Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
494
122.646.497
 
Chiếc xe lôi
Nguyễn Phương

 

 

Hắn dong chiếc xe lôi khắp các nẻo đường trong thành phố giữa đêm khuya lặng ngắt hy vọng tìm được vài người khách nữa mới đủ tiền thuốc cho đứa con gái út còn đang nằm trong bệnh viện. Còn nhớ, trước kia, khi honda ôm còn hiếm, hắn chỉ cần đến trước cửa khách sạn, bên quán ăn, ở chợ, hoặc rìa các quán cóc vỉa hè... là dễ dàng tìm được khách. Có ngày hắn chạy được cả mấy trăm ngàn. Bây giờ honda ôm và taxi ra nhiều quá, lại mới có nghị định cấm xe lôi, xe ba gác, nhiều người giải nghệ chuyển sang nghề mới. Trong cuộc hành trình mưu sinh này có người tìm được việc làm mới, cuộc sống ổn định, song cũng không ít người đang chạy ăn từng bữa. Hắn thuộc trong số đó nên đành bám vào chiếc xe lôi cà tàng chạy lén vào ban đêm, chủ yếu là chở hàng cho mấy bà buôn ở ngoài chợ.

 

Thường ngày, hắn thức dậy từ bốn giờ sáng đến vựa trái cây, nhận hàng chở ra chợ. Xong việc, hắn về nghỉ. Đến khoảng năm sáu giờ chiều, hắn lại ra chợ dọn hàng cho mấy bà buôn rồi chở họ về nhà. Một ngày hắn kiếm được vài chục ngàn. Hôm nào có mối đột xuất thì hắn cũng chỉ kiếm được gần một trăm bạc. Thời gian rảnh suốt ngày ở nhà hắn lo cơm nước cho cả gia đình. Hai thằng con lớn của hắn, một buổi đi học, một buổi đi bán vé số. Vợ hắn cũng dắt đứa con gái út đi bán vé số nốt. Đứa bé mới bốn tuổi thế mà lợi hại. Vợ hắn đi bán vé số chở con bé trên chiếc xe đạp cọc cạch ở phía sau. Đến các quán nhậu ở khu lấn biển, chị đứng núp ở ngoài, xui đứa bé cầm xấp vé số vào trong quán mời khách. Nhờ đánh vào lòng trắc ẩn của khách mà vợ hắn luôn luôn bán được nhiều vé số hơn hai thằng con lớn. Cả nhà hắn đều làm việc và đều có thu nhập. Nhưng trong lúc tình hình kinh tế suy thoái này, giá cả tăng vùn vụt, trừ tiền điện, tiền nước hàng tháng ra thì gia đình hắn cũng chỉ đủ cơm canh qua ngày chứ chẳng có dư. Nhà hắn được xếp vào diện nghèo nên hai thằng lớn được miễn một trăm phần trăm học phí. Hắn chỉ lo cặp sách và mua sắm quần áo cho chúng thôi.

Cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng diễn ra bình lặng dưới một mái ấm với năm con người trong một căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ giữa một Thành phố đang chuyển mình trong thời kỳ đổi mới.

 

Nhưng cuộc đời luôn có những sự bất thường ta không thể lường trước được.

         Chiều hôm qua, sau khi đã dọn hàng và đưa mấy bà buôn ở ngoài chợ về nhà, hắn chạy tạt sang đường Trần Phú mua thêm vài chục ngàn thịt xá xíu về lo bữa cơm chiều cho cả gia đình. Nồi canh chua cá lóc hồi sáng vẫn còn, hắn chỉ cần hâm lại là xong. Cơm đã dọn sẵn, hắn ngồi chờ. “Quái! Không biết hôm nay sao mẹ con nó về muộn quá nhỉ?” Vừa nhìn đồng hồ, hắn vừa càu nhàu một mình. Hắn vừa định bước ra sau lấy cái lồng bàn đậy mâm cơm cho ruồi khỏi đậu vào thì thằng lớn mặt tái xanh, mồ hôi nhễ nhại, chạy xồng xộc vào nhà nói trong tiếng khóc:

- Ba ơi, con Út… con Út bị xe đụng rồi!

Hắn hoảng hốt:

- Nó bị xe đụng ở đâu? Bây giờ nó làm sao rồi? Mày nói mau lên!

- Người ta đưa nó vào bệnh viện rồi. Má cũng đang ở trong đó.

Hắn chạy vội vào bệnh viện. Cũng may, cấp cứu kịp thời, con bé đã qua cơn nguy kịch. Nghe vợ hắn kể lại. Con bé vừa bán được một lúc những hai chục tờ vé số, nó mừng quá chạy vội qua đường đưa tiền cho mẹ. Vừa lúc đó, một chiếc honda lướt nhanh tới đụng con bé té bật ngữa rồi vụt chạy mất. Con bé nằm bất động giữa đường, mấy tờ giấy bạc bay tung tóe. Vợ hắn chạy vội ra bồng con lên kêu cứu. Một người khách ở trong quán thấy vậy chở vội hai mẹ con vào bệnh viện.

Hắn cầm toa thuốc vợ mới đưa cho mà chóng mặt: gần năm triệu đồng. Bệnh viện có tính nhầm? Không. Đúng rồi. Riêng khoản chụp MRI đã hết hai triệu rồi, lại còn tiền thuốc, tiền viện phí. . . Hắn vét hết tiền trong túi rồi về nhà đập luôn cả hai con heo đất của hai thằng con tiết kiệm để mua sắm quần áo, sách vở học tập thì cũng chỉ đủ giải quyết toa thuốc này thôi. Còn ngày mai tính sao đây? Thằng khốn nạn đó đụng con mình đã bỏ chạy rồi. Lấy tiền đâu mà lo thuốc thang cho con bé?

Nghĩ vậy, hắn để vợ trong bệnh viện chăm sóc cho con Út; hai thằng lớn vẫn đi học, vẫn bán vé số rồi tự lo cơm nước lấy. Còn hắn, sau khi dọn hàng cho mấy bà buôn ở ngoài chợ, hắn không về nhà mà dong chiếc xe lôi đi khắp các nẻo đường trong thành phố để tìm khách. Hắn không dám chạy ban ngày vì sợ cảnh sát giao thông; nên hôm nay, hắn quyết định chạy suốt đêm để kiếm tiền lo cho con bé.

Hắn đảo qua hết các khách sạn lại đến bên các quán ăn, ở chợ, cả các quán cóc vỉa hè nữa cũng chẳng tìm được người khách nào. Bây giờ những cô gái ăn sương cũng gọi taxi, tệ lắm thì cũng đi honda ôm chứ ai mà thèm ngồi trên chiếc xe lôi cà tàng của hắn.

Về khuya, đường phố vắng tanh. Thi thoảng có tiếng rao: “Bánh mì đặc ruột thơm bơ hai nghìn một ổ đây...” phát ra từ chiếc loa rè rè nghe như người bị nghẹt mũi và tiếng gõ lóc cóc, đều đều của thằng bán hủ tiếu vang dội trong đêm khuya. Hắn buồn thiu, định về nghỉ để ngày mai còn đủ sức dậy sớm dọn hàng cho mấy bà buôn ở ngoài chợ. Nhưng nghĩ đến con bé còn đang nằm trong bệnh viện, hắn lại đảo ngược ra bến xe, hy vọng sẽ tìm được khách vãng lai ở đó muốn về nhà trọ hoặc khách từ Sài Gòn về muộn. Xe về khuya cũng nhiều nhưng những hành khách đã được các xe trung chuyển đưa về tận nhà nên cũng chẳng có ai đi xe lôi của hắn. Lâu lắm rồi hắn không ra bến xe đón khách nên không biết được bây giờ hầu hết các chủ hãng xe đều phục vụ đưa đón khách tận nhà.

 

Đã quá mười hai giờ khuya, hắn lầm lũi đạp chiếc xe lôi rời khỏi bến xe về nghỉ. Gần đến nhà, hắn tạt vào vựa trái cây xem có ai quen còn ở đó không, với hy vọng có chuyến hàng đột xuất nào trong đêm cần hắn vận chuyển. Chạy sâu vào trong con đường cặp mé sông, hắn không thấy một bóng người nào. Các mái che lụp xụp làm đèn đường không rọi vào trong được tạo nên một không gian âm u, tịch mịch. Hắn tiếp tục chạy cho ra khỏi con đường đầy nhà kho và vựa hàng này. Chạy được một đoạn, chợt thấy một cánh cửa hé mở, ánh sáng từ trong kho hàng hắt ra ngoài, hắn dừng xe lại, đi vào xem thử: ba người đàn ông nằm lăn quay trên một chiếc chiếu còn vương vãi những thức ăn thừa, chai rượu đã cạn cũng nằm lăn long lóc trên chiếc chiếu đó. Nhìn vào trong, hắn thấy một kho chứa toàn là bột ngọt Miwon. Đứng suy nghĩ một lúc, hắn quay trở ra, lại tiếp tục đạp xe về nhà. Đường phố vẫn vắng tanh không một bóng người. Chạy được vài mét, một ý nghĩ đen tối chợt lóe lên trong đầu hắn. Hắn liền bước xuống xe dắt lùi trở lại cho xe đậu sát cửa nhà kho. Ba người đàn ông say rượu vẫn ngủ say như chết. Hắn vào trong bưng một thùng bột ngọt Miwon ra đặt trên chiếc xe lôi, rồi quay trở vào. Một thùng. Lại một thùng nữa. Rồi lại một thùng nữa. . . Khi đã đủ cho một chuyến xe, hắn vội vã đạp nhanh cho ra khỏi con đường âm u, tịch mịch đó. Hết con đường này là tới một dãy phố của đô thị mới với những ngôi nhà cao tầng. Hầu hết dân sinh sống ở đây là những công nhân viên chức vừa mới phất lên trong thời kỳ đất nước đổi mới.

Vừa mới thoát ra khỏi con đường nhỏ vắng tanh, lù mù đó thì một chiếc xe Camry mới toanh trờ tới, dừng lại ở trước cửa một căn nhà cao tầng. Một người đàn ông ăn mặc sang trọng nhưng quần áo xộc xệch, cái nút thắt của chiếc cà vạt lòng thòng xuống tận ngực, mặt đỏ gay, mở cửa bước ra. Chắc ông vừa đi vũ trường về. Nhìn thấy chiếc xe lôi chở hàng có vẻ bất chính, ông hô lên:

- Ăn trộm!

Hoảng quá, hắn bỏ xe chạy sâu vào trong một con hẻm mất hút. Vài nhà lân cận nghe tiếng hô cũng thức dậy vội mở cửa ra xem.

Có bốn năm người tụ tập đứng quanh chiếc xe lôi. Họ nhìn nhau. Một lúc im lặng. Ông chủ chiếc xe Camry bưng trước một thùng vào nhà. Rồi sau đó lần lượt một người. Rồi lại một người. Một người nữa. Cho đến khi chiếc xe lôi trống trơ nằm chèo queo ngoài đường giữa đêm hôm khuya khoắt.

 Sáng tinh mơ, một người phu quét đường phàn nàn:

- Cha nội nào để xe ngay giữa đường như thế này không biết nữa? Thật là tệ quá đi!

Nguyễn Phương
Số lần đọc: 1916
Ngày đăng: 25.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con đĩ đứng đường - Võ Công Liêm
Trái tim - Nguyễn Đức Tùng
Đáo hạn - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Bốn Chín Năm Mươi - Trần Yên Hòa
Phần số của anh tôi. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Yêu chờ - Nguyễn Thanh
Từ trên đỉnh sương mù - Trần Băng Khuê
Chùm truyện ngắn của Nguyễn Văn Phong - Nguyễn Văn Phong.
Một kiếp đầu thai - Nguyễn Anh Tuấn
Mối tình xa cách - Nguyễn Thanh