Thơ về lửa chài thì nhất Đường thi. Nhưng tôi chưa đọc bài thơ Đường nào có ánh lửa diêm. Chắc là không có đề tài này trong thơ Đường vì cho mãi tới những năm 30 của thế kỉ 19 diêm mới ra đời và mãi tới 1855 que diêm an tòan (diêm dân dụng) đầu tiên mới xuất hiện ở Thụy Điển! Diêm ra đời ở Bắc Âu, có phải vì thế mà những câu hay nhất về diêm cũng nằm về xứ ấy? Một trong những truyện hay nhất của Andersen người kể chuyện Đan Mạch là truyện về diêm. Trong Cô bé bán diêm, thứ que lửa này cháy lên không phải bằng phốt pho hay lưu hùynh mà bằng… chất thơ: ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt. Đọc câu văn, thấy lung linh ngũ sắc trong một que diêm quẹt tầm thường, trên tay một đứa bé cùng khổ. Nhưng đấy mới chỉ là que diêm thứ nhất của em! Cho đến que diêm thứ ba, năm màu thực kia đã biến thành hàng ngàn ngọn nến sáng rực…tất cả ngọn nến bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời…
Sang tới Đức, diêm lấp lánh trong tiểu thuyết Bản du ca của lòai người không còn đất sống của Remarque. Vì không còn đất sống, một người tình phải đứng từ xa trong đêm, xòe diêm từng que một để từ một khung cửa sổ, người bạn tình của mình được thấy kẻ tình si kia đang kiên trì làm một đốm sáng, để được cháy tới milimettre cuối cùng của lòng khao khát giao cảm.
Sang Nga, diêm góp dòng chữ lửa tinh tế nhất, tình tứ nhất vào tập Hai chị em trong bộ ba tiểu thuyết Con đường đau khổ của nhà văn Xô Viết A.Tônxtôi. Trong đêm chiến tranh ấy, người tình chiến binh đột ngột trở về từ mặt trận. Cô em thánh thiện, quẹt đến que diêm thứ ba mà vẫn không thắp nổi ngọn đèn cầy. Từ trong bóng đêm, cô chị đầy kinh nghiệm tình trường, tự nhủ, nếu chàng về với ta, chỉ một quẹt là sáng!
Ở Pháp, J.Prévert trong bài đêm Paris nén thi tứ thật chặt vào từng que diêm một, nén chặt đến mức, mỗi que thơ kia quý hiếm đến phải đánh số, để rồi, như một triết lí Đông phương, ba cây chụm lại, soi sáng một khuôn mặt người tình:
Ba que diêm trong đêm đánh từng que một / Que đầu nhìn trọn mặt em / Que thứ hai nhìn đôi mắt em / Que cuối nhìn khoé miệng em / Rồi tối hẳn cho anh nhớ lại / Tất cả nét yêu khi xiết chặt em trong lòng.
Từ bài thơ Tây rất hàm súc này, xa hơn, từ nguồn sáng Andersen có thể ví, một bài tứ tuyệt Trung Quốc, một bài hài cú Nhật Bản phải như một người ép xác để khát lửa đến thành mảnh mai diêm quẹt, để có thể bùng cháy. Một tuyển tập tứ tuyệt hay hài cú cũng cần thu mình lại như một bao diêm - một cuốn sách lửa, để có thể một trăm lần bốc cháy.
Trở lên là những dẫn luận Tây và Tàu. Trên con đường kiếm tìm những vẻ đẹp văn học, một lần tôi nhìn ra biến tấu lửa diêm Andersen trong một câu đố dân gian Việt Nam. Lần ấy về Đồng Tháp chép được bài lục bát bốn dòng. Chỉ là bốn dòng truyền miệng, nhưng độ lóe sáng từ ngữ và chiều sâu ý nghĩa của bốn dòng diêm quẹt này ( vâng, đây là câu đố về hộp diêm 100 que) khiến tôi trân trọng, bái phục, coi nó, bài thơ chân đất này là một tứ tuyệt:
Nhà vuông mở cửa hai đầu
Có trăm thằng lính trong lầu bước ra
Thằng nào không nón thì tha
Thằng Nào có nón đem ra chặt đầu!
Ghê quá! Đọc đến chứ cuối chặt đầu không chỉ thấy lửa bùng lên từ cách giải câu đố, từ tầng nghĩa nổi bên ngòai mà còn thấy máu vọt ra từ tầng nghĩa chìm bên trong, từ cái nhà tù mi ni mở cửa đưa 100 tù nhân vào cuộc thanh lọc và kẻ phải chết lại là người có khả năng thắp sáng cuộc sống, nhóm ấm cuộc sống, những người sẵn sàng hóa thành một sơi than đen cong queo để người khác được ấm và được sáng! Còn những thứ diêm chẳng ra diêm, những thứ diêm mù lửa, điếc lửa, câm lửa, lại xênh xang như người, ngu xi hưởng thái bình! Nếu thực là có bằng ấy ý nghĩa (và còn nhiều hơn thế với những tay sành thơ ) trong một hộp diệp quẹt, thì hộp diên quẹt kia là một thứ tứ tuyệt có sức chứ đến 100 chữ lửa! Và sự đầy đặn, cái trữ lượng phát quang đáng nể này khiến nó hóa thành gần gũi với con người, biến thành thứ tứ tuyệt bỏ túi!
Cảm ơn Andersen, cảm ơn Cô bé bán diêm với bài học 200 năm còn sáng! Và phải chăng đây chính là bài học nhắc nhở sự gắn bó giữa khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Bài học về phép hiện đại hóa thơ ca.