Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
629
122.646.859
 
Bạt
Trần Văn Nam

“Nỗi Buồn Tháng Bảy” là thi phẩm mới nhất của nhà thơ Đặng Phú Phong, gồm nhiều bài thơ và một vài truyện thật ngắn giống như “thơ văn xuôi”. Ta cảm được cái hay ngay tức khắc với bài thơ mở đầu “Angkor.còn đó”. Hay ở chỗ các lời thơ rời rạc rồi nối kết thành nội dung thiên thu miên viễn trong phế tích và truyền kỳ đậm chất tôn giáo:

 

… phật lung linh nụ cười

em lung linh điệu múa

rắn Naga trườn không thôi

khỉ Hanuman cười khọt khẹt

có gì thật tinh khiết

thời gian vẫn không trôi.

 

Ta thấy thể thơ tự do thích hợp cho các lời thơ rời rạc, mỗi câu đứng riêng sẽ không trọn nghĩa đối với người không có sẵn kiến thức về điển cố hay hình tượng trong kinh sách (Nụ cười Ca Diếp, Rắn thần Naga, điệu múa Apsara…), nhưng sẽ mơ hồ lĩnh hội nội dung về sự vĩnh viễn “thời gian vẫn không trôi”  trong cõi biến thiên của tạo vật và con người. Từ bài thơ với lời rời rạc rồi tổng hợp thành nội dung, ta lần lượt tìm ra ở những bài thơ kế tiếp cùng một thể thức: mơ hồ, thi ảnh đứng riêng không trọn nghĩa, vẫn với nội dung khát vọng thiên thu. Nhưng với tình yêu thì “thiên thu” có nghĩa là “mãi mãi bên nhau”:

 

… tôi làm khách tình si dăm bữa

hóa thân thành giọt mưa

chông chênh trên mặt lá

rơi xuống con đường dài

âm thầm vào thiên thu (Trong bài: Sài gòn. Mưa)

 

Chưa đề cập tới các câu thơ trọn nghĩa, nhưng cũng xin nói trước thì không phải bài thơ nào của nhà thơ Đặng Phú Phong cũng hoàn toàn theo thể thức “những lời rời rạc rồi đưa về nội dung”, nghĩa là trong một bài thơ có thể xen kẻ hai thể thức, song hành với nhau. Thơ Đặng Phú Phong có nhiều mưa ở trong, thường là mưa Sài Gòn, thơ chỉ khô ráo khi cảnh quang trở lại đất Hoa kỳ, và cũng với cách thức những lời rời rạc:

 

… đứng dưới hiên sau nhà Đinh Cường

mười giờ sáng chim còn hót

… con đường nhỏ như đường cong trong tranh

chúng tôi dẫm lên lá mục

đi đến quán café Starbuck

… xin ngả nón chào

màu xanh đinh cường (Trong bài: màu xanh đinh cường)Bối cảnh mưa Sài Gòn mang nhiều thi-tính trong thơ Đặng Phú Phong, nhưng bối cảnh vùng giáp cận sa mạc, dọc dài theo sườn dãy núi phía Đông California cũng rất thơ; cũng thể cách lời thơ với hình tượng tạo vật rời rạc. Rời rạc khiến ta ngập ngừng cảm thức rồi từ từ thâm nhập nội dung, từ từ vì tính chất mơ hồ của một công án Thiền về chân lý :

 

… giăng giăng sương mù rặng Rocky Mountain

càng làm nổi nhớ dật dờ

đường lót lá phong

… tiếng dội của kẻ lạc giữa rừng sâu

của con báo gầm

của bước chân nai khù khờ

ròng rã tháng năm về trên lá cỏ

tuyết phủ oằn oại trên Colorado… (Trong bài: mặt nạ)

 

Tạm xa nội dung có tính triết lý, ta tiếp tục đọc thơ Đặng Phú Phong với nội dung tình yêu và tiếp tục thưởng thức thể thức các lời thơ rời rạc. Hình tượng riêng lẻ thuộc vùng sa mạc, đứng kề nhau để chờ ta quy vào một tổng hợp ý nghĩa, ý nghĩa nổi buồn ngày hội tình yêu không còn nữa:

 

… tiếng chúc mừng Valentine

            tôi nghe như âm vọng từ một cõi nào khác

âm vọng của gió hú

của cát bụi sa mạc

của lũ sói gọi trăng

ước gì tôi ngủ được

để cho chiếc xe trôi

về một nơi nào khác… (Trong bài: Valentine và tôi)

Lời thơ rời rạc để được tổng hợp nội dung trong một đoạn thơ, thể thức này đã được nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đề cập đến trong bài “Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa” (đăng trong Tạp chí Sáng Tạo năm 1956 tại Sài Gòn), nhưng nhà thơ Đặng Phú Phong hình như không theo lý thuyết của bài trên. Tác giả chỉ sáng tác theo cảm hứng, thuộc về ý hướng trực giác hơn là có ý thức theo lý thuyết, bởi vì thơ Đặng Phú Phong thường xen kẻ hai thể thức: thơ với lời rời rạc và thơ với câu trọn nghĩa. Như trong bài “Sài gòn. Mưa” đã nói ở trên, có những câu trọn nghĩa:

 

… sài gòn. lặng lẽ mưa. lặng lẽ ngừng

như em và tôi nói lời từ biệt.

 

Thường các câu thơ mang trọn ý nghĩa ở thể thơ tám chữ hay bảy chữ. Nhờ câu dài, từ ngữ nhiều, nên ý nghĩa dễ gói gọn trong đó. Thật hay, nhà thơ Đặng Phú Phong sáng tác được bốn câu thơ trọn ý nghĩa trong mỗi câu, rất tình cờ trong cùng bối cảnh mưa Sài Gòn với lung linh hai màu áo. Dĩ nhiên, áo phụ nữ gây cảm hứng cho bốn câu thơ rất đẹp:

 

… em-áo-tím cứ mù sương trước mắt

màu dẫu phai em vẫn tím trong anh (Trong bài: vết tích)

… chiếc xích lô đã đi vào nẻo vắng

giọt mưa quên áo trắng mỗi chiều (Trong bài: sài gòn nhớ. Sài gòn quên)

 

Cảm thức về thơ tùy theo từng người. Có người không ưa những câu thơ vần điệu, do quen tiếp nhận thơ tự do trong văn chương hiện tại, hoặc cho rằng đã lỗi thời tính chất bằng trắc trong thơ cũ. Có người lại không thích tính khó hiểu của thơ tân kỳ, trong đó thể cách đặt lời rời rạc tưởng chừng không liên hệ gì đến nhau thường được áp dụng. Thiển nghĩ, nghệ thuật vượt thời gian không do “thói quen trong bầu không khí nào” mà do làm rung động tâm hồn bởi “thi-tính hằng cửu” (nói riêng về nghệ thuật thơ); không giới hạn bởi văn thể thơ tự do hay thơ vần điệu. Vì vậy, ta cảm thức được cái hay do thơ tự do với các lời rời rạc trong bài “tuyết tan”:

 

… tuyết vẫn cứ tan

vai trần em lạnh

vất vả đời kẻ giữ rừng

thôi hãy hốt một nhúm lá mục

rồi về với thảo nguyên.                                                                                                              

 

Và đồng thời ta cảm thức được cái hay trong thơ bảy chữ hoặc tám chữ, trọn ý nghĩa trong câu thơ. Cảm thức ngay tức khắc, không đợi thâm nhập từ từ, không chờ nối kết do tâm hồn tổng hợp:                        

 

… trăng xưa rụng mãi không đầy biển

bên sóng hoàng hôn lụy nhỏ thầm (Trong bài: hào khí ca)

… trăng bỏ phố vì mái lầu cao vút

trời xa ta vì  ôm mãi trăng sao (Trong bài: chuyển nhịp chân xa)

 

Đặng Phú Phong với các câu thơ trọn nghĩa và các câu thơ rời rạc, sáng tác tự nhiên do cảm hứng khiến tác giả chọn lựa một thể cách thực hiện. Chỉ do người thưởng thức thử tách ra để phân biệt, làm nên đôi lời “Bạt” này cho thi phẩm “nỗi buồn tháng bảy”. Viện ra những phân biệt, mong rằng đóng góp được phần nào vài nét “nhận thức” trong thưởng ngoạn nghệ thuật.Thưởng ngoạn nghệ thuật thiên về tổng hợp trong tâm hồn hơn là phân tích, cho nên phân tích kể như không cần thiết cho độc giả, nhưng có lẽ cũng giúp ích được phần nào cho các nhà phê bình khi đi sâu vào tác phẩm.

 

 

City of Walnut,California, tháng 7 năm 2014

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2513
Ngày đăng: 31.08.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Sài Gòn - Hồ Đăng Thanh Ngọc
Trích dẫn văn của Yukio-Mishima(Thiền Và Kim-Các-Tự Rực Rỡ Bên Cạnh Phân Tích Tâm-Bệnh-Lý Kiểu Tây Phương) - Trần Văn Nam
Nguyên Minh với Màu Tím Hoa Mua - Võ Quê
Vài chi tiết về Cuốn "Ký ức của một người buôn tranh" (Souvenirs D'un Marchand De Tableaux) của Ambroise Vollard - Vũ Anh Tuấn
Trần Dũng với "Sóng bủa Cồn Ngao" - Hoàng Giao
Đọc thơ Từ Hoài Tấn - Khổng Ðức
Đọc "Bàn tay nhỏ dưới mưa" - Trương Văn Dân
Ngưng Thu ĐI QUA MÙA GIÓ THỔI - Lê Ngọc Trác
Mời bạn đọc Tân Văn số 4 Tháng 12 - 2013 - Trần Nhương
Ra mắt “Gia tài tuổi 20” phiên bản sách nói - Lưu Quang Minh
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)