Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
342
122.645.983
 
Cao Xuân Hạo: "Tôi chỉ là một người làm nghề chuyên môn của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc"
Đỗ Quyên

 PHÙ VÂN phỏng vấn

 

Lời dẫn & Chú thích của Người biên soạn:

Mười chín năm trước, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 năm 2001, ở ngoài nước đã có một bàn tròn mang tên "Diễn đàn Liên mạng Trí Thức Việt Nam" (gọi tắt Diễn đàn LMTTVN hoặc Diễn đàn) từng thảo luận xung quanh vấn đề con người Trí thức và đất nước Việt Nam, mà chúng tôi - cùng nhà báo Phạm Hoàng - có cơ duyên làm Ban điều hành. Ngay khi đó, nhiều báo chí, truyền thông hải ngoại đã phổ biến, đăng lại tin, bài. Sau khi cuộc hội thảo ngưng, tạp chí Hợp Lưu (Hoa Kỳ) có đề nghị chúng tôi làm một tuyển chọn và đã cho in trong một kỳ báo cùng năm.

Giữa các sinh hoạt báo chí, truyền thông về văn nghệ-văn hóa của người Việt khắp trong nước và ngoài nước với nhiều thập niên qua, Diễn đàn LMTTVN đã được dư luận văn hữu xem như là hình thức đầu tiên độc lập, công khai, đại chúng và trực tiếp của văn nghệ sĩ, trí thức VN trong-ngoài hình chữ S cùng gặp nhau “trên trời” bên một số vấn đề rộng lớn sát mặt đất của văn chương, văn hóa nước nhà.

Cũng bởi lần đầu tiên, lại ở thời kỳ giao lưu trong-ngoài đất nước còn hạn chế về mặt thời cuộc và kỹ thuật liên mạng, các Tham dự viên chính thức ở trong nước của Diễn đàn còn ít ỏi về số lượng nhưng về chất lượng thì... ngang cơ.

Dưới tiêu đề Trí thức - Văn nghệ sĩ và Thời cuộc Việt Nam, có tới non trăm Tham dự viên đến từ hầu hết thành phần người Việt toàn cầu đã "bàn phím chiến" trong 7 tháng liên tục với tinh thần và thái độ rất "trí thức Việt Nam" theo nghĩa bình thường nhất của các từ này, qua 4 đề tài trải rộng trên cả ngàn bài tham luận, trao đổi, góp ý hiện còn lưu tại địa chỉ Yahoo Groups

https://groups.yahoo.com/neo/groups/Tri_thuc_VN/info .

Dồn dập trong tin bài hàng ngày hàng giờ như thế, vào ngày mồng 6 tháng Sáu, ở số thứ tự 314, bất ngờ hiển hiện một bài mang nhiều nét đặc biệt. Dưới dạng phỏng vấn bỏ túi, súc tích mỗi lời hỏi lời thưa đều mang hàm ý sâu sắc và cụ thể, ở cả nội dung Trí thức VN cùng tư cách người tham luận: GS Cao Xuân Hạo (1930-2007) - một nhà Việt ngữ học hàng đầu, một nhân vật đã làm con người Việt và tiếng nói chữ viết Việt đương đại đều đáng được kính quý.

Bản gốc của bài phỏng vấn lưu ở đường dẫn

https://groups.yahoo.com/neo/groups/Tri_thuc_VN/conversations/messages/314 .

Trước khi sao chép lại (1), trân trọng chuyển đến bạn đọc văn bản tình nghĩa của hai người-văn giờ không còn nữa, chúng tôi còn muốn "bật mí" một sự việc như là kết quả của chuyện bài vở. Ảnh hưởng của bản tham luận với các bài vở kèm theo cùng tài năng, đức tính của hai tác giả Cao Xuân Hạo - Phù Vân (bút danh của nhà văn Nhật Tuấn; 1942 - 2015) đã khiến bạn đọc Diễn đàn ngẫu hứng nhanh chóng làm một đợt quyên góp tài chính cho Giáo sư Hạo. Để rồi sau đó cuốn "Tiếng Việt Văn Việt Người Việt", NXB Trẻ 2001, được ra đời. Trong vụ này, cũng mạn phép ghi xuống nơi đây công quả đáng kể của nhị vị Tham luận viên: nhà thơ-nhà báo Phan Tấn Hải và ký giả Đoan Hùng.

Mời bạn đọc đến với bài phỏng vấn GS Cao Xuân Hạo của nhà văn-nhà báo Nhật Tuấn/ Phù Vân cùng các thông tin kèm theo mà chúng tôi đã biên soạn đôi chỗ (trong dấu [...])

Vancouver 6/6/2020 - Đỗ Quyên

 

 

*-*

 

"Kính anh Đỗ Quyên và Phạm Hoàng,

Nhân có ông Phan Tấn Hải, Việt Báo, thông qua forum muốn tìm những bài viết về ngữ pháp tiếng Việt của ông Cao Xuân Hạo, tôi đã ghé nhà Giáo sư để xin những tài liệu đó. Vui chuyện, tôi mạn phép làm "phóng viên " cho Cánh Én làm một phỏng vấn chớp nhoáng về đề tài Trí thức mà ta đang hội thảo đây.

Nay kính        

Phù Vân"

*

 

Phù Vân: Thưa Giáo sư Cao Xuân Hạo, xin Giáo sư một cái định nghĩa "Trí thức là gì?"

Cao Xuân Hạo: Tôi... không biết, nhưng tôi biết một người chắc chắn là trí thức. Đó là ông Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông này khi làm Bộ trưởng thấy tình trạng quá ưu đãi con em công nông trong thi cử, sợ chất lượng tuyển sinh không cao nên đã đề nghị công khai hóa số điểm thi. Lập tức Bí thư Đảng đoàn lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tống (2), chụp ngay cho cái mũ là "đâm dao vào sau lưng giai cấp công nông". Từ đó ông Tạ Quang Bửu bị cách chức.

PV: Vậy còn ai là trí thức nữa?

CXH: Còn nhiều chứ? Ông Phan Đình Diệu, ông Nguyễn Tài Cẩn, ông Hoàng Tuệ, ông Lê Mạnh Thát...

PV: Và cả Giáo sư Cao Xuân Hạo nữa chứ...

CXH: Tôi chỉ là một người làm nghề chuyên môn của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc...

PV: Đó cũng là một định nghĩa về trí thức rồi. Vậy Giáo sư có thể nói một câu thật tâm đắc về trí thức không?

CXH: "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã."  [Luận ngữ - Vi chính; Dịch nghĩa: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết (3)]. Ngài Khổng Tử đã nói như thế. Câu này tưởng dễ mà rất khó.

PV: Vừa rồi có người đưa ra khái niệm "Trí thức quốc doanh". Thầy có coi là vơ đũa cả nắm không?

CXH: "Trí thức quốc doanh" - một cụm từ rất hay. Tôi hiểu đó là những người thuộc thành phần công-nông được nhà nước đưa đi đào tạo, không cần học giỏi, chỉ cần có bằng để mai mốt về... lãnh đạo, bởi thế càng ngu càng... tốt. Vừa rồi, Giáo sư Phan Đình Diệu có nói trong một cuộc hội thảo: "Tất cả những gì Nhà nước đã công nhận đều là... đồ rởm". Ông nói vậy nhưng không ai nghĩ rằng ông "vơ đũa cả nắm" cả.

PV: Là người lo lắng đến sự tồn vong của tiếng Việt, Giáo sư đánh giá thế nào về đóng góp của các nhà văn, nhất là "một pháp sư về chữ nghĩa" như nhà văn Nguyễn Tuân...

CXH: Tôi e rằng khi viết, yếu tố "bản ngữ" trong các quý vị đó bị lu mờ bởi con người nghệ sĩ. Với nhà văn Nguyễn Tuân, riêng tôi cho rằng ông đã làm ra một thứ tiếng Việt "nhân tạo".

PV: Bản ngữ? Nó nằm ở đâu, thưa Giáo sư?

Cao Xuân Hạo: Trong folklore, trong ca dao, tục ngữ... tiếng Việt ta đẹp lắm, giàu bản sắc lắm, nhưng cứ cái đà này 20 năm nữa tiếng Việt sẽ...

Phù Vân: Xin cảm ơn Giáo sư.

*

Tôi kèm đây những bài theo yêu cầu của ông Phan Tấn Hải. Ngoài ra còn có một tham luận của Giáo sư Cao Xuân Hạo về tính hiếu học của người Việt Nam xưa và nay, tại cuộc Tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý dân tộc tổ chức tại Hà Nội ngày 20 tháng 12 năm 2000. Hiện Trung tâm này đã giải tán. Tham luận này đã được trích đăng trên báo Xưa và Nay, Văn Nghệ trong nước. Đây là cả bản tham luận ấy, các Quý vị có thể tùy nghi sử dụng.

Đôi nét về Giáo sư Cao Xuân Hạo:

Là thứ nam của nhà Hán học Cao Xuân Huy, Giáo sư Cao Xuân Hạo là một trong hai người nghiên cứu tiếng Việt sáng giá nhất hiện nay: [vị kia là] Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, người đầu tiên mang về Việt Nam lý thuyết âm tiết-hình vị (slogomorphema). [...] Riêng Giáo sư Cao Xuân Hạo [...] hiện là Chủ tịch Hội đồng chấm thi tiến sĩ, nhưng Nhà nước chưa phong cho chức Phó Giáo sư. Hai tác phẩm rất nổi tiếng của Giáo sư Cao Xuân Hạo là “Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng" (NXB Khoa học Xã hội 1991) và "Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa"  (NXB Giáo Dục 1998). Hiện ông công tác tại Viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh.

*

Danh sách 13 tài liệu GS Cao Xuân Hạo đã gửi tặng bạn đọc Diễn đàn LMTTVN [Phù Vân chuyển đến trong một bài khác]:

1- Về cách phát âm các đại từ chỉ người và chỉ chỗ trong tiếng Sài Gòn

2- Ngôn ngữ học có thể đóng góp gì cho việc tìm hiểu Tư duy và Văn hoá Việt Nam?

3- Chút ít lương tri trong thời kinh tế thị trường

4- Những tri thức và kỹ năng về tiếng Việt cần được dạy và học ở trường phổ thông

5- Về tính hiếu học của người Việt Nam xưa và nay

6- Linh hồn tiếng Việt

7- Lỗ là một vật

8- Mạnh hơn bão táp

9- Chứng vĩ cuồng

10- NGHỈ hay NGHĨ

11- Nghĩa của MÀY NGÀI

12- Về khái niệm Quy tắc ngữ pháp;

13- Làm thế nào để viết đúng chính tả?

 

PHÙ VÂN

--------------

Chú thích:

 

(1) Có tham chiếu từ những bài sau này viết lại của Nhật Tuấn; như:

 http://nhattuan2011.blogspot.ca/2014/07/nhan-ngay-sinh-co-giao-su-cao-xuan-hao.html

(2) Khi soạn bài chúng tôi mới hay đó là lỗi biên tập của mình từ dạo đó. Có lẽ Cao tiên sinh nhớ/nói lộn hoặc Tuấn văn sĩ mắc lỗi nhầm họ của nhân vật? Đúng ra vị này là Trần Tống (1916-1988); Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nguyên Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nguyên Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.

Nguồn:

http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/tac-gia-tac-pham/201001/tran-tong-trong-ky-uc-nguoi-o-lai-67976/

(3) Theo bản dịch từ https://mapp.dkn.tv/post/969428

 

 

 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 1779
Ngày đăng: 22.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ văn hóa và Thơ văn học - Nước sông không phạm nước giếng - Đỗ Quyên
Truyện Lục Vân Tiên với tranh minh họa đã bị lãng quên 120 năm tại Pháp - Vương Kiều
Đặng Thơ Thơ, không có biên độ giữa thực và hư - Đặng Phú Phong
Phỏng vấn về Nguyễn Viện - Bùi Hoằng Vị
Phút giây nhìn lại… - Nguyễn Hòa vcv
TRÒ CHUYỆN VỚI "Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille" - Trần Trung Sáng
NHÃ THUYÊN : Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…? - Đặng Phú Phong
Nói chuyện với suối hoa và khoảnh khắc trong thiên nhiên(*) - Đinh Cường
Nhà văn Nhật Chiêu: Tổ tiên ta - cột mốc về dịch thuật - Nhật Chiêu
Sự Đau Khổ Của Những Người Vô Tội - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)