“Tuổi con Chuột (Mậu Tý). Hiên đang sống với Kim ở Mỹ Chánh”. Đó là hai dòng tổng thuật về mình của nhà thơ Lê Ngọc Thuận, người cùng thời và là bạn chí cốt của các nhà thơ Thái Ngọc San, Viêm Tịnh, Nguyễn Miên Thảo đăng ở bìa 4 tập “Thơ Lê Ngọc Thuận” do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành những ngày đầu tháng 5.2008.
"Thơ Lê Ngọc Thuận" ra mắt bạn đọc là kết quả của tấm lòng bạn bè thơ xứ Huế. Như một cuộc tình cờ, do sự khích lệ, hối thúc từ phía bằng hữu đã gần như buộc Lê Ngọc Thuận phải ở vào tư thế chẳng đặng đừng. Anh không thể không gom thơ mình để in thành tập. Chẳng đặng đừng, bởi ngay từ đầu anh đã quan niệm Thơ tôi làm như tôi thở/ riêng rẽ cho tôi/ em có thể đọc vô tình và vứt bỏ/ hay gói tiêu gói ớt/ chẳng sao đâu…Tôi là thơ không phải để trở thành thi sĩ/ hoặc tìm kiếm chút hư danh ngớ ngẩn./ Tôi làm thơ bởi có em sinh ra trong đời/ giản dị như thế…Tôi làm thơ và không làm thơ/ chẳng có gì khác biệt…
Qua anh Thái Ngọc San, tôi được biết nhà thơ Lê Ngọc Thuận có một cuộc sống phong phú hay nói đúng hơn là phong trần. Chìm nổi. Buồn vui. Long đong. Lận đận. Ngang tàng. Khinh khoái…là những từ ngữ không hề thiếu trong vốn sống anh. Nhưng điều mà trong giới văn nghệ Huế thường quý mến trân trọng khi nghĩ về anh là cái chất nghĩa khí ở nơi anh. Là sống hết mình vì người khác. Với bạn bè. Là sống tới nơi, chơi tới bến cho những gì anh đã đắm say, chí thú. Chính vì thế khi đọc thơ Lê Ngọc Thuận, người yêu thơ có dịp tiếp cận được nhiều điều trong từng câu chữ. Từ một cõi ta bà bụi bặm, rượu say tràn cung mây đến cõi mộng du ngất trời. Từ chàng cao bồi làng, gã thất phu Mỹ Chánh đến kẻ ngu tình… Dường như những ba động, biến thiên xã hội; những vai đời anh nhập, trải nghiệm anh đều ươm trọn trong thơ có khi trữ tình, hào hoa, có khi bi tráng hay đôi lúc thoáng chút ngậm ngùi, khắc khoải dằn vặt về cuộc sống, về số phận, về hạnh phúc của mình, của người.
Đồng cảm với thơ anh, ngẫm nghĩ về những gì anh gửi gắm vào thơ, nhưng dễ gì tôi đã hiểu sâu sắc, hiểu hết ngọn nguồn sáng tạo tâm đắc của riêng anh. Chỉ biết lúc cầm tập thơ anh tôi nghĩ mình sẽ viết một cảm nhận gì đó thật chân tình. Viết để mừng một giọng thơ từ lâu tàng ẩn lặng thầm nay chợt nở lên thành đóa. Trong những ngày tháng năm Huế trở giông đầu mùa nhìn hình ảnh một Viêm Tịnh chở một Lê Ngọc Thuận “chuyển thơ” trao tận tay bằng hữu tôi không khỏi thầm vui. Thơ vẫn được trang trọng lấp lánh giữa đời thường muôn mặt muôn màu. Và tập "Thơ Lê Ngọc Thuận" về giữa Huế chưa hẳn là điều hiếm muộn. Sau những tháng năm dài “bóng khói” mừng người và thơ nay đã về cùng Hương Giang như anh đã từng một lần “cạn chén vô ưu” trong “thú đau thương” rồi hẹn
Và khi đó hãy quay đầu ngó lại
Em sẽ thấy ta bên bờ sông Hương
Huế, 8. 5.2008
THƠ LÊ NGỌC THUẬN
BÓNG
Tóc hoàng hôn, mộng xế chiều
Mắc chi ta lại không liều một phen
Yêu em như yêu bóng đêm
Ôm em như chắm mắm nêm với cà
Suy cho cùng ta là ta
Thiền sư cởi áo vẫn là đàn ông
ĐÊM NGỰ HÀ
Người đàn ông mặc đồ đen gảy đàn
những sợi dây rung lên có mùi sát khí
đêm Ngự Hà thăm thẳm cơn say
mái tóc của người tình Công Ngọc
không giống màu cà phê
ta như cây khế già đã chìm trong quá khứ
Chiếc bàn ba chân
những tiếng thì thầm buồn tẻ
năm tháng không còn
trong ngõ hẻm
ngựa xích thố không bằng con chó nhỏ
thóc cổ gà
kiếm Ỷ Thiên nào sánh ngọn dao cau
ta chợt thấy mình lảm nhảm
đồ tiêu hành
ta chửi ta và nhớ em da diết
Đêm Ngự Hà khuya khoắt
em đâu đó trong thành phố này
nhớ hay quên
không phải vấn đề của người chết
ta nhủ thầm
mai quay về Mỹ Chánh
rượu nơi đây
cũng trắng như mưa xưa
sẽ nâng ly
dù chẳng còn em chạm cốc
KHÔNG PHẢI LÀ KẺ SĨ
Kẻ sĩ chết đứng
ta không phải là kẻ sĩ
nên lang thang chưa hết đời này
đi lạc lên đỉnh tình sầu
hóa thành mê u trơ trụi quay về giữa chốn thị phi
quên mất ngày sinh tháng đẻ
bạn bè ba vạn đã nửa
nào Viêm nào Thái
nào Thảo nào Từ
nào Miên nào Nguyễn
sóng sánh chất men
mà buồn vui ngang hàng thượng đế
cạn chén này
ta một mình
không long chầu hổ phục
và em
biền biệt tăm hơi
nỗi buồn như manh chiếu rách
có chi mà ngậm ngùi lãng mạn
có chi mà co quắp cô đơn
người đàn bà vẫn trong khu vườn đó
người đàn ông vẫn chết trong từng ly
rượu vẫn là thức chay
nhưng lòng người quá mặn
thổ thần đất đai
tháng hai cúng quảy
nhớ em chua chát
ta lảm nhảm xin trời thôi mưa
xin gió lên cho tóc Quế rung rinh đôi sợi
sợi thắt dài nịt tim ta
sợi ngắn đâm xuyên gan lủng phổi
dù thế nào thì hạ cũng đến
phượng vẫn nở màu cũ
những cánh ve vẫn vỗ âm xưa
và ta
vẫn yêu em chìm nghỉm
người thiếu phụ trong tử cấm thành lặng lẽ
NHỚ SAN
Có lẽ bên kia mày vẫn say
Vẫn ngồi ngủ tỉnh giữa ban ngày
Vẫn nâng ly rượu không hề tiếc
Vẫn cạn cả đời không mảy may
Mày cứ coi trời như đất
Thích thì bước đi không quay về
Mầy cư coi tình như rượu
Vơi chén này rót đầy chén kia
Mày đã say vô cùng lặng lẽ
Rượu hiểu mày như gió với mây
Heo vàng hiển hiện năm cùng tuổi
Lục thập khói hương mờ bay bay
Ai nhớ ai quên, mầy đâu cần
Bạn bè mấy đứa buồn lâm râm
Lẻ loi phố chợ mình tao uống
Lảng đảng hồ đồ rượu mù câm
Tháng sáu bây chừ nắng rát da
Sông Hương nhan sắc vẫn mặn mà
Có con chim hót không thành tiếng
Nhỏ giọt mưa xuống cõi tình xa
TẤY TÍA
Hảo hán gì nơi ta
30 năm trôi qua
Chưa một lần thắp nến
Cho ngày Kim sinh ra
Ta thật là trơ trẽn
Sống như gã lưu manh
Chân còn sao bó gối
Để tóc phai đoạn đành
Nợ áo cơm hai vai
Em mọc gai cột sống
Ta vẫn cứ ngồi không
Máu chảy vòng tội nghiệp
Dăm ba cũ tấy tía
Làm thuốc chữa ưu phiền
Mong bào mòn được mộng
Cho lưng em bình yên
Ta ngồi đây ngẫm nghĩ
Ngẫm nghĩ rồi ngồi đây
Không ngây cũng không dại
Sao ta lại thế nầy
Môi em như Bồ Tát
Nghiệt ngã vẫn tươi cười
Ta dọn mình thấy cả
Một đống rác trong người
Nam Mô A Di Đà
Tấy tía và đời ta
(Trích THƠ LÊ NGỌC THUẬN, NXB Thuận Hóa, Huế - 2008)