Cảm ơn Ban tổ chức cho tôi được góp bài từ xa, qua lời đọc của nhà thơ Đỗ Lê Anh Đào/ký giả Lê Đình Y-Sa, trong cuộc hội luận mang ý nghĩa đáng có của nó, như lần đầu tiên.
Cảm ơn nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã giơ vai gồng gánh cái “giốp” đa đoan, dang tay “cầm trịch” cuộc chơi với Đề dẫn, như các bài xưa nay của anh: khoa học, chi tiết về cấu trúc; dóng diết, gần gũi về chất thảo luận; và văn chương, cuốn hút trong lối viết.
I) Mục đích Hội thảo:
Tin rằng mỗi người tham dự đều hiểu điều đó. Đồng ý, nhưng tôi vẫn muốn kể lại câu chuyện xảy ra hôm qua… Trong ngực đã thủ bài tham luận, trên đường bay tới Hội thảo, vừa ra khỏi không phận thành phố Melbourne, tôi bỗng gặp một người trông quen quen lạ lạ.
“Quốc khánh Úc quốc mà đi đâu với bản mặt đăm đăm vậy? Lỡ một cuộc nhậu? Hay hụt trúng vé số?”
“A chào… Anh… Ông là… Xin lỗi mình đang vội tới chỗ này…” – Tôi tính lánh người nửa quen nửa lạ đi cho lẹ. Nhưng máu văn sĩ trồi lên. Phải giải thích cho cộng đồng, cho bà con ta biết! – “Chuyện thế này: Mượn ké phòng mạch Việt Báo, các phòng mạch Hội Văn học nghệ thuật Việt Mỹ VAALA, Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, damau.org, nhờ ông bác sĩ Quốc làm một cuộc đánh giá mắt phải của nền văn học hải ngoại. À thì là về thành công, tiềm tàng gì đó; những điểm hay điều tốt. Nhớ giùm: Đấy chỉ là đợt thử mắt phải; vì gần đây không hiểu sao tất cả các phòng mạch cứ nhè mắt trái của dòng văn học này mà check, mà chê…”
Thưa Quý vị và các bạn, tôi đang loay hoay rút tập giấy này ra tính nói thêm với người đó rằng, Hội thảo hôm nay không tổng kiểm kê tòan bộ thị lực của văn học Việt Nam hải ngoại. Lời chưa dứt, người kia vụt bay mất tiêu. Ngờ rằng ấy chính là một tiền bối nào đó của dòng văn chương này đã về cõi cao xanh, nay trở lại trần gian giả dạng bình dân để thử hậu sinh. Qua nhân dáng, cách hỏi tôi đồ nếu chẳng Mai Thảo thì dám Nguyễn Tất Nhiên lắm; Thanh Tâm Tuyền ắt không rồi.
II) Phương pháp luận của Hội thảo, của Đề dẫn:
1. Đề dẫn có câu: “Nói đến thành tựu của văn học hải ngoại thực chất là đặt văn học hải ngoại trong tương quan so sánh với văn học trong nước. (So sánh ở đây chỉ là một biện pháp đánh giá chứ không phải là kỳ thị hay phân biệt.)”
Chả biết Hội thảo và anh Nguyễn Hưng Quốc có làm vậy trong buổi hôm nay không? Chẳng nên! Tôi nghĩ khác.
Trong vụ phê bình, nhận định, lý luận, tôi không là bác sĩ, thậm chí ông lan” cũng không. Tôi, một người viết. Những tác giả, trong nghĩa nào đó, chúng tôi cũng chỉ là những cái ống nghe, địa tâm đồ cho các thày thuốc mà thôi! Nhưng “cái ống nghe” tôi hôm nay được Ban tổ chức nống lên thành “thày thuốc”. Chắc vì trong tình trạng văn học hải ngoại khan hiếm phê bình gia, thì “nếu giới sáng tác không tự nói về mình, sẽ không có ai nói về họ cả.” (Đề dẫn)
Tôi thấy, nói chung, có 4 phương pháp đánh giá/tự đánh giá một vấn đề.
Phương pháp 1: Không dùng cách so sánh, hoặc có thể gọi là so sánh với chính nó. Muốn nói thành công, cái hay của văn học hải ngoại thì phải xem xét trong các điều kiện tồn tại của chính nó. (“Em” Văn học Hải ngoại của cộng đồng ta cao bao nhiêu, ba vòng eo ếch ra sao; trình độ ứng đáp… Và nhất là tiêu chuẩn chung của “hoa hậu” Văn chương Quốc tế là gì?)
Phương pháp 2: So sánh với các đối tượng tương đương về hình thức tượng trưng trong tính lâu dài của nó. Nói chung, với mọi sắc dân, văn học hải ngoại trước hết và – nên là sau hết – có 2 đặc trưng mà thôi: tính văn học và tính hải ngoại (di dân, lưu vong, tỵ nạn…) Hình như chưa có công trình dài hơi nào so sánh theo phương pháp này giữa văn học hải ngoại Việt Nam với các nền văn học hải ngoại lớn như Ấn, Trung Hoa, Nga… Trong cách tiếp cận này, chữ “hải ngoại” mang nghĩa rộng, đối trọng với chính quốc. Đối trọng chứ không hẳn là đối lập.
Phương pháp 3: So sánh đối tượng tương đương về thực tại của nền văn học. Ở diễn đàn hôm nay, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đề nghị dùng lối tiếp cận này khi nhìn nhận thành quả của văn học Việt hải ngoại; xin nhắc lại “(…) thực chất là đặt văn học hải ngoại trong tương quan so sánh với văn học trong nước.”
Bản chất của một nền văn học ở ngoài lãnh địa quốc gia rõ ràng thay đổi theo thời gian, tức là qua mỗi thế hệ. Với văn học Việt hải ngoại, đúng là từ năm 1975 cho tới nay 2007, vấn đề Hải ngoại – Chính quốc đã và đang không hề chỉ về mặt địa lý. Nói thẳng ra, nó là chính trị.
Như nhiều nhận định, tổng kết của giới phê bình chuyên nghiệp và không chuyên, có thể nói bao quát: Dòng Việt Nam Cộng Hòa tiếp nối sau 1975 vẫn đang là dòng chính (dòng “chính quốc” của “quốc gia” Việt Nam hải ngoại), với các dòng phụ như dòng Hợp lưu (không phân biệt Bắc-Nam, Quốc-Cộng, Trong-Ngoài); dòng Lưu vong (tâm trạng, ngôn ngữ); dòng Di dân (địa lý, văn hóa); dòng các Thế hệ sau Thế hệ 1; v.v… Tương quan đối kháng ta-địch đã và đang làm nên máu của dòng chính.
Phương pháp 4: Tổng hợp 3 phương pháp trên.
2. Bình bàn về Phương pháp 3:
Phương pháp 3, theo tôi chỉ dùng đến những năm đầu 1990, cùng lắm 1995-96 là còn hợp tình. Hợp lý thì chắc là không rồi. Vì sao?
Một, bởi cách này đòi hỏi sự khách quan rất cao. Mà vấn đề thời thế, chính trị Việt Nam rất rắm rối. Quan trọng: Tính không khách quan đã thuộc vào xương thịt dân Việt bao đời rồi! So sánh bộ mặt văn học giữa hai phe từng đối đầu, chưa nói về thẩm mỹ, tư tưởng, nhận thức, chỉ về kỹ thuật, chi tiết văn học – không ông thì bà cũng ưỡn cái bọng dạ chánh trị của mình ra.
Hai, bởi tự hình thể căn bản của từng đối tượng, việc so sánh hải ngoại và chính quốc khó như so sánh giữa… đàn bà và đàn ông! Trong chuyện nữ quyền, rõ ràng là biên giới giữa “biện pháp” với các hệ quả (“đánh giá”, “kỳ thị”, “phân biệt”) vô cùng mong manh. Hoa hồng biến thành cái roi mấy nỗi!
Ba, bởi phương trình văn học của hai khu vực đó có quá nhiều hằng số khác nhau, khiến đa số các đối thoại, so sánh hải ngoại - trong nước khó cùng một hệ quy chiếu.
Cuộc tranh luận giữa hai nhà văn Nguyễn Đình Chính và Nhật Tiến mới rồi trên Talawas phải nói là đẹp về tình văn hữu; mà chưa hữu dụng lắm về mục đích. Nó cần thiết. Hiếm có. Và, nó vẫn đang là cuộc nói chuyện của hai “ngôn ngữ đẹp” mà thôi.
Lại nhớ kinh nghiệm làm forum mạng Diễn đàn Trí thức Việt Nam của chúng tôi 5-6 năm trước. Bài của một diễn đàn viên Trong chỉ cần có vài từ nhậy cảm lập tức có nửa tá diễn đàn viên Ngoài nhảy đông đổng. Và ngược lại. (Tất nhiên, ngán gì!?) Nếu người điều phối cuộc chơi nhìn ra, trao đổi với tác giả, làm phẳng nhậy cảm đi, thì té ra 8 trên 10 vụ không phải là ở nội hàm, mà chỉ là hoặc vì từ ngữ, hoặc một trong hai bên mượn cớ “đánh” Trong, “chơi lại” Ngoài.
Tôi có mẹo đọc Trong-Ngoài. Ví dụ: Một trích dẫn, sự kiện, vấn đề của hải ngoại có thể khiến ta hiểu được 90% nội dung chỉ cần bằng câu chữ, tình tiết của nó. Còn với trong nước ta chỉ nên hiểu 70% qua mặt chữ, 30% kia phải tự tìm hiểu ngoài văn bản.
Bốn, bởi từ khoảng 10 năm nay, dòng Di dân và dòng các Thế hệ sau Thế hệ 1 đã nở xương nảy thịt trên cơ thể văn học Việt hải ngoại. Máu của dòng chính (Việt Nam Cộng Hòa nối tiếp) và dòng Lưu vong không còn hoàn toàn nuôi các xương thịt này. Một ví dụ: Trang mạng Da Màu – với máu Di dân và Thế hệ sau – mới ra đời nửa năm nay mà các tác giả của nó hầu hết là tác giả từ trước, đa số từ 10 năm qua.
III) Nội dung của Hội thảo qua Đề dẫn và các gợi ý thảo luận:
1. Thể loại: Tôi đồng ý với khá nhiều nhận định rằng, thơ và dịch thơ là hai thành tựu lớn nhất của văn học Việt ngoài nước kể từ 1975 đến nay.
2. Tác giả: Qua tìm hiểu của tôi, trong vòng 5 năm qua, đã xuất hiện nhiều tác giả làm thay đổi diện mạo văn chương hải ngoại theo hướng đẹp lên và khác hơn. Phê bình: Đinh Từ Bích Thuý, Đoàn Cầm Thi; Thơ: Lê Đình Nhất Lang, Đỗ Lê Anh Đào. Truyện: Thuận; v.v...
3. Báo chí: Dăm năm trở lại đây, giữa các báo “mặt đất” (in), Tạp Chí Thơ vẫn như một tờ báo văn học có máu thịt là văn chương, vì văn chương, của văn chương
Báo trên trời (website): Talawas (phần Văn học) dành cho số đông, tính tri thức và tính văn học sánh vai. Tiền Vệ như là cho giới viết lách, dân làng văn mà thôi. Ở hai trang mạng này máu của chúng không hẳn là văn chương, ngay cả ở Tiền Vệ - nơi có những tác phẩm rất sâu, rất dữ về thẩm mỹ, thi pháp, cách viết. Chất thời cuộc, chính trị của nó thăng giáng, mềm mại như phụ nữ; không thẳng tưng đàn ông như Hợp Lưu trước đây. Còn Da Màu thể hiện tính văn học di dân/lưu vong rõ rệt: ở cả mặt văn học lẫn mặt di dân/lưu vong.
4. Về một thành tựu mà anh Quốc đề nghị Hội thảo bàn tới: “Phương diện kỹ thuật, thi pháp, phong cách và/hay nhận thức thẩm mỹ, văn học hải ngoại có đặc điểm hay thành tựu gì đáng kể?”
Thưa có, và anh cho tôi liệt kê theo thứ tự ưu tiên sau: “em” Thơ Tân Hình Thức; “chị” Chủ nghĩa hậu hiện đại; “mụ phù thủy” Hiện thực thần kỳ; “bà nạ dòng” Tư tưởng nữ quyền; “bà già gân” Mỹ học của cái tục/của thân xác. Với chút ít mầy mò theo lối hậu hiện đại, hiện thực thần kỳ và tân hình thức khi sáng tác, tôi rất thích bàn về cái “mắt phải” này và cho rằng đây là gợi ý hấp dẫn, khai phá của Đề dẫn.
5. “Từ những ký ức văn hoá khác nhau do những nơi xuất phát khác nhau đến những ảnh hưởng khác nhau từ những nền văn hoá và quốc gia định cư khác nhau, văn học hải ngoại cứ càng ngày càng phân hoá: một lúc nào đó sẽ có không phải một mà là NHIỀU nền văn học Việt Nam hải ngoại khác nhau.” (Đề dẫn)
Mắt tôi thấy làm chi có vụ đó, anh Quốc ơi! Trên trái đất, cái làng Việt hải ngoại bé xiu như đáy tộ kho cá, và nó cô đọng lắm. Người An Nam ta đi đâu cũng mò đến nhà nhau nên hotel, motel thiên hạ dám “teo” hết nếu chỉ có chúng ta làm du khách! Rồi chính báo chí và văn học đã làm cái cầu khỉ để người Việt hải ngoại vượt qua các con sông của thế giới tìm về nhau.
Đọc mạng Tiền Vệ nào ai thấy rõ các “quốc gia định cư khác nhau” hiện ra trên văn thơ, nếu bỏ đi tên địa danh tác giả buộc phải nêu trong tác phẩm hoặc nơi tác giả cư ngụ phất phơ đáy bài viết. ”Ký ức văn hoá khác nhau do những nơi xuất phát khác nhau” cũng là chuyện nhỏ! Ông bạn thi sĩ Nguyễn Đức Tùng dân Quảng Trị, tui Hà Nội mà chúng tui hổng có thấy các “ký ức Quảng trị”, “ký ức Hà Nội” đã “phân hóa” chúng tui nếu như chúng tui đã hợp cạ nhau. Những cái phân hóa lớn nhất của hải ngoại là gì thì ai cũng biết rồi!?
IV) Năm chữ tâm đắc của tôi nhân Hội thảo và nhân Đề dẫn của Nguyễn Hưng Quốc:
1. Hai chữ “Tâm Văn”:
Văn học hải ngoại đã tạo nên một Tâm thế Văn chương đa dạng nơi các tác giả. Tâm thế Văn chương là gì? Nó cũng được điểm mặt lâu nay, nhưng có lẽ chưa ai đặt tên, khái quát như một kết quả của dòng văn học này.
Tôi muốn tạm gọi mối tương quan của nhà văn với đất nước, với thời thế xuyên qua tâm tư, hoàn cảnh riêng của cá nhân mình (thường được gọi là “cuộc đổi đời” sau khi ra ngoài này) là Tâm thế Văn chương. Và rút gọn một lần nữa: Tâm Văn.
Có thể chữ Tâm Văn này nghe chưa ổn, về cấu tạo từ vựng. Mong Hội thảo tạm cho qua. Ăn nhau ở cái nội dung.
Nếu dùng Phương pháp 3 để so sánh với các tác giả trong nước thì ta thấy, tâm văn của các đồng nghiệp đó – trừ một số ít – không nổi trội lắm qua tác phẩm của mình.
Phải thưa ngay, hai chữ Tâm Văn tôi có được là dành viếng tặng người thầy giáo dạy văn mà tôi may mắn được học ở lớp cuối trung học, trường Nguyễn Trãi, Hà Nội: thầy Văn Tâm. Những ai làm phê bình văn học, quan tâm đến sinh hoạt văn giới và giáo dục Hà Thành, ít nhiều đều biết nhà phê bình, nhà giáo Văn Tâm, tên thật Nguyễn Văn Tâm. Là nhà phê bình văn học – và không may bị sự kiện Nhân văn Giai phẩm đẩy ra ngoài lề ngay khi ra nghề và đang thành tài – Văn Tâm luôn vượt văn phận của mình, đến cuối đời vẫn giữ một vị trí tiền phong và độc đáo trong cách tân táo bạo ở sự thẩm định một số tác phẩm văn học, một số phương pháp phê bình, giảng dạy văn học… (Thầy mất đã mấy năm rồi. Tới nay tôi còn nợ mình một bài viết khóc thầy khi ở ngoài này biết tin buồn. Bản thảo vẫn là bản thảo, và đây là dịp tôi được viết ra đôi điều.)
Với không ít tác giả ở ngoài nước, khá dễ dàng xác định tâm văn của họ: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà thơ Thế Dũng, nhà văn Thuận, nhà thơ Đinh Linh, nhà phê bình-dịch giả Đinh Từ Bích Thúy… Và còn nhiều nữa, ở các tác giả thâm niên hải ngoại như: nhà thơ Thường Quán, dịch giả Nguyễn Ước, nhà thơ Viên Linh, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, nhà thơ Đỗ Kh., nhà văn Mai Thảo, nhà văn Nhật Tiến, nhà báo–nhà văn Khánh Trường, nhà phê bình Đặng Tiến… Mà cũng có khá nhiều tác giả ta không dễ nhòm ra tâm văn: Cần đọc chu đáo tác phẩm là một lẽ, và nên để tâm chút ít trích ngang/nhân thân của chính chủ.
Sự đa dạng trong tâm văn của văn học hải ngoại không khó giải thích. Chỉ còn lại những câu hỏi: Ảnh hưởng của nó lên sáng tác? Lên các động thái văn học? Tâm văn làm văn chương hay lên, hay là dở đi? Và có thể đặt lại vấn đề: sự phong phú – có phần rắc rối – của tâm văn ở các nhà văn hải ngoại là thành tựu, hay là cản trở cho nền văn học này?
2. “Bất an”
Ở phần đầu Đề dẫn “chủ xị” đã nâng cấp cho nó bằng câu:
(…) bản chất của một nền văn học lưu vong là sự bất an. Bất an về những gì được viết ra và những gì còn lại. Bất an về cả sự hiện hữu của cái gọi là văn học lưu vong; về số mệnh của nó trong tương lai gần cũng như tương lai xa. Bất an về mọi mặt.”
Của đáng tội, ai cũng biết, thuộc tính căn bản của văn học là bất an. Ở đâu, thời nào cũng vậy. Tây Tàu ta kim cổ… Nhiều chục năm trước, nghe nói nhà thơ Dương Tường đã có gợi ý về yếu tố này với văn học Việt Nam; và 5-6 năm trước nhà văn Phạm Thị Hoài đã khái quát nó ở một bài nói chuyện. (Trước hai chữ “bất an” tại bài đó, tôi vụt nhớ đến câu của nhà văn Nguyễn Thành Long – hình như dẫn lại từ một nhà văn ngoại quốc: Một truyện ngắn hay sẽ khiến ta đọc xong cảm thấy không yên ổn trong lòng.)
Theo tôi hiểu, cái bất an ở văn chương hải ngoại mà nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nêu ra là một sự thực. Và, là một cái thực bị ảo hóa. Vì sao? Vì đó không phải là bất an mang tính văn học: nó, cái bất an ấy thuộc về “tính hải ngoại” - tức là bất an địa lý, bất an ngoài bàn văn.
Bất an. Giới văn nghệ sĩ Việt hải ngoại có thể tự giải toả, một khi có các “thuật”. Tôi sẽ đưa ra thuật đó.
Thuật hiện đại: Thử so sánh ẩu, đại thể, văn học hải ngoại như là đứa con tuổi teen, vì “lý do lịch sử” không sống chung với gia đình nữa. Để giải tỏa vấn nạn này, ai trong chúng ta ngồi đây cũng có dư kinh nghiệm, trong tư cách như là cha mẹ, anh chị, hoặc như là chính teen. Riêng với giới teenager phải ráng, thậm chí chỉ trong ý nghĩ, sinh ra các tác phẩm hay ho để được “công nhận”.
Thuật cổ tích: So sánh trên phải công nhận là khập khiễng, nhiều người sẽ ứ chịu đâu. Thì hãy so sánh theo cách này: Ngày xửa ngày xưa, ở một nhà kia, có hai anh em trai. Cả hai đều giỏi, ngoan. Người cha – lại vì “lý do lịch sử” – chết sớm. Người mẹ thương cả hai cả con nhưng không sao làm hòa được xung đột giữa chúng. Cuối cùng, người em đành bỏ nhà ra đi!
V) Lời chào cuối qua một So sánh và hai Thơ:
Thưa Hội thảo,
Cỗ xe tam mã chở Ông hoàng Văn chương gồm Con ngựa Tác giả, Con ngựa Độc giả và Con ngựa Dư luận mà hiếm thấy nền văn học nào trên thế giới được cả ba con cùng tung vó dựng bờm ngon lành như nhau. Ngọn roi Thời Gian thì quất liên hồi. Bác Xà ích là gì? Là Xứ sở, Tổ quốc, là Xã hội, Thời thế, là Chiến tranh, Chia rẽ, là Tỵ nạn, Lưu vong… tùy theo số phận của mỗi nền văn học. Giày dép còn có số, văn chương cũng vậy thôi.
Thẩm định, tự thẩm định văn học Việt Nam hải ngoại – thành tựu hay bất thành – khó có thể ra ngoài hình ảnh xe tam mã chở ông hoàng.
Xin chúc Hội thảo “Văn học hải ngoại: Thành tựu và tiềm năng” không cần “thành công rực rỡ” mà vẫn có được… thành tựu và tiềm năng!
Cuối cùng, là chút mộng mơ bên bao chuyện tranh luận nặng nề. Mong Hội thảo tạm một lần đừng đọc thơ Thanh Tâm Tuyền thành “Gọi tên Văn học Hải ngoại cho đỡ nhớ!”. Mà thử đọc thơ Trần Dần (bài Chiều vô lễ) khi ngợi ca văn học hải ngoại:
“Em dài quên cân đối”
“Mông non phi lý”
Từ đó thấy được vẻ đẹp của “em” Văn học Hải ngoại. Dù “Em mang chức năng bé tí“ đi nữa, nhưng là chức năng thực – chức năng của văn học Việt hải ngoại - từ nó, cho nó và vì nó!
Rất cảm ơn Quý anh chị và các bạn đã quan tâm...
Melbourne 26/1/2007 [Vancouver - tu chỉnh 26/10/2019]