Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
636
122.646.872
 
Đơn thân
Hồ Đình Nghiêm

 

Mùa này gió nhiều, siêng thổi. Nó đi lồng lộng giữa trời cao đất rộng rồi lòn lách giữa con lộ đầy xác lá. Gió làm cảnh sắc co rúm lại, đi nghênh ngang để vặt trụi những thứ đang cố sức bám víu, cần một nương náu, một tàn hơi mà Hạ bỏ sót đó đây. Không cứ là ngoại vật, dấu kín tận trong lòng cũng bị ảnh hưởng, một nỗi niềm se sắt vừa bị gió đánh động, hờn căm. Hình như Thu vẫn chướng thế, Thu làm người ta buồn vô cớ, chẳng mấy ai hân hoan. Thu là khúc dạo đầu ngắn, mở ra trường khúc mà Đông đang chuẩn bị đóng bộ, khởi động cả giàn giao hưởng buốt lạnh tiếng kèn đồng.

 

Con lộ thưa bóng bộ hành. Nhoè nhoẹt thảy, riêng có một đốm sáng mãi thấp thỏm bám mình vào thân cây đã hết lá để trút xuống cho nhẹ thân. Cây gầy xương, da thịt sần sùi. Đốm sáng ăn nhờ ở đậu ấy là một vuông giấy được rịt giữ bằng hai vòng băng keo trong. Giấy chưa oằn cong, chữ và hình ám lên  chưa phai nhạt; điều đó ngầm cho hay thứ cáo thị tầm nã kia chừng yết thị chưa lâu, nhiều lắm chỉ mới ba bốn hôm, bởi năm sáu bảy thì đã khác, úa màu tả tơi và chẳng chừng đã bị gió tha đi mất, thôi hiện hữu.

 

Anh biết tên người khổ chủ, kể cả số điện thoại. Bà hứa sẽ hậu tạ nếu ai tình cờ nhìn thấy, chỉ ra chốn ẩn nấp của con mèo tam thể mang tên Minou lỡ dại bỏ nhà ra đi. Mùa hè năm ngoái anh cũng từng đứng vác mặt nhìn ngó vào một thân cây: “Missing. Nancy, 15 tuổi, cao thước sáu, nặng 45 kí, tóc vàng, trước khi mất tích cháu mặc áo thun đen và quần jeans xanh. Xin làm ơn, nếu phát hiện cháu hãy thông báo cho gia đình chúng tôi hoặc điện thoại ngay cho cảnh sát…” Anh vẫn nhớ khuôn mặt hồn nhiên của Nancy mãi lung lay vương vấn ở thân cây suốt tuần trong khi nhật báo địa phương chỉ trong hai ngày sau đã đăng tải đôi dòng mực lem nhem về một Nancy xấu số được phát hiện bên bờ sông, vùi nông dưới đám đất đầy cỏ dại cùng hoa vàng không tên nở từng đốm li ti rung động. Báo có đưa ra thông tin của sở cảnh sát: Những vụ mất tích như thế này, thường thì 68% đều dẫn tới kết quả tồi tệ, những phần trăm còn lại là đương sự phật lòng bỏ nhà đi hoang chẳng cần thông báo hoặc giang hồ mỏi cánh cả tháng rồi chán nản dẫn xác về lại nhà. Một thứ quy cố hương rất dễ làm tổn thọ, tía má chết nửa người đứng dụi mắt rục rịch hồi sinh con tim luôn nhồi máu.

 

Mèo không giống người nên mức độ quan tâm dành cho động vật, dẫu thú cưng, chẳng gây mặn nồng cho một ai. Một đứa rớt mồng tơi cũng chẳng rách việc đi tơ tưởng nóng sốt tới số 300 đô la tiền “hậu tạ”, bỏ công lùng sục dòm ngó cống rãnh bụi bờ những mong trúng lô an ủi. Và anh luôn rỗi việc để quàng xiên: Do đâu mèo bỏ nơi trú ngụ ấm áp để meo meo ngác ngơ bốn chân bước êm ra chốn hiểm nguy nhiều gió bụi? Người có mắng nhiếc áp bức vũ lực tra tấn bỏ đói? Vin lý do gì để nó mang phận lưu vong? Không đâu, cưng lắm mới dán thông cáo vào thân cây mọc ở đường chiều lá rụng, mới “dám” bỏ ra 300 để hy vọng chóng bắt gặp cảnh đoàn tụ lắm mừng tủi vỗ về. Chỉ còn một lý do, anh nghĩ chẳng xằng bậy một mảy may: Nó khát tình. Người có mang lòng rộng tựa hải hà cũng không trám được nỗi khát khao một cận kề bên chủng loại khác giới tính. Meo meo, “tôi” sẽ gào lên trong đêm khuya thanh vắng và rồi không chóng thì chầy, bạn tình “tôi” sẽ xuất hiện, sẽ cuống quýt giản hạn cho nhau, siết bao hạnh phúc, cho bõ những ngày cơ cực đói meo việc giao cấu.

 

Thế rồi cơn mưa tuyết mỏng đầu mùa lất phất bay xuống. Anh chẳng hề hay biết, anh thức dậy muộn, bần thần nhìn qua ô cửa, so vai với cái lầy lội đang làm bẩn đi “bức tranh” chật cứng một sắc màu vàng rỡ. Nay mai nó sẽ xấu tới độ đáng phàn nàn, nó co ro, nó hoang tàn, trống vắng đến sắt se. Anh quyết định thay đổi áo quần, sùm sụp đậy đệm vào thân nặng nề như một xác ướp. Anh cần tìm tới một quán cà phê. Trụ đầu đường, không mấy xa. Và rảo chân đếm bước là một phương cách khả dĩ được xem như thể dục giúp điều hoà kinh mạch. Quán có ba nhân viên, nếu không thay đổi nhân sự, hai gái một trai ấy đều quen mặt anh. Quen tới mức, anh nghĩ, họ sẽ cho anh ký sổ nếu thiếu tiền. Quen tới độ họ biết thức anh ưa uống, chẳng bóng gió nếu anh ngồi chết dí trong góc, lâu quá mức quy định. Từng biếu không cho anh một cây viết khi thấy anh ném cây bút bi hết mực của mình vào thùng rác. Thân tình mới xử sự như thế. Cười rất tươi, vui rất mực và họ đã gọi anh bằng Sir. Nửa phần trịnh trọng nửa phần bông lơn. Họ không tiện hỏi tên anh, cũng như chẳng thắc mắc rằng Sir đang viết thứ gì trong tập giấy oằn cong có vẻ trường giang đại hải thế? Bất tận, chưa tiện đi tới dấu chấm sau cùng. Trong ba nhân viên mặc đồng phục y trang nọ, anh có cảm tình với cô thấp người nhất, mảnh mai, trắng trẻo, nụ cười ngây thơ. Lý do: Cô từng ra đứng bên anh, ngoài hàng hiên để cùng thở khói thuốc. Người ta bảo khói thuốc hôi, anh dấu ý nghĩ thích được hôn hít cái độc hại đáng nguyền rủa ấy luôn phát ra trên đôi môi mọng thắm của cô. Anh không nhớ khi Roméo tỉnh thức, biết Juliette quyên sinh bằng thuốc độc, hắn có hôn, có liếm quanh bờ môi chung tình ngây dại ấy không? Hoặc ngược lại? Dẫu sao thì tình yêu, tự thân đã là độc dược. Yêu là chết (trong lòng một ít?)

 

Khi anh bưng tách cà phê size medium tìm tới chỗ ngồi quen thuộc thì phát hiện một thứ khác lạ so với thường nhật. Bàn bên cạnh có một bà đứng tuổi ngó anh đang cởi áo ngự hàn. Ánh mắt không ấm chẳng lạnh, thấp xuống giữa ngực bà, trốn trong chiếc áo laine màu tím lòi ra thêm cặp mắt khác, dọ hỏi trong ngác ngơ, râu ria lún phún. Anh nhấp môi vào dung dịch thơm nồng, hưởng được chút ấm áp anh sửa giọng: Xin lỗi có phải bà là Monique không ạ? Cái gì? Tại sao ông lại biết tên tôi? Ánh mắt đã đổi thay khi chuyển nặng sự ngờ vực tới anh. Tia nhìn của một người đã về già, chẳng nhìn xa trông rộng. Anh đoán e bà ấy lớn tuổi hơn mình, ngũ niên chẳng hạn. Giờ này mắt anh cũng thôi tinh tường trước sự vật được ngắm, đã từng sai lạc lượng định nếu chẳng mang cặp kính trắng. Ơ, chỉ tình cờ thôi. Bà tìm được Minou rồi đấy à? Nghe tới Minou, con mèo ngóc đầu nhìn tới anh: Meo, meo. Người đàn bà nhìn xuống, đưa tay vuốt ve. Không, nhớ nó quá, bực bội quá, nên đứa con tôi đã mua cho mẹ nó một con điền thế vào nỗi mất mát kia. Trời càng lúc càng lạnh, chẳng rõ số phận Minou sẽ ra sao! Ông cũng ngụ ở quanh đây? Phải, chỗ tôi thuê ở cuối đường. Sáng nay tôi vẫn còn nhìn thấy tờ giấy ghi tên cùng số điện thoại của bà mãi rung động ở thân cây. Ơ, đứa con tôi đã bỏ công photocopy rồi mang xấp giấy đi ghim suốt bốn con đường. Ngộ nhỡ như ông thấy Minou thì nhớ trao thông tin cho tôi mừng vui. Anh Oui một tiếng rõ to, Yes một cú sốt sắng, chỉ không thêm vào sự hứa hẹn. Nếu anh bỏ nhà ra đi, một là đã tìm ra bạn lòng hai là vẫn xớn xác giữa dọc đường lắm chông gai, rất lấy làm hổ thẹn để quay đầu về bến cũ. Tựu trung xem như mất tăm mất tích. Cạn kiệt niềm trông mong. Ai từng vượt biên cũng ngộ ra điều ấy cả.

 

Ông ở với ai? Ông thích nuôi mèo không? Anh nhìn xuống chiếc tách men sứ trắng của người hỏi, mực cà phê vơi cạn bên trong và màu son đỏ in dấu ở ngoài: Trước tôi có mèo nhưng nay thì côi cút riêng mình. Anh trả lời và hy vọng là bà Monique chẳng thông hiểu cái ỡm ờ ấy. Cũng thất lạc? Cũng bỏ đi hoang? Đúng vậy. Tôi không hy vọng cho nên tôi chẳng cất công đi dán giấy với lại hứa trao tiền hậu tạ. Mắt Monique xám, thứ màu rất lạ: Sở dĩ tôi hỏi thế là vì tôi còn nuôi hy vọng, hy vọng là khi con Minou trở về, tôi sẽ tặng ông con mèo này. Tôi biết rằng sự trả công đó khiến ông dễ chịu hơn là nhận được 300 hiện kim. Anh cười rất tươi, đùa nghịch: Không, tôi thích đô la hơn mèo, vì tiền bạc không biết giận hờn để bỏ đi. Bà uống thêm gì không? Cảm ơn ông. Tôi có một cái hẹn và giờ này đã sát sao với thứ thời khắc đó.

 

Anh mở cửa cho bà Monique được thong dong chân bước. Cảm ơn, dễ thương quá! Bye nhen. Anh đáp trả, hẹn gặp lại. Gió táp vào mặt, như nhắc nhở là giam thân giữa bốn vách, dù ấm cúng là điều không nên. Anh chưa về nhà vội, anh đi ra ngoài vì anh nhát thấy “cô hàng cà phê” vừa mặc thêm áo khoác để lách thân đi tìm chút khói. Anh đứng bên cô ấy, góc quen thuộc. Khói thuốc chừng như luôn vương vấn giữa thân nhiệt hai đứa giao hoà. Ông quen bà ta? Lý ra bà ấy phải hiểu nội quy là cấm mang theo thú vật khi vào ngồi trong quán. Anh nhìn những lọn tóc vàng rối rắm, cố tình rối rắm kiểu thời trang chứ không hẳn là đứa lu bu đầu bù tóc rối. Đôi lúc một người siêng chải tóc sẽ chẳng sở hữu được thứ vẻ đẹp có vẻ hoang dại thế. Cô thích nuôi mèo không? Không, phiền muộn mình đang gánh chưa đủ? Tại sao mình phải rước vào thân thêm một sự rắc rối khác? Còn ông? Tôi cũng mang ý nghĩ hệt như cô, nếu bị ép buộc thì tôi thích chó hơn mèo. Tại sao khách hàng không được mang chó mèo vào quán? Tôi đâu biết, cũng như tôi chẳng hiểu tại sao khi bước chân vào bệnh viện bà con đều phải tắt hết máy điện thoại cầm tay. Gây dị ứng? Gây ô nhiễm?  Dù gì đã là nội quy thì đều có lý do bên trong. Trước đây chúng ta có quyền ngồi trong đó hút thuốc, giờ thì không, mai sau chắc phải lên trên núi mà tự sướng! Sao ông cười? Tôi thích nghe những ví von, những liên tưởng của cô. Nếu đó là sự thật, tôi sẵn lòng dạo núi cùng cô hoặc đi về chốn thâm sơn cùng cốc, sơn cùng thuỷ tận. Long, long way from home… Nobody knows.

 

Người ta đã chỉnh sửa đồng hồ, lùi lại một giờ. Trời chóng tối, chập choạng, mù mờ. Bảy tám giờ mà ngỡ như bắt đầu thiếp vào canh khuya. Kể cả những bóng điện vàng thắp dãy dài ngoài đường chừng như cũng gục đầu ngái ngủ, vào mùa hè sắc màu chúng toả ra có vẻ cuồng nhiệt, hớn hở hơn, lan toả hơn, rậm rật hơn. Nhưng ngọn đèn thắp trong nhà thì lại khác, anh ngồi ở bàn viết dưới đốm sáng vàng ấm, chụp xuống, mơn man trao gửi vào anh chút an tâm. Anh ngồi yên trên ghế, để cho phép mình chìm đi trong nỗi tịch lặng. Tiếng trở mình ở máy sưởi điện, giọt nước rơi cách khoảng từ bồn rửa chén. Và vọng lên rất nhỏ, tiếng gió rít qua những khe hở cách ngăn ra hai thế giới giữa trong, ngoài. Anh lơ mơ đổi thế ngồi, hoài nghi có bao giờ con mèo Minou đi lạc sẽ đưa chân cào vào cửa trước. Những con sóc thì chẳng hoạt động ban đêm, chúng lên cây tìm ổ co ro giấc ngủ sớm. Không, rõ ràng đó là tiếng đập cửa, từ nhỏ tới lớn, từ ngần ngại đến quyết đoán. Anh đứng dậy, mở sáng thêm ngọn đèn bắt ở hành lang đâm tới cánh cửa đóng chặt. Cửa mở, gió lùa vào. Gió như rình sẵn sau nhân dạng mặc áo bành tô nỉ màu đỏ. Tóc người ấy rối tung che choáng gần nửa khuôn mặt. Một nhân diện thân thuộc. Một mùi nước hoa thơm nhạt, xa vắng. Em không có chỗ nào để dừng bước, anh có thể cho em vào nghỉ chân một lát không? Dĩ nhiên. Anh nói và đứng tránh sang một bên. Người ấy kéo theo cái va ly có bốn bánh. Anh đóng cửa. Mọi thứ chừng như chẳng thay đổi? Người ấy nói khi cởi áo ấm ra, móc lên giá. Anh đi tìm một đôi dép có quai nhựa đỏ, của đàn bà. Vẫn vậy, trước sau vẫn thế, chẳng đổi dời. Cảm ơn anh.

 

Anh nhìn rõ sự lúng túng vụng về của người từng một lúc có hai tên gọi khác nhau: Sương và Sandy. Sương ở chung với anh bốn năm, sang năm sau Sandy đột ngột bỏ đi. Anh thử bới tìm một lý do nhưng bất lực, anh cũng không tin vào câu sấm “lỗi tại ta mọi đàng”. Em thật điên rồ, em thật có lỗi, em thật đáng bị nguyền rủa… Sương nói. Anh nhìn xuống những ngón chân sơn đỏ đang tròng vào đôi dép như vừa tìm thấy chút tự tin. Không ích gì đâu, chuyện đã lỡ, đừng tự trách mình. Em muốn tắm cho nhẹ người, có được không anh? Đâu thành vấn đề, Sương biết chỗ tôi cất khăn lông, kể cả bộ đồ mặc ngủ của Sương vẫn xếp yên trong tủ. Hẳn Sương chưa lót lòng cơm chiều? Có đói bụng không? Tôi ra ngoài tìm mua thức ăn.

 

Anh mặc áo, cột khăn, trùm mũ nỉ che tai. Anh không hỏi Sương thích ăn gì, vì anh biết khẩu vị và sở thích ẩm thực mặn nồng của cô ấy. Mà cho dẫu miệng lưỡi kia cũng đổi thay thì cô phải ráng mà nuốt cho xuống, cho xứng công kẻ tự nguyện ra đi trong gió lạnh. Thực phẩm không trôi đôi khi do bởi người ta quá buồn bã hoặc quá cảm động. Anh hồ đồ nghĩ thế.

 

Không mấy lúc anh ra đường vào giờ này, vì thế anh chẳng hay biết nhân viên trong quán bán cà phê đã thay ca. Anh muốn hỏi cô con gái thường đứng hút thuốc cùng anh về một cách ứng xử, một thái độ cần thiết… nhưng cô ta xong việc lúc 6 PM. Ngược lại, quá đỗi bất ngờ anh đụng mặt bà Monique. Ông đi đâu đó? Không đùa đâu nhé, rõ là có duyên phận, con Minou đã tìm về với tôi, xác xơ chút đỉnh nhưng chẳng hề gì, nó sẽ chóng tìm lại cái béo tốt như cũ. Tôi không thích chúng tụ bầy lập đảng vì vậy tôi biếu anh con Mica này, nó hiền ngoan lắm, rồi anh sẽ mến nó. Tôi hy vọng là tìm đúng người, chọn mặt gửi vàng. Ông còn nhớ số điện thoại của tôi không? Chúng ta nên liên lạc để trao đổi kinh nghiệm về tính khí, sở thích của loài mèo. Ông chớ làm tôi thất vọng.

 

Anh đón nhận trong miễn cưỡng cục bông gòn ấm áp vừa nằm gọn trong đôi tay vụng về. Trên cao, xé rách màn đêm những bông tuyết vần vũ rơi đầy. Anh thu con mèo nhỏ thó vào trong áo khoác, trước ngực, chẳng muốn nó cảm lạnh. Tiệm tạp hoá của người Đại hàn đằng kia vẫn chói loà ánh điện thắp, lắm kẻ vào ra. Mày sẽ được ăn no. Anh nói với con mèo. Không rõ nó có hiểu được tiếng Việt ?

 

 

Hồ Đình Nghiêm
Số lần đọc: 977
Ngày đăng: 12.02.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người trở về - Trần Yên Hòa
Lan man chuyện tết - Hoàng Xuân
Trắng xóa màu đêm - Hồ Đình Nghiêm
Tí ta tí tách - Nguyễn Thị Kim Lan
Cá không ăn muối - Hồ Đình Nghiêm
Hư ảnh - Hồ Đình Nghiêm
Nỗi lười biếng ngọt ngào đêm giao thừa - Phạm Nga
Thành phố không nằm trong trí nhớ - Hoàng Nga
Mặt chuột - Hồ Đình Nghiêm
Nhà trên đồi - Hoàng Nga
Cùng một tác giả
Mặt chuột (truyện ngắn)
Hư ảnh (truyện ngắn)
Cá không ăn muối (truyện ngắn)
Trắng xóa màu đêm (truyện ngắn)
Đơn thân (truyện ngắn)
Dáng lụa (truyện ngắn)
Phong thư tình (truyện ngắn)