Nam Bộ là một vùng đất nổi tiếng trù phú của cá nước, bởi hai lẽ: bản thân của vùng đất đã sản sinh rất nhiều sản vật, đồng thời đây là vùng đất khai mở muộn màng nên điều kiện tự nhiên vẫn còn thích nghi đối với các loài động vật hoang dã. Mỗi một vùng, miền của Nam bộ thể hiện sự trù phú khác nhau; ví như An Giang thì nổi tiếng cá trắng mùa lũ…còn ở bán đảo Cà Mau, từ rất xa xưa, đã nổi tiếng bởi nguồn lợi cá đồng. Cá đồng ở đây phải kể luôn cả lươn, rùa, rắn, ếch…Nhưng bây giờ cá đồng cũng đã giảm nhiều, do đó tôi xin đặt góc nhìn cách đây 30 năm, có như thế mới phản ánh đúng thực tế cái miền đất trù phú nức tiếng Nam kỳ nầy.
Nhà tôi cả một miền quê của tỉnh Bạc Liêu, ngày xưa khi mưa đầu mùa chụp xuống là người thôn quê vùng bán đảo Cà Mau túa ra đồng đón nhận những sản vật của thiên nhiên. Nhưng đám mưa đầu mùa ấy quê tôi gọi là mùa sa mưa, cái mùa rất kỳ lạ của trời đất. Ông trời giống như một người đàn bà chuyển dạkhó tính, những đám mây màu khói đèn cứ dần qua đảo lại, trời gầm gừ, ở góc trời xa sắm chớp nhì nhằng… và sau đó mới chịu trút xuống đất một cơn mưa đầu mùa lớn đến tối đất. Sau cơn mưa, trời yên ắng lạ thường, ai đốt lửa để khói đốt đồng lừng lửng giữa trời chiều tím thẩm, trông buồn xa xăm, vô cớ. Khi màn đêm chụp xuống, tiếng ếch nhái…nổi lên rộn rã đồng quê. Đó chính là khúc hát đầu mùa của đất, nó như thúc dục, mời gọi người quê ra đồng. Thế là họ mang vỏ, sách đèn ra ruộng soi ếch, soi cá…Nhưng đám mưa đầu mùa giống như một sự phối ngẩu của trời và đất, vạn vật nẩy mầm sinh sôi. Hồi đó ếch nhái nhiều vô kể. Nhái thường ở những vùng đất nhiễm mặn, gọi là đất cỏ. 12 giờ đêm ta sách đèn khí đá đến chỗ vũng mã, đìa lạng hay hố pháo mà soi thì bắt gặp cơ man nào là nhái, giờ đó nhaí bắt cặp, đẻ trứng và "dạn khù" hàng đóng. Ta chỉ còn cách là hốt vào vỏ chứ không thể bắt từng cặp. Bắt một hồi đã quãy không nổi, mùa mưa năm nào nhà tôi cũng gọng mấy mán đầm nhái, ăn không hết phải đỗ bỏ, bán chẳng ai mua. Còn ếch thì ở những vùng đất thuần ngọt. Mùa soi ếch thì đồng quê vui lắm, nhưu mở hội, ánh đèn soi ếch thắp sáng đồng ruộng như một thành phố về đêm. Cách soi ếch phổ biến là đầu hôm bắt cho vào vỏ 2-3 con ếch làm ếch mồi. Sau đó chọn một chỗ có địa hình tốt mà đặc vỏ. Xong, ta cứ mặc tình đi tán gẩu với mấy nàng soi ếch ở cánh đồng bên cạnh, một hai giờ sau về bật đèn lên là đã thấy ếch bắt cặp đầy quanh cái vỏ. Cứ thế ta bắt từng cặp đầy vỏ thì mang về, dễ như đi chợ mua ếch.
Thiên nhiên có những điều kỳ lạ, sáu tháng mùa hạn đổng khô cỏ cháy, tưởng như không có loài gì sống nổi, vậy mà rồi khi mưa đầu mùa chụp xuống, đồng xâm xấp nước là không biết từ đâu có rất nhiều cá lóc, cá rô, cá trê….nhảy long lóc trên đồng để tìm chỗ đẻ trứng. Những con cá mình đầy trứng, dân đi soi cá cứ thế mà nhặt cho vào vỏ. Chỗ nào sâu một tí thì dùng dao chặt cá.Hồi đó cá nhiều lắm, đi soi cá một đêm 5-7 kg là chuyện bình thường. Mà nào chỉ có cá, soi gặp rùa, lươn, rắn… rất thường. Chỗ lươn, rùa, rắn… hay lên nằm chờ kiếm cá là ở các "họng" đìa. Có những con lươn vàng nghệ, nặng hơn một kg, thấy đèn cũng chẳng chịu bò đi, thế là tay soi cá cứ cầm dao mà chặt rồi nhặt vào vỏ.
Bán đảo Cà Mau với sinh thái đặt thù là những vùng đất "cầm thuỷ"như rừng tràm U Minh Cà Mau hay đồng Chó Ngáp Bạc Liêu…Đây là những vùng đất trũng,nước không thoát ra biển Đông được nên gần như ngập úng quanh năm. Chính nó là cái túi của cá đồng. Mùa hạn cá cứ vào đây cư ngụ để chờ mưa xuống mà đi khắp đồng bằng để sinh sôi, nẩy nở. Ở những khu vực nầy cá sống lưu niên, hết năm này đến năm khác nên rất nhiều và to. Có những con cá lóc có râu, nặng 3-4 kg. Bở thế mà nhà dân gian trào phúng Ba Phi đã miêu tả rằng: "mùa hạn, cứ vào khu vực rừng cầm thuỷ U Minh hạ rồi bắt đòn dày từ ghe lên thí là rùa bò xuống đầy ghe". Dĩ nhên đây là chuyện trào phúng rồi, nhưng có một sự thật mà nói ra chắc sẽ có người không tin. Dù ở U Minh Cà Mau, ở đồng Chó Ngáp Bạc Liêu…xưa, vào mùa khô khoảng tháng 2-3 âm lịch thì đánh trâu, kéo cộ vào các con lung trong rừng, trên đồng để tìm ổ cá. Lúc nầy nước đã rút cạn, cá dồn về những cái đìa tự nhiên cư ngụ chờ mưa. Những cái đìa cũng vô số cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, rồi lươn, rùa, rắn…Khi đã gặp đìa rồi thì người ta che chòi giữa rừng để ở vài ngày làm mắm, làm khô, còn cá lớn thì vận chuyển bằng cộ có trâu kéo mấy ngày mới xong. Còn một loại ổ cá khác là mầm sâu trong đất, loại ổ cá này thường nằm ở đồng Chó ngáp Bạc Liêu, trên một con lung, giữa cánh đồng rộng lớn đến 30-40 ngàn ha. Khi con lung bị hạn làm khô nước thì cá khoét vào lòng đất một cái ổ sâu cả mét và dài mấy mét giống như cái hầm bí mật hồi kháng chiến chống Mỹ. Mắt thường không tài nào biết được, dân đi tìm ổ cá loại này thì tai phải thính, ở đâu mà bàn chân mình dẩm lên đất nghe tiếng kèn ột-ẹt…Từ dưới lòng đất dội lên và đất như chuyển động thì ở đó có ổ cá, có khi có người vô tình băng qua vạt đồng chẳng may sụp xuống ổ cá xuýt chết vì cá, rắn đè. Khi khui ổ cá lên thì thấy sình nước lỏng bỏng và cơ man nào là cá và rắn, rùa, lươn. Những con rắn ri voi nặng hơn một ký, những con rùa mai lở lói vì quá to, quá già…Những người đi bắt cá lại phải che chòi giữa đồng để làm mắm và vận chuyển cá về từ từ. Đêm xuống, giữa dồng hoang mênh mông, gió vy vu lùa qua ngọn cỏ, những người bắt cá nổi lửa lên nướng cá, rùa rồi mang rượu đế ra và thế là một tiệc nhậu đầy chất lãng du được dọn lên. Đó cũng là hình ảnh của lưu dân khẩn hoang xưa, một túp liều, một đám lửa giữa đồng hoang mênh mông. Lửa làm ấm người nơi miền đất hoang gió lạnh và rượu làm ấm lòng những nhười một sương hai nắng. Từ đó những món ăn bây giờ trở thành văn hoá ẩm thực của đất phương nam ra đời: cá lóc nướng chui, rùa rang muối, rắn nướng lào…
Khi mưa già một chút, nông dân vùng bán đảo Cà mau xưa bước vào vụ phát cỏ, càu bờ giồng chuẩn bị cấy lúa. Đó là lúc nước trên đồng đã lên láng và sâu đến bụng người, cá thì còn rất non, vậy mà nông dân ở đây vẫn có cách bắt cá đồng kiếm sống. Quá trình khẩn hoang và lao động nông dân đã du nhập về và phát triển những nghề bắt cá như : đặt trúm, đặt lờ, giăng câu, chỉa lươn, thụt lươn…Xứ U Minh là xứ của nghề đặt trúm. Hễ gia đình nào có lao động từ 10 tuổi trở lên là gần như có người làm nghề đặt trúm. Dụng cụ của họ là một ống tre to dài 1,2 m, bên trong có dặt chiếc hom để lươn chui vào mà không thoát ra được. Mồi dụ lươn là cá con băm nhỏ rồi xào lên cho thơm và gói lại như cái bánh dừa bỏ vào đuôi trúm, sau đó họ chống xuồng lên những cánh đồng đầy năn lát, hay gốc rừng tràm đầy dớn choại mà đặt. Sáng hôm sau thì đi dỡ trúm. Có những ống trúm dỡ lên nặng tay, lươn chui chút dầy trúm, dỡ ra là hàng chục con lươn vàng nghệ.
Đi dỡ trúm về tranh thủ ghé mũi xuồng vào lùm dớn, choại bẻ mấy trái dác rồi nhổ mấy cọng bông súng dưới bào… thế là một nồi canh chua lươn dọn ra, ăn đến đổ mồ hôi hột, bởi đó là một món đặc sản U Minh ngon tuyệt trần. Bắt lươn còn có hai cách khác, thứ nhất là thụt lươn: lươn thường sống trong hang sâu, mình mẩy của nó thì trơn tuột, gọng trong khạp bắt còn khó dính vậy mà ở bán đảo Cà Mau có những người thụt lươn rất tài ba. Họ đi theo bờ để tìm hang lươn rồi nhảy ùm xuống kinh mà dùng hai tay thụt vào hang để bắt lươn. Có người cao thủ đến cỡ thảy một con lươn xuống đìa là nhảy ùm xuống mò bắt được. Thứ hai là chỉa lươn: đó là một cây sắt có hai mũi, người đi chĩa tìm trên bờ đìa mà chĩa vào lòng đất, hễ trúng lươn thì chĩa chuyển động, cứ thế mà thọc tay xuống bắt.
Còn nghề cắm câu ở bán đảo Cà Mau thì có thể nói đến một chương sách chưa hết. Mỗi một khu vực có cách cắm câu khác nhau. Ví như vùng Cà Mau hoặc U Minh hạ thì cắm câu "giềng", câu "kiều", còn ở vùng Bạc Liêu thì cắm câu "cắm". Câu "giềng" dùng cho nơi nước sâu lễnh loãng như U Minh; nó là một sợi dây ni lông dài, trên đó cách khoảng một đến hai mét là mắc một lưỡi câu có gắn mồi; còn câu kiều là lưỡi câu mắc vào một đoạn trúc, sậy dài 5 đến 6 cm bởi một sợi dây. Câu kiều dùng cho địa hình của một cách đồng cỏ nhiều. Người đi thả câu kiều chống xuống vào giữa đồng rồi dọn một lỗ trống cỡ chiếc nón lá rồi thả câu xuống. Đặc biệt, là câu kiều rất hay dính lươn. Sáng ra thăm, thấy cái nhành trúc quấn quặn quẹo trong cỏ, ta gỡ lên là một con lươn to bằng cườm tay lủng lẳng. Còn câu cắm là những đoạn tre vuốt nhỏ, trên đầu gắn một sợi dây có mắc lưỡi câu. Cắm cá lóc thì dùng mồi sống như nhái, còn cắm cá trê thì dùng mồi trùn. Tôi có thằng em cô cậu ruột là tay thiện xạ của nghề câu cắm. Mùa nước lụt nó vác 50 cần câu đi là sáng về quảy không nổi. Nó cắm toàn cá trê, mồi bằng trùng. Cứ cắm qua một lượt là trở lại thăm câu từ đầu, lội sáng đêm gỡ cá. Có khi cắm vừa xong là cần câu trước đó cá đã cắn câu quậy nước đùng đùng.
Lại có những xóm chuyên đặt lờ, đặt lợp hay giăng lưới. Họ cũng đi bằng xuồng vào buổi chiều chống xuồng lên, những cánh đồng mênh mông đầy cỏ, hay vào những tán rừng tràm với màu nước đỏ đặc trưng của U Minh. Trên xuồng là dụng cụ săn bắt cá đồng và một con cúi (rơm khô kết lại như kết tóc) đang cháy, tỏa khói ngùn ngụt để xua bầy muỗi của U Minh vốn nhiều như trấu. Lờ là để đặt cá sặc rằn. Khi trời mưa vừa dứt mà đặt ngay họng đìa là dở lên có khi đầy cái lờ cá. Còn lợp là đặt ngầm dưới kênh rạch, sáng ra thăm dở lên cá lóc ta bằng bắp chân và thường khi bắt được rùa.
Rùa còn có một cách săn khác nữa là khi mùa hạn, mấy thanh niên trong làng rủ nhau đi đốt đồng. Trong lúc cỏ cháy rần rật ấy, họ xuống phía dưới gió và dọn một luồng trống rồi đứng đó chờ. Lửa cháy càng gần thì lũ rùa từ trong cỏ chạy lửa lốp ngốp bò ra, có khi một buổi đốt đồng bắt được vài chục con rùa. Mà nào chỉ có rùa, thường xuyên là bắt được rắn, chồn, … và chuột đồng thì vô số kể. Những buổi đốt đồng là vui vô cùng, lửa cháy rần rật, khói lừng lửng giữa đồng mênh mông, tiếng la hét vang dậy. Nông thôn vùng bán đảo Cà Mau có rất nhiều gia đình sống bằng nghề đìa cá. Có những xóm ấp trồng lúa là nghề phụ mà thu nhập chính là nghề đìa. Hồi đó người thưa, đất rộng, mỗi gia đình sở hữu đến hàng trăm công đất. Và họ chọn khu vực đất trũng mà đào đìa. Đìa sâu 2 đến 3m, ngang 5 - 7m và dài tùy thuộc vào đất lớn hay nhỏ. Mỗi gia đình có khi đến 5 -7 miệng đìa. Chẳng cần cho ăn, chăm sóc gì cả, ta chỉ làm một việc đơn giản là cặm chà cho cá trú, thế là khi mùa khô đến, nước trên đồng cạn dần là cá lũ lượt về đìa. Có những cái đìa cá nhiều đến cỡ nhà ai ở gần thì không ngủ được, cá ăn móng như cơm sôi, cá lóc táp "như ma nhát". Vùng Cà Mau thì thu hoạch bằng cách dùng lưới kéo gọi là "chụp đìa", vùng Bạc Liêu thì tát cho khô đìa rồi bắt cá. Hồi ấy mỗi cái đìa tát lên vài ngàn ký cá, mùa tát và chụp đìa từ tháng chạp kéo dần dài ra tháng 2 - 3 âl. Lúc đó xóm làng như mở hội, người ta vạn vần đổi công để bắt cá làm mắm, làm khô. Bán đảo Cà Mau nổi tiếng hơn cả là khô cá sặc bổi, nhưng người Cà Mau có một cách làm khô rất lạ là làm con cá sặc bổi cho sạch rồi trải đều trên bồ lúa, sau đó đổ lúa lên khỏa bằng. Hai tháng sau đem khô ra nướng nhậu với rượu đế là tuyệt vời. Khô phơi kiểu nhờ hơi nóng của lúa làm khô là vừa lạt lại vừa ngon. Thứ khô này chỉ có khách quý mới mang ra đãi.
Trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn kỷ niệm về những mùa gió chướng sòng, đồng khô của hơn 30 năm trước. Trong những đêm trăng vàng trải lên cánh đồng lúa đã vào mùa cong trái me, mấy con " cá rô mề" nhảy lên khỏi mặt nước để đớp những bông lúa nghe rẹt rẹt là bước vào mùa làm hầm ở quê tôi. Mưa dứt, nước biển Đông đã bắt đầu xâm nhập lên ruộng đồng, nước trên đồng đã bắt đầu chuyển sang mặn dần, thế là bầy cá từ những cánh đồng mênh mông kéo về đìa hay những vùng đất cầm thủy mà chúng có thể trú ngụ tránh được nước mặn qua suốt mùa hạn. Lúc này đồng đất như chuyển động, cá táp bùm bụp và quẩy nước ầm ào. Dân quê tôi đón luồng cá sẽ đi qua mà làm hầm cho cá nhảy vào. Đi thăm hầm thật là nôn nao và vui. Sáng tinh mơ, sương giăng mịt mờ trên đồng, bọn trẻ chúng tôi ra thăm hầm cá thấy cá lóc láng miệng hầm còn ở dưới hầm thì cơ man nào là cá lóc, cá rô, cá trê, rùa, lươn, rắn… Mỗi chiếc hầm có khi thu được hàng chục kg cá.
Mùa này cũng là mùa đi bắt cá cạn ở xứ Bạc Liêu. Đất Bạc Liêu vốn cao, mùa hạn nước rút đến khô đồng ta cứ đi trên bờ ruộng nơi nào mà nghe tiếng cá quẩy trên sìn là đến bắt, đó là lũ cá rút về sông, về đìa không kịp, đành phải nằm phơi lưng trên mặt ruộng. Có những mảnh ruộng bắt cá cạn hàng trăm kg, đi bắt thì mệt, đói bụng, thế là chúng tôi ôm rơm, cỏ khô lên nướng cá. Mỗi đứa cầm một con cá lóc nướng to ăn với muối cục thay cơm.
Hơn 300 năm trước lưu dân tứ xứ đến vùng bán đảo Cà Mau lập nghiệp gồm những người rất nghèo khổ. Họ đã đốn tràm, bứt dây choại và chặt lá dựng lên những căn nhà nho nhỏ. Nguồn sống chủ yếu là với một tấm lưới, mấy ống trúm hay một đường câu. Vậy mà rồi thiên nhiên hào phóng ở đây đã giúp họ gây dựng cơ nghiệp nên nhà nên cửa. Theo đó những xóm làng ngày càng đông vui, phồn thịnh ra đời, đó là những địa danh nổi tiếng cá đồng như U Minh, Tân Duyệt, Bàu Hang… và cũng theo đó sự trù phú của vùng đất đã cho ra đời những chợ cá, nghề buôn bán cá, xe đò chở cá đồng lên Sài Gòn tấp nập.
Từ đó nghề cá và sự trù phú của vùng đất góp phần làm cho bán đảo Cà Mau ngày càng phồn thịnh, những khu đô thị Bạc Liêu, Cà Mau mở ra.
Tôi là con dân vùng bán đảo Cà Mau, tôi viết về sự giàu có sản vật đến nức tiếng cả nước của đất đai này trong niềm tự hào xứ sở.