Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
662
116.790.319

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người xưa trọng sách: Vị minh quân 'trống dời canh còn đọc sách'
Bản dịch Quốc triều hình luật và Cổ tâm bách vịnh TRẦN ĐÌNH BA Đứng đầu thiên hạ cai quản cả nước, có nhiều bậc minh quân luôn tự học, làm giàu kiến thức qua sách vở để nâng cao năng lực trị nước, như các vị vua Lê Thánh Tông và Minh Mạng.

 

 

Trống chuyển canh vua còn đọc sách

 

Vua Lê Thánh Tông trong bài Tự thuật đã tâm sự: "Trống dời canh, còn đọc sách/Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu". Lịch triều hiến chương loại chí ngợi ca vua, có đoạn nhấn mạnh "ham học không biết mỏi, tay không rời sách: kinh, sử, chư tử, lịch số, toán, chương đều tinh thông; văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi". Sử thần nhà Lê cũng tóm lược công nghiệp của vua trong Đại Việt sử ký toàn thư, lưu ý "đặt chế độ, ban sách vở, chế tác lễ nhạc, sáng suốt trong chính sự, thận trọng việc hình ngục, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đã đổi thay tốt đẹp".

 

Theo nghiên cứu Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), đời Hồng Đức có Quốc sử viện ghi chép, biên soạn sử sách, Hàn lâm viện có chức Hàn lâm viện thị độc giữ việc đọc sách, Tả hữu thuyết thư giữ việc giảng nghĩa kinh sách… có Sùng văn quán "trông coi về những sách vở, đồ thư [địa đồ, thư tịch], cốt để cung cấp tài liệu và chỉ bảo học sinh". Năm Đinh Hợi (1467), đặt chức học quan Ngũ kinh bác sĩ chuyên nghiên cứu năm bộ sách kinh điển của Nho gia Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu để dạy học trò ở Quốc Tử Giám. Với quân đội, Toàn thư cho biết năm Đinh Hợi (1467), vua "sai quyền Thượng bảo tự khanh Dương Tông Hải và Thông chính ty tả thừa Nghiên Nhân Thọ dạy các quân Kiêu dũng, Binh mã đọc sách".

 

Đề cao việc đọc sách, vua có lệnh năm Ất Mùi (1475) rằng con cái quan tam phẩm và con quan văn võ từ tứ đến bát phẩm nếu không biết đọc sách sẽ sung quân; nếu biết đọc sách và thi đỗ sẽ sung làm nho sinh ở Túc lâm cục. Năm Đinh Dậu (1477), vua lệnh cho con trưởng các tản quan từ tam đến bát phẩm, ai tuổi trẻ và thông minh ham học cho vào Sùng văn quán làm học sinh đọc sách. Việc này năm Đinh Hợi (1467) đã thực hiện khi cho Lang trung Nguyễn Tường, Lê Đình Tuấn, Tri huyện Nguyễn Nhân Thiếp, Đào Thuấn Cử, Viên ngoại lang Phạm Như Lan, Tấu sứ Trần Quý Huyên "đều được vào đọc sách tại Bí thư giám, vì thi đỗ khoa Hoành từ".

Thời vua Lê Thánh Tông, nhiều sách được biên soạn, khắc in. Năm Đinh Hợi (1467), nhà nước ban cấp bản in sách Ngũ kinh cho Quốc Tử Giám. Sách Thiên Nam dư hạ tập gồm 100 quyển do Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận biên soạn, Quốc triều hình luật được ban hành làm chế định luật cho cả nước… Bản thân vua cũng viết sách, năm Ất Mão (1495), làm sách Quỳnh uyển cửu ca thi tập, năm Bính Thìn (1496), viết sách Xuân vân thi tập; vua còn có các tác phẩm Cổ tâm bách vịnh, Hồng Đức quốc âm thi tập

 

Vua Minh Mạng cầu sách như cầu hiền

 

Nói tới ông vua ham sách thời Nguyễn, phải ghi tên Minh Mạng. Quốc sử di biên cho biết vua "thường sai 18 sai nha mang sách theo, chuẩn bị sẵn nếu có điều gì thì tra hỏi lại". Quan điểm của vua là "xem sách rất có ích cho thần trí con người", nên khuyến khích quan lại bổ túc kiến thức, "nay trong phủ chứa sách rất nhiều, các ngươi trong khi đi việc công nhàn rỗi, nên mượn về nhà xem". Quan viên mà lười biếng đọc sách, sẽ bị phê bình. Bằng chứng là năm Quý Mùi (1823), vua hỏi bề tôi việc đời Nguyên, Minh nhưng quần thần không trả lời được, vua đã trách quan lại chưa đọc đến sử Bắc quốc, theo Minh Mệnh chính yếu.

Trong thời trị vì, vua nhiều lần ra chiếu cầu sách, xem đó là việc cần kíp không kém tìm người tài. Năm Canh Thìn (1820), vua ra chiếu tìm sách vở còn sót. Năm sau, vua tiếp tục ra chiếu tìm sách vở xưa và hiền sĩ. Năm Tân Mão (1831), vua hạ lệnh cho Bộ Lễ thông tin đến quan lại, học trò, dân các tỉnh Bắc Thành, Thanh HóaNghệ AnNinh Bình ai giữ được sách ngự chế thi văn thời vua Lê Thánh Tông thì nộp cho nhà nước, đem in ban bố trong nước. Năm Đinh Dậu (1837), ra dụ tìm những bản ghi sự tích cuối đời Lê…

 

Nhiều bộ sách đồ sộ đã được biên soạn dưới thời Minh Mạng. Năm Mậu Tuất (1838), vua sai Hàn lâm viện soạn bộ sách Bội văn vận phủ thành sách Tập văn trích yếu. Năm Ất Mùi (1835), Nội các biên soạn các sách Khâm định tiễu bình Bắc Kì nghịch phỉ phương lược chính biên và Khâm định tiễu bình Nam Kì nghịch phỉ phương lược chính biên. Bộ sách đồ sộ Đại Nam thực lục cũng được khởi sự biên soạn từ buổi đầu trị vì của vua Minh Mạng… Bản thân vua cũng viết sách. Quốc triều sử toát yếu cho hay năm Quý Mùi (1823), sách Ngự chế đế hệ kim sách vua viết được in xong, "thân định bộ chữ nhật 20 chữ để truyền làm huy hiệu cho các vua nối sau; và mỹ tự về hệ Hoàng thân, mỗi hệ 20 chữ". Thơ của vua có Ngự chế thi tập khắc in năm Nhâm Thìn (1832)… Sách Vua Minh Mạng với Thái y viện và ngự dược còn thông tin vua lập Dưỡng Tâm điện, Trí Nhân đường làm nơi tham khảo thư tịch và sáng tác.

Việc lưu trữ sách cũng được quan tâm, theo Minh Mệnh chính yếu năm Đinh Hợi (1827), vua sai quan Bắc thành thống kê sách lưu trữ ở Văn Miếu gồm Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn, Vũ kinh trực giải, Tứ trường văn thể rồi đưa về Huế, trữ ở nhà Quốc Tử Giám phục vụ việc dạy học. (còn tiếp)

 

 

Trần Đình Ba - TN0
Tin tức khác