện lấy làm lạ.

 

Tuần đầu trôi đi trong chờ đợi lặng thinh giây phút giải thoát.

Một buổi sáng, trong khi mẹ cho bố ăn, tôi mở cửa sổ để thông gió. Ngoài trời tuyết rơi. Nụ tuyết quay cuồng, dày đặc, day dứt, không nhìn xuyên qua được. Chẳng còn gì tồn tại bên kia sự im lặng trắng hỗn mang này. Ngoảnh lại, tôi thấy môi bố run run, mắt bố trừng trừng. Tôi vội đóng cửa sổ, sợ bố cảm lạnh. Bố nhìn tuyết bay điên loạn, rất lâu, chăm chú. Bố thở dài, nhắm mắt. Môi bố run run.

Bảo cô ý tá đi đi thôi. Tôi không muốn chết như vậy. Trước thềm cõi chết, đau đớn có nghĩa gì đâu. Điều quan trọng là sau đó.

Mắt mẹ thoáng loé sáng, như thể rùng mình. Có lẽ mẹ ngạc nhiên, hoảng sợ. Bố coi thường thế giới bên kia, chẳng tin ở đấng thần linh nào. Bố hay nhắc.

Mọi cuộc sống đều kết thúc trong cõi chết, mọi cơ thể đều sẽ thành cát bụi, chẳng có cứu thế, hoá kiếp gì cả, điều ấy phi khoa học. Cuộc sống vĩnh cửu chỉ có trong ngôn từ và chính ngôn từ cũng không vĩnh cửu.

 

Mẹ ngập ngừng trình bày nguyện vọng của bố cho cô y tá. Cô nghe mẹ nói, bình thản. Cô lắc đầu.

– Chớ có điên. Ông ấy sẽ đau như một con thú. Trong trường hợp ông, căn bệnh không tới từ cơ thể, nó nằm ngay trong óc, chẳng có cách nào để chống cự với nó, sẽ đau kinh hoàng… Tôi chẳng thể quay lại đây để tiêm cho ông, nhiều bệnh nhân khác chờ đợi tôi.

Tôi thấy mí mắt mẹ run run.

– Tôi không thể làm khác được. Ông ấy cứng đầu lắm. Nhưng xin bà cứ giữ những cuộc hẹn giữa chúng ta, tôi sẽ thanh toán hết. Nếu ông ấy đổi ý, tôi sẽ cho bà biết liền.

Cô y tá nhìn mẹ, vẻ tội nghiệp. Cô thì thầm vài lời khuyên. Mẹ năn nỉ cô uống một tách nước. Chắc mẹ hy vọng bố đổi ý khi bắt đầu đau điếng. Cô y tá vừa bỏ đi, một tiếng nhức đau phá tan im lặng. Mẹ và tôi chạy vào phòng bố. Mắt lộn tròng, cứng đờ, bố cắn chặt răng. Mặt bố đanh lại, cứng nhắc, như đẽo trong gỗ. Đột nhiên, bố há miệng kêu một tiếng khàn khàn. Bố chớp chớp mắt, cắn chặt răng lại. Mồ hôi vã ra trên trán trên cổ bố. Mẹ dịu dàng chùi đi với một tấm khăn ẩm nóng. Mẹ năn nỉ bố tiếp cô y tá. Bố lắc đầu kịch liệt. Mẹ im.

 

Bao nhiêu lâu rồi ? Tôi không nhớ nữa. Những tiếng kêu càng ngày càng thưa. Lúc đầu khô khốc, giật giật, chúng từ từ thoi thóp. Cuối cùng, chỉ còn lại tiếng rên nho nhỏ.

 

Đột nhiên, hàm bố giãn ra. Bố nhắm mắt lại. Mặt bố dịu đi. Bố như đã chết. Tôi nắm mạch bố. Nó đập đều đều. Coma ? Tôi ngước nhìn mẹ. Mẹ chỉ vào môi bố. Chúng lặng thinh mấp máy.

 

Ngày theo ngày trôi đi trong mùa đông âm u buồn tẻ của Paris. Trong cùng nỗi đau cùng sự im lặng. Những cơn đau của bố càng ngày càng mãnh liệt nhưng cũng càng ngày càng ngắn. Ngay sau đó, bố rơi vào một giấc ngủ kỳ dị. Hoàn toàn vô thức, bố không còn nghe thấy mẹ khi, thỉnh thoảng, mẹ nói với bố. Gương mặt bố trở nên yên ả, thanh thản. Nó vẫn bất động nhưng dường như nó bớt bầm, khởi sắc. Dường như nó sống lại. Môi bố mấp máy càng ngày càng rõ nét.

 

Rồi một hôm bố thở dài, yên ả. Một giọng nói tôi không quen biết cất lên, rất khẽ, rất trong.

Ừ… Hôm đó là Tết. Em đẹp quá. Em mang một cái áo dài màu ngọc lam thêu một bông hoa trắng. Đời thật của anh bắt đầu với em.

 

Tôi nhìn mẹ. Mẹ mỉm cười, lạ lẫm, như cho chính mình.

Bố nói về buổi đầu gặp nhau. Bác Jean lôi kéo bố đi dự Tết, lễ Tân Niên của người Việt. Một sự tình cờ đơn thuần. Bố không có bạn Việt. Bố chỉ chơi với người Pháp. Bác Jean là người lai duy nhất mà bố quen, họ là bạn từ thuở chung sống ở cô nhi viện. Mẹ mặc áo dải cổ truyền màu ngọc lam. Một cô bạn Việt đã tặng cho mẹ. Bố mời mẹ nhảy. Bố mẹ quen nhau như thế.

 

Như thế chuyện ấy có thực. Trước thềm cõi chết, con người chớp nhoáng thấy lại tất cả những mảnh nổi bật trong đời mình. Một cảm giác hạnh phúc mung lung tràn ngập tôi. Cho mẹ. Tôi cảm thấy mẹ sung sướng. Kỷ niệm đầu tiên bố nhớ trước khi đi, bố dành cho mẹ. Bố vẫn thì thầm những lời rất âu yếm. Tôi đi ra để mẹ một mình cùng với kỷ niệm chung của bố mẹ.

 

Một cõi im lặng dịu dàng buồn thấm vào bầu không khí phòng khách. Mẹ vẫn đan, từ từ, đều đặn. Mẹ có vẻ thanh thản. Thỉnh thoảng, tôi lén nhìn tay mẹ. Chúng không run nữa. Tôi yên tâm.

– Mẹ ơi, sao bố không chơi với người Việt ? Bản thân bố lai Việt mà.

– Có lẽ chính vì vậy. Thuở đó là thời chiến. Phải thuộc phe này hay phe kia. Ai không lựa chọn thì chẳng có nhà mình ở đâu cả.

– Nhưng ngoài Bác Jean, bố cũng chẳng chơi với người lai.

– Bố không thấy thoải mái bên họ. Bố hay nói, những người lai Âu-Á không có tổ quốc, thế giới chung duy nhất của họ là khổ đau. Bố, bố muốn sống hạnh phúc.

 

Đêm qua, tuyết lại rơi. Sáng nay, mái nhà long lanh dưới nắng. Cảnh tuyết sáng ngời, huy hoàng, lạnh buốt, đanh cứng. Trời rưng rưng xanh thắm, không khí trong suốt phập phồng. Rất lâu, tôi ngắm cõi im lặng trắng. Một niềm khắc khoải lạ lùng tràn ngập lòng tôi, cứ như tôi đang chờ một điều gì tôi kinh hãi. Một con quạ đen vút bay cắt không gian. Tôi bỗng hiểu. Tôi đón đợi lời của bố. Tôi xấu hổ. Tôi biết bố sẽ đau khủng khiếp trước khi được cất tiếng. Tuy vậy, tôi nôn nóng đón đợi giây phút, mắt lộn tròng, bố kêu đau.

 

Bố đã đau đớn mãnh liệt hơn. Bố đã rên rỉ, và bố đã câm đi. Tôi cúi gầm mặt mang quần áo bẩn đi. Tôi không dám ngước nhìn mẹ. Mẹ cũng đã mòn mỏi chờ đợi hão. Có lẽ phải cần nhiều thời gian và đau đớn mới tái sinh được một loại kỷ niệm.

 

 

Ngày đêm theo nhau đi, giống nhau và không giống nhau. Vẫn những cơn đau ấy, vẫn chờ đợi khắc khoải ấy, nhưng chẳng bao giờ là những ngôn từ như nhau. Giọng bố ngày càng trong càng rõ. Những kỷ niệm trở về dễ dàng hơn. Bố chỉ kể những thời hạnh phúc trong gia đình. Hoàn toàn hỗn độn. Chẳng có một mối liên hệ nào với nhau, chẳng có thứ tự nào trong ý tưởng. Mỗi khoảnh khắc dường như biệt lập, đủ cho chính mình, tự mình tồn tại, hoàn hảo lạ thường. Một niềm hạnh phúc ngược đời quy tụ bố mẹ và tôi chung quanh những tiếng kêu đau, những tiếng rên rỉ, những ngôn từ của bố. Nhiều khi tôi chẳng hiểu bố nói gì. Nhưng mẹ có vẻ hiểu vì, thỉnh thoảng, mẹ giải thích cho tôi. Không ở đâu trời xanh, mây trắng, cát mịn, nắng rực cháy như ở đây. Biển này quả là một niềm hạnh phúc đích thực… Quả xoài đấy em. Ăn nó khi còn xanh, nó hơi chua và giòn… Mẹ mỉm cười, mơ màng. Bố mẹ đi đảo Guadeloupe. Coi như đi tuần trăng mật. Lúc đó vẫn chưa cưới nhau. Cha mẹ của mẹ khó chịu, không muốn gả vì bố là người lai. Vì thế, lần đầu trong đời mình, mẹ đã nói dối cha mẹ. Mẹ bảo mẹ đi với một cô bạn. Thuở ấy bố mẹ trẻ. Bố mẹ yêu tương lai, chẳng sợ gì hết. Thật là huyền diệu.

Tôi cười.

– May mà con không cần nói dối.

– Ngày nay không còn là thế giới cũ, thời đại cũ ấy nữa. Ngày xưa, con cái thế nào cũng đến lúc phải nói dối với cha mẹ. Bây giờ thì không cần nữa.

– Mẹ còn giữ hình về cuộc du lịch ấy không ?

– Không, bố mẹ không chụp hình. Bố không thích hình ảnh. Bố bảo đó là những hình ảnh chết. Bố chỉ yêu những gì sống còn trong ký ức của bố thôi.

Tim tôi quặn thắt. Những lời của bố nhắc lại nhiều khoảnh khắc hạnh phúc trong đời tôi. Nhưng nhiều cảnh tượng của tuổi thơ của mình hoàn toàn xa lạ với tôi.

Tay con bé tí, ấm áp, mềm mại, bố thích cảm nhận tay con trong lòng tay bố trên đường ra nhà giữ trẻ.

Tôi nhìn bàn tay tôi. Nó cứng cáp, sần sùi, xương xảu. Bố không nắm nó trong bàn tay bố từ lâu rồi.

Bố thích mang con trên vai đi vào nắng trời dọc bãi biển, đi vào trong nước.

Sắp tới, bố sẽ mang đi những hình ảnh ấy. Sẽ chẳng gì còn lại.

Điều quan trọng nhất là được thương yêu trong thời thơ ấu. Thế nào cũng còn lại một cái gì trong những lúc hoạn nạn, cho tương lai của con người.

Sẽ còn lại điều gì cho tôi, từ tình yêu mà tôi không còn nhớ nữa ?

 

Suốt đêm tôi không ngủ được. Những cơn mê sảng của bố ám ảnh tôi day dứt. Ngày qua ngày, tôi chứng kiến những mảnh đời của tôi tan biến trong hư vô. Tôi nghe thấy mẹ quay đi quay lại trong giường và, thỉnh thoảng, mẹ thở dài. Chắc mẹ đang hồi tưởng những khúc hạnh phúc trong đời mẹ. Những kỷ niệm đích thực. Còn những kỷ niệm của tôi có vẻ hão, trống rỗng khủng khiếp. Chúng chưa hề là của tôi. Chúng chỉ tồn tại trong ký ức đang nhoà của bố và ký ức ấy đang chao đảo trong đêm đen.

 

Tản sáng, tôi mở cửa sổ, hớp ít hơi mát. Bầu trời Paris xám làm lắng dịu những tia đá pha lê trắng cứa mắt. Trên ban công phủ đầy tuyết, tôi thấy vết chân một con chim sẻ. Tôi nghe thấy nó chiêm chiếp. Nó làm thế nào để tồn tại trong thế giới hoang vắng, lặng thinh, buốt lạnh này ? Ai đã dạy nó hát ? Một sự dịu dàng, một hơi ấm lạ lùng toả ra trong tôi. Bố không để lại hình ảnh tuổi thơ của tôi, nhưng bố đã để lại cho tôi ngôn từ của bố. Chúng sẽ khắc sâu vào ý thức của tôi. Qua chúng, tôi đã thấm thía sống lại những khoảnh khắc đã quên đi trong đời tôi. Ngôn từ giữ lâu hơn hình ảnh. Ta có thể tái sinh chúng, sống lại chúng ở ta, cho ta. Bố đã thành công trao lại cho tôi ngôn từ của bố, chúng sẽ sống ở tôi vượt qua cõi chết của bố.

 

Lạ thật, bố chẳng bao giờ nhắc tới cuộc đời lao động của bố. Xưa kia, đó là đề tài hàng ngày quanh bữa cơm tối. Bố hãnh diện với sự nghiệp của bố. Con nuôi của cô nhi viện, bố ít học. Chỉ có bằng tú tài. Bố đã tự học tất cả qua thực tiễn. Tuy vậy, bố đã leo từng bực trong xí nghiệp của mình để tiến tới một chức trong ban điều hành. Mỗi lần được thăng cấp, bố dắt mẹ con tôi tới một quán ăn ngon. Trên bàn luôn luôn có một bó hoa hồng đỏ. Những lúc vui mừng không thể quên được. Trước thềm cõi chết, bố dường như không còn nhớ tới.

 

Ba ngày nay, giọng bố trở nên ngập ngừng, lời lẽ ngày càng rời rạc.

Cái làng địa cầu… Một ma trận bạo liệt, tối tăm, phi tình, phi lối thoát, bất tận… Toàn chuyện tầm phào… Chẳng đưa tới đâu…

– Bố mê sảng hả mẹ ?

– Không, bố nghĩ như thế từ lâu. Lưới mạng không làm khoảng cách co lại, nó giảm bớt thời gian và bóp nghẹt nó, nó chứa trong đáy lòng nó một vực thẳm, nó làm con người càng ngày càng cô đơn bất trắc. Thực ra, từ khi bố làm việc qua mạng, thế giới của bố co lại. Nó tự khép kín trong một vòng nhỏ người đơn điệu giữa vô vàn kẻ xa lạ. Đồng nghiệp khiến bố chán nản, bố hết dịp gặp ai. Bố luyến tiếc thời sinh viên khi bố lê la thảo luận trong quán càphê với ai cũng được.

 

Tôi linh cảm giây phút định mệnh tiến gần lại khi bố bắt đầu lắp bắp. Có lẽ óc não bố bắt đầu tan rã. Bố có thể làm kịch sĩ. Bố có cách nói hoàn hảo. Bố nói chậm rãi, rõ rệt, nhắc lại không mệt mỏi dòng suy tư của mình mỗi lần nó bị cắt ngang. Nhiều khi điều ấy khiến bè bạn bực mình. Họ trách bố lải nhải. Nhưng khi có thời giờ hàn huyên, nghe và nói chuyện với bố tới cùng, quả là thú vị. Bố hay nhắc tôi :

 

Khi con nói chuyện với ai, nếu con muốn được người ta hiểu mình, con phải nói chậm rãi, phát rõ từng âm, xây dựng từng câu mạch lạc. Ngôn ngữ được trao lại cho con người để họ hiểu nhau, để họ tồn tại lâu đời qua ký ức của tha nhân. Phải tránh khiến nó tối nghĩa trong những mớ ngôn từ chưa được thuần hoá, những câu kệ lùng nhùng trối tai. Phải tránh giết nó với những khái niệm thời thượng chẳng có nghĩa lý gì cả.

 

Đã ba ngày nay, bố bắt đầu lắp bắp. Bố vẫn phát âm đúng đắn. Nhưng càng lúc càng nhiều, bố phát ra hai âm kỳ lạ : bơ bớt. Tôi bới tìm trong Robert, cuốn từ điển bố ưa thích nhất. Bố đã gặm nó tới mức bìa long. Nhưng bố vẫn quyến luyến quyển sách cũ kĩ ấy, không bao giờ chịu bỏ đi ngay cả khi tôi muốn tặng bố một quyển mới. Bố như thế đối với đồ vật trong đời bố. Trên người, bố chẳng mang gì quý báu, chẳng mang gì có thể khiến bố khổ nếu mất đi. Bố không gắn bó với đồ vật. Khi mất, bố không hối tiếc nhưng vẫn bực mình. Bố thích dùng mòn những đồ bố dùng, từ cái áo cánh tới cây bút. Trong từ điển, tôi thấy có : beuglant, beuglante, beuglement, beugler, beurre, beurré, beurrée, beurrer, beurrerie, beurrier, beuverie. Chẳng có từ nào giống bơ bớt. Có lẽ là âm thanh thoát ra khỏi cặp môi hết bị kềm chế của bố.

 

Điều ấy khiến tôi nhớ một người mà bố quý trọng, một dịch giả lớn, một trong những người Việt hiếm hoi bố quen biết. Ông ấy sống ở Mỹ nhưng nói thạo tiếng Pháp. Ông đã dịch sang tiếng Anh tác phẩm trác tuyệt trong văn chương Việt Nam của thế kỷ 18, truyện Kiều, một tiểu thuyết bằng thơ. Về cuối đời, ông ấy bảo vệ một luận đề kỳ lạ : tất cả loài người đều cùng tổ tiên, tất cả các tiếng nói đều cùng nguồn gốc. Bằng chứng là ngôn từ chỉ định người mẹ trong những ngôn ngữ rất xa lạ với nhau vẫn hao hao giống nhau : mata, mutter, mother, mama, maman, me, mẹ, má, mum, v.v. Loài người là anh em họ với nhau qua ngôn ngữ. Có lẽ vì vậy mà họ dễ giết nhau đến thế vì ngôn từ.

 

Khi ông ghé Paris, chúng tôi đã hưởng một buổi tối ấm áp, nhớ đời. Tôi còn thấy ông say sưa khẳng định rằng trong tiếng Việt những từ mường, mình, người cùng nguồn gốc. Bây giờ mường ám chỉ một dân tộc thiểu số ở Việt Nam, mình, thân thể, tôi, chúng ta, ta, và người, loài người. Nhưng ngày xưa, tất cả đều có nghĩa là người. Những từ ấy chỉ do sự biến dạng của từ mẹ, mère, mà hình thành. Vì, ông nói, ai cũng có mẹ và những từ biểu hiện quan hệ ấy đều phát sinh ra từ âm thanh mà môi đứa trẻ phát ra khi bú vú mẹ. Có thể ông có lý. Nhưng như vậy thì bơ bớt thể hiện quan hệ với ai ? Với tử thần, sự vắng mặt vĩnh viễn của Tha Nhân ? Ai cũng phải chết một mình, nhưng không ai chết như nhau, trong cùng ngôn từ. Những ngôn từ này dường như không thuộc ngôn ngữ nào cả. Phải chăng chúng là ngôn từ của cõi chết ?

*

Sáng nay mẹ đi mua vài món ăn Việt ở khu chợ Tàu để đãi bác Jean. Một phần tư máu tôi gốc Việt. Tuy vậy cộng đồng Việt Nam ở Pháp xa lạ với tôi. Nó khiến tôi phân vân. Người Việt không tụ đàn. Họ ưa phân tán tứ tung, hoà mình với người đời, tan biến trong xã hội nơi họ sống. Ở Pháp, họ đông đảo từ một thế kỷ nay, nhưng chưa hề có khu phố Việt Nam ở Paris cũng như các đô thị lớn khác. Xưa kia, đúng là đã từng có vài trung tâm tập hợp người Việt. Chúng giống trại tập trung hơn là những cộng đồng người. Hễ họ có khả năng di chuyển, người Việt liền tan mình trong thế giới. Thế mà hễ họ gặp nhau, họ lại nói tiếng Việt. Ít nhất là đối với những người lớn tuổi. Những người trẻ nhất thì dùng một thứ ngôn ngữ lộn xộn nửa Pháp nửa Việt. Bác Jean hay dịu đùa.

 

Tất cả người Việt đều lai, về mặt chủng tộc cũng như văn hoá. Khi người Tàu chinh phục nước ấy hồi đầu Công Nguyên, họ gặp tại trận những người họ gọi là Giao Chỉ vì ngón chân cái của họ cong cong một cách lạ lùng, chỉ vào nhau. Mười thế kỷ thực dân quyết liệt đã dẹp bỏ đặc điểm sinh học kỳ lạ ấy. Đầu thế kỷ hai mươi, người ta vẫn còn gặp người có ngón chân như thế trong những làng hẻo lánh. Bây giờ chắc không còn nữa. Ba mươi năm chiến tranh, bảy mươi quả bom Hiroshima, hàng triệu lít dioxine, hàng trăm nghìn quả mìn sát thương, vô vàn vùng bắn giết tự do nơi người ta săn người như bắn thỏ với những khẩu đại liên khạc ba nghìn viên đạn mỗi phút, là quá nhiều cho sự sống sót của một loài thú không được bảo vệ.

 

Lắm khi tôi tự hỏi, bác Jean đùa tới mức nào, bác, đứa con của quân đội, con lai của một người chết và một đàn bà nông thôn vô danh. Bác đã rời xứ Pháp ngay khi có dịp để sống ở đảo Réunion có khí hậu, cây cỏ quyến rũ bác. Có lẽ do hồi ức tuổi thơ của bác ở Đông Dương. Hôm qua, bác đã lấy máy bay qua đây để gặp lại người bạn cô nhi viện một lần chót.

 

Mẹ đi chợ về với kẹo bánh và một hoa lan trắng. Mẹ cắm hoa trên Bàn Thờ Tổ. Một hôm bực mình, bố nhạo báng đặt tên ấy cho tầng cao của giá sách nhỏ trong phòng ngủ. Trên ấy, có một lư hương bằng đất xét nung. Mẹ mang nó về nhân một cuộc du lịch ở Ấn Độ. Nó là nơi trú thân của đồ vật riêng duy nhất bố mang trên người khi người ta trao bố cho cô nhi viện, một thẻ gỗ nhỏ đen nhánh, rất cứng, có khắc một chữ Tàu. Tôi nhớ có lần hỏi bố chữ ấy nghĩa là gì. Bố không biết và cũng chẳng quan tâm. Mẹ quý di vật ấy, giữ gìn nó cẩn thận. Không nhờ mẹ chắc bố đã đánh mất nó từ lâu.

 

Bố đang mê sảng khi bác Jean tới. Bây giờ thì bố chỉ còn lắp bắp. Bố nói đi nói lại không ngừng : bơ bớt, bơ bớt… Bác Jean kéo ghế ngồi bên giường, ve vuốt trán bố, im lặng nắm tay bố. Ngược với bố là người nói nhiều, bồng bột, bác Jean rất hà tiện ngôn từ. Mẹ với tôi ra khỏi phòng để bác một mình với bạn. Họ có biết bao kỷ niệm xót xa chung.

 

Mẹ bày bánh kẹo, rót trà. Bác Jean hỏi thăm bệnh tình của bố. Bác có vẻ mệt, bâng khuâng. Bác dụi mắt và nhắm mắt.

– Anh từ xa tới. Chắc hành trình khó nhọc, nhất là đối với anh, người không thích bị nhốt trong những không gian tù túng. Ngủ một lát cho đỡ mệt đi.

 

Bác Jean gật dầu. Nét mặt bác thư giãn dần, hơi thở bác chậm lại, ngực bác phập phồng nhe nhẹ. Phòng khách chìm vào im lặng, thỉnh thoảng vỡ toang tiếng ấp úng của bố.

 

Đột nhiên tôi phát hiện rằng bác Jean không còn ngủ nữa. Bác cau lông mày, dường như nghĩ về một vấn đề gì, rình một ai. Bác bỗng mở trừng mắt.

– Trời ơi ! Bèo bọt !

Mẹ quay sang nhìn bác, như muốn hỏi han.

– Tiếng Việt đó !

Mẹ, rụng rời :

– Không thể nào. Anh ấy đâu biết tiếng Việt. Em chưa bao giờ nghe thấy anh ấy nói tiếng Việt.

– Anh cũng thế, ngay từ hồi hai đứa còn ở cô nhi viện. Anh ấy mấy tuổi khi tới Pháp ?

– Ba hay bốn tuổi. Chẳng ai thực sự biết.

– Ở tuổi ấy, trẻ con Việt Nam đã nói sõi. Anh qua Pháp lúc tám tuổi. Anh đã quên nhiều, nhưng anh vẫn hiểu người Việt ở đảo Réunion khi họ nói chuyện với nhau.

– Nhưng anh vẫn luôn có bạn Việt Nam hay Âu-Á để nói chuyện.

– Chắc chắn là tiếng Việt.

– Bố nói gì vậy, bác Jean ?

– Bèo bọt. Bèo nghĩa là lentilles d'eau. Loại rau này mọc đầy trên dòng sông lớn nhỏ, ao ở nông thôn Việt Nam. Lá nó bé và tròn trông như giấy bướm xanh nổi bềnh bồng trên nước tù đọng, trôi giạt theo dòng nước chảy. Nông dân đong nó về nuôi vịt nuôi lợn. Bọt, là écume hay bulle d'air, thường phủ kín mặt nước ao, nước tù đọng. Hai từ ấy ghép lại khơi một điều gì phù du, không có giá trị, chẳng đáng quan tâm. Người Việt dùng chúng để nêu thân phận của kẻ bần cùng, vô gia cư, chế giễu những ảo tưởng về cuộc đời.

 

Bác Jean nhăn mặt, cúi đầu, thở dài :

– Cơn mê sảng đã giải phóng ký ức của nó, nó nhớ lại nỗi đau của tuổi thơ.

Tôi bỗng nẩy một ý. Tôi đứng dậy, đi tới Bàn Thờ Tổ, lấy thẻ gỗ đen trong lư hương ra, đưa cho bác Jean xem.

– Bác Jean, bác có biết chữ Tàu này nghĩa là gì không ?

– Không. Xưa kia, bố cháu có lần hỏi bác. Bác đã đưa cho bạn người Tàu xem. Vẻ ngoài như vậy chứ đây không là chữ Tàu.

Bác do dự một lúc, rồi :

– Cháu đưa chiếc thẻ này cho bác. Cuối tuần này, bác đi Hà Nội để thăm dò thị trường. Hãng của bác có ý tham gia một joint-venture với người bên ấy để khai thác gỗ quý trên dãy Trường Sơn. Bác sẽ nhảy qua thăm quê hương của bố cháu. Biết đâu bác kiếm được người biết giải mã cái ẩn ngữ này.

– Bác Jean, bố cháu từ đâu tới ?

– Bác không biết rõ lắm. Đâu đó trong tỉnh Bình Định. Người ta nhặt bố cháu trong mảnh vụn của một trại đồn trú bị Việt Minh tấn công tàn sát. Một viên trung uý Pháp ôm bố cháu ngất lịm trong vòng tay. Trung uý đã chết vì một viên đạn xuyên quai hàm. Trước khi ra đi, nó nguệch ngoạc được vài chữ vào mặt đất với một cục sỏi : Hãy cứu con của J. bạn tôi. Người ta tìm mãi cha của đứa bé trong những đơn vị có lính có tên hay họ bắt đầu bằng chữ J mà viên trung uý đã từng tham gia. Chữ J không có trong tiếng Việt. Người ta kết luận rằng cha đứa bé là lính trong quân đội Pháp và người ta gửi bố cháu vào thiếu sinh quân. Từ đấy, người ta chuyển bố cháu về Pháp cho cô nhi viện nuôi. Bác chỉ biết có vậy. Bố cháu không thích nói về thời thơ ấu của mình. Đừng khóc. Đó là chuyện cũ rồi. Tốt nhất là quên đi. Bây giờ là một thế giới khác, một thời đại khác, những con người khác.

– Không ai biết mẹ của bố cháu là ai ?

– Không. Có lẽ là một người đàn bà Việt Nam vì bố cháu có nét mặt Âu-Á và đeo trên cổ thẻ gỗ này. Đó là một loại gỗ rất quý, rắn như sắt, đen như mun, một loại cây chỉ mọc trong rừng rậm của nước ấy. Nhưng điều bác nói không có gì chắc chắn. Ở vùng đó có nhiều dân tộc thiểu số. Đưa cái thẻ cho bác.

Bác Jean nhét thẻ gỗ vào túi. Bác trở lại phòng ngủ, hôn bố, ve vuốt má bố :

– Nghỉ chút đi em. Mình sẽ cố tìm xem nó nghĩa là gì. Đợi mình nhé[1].

Bác quay lại và, như để xin lỗi :

– Anh bảo nó đợi anh trở lại.

Bác Jean đã đi. Bố đã im lặng. Mẹ đan, mắt gắn chặt vào mũi kim đan. Chưa bao giờ tôi thấy thời gian chậm như thế, sự im lặng nặng nề như thế. Có cái gì lảng vảng quanh đây, đe dọa, đè nặng hơn cả cái chết.

– Mẹ, bố sống ra sao trước khi gặp mẹ ?

– Mẹ không biết. Bố chẳng bao giờ nói tới tuổi thơ, tuổi trẻ của bố. Bố mẹ hạnh phúc quá, chỉ bàn về tương lai thôi. Bây giờ tương lai chung sắp bỏ đi, mẹ thiếu hụt cả một mảnh quá khứ của bố, cả một phần người của bố.

 

Tôi lấy quyển Atlas lớn ra xem. Tôi tìm mục Việt Nam. Chỉ là một dãy đất mỏng lụt giữa vùng Birmanie-Thailande-Indochine. Cách nhìn thế giới của chúng ta. Tỉnh Bing Ding không còn nữa. Tôi không dám cho mẹ biết. Nên đợi bác Jean về. Cả một tỉnh của một nước làm sao có thể mất đi như thế được.

 

Bố vẫn tiếp tục im lặng mấy ngày nay. Bố khó nhọc nuốt nước canh mà mẹ nấu cho bố, nhăn mặt đau đớn một lúc, mỉm một nụ cười, đắm vào im lặng. Một giấc ngủ yên ả, không gợn một tiếng than. Mặt bố coi bớt đờ, bớt khắc khổ, dịu dàng hơn. Càng ngày bố càng bớt đau đớn. Điều ấy an ủi tôi, khiến tôi khắc khoải. Bố đang nghĩ gì ?

 

Suốt đêm qua tuyết lại mưa. Tôi bắt đầu yêu cảnh sầu não trắng, câm, lan tràn tận vô tận dưới bầu trời xám của Paris. Sáng nay, bố không đau đớn nhăn mặt nữa. Sau bữa ăn sáng, bố thiếp ngủ liền. Rồi bố bắt đầu mê sảng. Với một giọng kỳ dị. Không là giọng sâu trầm, ấm áp, lanh lảnh kim khí mà tôi yêu. Cũng không phải cái giọng ôn tồn kể lại những khúc đời hạnh phúc của gia đình tôi. Một giọng trong suốt pha lê, giọng của trẻ con. Nó trong veo, sáng lạn. Nhưng mẹ và tôi chẳng hiểu nó nói gì. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc :

– Tiếng Việt đó, chắc chắn là tiếng Việt.

– Mẹ, đừng khóc. Về già, người ta thường rơi về thời thơ ấu, nhắc đi nhắc lại những vết thương xa xưa mà thời gian lẫn sự quên lãng không khép miệng sẹo được, trở thành lẩm cẩm. Nhưng bố không lẩm cẩm. Giọng bố hát. Chắc bố đang mơ. Được chết trong cơn mơ thật là may mắn.

– Con nói đúng.

Mẹ đặt áo đang đan xuống, đứng dậy.

– Trong tủ lạnh có đủ đồ nấu súp bò. Con nấu cho bố ăn trưa. Đừng để bột súp. Bố gớm mùi vị của nó. Đừng dùng nồi hầm thịt. Bố sợ nước súp đục mỡ. Con cắt hạt lựu rau và thịt, nấu lửa nhỏ, thật lâu, với chút muối. Thế thôi. À, nhớ vớt bọt và mỡ váng đều đều cho nước súp trong nhe.

Tôi nhìn mẹ, phân vân.

– Mẹ đi mua chút đồ rồi mẹ trở về.

Tôi nấu súp. Vào giờ trưa, tôi bón cho bố ăn. Bố thiếp ngủ liền sau bữa cơm, tiếp tục mê sảng trở lại. Tôi lắng nghe giọng trẻ con long lanh, tiếng hát của loài chim, tiếng thì thầm thầm kín của thiên nhiên, cả một vũ trụ tôi chưa hề biết tới. Tôi chỉ là một đứa con của thành phố.

 

Mẹ trở về với một máy ghi âm và một hộp băng ghi âm nhỏ. Tôi khắc khoải nhìn mẹ mở gói hàng, ráp hệ thống ghi âm.

– Đừng, mẹ. Mình không có quyền làm như thế. Thế giới ấy là của riêng bố. Chúng ta sẽ chẳng hiểu gì cả. Hơn thế, bố không còn làm chủ tư duy của mình nữa, bố có thể nói bất cứ gì. Chuyện này chẳng có ý nghĩa gì cả.

– Mẹ muốn biết, mẹ phải biết…

– Con xin mẹ, đó là bố con, nếu mẹ thu lời bố, sẽ có ngày con cũng muốn hiểu và con không muốn. Xứ sở của con là nước Pháp. Con không thể có tổ quốc nào khác. Đó là quá khứ duy nhất mà con có thể chiếm hữu, có thể hiểu, và ngay cả như thế… Có gì để hiểu trong chuyện này ?

– Mẹ sẽ huỷ bỏ mấy cuộn băng sau khi nghe bác Jean dịch cho mẹ.

– Mẹ thừa biết, mẹ sẽ không làm nổi và con cũng vậy. Con van mẹ…

Ngày ngày theo nhau, quấn quít nhau, và giống nhau. Những cơn mê sảng của bố không khiến chúng khác nhau nữa. Cứ một chuỗi tụng niệm mà mẹ và tôi chẳng hiểu gì cả. Mẹ và tôi không nói chuyện với nhau nữa. Tôi vừa mang áo quần đi giặt là mẹ chuẩn bị thu thanh, rình đón môi bố mấp máy. Tôi không ở lại phòng. Cái giọng trẻ con không biết kể chuyện gì ám ảnh tôi, khiến tôi khắc khoải, kinh hãi.

*

Tôi rùng mình khi nghe tiếng người bước trong hành lang. Bác Jean từ Việt Nam về, gày gò, da cháy đen sạm. Một nếp nhăn sâu chẻ ngang trán bác. Bác đưa cho mẹ một gói giấy nhỏ màu đỏ tươi rói, màu pháo ngày Tết.

– Trà sen ngon nhất Hà Nội đấy.

Bác Jean bước vào phòng trong, ngồi cạnh bố, nắm tay bố.

 

Mẹ rót nước trà. Một mùi hương nhẹ, đậm đà, ngọt ngào tuyệt vời. Bác Jean quay qua tôi :

– Mấy ngày vừa qua, bố cháu ra sao ?

– Hầu như hết đau đớn. Bố vẫn nói trong mơ. Chỉ bằng tiếng Việt. Nhưng bố không nói bơ bớt nữa. Gần hai ngày nay, bố đã im lặng.

Bác Jean thở dài, uống một hơi cạn tách trà.

– Anh đã tìm được. Thực ra đó là chữ Tàu và không là chữ Tàu. Đó là một chữ Việt viết bằng hai ký hiệu Tàu, một ký hiệu gợi nghĩa, một ký hiệu để phát âm. Người ta gọi nó là chữ Nôm. Việt Nam là một mảnh đất có văn hoá lâu đời. Văn hoá cổ xưa ấy còn để di tích của thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… Anh đã thấy một số trong viện bảo tàng Guimet. Nhưng người Việt đã không biết tạo ra một cách viết. Văn hoá riêng của họ chẳng còn lại bao nhiêu ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ đó cũng già nửa là gốc Trung Hoa. Người Việt Nam đích thực là người Tàu giả. Ở thế kỷ 13, có nhà nho Việt Nam đã nẩy ý mượn chữ Hán để ghi từ Việt, viết tác phẩm của họ trong tiếng mẹ đẻ. Đầu thế kỷ này, có trí thức cũng làm vậy, họ chọn ký tự latinh để biểu đạt, đăng tác phẩm của họ. Đó là nước Á Châu duy nhất viết như thế.

Bác Jean cười :

– Chúng ta là anh em họ qua chữ viết. Ở Hà Nội, anh đưa cái thẻ cho tất cả những ai anh gặp. Chẳng ai giải mã được. Nhưng những chuyên gia hiếm hoi về vấn đề này đều khẳng định đó là chữ Nôm. Khốn thay, chữ Nôm không là chữ viết chính thức của triều đình. Mỗi người tuỳ hứng mà tạo ra nó. Nói chung, cũng có một phương pháp, một sự đồng tình. Nhưng có thể có vô vàn cách viết cùng một từ vì ở đó, từ tỉnh này qua tỉnh khác, có cơ man giọng nói khác nhau. Thế nào đi nữa, chẳng còn mấy ai có khả năng giải mã những chữ ấy.

 

Bác Jean hớp một ngụm trà. Mắt bác mờ đi, xa xôi.

– Đáng tiếc là dân tộc ấy đã không biết tạo cho mình một lối viết. Văn hoá mấy nghìn năm của họ hầu như chẳng còn lại gì. Truyện cổ tích, truyền thuyết, toàn là ngôn từ, tục ngữ, thơ, ca dao. Tất cả đang mất đi với một tốc độ kinh hoàng do cuộc di dân của nông thôn về thành thị, sự xâm nhập của đài phát thanh, đài truyền hình vào nông thôn. Nhiều đứa trẻ chưa hề được nghe lời ru hời thời xưa. Có lẽ quá trình này bất khả kháng. Một nền văn hoá truyền khẩu có thể còn lại gì, sau 30 năm chiến tranh và chế độ ấy, hai mươi năm toàn cầu hoá bừa bãi, tư bản rừng ? Chưa kể hàng thế kỷ tàn bạo, nghèo khổ, nhồi sọ bằng ngôn ngữ hầu như ngoại quốc.

Bác cười, cay đắng.

– Một tay trí giả biết tiếng Pháp và sính Pháp cười nói toạc với anh : Tất cả người Việt đều bị phân tâm bởi vì họ đều lai căng hết. Họ nói tiếng Việt, suy luận với khái niệm Tàu, lý luận theo kiểu Descartes, viết với ký tự Latinh do cố đạo Bồ Đào Nha nhào nặn, học tiếng Anh và mơ đi Mỹ. Ngay năm mươi năm trước, có một ngạn ngữ mô tả hạnh phúc ở đời như thế này : ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật[2]. Chỉ còn lại thơ… Nhưng chỉ hai mươi năm nữa nó sẽ biến mất trong đời sống thường ngày trong khi đó ngày xưa, thuở tôi còn bé, chẳng thể nào sống một ngày mà không nghe một bài hay vài câu thơ. Người Việt chỉ trở thành chính mình ngày nào nó sáng tạo được một nghệ thuật sống trung thực với bản thể rạn vỡ của chính nó. Nếu có ngày ấy… Tay đó chẳng nói đùa tí nào.

Mẹ, hồi hộp :

– Thế cuối cùng anh có tìm được ý nghĩa của chữ ấy không ?

– Có. Anh đã mất hết hy vọng soi sáng bí ẩn này. Làm xong nhiệm vụ, anh vẫn đi đến tỉnh Bình Định.

– Vậy thì nó vẫn còn hả, bác Jean ?

– Dĩ nhiên, sao cháu hỏi thế ?

– Cháu xem bản đồ, không tìm ra tên.

– Tự nhiên thôi. Sau chiến tranh, người ta ghép nó với hai tỉnh khác để thành lập một tỉnh mới với một cái tên mới. Nhưng ở đó, mọi người vẫn gọi nó như xưa.

Bác Jean thở dài :

– Chỉ một thế hệ nữa, nó sẽ không còn nữa. Bên ấy như vậy. Mỗi lần đổi triều đại, người ta xoá sạch quá khứ, xoá tất cả, cải tên tất cả, và làm lại hết từ ban đầu. Trời đất, hoang phí hết chỗ nói !

– Kể tiếp đi, Jean.

– Anh không chắc, nhưng có lẽ bố anh cũng chết ở nơi đó. Một mảnh đất tuyệt đẹp. Nghèo không tưởng tượng được. Nhưng con người đầy nhân cách, cực hiếu khách ! Tại một làng, đang ăn bún giò heo sả trong một quán Tàu, anh thấy một bức tranh cổ với chữ Tàu. Anh giật mình nhận ra chữ khắc trên tấm thẻ. Anh nhờ chủ quán dịch. Ông ấy lắc đầu :

– Không phải chữ Tàu, đó là chữ Nôm. Trong làng vẫn còn một cụ có khả năng giải mã.

Anh liền bảo người hướng dẫn đưa tới nhà cụ. Anh đưa tấm thẻ cho cụ xem. Cụ nói :

– Đó là chữ Bình.

Bác Jean rút tấm thẻ từ trong túi ra.

– Riêng lẻ, nó có nghĩa là lọ bình, bình trà, những dụng cụ đựng chất lỏng… Một loại mạo từ. Chúng ta có mạo từ xác định, vô định, đực, cái, số ít, số nhiều… Đó là cách chúng ta chiếm hữu thế giới. Họ, họ suy luận theo loại tự nhiên, hay chức năng. Họ có đầy từ kiểu ấy. Tình[3] chẳng hạn, ứng dụng cho mọi quan hệ trìu mến giữa con người, tình bạn, tình anh em, tất cả các hình thái tình người, nhưng không có tình yêu thú vật hay đồ vật. Bình hay được dùng ghép với những từ khác. Lúc đó nó có thể có một đống nghĩa khác nhau. Hoà bình, bình đẳng, bình địa, bình thản, bình định… Tỉnh Bình Định có lẽ trước kia nghĩa là một tỉnh đã được bình định. Có điều chắc chắn, người ta dùng từ này đặt tên cho con trai hay con gái một cách phổ biến. Đoàn đại biểu của Việt Cộng đàm phán với Mỹ ở Paris do một người đàn bà tên là Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Cậu sinh viên bị lính Mỹ ám sát trong chuyến bay đưa cậu từ Mỹ về Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bình. Người ta đã vinh danh cậu trong một bài hát nổi tiếng thời ấy. Thái bình ! Những con người tội nghiệp ấy mơ tới nó hàng thế kỷ rồi.

 

Bác Jean bước tới Bàn Thờ Tổ, cất tấm thẻ vào lư hương. Bác cúi xuống mặt bố, ve vuốt, thì thầm :

– Em à, anh đã trở về nơi em ra đi. Anh đã tìm ra. Tên em là Bình. Tên ấy hợp với em. Hãy yên tâm mà ra đi. Nay mai, anh sẽ tìm gặp lại em.

Mẹ rót trà, đưa tách cho bác Jean. Tôi không dám nhìn tay mẹ. Tôi biết nó đang run.

– Jean, vì tình bạn, anh giúp em một việc nhé.

– Ừ.

– Từ khi anh đi, anh ấy mê sảng không ngừng. Chỉ bằng tiếng Việt. Hôm qua, anh ấy đã im lặng. Em sợ anh ấy sẽ chẳng bao giờ nói gì nữa.

Mẹ chỉ mấy cuộn băng ghi âm.

– Anh dịch hộ em.

– Em chắc em muốn nghe không ? Có thể là bất cứ gì, em biết chứ ?

– Em muốn. Em chỉ có thể tin anh thôi.

Bác Jean do dự một lúc, rồi quyết định :

– Được, nhưng không thể dịch hết, mình không có đủ thời giờ. Anh dịch cho em một cuộn, cuộn em muốn.

Mẹ lấy cuộn băng cuối cùng, tra vào máy. Bác Jean nhấn nút đọc, lắng tai nghe.

– Anh ấy nói về ánh nắng rọi trên mặt nước ruộng. Nước[4] ! Cũng có nghĩa là xứ sở, tổ quốc. Dân tộc này sinh ra từ những thửa ruộng, nó lặn lội trong bùn đã hàng thế kỷ. Nắng chang chang, đúng vậy. Chang chang. Một cảm giác không sao quên được. Mỗi mặt nước như một tấm gương bạc lỏng mênh mông. Nắng phản chiếu bạo liệt không sao chịu nổi. Không thể trực diện nhìn nước được. Phải ngoảnh mặt đi, nheo mí mắt, liếc xéo để thoáng thấy những tia xét của nó. Ngữ vựng cổ của người Việt có đầy từ tượng thanh không thể dịch được. Tiếng nói này quá nhiều nhạc tính, dâm tính, nhục cảm. Ngôn ngữ thơ tiêu biểu nhất. Một loại quan hệ nguyên thủy với thế giới. Anh tin thế, ngôn ngữ tự nó là quan hệ nguyên thủy của con người với thiên nhiên, một quan hệ giữa người với người xuyên qua quan hệ chung của họ với thế giới, một thế giới không chỉ có vật chất, sự sống, mà còn có cả ký ức của muôn đời tổ tiên, của vô vàn thế hệ người đã tiêu vong. Thôi, anh dịch tiếp.

Bác Jean quay băng ngược lại, cho máy đọc tiếp.

 

Bão tố, gió hung tợn, nước xối xả liên miên, cái mát ẩm ướt nước mưa. Nó giải phóng con người khỏi hơi nắng hè ngột ngạt, mồ hôi nhễ nhãi áo quần. Trong vắt, xanh thăm thẳm. Cái trong vắt của không khí, màu xanh thăm thẳm bất tận của bầu trời sau cơn giông tố. Nó xanh hơn cả bầu trời đảo Réunion. Bên ấy, mặt trời xuất hiện liền sau cơn mưa, nóng bỏng, kịch liệt. Gió đẩy mây bay ngang lưng trời. Mây trắng rực rỡ, bay rất nhanh. Khi mây che nắng, mình thấy một lằn ranh giữa bóng tối và ánh nắng lướt trên mặt ruộng, mặt đồng. Có khi bóng tối chạy theo ánh sáng. Có lúc chính ánh sáng chạy theo bóng tối . Tuỳ gió. Trời ơi, sao nó có thể nhớ tất cả chính xác đến thế ?

Bác Jean ngả mình vào lưng ghế bành, nhắm mắt lại.

Ừ, ta đã từng sống tất cả những điều này. Những con đê, đâu đâu cũng có, tua tủa mọi phía. Mình đi bắt dế ở đó. Những con diều xòe cánh trắng giữa trời xanh, giữa những chùm mây trôi giạt. Tiếng sáo của chúng vang tận chân trời. À, mùi cào cào nướng, vị ổi chín ! Hà hà ! Chim chích chòe ! Nó bé như chim sẻ. Nó có đuôi dài. Nó đậu trên cây sậy. Nó xòe đuôi và hát, như thể giễu cợt người đời : chích chòe, chích chòe ! Một con vật nhỏ tinh ma ! Ta đã săn nó với ống xì đồng.

Mẹ im lặng nghe bác Jean, yên lòng.

Tôi không còn biết tôi đang nghe kỷ niệm của bố hay nỗi hoài hương của bác Jean.

Chưa bao giờ tôi lắng nghe một ngoại ngữ tha thiết như thế. Bác Jean giải thích tới đâu, ngôn từ của bố hiện thân trong tôi tới đó. Chúng soi sáng, vang vọng, rùng mình qua máu thịt tôi. Tôi nhìn thấy màu sắc tôi chưa từng thấy, tôi nghe thấy âm thanh tôi chưa từng nghe, tôi ngửi thấy mùi tôi chưa từng hít, tôi nếm thấy vị tôi chưa từng nếm. Tôi cảm thấy sự dịu dàng, cứng cáp, sôi nổi, sự trìu mến vô tận của một tiếng người.

 

Bây giờ tôi hiểu vì sao bố muốn tôi học phát âm rành rọt từng từ của tôi. Tiếng mẹ đẻ của bố độc âm. Mỗi âm tiết là màu, mùi, độ đặc, nhạc điệu, hình ảnh, cảm giác và ý nghĩa. Mỗi từ là khao khát, là chờ đợi. Hồi âm của tha nhân.

 

Đột nhiên một ý không chịu nổi giày xéo tôi. Cho tới lúc bi thảm, khi khối óc tan rã, bố toàn nói tiếng Pháp với tôi. Nhưng có lẽ trong vô thức bố vẫn nghiệm sinh nó như một ngoại ngữ. Trẻ sơ sinh biết phân biệt tiếng mẹ đẻ với tất cả thứ tiếng người khác. Vậy thì những lời yêu thương, trìu mến… Tôi sẽ không bao giờ chịu mất chúng được.

 

Tôi nhìn chồng băng ghi âm. Bây giờ, với bất cứ giá nào, tôi sẽ không huỷ hoại chúng. Tôi sẽ học tiếng ấy. Không chỉ như một công cụ tiếp thu kiến thức, trao đổi thông tin, một phương tiện chinh phục quyền lực, quyến rũ người đời.

 

Máy ghi âm đã câm lặng. Bác Jean thở dài, nhắm mắt lại.

– Lời ru con cổ xưa… Nó kể người mẹ và đứa con, gió mùa thu rít qua canh đêm. Ta biết. Mẹ ta đã hát cho ta nghe mỗi khi chiều về, lúc hoàng hôn. Một nỗi buồn không biết có từ bao giờ, khắc khoải, tuyệt vọng, khiến ta muốn khóc, muốn thiếp ngủ vĩnh viễn.

Mẹ lại rót trà cho bác Jean.

– Cảm ơn Jean, đó là qua đẹp nhất mà anh đã cho em. Em chẳng biết gì về tuổi thơ ấu, thiếu niên của anh ấy. Anh ấy không thích nói tới. Em tưởng anh ấy đã quên hết. Hạnh phúc ít trí nhớ quá mà. Anh nghỉ ngơi một tí đi. Một hành trình dài đang đợi anh.

– Đừng lo. Hành trình dài nhất là hành trình đưa ta quay về chuồng cừu của ta. Hành trình ấy, chắc chắn ta sẽ thực hiện được tới cùng.

 

Bác Jean đứng dậy, đi vào phòng trong. Mẹ và tôi không vào theo. Chắc bác muốn ở một mình một lúc với bố, im lặng nắm tay bố một lần chót.

*

Chiều nay, bố đã ra khỏi giấc ngất lịm dài. Đột nhiên bố mở mắt. Bố không kêu, không rên rỉ. Bố quá yếu để còn khả năng đau. Rất lâu, bố nhìn Bàn Thờ Tổ. Một nụ cười mơ hồ lướt qua môi bố. Giọng bố yếu ớt nhưng vững vàng, đầy đặc.

– Chắc là sắp tới lúc rồi.

Tôi rùng mình. Bố đã tỉnh trí. Sự sáng suốt của con người trước khi chết, có lẽ vậy.

– Em tắt đèn đi, châm một ngọn nến.

Mẹ tắt đèn. Mẹ đặt ngọn nến trên Bàn Thờ Tổ.

– Ừ, anh đã từng thấy một bàn thờ như vậy, xưa kia. Trong ánh sáng này, anh nhận ra nó. Màu đêm đâu đâu cũng vậy trên quả đất này. Chính ánh sáng của chúng ta mang lại màu sắc cho đêm. Hoa lan này trắng quá, đẹp quá ! Y như một người đàn bà khát tình. Người ta gọi nó là mỏ vẹt. Bình thường nó không có mùi, nhưng thỉnh thoảng nó tỏa ra một hương thơm lạ lùng, ngọt ngào. Em đốt tí trầm nhe.

Mẹ nhìn bố, sững sờ. Trong nhà chưa bao giờ có trầm. Bố mỉm cười :

– Ờ, đúng thế, mình chưa đốt trầm trong nhà bao giờ. Chẳng hề chi. Hai mẹ con đừng buồn. Anh chết, mãn nguyện. Anh cũng đã từng có mẹ, có một tuổi thơ âu yếm. Anh đã tìm lại được tiếng nói đánh mất. Nối lại được sợi dây đứt của đời anh. Bây giờ anh về nhà, xứ câm lặng khai sinh ra anh. Anh chẳng để lại gì đáng kể, ngay cả một tổ quốc, trừ hạnh phúc. Tổ quốc ấy chẳng thua kém gì những tổ quốc khác. Hãy che chở nó. Đừng bao giờ để nó chết, đừng bao giờ để nó biến khỏi thế gian này.

Mẹ bật khóc nức nở. Tôi lau nước mắt. Tôi thấy ánh mắt bố phai đi. Tôi khép mắt cho bố. Tôi hôn bố. Tôi để mẹ ở một mình với bố.

 

Ánh đèn phòng khách bào mắt tôi. Tôi hạ bớt. Tủ sách mênh mông của bố lùi trong bóng tối. Ở đấy, xưa kia, tôi khám phá rung động đầu tiên của thú đọc sách, sự mê hoặc của truyện cổ tích, truyền thuyết, hứa hẹn đầu tiên của ngôn ngữ, lời thề đầu tiên của ngôn từ. Những giây phút mê hồn. Cười, khóc, khắc khoải. Một khối đen sẫm, dày đặc, khủng khiếp. Tại sao bố đọc nhiều thế ? Mấy năm qua, bố đọc những gì ? Tôi tăng ánh sáng. Trong hai cột tủ sách, tôi thấy những sách tôi chưa hề phát hiện. Tôi xích gần lại. Bible, Coran, Talmud, tôn giáo Ấn Độ, Trung Quốc và nơi khác. Truyện thần thoại của không biết bao nhiêu nước. Phần còn lại đầy đặc tác phẩm triết của Marx, Sartre, những triết gia nổi tiếng, vô danh, kinh điển, hiện đại, thậm chí hậu hiện đại. Bố chưa bao giờ nói về những gì bố đã đọc. Bố đã giữ lại phần đời ấy cho riêng mình. Mẹ và tôi cũng chẳng quan tâm tới. Chẳng để làm gì. Có đầy chuyện khác phải lo toan. Mẹ và tôi đã là, vẫn là của thế giới này. Gắng hoà mình vào nó, ở lại trong nó, ít nhất trong chừng mực có thể. Còn bố, bố hay nói : Bất khả thi phi nhân tính. Tôi thường cười. Xưa nay tôi vẫn học làm người biết điều, chỉ khát khao những gì khả thi. Có thể tôi sai. Tôi vơ đại một quyển sách rách nát. Tôi mở ra xem. Trang giấy chằng chịt ký hiệu nho nhỏ. Dấu thập, chấm than, ghi chú mỉa mai… Bên dưới, trong phần cước chú, một câu phết mực đỏ trong :

đúng lúc cạn ý

có liền một ngôn từ.

 

Tại sao bố nhấn mạnh câu ấy ? Tại sao bố chú ý tới thơ của Goethe trong Tư Bản Luận ? Tôi tới kệ sách chứa tác phẩm của Goethe. Tôi lôi quyển sách ra, lật xem. Đúng là đầy dấu thập, chấm than, ghi chú, nhiều câu được gạch dưới. Nhưng câu đó thì không. Chắc bố chỉ chú ý tới nó trong khi đọc Marx. Không hiểu bố đã nghĩ gì khi bố nhấn mạnh câu ấy ? Trong những gì bố viết để lại có thể có điều giúp tôi hiểu.

 

Trên bàn giấy của bố, chễm chệ, một quyển sách đóng gáy cực sang trọng. Bố đã đặt mua của một tay thợ thủ công mê sách đẹp. Bố muốn ghi vào đó những kỷ niệm đẹp nhất trong đời mình với nét bút đẹp nhất của bố. Tôi lưỡng lự một lúc. Bố chết rồi. Tôi có quyền đọc. Tôi mở sách. Chuyện đời tôi. Tôi lật trang. Toàn là giấy trắng. Tôi nhớ lại bướm giấy bố vứt vào cầu tiêu. Tôi run rẩy khép sách lại. Một tờ giấy nhỏ rời ra, rơi xuống đất. Nó đầy nét mực. Tôi nhặt lên.

Tôi muốn được thiêu xác, tro tàn vứt vào chồ, giật nước trôi đi.

 

Tôi rùng mình. Ngạc nhiên, cay đắng, căm thù đè bẹp tôi. Sao bố nỡ ác độc như thế với mẹ và tôi trước khi bố chết ? Tôi nghe thấy mẹ đứng dậy. Không thể để mẹ thấy mẩu giấy này.

 

Tôi nhét vội nó vào túi, tôi lao vào cầu tiêu, tôi xé nó vụn, tôi giật nước. Tất cả biến đi cùng một lúc.

Rất lâu, tôi lau nước mắt, bóp nghẹt tiếng nức nở, cố gắng làm chủ lại nhịp thở. Cuối cùng, một ý nghĩ an ủi tôi. Thông điệp không ghi ngày tháng. Bố đã viết nó từ lâu lắm trong một cơn uất ức, thịnh nộ, tuyệt vọng, trong tình yêu không sao thành lời. Nhưng chính bố đã nói, bất khả thi phi nhân tính. Sẽ có một ngày tôi nói được điều bất khả ngôn, nói được tình yêu, lối thoát duy nhất chấp nhận được trong kiếp sống này. Tình yêu trong mọi nhân ngữ. Bố đã chết. Chắc chắn đó không là ý nghĩ cuối cùng của bố vì bố đã chết trong sự toại nguyện. Mẩu giấy ấy không còn nữa, nó chưa hề có thực. Thế là hết. Bố đã trở về nơi xuất thân. Sự im lặng.

 

Nguyên tác : Mourir, 2002

Tác giả tự dịch, 11-2006

 



[1] Tiếng Việt trong nguyên tác.

[2] Tiếng Việt trong nguyên tác.

[3] Tiếng Việt trong nguyên tác.

[4] Đoạn này, chữ nghiêng viết bằng tiếng Việt trong nguyên tác.

Chương : 1  
Phan Huy Đường
Số lần đọc: 2271
Ngày đăng: 23.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Giấy trắng - Triệu Xuân
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Dầu máu - Vĩnh Trà