Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
536
122.646.602
 
Toàn văn bài phát biểu của nhà văn Murakami Haruki tại lễ nhận giải thưởng quốc tế Catalunya
Nguyễn Quốc Vương

Nguyễn Quốc Vương dịch từ  asyura2.com

 

Lời người dịch: Ngày 9/6/2011 tại buổi lễ nhận  giải thưởng quốc tế Catalunya (giải thưởng dành cho những người có cống hiến nổi trội cho lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) ở Barcelona Tây Ban Nha, nhà văn Murakami  Haruki, đã có bài phát biểu  mang tựa đề “Với tư cách là một người mơ ước phi thực tế” trong đó đề cập đến sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima và khẳng định “người Nhật cần tiếp tục nói không với điện nguyên tử”. 

 

Nhà văn Murakami Haruki, sinh năm 1949, hiện đang là một trong những tiểu thuyết gia Nhật Bản nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước. Độc giả Việt Nam biết đến ông qua các tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt như:  “Rừng Na Uy”, “Kafka bên bờ biển”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”.... Dưới đây là toàn văn bài phát biểu. 

 

Với tư cách là một người mơ ước phi thực tế”

 

Tôi đã từng đến thăm Barcelona vào mùa xuân hai năm về trước. Trong buổi lễ kí tặng, độc giả đã đến dự đông tới mức đáng ngạc nhiên. Độc giả xếp thành hàng dài và tôi đã mất tới một tiếng rưỡi mà vẫn chưa thể kí hết. Tại sao lại tốn thời gian nhiều đến như thế? Đó là vì rất nhiều độc giả nữ đã mong muốn được hôn tôi. Vì thế mà đã mất rất nhiều thời gian.

 

Cho tới lúc này tôi cũng đã từng tiến hành các buổi kí tặng ở nhiều thành phố trên thế giới nhưng việc độc giả nữ đòi hôn thì chỉ có duy nhất ở Barcelona. Chỉ mỗi việc này thôi cũng đủ làm tôi hiểu Barcelona  là thành phố tuyệt diệu đến cỡ nào. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi một lần nữa được trở lại thành phố có nền văn hóa cao và lịch sử lâu đời này.

 

Nhưng tiếc rằng ngày hôm nay tôi sẽ không nói chuyện về nụ hôn mà sẽ  nói về một chuyện trầm trọng hơn  chút ít.

 

Như quý vị đã biết, vào lúc 2 giờ 46 phút ngày 11 tháng 3 vừa qua ở vùng Đông bắc Nhật Bản đã xảy ra trận động đất khổng lồ.  Đấy là trận động đất có quy mô lớn đến nỗi sự chuyển động của trái đất đã trở nên nhanh hơn một chút và ngày đã ngắn lại chừng 1,8 micro giây.

 

Bản thân thiệt hại do động đất gây ra là rất lớn và vết thương khủng khiếp do sự tấn công của sóng thần sau đó vẫn còn lưu lại. Có nơi sóng thần đã đạt tới độ cao 39m. Khi nói 39m điều đó có nghĩa là dù có chạy lên tầng 10 của tòa nhà thông thường cũng không thoát được. Những người ở gần bờ biển đã không chạy kịp và có gần 24.000 người đã trở thành vật hi sinh trong đó có chừng 9000  người hiện vẫn còn mất tích. Những người này đã bị con sóng khổng lồ vượt qua đê chắn cuốn đi và thi thể hiện vẫn chưa được tìm thấy. Có lẽ rất nhiều người hiện đang chìm sâu dưới đáy biển lạnh lẽo. Khi nghĩ tới điều đó và tưởng tượng rằng giả sử như mình lâm vào cảnh ấy, tôi thấy ngực mình thắt lại. Cả những người sống sót  phần đông mất gia đình hoặc người thân, mất cả nhà cửa,  tài sản, cộng đồng và cả nền móng của cuộc sống. Cũng có những thôn làng bị xóa sổ hoàn toàn. Chắc chắn rằng rất nhiều người đã bị cướp đi niềm hi vọng sống.

Là người Nhật, điều đó dường như có nghĩa rằng người ta phải luôn chung sống với thiên tai.  Đại bộ phận đất đai Nhật Bản từ mùa hạ tới mùa thu đều có bão đi qua. Hàng năm đều phải chịu thiệt hại lớn và nhiều người chết. Ở các địa phương cũng có các núi lửa hoạt động. Và tất nhiên là có động đất. Quần đảo Nhật Bản nằm ở góc phía đông đại lục châu Á, giống như đang nằm trên một chiếc đĩa ở vào vị trí rất nguy hiểm. Nói theo cách của chúng tôi thì đấy là chuyện giống như  sống trên cái ổ động đất.

 

Người ta có thể biết được ở chừng mực nào đó thời gian và đường đi của bão nhưng người ta không thể dự đoán được động đất. Chỉ có thể biết được một điều duy nhất là trận này không phải là sự kết thúc mà một trận động đất lớn khác trong tương lai chắc chắc sẽ lại xảy ra.  Rất nhiều học giả dự báo rằng có thể trong khoảng thời gian từ 20 tới 30 năm tới, khu vực xung quanh Tokyo sẽ lại diễn ra trận động đất quy mô lớn 8 độ. Điều  đó có thể là 10 năm sau hoặc cũng có thể là ngay ngày mai. Giả sử như một đô thị lớn có dân cư tập trung đông đúc như Tokyo bị động đất kiểu có tâm chấn ngay ở phía dưới thì  không một ai biết được chính xác thiệt hại sẽ là bao nhiêu.

 

Cho dẫu thế thì 13 triệu người sống ở trong nội đô Tokyo hàng ngày sẽ vẫn tiếp tục sống cuộc sống “bình thường”. Mọi người cũng vẫn sẽ nhảy lên những chuyến tàu điện đông nghẹt người để đi làm và lao động trong những tòa nhà cao tầng. Tôi chưa từng nghe thấy dân số Tokyo đã  sụt giảm đi sau trận động đất lần này.

 

Tại sao? Có thể quý vị  sẽ hỏi như thế. Tại sao ở một nơi đáng sợ như thế mà rất đông mọi người lại phải sống ở đó như một điều đương nhiên? Nỗi sợ hãi đã làm cho đầu óc của họ có vấn đề cả rồi sao.

 

Trong tiếng Nhật có từ vô thường (mujo). Đó là việc sự vật không phải bao giờ cũng chỉ tiếp tục giữ nguyên một hình thái thông thường. Tất cả mọi vật sinh ra ở thế giới này cuối cùng đều biến mất và tất cả sẽ tiếp tục biến đổi chứ không hề dừng lại. Chẳng có chỗ nào tồn tại sự ổn định vĩnh viễn hay bất biến bất diệt như mong muốn. Đấy là thế giới quan đến từ đạo Phật nhưng do  lối suy nghĩ “vô thường” này so với tôn giáo lại có đôi chút khác biệt, cho nên nó đã gắn chặt vào tinh thần người Nhật Bản và được lưu truyền không hề thay đổi từ thời cổ đại với tư cách là trạng thái tâm lý mang tính dân tộc.

 

Quan điểm “tất cả chỉ là thoáng qua” có thể coi như là thế giới quan có tính đầu hàng. Đấy là lối suy nghĩ cho rằng con người dẫu có bơi ngược dòng chảy của thiên nhiên thì tất cả cũng chỉ là vô ích. Tuy nhiên người Nhật trong thứ có vẻ như là đầu hàng đó lại sáng tạo cái đẹp tích cực.

 

Nếu nói về  thiên nhiên thì mùa xuân chúng tôi yêu hoa anh đào, mùa hạ yêu đom đóm và mùa thu yêu lá đỏ. Chúng tôi đã nồng nhiệt thưởng thức những thứ đó cùng nhau theo thói quen và gần như coi nó là một chân lý hiển nhiên. Những nơi nổi tiếng về hoa anh đào, những nơi nổi tiếng về đom đóm, những nơi nổi tiếng về lá đỏ khi mùa tới đều đông nghẹt và việc đặt phòng khách sạn trở nên vô cùng khó khăn.

Tại sao vậy?

 

Đó là do cả hoa anh đào, đom đóm và lá đỏ đều mất đi vẻ đẹp trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi. Chúng tôi đã đến tận những nơi xa xôi để được nhìn tận mắt giây phút vinh quang đó. Và điều đó không phải chỉ đẹp không thôi mà hơn thế khi nhận thức được sự tuyệt vọng rơi, sự biến mất của ánh sáng nhỏ nhoi, sự mất đi sắc màu tươi tắn ngay trước mắt, chúng tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm. Đỉnh điểm của cái đẹp qua đi rồi biến mất đã tạo ra sự an tâm.

 

Trong thế giới tinh thần như thế, tôi không hề biết kết cục thì thiên tai đã tác động như thế nào.  Tuy nhiên chúng tôi đã vượt qua những thiên tai liên tiếp dội đến và ở một ý nghĩa nào đó, chúng tôi chấp nhận nó như là thứ “không có lựa chọn nào khác” và việc cùng nhau khắc phục thiệt hại để tiếp tục sống trở thành điều đương nhiên. Hoặc là cũng có thể những trải nghiệm đó đã có ảnh hưởng tới ý thức về cái đẹp của chúng tôi.

 

Trong trận động đất lần này gần như toàn bộ người Nhật đã bị sốc nặng, ngay cả những người vốn đã quen với động đất cho đến lúc này vẫn còn rùng mình bởi quy mô lớn của thiệt hại. Họ cảm thấy bất lực và lo lắng về tương lai của đất nước.

 

Nhưng cuối cùng chắc chắc chúng tôi  sẽ  xốc lại tinh thần và đứng lên hướng tới phục hưng. Về điều đó thì tôi không hề có chút gì lo lắng. Chúng tôi là dân tộc đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử bằng phương cách như thế. Cho dù ở thời điểm nào đi nữa, chúng tôi không thể ngã gục vì cú sốc. Chúng tôi sẽ xây sửa lại những ngôi nhà đã đổ nát, sẽ phục hồi những con đường bị hư hại.

Xét đến cùng thì chúng tôi là những kẻ ở nhờ trên hành tinh gọi là trái đất này. Chúng tôi không thể yêu cầu rằng hãy cho chúng tôi sống ở chỗ này chỗ kia. Cho dù có rung lắc chút ít đi nữa thì cũng không thể vì thế mà có thể nói lời phàn nàn. Bởi chuyện lâu lâu lại rung lắc là một thuộc tính của trái đất. Cho dù thích hay không thích thì chúng tôi cũng chỉ còn có cách cùng chung sống với thiên nhiên mà thôi.

Điều mà tôi muốn kể ở đây là chuyện về những thứ không thể phục hồi một cách giản đơn như nhà cửa hay đường sá. Ví dụ như luân lý hay quy phạm. Những thứ đó không phải là vật thể có hình dạng. Một khi đã mất đi không bao giờ có thể lấy lại một cách đơn giản. Bởi vì đó không phải là thứ mà chỉ cần có máy móc, có nhân lực tập trung lại, có nguyên liệu là có thể tạo ra.

 

Điều tôi đang nói tới, nói một cách cụ thể đó là chuyện về nhà máy điện nguyên tử Fukushima.

 

Quý vị có lẽ cũng đã biết, trong số 6 lò phản ứng hạt nhân bị thiệt hại vì động đất và sóng thần ở Fukushima, có ít nhất 3 lò vẫn chưa được phục hồi và hiện vẫn đang phát tán phóng xạ ra vùng xung quanh. Hiện tượng tan chảy đã xảy ra, đất đai ở vùng xung quanh bị ô nhiễm và có lẽ nước thải có chứa nồng độ phóng xạ cao đã chảy ra vùng biển xung quanh. Gió cũng đem nó lan ra phạm vi rộng hơn.

 

Có đến 10 vạn người đã phải dời bỏ khu vực xung quanh nhà máy điện nguyên tử. Ruộng vườn, đồng cỏ, nhà máy, các khu phố bán hàng, bến cảng…đã bị bỏ rơi thành chốn không người. Cũng có thể những người từng sống ở nơi đó sẽ không thể trở về nơi cũ. Những thiệt hại đó không phải chỉ có ở Nhật Bản, mà thật có lỗi khi biết nó sắp gây ảnh hưởng tới cả các nước láng giềng.

Tại sao tấn thảm kịch này lại xảy ra, nguyên nhân đó gần như đã rõ.  Đó là do những người xây dựng nhà máy điện nguyên tử đã không dự tính đến sự tấn công của những cơn sóng thần khổng lồ. Có một vài chuyên gia trước đó đã chỉ ra các cơn sóng thần có quy mô tương tự đã tấn công khu vực này và yêu cầu sửa đổi tiêu chuẩn an toàn nhưng công ty điện lực đã không tiếp thu một cách nghiêm túc. Chuyện đầu tư một món tiền khồng lồ chỉ vì cơn sóng thần có thể chỉ diễn ra một lần trong khoảng thời gian mấy trăm năm là điều các công ty vì lợi nhuận không hề hoan nghênh.

 

Hơn nữa, chính phủ nơi lẽ ra phải quản lý chặt chẽ đối sách an toàn của các nhà máy điện nguyên tử cũng đã làm ngơ trước việc hạ thấp mức độ tiêu chuẩn an toàn do muốn xúc tiến chính sách điện nguyên tử.

 

Chúng tôi cần phải điều tra sự tình đó và làm rõ những sai phạm nếu có. Do những sai lầm như thế mà ít nhất đã có tới 10 vạn người phải bỏ đất đai và thay đổi cuộc sống. Chúng tôi không thể không căm giận. Đấy là chuyện đương nhiên.

 

Cũng không rõ vì sao người Nhật vốn là dân tộc không mấy khi nổi giận. Người Nhật có sở trường chịu đựng nhưng việc bộc phát cảm tính lại không phải là điểm mạnh. Ở điểm như thế có thể sẽ có chút khác biệt với người dân Barcelona. Nhưng lần này quả thật quốc dân Nhật Bản đã tức giận nghiêm trọng.

 

Tuy nhiên cùng với điều đó chúng tôi cũng phải nghiêm khắc chỉ trích bản thân bởi đã tha thứ cho sự tồn tại của cơ cấu méo mó như thế hoặc là đã im lặng thừa nhận nó. Bởi vì tình thế lần này là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới luân lý và quy phạm của chúng tôi.

 

Giống như quý vị đã biết, người Nhật chúng tôi trong lịch sử là quốc dân duy nhất có trải nghiệm bị ném bom hạt nhân. Tháng 8 năm 1945, hai thành phố HiroshimaNagasaki bị quân Mĩ ném bom nguyên tử khiến hơn  20 vạn người thiệt mạng. Những người chết đa phần là người dân thường phi vũ trang. Tuy nhiên ở đây tôi sẽ không nói tới việc đúng sai.

 

Điều tôi muốn nói ở đây là việc không chỉ 20 vạn người chết sau vụ ném bom mà phần lớn những người sống sót về sau cũng khổ sở vì các căn bệnh do ảnh hưởng nhiễm xạ và mất sau đó  một thời gian. Chúng tôi đã biết được chất phóng xạ  để lại di chứng nặng nề như thế nào đối với thế giới, với con người  dựa trên sự mất mát của những người như thế.

 

Những bước đi của Nhật Bản sau chiến tranh dựa trên hai nền tảng chính. Một là sự phục hưng kinh tế và hai là sự từ bỏ chiến tranh. Cho dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì cũng sẽ không bao giờ dùng vũ lực, xây dựng kinh tế giàu có và duy trì hòa bình là  hai điều đã trở thành phương châm mới của quốc gia Nhật Bản.

 

Ở tấm bia an ủi vong linh những người đã chết vì bom nguyên tử ở Hiroshima có khắc những từ sau:

“Xin hãy ngủ yên. Bởi vì sai lầm sẽ không lặp lại”

 

Đấy là những lời thật tuyệt vời. Chúng tôi vừa là nạn nhân đồng thời lại cũng là thủ phạm. Ở đấy đã bao gồm ý nghĩa như thế. Trước sức mạnh ghê gớm của hạt nhân chúng tôi ai cũng là nạn nhân và ai cũng là thủ phạm. Ở phương diện bị đặt trong mối đe dọa bởi sức mạnh này tất cả chúng tôi là nạn nhân và ở phương diện phô bày sức mạnh đó và rồi cả ở điểm không ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh đó tất cả chúng tôi lại là thủ phạm.

 

Và rồi bây giờ 66 năm sau vụ ném bom nguyên tử, nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 đã phát tán phóng xạ suốt 3 tháng và tiếp tục làm ô nhiễm thổ nhưỡng, biển, không khí ở khu vực xung quanh. Chưa có ai biết được khi nào thì chặn được phóng xạ và chặn nó như thế nào. Đây là thảm họa hạt nhân lớn lần thứ hai trong lịch sử mà người Nhật đã trải qua nhưng lần này không phải là chuyện bị ai nó ném bom. Chính người Nhật chúng tôi đã tạo ra, tự tay mình gây ra sai lầm,  tự mình làm mất lãnh thổ, tự mình làm hại cuộc sống của bản thân.

 

Tại sao lại nên nông nỗi đó? Cảm giác cự tuyệt hạt nhân trong chúng tôi vốn đã tiếp tục duy trì suốt trong thời gian dài sau chiến tranh nói tóm lại đã biến đi đâu? Xã hội hòa bình và giàu có mà chúng tôi nhất quán theo đuổi đã bị cái gì cướp mất và bẻ cong đây?

Lý do thật đơn giản. Đó là “ hiệu suất”

 

Lò nguyên tử là hệ thống phát điện có hiệu suất tốt, các công ty điện lực đã cho rằng như vậy. Tức là hệ thống đem lại lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản,  đặc biệt sau vụ khủng hoảng dầu mỏ,  đã có mối nghi ngờ  đối với tính ổn định của nguồn cung cấp dầu và dần dần xúc tiến các nhà máy điện nguyên tử với cách như là quốc sách. Các công ty điện lực đã vung ra một khoảng tiền lớn với tư cách là phí tuyên truyền, mua các phương tiện truyền thông và gieo cấy vào quốc dân ảo tưởng về độ an toàn của nhà máy điện nguyên tử.

 

Và rồi khi nhận ra thì đã có đến 30 phần trăm lượng điện của Nhật Bản phụ thuộc vào điện nguyên tử. Trong lúc quốc dân luôn không được rõ thì Nhật Bản, quốc đảo nhỏ hẹp và nhiều động đất, đã trở thành nước đứng thứ ba thế giới về số lượng nhà máy điện nguyên tử.

 

Một khi đã vậy thì không thể nào quay lại. Một sự đã rồi.  Đối với những người ôm mối lo lắng về sự nguy hiểm của nhà máy điện nguyên tử thì câu hỏi “À, nếu thế thì đối với anh có thiếu điện cũng không sao phải không?” luôn được chĩa vào họ. Trong lòng quốc dân tư tưởng cho rằng “ừ thì có phụ thuộc vào điện nguyên tử đấy nhưng mà làm gì có cách nào khác” đã lan rộng. Ở Nhật Bản, một nơi nóng ẩm, vào mùa hè mà không dùng điều hòa thì ngang bằng với địa ngục. Những người đặt dấu chấm  hỏi với điện nguyên tử đã bị gán cho danh hiệu “Những người  mơ ước phi thực tế”.

 

Và cứ thế chúng tôi có mặt ở đó. Lò nguyên tử,  nơi chắc chắn đã có hiệu suất cao giờ đây đã rơi vào trạng thái kinh khủng giống như địa ngục đã mở toang cánh cửa. Đấy là thực tế.

 

Hiện thực “hãy nhìn vào thực thế”, thứ mà những người xúc tiến điện nguyên tử chủ trương thực ra chẳng phải thực tế cũng chẳng phải là bất cứ thứ gì khác, chẳng qua nó chỉ là một thứ “tiện lợi” bề ngoài. Nó được bọn họ đánh tráo thành “thực tế” để thay thế cho luân lý.

 

Đây là sự sụp đổ của thần thoại “sức mạnh kĩ thuật”, thứ Nhật Bản đã tự hào suốt một thời gian dài đồng thời việc  tha thứ cho sự “thay thế” ấy là sự thảm bại về quy phạm và luân lý của người Nhật chúng tôi. Chúng tôi chỉ trích công ty điện lực và chỉ trích chính phủ. Đó là chuyện đương nhiên và cần thiết. Tuy nhiên đồng thời chúng tôi cũng không thể không tố giác chính mình. Chúng tôi vừa là nạn nhân đồng thời cũng là tội phạm. Không thể không nhìn thẳng vào điều đó. Nếu không làm vậy thì chắc chắn ở đâu đó thất bại tương tự sẽ lại xảy ra.

 “Xin hãy ngủ yên. Bởi vì sai lầm sẽ không lặp lại”

 

Chúng tôi cần phải khắc vào trong tim những lời đó một lần nữa.

Tiến sĩ Robert Oppenheimer trong đại chiến thế giới thứ hai là nhân vật trung tâm trong việc phát triển vũ khí nguyên tử nhưng khi biết được thảm cảnh HiroshimaNagasaki, ông đã bị sốc nặng.  Và ông đã hướng về tổng thống Truman nói thế này:

“Thưa tổng thống, hai bàn tay tôi đang vấy máu”

 

Tổng thống Truman đã lấy ra chiếc khăn tay trắng được gấp rất đẹp và nói: “ Hãy dùng nó để lau đi”

 

Tuy nhiên khỏi cần phải nói cũng biết chiếc khăn tay thanh khiết có thể lau sạch máu sẽ không tìm đâu thấy trên thế giới này.

 

Người Nhật chúng tôi cần tiếp tục nói không với hạt nhân. Đấy là ý kiến của tôi.

 

Chúng tôi cần phải tập trung sức mạnh kĩ thuật, tập trung trí tuệ và đầu tư vào tư bản xã hội để phát triển năng lượng có hiệu quả thay thế cho năng lượng nguyên tử ở cấp độ quốc gia. Cho dù khắp thế giới có cười chế giễu:  “không có năng lượng nào có hiệu suất tốt như năng lượng nguyên tử. Người Nhật không dùng nó thật là ngu” đi chăng nữa chúng tôi vẫn cần phải tiếp tục duy trì sự dị ứng với hạt nhân và không thể thỏa hiệp.  Lẽ ra chúng tôi  đã phải coi việc khai phát nguồn năng lượng mới không dùng hạt nhân là vấn đề trung tâm trong bước đi của Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Đây chắc chắc là cách thể hiện trách nhiệm tập thể của chúng tôi đối với những nạn nhân đã chết ở HiroshimaNagasaki. Đối với Nhật Bản thì quy phạm và luân lý cốt tủy đồng thời cũng là thông điệp xã hội này là cần thiết. Đó  đã là cơ hội lớn để người Nhật chúng tôi cống hiến thực sự cho thế giới. Tuy nhiên trên con đường phát triển kinh tế với tốc độ cao, chúng tôi đã bị cuốn đi bởi tiêu chuẩn dễ dãi gọi là “hiệu suất” và chúng tôi đã đi lạc khỏi con đường quan trọng đó.

 

Giống như trước đó tôi đã trình bày, cho dù có trầm trọng, bi thảm như thế nào chăng nữa, chúng tôi cũng vẫn có thể vượt qua những thiệt hại của thiên tai. Và hơn nữa,  cũng có trường hợp bằng việc chinh phục nó, tinh thần con người sẽ trở nên mạnh mẽ, sâu sắc hơn. Rồi thế nào chúng tôi cũng sẽ làm được điều đó.

 

Việc tái xây dựng các con đường, tòa nhà bị hư hại sẽ  là công việc của những người có chuyên môn. Nhưng khi tiến hành tái sinh luân lý và quy phạm đã mất thì lại là công việc của tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiến hành công việc xuất phát từ cảm xúc tự nhiên thương tiếc những người đã mất, quan tâm đến những người khổ sở vì thiên tai và không dửng dưng trước nỗi đau cùng vết thương của họ.  Công việc đó chắc chắn sẽ cần đến sự nhẫn nại  đơn sơ và thầm lặng. Chúng tôi phải phối hợp sức mạnh của mọi người để làm việc giống như vào buổi sáng mùa xuân đẹp trời, từng người trong làng tập trung lại để đi ra đồng làm đất và gieo hạt. Hình thức sẽ là từng người làm những việc mình có thể nhưng trái tim thì phải hợp làm một.

 

Trong công việc tập thể lớn lao này chắc chắn sẽ có phần liên quan tới chúng tôi những tác giả chuyên nghiệp, những người lấy từ ngữ làm chuyên môn. Chúng tôi phải tạo ra sự liên lạc giữa luân lý, quy phạm mới với những từ ngữ mới. Và rồi chúng tôi phải làm nảy mầm những câu chuyện mới và làm nó mọc lên  ở nơi đó. Và đấy là câu chuyện mà chắc chắn chúng tôi sẽ cùng sở hữu. Nó chắc chắn sẽ là câu chuyện mang nhịp điệu khuyến khích con người giống như bài hát gieo hạt trên thửa ruộng. Chúng tôi trước đó có lẽ đã làm như thế và tái thiết lại nước Nhật vốn bị chiến tranh phá hủy. Chúng tôi  không thể không quay lại điểm xuất phát đó một lần nữa.

 

Giống như tôi đã nói ở phần đầu, chúng tôi đang sống trong thế giới “vô thường” liên tục đổi thay. Những sinh mệnh sinh ra chỉ là sự đổi thay và cuối cùng thì diệt mà không có ngoại lệ. Con người bất lực trước sức mạnh to lớn của tự nhiên. Nhận thức tuyệt vọng như thế đã trở thành một tư tưởng cơ bản của văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên cùng với điều đó lòng  kính trọng đối với sự diệt của sự vật và quyết tâm thầm lặng đối với việc tiếp tục sống hết mình  cho dù là ở trong thế giới hiểm nguy đầy rẫy nguy cơ, tinh thần hướng về phía trước ấy cũng luôn sẵn có ở chúng tôi.

 

Tôi cảm thấy rất tự hào khi tác phẩm của mình đã được người  dân ở Catalunya đánh giá và đón nhận phần thưởng cao quý này. Chỗ chúng tôi sống cách rất xa và ngôn ngữ cũng khác. Vì thế nền văn hóa cũng khác. Tuy nhiên đồng thời cùng với điều đó, chúng ta đều gánh trên vai những vấn đề giống nhau, cùng có niềm vui và nỗi buồn như nhau và đều là công dân của trái đất. Chính vì thế mà  những  câu chuyện do các  tác giả người Nhật viết ra rất nhiều nhiều cuốn đã được dịch ra tiếng Catalunya và tới tay mọi người. Tôi cũng thế, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng vì mọi người đã đồng cảm  với tôi về  câu chuyện.   ước là công việc của tiểu thuyết gia. Tuy nhiên đối với chúng tôi, công việc quan trọng hơn là chia sẻ  với mọi người giấc mơ ấy. Nếu không có cảm giác đồng cảm đó  thì không phải là tiểu thuyết gia.

 

Tôi được biết rằng người dân ở Catalunya  trong lịch sử từ trước tới nay đã vượt qua rất nhiều khó khăn, có thời kì mặc dù gặp phải những điều vô cùng thảm khốc nhưng vẫn tiếp tục sống mạnh mẽ và bảo vệ được nền văn hóa phong phú.  Giữa chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều điều cùng chia sẻ.

 

Tôi nghĩ rằng ở Nhật Bản, ở Catalunya, quý vị và chúng tôi nếu như cùng trở thành  “những người mơ mộng phi thực tế” để có thể tạo ra “cộng đồng tinh thần”  mở rộng vượt qua biên giới quốc gia và văn hóa như trên  thì thật là tuyệt diệu biết bao. Tôi cho rằng chính điều đó sẽ trở thành điểm xuất phát để tái sinh chúng ta, những người gần đây đã trải qua vô số thiên tai khủng khiếp và những cuộc khủng bố kinh hoàng. Chúng ta không được hoảng sợ  khi mơ ước. Bước chân của chúng ta không thể nào bị chùn lại bởi bầy chó tai họa có cái tên “hiệu suất” hay “tiện lợi”. Chúng ta cần phải trở thành “những người mơ ước phi thực tế” tiến lên phía trước bằng bước chân mạnh mẽ.  Con người đến lúc nào đó rồi sẽ chết và biến mất. Nhưng Humanity (nhà văn Haruki Murakami để nguyên từ tiếng Anh trong nguyên tác - chú thích của người dịch) thì còn lại. Đó là thứ sẽ được tiếp nhận, lưu truyền mãi mãi. Chúng ta trước hết phải là những người tin vào sức mạnh đó.

 

Cuối cùng, xin hãy cho phép tôi hiến tặng số tiền thưởng để giúp đỡ những nạn nhân của trận động đất và những người bị thiệt hại bởi nhà máy điện nguyên tử. Tôi vô cùng biết ơn người dân Catalunya và Generalitat de Catalunya (chính phủ tự trị Catalunya, trong nguyên tác nhà văn Haruki Murakami chỉ phiên âm từ này qua tiếng Nhật - chú thích của người dịch). Và tôi cũng muốn bày tỏ lòng tiếc thương  sâu sắc tới những người đã mất vì trận động đất ở Lurka vào ngày hôm trước./.

 

Nguyễn Quốc Vương
Số lần đọc: 2630
Ngày đăng: 30.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 - Hiếu Tân
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 - Hiếu Tân
Bắc Kinh qua cặp kính màu hồng: Tại sao dân chủ không thể thuần hóa được Trung Hoa. - Hiếu Tân
Nhà nước đỏ - Hiếu Tân
SPIEGEL phỏng vấn Bộ trưởng Kinh tế Rösler: Tôi đã từng mơ tôi là một hoàng tử Việt Nam - Hiếu Tân
Bắc Kinh nổi giận vì Obama tiếp Đức Dalaï-Lama. - Hiếu Tân
Nổi dậy ở Belarus: Thế hệ Internet chấp nhận thách đấu của nhà độc tài cuối cùng ở châu Âu - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 7 - Phạm Nguyên Trường
Nỗi cô đơn của một siêu cường: tại sao Trung Hoa cần Hoa Kỳ. - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 6 - Phạm Nguyên Trường