Ngày ấy, giữa cái thời gạo châu củi quế những năm của thập niên 80 thì chuyện nước nôi cũng là một sự thiếu thốn chung mà điển hình là xóm giếng Chùa làng Hạ chúng tôi ngày ấy. Sở dĩ có tên giếng Chùa bởi giếng nằm ngay trước chùa Thiên Hoà nên không biết tự bao giờ lúc chúng tôi bé tí đã có tên gọi là giếng Chùa rồi.
Giếng là nơi cung cấp nước cho gần ba chục nhà cả xóm trên lẫn xóm dưới. Nước giếng Chùa mát ngọt lắm so với những giếng khác trong làng nên sau này cho dù có nước máy mọi người trong xóm chúng tôi vẫn có thói quen dùng nước giếng để nấu ăn là vì vậy.
Từ sớm tinh mơ, cả xóm đã rộn ràng tiếng gọi nhau rủ đi gánh nước. Tiếng chào hỏi, tiếng quang gánh của các chị, các dì, các chú với đôi thùng nhôm va leng keng, tiếng gàu múc nước xối xả đã tạo nên một xóm giếng Chùa chân chất mà đậm tình làng nghĩa xóm.
Các chị các O tranh thủ những ngày héng nắng sau những ngày mưa dài giặt chiếu, giặt mền, tiếng nói chuyện cười đùa rộn rã. Những đôi má thiếu nữ ửng hồng lên trong nắng sớm ban mai khi chợt bắt gặp ánh mắt anh trai làng lén nhìn vội, giả đò vô tình múc nước đầy gàu nhưng không đổ vào thùng mình lại đổ vào cho thùng của ai kia.
Lũ trẻ con tồng ngồng ngây thơ chưa biết thẹn thùng vô tư vừa tắm vừa té nước đùa nghịch cùng nhau, thỉnh thoảng lại bị người lớn nạt cho mấy tiếng vì làm văng nước ướt áo quần các chị.
Đêm trăng, nam thanh nữ tú hẹn hò điểm gặp nhau cũng là giếng Chùa, những lời tình tự, những nụ hôn vừa e ấp vừa nồng nàn mà giếng Chùa đã như một chứng nhân để rồi tiếng pháo vu quy rộn rã vang lên se kết những đôi uyên ương giữa các làng về chung một mái nhà hạnh phúc.
Cũng có những lần nắng hạn, ruộng đất nứt nẻ và giếng Chùa mặc dù sâu và rộng thế vẫn không đủ cung cấp nước cho dân làng. Thế nên cảnh "chực nước" vẫn diễn ra thường xuyên. Thường thì mọi người vào ban đêm hoặc sáng sớm là lúc ít ai gánh nước để tranh thủ múc được nước cho nhiều bởi lúc ấy nước chỉ còn một lõm nhỏ dưới lòng giếng, chúng tôi nhìn xuống vẫn thường thấy một mạch nước ngầm chảy từ sâu dưới lòng đất.
Thiếu nước mọi sinh hoạt của mỗi nhà đều phải thật tiết kiệm nhưng với lũ trẻ con chúng tôi thì lại là những ngày thật là vui thích. Không ai bảo ai nhưng đã thành thông lệ ai bỏ thùng ra giếng trước thì người đó sẽ được múc nước trước, bởi thế cho nên chúng tôi thường được ba mạ giao cho nhiệm vụ là: "đi chực nước". Nhưng chúng tôi vào cái tuổi ăn tuổi chơi nào có chịu ngồi bó gối một chổ mà đợi đến phiên múc nước đâu, thế là chúng tôi bày ra không biết bao nhiêu là trò chơi: bịt mắt bắt dê, ô làng, năm mười chán lại banh thẻ, đá kiện thậm chí còn bày đặt bắt chước người lớn chơi xay vong xay vía, tối về ba mạ nghe kể lại bắt nằm xếp hàng trên phản quết đòn cho ê mông. Bảo: "Đã chừa chưa?" Vừa khóc, vừa mếu máo "Dạ chừa!" Nhưng rồi hôm sau lại đâu vào đấy, vẫn bày ra bao nhiêu trò nghịch ngợm thậm chí chơi đuổi nhau u đầu mẻ trán nhưng vẫn không chừa mấy trò ngây thơ.
Cũng có lúc vì muốn thùng nhà mình mau đầy để gánh nước về mà không tránh khỏi những cãi vả tỵ nạnh nhau, nhưng rồi một bước ra ngõ lại gặp nhau, tối lửa tắt đèn cũng có lúc cần kề cận bà con xóm giếng Chùa lại chín bỏ làm mười, lại tay bắt mặt mừng mỗi lần ra đường gặp nhau, lũ trẻ con vẫn vô tư chơi đùa gọi nhau đi học í ới, anh trai làng vẫn lén gởi thư cho cô thợ làm hương, họ vẫn thầm hò hẹn và điểm hẹn vẫn là nơi quen thuộc: giếng Chùa.
Mấy mạ mấy chị thỉnh thoảng làm bánh lọc vẫn thảo thơm đem mời hàng xóm, ba tôi vẫn ngồi hàn huyên bên tách trà trước sân cùng bác hàng xóm hiền từ. Những cô thôn nữ tóc thơm hương bồ kết vẫn rộn ràng tuốt lúa dưới vầng trăng mười sáu vằng vặc, thẹn thùng khi bắt gặp ánh mắt ai nồng nàn gởi trao.
Vậy đó, giếng Chùa và tuổi thơ tôi chỉ mộc mạc như vậy mà luôn theo tôi trải dài và đậm sâu theo năm tháng. Để trong giấc mơ của tôi vẫn luôn là những hồi ức vẹn nguyên với giếng Chùa, với lũy tre và những đêm trăng mười sáu ngây thơ, ngọt ngào.