Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
767
116.616.667
 
Đêm tuyết gọi
Ngô Nguyên Dũng
 
 
Cuộc rượu về khuya chỉ còn lại bốn người: tôi, Bính, Phụng và Thạo. Bính với tôi thân nhau đã lâu, còn Thạo chỉ mới qua đây. Anh là bạn của Bính như thế nào, tôi không rõ, cũng chưa hỏi. Vào tiệc, anh ít nói. Sau một đỗi cụng ly qua lại, khẩu khí chừng như ngấm men, anh trở nên hoạt náo. Bàn chúng tôi, một lứa trung niên, chỉ mỗi Hứa Phụng là nữ phái. Nàng gốc người Hoa, nhân tình nhân ngãi với Bính đã nhiều năm.
Có lần cạn chuyện, tôi hỏi Bính:
»Bạn và Phụng không nghĩ chuyện làm khế ước trăm năm với nhau sao? Sống vậy, người ta nói.«
»Đứa nào nói gì? Đấm hộc máu nó ra!«, anh hùng hổ.
»Làm gì dữ vậy, bạn?«, tôi lúng búng.
Bính dịu giọng:
»Tụi mình đang sống ở đâu, thời nào vậy? Trời, nơi này là đất Âu châu tiến bộ, đâu phải xứ Trung đông thế kỷ 18.«
Nhưng nét mặt anh vẫn không dứt bực bội. Tôi đổi đề tài, gợi ý bàn bạc về buổi triển lãm một số danh hoạ ấn tượng vừa khai trương. Chúng tôi hợp nhau ở lãnh vực này, yêu nghệ thuật, nên tình thân không gặp nhiều trở ngại. Trăm lần như một, khi đồng hương chúng tôi tổ chức lễ lạt hay họp mặt hội luận nọ kia, Bính đều lái xe tới nhà chở tôi đi. Cho tới bây giờ, nhiều thập niên phẳng lặng trôi qua, tôi vẫn chưa hề nghĩ tới chuyện sắm một chiếc xe. Vì nhiều lẽ. Tài chính là một. Và không hiểu sao, tôi thích quang cảnh những sân ga, những bến đợi, những dải đường sắt phơi lưng dưới thời tiết bốn mùa. Khoảnh khắc thơ thẩn đó gợi nhắc trong tâm tư tôi nhiều ý tưởng vặt vãnh, khiến tôi hình dung ra ảnh sắc của gặp gỡ và ly biệt, tất bật và thảnh thơi, nôn nao và nhẫn nại chờ đón những hành trình ngắn dài xuyên đất liền. Tôi thích ngắm lề lối kiến trúc những nhà ga trung tâm. Nó bóc trần tâm tính dân bản xứ, lắm khi còn gắn liền mật thiết với vận mệnh thăng trầm của lịch sử. Cả những quán xá hai bên lối đi lúc nào cũng tấp nập hành khách vào ra, lên xuống. Không biết những phiến gạch lót có bao giờ mong mỏi đôi phút ngơi nghỉ? Không rõ những băng ghế sân ga có khi nào chạnh lòng trước những cuộc chia ly? Những ý tưởng này, tôi nghĩ khó có ai chia sẻ. Cứ vậy, tôi chắt chiu giấu chúng trong những ngăn kéo tâm tư mình. 
Có lần Hứa Phụng rủ tôi ra nhà ga trung tâm đón Bính trở lại sau vài tuần công du tỉnh xa. Xe lửa đến trễ. Tôi và Phụng vào quán cà-phê ngồi chờ. Tôi gọi một tách cà-phê cappuccino và một phần bánh Frankfurter Kranz. Hứa Phụng sợ lên cân, chỉ nhâm nhi một tách chanh nóng. Khách vào ra nhốn nháo. Chỗ dành cho người không hút thuốc đầy kín, chúng tôi buộc lòng ngồi cạnh những ống khói nikotin. Không gian ngộp ngụa tiếng ồn. Trên tường, màn ảnh truyền hình đang chiếu một đoạn phim quảng cáo du lịch không âm thanh. Liếc phớt, tôi thấy màu thiên thanh đại dương, những mái nhà đỏ ngói, tường vôi trắng chênh vênh sườn núi xanh lá.
»Năm nay Phụng và Bính dự định đi nghỉ hè ở đâu?«, tôi gợi chuyện.
Hứa Phụng lắc đầu:
»Chắc không đi được. Anh Bính nói, hãng đang thay đổi hệ thống máy vi tính gì đó, nhiều việc lắm.«
»Còn Phụng?«
»Phụng phải đi lau chùi dọn dẹp nhà cửa cho người ta.«
»Tôi phục Phụng, siêng năng như kiến, làm tôi có cảm tưởng mình là con ve hoang đàng.«
Phụng cười. Bây giờ tôi mới để ý thấy Hứa Phụng hôm nay trang điểm giản dị. Nàng có cặp mắt rất Tàu, một mí xênh xếch, nhưng khá to và hài hoà trên gương mặt ửng phấn hồng, cặp môi thoa mỏng lớp son bóng, viền mi phớt lam nhạt. Dẫu vậy thần sắc nàng vẫn rực rỡ như đoá mẫu đơn sung mãn hằng năm mùa lễ Hiện xuống. 
Phụng nhỏ nhẻ nâng tách, hớp ngụm nhỏ:
»Ở nhà hoài, chán gần chết.«
Tôi xẻ mẩu bánh kem, bắt được hương ngầy ngật của bơ sữa và đường va-ni.
»Bính là người may mắn.«
Khoé mắt Hứa Phụng loé lên thoáng giây:
»Thấy anh ăn bánh, Phụng phát thèm, nhưng phải giữ eo... Được này mất kia, anh!«
Tôi không hiểu rõ ý Phụng, nhưng ngần ngại không hỏi. Lâu lắm tôi mới có dịp ăn lại thứ bánh ngập ngậy chất béo này. Nó làm tôi nhớ lại thuở vừa sang đây, mỗi lần đi ngang tiệm bánh ngọt, tôi lại dừng chân ngắm nghía chốc lát. Thấy thứ nào cũng ngon. Từ loại bánh nướng xoắn ốc nạm nho khô tới loại bánh kem nhiều lớp, trên mặt đắp trái cây tráng thạch. Tôi thưởng thức bánh kem Frankfurter Kranz lần đầu tại nhà chị Tràng. Chị thố lộ, lẽ ra tên chị là Trường, nhưng cha mẹ chị phải gọi trại thành Tràng để khỏi thất lễ với một người bà con trùng tên. Chị Tràng có hoa tay nấu ăn và làm bánh mứt. Từ ngày chồng chị qua đời vì viêm gan, chị ở vậy với đứa con trai đang tuổi lớn. Chị làm bánh bỏ mối cho vài tiệm thực phẩm Á châu, kiếm phụ phí. Bánh Frankfurter Kranz chị làm ngọt vừa phải. Quả mứt anh đào đỏ mọng, trong ánh hạt lựu. Một lớp kem bơ rắc hạnh nhân xay. Bên trong, nhiều lớp bánh trứng nướng xốp mềm, vừa chạm lưỡi đã tan thấm cùng kem va-ni đánh bông. 
Nhưng, tôi ngờ rằng món bánh Frankfurter Kranz thơm ngon của chị Tràng đãi tôi dạo nào chỉ là lý do phụ khiến tôi suốt đời không bao giờ quên, chính yếu có lẽ do câu chuyện chị kể. Chồng chị hảo khẩu loại bánh này. Tới giỗ hằng năm, chị đều làm bánh, pha cà-phê cúng chồng. Năm nọ, bận bịu sao đó, chị không làm. Đêm sau chị chiêm bao thấy anh, gương mặt buồn bã như thầm trách. Và khoé mắt từ từ tuôn tròn những giọt lệ đỏ, trong vắt, y hệt màu mứt anh đào điểm hoa trên mặt bánh.
Từ dạo đó, mỗi lần tôi xẻ bánh Frankfurter Kranz, đều thấy lại tia mắt loen loét máu đỏ của chồng chị Tràng.
»Khủng khiếp quá!«, Hứa Phụng kêu khẽ.
»Vậy mà không hiểu sao, tôi lại xúc động. Khó tìm ra thứ biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng nào đậm đà hơn thế«, tôi tỉnh queo.
»Anh chỉ giỏi văn vẻ.«
»Đâu ai muốn.«
»Phụng vẫn chưa hiểu tại sao anh và anh Bính lại thân nhau«, Hứa Phụng lắc đầu.
Tôi mỉm cười, không đáp, múc giọt lệ ngọt của chồng chị Tràng đưa lên môi. Tôi cố hình dung lại vẻ mặt của người đàn ông ấy, chỉ loáng thoáng nhớ ra tấm ảnh đen trắng trên tủ thờ ấm áp hai ngọn nến trắng. Hương trầm nhang phất nồng. Bình hoa cúc đầu mùa đẫm sắc nắng. Có nhiều điều tôi chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác bén nhạy của riêng mình mà không thấu hiểu. Những tương quan giữa tôi với Bính, với chị Tràng, với Hứa Phụng, với những trang chữ vẫn dan díu cùng tôi, cũng như với mớ dĩ vãng cùng người hôn phối đã tử biệt đành đoạn trong chuyến hải trình ly hương nhiều thập niên trước. Phải chăng vì vậy mà tôi thân thiết với chị Tràng? Chưa lần nào tôi kể cho ai nghe những giấc chiêm bao vẫn thường xuyên quấy nhiễu tâm thức tôi. Những người thân đã qua đời hiện lên tươi trẻ hoạt náo linh động trong giấc ngủ tôi. Một điều lạ lùng, tôi chỉ thấy mà không thể nghe. Câm lặng trong cõi huyễn ảo hoan hỉ sắc sáng. Bừng tỉnh, lòng tôi dấy lên nỗi rung động thâm tình trong huyết mạch.
Hứa Phụng mềm giọng:
»Phụng nhớ có lần đọc ở đâu đó một đoạn văn viết về tâm lý của những dân tộc lưu vong. Tất cả đều có mẫu số chung, thích sống hợp quần.«
»Thì có gì lạ?«
»Lạ ở chỗ, đôi khi có ai muốn tìm hiểu một thể thức lễ lạt cổ truyền, chỉ cần tới nơi nào có nhiều sắc tộc lưu vong sinh sống, sẽ tìm ra.«
Tôi không đồng ý với ai đó đã viết ra cái điều khó chấp nhận ấy, nhưng im lặng. Thứ lễ lạt truyền thống phải chăng là những lần họp mặt đồng hương chia tay năm cũ? Trẻ con được tiền lì xì trong phong bì phẩm đỏ? Bàn thờ tổ tiên chưng bày nhang đèn, hoa trái, liễn đối phúc lành? Những lời cung chúc mòn thính được lặp lại? Xôi bánh, giò chả, chè mứt, bia rượu thơm mắt ngon môi? Nhưng dần dà cá nhân tôi thấy ra vị nhạt nhẽo của tách trà quê quán lạnh đắng. Những kẻ lận đận cùng lứa sang đây một thuở với tôi, giờ tóc đã nhuốm muối nhiều hơn tiêu. Lũ trẻ con chỉ biết nhún vai cười khi được người lớn hỏi han bằng tiếng mẹ đẻ. Nhiều cặp vợ chồng ly hôn nhau vì những nguyên nhân vô cùng giản dị. Riêng Bính và Hứa Phụng vẫn thuỷ chung kiểu sống bạn đời không khế ước. Tôi và chị Tràng vẫn mải miết hoài niệm những hồn ma đen trắng.
Lúc chị Tràng và đứa con trai chào chúng tôi ra về, Bính khề khà chuyện rượu:
»Sao bạn không thử lửa với chị Tràng một lần xem sao, hợp đấy!«
Hứa Phụng che miệng khúc khích. 
»Lâu quá không sạc điện, lãnh cảm mất rồi«, tôi làm mặt lạnh.
Hứa Phụng vỗ chách lên vai tôi, kêu:
»Anh nầy, bậy bạ.«
Anh bạn tên Thạo góp lời:
»Món bánh chưng chị ấy gói khéo quá.«
»Thử lửa chỉ để ăn bánh chưng mỗi năm chỉ một lần, không có lợi«, tôi vòng vo.
»Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn«, Bính nghêu ngao.
»Nếu anh Thạo còn lẻ bạn, cứ việc nhào vô kiếm ăn«, tôi bán cái.
»Để tôi hỏi lại ông thầy cãi, coi ở đây bộ luật gia đình có cho phép đàn ông đa thê«, Thạo chẳng vừa.
»Ở bên nhà, ông nào cũng vợ chẵn vợ lẻ một đống«, Hứa Phụng nói như trách.
»Đàn ông bọn mình xa nước, đâm ra lành«, Bính thở ra.
Thạo hăng hái tán đồng. Tôi tủm tỉm ngó Hứa Phụng. Nàng liêng liếc chuôi mắt đông phương, lẳng lặng xô ghế, đứng lên dọn dẹp bàn tiệc. Anh bạn tổ chức vừa lên tiếng nhắc, đã tới giờ tạm biệt. Tôi chưa muốn về ngay. Quyết định này tới bất chợt lúc chúng tôi đẩy cửa bước ra, thấy tuyết cuối mùa phất phới lòng phố thinh vắng. Tôi không thích lạnh, không ưa tuyết, nhưng mỗi bận tuyết mới rơi rắc, đáy lòng tôi đều rộn rực nỗi niềm khó tả. Thạo thấy tôi chần chừ, đề nghị cùng tôi dạo tuyết, sau đó tới nhà anh gần đây, ở lại qua đêm. Bính nghe được, cất giọng cảnh cáo, coi chừng thằng Thạo xâm phạm tiết hạnh nghe ông! Tiếng cười Bính đóng băng theo cái lạnh the thắt.
Không biết Thạo nghĩ sao, chứ tôi có cảm tưởng mình như con mèo già đang dọ dẫm tìm tới chỗ hẹn. Ở đâu, với ai, tôi mờ mịt. Phố khuya ít xe cộ lưu thông. Những trũng đèn vàng soi nghiêng đường tuyết rắc. Vỉa hè đóng lớp trắng mịn, không một dấu chân dẫm. Tôi kéo nón áo khoác trùm đầu. Loáng thoáng giọng Thạo mềm mỏng:
»Tôi có nghe Bính kể nhiều về ông.«
»Hy vọng không phải mấy chuyện bực mình«, tôi day mặt ngó anh, khựng chân giây lát.
»Ngược lại, tôi rất thông cảm vì hoàn cảnh tôi cũng gần như vậy.«
Chúng tôi dừng lại, chờ đèn xanh. 
»Bính kể ông nghe chuyện gì?«, tôi hỏi thẳng.
»Sở thích viết văn và thảm cảnh mà ông đã gặp phải thuở trước.«
Trí nhớ tôi bật sáng phân cảnh bi kịch với màu sắc toàn hảo, nhưng tuyệt nhiên không một âm thanh, như bị lớp lớp sóng biển vùi xoá, kéo ra trùng trùng khơi xa. Tôi câm nín đỗi lâu. Bước chân tôi nhẹ hẫng, tưởng như có ma lực nào nâng bổng, nhẹ tay xô tới. 
»Tôi... tôi... xin lỗi ông... Thật, tôi vô ý quá... «, Bính lắp bắp.
Tôi nhoẻn cười không cảm xúc, lách người qua rào sắt gắn bảng ghi, dưới 18 tuổi, cấm vào. Con phố ngắn, những khung kính đèn đỏ, bên trong lờ mờ dáng đàn bà áo lót hớ hênh. Vài bóng đen lầm lũi ngược chiều. Có chiếc bóng dừng chân, đăm đăm nhìn ngắm. Ánh đỏ bên trong hắt mỏng, tôi thấy viền mặt loé màu bình binh khảm lên ô kính nhà hàng xóm một sáng tôi nhìn ra. Thứ màu đỏ kỳ quái, như giọt máu gà cắt tiết nhỏ xuống thau nước vặt lông còn bốc hơi. Thứ màu đỏ chỉ những bình minh cuối năm mới chắt chiu pha nổi. Kỳ quái ở chỗ, nó không bắt tôi ngậm ngùi mà hân hoan. Vì tôi biết, hôm đó nắng tươi.
»Lối tắt ra phố cổ«, tôi cất giọng gọn lỏn.
»Ông làm tôi tưởng...«, Thạo sượng sùng. 
»Nếu thích, ông cứ vào, tôi chờ.«
»Mình không có nhu cầu«, Thạo bây bẩy như mèo phải mưa.
Trong tôi, sắc hồng đầu ngày trong ký ức cũng nhạt phai, cả những cảm xúc nhiều khi chỉ một lần trải qua mà vướng lại ngủng ngoẳng.
 
*
 
Thức giấc, nhận ra căn phòng lạ, tôi nhổm phắt ngồi dậy, nhìn quanh quất. Hương thơm kỳ diệu phảng phất. Của ai hay của dư hương tuyết cuối mùa đêm qua lắng đọng sậm sệt trong ngũ quan tôi? Không phải. Dường như chúng đã thẩm thấu vào chăn gối, tích tụ trong diện tích bưng bít ấm hơi sưởi. Ý thức tôi ngái ngủ chưa phân định rạch ròi giữa thực mộng, trong giao điểm nhàn nhạt giữa cũ mới âm lịch, như nỗi chia lìa còn đậm đà dư hương của tiếc nuối.
Rèm sáo không buông. Nắng sáng vàng tươi xuyên qua màn voan cửa, tưới ngập tường vôi xanh da trời. Tôi nhớ lại. Khuya qua, sau bữa tiệc tất niên, tôi và anh bạn mới tên Thạo dạo tuyết một vòng phố cổ. Tôi nằm xuống, thẩn thơ liên tưởng những ô kính hẹp, khung gỗ nâu xảm hắt ra ánh đèn tù mù trong ngõ phố lát đá xanh. Nhiều ngách hẹp tối ám, ai ải mùi nước tiểu. Chỉ còn vài quán rượu sáng đèn. Lác đác dăm ba bộ hành chuệch choạng trên lối tuyết. Nhiều lúc tôi dừng bước, ngước mắt ngắm nghía những trụ đèn già nua, chóp cong kiêu hãnh nghìn trang huyền thoại. Trông chúng như những đồng trụ khổ hạnh, đắm đuối thiền định qua nhiều thế kỷ thịnh suy. Vậy mà, vẫn tồn tại, nhẫn nại hứng chịu thời tiết gian truân. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy ra những phiền muộn riêng tôi chỉ là một phiên bản tầm thường, vô cùng tầm thường. Và cực kỳ nhỏ nhoi trong vạn vật không gian cùng thời gian vô biên.
Bàn điểm tâm sáng tân niên lưu vong thịnh soạn với bánh tét lục nõn màu lá chuối, chén con đựng dưa món đỏ quách hổ phách, dĩa cà chua xắt khoanh, loang loáng dầu ô-liu lấm tấm tiêu muối, ấm trà men trắng hoạ tre trúc trên lò con loé nến, bình thuỷ tinh ngát hương cà-phê đậm vị. Riêng rổ mây đựng bánh mì rắc mè và dĩa bày vài loạt thịt nguội thái lát trông lạc lõng như một khúc ngũ cung đệm dương cầm. Điều này không làm tôi khó chịu mà ngạc nhiên thầm. Nếu tôi nhớ không lầm, đêm qua Thạo bóng gió cho biết anh đã lập gia đình. Nhưng cho tới lúc này, tôi chỉ thấy anh chộn rộn một mình trong nhà trọ ba phòng rộng thoáng. Bức thuỷ hoạ tiên nữ Trung hoa trên lụa bạch vân tươi rói nắng sáng, không khỏi gieo vào khối óc nhiều tưởng tượng của tôi những cổ tích liêu trai. Mọi thứ được bày biện gọn ghẽ, sạch loáng. Bệ cửa sổ chưng hàng cây cảnh một dãy xanh mướt. Tượng Phật khép mắt toạ thiền bên chậu kiểng lùn xoè tán rộng.
»Nhà ông vén khéo, ngăn nắp như được người đẹp trong tranh bước ra dọn dẹp, lau chùi, nấu nướng«, tôi cất tiếng.
»Đúng vậy. Mỗi tuần nàng hiện tới một lần ngày thứ năm, mỗi lần ba tiếng «, Thạo úp mở.
Tôi còn ngờ ngợ, Thạo đã cười lớn:
»Mỹ nhân Trung quốc chính cống, họ Hứa tên Phụng, chứ còn ai.«
Tôi buột miệng, thì ra vậy. Ngụm cà-phê bật lên đầu lưỡi những va chạm ngất ngây vị giác. Thạo pha cà-phê hợp khẩu tôi. Anh xớt một khoanh bánh tét vào dĩa cho tôi. Vài hạt đậu đen lấp lửng lớp nếp trắng lờ đập vào mắt. Lâu lắm tôi mới thấy lại loại bánh thuần tuý quê Nam này. Thì ra, những hạt mắt đậu vẫn trì chí níu lấy ký ức tôi, đằng đẵng ngần ấy năm tháng, dẫu những dặm trùng chia cách. Những điểm tâm sáng mồng một ấu thơ, tôi thường cặm cụi khượi chúng ra, để dành ăn sau cùng. Tôi không khoái khẩu những loại bánh nếp. Nhưng xa quê lâu năm, thoảng khi nếm lại, không khỏi ngậm ngùi. Những hương vị bánh mứt, mỗi đầu năm một lần, như thể những dấu khắc thời gian nghiên nghiến trên tường vách hư vong nơi đất khách.
Năm nào cũng vậy, tôi và đồng hương tụ họp đón nguyên đán vào tàn đông. Có năm tuyết rơi muộn, có năm không. Tuyết, vì vậy, đã lưu dấu nghèn nghẹn trong tiềm thức tôi. Như loài hoa mãn khai no nê hương thời tiết. Như hậu vị đậm chát choáng váng loại rượu nho huyết bầm đẫm nắng hè được thu hoạch sau vài đợt băng giá tê tê.
»Nhưng người đẹp Hứa Phụng chỉ lau nhà, hút bụi chứ không nấu nướng«, Thạo thêm thắt.
Tôi muốn hỏi anh thân thiết ra sao với Bính và Hứa Phụng, nhưng thấy chưa đủ thân, chỉ cạn cợt bông đùa:
»Đâu phải ai cũng như ông có diễm phúc được con ma nhà họ Hứa ra tay lao động vượt chỉ tiêu đúng tiêu chuẩn xã hội chủ nghĩa.«
»Có hợp đồng làm việc, giờ giấc lương lậu hẳn hoi, không phải chuyện đùa«, Thạo làm mặt nghiêm.
Tôi biết Thạo nói ngoa, không hỏi gì thêm. Tôi chỉ mải miết thắc mắc thầm, cớ sao tất niên năm nay tôi lại trai tơ nhẹ dạ đến nỗi đồng ý tới nhà Thạo, một người vừa gặp mặt lần đầu, ngủ nghê qua đêm? Lời cảnh giác của Bính đêm qua còn vang vẳng trong trí. Không lẽ cảnh tuyết rơi một khuya cuối năm lại tác động thần sầu quỉ khốc lên tâm thức tôi, sai khiến tôi quyết định hoàn toàn trái khuấy bản tính mình? Cũng có thể thần thái cùng cách chuyện vãn của Thạo có ma lực pháp thuật, bắt kẻ yếu phách vía như tôi tuân theo không một lời phản kháng. Diện mạo anh có góc cạnh, cằm mép ửng xanh chân râu cạo kỹ, hiển lộng nam tính. Có điều màu da mặt trắng tái và đôi mắt anh thỉnh thoảng nhàu nhíu mềm mại, bật lên những tương phản, tựa như nét cọ trầm mặc của hoạ sĩ sau giây phút sáng tạo phóng đãng. Gương mặt ấy hiếm thấy ở một người đàn ông đông phương. Dáng vẻ anh gợi nhớ sóng sánh đôi ba gương mặt diễn viên phim ảnh Hương cảng còn sót lại ký ức tôi, thứ ký ức biết gạn lọc cảm xúc. Và oái oăm thay, chỉ giữ lại những ấn tượng không mấy lạc quan.
»Một lần tình cờ tôi đọc được cái truyện ngắn ›Người khách đến muộn‹ của ông. Nó làm tôi xúc động...«
Thạo thốt lời bất ngờ. Tôi bối rối, lục lọi trí nhớ. A, cái truyện được tôi góp nhặt liên tiếp nhiều đêm trong phòng trọ thuở nào. Những cảm hứng quái dị bồ-tùng-linh tới với tôi hằng đêm như tình nhân hẹn sẵn. Căn phòng chật, nghiêng vách dưới mái ngói. Dạo đó tôi có thói quen viết nằm, gối kê chăn đắp ngăn cái lạnh se se khuya khoắt. Chụp đèn cong tay khoả ấm lên mặt giấy dập xoá, dâng trào những ý tình rạo rực, thốc tháo những dòng chữ ấm mực lên giấy.
Tôi chưa kịp nói gì, Thạo đã tiếp lời:
»Không hiểu sao, đêm qua, sau khi đám tiệc chỉ còn lại bọn mình, tôi sực nghĩ tới người khách vì thời tiết thất thường nên đến trễ trong câu chuyện của ông... Cũng là bữa họp mặt tất niên. Chỉ khác ở chỗ, được tổ chức tại một nơi chỉ loe ngoe vài mống đồng hương, gia đình này cách gia đình kia hằng chục hằng trăm cây số. Người khách đến muộn đêm ấy tới dự lần đầu, không ai quen mặt. Cử chỉ và cách ăn mặc của anh ta kỳ quái, không giống ai. Anh ta xin được thắp nhang cúng bàn thờ tổ. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy anh khóc ròng lúc khấn vái…«
Ngón tay tôi bấu lấy mép bàn điểm tâm, ngăn xúc cảm.
»Tiệc tàn, anh còn ngồi nghêu ngao bên mặt bàn ngổn ngang chai bia cạn. Có người thấy tội, lân la tới hỏi chuyện. Anh kể lể, đầu đuôi chẳng ra làm sao. Đoán chừng anh chớm say, một người đề nghị chở anh về nhà. Anh ta ngần ngừ cho biết địa chỉ...«
Trí tôi bật phát quang cảnh toà nhà hai tầng biệt lập trong khuôn viên tịch mịch, nhiều vườn cỏ ngăn nắp và cổ thụ râm mát. Vòng rào đan kẽm gai tua tủa. Chiều xuống, vọng tiếng ai khóc gào chằm chặp, như nỗi thống thiết niềm than vãn u uẩn tỏ bày cùng tường vách u tịch. Đã nhiều lần, từ gian phòng cách ly, tôi lớ ngớ nhìn ra ô kính chấn song sắt. Thời tiết và mùa màng chầm chậm luân chuyển. Một cuối đông, tuyết bất ngờ rơi phất phơ. Cánh cửa tiềm thức tôi bỗng loé rực rãnh sáng một quá khứ thần thoại nào xa lắc. Vang vẳng đâu đấy lời tuyết gọi. Những mảnh vỡ thuỷ tinh cứa ngọt lên não bộ, thịt da tôi bứt rứt. 
Ôi, những giao thừa những nguyên đán những sáng mồng một những bánh pháo đỏ au những chúc tụng mừng tuổi những áo quần thơm lừng vải mới những ...
»Tới nơi mới biết, trời đất, thì ra địa chỉ một viện tâm thần«, Thạo rướn giọng.
 
Tôi bật trào nước mắt thản nhiên. Tôi, không ai ngoài tôi. Người khách đến muộn vào đêm họp mặt tất niên năm nào là tôi, chính tôi từ bệnh viện tâm thần nghe tuyết gọi lẻn ra, tìm tới.
 
(tháng 12. 2006. Nhuận sắc, 01.2018)
 
 
Ngô Nguyên Dũng
Số lần đọc: 1639
Ngày đăng: 20.01.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đời và thiền - Mã Lam
Hai người mẹ - Sâm Thương
Con đường lạ lẫm - Nguyễn Văn Phong.
Nơi ấy, cánh chim bằng có mỏi? - Nguyễn Văn Thượng
Trẻ con không làm ra bi kịch - Thiện Phạm
Kí ức tuổi thơ tôi - Ngưng Thu
Cô dâu xứ Tuyết - Sâm Thương
Ở một nơi không có Tết - Hoàng Nga
Tình yêu và sự hy sinh - Võ Tu Bông
Giả đò ngó lơ - Hoàng Nga