Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
716
116.520.693
 
Đền rùa vàng (phần 1)
Ngô Nguyên Dũng

 

 

 
   

 

 

 

 

Nụ mang ra cho tôi dĩa bánh cuốn còn bốc khói, đặt lên bàn, cất giọng thanh tao:

»Mời anh.«

Tôi nhoẻn cười thay cho lời cám ơn. Cặp mắt mí lót của Nụ liếc nhìn tôi, nghịch ngợm:

»Bữa nay thua nhiều há!«

»Bị quê cơ«, tôi than thở.

»Tại Nụ mà anh quê cơ chứ gì?«, Nụ tinh quái.

Tôi nhớ có lần đang chơi bi-da, Nụ từ phòng trong bước ra xem. Từ lúc đó tôi không chú tâm được nữa. Không "sơn mỏng" được "giò gà". "Mắt kiếng" lại thụt quá mạnh, không giữ được bi. Tôi bông đùa, đổ thừa cho Nụ đứng xem khiến tôi bị phân trí.

Nụ không đẹp, nhưng miệng cười có duyên và nói chuyện hiền lành, không kiểu cách. Tôi không để ý nhiều đến Nụ, nhưng khoé mắt Nụ nhìn tôi mỗi khi tính tiền và thỉnh thoảng nàng còn nhân nhượng bớt cho tôi vài đồng bạc lẻ, khiến tôi bối rối không ít. Bạn bè bảo tôi là thằng nhát gái. Tử vi tôi có sao Đào Hoa và Hồng Loan chiếu mệnh, gái bám phủi không hết, một thằng bạn lý giải như vậy. Tôi chỉ cười. Tôi nào để tâm tới mấy chuyện này, vì tôi vẫn chưa quên hình bóng Đoan, người bạn thời hoa niên. Chúng tôi mất liên lạc với nhau đã nhiều năm nay. Những lá thư tôi gởi đi đều không được hồi âm. Chuyện gì đã xảy ra cho Đoan? Lấy chồng, vượt biên mất tích hay không còn yêu tôi nữa? Tôi đã khổ sở với những nghi vấn ấy một thời gian dài. Rồi tôi tự tìm quên bằng cách học thiền. "Hít vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười". Nếu trong chuyện tình cảm, tôi là một kẻ bất hạnh, thì trong chuyện tĩnh tâm, tôi là một thằng mê muội. Lúc nào cũng vậy, tôi chỉ kiểm soát được hơi thở mình đến lần thứ hai mươi lăm là đứt phim, những phiền muộn lớn bé lại chập chờn hiện ra trong trí. Quá khứ cũng như tương lai, thời gian nào cũng có mặt Đoan. Từ quê nhà sang đến đây, không gian nào Đoan cũng hiện hữu. Và rõ nét không kém là cảnh hồ nuôi rùa trong một ngôi đền Trung hoa ở Đa kao. Chiều nào xa xưa, tôi và Đoan sát vai nghiêng xuống ngắm bầy rùa rị mọ chậm chạp trong hồ nước cạn, rêu phủ xanh rì. Bóng mát cổ thụ toả đằm đằm. Cảm giác bình an, bầu không khí đạo vị ấy đã hằn vết trong tâm tưởng tôi.

Nhiều năm trôi qua, vết tích ấy vẫn ri rỉ máu.

»Trình, có chơi nữa không?«, một người bạn lớn tiếng gọi.

Tôi gác đũa ngang miệng dĩa, uể oải:

»Không, chán rồi.«

Thế là cả bọn ồn ào chia cặp, cá độ. Tự dưng tôi cảm thấy cô đơn, nỗi cô đơn của mười hai con giáp không giống con nào. Tôi móc một điếu thuốc, châm lửa. Ý nghĩ tôi theo làn khói bay lang thang.

»Bánh cuốn hôm nay em làm có được không anh?«

Tôi ngẩng lên. Nụ đứng bên tôi từ lúc nào, mặt tươi rói. Tôi gật đầu:

»Nụ nấu ăn khéo.«

»Món Bắc, món Nam em đều nấu được, chỉ có món Trung là dở.«

»Anh không biết làm bếp.«

»Xạo! Ở đây lâu như anh, người nào nấu nướng cũng giỏi.«

»Anh là trường hợp ngoại lệ, bất tài vô tướng«, tôi cù cưa.

Môt đứa đang chơi bi-da, chỏ miệng vào:

»Thằng Trình một vợ hai con rồi đó, cô Nụ coi chừng!«

Tôi đứng lên, vỗ nhẹ vai Nụ:

»Nụ vào trong tính tiền cho anh!«

Chuỗi cười chọc ghẹo của lũ bạn bám theo tôi và Nụ vào tới phòng trong. Quầy rượu lèo tèo vài chai lưng. Hai cái ly ám bụi. Tượng ông thần tài mập phệ, miệng cười hoài không mỏi. Giàn máy đang chạy một băng nhạc thời thượng. "Mười năm không giặt tưởng chừng như đã..." Góc bếp chật hắt thoảng mùi nước mắm. Nụ mở hộp thiếc, lấy ra xấp giấy con xốc xếch. Tôi ngồi trên ghế cao, nghếch mặt đợi như phạm nhân chờ nghe án lệnh. Nụ lẩm nhẩm tính:

»Giấy ký sổ của anh từ tháng trước tổng cộng 95 đồng 25 xu. Tiền bàn bữa nay là... là... để xem... à, 16 đồng 20 xu, cộng với tiền thuốc lá, bia, cà-phê, nước ngọt và một dĩa bánh cuốn, cả thảy là 24 đồng. Như vậy, anh  thiếu Nụ 135 đồng 45 xu. Anh trả Nụ bây giờ, Nụ bớt cho anh 45 xu.«

»Bớt 5 đồng 45 xu đi!«, tôi kỳ kèo.

Nụ ngước mặt, nhếch môi:

»Bớt cho anh, mấy người khác biết được, họ tị nạnh, khó xử cho em.«

»Ừ, thôi«, tôi làm mặt tiu nghỉu.

Tôi trả tiền, không khỏi nghĩ tới cái trương mục ốm đói của mình. Gần năm nay, tôi thất nghiệp. Tôi muốn rên rỉ một ca khúc cũ: "Lòng buồn dạt dào nhớ hôm nào không tiền tiêu, lái Hông-đa tôi chạy rong...",  nhưng không thốt nên lời, chỉ bật cười khan. Nụ ngẩn ngơ nhìn tôi. Bỗng dưng tôi thấy Nụ đáng ghét. Khi không bày chuyện mở ra cái hội quán bi-da bi-thịt này, làm tôi tốn tiền không ít.

Tuy nói không bớt, nhưng khi thối lại tiền, Nụ cũng tính tròn thành 130 đồng.

»Anh không lấy đâu, anh không muốn vì anh mà em khó xử«, tôi đẩy đưa.

Chắc lúc đó bản mặt tôi láu cá lắm, vì Nụ bắt tẩy được ngay:

»Thôi đi ông, làm bộ hoài. «

Tôi nhoẻn cười theo kiểu "hít vào tâm tĩnh lặng...":

»Cám ơn Nụ đã phát tâm làm phước, kiếp sau... «

»Ở đây không phải là chùa chiền hay nhà thờ, không có kiếp trước kiếp sau gì hết«, Nụ ngắt lời.

»Tu chợ mới khó, chớ tu chùa, dễ ợt«, tôi ba hoa.

»Hôm nay anh làm sao ấy. Hến mở miệng«, Nụ nhíu mày.

Tôi kêu thầm, Nụ ơi, tâm sinh lý anh đang xáo trộn, anh đang cô đơn như một con cọp tuyết, một con đom đóm đực. Cho anh gầm lên một tiếng rung chuyển cả không gian. Cho anh phát quang một lần rực cả đêm thâu, rồi chết cũng đành. Và tôi lên tiếng:

»Đêm nay anh đưa Nụ về.«

»Anh nói nghe như hát«, Nụ cười giòn.

Hai má tôi nóng bừng, không hiểu vì men bia còn lại hay vì lời đề nghị táo bạo của mình. Tôi nói lảng:

»Ừ, hình như có bài hát... «

Rồi tôi ngân nga:

»Đêm nay anh đưa em về. Đường khuya sao trời lấp lánh. Đêm nay anh đưa em về. Mắt em sao chiếu long lanh... [1] «

Nụ bối rối quay mặt, giấu nụ cười e thẹn. Một lần nữa tôi khẳng định, không có người con gái nào xấu. Dẫu nhan sắc ai dưới điểm trung bình, vẫn có đôi lúc thẹn thùng trông duyên dáng lạ.

»Anh uống gì nữa không? Em mời«, Nụ hỏi.

Tôi gật:

»Cho anh một tách cà-phê, uống để giã rượu.«

»Uống nước chanh mới giã rượu.«

»Vậy cho anh một ly nước chanh.«

»Làm biếng lắm, Nụ pha cà-phê vậy.«

»Cà giựt quá!«, tôi buột miệng.

Nụ tỉnh queo:

»Không những cà giựt, Nụ còn cà chua nữa đó anh.«

»Anh thích canh cà chua với trứng.«

»Canh nhà nghèo.«

»Anh đang nghèo kinh khủng.«

»Nghèo mà ham.«

»Ừ, anh có tính ham hố quá độ, chẳng hạn như ham trúng số.«

Nụ cất giọng cười trong trẻo:

»Nếu trúng số, anh sẽ làm gì?«

»Phải làm nữa sao? Nghỉ làm, chỉ chơi thôi.«

Nụ đặt tách cà-phê xuống mặt quầy. Tôi chậm rãi cho đường, rót sữa, khuấy trầm ngâm. Trí óc tôi bật ra những mộng tưởng. Tôi vẽ vời:

»Nếu anh trúng số, anh sẽ trở thành một trọc phú bần tiện, suốt ngày đếm tiền mệt nghỉ.«

Nụ xoe mắt:

»Ủa, Nụ tưởng anh có tiền, chỉ lo chơi.«

»Chơi hoài cũng chán, hoang phí riết cũng nhàm, phải keo kiệt một lần cho thiên hạ biết tay.«

»Anh không thể là một người bần tiện được.«

»Tại sao?«

»Vì anh sẽ không bao giờ trúng số.«

»Chờ xem hồi sau sẽ rõ.« Và tôi đổi giọng triết lý: »Nghèo hay giàu đều khổ. Nhưng cái khổ của người có tiền dù sao cũng thoải mái hơn, trọc phú Hoa kỳ Roosevelt đã tuyên bố như vậy.«

»Em không ham nhiều tiền«, Nụ nhún nhường.

Tôi chọc ghẹo:

»Vậy là em thuộc loại "một túp lều tranh với hai quả tim vàng".«

»Phải nuôi thêm gà«, Nụ thêm vào.

»Chi vậy?«, tôi ngớ mặt.

»Để giống như cô Ba-bé.«

»Lại thêm một tâm hồn cô độc«, tôi thở ra.

Vừa lúc đó, khách chơi bi-da từ phòng ngoài ồn ào kéo vào, kêu Nụ tính tiền. Những ánh mắt nhìn tôi và Nụ, nửa dò xét nửa nhạo báng. Tôi đóng vai "trai tơ vô tội", tỉnh bơ châm thuốc, nhả khói mù mịt. Nụ chỉ tôi tấm bảng "cấm hút  thuốc" treo trên vách. Tôi nhún vai, hớp cạn tách cà-phê, lững thững bước ra hiên ngoài.

Thời tiết đầu hè dịu mát. Hương hoa đêm bên vườn hàng xóm toả nhẹ. Cảm giác thời gian là bàn tay khổng lồ ve vuốt thịt da phủ lấy người tôi, ngất ngây choáng váng. Cùng lúc là cảm xúc đổ vỡ. Những nhịp cầu không gian gẫy đôi, trầm mình dưới dòng sông mất trí nhớ. Người tôi run lên. Tôi tự vỗ về, đừng, đừng để lòng mềm yếu như vậy chứ Trình! Tôi vừa lầm bẩm như một kẻ quẩn trí, vừa lần tay mở nút áo sơ-mi trên cùng. Hơi đêm khoả mát ngực trống. Tôi mân mê sợi dây chuyền móc đồng tiền khắc chữ phúc bằng tiếng Hán đeo quanh cổ. Kỷ niệm ngày xưa giữa tôi và Đoan long lanh hiện về. Buổi trưa trốn nắng trong đền rùa vàng. Sắc nắng nhiệt đới êm ả toả mát hồn tôi, gợi nhớ ray rứt. Tôi ngước mắt tìm những vì sao quen thuộc cũ. Trời đêm tha hương cao vợi. Sao tha hương xa tít tắp, không đủ tầm tay vói.

Tiếng ồn của đám bạn lục tục kéo nhau ra cửa xô tôi về với thực tại. Một đứa đập vai tôi, nói như hạch sách:

»Làm gì đứng một mình trong bóng tối vậy mày?«

»Đang đêm đốt đèn đứng đái đường«, tôi xẳng giọng.

Đứa khác được dịp, xổ một hơi:

»Thằng Trình thất tình treo tường tự tử, thân thể trần truồng, trứng thòng tòn teng teo tái trông thấy tởm!«

Cả lũ ngoác miệng cười đủ kiểu. Có đứa lên tiếng hỏi:

»Sao chưa về, mày?«

»Còn chờ đưa Nụ về«, tôi thật thà khai báo.

»Thằng này coi vậy mà có hiếu.«

»Coi chừng ăn dao, nghe mày!«

»Nụ hoa nào gặp phải tay thằng Trình, sau vài hôm là toè loe toét loét ra.«

Tôi gắt:

»Tụi mày bựa vừa vừa thôi, cô Nụ nghe được, kỳ chết.«

Nụ cũng vừa tắt đèn, bước ra khom lưng khoá cửa. Thấy Nụ, cả bọn im bặt, miệng như dính keo. Tôi đi trước, Nụ ngoan ngoãn theo sau. Tôi mở cửa xe cho Nụ, phì cười nhái nheo mấy câu thơ tiền chiến. "Tôi đi, Nụ theo sau. Tôi không dám đi mau. Sợ nàng chê hấp tấp. Số con rệp không giàu".

»Anh cười chuyện gì?«, Nụ cài dây an toàn, hỏi khẽ.

Tôi đáp lửng lơ:

»Cười bâng quơ cho đỡ buồn. «

»Anh buồn chuyện gì?«, Nụ không tha.

»Buồn vu vơ cho vui«, tôi cù nhầy.

»Anh sống nhiều với nội tâm, chỉ khổ.«

Tôi mở máy, đạp ga, cho xe lăn chậm vào lòng phố đêm. Im lặng một lát, tôi mới lên tiếng:

»Nội tâm anh phức tạp như cái tổ ong, Nụ đừng để ý.«

»Ong góp mật cho đời thêm ngọt«, Nụ ví con.

»Bị ong chích một lần, nhớ đời!«, tôi cảnh cáo.

Nói xong, tôi không dám quay nhìn Nụ, và thấy mình sỗ sàng như hàng tôm, hàng cá. Tôi nhớ tới câu ca dao có kim, có thịt chích nhau, nhếch môi cười lén. Nụ biết được, chắc bóp cổ tôi chết. Không khí bỗng dưng ngột ngạt, khó thở. Tôi mở máy phát thanh. Nhạc kích động vang lên chói tai. Tôi đổi đề tài:

»Ban đêm đài phát thanh thường cho nghe nhạc giựt gân, để tài xế khỏi ngủ gục.«

»Nụ chỉ thích nghe nhạc Việt nam.«

»Nhạc Việt buồn đứt ruột, thành ra nước mình không phát triển nổi.«

»Buồn mới thấm.«

»Ừ, nhưng đừng uỷ mị.«

»Em thích người đa cảm, vui thì cười, buồn thì khóc.«

»Anh đa đủ thứ.«

»Vì vậy mà anh trẻ hoài.«

»Ối, anh chưa già mà Nụ!«, tôi kêu lên.

»Tóc anh muối tiêu rồi, còn bảo chưa già!«, Nụ cười lí nhí.

Tối cố vớt vát:

»Có người xúi anh nhuộm tóc, nhưng nhà anh nghèo, còn phải gởi tiền về Việt nam nuôi mẹ già đang bệnh nặng, nên không để ý tới chuyện sửa sang nhan sắc.«

»Hôm nào sinh nhật anh, Nụ sẽ tặng anh mười lọ thuốc nhuộm tóc.«

»Anh không cho ai biết ngày sinh bao giờ, sợ bị mắng, nghèo còn ham nhận quà.«

»Được quà, ai lại không ham?«

»Đã bảo, anh là trường hợp ngoại lệ, là một động từ bất qui tắc, khó thuộc khó nhớ.«

»Anh phức tạp thật đó!«

Tôi chắt lưỡi:

»Nói rồi mà không tin.«

»Nụ tin chứ... Anh bỏ Nụ ở đầu đường, Nụ đi bộ vào được rồi.«

Tôi từ từ tắp xe vào lề. Chào tôi xong, Nụ còn chêm thêm:

»Anh nói chuyện có duyên lắm!«

Tôi tưởng tượng ra nét mặt mình khi được khen, chắc hí hửng đáng ghét lắm, và nhủ lòng, cố đừng để Nụ hiểu lầm. Tôi trông theo dáng Nụ lầm lũi dọc theo lề đường. Nụ có thân hình đẹp. Áo thun bó eo thon. Quần jeans khít khao cặp mông tròn. Tôi chờ cho Nụ rẽ vào ngõ mới nhấn ga chạy tiếp.

Tôi cho xe trườn chậm giữa phố khuya rộng thênh. Tôi chợt thấy mình mệt mỏi, già cỗi và đơn độc như con cá trê vùi mình trong đất chờ mưa tới. Ông Từ Thức thuở xưa lạc chốn bồng lai một khoảng thời gian, trở lại trần thế thì đã mấy trăm năm trôi qua. Như thế, thời gian chẳng nghĩa lý gì. Tất cả chỉ là một giao ước giữa loài người với nhau. Ngày, tháng, năm và thế kỷ. Lịch dương và lịch âm. Cả thái dương hệ cũng chẳng là cái thớ gì trong vũ trụ mênh mông này. Biết vậy, đã nhận ra điều vô nghĩa ấy, cớ sao tôi vẫn dằn vặt khổ đau với những tiểu tiết không đâu? Cứ mò mẫm đi cho hết một đêm hoang vu trên mật đất [2]? Tôi là nhà sư Thích đủ thứ, tu hoài, vẫn không đắc đạo. Tôi mải miết đi tìm cái mất trong quá khứ và cái không cho tương lai. Tôi vẫn còn nguyên cảm tính của một sinh vật, tìm cách thoả mãn những khát vọng sinh tồn. Tôi kêu thầm, Đoan ơi, tại sao vậy? Tại sao anh không thể quên em? Ngần ấy năm quen nhau nào thấm thía gì với tuổi đời của địa cầu, của vũ trụ, mà sao anh vẫn chưa quên?

Đến nhà, tôi tắt máy, gục đầu xuống tay lái, rấm rứt.  

Chỗ trọ của tôi nằm trong một ngõ cụt đầy bóng tối. Đêm im vắng trần trụi ôm choàng lấy tôi. Một nỗi khiếp sợ vô cớ bủa vây tâm hồn tôi, như con thú rúm thân qui phục trong tấm lưới vô hình. Tôi không muốn vào nhà lúc này. Tôi sợ tiếng chìa khoá lạnh lẽo, khô khốc tra vào ổ. Tôi sợ những âm dội đuổi theo bước chân mình. Tôi chán ngán mớ chăn nệm quen hơi như hơi hướm ẩm gắt của một người tình già. Tôi ngại phải mơ lại những giấc mộng không đoạn cuối. Trời ơi, những con rùa đền vàng cứ đeo ám lấy tôi, cả bầy chục, trăm, ngàn con. Những mai rùa khắc chữ phúc lừ đừ chuyển động, chậm mà chắc, xấn tới, trườn lên người tôi, cưỡng đoạt ý thức tôi. Những cái đầu rùa nhú dài, ngúc ngắt, tựa như những dương vật với đầy đủ mắt, mũi, miệng... Một tiếng động vang lên. Tôi lạnh người, ngẩng đầu. Con mèo nhà hàng xóm ngang nhiên nhảy lên ngồi trước kính xe, giương mắt nhìn tôi trân tráo. Người và vật sửng mắt đối diện giây lát. Rồi, con thú duỗi chân ném mình xuống đất, lủi vào hàng rào mất dạng. Tôi mở cửa xe, bước ra. Căn nhà mọc thêm những cánh tay, chờ ôm tôi vào lòng.

 

*

 

Đoan và tôi nghiêng vai nhìn xuống hồ nước cạn. Nắng xuyên tàn cổ thụ, soi đốm xuống mặt nước xanh rêu. Bầy rùa buổi trưa đang tĩnh tâm thiền định. Không gian phẳng phiu, không một vết gấp. Lũ chim sẻ thành phố trốn nắng nơi nào, không nghe tiếng ríu rít.

»Rùa sống lâu không anh?«, Đoan cất tiếng.

»Như người, có khi lâu hơn.«

»Em không thích giống rùa, trông chúng bò chậm chạp mệt nhọc, bực mình quá.«

»Anh lại thấy rùa là một sinh vật đầy bí ẩn. Chúng là loài thú độc nhất có thật trong tứ linh. Anh còn thích huyền thoại rùa hoàn kiếm trong lịch sử.«

»Em không tin chuyện đó có thật«, Đoan lắc đầu.

»Đã bảo là huyền thoại mà... Còn em thích giống thú nào? «

»Em thương chó con, gà con, mèo con, nai con. Nói chung, thú vật còn nhỏ, con nào cũng dễ thương cả.«

Tôi kêu:                                                                                                                                                                                                                                                            

»Sao không thú nhận, em thích chơi bầu cua cá cọp cho rồi!«                                                                                                                               

»Đừng nhắc, em lại nhớ Tết ở nhà«, Đoan nói như than.

Quê Đoan ở ngã ba Trung lương. Nàng lên Sài gòn trọ học nhà dì dượng đã hai năm nay. Lần nào chúng tôi gặp nhau, Đoan đều than nhớ nhà. Tôi bảo, nhớ thì về thăm, Sài gòn và Trung lương đâu xa xôi gì. Hằng năm, Đoan về nhà  hai lần, bãi trường và Tết. Từ khi quen tôi, Đoan xẻ đôi những dịp nghỉ, một nửa dành để đi chơi với tôi. Chúng tôi chưa hề nói thương nhau. Tình cảm giữa hai đứa chỉ giới hạn ở bàn tay nắm và những lần ôm nhau trong mấy buổi nhảy đầm lậu. Không hiểu Đoan nghĩ sao, vì tôi chưa hỏi, riêng tôi vẫn chưa định rõ lòng mình. Có đôi lúc tôi nhớ Đoan ghê gớm, thèm có nàng ngay bên cạnh, ước được áp mặt vào vai nàng. Cũng có những khi tôi tự vấn lòng, thấy hoang mang những hoài nghi. Má tôi thường nói: "Thằng Trình ít nói, nhu mì nhủ mỉ như con gái, lại nhiều tưởng tượng, sau này sẽ khổ." Thuở ấy tôi nào để ý gì tới chuyện "sướng" hay "khổ". Hai cảm tính trừu tượng ấy chỉ đơn thuần là những nhu cầu vật chất, như "có, không" hay "được, mất". Lớn dần, tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện "cho" và "nhận". Tất cả những đối tính ấy dường như không còn minh bạch nữa. Vùng xám ngăn chia trắng, đen càng lúc càng lớn. Sẽ có lúc chúng hoà vào nhau.

»Anh đang nghĩ gì?«, Đoan hỏi giọng đầy thắc mắc.

Tôi cúi đầu sát vai nàng:

»Lan man, không bờ bến.«

»Còn em đang nghĩ gì, anh biết không?«

»Làm sao biết được.«

»Em nghĩ tới chuyện tương lai.«

Tôi xoay người, tựa lưng vào thành hồ, đối mặt Đoan. Hai mắt nàng chớp nhẹ. Tôi đăm đăm nhìn vào nốt ruồi tham ăn gần môi trên của Đoan, thấy nàng duyên dáng kỳ lạ. Tôi muốn áp môi mình lên đó, để thử lại định luật từ tính âm dương hút nhau.

Đoan tần ngần giây lát, rồi nói:

»Không biết chuyện học vấn của em rồi sẽ tới đâu.«

Nàng làm tôi cụt hứng. Mọi qui luật vật lý bỗng trở nên vô duyên. Tôi cúi đầu nhìn những ngón chân nhú ra mũi dép xăng-đan, thấy chúng kỳ cục hết sức. Ông trời sinh ra mười móng chân và hai đầu vú đàn ông để làm gì?

Tôi lên tiếng hỏi Đoan. Nàng trợn mắt:

»Hỏi gì kỳ.«

Tôi không dám cười lớn, không phải vì sợ Đoan giận mà e làm kinh động bầu không khí yên tĩnh ban trưa. Tôi chuyển đề tài:

»Em có mê tín dị đoan không?«

»Hình như có«, Đoan tủm tỉm.

»Mình vào đền xin xâm nghe Đoan!«, tôi đề nghị.

»Em sợ biết trước chuyện mai sau«, Đoan lưỡng lự.

Tôi nắm tay Đoan kéo tới:

»Khấn vái thôi cũng được.«

Đoan ngoan ngoãn sánh vai tôi, bước vào. Chúng tôi tháo dép bỏ ngoài ngạch cửa. Không hiểu từ đâu, hơi mát hắt ra khiến tôi tỉnh táo hẳn. Hương trầm lan dịu. Những chân nến không thắp, hai bình hoa vạn thọ, lư hương tàn lạnh, hai pho tượng ông Thiện và ông Ác đứng trên điện thờ chăm chăm nhìn xuống. Đôi chụp đèn dầu nhỏ ngọn hắt ánh sáng tù mù.

Đoan tìm tay tôi, siết lại. Chúng tôi đứng trước hai cột gỗ lớn dán cặp liễn đỏ. Hàng chữ Hán thảo mực kim nhũ sáng lờ mờ như lời gởi gắm mòn mỏi. Bây giờ tôi mới nhận ra những hình dơi ngậm đồng tiền kẽ chữ phúc khắc đầy sà ngang. Cả điện thờ là một bức tranh đầy sắc ấm. Tôi và Đoan đồng loạt quì xuống. Tôi khum tay trước ngực, ngước mặt. Đôi mắt ông Thiện và ông Ác long lên sáng quắt. Con dơi há miệng nhả đồng tiền chữ phúc cột chỉ đỏ xuống chiếu hoa. Ngọn đèn dầu rực lên. Lửa tràn ra, liếm vào tấm nhiễu đỏ, phực cháy. Khói tuôn mù mịt. Tiếng lửa lách  tách, tiếng gỗ cựa mình răng rắc như lời thú tội sau cùng... Tôi buông tay chắp, đặt lên ngực trái. Tim tôi đập loạn. Trán tôi vã mồ hôi. Tôi nhắm mắt định thần, hình dung ra cảnh bầy hạc tuyết quạt cánh khoan thai tìm về tổ lúc hoàng hôn. Tim tôi từ từ trở lại nhịp thường.

Khi tôi mở mắt ra, không còn thấy lửa táp. Bầy dơi vẫn câm lặng xếp hàng trên sà ngang. Chợt, từ khung cửa bên trái, một dáng người vẹt màn bước ra. Từ nãy giờ, Đoan bất động như hoá thạch, lúc này mới thốt khẽ:

»Có người kìa anh.«

Cụ ông mặc áo thụng đen, đầu đội mũ con kiểu Trung hoa, khuôn mặt ẩn trong bóng tối nhá nhem. Cụ bước lại điện thờ, vói tay lấy xuống chân nến, móc trong túi ra hộp diêm. Ánh lửa xoè lên soi một bên mặt ông. Đường chân mày trắng như cước, rậm rì vắt ngang vầng trán rộng. Gương mặt đầy những vết nhăn. Hoa mồi hiện rõ trên gò má nhô.

Tự dưng tôi rùng mình một cái. Dáng dấp và diện mạo người đàn ông toát một hấp lực huyền bí, cuốn lấy thần trí  tôi. Đoan vẫn nín lặng theo dõi động tác của cụ ông. Ông đặt hai chân đèn trở lại chỗ cũ, mọp ngồi xếp bằng đối diện chúng tôi, giơ tay trải vạt áo phủ hai đầu gối, nụ cười điểm trên môi. Tôi và Đoan bối  rối xá chào ông.

»Có lẽ cô cậu tới đây lần đầu?«, ông cất giọng điềm đạm.

Tôi "dạ" nhỏ. Người đàn ông tiếp giọng:

»Tôi là người Minh Hương. Dòng họ tôi qua đây sinh sống đã lâu. Ngôi đền này là công trình xây cất của một nhóm Hoa kiều đầu tiên tới lập nghiệp tại đất Gia định này. Mới đầu chỉ là một cái am nhỏ thờ cúng tiền nhân, và cũng là chỗ nương tựa cho vong linh người khuất mặt. Rồi am phát triển dần. Chiến tranh chống Pháp kết thúc năm 1954. Dân chúng được yên ổn làm ăn. Người Hoa từ khắp nơi đổ về đây sinh sống càng lúc càng đông. Vùng này, hồi xưa toàn bùn lầy nước đọng, dần dần trở nên khang trang phồn thịnh. Đền rùa này cũng vậy.«

Nói tới đó, ánh mắt cụ ông nhíu lại đăm chiêu. Bên ngoài nắng lệch, chiếu qua ô cửa, soi thành luồng sáng đầy bụi. Không biết Đoan nghĩ gì trong khoảnh khắc này, riêng lòng tôi vừa dấy lên điều mầu nhiệm khó tả. Khung cảnh này, cụ già Minh Hương và câu chuyện vừa kể khơi dậy trong tôi một chút bâng khuâng. Tôi nghĩ tới những thăng trầm lịch sử. Tôi ái ngại giùm số phận của những di dân. Tôi đặt nghi vấn về sự có mặt của chính tôi tại đất nước này, vào thời điểm này, và buổi hội ngộ kỳ lạ trưa nay với ông cụ tại đây.

Thần trí tôi còn đang phân vân thì đền chủ đã khoan thai tra tay vào túi áo, xoè ra trước mắt tôi và Đoan hai đồng tiền kẽm. Chúng tôi xoe mắt ngắm. Cụ ông cố ý đưa tay vào chỗ nắng rọi. Hai đồng tiền đúc theo kiểu xưa, giữa khắc nổi một chữ Hán, viền quanh một bầy dơi nối cánh.

Cụ ông giải thích:

»Lúc chúng tôi cho thợ đào đất xây hồ nuôi rùa, tình cờ tìm thấy mấy đồng tiền cổ. Chắc không phải tiền xu đâu, vì không thấy ghi giá và triều đại gì hết, mà chỉ khắcc hình dơi và một chữ phúc. Đoán là điềm lành, nên tôi đặt làm thêm một mớ y như vậy đề biếu khách vãng lai. Bữa nay thấy cô cậu tới viếng đền, ngó qua cử chỉ, tôi nhận ra lòng thành, nên xin tặng cô cậu mỗi người một đồng tiền, coi như lời chúc đại phúc.«

Nói xong, cụ ông nở nụ cười nhẹ. Chúng tôi đón lấy món quà đẹp. Đoan cám ơn lí nhí. Tôi  xá ba cái cảm tạ lòng tốt của vị chủ đền. Người đàn ông đứng lên, vuốt lại sống áo, rồi quay lưng bước vào trong. Nội đền trở lại tĩnh lặng. Tôi và Đoan đưa mắt ngó nhau. Có lẽ Đoan cũng đang hồ nghi giống như tôi. Không biết mọi việc vừa xảy ra có thật hay chỉ là ảo giác? Hai ngọn nến vẫn cháy leo lét. Đồng tiền chữ phúc nằm rành rành trong lòng tay nắm. Tôi kéo tay Đoan đứng dậy, cất tiếng:

»Thôi, mình đi!«

 

(đón đọc phần 2)

 

 

(Trích tập truyện "Ngôn Ngữ Tuyết", Quyên Book, 2006, USA. Nhuận sắc, 03.2018)

 

 



[1] Đêm nay ai đưa em về?, Nguyễn Ánh 9.

[2] Một tựa sách của Phạm Công Thiện.

 

 

Ngô Nguyên Dũng
Số lần đọc: 1987
Ngày đăng: 08.03.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky - Vương Kiều
Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào - Đỗ Quyên
Giết con chim nhại - Phạm Văn
TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ Thương tặng những người con xa xứ - Nguyễn Phương
Từ rày đỡ lo.../ Tối lửa tắt đèn.../ Vẫn chưa đầy đủ! - Hòa Văn
giáng sinh buồn - Hoàng Chính
Dưới Ánh Sao Thu - Nguyễn Thành Nhân
Bán Chữ - Phan Trang Hy
máu hồng y - Brian Moore
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel