lê minh một ngày thu
thức dậy
con thiêu thân
nằm hơ
chết
trên phím pa-so-kon
(cách gọi tắt của “personal computer”, theo kiểu của người xứ Phù Tang)
thiêu thân
từ đâu
dạt vào
nằm hơ
rồi chết, không hay
một thiêu thân
chỉ
một thiêu thân chết
mà bao điều mông
lung
giữa lê minh
nhớ
bên cửa sổ
nhà mẹ cha
đã cho những con dòi nhúc trong rãnh nước
ăn
muối vừng
bên cửa sổ
kí túc xá
đã cho những dòi như thế
ăn
muối vừng
đã cho những dòi như thế
ăn
muối vừng
bên rãnh nước
xứ Phù Tang
ngày nhỏ
vụt nghĩ: mời chúng ăn thứ mình thích ăn
(không phải đồ xa xỉ, nhưng một thời, vừng/lạc cũng không sẵn, “cơm trắng muối vừng” đã là một dạng tựa như “đặc sản”)
trong sân trường
thoáng hiểu:
chính
những bạn dòi
trong rãnh nước ngày xưa
ở xứ Phù Tang
ai gọi
từ rãnh nước trong đêm
“bạn ơi, tôi đã sang”
dòi ở bất cứ đâu
trong rãnh nước thế gian
đều là dòi
không nghi ngờ
mỗi chúng ta là
một dòi
trong rãnh nước vũ trụ
(lấy từ ý của Thích Ca: chó, bọ, sâu, ruồi, đều có Phật tính)
những thơ/thư được viết
bởi
những dòi
thoát thai từ rãnh nước
nói tiếng người
và
biết soạn chữ bằng pa-so-kon
có những dòi khác
nói tiếng người
và chưa từng biết pa-so-kon
(xin làm người đi đường kể chuyện: chẳng phải chỉ ở miền sơn cước Mù Căng Chải, hay vạn chài bên Biển Hồ xứ Chùa Tháp,mà, cả những nơi như London hay Tokyo vẫn có người mù chữ)
tất cả: bằng tay người, dòi có thể viết thơ
ươm cây
cày ruộng
đứng máy
(ca dao có tác giả: “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”)
và
cả
thánh chiến – như Bush, bố con, và Osama bin Laden
từ rãnh nước đêm thu
vọng lên:
nếu người, như Osama, biết cho người,như Bush, ăn muối vừng, hay ngược lại,
hoặc,
thiết thực hơn,
nếu người, như các tướng ấy, cùng biết
ngắm dòi trong rãnh nước thế gian
(lời của dòi trong rãnh nước, giữa hoàng thành Thăng Long*, hay bất cứ nơi đâu)
Tokyo, 9-2006
-----------------------------------------------------------------
* Những cái giếng hay rãnh nước trong hoàng thành Thăng Long ― được bất ngờ tìm thấy (các chuyên gia nghiên cứu Hà Nội, mà quen gọi là “các nhà Hà Nội học”, từng ao ước, chờ đợi bao năm) ― đang được chúng ta cẩn thận khai quật và bảo lưu, như với những cái đó (giếng hay rãnh nước) mà thế giới phát hiện trong thành quách cổ trung đại, tỉ dụ của nền văn minh Hi - La, hay của nền văn minh Đường - Tống. Bên cạnh những mâm vàng chén ngọc, đầu đao mảnh đĩa, hẳn giới khảo cổ còn tìm thấy sinh vật, hóa thạch sinh vật của hàng trăm/ngàn năm trước, như những dế mèn, hay cả những dòi, bọ, cung quăng.
Cuối mùa thu năm trước, cùng với ông bạn lớn tuổi mê khảo cổ xứ Phù Tang, tới xem mộ cổ vừa được khai quật. Mọi người kháo nhau: là của nữ hoàng tiểu quốc Ito – một nước trung gian trên đường đoàn sứ Tàu từ vùng Đái Phương bán đảo Triều Tiên đến kinh đô đại vương người Nỏa (người Nhật Bản ngày nay; hành trình này được ghi lại thành “Nỏa nhân truyện” trong bộ “Ngụy chí” hoàn thành vào thế kỉ thứ 3 scn; cũng có ý kiến ngờ rằng phần ghi chép ấy thuộc dạng ngụy thư). Tin loan nhanh khắp thị trấn. Ông bạn náo nức, gọi điện liên hồi, mang xe đón tận nhà. Đến nơi, giật mình, hóa ra: một cái rãnh vừa được phát hiện! Chỉ một! Nhà báo xúm đông. Dân mê khảo cổ còn đông gấp mấy (avq).