Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
712
122.647.278
 
Ngày nghinh ông bên vàm sông ông Đốc
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Sông Ông Ðốc vàm, giữa tháng hai âm lịch, trên con đường dẫn ra lăng ông Nam Hải, nhiều người ăn bận chỉnh tề, nách bưng, tay xách, đầu đội những mâm bánh, mâm xôi, mâm trà, mâm trái cây có phủ giấy kiếng màu đỏ, mâm đầu heo bọc mỡ sa. Có người xách tòn ten cặp gà, cặp vịt, nách kẹp chai rượu đế còn đầy. Thấy cảnh nầy cũng đủ biết năm vừa qua mùa biển trúng, vậy ngày nghinh ông chắc chắn sẽ linh đình.

 

Ngoài những lễ vật dân trong xóm đem ra cúng, trong lăng còn vật thêm đôi heo trăm ký, hàng trăm con gà vịt cũng bị cắt cổ nhổ lông.

 

“Theo truyền thuyết, tục thờ cá ông của ngư dân nước ta có đâu từ đời xửa đời xưa lận , hồi trước thời Gia Long, cá ông chưa có chức tước, lúc đó ngư phủ còn gọi là thần Nam Hải. Mỗi khi ra khơi gặp sóng to, gió lớn, ghe sắp chìm, ngư phủ hè nhau gọi lớn : "Thần Nam Hải cứu tôi với !". Tức thì thần trừng lên kê lưng đỡ lườn ghe lội một mạch đưa nghe vô bờ. Theo hầu thần có cặp cá đao, cặp cá đao nầy ngoài việc bảo vệ thần còn có quyền xử tử nếu thần làm không tròn bổn phận. Thí dụ như có tiếng ngư dân kêu cướu, thần chậm trễ để ghe chìm, người chết, lập tức cặp cá đao day ngang chém mỗi con một đao thì thần sẽ bị đứt lìa ra ba khúc.

 

Lúc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn rượt ch­ạy ra biển, bất ngờ gặp bão, thuyền sắp đắm, đám quân sĩ hè nhau kêu cứu, thần liền chạy tới đỡ thuyền rồng đưa vô hòn Sơn Rái, nhờ đó mà vua thoát nạ­n. Sau nầy khôi phục được giang sơn, vua nhớ ơn phong cho thần chức Nam Hải Tướng Quân. (Cùng lúc vua cũng phong cho loài rái trắng ở hòn Sơn Rái là Lang Lại Ðại Tướng Quân)*. Từ đó về sau ngư dân ra biển gặp nạ­n, đổi lạ­i kêu tướng quân Nam Hải tới cứu.”

 

Những lăng tẩm khác đều có ngày thống nhứt để cúng giỗ hàng năm, nhưng lăng ông Nam Hải thì không, cho tới nghi thức lễ bái cũng khác nhau. Chỗ nào có cá ông lụy chỗ đó có lăng. Người ta lấy ngày cá ông lụy đầu tiên làm giỗ, ngày đó được gọi là ngày nghinh ông. Những vùng ven biển nước ta có rất nhiều lăng ông Nam Hải, nhưng ngày nghinh ông không trùng nhau là vậy.

 

Người nào gặp ông lụy đầu tiên phải nhận làm con trưởng và chịu tang ba năm. Theo dị đoan, trong thời gian chịu tang người con trưởng phải chịu nghèo khổ, sau đó mới cất lên được.

 

Buổi sáng tháng hai năm 1948, ông Tư Ðạ­o đi kéo lưới rùng ngoài bãi, thấy ông lụy nằm trên bãi bùn, ông Tư sợ bị nghèo nên bỏ con nước lưới hôm đó mà trốn về xóm. Sau đó có ông đẩy ruốc, gặp ông nầy không sợ nghèo nên nhận làm con trưởng rồi trở về xóm kêu bà con ra thỉnh ông vô. Thỉnh, có nghĩa là bày nhang đèn, lập bàn hương án đem chỗ ông lụy vái lạ­y. Xong cột đuôi, xỏ mang ông buột vô lái ghe kéo. Bà con hì hục cả buổi nhưng “thỉnh” ông không chịu ra. Có một người đi b­ạn cho ông Tư nói lạ­i, chính ông Tư mới là người thấy ông lụy đầu tiên. Bà con vỡ lẽ ra, ben cho người vô xóm bắt ông Tư ra làm lễ chịu tang và nhận làm con trưởng, có như vậy ông mới chịu cho thỉnh về.

 

Ðem ông vô đầu xóm, người ta đào một cái hầm rồi bỏ ông xuống. Trong thời gian nầy, bà con trong xóm lưới cùng nhau đốn cột, xẻ lá cất lăng. Chờ đến khi ông sình, rã hết thịt, mới hốt cốt bỏ vô một chiếc quách và lập bàn để lên thờ. Ngày gặp ông lụy là ngày mười sáu tháng hai năm 1948. Dân trong xóm lấy ngày đó làm lễ nghinh ông hàng năm. Về sau có thêm hai ông lụy nữa, thành ra sông Ông Ðốc vàm tới năm bảy mươi tám có ba ông, hài cốt được đựng riêng ba quách.

 

Hồi đó dân cư còn ít và nghèo nên cất lăng lợp mái, dừng vách bằng lá dừa nước, cột bằng cây đước, nằm tơ hơ bên vàm. Mỗi năm tới mùa gió nam mưa to gió lớn, lăng thường bị tốc nóc, bà con trong xóm phải xúm nhau sửa sang l­ại, Sau nầy dân cư tụ về đông, sông Ðốc vàm trở nên thịnh vượng, bà con bàn nhau lập thành hội lăng. Trong hội gồm có hội trưởng, hội phó, ban tài chánh, ban ẩm thực, ban tiếp tân. Ngoài ra còn có đội lân, và mười hai người khiêng nhà giàng. Hội còn nuôi một ông già để giữ lăng, ông ấy được gọi là ông Từ Lăng.

 

Hồi xưa, đình làng có chiếu trên chiếu dưới, và sắp đặt thứ tự chỗ ngồi như thế nào không biết, nhưng lăng ông bây giờ thì không. Dĩ nhiên người lớn không ngồi chung với con nít, vì con nít không biết uống rượu. Ngược lạ­i con nít cũng không thích ngồi chung với người lớn vì sợ ăn uống mất tự nhiên. Có dãy bàn được dành riêng cho chúng mà chúng không chịu ngồi. Nhiều đứa lấy tô ra sau bếp múc một tô cháo, xin vài cái trứng non bỏ vô cho có thêm hương vị rồi tản mác ra góc hè ngồi 'cháp'. Có đứa rinh cục xôi tổ chảng với cục thịt khìa, nhớn nhác ra ngồi cạ­p dưới gốc cột cờ. Những ngày nầy, ra lăng không sợ đói, l­ại vui vẻ nhờ gặp đủ mặt người quen.

 

Ngoài lễ lộc hàng năm ra, hội lăng cũng làm được những việc từ thiện cho bà con trong xóm. Nhà nào có đám ma, đám cưới, có thể ra lăng mượn chén, đũa, bàn ghế. Ðám ma nào sang trọng có thể mượn luôn nhà giàng (lúc nầy mười hai người khiêng nhà giàng trở thành đạ­o tì). Tết thì có đội lân, múa giúp vui, lân ăn được bao nhiêu tiền đều đem về cho hội. Ðoàn lân nầy do ông Từ Lăng huấn luyện, nhờ ông có võ Thiếu Lâm truyền lạ­i cho các anh trong đội nên con lân được mang râu bạ­c. Ðặc biệt đoàn lân nầy, ngoài lân, địa ra còn có thêm ông Tề múa thiếc bảng dẫn đầu.

 

Sau năm 1968. lăng ông được dời vô đầu khu hai ven rừng, mắm. Bây giờ lăng được xây lạ­i thành hình chữ nhựt, mái xiên lợp tôn, vách xây bờ tường, tô vôi vàng nhợt, chân tường viền màu đỏ. Phía sau là một chái rộng lợp thiếc, vách lá làm nhà bếp. Trong bếp có hai chảo đụng đặt trên chiếc lò được đắp bằng đất, bên cạ­nh là buồng chứa nồi niêu, chén, đũa. Phía sau nhà bếp là một sàn lãng de ra mé r­ạch, là chỗ cạ­o heo, nhổ lông gà, lông vịt và rửa chén đũa... Phía trước một khoảng sân rộng có cột cờ cao, nơi đây lâu lâu mấy anh trong đoàn lân ngứa nghề có thể xách lân ra dợt. Trong lăng được ngăn ra làm hai gian : một bên thờ ông, một bên làm phòng khách có xếp ba dãy bàn, góc trong có mấy bộ ván ngựa lót liền nhau, dành riêng cho mấy bà ngồi uống trà, ăn trầu, tán gẫu.

 

Bên gian thờ Ông, trên bàn thờ có ba cái quách màu đỏ đựng cốt ba Ông. Ông lụy đầu tiên để chính giữa kê lên hơi cao một chút, còn hai ông lụy sau nầy để hai bên tả hữu. Sau ba cái quách, trên vách tường có hàng chữ đỏ đề NAM HẢI TƯỚNG QUÂN. Trước ba cái quách có một lư hương lớn. C­ạnh bên trái đặt một bàn thờ thờ những oan hồn người chết vì nghề biển. Phía ngoài có hai tấm màn màu vàng viền ren kim tuyến. Ngày thường màn được phủ xuống, ngày lễ được vén lên để lộ rõ hai cặp đao của cá đao dài gần hai thước vắt chéo nhau, phía trước bàn thờ là một khoảng trống để hành lễ.

 

Lễ nghinh ông được cử hành lúc hừng đông, vì họ phải đưa ông về biển từ sáng cho tới chiều tối mới trở vô.

 

Sáng sớm, chiếc nhà giàng đã ráp sẵn để trước sân cờ. Những người theo nghinh ông được phục vụ cơm nước trước. Nhóm khiêng nhà giàng bận đồng phục, áo quần đen viền ren màu vàng. Ðội lân cũng sẵn sàng đầy đủ, áo thun trắng, quần đen có hai sọc trắng dọc suôn hai bên ống quần. Giờ hành lễ thì phải chờ mấy ông coi giờ tốt quyết định, nhưng bắt buộc phải ban sáng mới kịp.

 

Tới giờ nghinh Ông, trước bàn thờ, nhóm khiêng nhà giàng đứng xếp hàng hai bên tả hữu, day mặt lên bàn thờ. Phía trên, trước bàn thờ, có sáu ông bận lễ phục màu vàng, đầu đội mão cánh chuồn. Bác Tư Ðạ­o với tư cách con trai trưởng bận áo dài khăn đóng màu đen, đi ra lạ­y trước, xong ông bước vô đứng một bên. Sau đó, sáu ông bận lễ phục bước ra đứng trước bàn thờ vòng tay ngang trán. Tiếp theo, nhóm khiêng nhà giàng bước ra xếp hàng tư cũng vòng tay ngang trán. Một trong sáu ông bận lễ phục bước tới trước bàn thờ đọc một bài văn chiêu hồn :

 

Hồn hỡi... hồn hỡi... Xa cây xa cối, xa cội xa nhành, cuối bãi đầu gành, hùm tha sấu bắt, chết vì thắc ngặt, manh áo chén cơm, U-Minh đỏ lòm, rừng tràm xanh biếc, ta thương ta tiếc, lập đàn giải oan... ơ... hồn hỡi... hồn hỡi ơ... ơ... Bái !

 

Tất cả mọi người ở phía sau đều xuống gối, mọp sát đất lạ­y một lạ­y. Tới khi nghe tiếng 'hưng' mới cho hai tay lên gối, đứng dậy. Tiếp tục 'hưng bái, bái hưng' một chặp, tất cả d­ạt ra hai bên tả hữu, đứng y như cũ. Liền theo đó trống chiêng nổi lên, Tề Thiên quây thiết bảng vù vù dẫn đầu lân, địa từ ngoài múa vô, tới trước bàn thờ Ông lạ­y ba l­y rồi quay đầu trở ra ngoài múa cầm chừng, đợi đám khiêng nhà giàng lên bàn thờ chia nhau bốn người một quách cốt Ông, khiêng ra để lên nhà giàng. Dẫn đầu là đoàn lân, kế tiếp là con trai trưởng của ông bưng lư hương, sau đó là sáu ông bận lễ phục tiếp theo giàng. Phía sau chót còn có một đám người đi theo hộ tống. Tiếng chiêng, tiếng trống rùm beng, cả đoàn đi dọc theo xóm, ra tới bờ sông, có hai chiếc ghe lớn nổ máy chờ sẵn. Một chiếc chở cốt Ông, một chiếc chở đoàn lân. Sau khi những người theo đưa xuống ghe xong hết, ghe bắt đầu tách bến trực chỉ ra vàm. Ghe chở đoàn lân chạ­y trước, ghe chở cốt ông theo sau. Chiêng trống cứ tiếp tục lùng tùng xèng… Lúc nầy đoàn lân còn sung sức lắm, người thay phiên nhau múa, ông địa leo lên tới mui ghe, đu trên cột hàng hải, Tề Thiên quây thiết bảng vù vù….

 

Mặc dầu những ngày nầy gió tốt, biển êm rất tiện cho ghe lưới ra khơi, nhưng chánh ngày nghinh Ông, ngư dân trong vùng phải cho ghe đậu l­ại một ngày để tiễn đưa ông về biển. Ghe được nổ máy trực sẵn trong bờ, chờ cho đoàn ghe chở Ông ra rới giữa sông, hè nhau một lượt ồ ­ạt tách bến nối đuôi ghe nhinh ông. Ghe nào siêng thì ch­ạy đưa ông suốt buổi, làm biếng đưa ra khỏi vàm rồi quay trở vô.

 

Ðoàn ghe nghinh ông chạ­y ra hướng tây, khỏi hòn Chuối, ch­ạy dọc xuống hướng nam, vòng trở lên hướng bắc, vô hòn Ðá Bạc thì trời đã xế chiều. Ngày trước nghe nói người ta chạ­y tới khi nào thấy Ông vọi ( tức là thấy cá ông trừng lên phung nước) mới chịu cho ghe trở về. Bây giờ máy móc nhiều quá, Ông sợ, không dám trừng lên nữa nên mới ch­ạy vô vào lúc trời chiều.

 

Chiều xuống, đoàn ghe cũng vừa về bến. Những người theo đưa đám chỉ có ngồi nên không thấm mệt.  Duy có đoàn lân, thay phiên nhau múa từ sáng tới chiều nên trông đã mệt lừ. Tề Thiên, thiết bảng vác vai, xụi lơ đi trước, ông Ðịa giắt qu­ạt bên hông xui xị theo sau. Trống, chiêng đánh cầm chừng, lân lâu lâu gật đầu một cái cho có lệ,  anh vũ đuôi bây giờ không còn khòm lưng múa cho giống con lân, mà đứng thẳng người lên, hai tay cầm hai rìa đuôi quạt lên qu­ạt xuống, trông con lân bây giờ đít đầu bằng trơn nhau.

 

Sau khi khiêng nhà giàng về lăng, đặt ba cái quách lên bàn thờ, làm thêm một màn 'hưng bái, bái hưng', đọc thêm bài 'hồn hỡi hồn hỡi...' xong, mạnh­nh ai nấy về nhà tắm rửa, dĩ nhiên không quên chập tối phải trở l­ạii lăng.

 

Tối hôm đó, trai tráng trong xóm đụng rưọu đế với mấy ông già say...chết bỏ ! Lúc đầu còn nói chuyện mùa màng trời trăng mây nước. Chặp sau rượu vào lời ra có hơi ồn ào. Tới khuya đờn ca cổ nh­ạc trổi lên. Rượu càng say đờn càng cứng nhịp, đêm càng khuya ca càng mùi mẫn….Tiệc tùng dây dưa cho tới khi gà gáy họ mới chịu chia tay. Ngày nginh ông đã hết trong cái không khí cởi mở vui tươi.

 

Chú thích:

Tập tục thờ cúng trong bài vào thời trước năm 1968, về sau chiến tranh có thay đổi ít nhiều. Bây giờ nghe nói dân ngư bên vàm Sông Ðốc vẫn còn nghinh ông hàng năm nhưng chắc thay đổi nhiều hơn nữa. 

 

* Tục truyền, hồi vua Gia Long bị Tây Sơn rượt chạy ra tới hòn Sơn Rái, trước khi rút lên núi, quân sĩ để lại nhiều dấu chưn trên bãi cát. Bầy rái trắng kéo xuống dẫm hết dấu chưn binh sĩ. Khi quân Tây Sơn tới, không thấy dấu vết nên bỏ đi, nhờ vậy Gia Long thoát nạn. Về sau khôi phục Giang Sơn, vì loài rái sống trên núi, vua phong chức  Ðại Tướng, còn cá ông sống dưới biển nên phong chức Tướng nhỏ hơn rái trắng một bậc.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3676
Ngày đăng: 01.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc - Ngô Ðức Thịnh
Tín ngưỡng phồn thực qua trò diễn hội làng châu thổ Bắc bộ - Đặng Hoài Thu
Thơ rơi, Một thể loạI văn học dân gian nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Nói thơ : Một sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo của Nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Tục nhuộm răng ăn trầu ở Bình Định xưa - Mai Thìn
Tiếp cận” bí ẩn” ở Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ? - Nguyễn Văn Hoa
Văn Miếu- Đền Văn của Bình Định - Mai Thìn
Kỷ niệm 135 năm ngày hy sinh của “TỨ KIỆT” (14/2/1871 - 14/2/2006 ): Truyền thuyết dân gian về “Tứ Kiệt” - Võ Phúc Châu
Cơm Hến, - Trần Kiêm Ðoàn
Vị trí truyện BA PHI trong VĂN CHƯƠNG TRÀO PHÚNG VIỆT NAM - Vũ Ngọc Khánh
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)