Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
382
122.646.224
 
Người của mỗi người
Dạ Ngân

Ngày mới của bà mẹ bắt đầu cùng lúc với tiếng nổ chát chúa của những chiếc xe ba bánh cổ lỗ thỉnh thoảng ré lên bên ngoài tường rào, thứ xe từng khiến nàng dâu của bà nổi giận đòi "Tịch thu đưa vào sắt vụn và cho chủ nó đi kinh tế mới" nếu nàng ta được làm chủ tịch thành phố. Vì không thể ra khỏi giường, bà mẹ chỉ việc nằm nhấm nháp quá khứ và đếm nhịp thời gian từ chiếc đồng hồ con mèo như bức tranh ngộ nghĩnh trên tường. Rất lâu, lâu một cách nặng nhọc như thể trời mới he hé sáng, bà cảm nhận điều đó bằng giác quan của người nhạy cảm với đêm dài. Trong ánh sáng do từ chiếc đèn ngủ hình bông khế trên trần nhà, bà lọ mọ ngồi dậy, xếp sẵn cái mền hai da để hồi nữa, khi tiếng nhạc thể dục từ chiếc rađiô-cát xét để trong phòng vợ chồng người con trai đánh tiếng, bà chỉ việc tháo dây mùng nữa là có thể bắt tay vào việc khác. Trong lúc chờ đợi, bà lại nằm xuống, co quắp như con tôm trên bếp lửa, cái mền vắt qua bụng, bồn chồn như người lính tận tụy trước hồi kèn xung trận.

Ðáng lẽ bà được ra khỏi mùng sớm hơn, được làm cái gì đó cho mớ việc mê mê của chúng nó và được động đậy đôi tay hay lam hay làm của mình nhưng nàng dâu chẳng đã từng nhắc khéo: "Anh Hiển bị suy nhược thần kinh, đêm nào cũng khuya lơ mới chợp mắt, con còn không dám trở mình nữa là". Bằng cái giọng rấm rẳn của đứa con ruột, thằng Hiển của bà cũng đã thẳng thừng: "Bộ má tưởng chúng con còn sống cái thuở ăn cơm cày sao? Ngủ, ngủ! Không ngủ được má cũng nằm trên giường cho. Ví thử không có má trên này, người ta bỏ phế nhà cửa à?". Ðể bày tỏ tấm lòng của bà mẹ chỉ còn chút tuổi già rảnh rỗi cho con trong lúc chúng cần được đỡ đần, bà mẹ nhẫn nhục nói: "Hay tụi con ngủ trên lầu, đổi hai đứa nhỏ xuống nhà dưới? Má nằm không chi trong lúc sáng ra vợ mày quay không hết việc?". Cô vợ đưa đôi mắt sắc sảo về phía người chồng như nói: "Thiệt là một đề nghị hay ho!" khiến anh này cao giọng hưởng ứng: "Ðể ăn trộm nậy song cửa vô làm thịt má với mấy đứa nhỏ rồi dọn sạch đồ à?".


Bà mẹ đành lủi thủi làm thinh vì thương chúng nó, khi chính cái tình thương ấy khiến bà muốn thức khuya dậy sớm. Mọi cái lý trên đời, ngẫm ra, cái lý tình thương là mạnh hơn cả, vì nó người ta có thể thế này rồi cũng có thể thế kia.

Nhưng cái lý ấy chỉ đủ sức bắt bà mẹ ngồi yên chớ không thuyết phục được tâm tư bà phải yên tĩnh. Bà nghĩ, không biết từ hồi nào cái bọn dưới quê cũng cùng một giọng với bọn ở thành, cái ngữ coi thường mọi cố gắng của bà mẹ chung quy cũng chỉ vì cuộc sống của chúng nó. ừ, giấc ngủ là quý nhưng cái cách nói của tụi nó mới lạ, làm như bà là kẻ ăn người ở trong nhà chỉ biết hám việc mà vô tâm với thời gian nghỉ ngơi vàng ngọc của ông bà chủ. Nhưng nghĩ cho cùng, chúng nó đều đã thành ông bà chủ cả rồi, chúng cần được phán thế này thế nọ trong ngôi nhà của chúng. Vì vậy, bà không thèm chấp nhặt con trai mình. Dù vậy, chúng nó cũng phải hiểu, khi người già còn làm lụng được là họ còn thiết sống, còn có ích cho cuộc đời mà ý nghĩa của việc có ích ấy phải chăng là lẽ sống của con người? Thế nên bà chỉ nhượng bộ khi chúng chưa mở đài, chớ để tiếng nhạc thể dục ấy sổ ra rồi, đố đứa nào bắt bà nằm ép trong mùng được, mặc dù thứ nhạc đó không làm chúng động tay động chân, chẳng qua chúng nghe như nghiền.


Nhưng đêm nay lại khác, mọi thứ đều khác khi biến cố ấy xảy ra. Không một chút mơ màng, bà mẹ nhận ra ngay tín hiệu trong vắt quen thuộc vọng từ trên lầu xuống, thứ tín hiệu riêng của đài được truyền đi trước khi họ phát nhạc thể dục, điều đó nói với bà: vợ chồng họ vẫn ngủ riêng và con trai bà thao thức sốt ruột. ồ, lúc giận nhau đời nào chẳng vậy nhưng sao lần này bà cảm nhận được hơi hướng nghiêm trọng khác thường.


Có lúc bà tưởng chúng nó sẽ làm lành được trong đêm khi nghe tiếng chân quả quyết của người con trai lên cầu thang. Xưa nay, người ta thường kết thúc chuyện giận hờn nhau trên giường ngủ. Nhưng bà thất vọng não nề khi nghe tiếng nàng dâu sa sả: "Anh còn mò xuống đây làm gì? Kỳ này thì đây nhứt quyết ra tòa, ra tòa, anh nghe chưa?", kèm theo đó là những cái đấm tay thùm thụp lên vật gì đó như là nắp thùng máy may, thành những dấu chấm than ầm ĩ. Chứng tỏ ta đây chẳng yếu thế chút nào trước mặt mẹ, anh chồng lớn giọng: "Thì ra tòa, tưởng đây ngán à? Người ta lấy cái máy chớ bộ thiết mò xuống đây để lấy cô hả?". Liền đó đứa con gái nhỏ bị điệu xuống ngủ với mẹ nó. Từ trên lầu vọng xuống chỗ bà mẹ tiếng đọc chuyện đêm khuya rỉ rả của đài Hà Nội, rồi thứ tiếng Việt là lạ của đài Bắc Kinh và kế đến nữa, thứ Việt ngữ ồ ồ của đài Hoa Kỳ. Cả nhân loại, cả thế giới không ngừng xâu xé nhau trên hệ thống truyền thông đại chúng đã được đem ra cầu cạnh khi người ta buồn.

Dù vậy, bà mẹ vẫn không ngừng hy vọng khi cơ hội còn được bóng đêm ủng hộ. Bà nín thở chờ đợi những bước chân rón rén khi nghe nàng dâu mở cửa phòng. Ðàn bà mà không có đức tính vị tha thì chưa phải đàn bà. Giá như chuyện đó xảy ra bà sẽ chờ, chờ cho chúng nói với nhau đủ điều xong bà sẽ lên lầu, sẽ vào với chúng và sẽ không ngần ngại nằm xuống bên nàng dâu quá quắt của bà. Nhưng không, nện vào tai bà mẹ là những bước chân âm vang về phía nhà bếp, như tiếng giận dữ của vị vương hậu giữa triều đình quạnh quẽ chán chê của nàng. Rồi tiếng người chợt té trên nền gạch tiếp theo tiếng rú kinh hoàng khiến bà mẹ phải bật dậy. Hóa ra, nàng dâu của bà đã dẫm lên vũng mỡ hồi đêm làm cho nàng giận rúm ró, bởi một lần nữa nàng lại dẫm lên cái sự kiện khiến nàng nung nấu ý định kéo chồng ra tòa.

"Có sao không con?" - Bà mẹ hỏi lo lắng.


"Ðồ chết bầm" - nàng dâu rủa con mèo tai họa, thủ phạm của vụ đổ bể hồi đêm, từ xó bếp phóng luồng mắt ma quái về hai người. Bà mẹ bật công tắc đèn và vẫn nán lại gian bếp để nàng dâu thấy rằng bà đã bỏ quá cho nàng, bà hiểu nàng đau nên mới rủa sấn sã như vậy cho hả. ánh sáng cho thấy một vùng mông của chiếc váy lụa trắng ướt nhoen nhoét.


"Phải thay đồ thôi, con!"- Bà mẹ nói nhẫn nại.


Lần này nàng dâu im lặng, chỉ có tiếng múc nước chàn chạt, tiếng cái ấm nhôm bị dằn mạnh trên thành bể đáp lại sự quan tâm của bà. Sau đó tiếng chân vang động của nàng lướt qua, như bà chủ đang lướt qua một con sen vô tích sự.


Bà mẹ lẳng lặng tắt đèn nhà bếp, lẳng lặng trở về giường mình trong phòng khách. Từ trong lại tiếp tục vọng ra âm thanh điên loạn của cỗ máy quá trớn. Ban đầu là câu rủa con mèo, lại con mèo cứ "quấn bên chân người ta" và một lần nữa, nó bị ném đánh uỵch vào tường, gây một tiếng rú thảm thiết. Rồi tiếng tủ quần áo đóng mở sầm sầm và cuối cùng, tiếng cửa phòng sập mạnh, cơn giận dữ bị hãm lại khi những tiếng động kia đã đóng những nhát búa vào thái dương bà mẹ.


Vốn quen chịu đựng âm thầm, bà mẹ tự giận mình. ừ, cũng tại mình mới nên chuyện. Ví như bà không quá lo xa mà cất keo mỡ nóng lên nóc chạn để tránh tầm tay táy máy của bọn trẻ, làm sao con mèo có thể gây án được? ừ, tại bà mà nàng dâu phải ra tay với con mèo cưng của đứa con gái. Thế rồi con trai bà nhảy vào chuyện và sự cố bùng xòe lên không cách gì ngăn nổi như đám cháy từ vũng xăng. Con mèo bỗng thành cái bia để họ nhằm bắn nhau, hạ sát nhau và mặc cho bà mẹ can gián, trong cơn giận điên cuồng nàng dâu giật con mèo tam thể trong tay con gái, dùng hết công lực như vận động viên ném nó vào tường trong tiếng kêu thất thanh của đứa trẻ. Cùng với tiếng tru hể hả: "Chết đi, đồ ăn hại, chết bớt đi", đuôi mắt nẩy lửa của nàng lại đóng dấu vào trán bà mẹ. Cảm nhận tức thì cái ám chỉ chết người, anh chồng xấn tới, dằn vợ bằng hai cái tát tay, cú đấm bất đắc dĩ mà anh không thể không dùng trước mặt mẹ già vì câu chuyện đã đi xa hơn chuyện con mèo. Bà mẹ, như mọi bà mẹ lúc nào cũng dễ dàng quên mình, liền đứng vào giữa họ, chấm dứt cuộc xô xát không ai biết cái kết thúc sẽ dừng lại. Nhưng đây là lần đầu nếm ngón đòn vũ phu của chồng, cô vợ không dễ dàng đình chiến, nàng kéo chiến trường vào phòng ngủ để từ đó những tiếng ly dị, ra tòa tuôn ra như những điệp khúc khản đặc cho đến khi nàng không còn sức để gào lên được nữa. Không khác gì tình cảnh con mèo, bà mẹ chỉ biết ngồi thu lu trên góc đi-văng và liên tục thở ra.

Dù sao bà mẹ cũng không nguôi hy vọng. Bà tin con trai bà đủ thiện chí để không xảy ra đổ vỡ bởi anh hiểu thế nào là không cha, là côi cút từ thân phận chính mình. Xưa nay, trong nhiều thứ khiến bà khó hiểu và hay lên án cái việc người ta không chịu trọn đời với nhau để khổ cho con cái. Theo bà, những đôi vợ chồng ấy vừa ích kỷ và đản hậu và sẽ không tránh khỏi hậu vận đen đúa. Vả lại, dù nguyên do vụ việc này có hiển nhiên như bà cảm nhận được bằng trái tim từng trải và nhạy cảm của một bà mẹ, bà sẽ không đành lòng thu xếp phần mình một khi họ chưa hòa thuận được. Chính vì vậy bà thấy mình cần phải làm gì, làm gì cho chúng nó mau xích lại với nhau.


Ðầu tiên, bà mẹ ngồi dậy cuốn mùng và không đợi tiếng nhạc thể dục như mọi hôm. Xong xuôi, bà xuống bếp, cẩn thận lau lại vũng mỡ trên nền gạch. Rồi bà xoay qua thau chén tu hú bị bị bỏ phế do cuộc xung đột hồi đêm. Bà làm thật nhẹ tay, thật ý tứ để nàng dâu đừng nghĩ bà muốn sửa chữa nàng. Nhưng nàng đã ra tới, tóc tai biếng nhác trên gương mặt khổ ải, người như tỏa nhiệt bởi một đám cháy âm ỉ.


"Má để đó con kẻo anh Hiển lại kiếm chuyện!" - nàng ngồi xuống cạnh bà và nói, cái giọng sưng vù.


Nhưng thau chén đã sạch trước đó, nàng chỉ việc úp vào chạn mà sao nó khua động, nó rổn rảng quá mức khiến bà mẹ tím mặt. Rồi nàng bước lại thau quần áo cạnh cửa phòng tắm, lưỡng lự nhón bộ đồ của chồng lên.


"Con để đó ở nhà má giặt hết cho" - bà mẹ nói để gỡ nàng khỏi một keo khó xử với bộ quần áo nàng đang muốn rũ bỏ.


Khó chịu trước sự tinh ý ấy, bộ mặt càng đỏ mầu chì, nàng ta bê trọn thau đồ, trong đó có cả bộ quần áo nàng đang muốn trả thù tới cạnh vòi nước, từ đó chỉ có tiếng nước rong róc, tiếng cái thau bị dận thức lộp bộp trò chuyện với bà mẹ.


Với chiếc cát-xét trên tay, anh chồng đi lom dom từ trên lầu xuống, mặt mày võ vàng vì đêm trắng vừa rồi. Biết mẹ đang nhìn mình bằng ánh mắt dò hỏi và van nài, anh nghiêm mặt né tránh và chỉ một lần lướt qua đôi vai nhô cao như đột ngột sắt đá của cô vợ từ khi nghe tiếng chân anh. Giá anh chịu khó nói: "Tối qua má ngủ được không?" Chắc bà sẽ có cách trả lời cho anh và vợ anh vui lòng nhưng anh đã im lặng, như trên đời này không gì quan trọng với anh hơn chương trình Việt ngữ của đài BBC từ chiếc cát-xét vừa được trả về chỗ cũ. Bằng cử động phiền muộn, anh đổ nước vào bình nấu điện, bày phin cà phê và hộp sữa ra bàn, công việc thường nhật mỗi sáng của anh. Bà mẹ nhìn thấy trên cái khay nhôm năm cái ly của ngày thường, chứng tỏ anh không hề lưỡng lự trước khẩu phần của vợ, điều đó chứng tỏ anh thật đàn ông và thiện chí trong cuộc đọ sức xem "ai thắng ai" ngấm ngầm này. Dù sao, dấu hiệu đó cũng khiến bà mẹ vui mừng, bà đã hiểu đúng con trai.


Vẫn ngồi trên cái ghế bên cạnh con, để làm dịu không khí đông đặc và để bộc bạch mình, bà mẹ lên tiếng:


- Con lo cho vợ mày với hai đứa nhỏ đặng còn đi làm. Phần má, chừng nào uống má tự pha!


- Thì má cũng phải uống cho đúng cữ - người con nói, mặt bỗng mát lạnh - má hổng ráng, có đổ bịnh lúc này có phải mệt thêm không?


Chưa đủ, ánh mắt bất nhẫn của anh sau lưng vợ còn như nói: bộ má tính tuyệt thực cho rối nùi nữa sao? Má thương tụi con với chớ! Như bất lực trước cuộc đối đáp lặng lẽ này, bà mẹ đứng dậy, mở cửa bước ra sân. Bà mà không thương chúng nó à, trên đời này bà không thương chúng nó thì ai thương?


Không thể đứng tần ngần để làm nặng thêm tình trạng khó thở của họ, bởi nàng dâu đang bê thau quần áo ra sân, bà mẹ liền cầm lên cây chổi tàu dừa do chính bà mang từ dưới quê lên. Nhưng sao tay bà run bắn thế này? Phải cố, cố để cho chúng nó đừng nhận thấy bà đang đau tê tái. Bà đưa những nhát chổi rời rạc vào chỗ thức ăn thừa của bầy ngỗng vung vãi trên nền xi măng. Những con ngỗng sư tử với chóp đầu ngạo nghễ như bờm ngựa dấn tới, ra cái cổ dài ngoẵng về phía bà mẹ kêu lên những tiếng cò hướt mừng rỡ. Chúng biết, như vậy là chúng sắp được thưởng công sau một đêm tận tụy.


Cho ngỗng ăn xong, bà mẹ lách qua những chậu kiểng bên hông nhà để ra với sân sau. ở đây có chuồng bồ câu cheo leo trên vách tường rào thường thả phân xuống khắp bể nước mưa và khoảnh sân nhỏ. Giờ bà mẹ có thể chống cán chổi để thở dốc một hồi bởi cánh cửa sau còn im ỉm đã ngăn bà với đám con cháu trong nhà. Bầy bồ câu từ thành bể nhẩy xuống ngơ ngác tìm mồi trên nền xi-măng, khi không thấy gì, chúng liền trở về chỗ cũ mà nhìn bà mẹ bằng ánh mắt buồn rầu. Một con mái mầu cu cườm phóc lên vai bà, kêu lên những tiếng gù gù nũng nịu. Trong khi đó bà mẹ lắng nghe động tĩnh từ bên trong vách tường, lắng nghe một cách sốt ruột và đau khổ. Nhưng trong ấy chỉ vọng ra tiếng chân người, tiếng hai đứa trẻ lào thào và tiếng đập đá lách cách - chúng nó bao giờ cũng thích sữa đá. Giá nghe được tiếng vợ chồng chúng nó trò chuyện bà sẽ khóc vì vui mừng. Nhưng chỉ sự im lặng dai dẳng đáp lại bà và sau đó, tiếng chiếc cub bị điệu ra sân, vậy có nghĩa là chúng nó sẽ đi tới sở bằng vẻ mặt ghẻ lạnh nhau.


Bà mẹ muốn đi vào và đích thân mở cổng rào để nhân đó gởi cho chúng ánh mắt khổ sở và kêu gọi đoàn kết của bà. Nhưng đôi chân vừa trở chứng đau nhức đã cưỡng lại bà, chúng bắt bà phải đứng như trời trồng giữa đám bồ câu ngơ ngác. Bà thoáng nghe giọng con trai: "Con Hoàng, ăn uống xong phải dọn rửa mới được đi học nghe chưa? Thằng Huy đâu! Ra nói với nội, nếu nội muốn, nội qua nhà cô Ba chơi ít bữa đi. Ðứa nào về sớm, đứa đó nấu cơm dọn dẹp nhà cửa. Về thấy tùm lum, tao cho ăn đòn!". "Nói kiếm một người ở như bên cô Ba mà hà tiện!" - tiếng thằng Huy càu nhàu. Rồi bỗng ré lên tiếng của mẹ nó: "Kiếm người ở hả? Hay quá! Ðể thêm một miệng ăn nữa a?".


Tự dưng bà mẹ thấy tối tăm mặt mũi như bị ai cho một đấm chí tử. Nhưng bà phải ráng, phải làm tỉnh bởi đứa cháu trai đã mở cửa sau để ra truyền đạt với bà gợi ý của cha nó vừa rồi.


Linh cảm một cuộc chia ly chưa biết sẽ diễn ra như thế nào, bà mẹ cố nhích tới để nhìn theo đám con cháu qua những tầng kiểng lòa xòa. Bà thấy nàng dâu vẫn sang trọng, vẫn đĩnh đạc trong bộ quần áo tươm tất đang cúi xuống mở chốt cửa cho chồng đưa xe ra, hai đứa nhỏ chạy ù qua mặt bà như đôi bướm và cánh cổng sơn mầu đọt chuối khép lại cùng với ánh mắt nàng ném nhanh về phía bà. Chiếc cub vút đi với người đàn bà cheo leo phía sau, tay không chạm vào người chồng mặc dù nàng vẫn ngồi chéo ngoảy rõ dáng của bà chủ trên chiếc xe đẹp đẽ của mình.


Quả tình bà mẹ có cảm thấy bối rối trước gợi ý khi nãy của con trai, cái gợi ý có nghĩa giải thoát cho cả hai bên. Nhưng cái lý tình thương đang chỉ cho bà nhìn thấy bao nhiêu công việc mà bà phải thu xếp cho tinh tươm trong mấy ngày tai họa này, cốt để làm hài lòng chúng nó. Yên tâm với mong muốn đó, bà trở lại sân sau đưa chổi lên bề mặt xi măng của cái bể nước vĩ đại, sản phẩm của tính lo xa của con trai bà trước tình trạng điện nước thất thường. Cái bể nước, ừ, cái bể nước, khát vọng đơn sơ của vợ chồng đứa con trai út dưới quê đang nhắc bà nhớ tới chúng nó. ừ, sao bỗng dưng bà nhớ vườn nhớ ruộng, nhớ mấy bà bạn già lúc nào cũng tóm tém nhai trầu, nhớ con sông với vệt lục bình riu ríu, nhớ ngọn gió bứt rứt trong đợt giao mùa từng khiến bà đau nhức trong xương cốt như bị ai dần. Chúng nó, vợ chồng cái thằng út nghèo khó ấy không ước bình điện, ti vi hay cát xét như thiên hạ mà chỉ ước một bể nước mưa cho đám con chúng đỡ đi chảy, đỡ ghẻ chốc trong mùa nước lừng phèn trước sa mưa. Cũng chính vì túng bấn mà chúng muốn "má lên thành để gần bệnh viện, má phải ở chỗ nào có lợi cho tuổi già của má nhứt, vậy là má thương tụi con rồi". ừ, thì bà thương chúng nó, đứa con lẹt đẹt nhứt nhà mà bà khăn gói ra thành, đó cũng là một cách đỡ đặt gánh nặng cho con. Giá bây giờ được về dưới quê bà sẽ không than đau nhức, sẽ cắn răng im lặng trước mọi bệnh tật để được sống nốt và cuối cùng là được chết trong không khí từng là của bà, để được ăn những bữa cơm mắm muối, được tắm rửa cho lũ con lúc nào cũng bốc mùi sình của chúng nó. Nhưng lập tức, trong bà cũng hiện ra một bức tường trở ngại khi bà nhớ lại vẻ mặt khổ sở của người con út trong lần bà tự ý bỏ về quê chỉ vì thường xuyên thấy thiếu vắng những thứ mà cuộc sống thị thành không có. Lần đó, anh con út ấy, một người không hay nổi giận như anh con lớn, đã phải nổi giận: "Ðã nói má phải ở đâu có lợi cho má mà cũng có lợi cho tụi con nữa! Lên lên xuống xuống, đi đường gió máy ai hay? Má ở dưới này, có gì ai xoay xở kịp! Ðể rồi anh Hai với chị Ba đổ tụi con cầm giữ má đặng bóc lột công sức má". Trong khi đó, nàng dâu "dùi đục" của bà lầm bầm: "Nhà lầu, nước máy, xe cộ, thuốc men đủ đầy mà còn eo sách hoài". Nàng đã không thèm nói khẽ để bà đừng nghe thấy, vì vậy, hôm sau, không đợi ai phải nhắc khéo, bà mẹ lại xuống đò, lên xe trở lại thành phố. Hóa ra khi đứa con còn nhỏ, mẹ là cái cây tỏa bóng, lớn chút nữa, mẹ là quả ngọt là chỗ dựa tin cậy, khi hết đời cây bóng thành chướng ngại và cuối cùng chúng chỉ muốn bứng đi cho rảnh nợ.


Công việc trong nhà của bà mẹ bắt đầu từ cửa trước.


Khi đưa chổi qua cửa phòng vợ chồng con trai, bà mẹ dừng tay, ngước nhìn buồn rầu cánh cửa kiên cố từ lâu như đã khước từ bà. Bà lại nhớ sau khi tu nghiệp ở nước ngoài về, mỗi khi ra vô, anh chồng và cô vợ đều ý tứ khép cửa như là chúng nó thuận tay. Lúc đầu bà mẹ không để tâm đến thói quen đó, nhưng khi nghe hai đứa nhỏ bị mắng té tát vì một lần vô ý bỏ ngỏ căn phòng bà mới hiểu là nó cần được gìn giữ cẩn mật hơn bất kỳ chỗ nào trong nhà. Chiếc chìa khóa riêng của nó lúc nào cũng kè bên mình người con trai bà, kể cả lúc hai vợ chồng anh cùng đi vắng.

Lâu dần bà mẹ cảm thấy khó chịu với sự cẩn thận quá đáng ấy, bà không được chúng tin cậy hay không được quyền mừng khi chúng có của? Cả hai lý do đều khiến bà mẹ thấy mình bị xúc phạm nhưng chưa lần nào để lộ tâm trạng đó, bởi bà biết phận mình bây giờ là kẻ ăn theo trong nhà.


Bước vào khu bếp, bà thấy ngay ly sữa phần bà chưng trong tô nước để trên bàn ăn, nhưng bà không còn bụng dạ nào ăn với uống nữa. Bà mở tủ lạnh, may quá, thức ăn tươi còn nhiều khiến bà thấy như được cất một phần gánh nặng, nếu không, bà sẽ không thực hiện nổi bữa cơm thật chu tất như mong ước bởi túi bà không còn đủ cho một bữa chợ, bà vẫn chưa quên hôm ấy, để gỡ bí, bà đã phải cậy tới mớ đồ thứ phẩm vẫn chất đống ở sân sau và số tiền ấy đã cứu bà khỏi một phen lúng túng. Bà hay cảm thấy lúng túng như thế khi nghĩ đến vẻ mặt nàng dâu những lúc nàng đi làm về mà bữa cơm chỉ mới có cơm do bà không tiền đi chợ. Nàng không có thói quen đi chợ sớm để mẹ chỉ việc ở nhà làm bếp, càng không có thói quen hỏi bà còn tiền không. Bà không biết đó là do tính đểnh đoảng hay do cái gì, chỉ ghi nhận đó là một sự thật mà bà phải sửa chữa bằng số tiền đút nhét của cô con gái đang ở cách bà nửa giờ xích lô. Phải bà đã chi cho những bữa chợ để mua vẻ mặt tươi cười của nàng dâu bằng số tiền thưa thớt đó. Vì vậy mới có cảnh buôn bán với gánh ve chai lông vịt để hai đứa nhỏ bị lục vấn một trận ra trò. Thật là một màn bi hài kịch.


Bữa cơm rồi cũng được bày ra trong chiếc lồng bàn bằng nhựa đặt trên bàn ăn. Chỉ cần giở nó ra là con cháu bà sẽ có ngay một bữa đàng hoàng, trong đó có món cá thu chiên sốt cà mà ba cha con chúng đều thích. Bỗng trong bà mẹ trỗi lên ý muốn được biến đi để chúng có cảm nhận thế nào là bàn tay bà mẹ trong nhà và cả việc chúng sẽ thấy ân hận, thấy thiếu vắng bà trong bữa cơm đề huề này. Vừa lúc đó, cô cháu nhỏ về tới, bà mẹ càng thấy cần phải rời khỏi ngôi nhà một khi đã có người để bàn giao cửa nẻo.


"Ba mẹ về, con nói nội qua nhà cô Ba. Thôi, chờ ba mẹ với anh rồi ăn một thể cho vui, con. Còn ly sữa của bà trong tủ lạnh, uống đi cho đỡ đói. ờ, nội ăn cơm trước rồi".

*

Chiếc xích lô đỗ bà mẹ trước hai cánh cổng sơn mầu ghi của ngôi biệt thự còn bề thế hơn ngôi nhà bà vừa bước ra như một kẻ bỏ chạy. Bàn tay nhăn nheo với tìm núm chuông nhỏ sau trụ rào. Qua khe cổng bà nhìn thấy cô con gái đang giữ chặt con béc-giê trên thềm, cả hai đều nhíu mày trước tiếng chuông giục giã. "Ai mà nhấn chuống giựt ngược vậy?" - Cô chủ cằn nhằn với cô ở đang tất tả chạy ra, hai tay cô này còn chùi lia lịa vào ống quần.



Thấy bà mẹ, cô con có vẻ ngỡ ngàng. Vừa lùa con chó vô nhà, chị vừa rối rít:


- Ngoại qua! Lucki yên cho ngoại vô nhà! Nước cho ngoại bây ơi! Ngoại vô, ngoại vô đại đi, Lucki nhận ra ngoại liền hà?


Rồi chị tong tả đi trước, cái rob lụa với những dẫy đăng ten từng từng lớp lớp làm chị đài các đến mức bà mẹ phải ngạc nhiên tự hỏi có phải chính mình đã hạ sanh người con gái này không?


Bà mẹ ngồi xuống xa-lông để thở, để sững sờ trước căn phòng được trang hoàng như ngày Tết và để thỉnh thoảng dò xét con chó có bộ mặt hung hãn của gã đàn ông hiếu sát đang đứng cách bà một tầm tay. Cô con ngồi đối diện với mẹ, nhìn lom lom vào bàn chân nứt nẻ của bà vút lên mặt si-mi-li vàng chóe của xa-lông, bộ dáng sốt ruột. Cuối cùng, không đợi được, chị lên tiếng:


- Có chuyện gì hả má?


Trước vẻ quan tâm đầy đồng cảm mà các bà mẹ thường nhận được ở các cô con gái, bà buột miệng kể hết chuyện hồi đêm, duy có những câu ám chỉ của nàng dâu thì bà giữ lại, bà thấy cần phải giữ điều đó lại để chị em chúng nó đỡ vướng khi nhìn mặt nhau.

Cô con ngồi tréo ngoảy lên, người ngả lưng ra lưng ghế, vẻ bất mãn cực độ:


- Thấy bộ dạng má, con biết có chuyện mà. Ðánh nhau thì còn ra thể thống gì. Con hả, anh Phú mà đánh con một cái hả, con tự tử liền!


Bà mẹ cầm nón lá lên quạt như để xua tan ưu phiền. Cô con ngồi cong người lại, tay chống lên cằm vẻ nghĩ ngợi rất lung rồi lại lên tiếng, vẻ dè dặt khác thường:


- Hay là má qua nhà cô bạn nghỉ đỡ một đêm. Cũng gần đây thôi, chừng năm trăm đồng xích lô chớ gì. Chả là... - Chị ngập ngừng rồi đảo mắt một cách thiếu tự tin trong phòng khách - Chả là chiều nay ông xã con mời tiệc mấy vị khách có công chuyện làm ăn. Trưa nay ảnh còn phải tranh thủ đi chia lại ít rượu tây với thuốc lá ngoại. Con chỉ sợ - Chị lại ngập ngừng - Sợ khách khứa làm ồn má!


Bà mẹ hiểu ngay tình thế của mình. Bà nhớ tức thì lần đó, lần vợ chồng cô con có vẻ cuống lên khi một vị khách nghe chừng ở nước nào đó mới về, khi người ấy bước vào căn phòng này nhằm lúc bà cũng có mặt ở đây. Vì bà mẹ họ cuống lên, sau này bà mới nhận ra điều đó chớ lúc ấy bà tưởng mình nán lại chào khách là tôn trọng cả hai bên, sau đó sẽ tìm cớ rút lui, trong suốt buổi sơ kiến, vợ chồng cô con đã cố tình lờ bà đến nỗi khách cứ nhìn bà tò mò như người ta thường nhìn những đồ vật cổ kính trên bàn thờ. Cuối cùng khách đặt tay lên đầu gối vị con rể bà: "Xin lỗi, cụ đây là...". Trong khi đó cô vợ nở nụ cười tê điếng, anh chồng nhanh miệng: "ờ, cũng xin lỗi anh, bà nhạc tôi đấy", rồi cụp mắt xuống săm soi chiếc quẹt gar trên tay. Người khách đưa hai tay lên kiểu cách: "Ô, thảo nào. Bà xã anh có gương mặt y hệt cụ, mình đã ngờ ngợ từ đầu". Cô con ngồi mím môi như lời khen vừa rồi đã sỉ nhục chị. Bà mẹ liền đứng lên giã lã chào khách rồi rút lui. Hôm sau, bà viện cớ "về cơm nước cho anh chị Hai mầy" để ra khỏi ngôi nhà của những người chủ đang muốn chối bỏ lai lịch đồng ruộng của mình.


Ðể cho con gái khỏi nhọc lòng, bà mẹ quả quyết đứng lên:


- Má phải về với anh mày. Bỏ nó trong cảnh này, má không yên bụng - Bà đã nói thật ý nghĩ vừa trở lại trong đầu như một lời nhắc nhở.


- Vợ chồng ảnh đương vậy, má về sao được? - Cô con nói một cách yếu ớt và đứng lên trước cả bà mẹ.


- Má phải về coi mới được, con! - Bà mẹ nói thêm và theo chân con gái ra thềm.


Trước khi chiếc xích lô bon đi, cô con gái dúi vào tay bà mẹ mấy tờ giấy đỏ. Bà cần gì tiền chúng nó! Nghĩ vậy nhưng miệng bà vẫn nói: "Má còn đây, còn tiền đấy mà". Hơn lúc nào hết bà sợ bất kỳ sự phiền muộn lộ liễu nào của mình cũng sẽ gây ưu tư cho con cái. Người con gái đành trả tiền trước cho bác xích lô và đứng lại bên cổng nhìn theo, chị có cảm giác như má mình đang trở lại chiến trường. ở trên xe, vừa khát, vừa đói, vừa rã rời trong tâm trạng của mình, bà má cũng cảm thấy mình là một chiến sĩ không vũ khí, không yên cương, không áo giáp, chỉ có tấm lòng thiết tha mong muốn hòa bình trong ngôi nhà các con dù phải hy sinh mình. Rồi cơn khát mạnh hơn, nó giày vò bà dữ dội hơn cả, nó khiến bà nghĩ tới ly sô-đa với mấy lát cam trong mầu nước óng vàng, ly nước hãy còn nguyên trên chiếc bàn bà vừa bỏ lại.

Vừa xô cửa vào, để con cháu khỏi ngỡ là người lạ, bà mẹ đánh tiếng:


- Tụi nhỏ đâu hết rồi bây?


Có tiếng chân người từ phòng trong đi ra. Thì ra anh con trai bà. Vậy mà bà cứ lo trưa nay anh còn phải nằm co trên lầu. Nhìn vẻ mặt anh, bà mẹ biết mọi chuyện đã êm đẹp sau bữa cơm và giờ nghỉ trưa này. Nhưng vẻ mặt anh cũng để lộ rằng anh không mừng chút nào khi bà mẹ lại có mặt ở nhà anh.


- Hai đứa nhỏ chắc di tản nhà ai. Mà sao má không ở bển chơi vài bữa?


Bà mẹ bỗng thấy nghẹn ngào, không phải bà mừng cho vợ chồng con trai đã làm lành được mà chính vì nhận biết anh có vẻ thất vọng vì bà đã trở lại với anh.

- Thì về coi nhà coi cửa, cơm nước tiếp vợ chồng bây. - Bà mẹ nói, không thể làm thinh trước câu hỏi của con nên mới phải nói, rồi đi thẳng xuống bếp.


- Bà thì lúc nào cũng hám việc với sợ mất đồ! Tiếng người con đuổi sau lưng bà mẹ. Vẫn đứng giữa phòng khách, anh ngao ngán lắc đầu, ý nói không còn hiểu nổi các bà già nữa.


Từ trong phòng ngủ đi ra, nhưng không nhìn thấy bà mẹ trong gian bếp nàng dâu múc nước rửa mặt rồi trở lên nhà bằng những bước chân ngang nhiên. Bây giờ, không cần nhìn theo, bà mẹ cũng biết vợ chồng nó đã ngồi sát nhau trên chiếc xe của chúng để đi đến sở làm. Bà đứng tần ngần bên chiếc bàn với những thức ăn thừa trong chiếc lồng bàn, mặt mũi chấp chá, người chao đảo trong cơn xây xẩm bất thần.


Vừa ngồi xuống ghế, một ý nghĩ lạ lùng ập đến khiến bà mẹ thấy cả người lạnh toát và nhẹ tênh như được siêu thoát rồi vậy. Bà phải định thần thật lâu mới xác định được điều có thật đó, nó vừa ám vào bà như có ma quỷ gì chớ không phải do chính bà nghĩ ra. Bất giác, bà đưa mắt nhìn quanh, không có chỗ nào để làm việc ấy. Nhưng sao bà lại nghĩ ra cái kết thúc thê thảm nhường kia? Quái lạ, sao bà không còn thấy sợ như khi đưa ma một bà bạn già mà ngược lại, chưa bao giờ bà thấy mình gan, mình mạnh như lúc này.


Mắt bà bỗng dừng lại ở cái bể nước đồ sộ ở sân sau. Giá bà có thể dầm mình trong đó để biến đi, nó sẽ thành cái mồ kiên cố cho bà được lắm chớ. Nghĩ tới cảnh nàng dâu sẽ nôn thốc nôn tháo khi biết bà chết rục trong đó, bà muốn bật cười. Nhưng chúng nó sẽ phát hiện ra ngay, chúng phải bỏ nhà, có khi phải ly dị thật vì cái chết khủng khiếp của bà. Không, bà không thể làm việc đó trong nhà con mình, một khi chính vì sự êm ấm của chúng mà bà muốn mình hãy chết đi. ờ, bà đã có cách, gì chớ muốn sống mới khó chớ muốn chết thì...


Bà sắp soạn quần áo thật nhanh, thật vội vàng như sợ tử thần không chịu chờ. Lát sau bà đã ở ngoài đường với cái túi nhỏ của bà, thật ra bà cần gì quần áo nhưng phải làm vậy để anh con trai khỏi nghi ngờ. Bà tìm ra hai đứa cháu nội đang chơi đô-mi-nô trong sân của một nhà hàng xóm và ngoặc chúng lại:


- Nói với ba mẹ, bà về quê.


Chỉ có đứa cháu gái chạy tới với bà và bà ôm chầm lấy nó. Nó nhìn bà trân trối nhưng nó tự trấn an rằng bà nội thường hay khóc, ai chớ nó gặp bà nội khóc lén hoài giờ nội lại khóc chắc vì phải xa nó ít lâu. Bà mẹ buông đứa cháu ra, bước đi lựng chựng như một đứa trẻ, lần duy nhất bà quên dặn tụi nhỏ về coi chừng nhà hoặc khóa cửa cẩn thận rồi hãy đi chơi. Nó đáng thương biết bao nhưng nó mong manh quá, thơ dại quá, nó sẽ không làm nổi cái phao cho bà trong những ngày cuối cùng này.

Ra đến bến xe, bà mẹ mới hay mình không còn tiền để mua vé. Nhưng sự can trường trong bà vừa lên tiếng nhắc bà hãy cậy vào lòng trắc ẩn của người dưng thường dành cho kẻ già nua và tàn tật. Bà cầu xin một tài xế trên chiếc xe nhỏ và được giúp đỡ ngay mặc dù người đó vẫn phải nhìn bà bằng ánh mắt dò xét và ái ngại.


Khi đã ở trên xe bỗng dưng bà thấy tuyệt vọng vì nhìn đâu cũng thấy người, những người kia sẽ không để cho bà chết một cách dễ dàng dù cho bà có quyết chết ở đâu đó chớ không la lết về với vợ chồng thằng út trong tâm trạng vô cùng mệt mỏi này được. Bây giờ bà mới vỡ lẽ, hóa ra muốn chết cũng không dễ gì.


Lúc chiếc xe dừng lại đổ nước và cho khách giải khát, bà mẹ dòm lom lom vào bánh xe với ý định sẽ lao vào nó khi chiếc xe lại lên đường. Nhưng nghĩ lại bà thấy không thể, nếu bà chỉ bị thương để thành tàn tật và lại thành gánh nặng cho con cái thì sao? Rồi bà sẽ làm cho mọi người trên xe kêu rếu kinh sợ, sẽ đem xúi quẩy cho người tài xế ơn nghĩa của bà. Bà lại nhìn chăm chăm vào những chiếc xe vùn vụt trên đường và lại cảm thấy sợ cho cái kết thúc không gọn ghẽ.


Nhưng bà không thể tháo lui được nữa trong khi mỗi khắc bà mỗi về gần với đứa con ở quê nhà. Hay là bà cứ về với nó, cứ trơ lì trước những câu xa gần của nàng dâu "dùi đục" chỉ để được sống và được chết một cách tự nhiên. Nhưng trước sau gì chúng nó cũng giải bà lên thành trong khi bà không thể hét lên: "Tụi con hãy để cho má chết". "Thương má thì hãy để cho má chết!". Chưa bao giờ bà trải qua giờ phút tâm can bị xâu xé ác liệt như bây giờ nên có lúc bà thấy mình ngắc ngư và nghẹt thở. Rồi bà lại thầm mong mình bị cảm gió và chết tức thì đi. Nhưng nếu bà chỉ á khẩu hay bị gió đánh liệt tay chân và lại bị đưa về cho các con thì sao?


Ðã đến phà. Phà rồi à? Trong khi mọi người hớn hở vì sắp về đến nhà, bà mẹ hoảng sợ hơn. Chưa kịp biết phải làm gì, chiếc xe với những người già và trẻ nhỏ được ưu tiên ngồi lại đã lao xuống cầu. Sau khi nó ổn định chỗ trên chiếc phà sực mùi nước giải, mùi mồ hôi, mùi xăng xông, bà mẹ lò dò bước xuống khật khừ không khác gì một bà lão ăn mày vì đói khát, nhọc mệt, đau nhức và cái chính là vì đang kiệt lực khi cầu cạnh tử thần.


Ðứng ép bên thanh sắt lan can ở gần hầm phà, bà mẹ bỗng nhận ra mặt nước dưới chân, mặt nước dữ tợn như đang réo gọi, đang sôi sục ý muốn vồ vập những ai nhìn vào nó. Sao bà không nghĩ tới nó sớm hơn? Nó mênh mông, nó rộng mở vậy, chắc nó sẽ khâm liệm kín mít bà mà không ai có thể ra tay được. Nhưng sao bà chóng mặt, chóng mặt đến mức bà tưởng vừa nhìn thấy vạc dầu sùng sục dưới chân. Mở mắt ra, bà thấy đỡ choáng váng hơn nhưng mặt nước ấy không buông tha bà. Nó có lý lắm khi rủ rê bà, sẽ không ai tốn kém, cực khổ để an táng bà cho linh đình để rỡ mặt người sống. Có khi nó sẽ mang trả bà về với con sông luôn khiến bà thương nhớ. Phải rồi, nó sẽ giải thoát cho bà mà không ai phải chịu trách nhiệm và bà sẽ không phải soát xét trước sau gì về hành động tự nguyện này. Bà không còn gì để nợ cuộc đời này khi bà đã sống trọn đời goá bụa cho các con và chúng nó đã có vai vóc hết, duy có thằng út hơn ẽo ượt nhưng nó sẽ khá lên nhờ đức cần cù một khi đám con trưởng thành.


Bà mẹ khẽ xích lại cột dây cáp. Có tiếng ai đó sau lưng: "Bà già coi chừng té!". Thế rồi bà cảm thấy chới với một cách hãi hùng và không còn kịp nghĩ gì nữa bởi cõi âm ấy đã nuốt chửng bà.


Chắc lâu lắm các con bà mới hay tin, tin về "một bà già sơ ý đã té phà vì chóng mặt". Chắc họ sẽ thắp hương, sẽ tấm tức khóc và sẽ tiếc vì không "vớt được xác má để xây cho má một cái mộ thật kiên cố".

Dạ Ngân
Số lần đọc: 2956
Ngày đăng: 27.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điểm tựa trắng - Lê Đình Trường
Muỗi đói - Lê Đình Trường
Mũi lấn - Anh Động
Hoa hồng tỉ muội - Trầm Hương
Hoa So Đũa - Trầm Hương
Quỉ khóc - Thanh Giang
Viết từ ấn tượng vỡ vụn - Lê Đình Trường
Ánh lửa Chông Nô - Anh Động
Bóng chiều hôm - Nguyễn Thanh
Bông vông đỏ - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Người duy nhất (truyện ngắn)