Mặc dầu là Nữ là Giám đốc của một công ty dịch vụ vệ sinh Pan Pacific có số nhân viên lên đến 2500 người, phủ sóng công việc trên nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà máy, Siêu thị, khu vực triển lãm…thuộc loại sang và nổi tiếng ở cả Hà Nội và TP HCM, và kể cả doanh thu mỗi năm cho công ty gần 50 tỷ đồng, thì chị Thanh Vân vẫn còn có điều ấm ức. Thực ra, không phải chị không biết chị đang thành đạt ngoài sức tưởng tượng của một công ty vệ sinh đang ăn nên làm ra.
Một công việc mà ban đầu, bất cứ ai cũng mặc cảm cho cái nghề của công ty chị kinh doanh là thấp hèn và không mấy sáng sủa. Nhưng đó không phải là điều chị quan tâm. Cái điều làm chị đắng cay và nhục nhã, mà mãi chị không bao giờ quên được, khi bị sỉ vả và thậm chí bị tống đuổi ra khỏi một khách sạn trong một buổi chiều nọ. Nỗi nhục đó cứ theo chị mãi trong tâm tưởng và đôi khi chị nghĩ, nếu cần đánh đổi tất cả để chỉ cần một người phải xin lỗi, dám chắc chị cũng đánh đổi!?
Con người ta đôi khi là thế đấy! Có tất cả rồi, nhưng vẫn là chưa đủ. Hình như Tướng De Gaule đã nói một câu thật chí lý: Mất tiền tài, mất danh vọng, mất tình yêu chưa phải là mất tất cả. Mất danh dự mới là mất tất cả! Ai thì không biết, nhưng câu nầy quả là rất đúng với chị. Chị có tất cả, nhưng cái điều chị cần có lại là danh dự, mà buộc một người mắc nợ chị phải trả lại. Và nếu không có cái tức chí này, có lẽ chị đã giảm bớt nhuệ khí ban đầu với công việc. Không ai hiểu được, tại sao chị càng luống tuổi càng thành đạt, chị lại càng hăng say với công việc như thế. Chị làm việc quên cả ăn uống ngủ nghỉ, kể cả quên chuyện tình yêu cho riêng mình.
Nhưng với chị Thanh Vân thì biết rất rõ. Cái ngày một Giám đốc bị đuổi ra khỏi khách sạn Caraven giữa muôn vị tai to mặt lớn cùng bạn hàng các doanh nghiệp, chị suýt bị ngất xỉu, và rồi, dốc hết nghị lực bản lĩnh cùng kiệt của người phụ nữ để bước chân thểu não ra khỏi căn phòng khánh tiết, chị đã không còn sức để phải ngã quỵ xuống. Và cái hình ảnh thảm hại và nhục nhã đó đã ám ảnh chị suốt những năm tháng sau đó!
Dù rằng chưa trả được mối nhục năm nào, nhưng chị Thanh Vân cũng không quên được chặng đường gian khổ đầy truân chuyên mình đã đi qua.
***
Ngày đó, cầm hai cái bằng tốt nghiệp ở Nga về, chị tưởng là quá đủ cho một sự nghiệp tương lai đang rạng rỡ mở ra trước mắt mình. Và chị cứ nghĩ: Biết bao công ty đang còn chờ đón mình trong nỗi hân hoan! Bây giờ nhớ lại, chị thấy mình thật ngớ ngẩn. Ngày chị về nước lúc đó là năm 95, khi đó VN vừa mới thực sự mở cửa với hiệp định thương mại với Mỹ, đã có được bao nhiêu công ty trên đất nước VN này? để chị mơ mộng hảo huyền có người đón đưa như chị tưởng!
Hơn nữa, từ sau cái công cuộc đổi mới (Perestroika) khai sáng và đổi mới tư duy(new thinking) của Tổng thống Gorbachev năm 85 đã làm tan nát cái Liên Bang Xô Viết ra nhiều mảnh, để đánh mất uy tín của Liên xô trên chính trường quốc tế, và sau đó, đã để lại cái hệ luỵ cho những người đi học Nga về là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, các cường quốc tư bản đang được mời gọi một cách ưu ái và trân trọng, đã đổ xô ào ạt vào thương trường VN, thì hai tấm bằng quản lý Môi trường sinh thái và Xử lý những chất bẩn của môi trường đô thị của chị là những món ăn xa xỉ phẩm và đang hoàn toàn xa lạ với đô thị VN đang bắt đầu chớm chuyển mình phát triển, tưởng hai tấm bằng đó chỉ đáng để xếp xó mà thôi.
Lần đầu tiên chị hụt hẫng, khi bà chị báo tin cho chị vào làm nhân viên lễ tân ở một khách sạn nọ. Chị mỉm cười chối từ có phần chua chát: Cầm hai cái bằng đại học bên Nga về mà phải làm một cô tiếp viên ư? Rồi xin vào làm một công ty du lịch sinh thái, họ cũng chỉ cho chị làm một tiếp viên hướng dẫn khách du lịch, thì chị nhận ra rằng: Mình phải đứng ra để tự làm chủ một công ty cho phù hợp với cái sở trường của mình đã học để tồn tại, chứ không phải làm cái nhân viên quen sở đoản của mình cho họ.
Trong mấy tháng liền, chị đã phải vắt óc để tìm cho mình một hướng đi khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào lĩnh vực nào? Nhưng cũng phải thật phù hợp với năng lực sẵn có của mình và điều quan trọng nhất là không quá nhiều vốn. Suy đi tính lại, chị đã đi đến quyết định thành lập công ty Vệ sinh công nghiệp bảo quản môi sinh xanh sạch đẹp. Một cái tên công ty dài thòng, để khi kể ra cho cả nhà nghe, ai cũng ôm bụng cười ngặt nghẽo tưởng như chị đang đùa.
Trời ơi! đi du học bên Nga về, tưởng làm việc gì to tát lớn lao cho nở mặt nở mày cha mẹ anh chị em và bạn bè chứ! Ai lại thành lập cái công ty quét rác đầu đường xó chợ như thế! Thậm chí bữa đó ba của chị còn chế giễu: Mày có hâm không hả Vân? Chị điếng người ra như trời trồng! Không biết phải biện giải sao cho cả nhà hiểu đây! Bởi khi trong tâm tưởng mọi người đã có định kiến về cái nghề mọn hèn thấp kém như thế, mình có giải thích cách mấy cũng là vô ích.
Thực ra, đối với Vân, cái nghề này chẳng còn lạ lẫm gì khi còn ở bên Nga. Nhưng đối với VN lúc đó, quả là chuyện đùa để lập công ty như thế!
Bây giờ nhớ lại ngày đó, chị tự cười thầm: Tại sao mình lại có đủ can đảm để làm cái việc liều lĩnh như thế!? Có lẽ, bài học nằm lòng của các sinh viên khi ra trường: Điều dễ làm nhất là hãy làm những điều chưa ai nghĩ đến, là câu phương châm cho mọi sinh viên ngành kinh doanh. Nhưng những thành tựu mà chị đạt được, có lẽ phát xuất từ lòng tự ái về một nghề nghiệp mà, khi chị đưa ra, ai cũng xem thường và rẻ rúng nó, đã hun đúc âm ỉ trong chị cái quyết tâm: Phải làm cho được với bất cứ giá nào! Điều đó như để phục hồi cái danh dự bị tổn thương ngay khi bắt đầu khởi nghiệp. Và cũng là để chứng tỏ cái năng lực học được ở Nga về quả là không uổng công. Chị biết công việc của mình đã quá nặng nhọc trong mông mù thì, chính chị lại đặt cược lên số phận sự nghiệp của mình càng thêm nặng gánh bởi lòng tự trọng đã bị tổn thương.
Lần đầu tiên khi công ty ra mắt trình làng với bảy nhân viên, với hai cái máy lau sàn nhà cà rịch cà tàng và một số vật dụng bằng tay chổi quét, chổi quét tường, dụng cụ lau nhà trông thật mọn hèn thô thiển như tên của cái công ty vậy.
Nhưng dù có khiêm tốn đến mấy, ngày thi công đầu tiên cũng không thể lùi được nữa rồi! Và cái hợp đồng đầu tiên thật giản dị có mấy dòng qui định thi công cho đối tác Sài gòn Center lại thành công hơn điều bà giám đốc Hà Thanh Vân mơ tưởng. Nhưng chị vẫn rút ra được nhiều điều kinh nghiệm bổ ích cho công việc kinh doanh của mình. Một rủi ro suýt chết công ty là, lần đầu tiên lau kính có hoá chất suýt làm mờ đi các bảng hiệu. May mà chỉ mới lau bên trong, chứ không thì phải bồi thường đến sập tiệm!
Một cuộc mở hàng đầy may mắn đã đem lại sự tự tin cho ngươi nữ Giám đốc còn non trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Thế là chị lại tự đưa sản phẩm vệ sinh bảo quản Nhà cửa sạch đẹp của mình làm ra, đi tiếp thị cho các nhà hàng, khách sạn….Đồng thời nhận ký hiệp đồng thi công. Lần đầu tiên chị thấy mình bị hố, thẹn chín cả người khi người Giám đốc Khách sạn trao cho xem những mẫu sản phẩm của họ đặt còn chất lượng, tinh vi và đa dụng hơn sản phẩm của chị.
Nhưng rồi mới buổi đầu khởi nghiệp, nên họ cũng có lòng tốt muốn giúp đỡ chị bằng cách chỉ bảo góp ý cho những sản phẩm được cải tiến hơn. Và từ đó, chị biết rằng: cái học của mình vẫn còn rất khiêm tốn so với thực tế. Hình như cái vóc người thanh mảnh duyên dáng với nụ cười rất tươi khi trò chuyện với đối tác đã làm cho họ có cảm tình, cũng góp phần vào thành công của chị vậy!
Việc đối ngoại suôn sẻ bao nhiêu thì việc đối nội lại càng rối rắm phức tạp hơn.
Khi con số từ bảy người lên đến hàng trăm người thì vấn đề quản lý đã không còn đơn giản một chút nào nữa rồi. Hơn nữa, chị hãy còn quá trẻ và mới lần đầu tiên quản lý nhân sự, tránh sao khỏi không sai sót va vấp kia chứ!
Điều bất lợi đầu tiên đến với công ty của chị lại chính là cái tên và công việc làm của công ty, chẳng những đã không làm cho nhân viên tự hào, mà trái lại, còn làm cho họ mặc cảm hổ thẹn khi mang danh cái công ty chẳng giống ai! Và ai cũng cho là một nghề hèn hạ và thấp kém trong xã hội. Chị không thể ngờ, chỉ vì cái bỉ danh của công ty mà đã khiến cho chị phải lao đao vất vả trong việc quản lý nhân lực một cách khó khăn đến thế!
Công ty cứ tuyển được lớp này vào thì, lớp kia ra, và vì thế, tay nghề nghiệp vụ của họ không bao giờ được ổn định để nâng cao. Thậm chí, có người làm được ba bốn năm rồi mà cũng xin nghĩ, chỉ vì nghe mấy lời đùa cợt của bạn bè chọc quê. Mặc đầu là công việc không phải quá vất vả mệt nhọc như một số công việc may mặc…và thậm chí lương còn cao gần gấp đôi của một số công việc của các công ty thời đó, nhưng công ty của chị vẫn không thu hút được nhiều nhân viên như chị mong muốn. Và điều đó đã làm vỡ hợp đồng khi thiếu công nhân để không hoàn thành đúng thời hạn.
Đó là chưa nói đến tinh thần làm việc giờ giấc cao su, tuỳ tiện không theo quy trình làm việc theo phân công tổ chức công nghiệp, cũng là những điều gây khó dễ cho người Giám đốc trẻ biết bao phiền toái. Rồi chất lượng làm việc cũng không đảm bảo yêu cầu của đối tác vốn rất khó tính.
Tất cả đã nghiêng nặng trên đôi vai gầy yếu của người Giám đốc trẻ, đã khiến cho chị phải mất ăn mất ngủ để thúc dục động viên nhân viên liên tục cho kịp đúng tiến độ thi công các công trình. Thậm chí, không có bước chân của chị tới các hiện trường với tấm gương phản chiếu nhỏ để soi rọi dưới mọi ngóc ngách của bàn ghế, tủ giường thì mọi việc đều không ổn. Bây giờ nghĩ lại, chị vẫn còn thấy rùng mình sợ hãi cho những truân chuyên đã đi qua.
Dù khó khăn đến mấy, nhờ năng lực và sự nhiệt tâm năng nổ của chị cũng đã được đền đáp lại những thành quả nhất định. Và rồi công ty trên đà phát triển thì, những phương tiện dụng cụ đều được cải tiến với những chiếc máy lau sàn nhà phải mua đến 25.000 Đô cũng đã thay thế cho những chiếc máy đã cũ không còn thích hợp với yêu cầu của công việc.
Và đơn giản như cổ máy vắt giẻ lau sàn nhà cũng đến 150 Đô. Rồi việc thiết kế ròng rọc để ngồi vào các cabin lau chùi kính, tường nhôm, plastic, các loại đá ốp lát… phục vụ cho các nhà cao tầng cũng được cải tiến để nâng cao chất lượng và cũng để rút ngắn thời gian thi công, nâng cao hiệu quả kinh tế lên. Tất cả đều đổ dồn trên đôi vai gầy yếu của người Giám đốc trẻ.
***
Ngày nay khi nhìn lại đội ngũ hàng ngàn nhân viên chị cảm thấy an tâm và hài lòng. Nhưng điều đó thật không dễ vào những lúc đầu khởi nghiệp. Chị nhớ rất rõ, chính bà Sáu lì mà hôm nay là một Đốc công giỏi nhiệt tâm thì, buổi đầu chị cũng phải cơ khổ biết bao với bà Sáu lì.
Ngày đó, bà Sáu lì mới vào làm việc với chiếc bụng mang dạ chửa - vì thiếu nhân lực trầm trọng nên phải nhận vào làm. Tính hay lắm điều càu nhàu. Đi làm trễ nải, công việc làm lốp láp cho qua chuyện. Chị đã một vài lần nhắc nhở, nhưng khi đụng đến, bà bù lu bù loa lên. Chị nghĩ cũng thương tình bà đang cần tiền sinh nở, nên cũng rán để cho bà đến khi sinh thì cho thôi việc luôn.
Và rồi chuyện xảy ra khi công ty đối tác nghiệm thu, và phần lau của bà rất cẩu thả với bụi đất. Cuối cùng chị đã phải cho bà nghĩ việc. Một thời gian sau khi bà Sáu sinh con và bị chết, bà Sáu đã đến quậy phá chị, trong khi chị đang làm việc với các đối tác để ký hợp đồng, bà Sáu hét toáng lên chửi bới chị đủ điều cực nhục…Và rồi kịp lúc chú ba Vị làm quản đốc về, bà đến phân bua. Chú ba Vị mới kể cho chị nghe về sự quan tâm của chị với bà Sáu: đã đưa cho bà qua tay anh hai triệu đồng thì còn oan cái nỗi gì nữa kia chứ! Và hôm bà Sáu trở dạ sinh, chính chị Vân cũng đã cho người chở bà Sáu đến bệnh viện, sao bà lại đối xử nhẫn tâm với chị Vân như vậy.
Nghe vỡ lở ra câu chuyện, bà quỳ khóc lạy chị tha lỗi như tế sống vậy! Mấy ngày sau bà Sáu trở lại làm việc mà không xin phép ai cả. Ai có bảo thì bà nói: tôi làm không lương để trả lại cái ơn nghĩa cho chị Vân, và điều đó đã làm cho chị mũi lòng để nhận bà trở lại. Và sau này, chính bà Sáu đã làm việc sống chết hết mình với công ty.
Rồi ngay như đến chú ba Vị. Chị cũng đã nóng nảy để đuổi việc chú. Số là hồi đó, nhân viên vào làm lâu năm đòi phải được làm bảo hiểm. Thời kỳ đó công ty làm ăn đang bị rối ren, lủng củng và hiệu quả giảm sút, chính chú ba trong ban chấp hành Công đoàn cũng a tòng với nhân viên gây sức ép cho chị – đây là điều quy định của luật công đoàn và các công ty bắt buộc phải tuân thủ.
Còn phần chị, cũng có những lý lẽ riêng của mình và về điều này, chính chị cũng đã giải thích cho nhân viên rõ: Mặc dầu không làm giấy bảo hiểm vào công đoàn, song mọi chế độ tai nạn nghề nghiệp hoặc tai nạn ngoài giờ lao động và các quyền lợi nghỉ phép, đau ốm, nằm viện công ty đều có chế độ hẳn hoi. Chẳng qua chị muốn vận động nhân viên có đủ 5 năm nghề mới vào bảo hiểm cho có tinh thần trách nhiệm sống chết với công ty mà thôi, chứ cứ vài ba năm rồi ra vào thì cũng bất tiện cho công ty- mà thực ra cũng tổn hại cho công ty. Ngày chú Ba bị cho thôi việc, chú ấy đã bảo: Chị không hiểu cái tâm huyết của tôi với công ty thì quả là đáng buồn! Lẽ ra, tôi có thể kiện chị về việc cho nghỉ vô duyên cớ, nhưng làm điều đó trong lúc này, chỉ tổ làm chị thêm rối ren mà thôi! Chú ấy bước ra khỏi, chị biết mình đã quá sai phạm, nhưng tự ái của một Giám đốc trẻ không cho phép chị mời chú ba trở lại.
Thực ra lúc bấy giờ, chị nghĩ: Chú ba rất có uy tín với nhân viên và chị muốn đuổi chú để phủ đầu cho nhân viên biết lễ độ, chứ thực tâm chị không có ác ý với chú ấy. Nhưng tuổi trẻ vẫn háo thắng là thế đó! Biết mình sai, nhưng lòng tự mãn đã không cho phép mình xin lỗi để đưa chú ba lại làm việc.
Gần một tháng sau, một buổi sáng nọ, có một cuộc điện thoại gọi đến cảnh báo chị: Sắp có đình công và bạo động trong công ty của chị, và người ấy khuyên chị: Hãy mau liên hệ điều đình với những người X, Y… gấp nếu không sẽ rắc rối và lớn chuyện đấy! Chị hỏi: ông là ai? Người ấy cười: Có lẽ chị không cần phải biết. Sau khi truy tìm danh bạ ĐT ra tên người gọi, chị đã chảy nước mắt: Một người tâm huyết như thế mà mình nỡ đuổi việc!
Chiều đó, chị nhờ bà Sáu dẫn chị đến nhà để tạ lỗi với chú ba. Bây giờ chú ấy thân thương và gắn bó với chị như bậc cha chú trong nhà vậy.
Ngày nay khi đã đứng trên ngưỡng cửa thành đạt, nhìn lại quãng đường đi qua, chị mới thấy 10 năm đi qua với bao truân chuyên vất vả và dâu bể. Đã có khi chị tưởng suy sụp trong tuyệt vọng. Chị nhớ lại, đã có khi công ty vỡ liền hai hợp đồng để phải bồi thường thiệt hại đến khánh kiệt, thì đến hợp đồng với khu triển lãm công nghiệp của thành phố hằng năm, lần đầu tiên chị nhận thi công, đã bị vỡ trận, vì chị không lường trước được khối lượng rác lại khủng khiếp như vậy, và đã điều phối quá ít nhân viên. Đến nỗi cả ban giám đốc như chị cũng phải ra làm tất bật tại hiện trường, mà công việc vẫn không xuể. Rồi chị lại phải đối đầu với Metro Thăng Long- một đối tác lâu năm, bỗng trở quẻ: nếu công ty chị không giảm giá đấu thầu, họ sẽ cho một công ty khác nhận thầu.
Mấy ngày liền, chị phải đau đầu suy nghĩ hơn thiệt, và cuối cùng chị đã kiên quyết đưa ra quyết định: Không giảm giá. Ở trong nghề lâu năm đã cho chị biết: Với giá thành rẻ, sẽ không bao giờ có chất lượng cao được. Và đúng, chỉ sáu tháng sau, Metro Thăng Long đã quay lại hợp đồng với giá cao hơn của công ty chị.
Càng ngày, chị phải đối đầu với những vấn đề phức tạp đau đầu hơn. Trong khi các đối tác đều muốn giảm giá thành đấu thầu, và công nhân lại đòi tăng lương khi giá sinh hoạt lên và đồng tiền mất giá thì, những đòi hỏi đó là quá chính đáng.
Cuối cùng, chị cũng đã có những chiến lược rất thích đáng để duy trì công ty ngày một ổn định và phát triển hơn lên, bằng cách: không giảm giá thầu, nhưng nâng cao chất lượng là ưu tiên hàng đầu để có uy tín và sự tin tưởng của khách hàng. Về mặt nhân viên không tăng lương, nhưng chị đưa ra chế độ khen thưởng tiền công cho nhân viên nào làm giỏi và chất lượng tốt, cũng như trả tiền công gấp đôi cho những giờ làm tăng ca, để nhân viên có thêm thu nhập.
Quả là một sự quá tải cho một người phụ nữ như chị. Và sau những vất vả truân chuyên đó, chị đã suy kiệt tinh thần và cả thể chất. Vốn đã suy nhược trong vất vả đêm ngày nhiều năm tháng, để rồi, một hôm, tại hiện trường khu triển lãm, chị đã căng ra làm việc quá sức, và bị ngất xỉu để vào nhập viện.
Sau này, khi nghĩ lại, chị cho rằng, đó là điều may mắn cho mình. Bởi khi nằm xuống, chị mới thấy cái tình cảm thân thương giữa người nhân viên với Giám đốc là mặn nồng thắm thiết như thế nào. Những người mà chị tưởng họ sẽ ghét bỏ chị, vì chị luôn quát tháo nặng lời khi đi kiểm tra chất lượng: Chỗ này chưa được, chị lau lại cho tôi. Chỗ kia chưa được bóng loáng, phiền anh thi công lại cho tôi nhờ. Và thậm chí có lần chị bẳn gắt lên: Tụi bây làm ăn như chó mửa vậy ạ! Hoặc là cút ngay ba cái thứ rác rưởi này đi!
Nhưng rồi, họ đến thăm hỏi chị như một bệnh nhân của người nhà họ, thậm chí là họ chia ca nhau trực đêm cho chị. Chị biết rõ họ thương chị, chứ không phải vì chức vụ Giám đốc. Đó là lần thứ hai chị khóc, nhưng là những giọt nước mắt sung sướng vì được khóc trong hạnh phúc yêu thương của mọi người. Và chị đã bồng đùa khi nhân viên đến thăm chị: Tôi mắng nhiếc các anh chị đủ điều mà các anh chị không ghét tôi, không cầu mong tôi chết là tôi đủ mãn nguyện lắm rồi, còn đến thăm quà cáp tôi chi nữa!
Họ trả lời: Chẳng qua bà thương chúng tôi và muốn chúng tôi làm được việc thì bà la mắng chúng tôi, chứ mà ghét bà, cầu bà chết, gia đình chúng tôi có mà chết đói rã họng ra ạ! Bà đừng lầm, chẳng qua là chúng tôi thương bà, thực ra là chúng tôi thương chúng tôi đấy thôi!
Nghe nhưng lời thổ lộ chân tình đầy mộc mạc, chị cảm thấy ấm lòng như được an ủi vỗ về. Và những tháng ngày truân chuyên dâu bể trở nên ngọt ngào trong tâm tưởng của chị. Nhân viên gắn bó sống chết với công ty như thế thì còn lo sợ nỗi gì nữa!
Nhưng rồi từ những tâm tư tình cảm của họ đã dành cho công ty như thế đã đặt nặng lên chị những ưu tư: Phải làm sao cải thiện được mức sống của họ dần cao lên. Đó là bài toán hóc búa không dễ một chút nào! Và rồi chị đã phải trăn trở suy tư nhiều đêm trắng để cải tổ lại bộ máy điều hành sao cho gọn nhẹ và có hiệu quả hơn. Tránh nhưng khoản chi phí tổ chức hội họp, lễ hội vô bổ… và công việc làm sao cho có khoa học, cũng như việc cần thiết phải nâng cấp các máy móc và trang thiết bị lên để tăng năng suất sản phẩm công nghệ cao, đem lại nhưng khoản tiền thưởng cho nhân viên tăng thu nhập cho đời sống bớt cơ cực hơn.
Chị tự mỉm cười: một đại hội cổ đông sẽ được tiến hành để cổ phần hoá công ty làm giảm bớt gánh nặng cho chị và đem lại nhiều ích lợi cho cổ đông, đồng thời gắn bó họ cùng nâng cao tinh thần trách nhiệm với công ty sẽ là điều hiện thực trong nay mai.
Những tưởng đời chị sẽ bình ổn thanh thản trong sự thành đạt, nhưng từ trong tâm chị đã nhói lên một niềm đau mà không ai biết được. Ai đó đã đưa ra một định luật mà chị không nhớ nữa: “Một người thành đạt, phải có một sự nghiệp vững vàng và phải có một tình yêu và mái ấm hạnh phúc gia đình”.
Nghĩ đến điều đó, chị cảm thấy se sắt cõi lòng. Và nhiều đêm về, chị đã nằm suy nghĩ trăn trở để tự hỏi: Rốt cuộc thì mình làm việc để được cái gì? Chị biết mình trẻ đẹp duyên dáng và thành công trong sự nghiệp, nhưng con đường tình của chị lại không mấy suôn sẻ.
Thực ra, chuyện tình yêu không phải đã làm chị quá đau khổ và bi lụy trong cuộc sống; Bởi chị không phải là mẫu người si mê say đắm với tình yêu, và cho tình yêu là tất cả, để sống chết và bi lụy với nó. Theo chị, tình yêu và sự nghiệp là hai mảnh cùng ghép chung thành một tấm thảm trải của cuộc đời, chứ không bên nào hơn bên nào. Nhiều người lầm tưởng chị đam mê với sự nghiệp kinh doanh để lãng quên mất tình yêu.
Ngày ở Nga về, chị nghĩ vài năm sau khi gầy dựng cơ nghiệp vững vàng mình sẽ lấy Toàn, cũng vừa khi anh ấy du học ở Nga về. Nhưng rồi một lần nữa, cái công ty mà Toàn cho là tầm thường như bao người khác, đã làm cho chị đau đớn để chia xa mối tình đầu.
Chị nghĩ: Mấy năm ở Nga, chắc Toàn dư hiểu được tâm tư nguyện vọng của chị rồi chứ! Và với cái Tây học thông thoáng ở nước ngoài về, mà Toàn cũng quan niệm công ty của chị thấp kém như bao người khác, quả là Toàn cũng thật tầm thường.
Lẽ ra, khi chia xa mối tình đầu đó, chị phải ngậm ngùi cay đắng để tiếc nuối lắm, thì cái khinh thường Toàn đã làm giảm đi nỗi đau trong chị. Bởi chị cho rằng: một người tầm thường như thế không xứng đáng với tình yêu của chị. Rồi đến khi chị thành đạt, Toàn muốn quay trở lại với chị, trong chị đã toát lên sự khinh bỉ Toàn, bảo sao chị có thể chung sống với người mình hằng khinh ghét kia chứ!
Thời gian trôi đi trong công việc kinh doanh xoay xở đến chóng mặt, ngay trong công ty của chị, cũng có nhiều người bằng cấp giỏi giang ve vãn chị, và chính ngay chị, cũng thấy một vài chàng trai, làm chị quan tâm. Chị tự nghĩ: cái chức vụ của mình đã tự làm hại chính chị rồi! Phải chi, chị không là Tổng Giám đốc thì đã thuận buồm mát mái với Thẩm hay Ánh rồi. Chị biết, đó là cái sĩ diện không đáng có, nhưng rồi không sao lướt thắng được cái phân ranh bậc thứ trong công ty. Cứ nghĩ đến một Tổng Giám đốc nữ lấy nhân viên của mình, chị cảm thấy kỳ cục sao sao như bị xúc phạm!
Có lẽ, cũng vì quan niệm: Người chồng luôn phải hơn vợ một cái đầu để cuộc sống của chị phải muộn màng về đường hôn nhân chăng? Và rồi cũng đã có một vài giám đốc ở các công ty khác theo đuổi chị. Nhưng rủi thay, đó lại là những lúc mà công ty của chị đang trong giai đoạn suy sụp khó khăn, bảo sao chị còn thảnh thơi tâm hồn để yêu đương.
Đến nỗi với Chiến, sau khi thân quen được hơn hai năm, cũng phải phát gắt: “Trời ơi! đến với em khi nào cũng thấy công với việc, khi nào cũng bù đầu vào tính toán hơn thiệt sổ sách. Thì em cũng phải sống cho bản thân mình nữa chứ”. Thế là Chiến không kham nổi cũng chia tay.
Bây giờ nghĩ lại, Vân thấy có chút tiếc nuối. Rồi với Thắng cũng không quá nổi ba bảy hai mươi mốt tháng. Đến nỗi Thắng, cũng phải phàn nàn: “Quen nhau gần hai năm mà chưa có lần nào đi chơi với Vân cho được thoải mái”. Bởi khi đang uống nước ở quán hay đang ăn ở nhà hàng, thì điện thoại reo liên tục, rồi lần nào, cô cũng xin lỗi để về công ty có chuyện cần giải quyết gấp, và, bao giờ cô cũng hứa lần sau.
Lúc này nghĩ lại, chị thấy tiếc nuối: Mình đã lún sâu vào công việc để quên chuyện tâm tư tình cảm. Bây giờ cũng đã sắp sang tuổi tứ tuần, hình như chị cảm thấy có chút lo lắng cho duyên phận. Chị tự nhủ: Từ nay trở đi, mình sẽ không để bất cứ cơ hội nào trôi qua nữa.
Đang ngồi thẫn thờ trong tiếc nuối, bỗng có chuông điện thoại reo.
Giọng một người đàn ông trầm ấm đang ấp úng trong hơi thở dồn dập:
- Chào chị! có phải chị Vân đấy không ạ!
- Vâng tôi đây! Anh cần chuyện gì ạ!
Bên đầu dây giọng nói tự tin hơn:
- Làm ơn xin chị đừng bỏ máy xuống, và để cho tôi nói hết, rồi chị có chửi mắng bất cứ điều gì tôi cũng cam chịu!
- Chuyện gì mà anh làm ra vẻ trầm trọng quá vậy!
- Chuyện gì thì chút nữa chị sẽ rõ! Nhưng bây giờ xin chị hứa đừng cúp máy vội, và để cho tôi nói hết đã nhé!
Chị cảm thấy ngạc nhiên: sao lại có chuyện lạ lùng thế này, hay ai nhầm chuyện chi với cô Vân nào đây! Thôi thì cứ để xem sao?
- Tôi hứa, anh cứ nói đi!
- Tôi đã chần chừ để nói với chị điều này từ lâu lắm rồi, nhưng lại cứ sợ chị giận mà không tha thứ cho nên cứ lần lựa mãi. Giờ đây, tôi nghĩ là thời điểm thích hợp để chị rộng lượng tha thứ cho tôi. Bởi vì lúc này đây, công ty của chị làm ăn rất phát đạt và có tiếng tăm, có lẽ, chị không hẹp hòi gì để chấp nhất cái chuyện năm xưa.
Chắc chị vẫn còn nhớ cái buổi chiều ra mắt khách sạn Caraven đó chứ! Cái buổi chiều, tôi và chị đã đôi co nhau cả tiếng đồng hồ về chuyện hợp đồng thi công dọn sạch khách sạn vừa mới xây xong. Và cái thế đuối lý của tôi lúc đó trước muôn người, đã được cả vú lấp miệng bằng cái hành động tiểu nhân của chó cậy thế nhà, để mạt sát chị và đuổi chị ra khỏi nhà.
Và rồi sau đó, tôi cứ ân hận mãi, vì đã thoá mạ một người phụ nữ trước đám đông như thế thì thật hèn hạ và bẽ mặt cho chị. Thật ra, lúc đó tôi chỉ muốn dằn mặt cái tự kiêu của chị, mà trước đó tôi đã đối đầu nhiều lần với chị trong tiến độ thi công khách sạn. Thực ra, tôi đã ngầm ngán chị là một phụ nữ kiên quyết đầy bản lĩnh, mà trước đó tôi hơi xem thường chị.
Gần 10 năm trời trôi qua. Hôm nay tôi chân thành chính thức đưa ra lời xin lỗi chị! Mong chị nhận cho. Nếu chị cần tôi sẽ đăng lên báo lời xin lỗi. Và quả thật, hồi đó tôi còn quá trẻ để làm điều nông nổi đó! Và bây giờ để chuộc lại lỗi lầm, tôi xin mời công ty chị bảo quản vệ sinh sạch đẹp cho nhà hàng Thanh Vân với giá bao nhiêu tôi cũng xin chiều. Thêm một lần nữa, tôi xin lỗi chị là đã đặt tên nhà hàng trùng tên chị mà không hỏi ý kiến của chị. Tất cả cũng chỉ để chuộc lại lỗi lầm mà thôi.
Chị Hà Thanh Vân sút bật khóc trong ống nghe. Trời ơi! chị chờ một lời xin lỗi này đã quá lâu rồi! Thời gian mòn mỏi trôi đi tưởng chừng sự trông đợi đấy sẽ chìm vào vô vọng, và bây giờ, sự việc đó đã đến ngoài sự trông đợi, bảo sao chị không mừng suýt bật khóc kia chứ! Khi tự ái của một người đàn bà được vuốt ve, vỗ về, họ sẽ cởi mở lòng mình một cách rất bao dung rộng lượng!
***
Và ký ức buổi chiều hôm nào đã trở về đây không phải bằng cái bóng đen nhục nhằn mà thay bằng sự ngọt ngào của ký ức. Và chính cô cũng không ngờ rằng: cái hình ảnh ngã quỵ với những giọt nước mắt nhục nhã ê chề dưới lan can tầng trệt, đã lọt vào cặp mắt của vị Giám đốc khách sạn người Hồng Kông đang dõi mắt từ tầng trên nhìn xuống, đã gây xúc động và ấn tượng cho ông về hình ảnh đó.
Một hình ảnh vừa kiên quyết dũng cảm đầy bản lĩnh trong cuộc đọ sức tay đôi với viên quản đốc khách sạn. Thực ra, ông muốn bênh vực cho chị lắm chứ! Nhưng ở vai trò một Giám đốc ông không thể bênh vực người ngoài để làm bẽ mặt cho nhân viên của ông được.
Và ông thật sự cảm động nhất là cái ngã gục của người đàn bà rất nữ tính, khi khóc sướt mướt cho sự bất công đó, khiến ông đã chảy nước mắt thương cảm. Rồi ông phải trở về Hồng kông để giải quyết một số vấn đề tồn đọng ở bên ấy. Ông tự nhủ với lòng mình: Khi nào trở lại VN, mình sẽ mời cô ấy hợp tác với khách sạn.
Và rồi vì những trục trặc vừa có tính cách nội tại và ngoại tại đã khiến cho khách sạn đó đã đóng cửa trong suốt ba năm. Ba năm sau, khi trở lại VN, ông đã đến mời chị hợp tác và đã tỏ bày những cảm xúc của ông về buổi chiều đó! Lúc bấy giờ, chị Vân muốn oà lên khóc cho muối mặn rửa sạch những ấm ức và nỗi nhục nhằn bấy lâu.
Những ngày sau cuộc điện thoại đó, người ta thấy một bà Giám đốc khác hẳn. Những sự hồ hởi vui cười đã làm cho khuôn mặt chị thêm rạng rỡ, đã thay thế cho khuôn mặt nghiêm nghị và đôi mắt lạnh lùng bấy lâu nay.
Phải chẳng, chị Hà Thanh Vân đã làm một cuộc vượt vũ môn hóa rồng trong cả sự nghiệp và tình yêu ???
Châu Sơn ngày 16/02/006