Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
598
122.646.772
 
Cám ơn dịch giả của tôi : Yves Bonnefoy gửi Huỳnh Phan Anh
Yves Bonnefoy

Sự dũng cảm của những người dịch thơ quả lớn lao. Văn bản dưới mắt họ có thể như chỉ bao gồm những yếu tố thoát khỏi quyền năng của họ. Một phần do những cấu trúc riêng của một ngôn ngữ, từ vựng và cú pháp. Ngoài từ vựng khoa học, không một từ nào của tiếng Pháp hoàn toàn có cùng ý nghĩa lẫn nghĩa mở rộng với bất luận từ nào trong một tiếng nói nào khác. Và trong việc đối chiếu các ý tưởng, có nhiều cách để thể hiện chúng trong câu nói vốn cũng chỉ thuộc về một ngôn ngữ đặc biệt mặc dù tính phổ biến giả định của những nguyên tắc luận lý: Ngoài điều đó, từ vựng và cú pháp nói ở đây vẫn được các nhà thơ sử dụng đối với một sự tự do và một sự táo bạo biến lời nói họ thành một cái gì không thể thu gọn vào một sự chuyển vị đơn giản bằng một ý nghĩa mà người ta hẳn đã tìm ra được do những hình ảnh của nó, do hoạt động kiên trì của nó giữa âm thanh và ý nghĩa văn bản thi ca còn hơn một ý nghĩa được xác định nhiều, người ta có thể xem nó như một mạng lưới những gợi ý mà người đọc được quyền giải thích nếu không nói là hoàn toàn tự do, ít ra bắt đầu từ chính mình và chính sự đa dạng này trong những đề nghị của một bài thơ mà người dịch thường cảm thấy mình buộc lòng phải hy sinh.

 

Nhưng không phải vì thế mà tôi nghĩ việc dịch thơ là điều bất khả hoặc thậm chí một sự tước đoạt đối với những ai thử làm công việc đó. Quả thật thơ không chủ yếu là bảng tường trình một tư tưởng hoặc câu chuyện kể và một biến cố, điều có thể nhốt kín ở bệnh viện. Nó trước tiên là ký ức, trong những từ đang bày tỏ hoặc kể lể, về một cường độ, một sự sung mãn của kinh nghiệm thế giới mà lời nói thông thường vẫn giảm thiểu hoặc làm cho người ta quên đi. Và bằng những con đường riêng của mình, người dịch có thể tìm là được cường độ đó, sự sung mãn đó, liên quan đến những sự kiện hoặc những điều mà bài thơ anh dịch gợi ra. Điều anh cần làm đơn giản là nhìn về cùng một hướng với nhà thơ mà anh đã chọn và do đó anh hoàn toàn có khả năng hiểu được. Giờ đây, anh phải thấy bằng cái nhìn của nhà thơ, anh phải cảm nhận niềm vui hoặc nỗi đau của nhà thơ. Và đúng là anh phải xem xét chi tiết của bản văn. Nhưng đó là để trước tiên hiểu rõ hơn những khát vọng đó, những niềm vui đó, những nỗi đau đó trong những gì chúng vốn có, chủ yếu: căn cứ của bài thơ, suối nguồn mãi mãi trào tuôn của nó, hơn là dáng vẻ nào đó mà cuối cùng bản văn khoác lên. Sự trung thực đích thực là chuyện cảm tình, trực giác được san sẻ, đó không phải là mô phỏng bề mặt một lời nói.

 

Tôi xin nói thêm. Khi nhìn bằng con mắt một nhà thơ đang hướng về những tình huống của cuộc tồn sinh hoặc những phương diện của thực tại mà người ta không biết tới trong nhiều bản văn của văn xuôi, người dịch chỉ có thể nhận ra rằng trong chiều sâu kinh nghiệm của chính anh vẫn có những tình huống và những xúc động gần như cùng bản chất cho dù chúng có thể được che giấu trong ngôn ngữ của riêng anh bởi những từ và những bận tâm của cuộc sống hằng ngày. Và anh cũng nhận ra rằng để hiểu những tình cảm đó, để suy ngẫm về những sự kiện đó của cuộc đời, anh có thể tìm lại được trong ngôn ngữ của anh – bằng những cách sử dụng thông thường, lần này trên bình diện một tri thức nhẹ phần khái niệm hơn tượng trưng, nhẹ phần phân tích hơn trực giác trực tiếp – những phạm trù tư tưởng rất đỗi giống những phạm trù mà việc đọc của anh cho phép anh thừa nhận và biến thành của anh. Đó là cả một mức độ nặng tính nội tại hơn của tri thức về thế giới và về bản thân mà nhân công việc dịch anh đón bắt được nơi bản thân anh đồng thời trong ngôn ngữ của anh và trong nền văn hóa của anh. Và như thế điều có vẻ khó dịch nhờ đó mà trở thành dễ hiểu: chỉ cần người dịch, đến lượt mình đã trở thành nhà thơ, bước xuống chiều sâu mối tương quan của mình với bản thân, và ở đây anh có thể khởi sự đều, trong trường hợp này, sẽ là một cuộc đối thoại đích thực với nhà thơ mà anh yêu mến và muốn làm sống lại trong một xã hội xa lạ. Nếu những nền văn minh đều dịch biệt bởi những hình thức hời hợt của mối tương quan giữa con người với xã hội và thế giới, chúng ta có đủ lý do để nghĩ rằng trong những sự kiện quan yếu của thân phận con người, chúng chia sẻ cùng những kinh nghiệm và tiếp xúc với cùng một thứ chân lý. Và chính công việc dịch làm lộ rõ sự kiện chắc hẳn là nền tảng này.

 

Rốt lại, việc dịch thơ nhận ra và làm nổi bật tính thống nhất của thân phận con người. Từ đó chính nó góp phần mãnh liệt nhất và sự hiểu biết qua lại giữa các nền văn hóa và vào tình hữu nghị mang chúng lại gần nhau mặc dù những ngộ nhận và những va chạm mà những lịch sử, bất hạnh thay, đã quá quen thuộc.

 

Và vì thế mà tôi rất biết ơn Huỳnh Phan Anh đã thực hiện và tốt công việc chuyển vị sang Việt ngữ những bài thơ của tôi vốn thường khi khá tĩnh lược. Tôi nghĩ, vượt ngoài một tác phẩm đặc thù, chính anh đang làm công việc kéo gần lại hai nền văn minh vĩ đại. Và điều đó, giữa lúc việc giới thiệu càng có ích hơn khi vấn đề trọng đại của thế kỷ tới, theo sự xác tính của tôi, sẽ là bắt một nhịp cầu giữa phương Đông và phương Tây vốn thừa kế những truyền thống tư tưởng có thể bổ sung cho nhau, để đàn ông và phụ nữ trong tương lai học được cách chế ngự những cơn điên kỹ thuật, mở lại mắt trước những điều hiển nhiên của thế giới tự nhiên và của cuộc sống giản dị, mong muốn sự khôn ngoan ngang bằng nếu không vượt trội khoa học.

 

     (Huỳnh Phan Anh dịch)

Yves Bonnefoy
Số lần đọc: 2808
Ngày đăng: 24.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trường đại học của tôi (*) - Một tác phẩm thành công tiềm ẩn - Hồng Nhu
Nguyễn Du với Từ Hải trong Truyện Kiều - Đoàn Hữu Hậu
Triệu Xuân Lấp lánh tình đời - Hoài Anh
Đọc Chuyện tình một đêm: Người phụ nữ giữa dòng xoáy cuộc đời - Tường Vy
Sách văn học có cần PR? - Mễ Thành Thuận
Số Mạng sứ Mạng chữ trên mạng - Vũ Trọng Quang
Trần Thanh Địch và bốn anh em vượt tuyến - Nguyễn Quỳnh
Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng (14/10/1988 – 14/10/2003) - Nguyễn Thành Nhân
Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007 - Nguyễn Đại Phượng
Tác giả Người mẹ Bàn Cờ bây giờ ra sao? - Trần Hoàng Nhân