Bây giờ đang lúc đầu mùa mưa. Thỉnh thoảng có vài trận mưa nhỏ lướt qua in dấu lấm tấm trên những con đường cát. Rồi mưa đi mất. Dân làng chờ mỏi mắt không thấy mưa trở lại. Những cánh đồng dưới chân núi Chàng Ô khô khốc. Đất bạc trắng một màu đá núi. Cỏ bị cháy vàng từng vạt lớn. Suối ngừng chảy. Lòng suối chỉ còn trơ đá, cát. Nhưng ở những chỗ lòng suối rộng, trũng sâu, nước còn đọng lại. Cả phum Pô Sét nấu ăn, tắm giặt ở những nơi đó. Trẻ con đùa nghịch, mò cá dưới nước suốt ngày. Bùn, cát cứ khuấy lên mãi. Nước tù càng ngày càng đục như keo lại.
Cách đây ba ngày. Khoảng xế trưa, chiếc xe bò quen thuộc của anh Sô Phan về tới đầu phum. Chiếc xe lắc lư chở hai thân gỗ cẩm lai dài nặng cồng kềnh. Nắng đốt da, vậy mà anh Sô Phan cứ ở trần. Đầu anh quấn chiếc khăn màu đỏ. Trên hai vồng vai rộng, những giọt mồ hôi lớn đọng lại rồi chảy xuống ròng ròng. Những nếp nhăn trên trán anh cũng lấp lánh mồ hôi. Sô Phan cho xe rẽ chầm chậm vào trong sân nhà. Lúc ấy, Trắng đang ngồi trong nhà mẹ Thúc, thấy anh Sô Phan về, Trắng vội chạy theo xe. Trắng giúp anh Sô Phan đỡ hai cây cột lớn xuống sân. Trắng khen:
- Cột tốt quá.
Anh Sô Phan cười:
- Tốt. Tốt lắm!
Trắng lần tay vuốt ve trên cổ hai con bò. Hơi nóng còn trên da chúng. Trong khi đó anh Sô Phan ôm cỏ khô ném xuống trước mõm hai con bò. Xong, anh quay về phía Trắng:
- Bội đội ở chơi. Tôi đi tắm một chút rồi về liền.
Anh Sô Phan ra suối. Người anh thì lớn lực lưỡng những bước đi mềm mại, uyển chuyển. Ra suối, anh trầm mình dưới vũng rất lâu. Nhưng khi lên tới bờ cát, anh thấy váng vất. Anh cố gượng về tới nhà. Lúc đó, Trắng đang ngồi trong nhà đợi anh. Sô Phan không nhìn thấy Trắng. Trước mắt anh bây giờ là một màu đen, rộng có vô số những điểm sáng vàng nhảy múa rối loạn. Anh vớ được cây cột nhà. Trắng bước tới gần, thấy gương mặt anh xám ngắt. Mồ hôi trên người Sô Phan toát ra từng hột to. Thịt da anh lành lạnh. Trắng kêu:
- Chị Nuông ơi!
Chị Nuông vợ anh Sô Phan chạy ra. Sô Phan không còn ôm nổi cây cột nữa. Tay anh buông thõng, rũ liệt. Chiều đó anh lên cơn sốt rét lúc nóng khô lưỡi, mờ mắt. Lúc rét run bần bật. Những ngày ấy Trắng về đại đội xin thuốc chữa trị cho anh. Luôn tiện, Trắng mang cho anh chiếc áo kaki. Chiếc áo mẹ Trắng đã may thật rộng để Trắng mặc thêm trong những lúc trời trở lạnh. Vạt áo có thêu một chữ T màu xanh. Trắng quý cái áo đó. Mỗi lần mặc áo Trắng nhớ tới mẹ. Nhưng anh Sô Phan nghèo lắm. Anh chỉ có vài ba chiếc áo rách để đi rừng.
Đến ngày thứ tư Sô Phan giảm bệnh.
Giờ đây, Trắng đang đi trên đường đến phum Pô Sết để thăm Sô Phan. Quãng đường từ đại đội đến nhà Sô Phan dài mười ba cây số. Ở đây, quãng đường như vậy là ngắn, phải lội bộ năm sáu chục cây số liên hệ công tác là chuyện thường.
Ngược chiều với Trắng, những chiếc xe bò nối nhau đang chầm chậm tiến vào rừng lấy gỗ. Những vòng bánh xe nghiến sâu xuống cát, để lại những vết dài trên đường. Những bước chân bò xới cát tung lên, bụi bay mù. Mùi mồ hôi bò lẫn trong gió cát nồng gắt. Những vòng lục lạc quàng quanh cổ những con bò rung hoài những âm thanh rộn rã. Thường mỗi xe, giữa đôi bò có một cái cần cong vút lên như ngà của loài voi già. Trên đó người ta cột những chùm lục lạc, những chùm lông đuôi ngựa nhuộm đủ màu sặc sỡ trông rất ngộ nghĩnh. Trắng không hiểu vì sao dân K. có tục đeo lục lạc cho bò. Có lẽ trên những con đường xa thẳm, âm thanh ấy làm họ quên nhọc mệt. Hay là những khi thả bò ăn lan trên đồng, họ dễ tìm thấy những con bò đi ăn xa bị lạc bầy. Hoặc lý do khác nữa: người dân K. thích làm đẹp và đó là một trong những cách làm đẹp của họ.
Kiên nhẫn và chậm rãi, những chiếc xe bò nối nhau thành hàng dài dưới nắng. Cuộc sống của người dân K. sau hai năm giải phóng đã bình thường trở lại. Vừa sau họa diệt chủng, Trắng thấy khắp nơi trên đất K. số dân còn lại quá thưa thớt. Xa xa có một bóng người đàn bà quấn khăn trên đầu, mang thúng kéo lết đôi chân trần. Họ đi trong dáng điệu gầy yếu, cô đơn khủng khiếp. Đường quá rộng, quá dài. Đồng mênh mông thiếu người gieo hạt. Bầu trời còn tụ một màu xám chưa tan hết. Trường học thưa thớt tiếng nói cười. Với sức mòn còn lại, với tâm hồn bị chấn động đến thất kinh, Trắng tự hỏi trong bao lâu họ mới nói cười bình tĩnh trở lại.
Lúc ấy, Trắng mới quen với gia đình anh Sô Phan. Quen qua ánh mắt nhìn hàng ngày gặp gỡ. Trắng đâu có biết nói tiếng Kampuchia. Anh Sô Phan và chị Nuông cũng không biết nói tiếng Việt. Gặp nhau chỉ cười để hiểu, để thông cảm với nhau. Thoạt đầu, Trắng hỏi chị Nuông:
- Chị biếtnói tiếng Việt không?
Chị nhìn Trắng mỉm cười:
- Biết chút chút.
- Hai bác đâu rồi chị?
Chị mở to mắt, hỏi lại:
- Âu, me?
Trắng cười, gật đầu. Chị Nuông hiểu câu hỏi của Trắng. Nụ cười trên môi Trắng chợt tắt nhanh, khi thấy chị Nuông hơi ngước ra phía sau, bàn tay xòe thẳng đưa lên cổ. Chị nói: “Pôn Pốt”, vừa nói chị vừa di động bàn tay qua lại trên cổ, ra dấu cho Trắng hiểu ba má chị bị bọn K. đỏ cắt cổ. Trắng thấy đôi mắt chị hơi khép lại, tròng mắt bất động, tê dại. Trắng có cảm tưởng như nỗi đau khổ hãi hùng tột cùng của chị tụ lại trong đôi mắt đó . . .
Nắng càng lúc càng gắt. Cát tung mù mù dưới chân Trắng. Bụi đỏ bám cao trên hai ống quần. Vừa tới nhà chị Nuông, Trắng thấy chị đang đứng trước nhà, nhìn theo dãy xe bò đang từ từ vào núi. Thấy Trắng bước vào, chị chạy tới. Đôi mắt chị mở to, lông mi cong rậm, hai quầng mắt xám tro dịu, một vẻ hiền lành mênh mông, sâu thẳm. Chị kêu lên âm sắc ngộ nghĩnh:
- Trắng mới tới.
Chị nói tiếng Việt còn cứng. Những dấu sắc trong giọng nói nghe chừng còn rất xa, chưa bỏ đúng độ để câu nói trở thành bình thường. Nghe như “Trăng mơi tơi”. Lạ lắm!
Trắng tới chỗ lu nước, múc nước rửa chân:
- Anh Sô Phan đâu chị? – Trắng hỏi.
Chị Nuông mỉm cười. Chị mặc áo màu đỏ và vận xâm pốt chi chít những hoa màu vàng trên nền xanh. Có lẽ, nhìn người phụ nữ K. thật lâu, đến một lúc nào đó, mới cảm nhận được tại sao họ thích màu sặc sỡ. Màu sắc ấy rất hài hòa với nước da hơi sẫm màu của họ. Nhất là những buổi chiều, nhìn những cô gái lội ngang suối, qua bên kia bờ, đi lễ chùa. Trong cái màu xanh trùng điệp của rừng núi chung quanh với cách ăn mặc đó, họ có một vẻ đẹp rực rỡ, linh động.
Trắng bước vào nhà:
- Anh Sô Phan còn ngủ hả chị?
- Ảnh với chú Sô Đanh vào núi lấy gỗ từ hôm qua.
Trắng ái ngại:
- Trời! Ảnh bệnh, đi sao được!
- Ảnh nói ảnh khỏe nhiều rồi!
Trắng cố gắng giải thích:
- Ảnh còn yếu lắm. Vô rừng làm nặng có thể bệnh lại đó chị.
Chị Nuông thật thà:
- Ảnh còn yếu lắm hả Trắng? Ảnh chưa vô núi được sao? Hễ ảnh thấy xe bò vào núi là ảnh ngồi không yên.
Trắng buông mình xuống ghế, thất vọng thẫn thờ.
*
Tin Sô Phan và Sô Đanh vào rừng đã một tuần lễ rồi không về, khiến cả phum Pô Sét xôn xao. Không còn chiếc xe bò nào được phép vào núi nữa. Con được cái dài trở nên vắng lặng. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe bò kĩu kịt đi ngang qua để lại những vết bánh hằn sâu trên cát, ngoằn ngoèo chạy mãi.
C2 cử một trung đội B3 – vào núi. Đó là trung đội của Sơn và Trắng.
Mùa mưa đã đến, nhưng chưa thấy tăm dạng một trận mưa thật sự. Ban ngày nắng bủa xuống đá, dội lên một thứ hơi nóng choáng mặt, hốc cổ. Ban đêm, giữa khuya khí trời hơi dịu lại, và khoảng sáu giờ sáng, thời tiết bắt đầu có hơi nóng khô. Qua một đêm đến sáng không thấy được giọt sương bám trên đầu ngọn cỏ.
Trung đội của Sơn và Trắng đang hành quân trong một khoảng rừng dày. Tre gai chằng chịt. Gần mười ngày trong rừng họ chưa chạm địch. Nước uống mang theo chỉ còn sâm sấp dưới đáy bi-đông. Họ quan sát từng khe đá, từng chiếc lá. Gần mười ngày trong rừng, với cảm giác địch luôn lấp ló, rình rập. Họ chú mục đến những điểm thật nhỏ. Thính giác giương rộng hơn. Cảm giác trải căng ra. chỉ cần một tiếng động rất khẽ, tất cả thần kinh họ đều run lên. Tay họ tức khắc chạm vào cò súng.
Nhưng, ở đây, một dấu mòn không có. Một hầm chông không có. Một vết cỏ bị rạp xuống, cũng không có. Sơn bắt đầu nản. Anh cúi xuống sửa lại quai dép. Vừa khom người. Sơn bỗng khựng lại. Qua lớp cỏ thưa, anh nhận thấy một vệt nước mỏng bám trên quai dép. Vệt nước đang từ từ bốc hơi, khô lại. Sơn nheo mắt! Anh không tin ở mắt mình. Vệt nước mỏng trên quai dép bắt đầu gom nhỏ lại. Và nhỏ hơn nữa, thành một điểm bằng đầu kim . . . rồi biến mất! Nước! Một vệt nước? Có thật vậy không? Sơn ngồi thụp xuống, tay rờ vuốt nhẹ từng ngọn cỏ. Anh cảm thấy tay mình hơi ướt – Có địch! Cả vùng ngực của Sơn hơi bị run giật. Tụi nó mới lấy nước qua đây. Đôi mắt Sơn ướt chầm chậm trên bãi cỏ và dừng lại một mầm non vừa mới chớm xòe chiếc lá đầu tiên. Chiếc lá bị gãy còn dính lủng lẳng trên thân. Một giọt nhựa đục như sữa, hơi đông lại quến trên đọt. Sơn quay lại, giọng anh rít nhỏ:
- Coi chừng. Tôi thấy vết tụi nó rồi. Cho triển khai đội hình.
Cả trung đội dàn mỏng ra.
Sơn bò xuống cỏ gai, cố xác định lại dấu vết rõ hơn. Nhưng không còn dấu vết nào nữa. Cả trung đội quanh quẩn tại điểm đó gần nửa giờ. Vệt sáng vừa mới ngún lên đã tàn mất. Chỉ còn dấu vết trong trí họ. Sơn quay trở lại, nhìn đọt cây non bị gãy. Giọt nhựa bây giờ đã đông cứng lại. Sơn đưa mắt nhìn quanh dự đoán hướng bọn nó có thể đi qua. Ba người nữa gom lại chỗ Sơn. Hân bên trái giữ B41, Hoàng phía trước, Trắng mé bên phải. Cả ba đang nhích từng bước dò dẫm. Trắng dùng mũi lê gạt những ngọn cỏ dài ngang đầu gối. Sơn bỗng thấy Trắng lùi lại đột ngột. Hai vai Trắng hơi gò lại, chồm tới trước như đang có chống đỡ một áp lực đẩy ngược trở lại. Sơn hấp tấp:
- Mìn hả?
- Không – Trắng trả lời: Hình như . . .
Trắng do dự, chưa quyết đoán được, tất cả trung đội lại chờ đợi. Trắng quỳ một chân xuống cỏ:
- Hình như đường mòn.
- Đường mòn? – Sơn bước tới.
Một con đường mòn rất hẹp chạy luồn trong những đám cỏ rậm. Họ dò theo. Đường dẫn cao lên núi. Rừng tre gai càng lúc càng dầy. Quần áo họ bị tre gai xé rách. Hơn bảy tiếng đồng hồ, họ theo vết một con đường ngoằn ngoèo khó hiểu. Đường lên cao rồi lại đổ xuống, dẫn vòng theo thân núi. Có thể là một con đường cũ mà dân làng đi lấy củi trước đây? Khó hiểu quá! Đến lưng núi, Sơn ra lệnh dừng quân. Sơn nghe tiếng nắp bi-đông mở lách cách. Sơn cũng mở nắp bình nước của mình, dốc bình lên môi. Anh đưa lưỡi lướt quanh miệng bi-đông. Anh nhận một cảm giác lành lạnh trên đầu lưỡi. Chỉ vài giọt nước rớt xuống tan trên đầu lưỡi. Chỉ vài giọt nước rớt xuống tan trên lưỡi anh. Họ nghỉ lại ở một khoảng rừng rất rậm. Những tàn tre lớn, che khuất mặt trời. Chỉ có vài đốm sáng rớt qua kẽ lá. Sơn nhìn đồng hồ: Ba giờ trưa. Tất cả đang giở cơm gói ra ăn.
Một người đang ăn, chợt ngưng lại chỉ về phía một dãy núi xa:
- Có mưa.
Thật vậy. Bầu trời phía đó đục lại. Trên không trung có một màn nước trắng xóa đang buông xuống. Màu xanh của núi càng mờ đi. Rồi mờ hơn nữa, chỉ còn thấy dạng núi tím nhạt. Chợt một giọng nói mừng rỡ cất lên:
- Nước suối ở Pô Sét sẽ chảy đầy tràn.
Tiếp theo là tiếng huýt sao trầm bổng, uốn lượn như dòng suối chảy.
- Bốn giờ.
Họ tiếp tục hành quân. Mặt trời bắt đầu thấp xuống ở phía Tây. Trong rừng ánh sáng trở nên mờ mờ. Họ vẫn kiên nhẫn dò theo con đường mòn. Sơn tiến xa phía trước. . . Trắng dừng lại, đứng dựa vào một gốc cây nhìn theo Sơn. Trắng thở dốc. Chờ hết cơn mệt, Trắng cất tiếng gọi Sơn. Am thanh tiếng gọi, buông thỏng, thất vọng:
- Sơn!
Sơn vừa quay trở lại. Trắng hấp tấp hỏi:
- Sao?
Trắng chống khẩu AK xuống đất:
- Con đường này sẽ dẫn chúng ta trở lại chỗ mà lúc sáng chúng ta phát hiện dấu vết của chúng.
Sơn sững lại. Anh bắt đầu định hướng. Sau cùng anh nói:
- Đúng rồi. Tụi nó ngụy trang đánh lạc hướng. Nhưng mình cứ tiếp tục lùng hết địa hình này xem.
Họ tiếp tục nhích tới từng bước. Càng về chiều, rừng càng nham hiểm, ác độc. Họ có cảm tưởng mắt thù bám sát vào lưng. Bỗng Sơn thấy đội hình phía trước biến dạng. Sơn vượt lên. Năm người đang đi mũi trước thụp người xuống. Sơn khom người xuống lướt sát bên Hân – người đi đầu. Sơn hỏi:
- Gì vậy?
Hân chỉ tay về phía trước:
- Cứ của tụi Pôn Pốt.
Qua những kẽ hở của màn tre gai dày, Sơn thấy phía sau mõm đá một mái lá gie ra. Sơn quay về phía người liên lạc:
- Cho triển khai đội hình . . .
Hùng vọt về phía sau, truyền lại khẩu lệnh.
Như cắt, tất cả biến mất sau những mô đá, những gốc cây.
Toán của Trắng vòng qua vách núi. Toán của Hân vòng qua phía chính diện.
Sơn lướt tới, sát bên Hoàng:
- Phía sau là một khoảng rừng thưa. Các ngả khác bị chận hết. Tụi nó sẽ chạy về phía đó. Anh hiểu chứ?
Hoàng gật đầu và dẫn theo một toán, mất dạng trong khoảng rừng thưa.
Vòng vây siết lại từ từ. Căn cứ của tụi Pôn Pốt là ba ngôi nhà lợp bằng lá thốt nốt mới tinh. Hai ngôi nhà nhỏ chồm ra phía trước, một nhà lớn ở phía sau. Nhưng trước mặt toán của Hân tre gai đan dày chằng chịt. Không thể nổ súng được. Họ tiến tới. Im lặng. Bỗng một tiếng nói từ trong căn nhà lớn vọng ra, đột ngột:
- Đăm Bai.
Toán của Hân dừng lại, bất động.
Gần quá. Sơn đưa mắt nhìn Hân. Hân len qua một chỗ trống, tìm chỗ đứng thuận tiện. Hân trụ xuống, đặt khẩu B41 lên vai trái – Một quả B41 từ trên không sẽ xoáy chụp xuống phá hủy liền căn nhà lớn nhất. Rồi tất cả đồng loạt nổ súng.
- Điểm hỏa!
- “Crắc!” – Khẩu B41 bật ra một âm thanh lạnh lùng.
Súng không nổ.
Nghe động, bọn Pôn Pốt túa vụt ra cửa biến mình vào các hốc đá.
Gương mặt Sơn khô lại. Giọng anh khản đặc:
- Nổ súng!
Súng các mặt nổ rộ lên.
Trong khi đó, thoạt đầu là các ngón tay, rồi như chớp toàn thân Hân tê điếng. Anh như chết đứng. Hân cảm thấy tròng mắt anh hơi lành lạnh. Vừa khi bình tĩnh lại, Hân chụp đầu đạn B41 đè mạnh hơn. Nhưng muộn rồi. Một loạt đạn lửa bắn trả, từ trên núi, quét nát bụi tre cạnh Hân, Hân nghe tiếng hét phía sau:
- Nằm xuống.
Hân buông mình, lăn xuống cỏ. Vừa dứt loạt đạn kế, anh ngẩng đầu lên. Cách anh không xa, một chiếc xà rông màu đỏ tốc lên, đáp trên cỏ. Anh chồm dậy, và thoáng thấy một đôi chân trần lẩn vào một hốc đá – Một du kích nữ của quân Pôn Pốt. Nó bỏ xà rông để tẩu thoát nhanh hơn. Hân bò tới. Khuất sau hốc đá đằng kia đầu nó nhô lên. Cạnh nó là khẩu AK tựa trên mô đá chong về phía rừng thưa. Hân nhìn về phía đó. Anh thấy cần ăng ten của chiếc máy PRC 25 vượt lên khỏi bụi rậm. Nó đang rình Hùng. Hân nghếch khẩu B41 lên.
- Tạch . . . tạch . . .tạch.
- Ùng . . . oành.
Khẩu AK của địch nổ trước một giây. Cần ăng ten của Hùng mất điểm tựa ngã rạp xuống. Còn quả B41 của Hân chụp xuống ngay mục tiêu. Cái đầu và khẩu súng sau hốc đá biến mất. Chỉ thấy bụi cát, vụn đá bắn ra cùng với khói bốc lên. Hân bật dậy, phóng về phía Hùng. Hùng bị hai viên đạn trổ qua vai phải. Ống nói bật văng ra . . .
Chờ dứt tiếng súng. Hân bước tới cúi lượm chiếc xà rông. Anh cầm chiếc xà rông còn ấm đến bên hốc đá phủ lên xác chết.
Lúc đó, ở phía sau vách núi, toán của Trắng bắn gục ba tên, chọc thủng hàng cản, tràn về phía căn cứ. Hai tên còn lại chạy về phía rừng thưa, ở đó Hoàng sẽ đón tụi nó.
Trắng dừng lại trước cửa căn nhà lớn nhất, nghe ngóng. Rồi anh bước hẳn vào trong. Trên bếp nồi cơm lớn bắt đầu sủi tăm. Những trái bí đã gọt vỏ vứt lăn lốc. Chợt Trắng dừng mắt lại thật lâu trên sào phơi. Giữa những quần áo vắt bừa bãi, có một chiếc áo kaki rất quen thuộc. Chiếc áo đó bị dồn lại nhăn nhó ở góc sào. Hai cánh tay áo đã bị rách toạc, thòng xuống đong đưa. Đúng rồi: Chỗ vạt áo thêu một chữ T màu xanh. Giọng Trắng run run:
- Tụi nó giết anh Sô Phan rồi – Trắng rút mạnh chiếc áo trên sào.
Trắng xúc động đến run rẩy. Môi anh tái nhợt.
Sau khi tịch thu súng ống, thuốc men . . . Cả toán rút khỏi căn nhà. Trắng ra sau cùng. Không dằn được cơn giận dữ, Trắng dừng lại trước cửa, nhả một loạt đạn vào căn nhà. Xong, anh bật quẹt, ngọn lửa xanh nhỏ nhắn tỏa lên. Anh châm vào mái lá. Lửa bén vào đầu lá mỏng, hồng lên. Phút chốc ngọn lửa lan thành một đám lớn, đỏ rực. Bóng lửa chập chờn trên gương mặt ướt mồ hôi và nước mắt của anh. Anh cầm chiếc áo lên chùi mặt.
Cùng lúc với toán của Trắng, cánh của Sơn tràn vào hai căn nhà còn lại.
Trận diễn đã diễn ra hai mươi phút. Tiếng súng chấm dứt. Toán của Hoàng trải ra xa phía trên cao hơn dốc núi dựng đứng. Lúc nay, họ quên cả đói mệt. Chợt từ phía dưới chân núi, Trắng nghe tiếng kêu của Hoàng vọng vào vách đá:
- Sô . . . Phan . . .
Trắng giật nẩy mình. Tay anh bấu chặt vào đầu những tảng đá, lấy đà trèo lên. Tới nơi, khuất sau một tảng đá lớn, Sô Phan bị trói thúc vào gốc cây. Đầu anh gục xuống. Cả người anh bị lột trần đầy những vết đánh đập. Dưới chân còn những cây, và thanh sắt cong queo. Cách đó không xa, Sô Đanh nằm quằn quại trong một hốc đá. Tình trạng y như Sô Phan.
Hoàng cắt dây trói đỡ Sô Phan đi từng bước, Sô Phan cố vùng dậy, rời khỏi tay Hoàng loạng choạng về phía trước. Tay anh chỉ về phía lùm cây trên cao:
- Tụi nó còn . . .
Trắng ngước nhìn lên lùm cây. Như cảm nhận được sự nguy hiểm đang chụp xuống, Trắng xô mạnh vào lưng Sô Phan:
- Nằm . . .
Trễ rồi! Anh Sô Phan hứng trọn một loạt đạn quét ngang đùi từ lùm cây hóc hiểm trên cao nã xuống. Sô Phan ngã bật ra sau. Hai chân anh run giật, giãy dụa đập xuống đá. Người anh bị chuồi xuống dốc núi. Trắng lao về phía anh. Tất cả súng phía dưới đều châu về phía lùm cây, bắn che cho Trắng. đạn chạm vào đá tóe lửa, khét lẹt. Sơn nép mình vào đá. Anh ngẩng lên ước lượng độ cao của mục tiêu. Sơn cầm lựu đạn bò lên, thân hình luồn qua những kẽ đá như một con rắn . . .
Lúc ấy khoảng năm giờ chiều. . .
Cùng lúc ấy ở phum Pô Sét.
Không khí đang dịu lại. Ở những khoảng suối gần núi, nước dâng ngập những mô cát thấp dưới lòng suối. Nước còn rất đục. Dân trong phum đổ ra suối. Người lấy nước, người tắm giặt, người dẫn bò ra giữa dòng khoát nước lên tắm cho chúng.
Trước đây, khi bắt đầu mùa nước như vầy, chị Nuông vui lắm. Chị đội cà om ra suối. Chị chọn một chỗ cát tốt, cách xa mé nước khoảng vài mét, dùng bàn tay đào xuống một lỗ cát. Nước được lọc qua cát đọng lại trong lỗ. Chị Nuông múc từng lon nước trong ngần đổ vào cà om đội về. Nhưng bây giờ chị đang đau khổ điếng hồn. Đôi mắt chị như luôn luôn có một màn nước mắt phủ mờ. Thoạt đầu nỗi lo âu chỉ loáng thoáng trong chị. Chắc ngày mai anh Sô Phan sẽ về. Ngày mai rồi ngày mai nữa. . . Bảy ngày trôi qua. Lúc này, không ai vào núi lâu như vậy, trễ lắm là bốn ngày. Trong rừng không yên lắm. Bọn nó còn lén lút trở về. Đến ngày thứ tư chị Nuông sắp phát điên. Chị biết chắc anh Sô Phan không thoát được. Chị đã trải qua. Chị đã thấy từng người.
. . . Từng người xếp hàng nối nhau thành hàng dài. Họ run rẩy khóc lóc. Họ bị tê dại. Họ ngất đi vì sợ. Trước mặt hàng người đó là cái hố. Và trước mặt hàng người đó là nó – một CON NGƯỜI. Nó đang cầm khúc cây lên nước, bóng ngời rất vừa vặn, dài khoảng sáu tấc với một động tác thuần thục, nhuần nhuyễn, nó giơ khúc cây lên cao, thật chính xác nó bổ vào đầu một CON NGƯỜI đứng ở đầu hàng. Tiếng “Pụp” thảm khốc vừa vang lên, một người ngã sấp xuống hố. Toàn thân giãy run lên. Hai tay quờ quạng bấu vào đất, bấu vào những người đã rơi xuống trước. Hàm răng nghiến siết vào những xác chết người đó vừa úp mặt lên.
Nó nhìn. Nó cười. Hàm răng trắng bóng. Nó ra dấu cho người kế tiếp bước lên . . . Hàng loạt như vậy, khúc cây đặp vào đầu. Cắt cổ bằng lá thốt nốt. Loạt đạn phá vỡ lồng ngực. . . Cái chết không lý do. Cái chết là một điều dĩ nhiên. Sẽ tuần tự kẻ trước người sau. Xác người trên đồng. Xương người trong hốc đá. Hố chôn người trong chùa. Ruồi lằng – dịch tả. Không khí trương sình lên, vữa ra. Con người không còn suy nghĩ, không còn giác quan để nhận biết nữa. Họ chỉ là những bóng ma di động khổ sai trên những cánh đồng của ăng – ca. đừng đe dọa chết với họ nữa. Vô ích. Đe dọa họ cũng như nói với rừng với núi vậy thôi.
Trong những năm ấy, chị Nuông cũng vậy. Mẹ chết. Em chết. Anh Sô Phan mất tích. Tất cả người thân thuộc biến mất. Chết. Chị đang sẵn sàng bất cứ giờ phút nào. Tiếng đó chẳng còn là âm vang có hiệu quả. Nó chỉ tác động vào một thân thể buông xuôi rã rời.
Nhưng đã có một phép lạ. Chị và anh Sô Phan không chết. Phép lạ cho họ sống. Phép lạ cho họ gặp nhau. Và lần lần, như tất cả mọi người đời sống của họ trở lại bình thường. Ngày ngày anh Sô Phan ra đồng hoặc lên rừng lấy gỗ. Chị ở nhà đợi chờ mong ngóng. Thỉnh thoảng họ cũng bất đồng, cãi vã trong những công việc vặt vãnh hàng ngày. . . Sau hai năm giải phóng, những tình cảm, những rung động bình thường nhất của con người đã trở về với họ.
Bảy ngày rồi anh Sô Phan không về. Buổi chiều đó chị tới đại đội. Chị tìm Sơn và Trắng thố lộ nỗilo của mình. Những Sơn và Trắng đã vào núi. Chị gặp Nhân, người phụ trách, chị nói:
- Anh Sô Phan vào núi một tuần rồi, không về.
Nhân cố trấn an chị:
- Chị đừng lo nhiều. Chúng tôi đã cho người vào núi. Chắc anh Sô Phan bị lạc.
- Hả? Anh Sô Phan biết trong núi như biết bàn tay mình – Chị phản đối.
Nhân bối rối:
- Vào sâu trong núi bị lạc là chuyện thường chị à!
Chị Nuông đứng bật dậy. Đôi mắt hết thần, ngây dại. Người chị hơi co lại trong dáng điệu tự vệ, hốt hoảng. Bộ đội vào núi! Môi chị bật ra:
- Pôn Pốt.
Chị mím môi lại để phát âm hai chữ P. chị gằn từng tiếng nghe dứt khoát, rõ ràng. Âm thanh căm thù như xé rách một khoảng không. Hai tay chị quàng nhanh ra sau gáy như che đỡ một khúc cây vô hình đang đập vào. Hai bàn tay lập cập, làm mớ tóc sau gáy trùn lại run run. Không một ai thoát được khi đã rơi vào tay bọn nó. Chị biết. Chị đã trãi qua. Nỗi kinh hoàng, căm thù, hãi sợ đang chạy suốt người chị như luồng điện mạnh. Chị nhắm mắt lại, hai bờ mi rộng, lay động, chập chờn, tội nghiệp như đôi cánh tuyệt vọng của một chú chim non. Giọng chị thảng thốt.
- Chúng nó giết anh Sô Phan rồi.
Nhân nhìn chị. Mới đó – Chỉ trong giây lát – Đau khổ, kinh hoàng khiến người đàn bà trở nên bé nhỏ như một đứa trẻ. Anh cố giữ giọng trầm tĩnh:
- Không sao đâu chị – Anh cảm thấy mọi lời nói lúc này đều vô nghĩa – Em sẽ thường xuyên liên lạc vào trong núi, rồi cho chị biết tin sớm nhất.
Bên ngoài, chiều đang xuống. Rừng núi tím sẫm. Trên những cánh đồng thốt nốt mọc thưa thớt một dáng gầy guộc, buồn buồn.
Chị Nuông thất thểu ra về. Một chéo khăn trên đầu chị tuột xuống. Gió cứ phất đầu khăn vào mặt vào mũi chị liên hồi. Tiếng lục lạc roong reng của một chiếc xe bò vừa lướt qua khỏi chị. Chị ngẩng lên nhìn. Chị nhìn chăm chăm vào chiếc xe bò. Chị lắng nghe âm thanh của nó phát ra. Chị nhìn vết bánh xe. Rồi, bất thần, chị vùng chạy theo bằng những bước chân ngây dại. Một tay chị chận cái khăn trên đầu. Tay kia giơ lên như muốn với về phía trước. Chị rên nho nhỏ trong cổ họng:
- Anh ơi! Chú ơi!
Chị chạy. Chân chị ngập trong cát. Theo kịp xe, một tay chị nắm vành xe kéo lại, tay kia đập mạnh vào xe:
- Chú ơi! Chú có gặp ănh Sô Phan không?
Người đánh xe dừng xe lại, lắc đầu:
- Không gặp. Mà chị đi đâu vậy?
- Về Pô Sét.
- Lên xe đi. Tôi cũng về đó.
Chị lắc đầu. Tay rớt xuống khỏi thành xe. Chị lại chạy với những bước thật dài. Ống xà rông căng chéo ra. Cước chân chị làm những chỗ cát dày trôi đi. Cả người chị lảo đảo chuồi theo. Chị gắn chồm về phía trước gượng lại. Nhưng chị lại bị trượt chân sau, té úp mặt xuống cát. Chị bật dậy, chạy tiếp. Môi chị dính đầy cát. Trong miệng chị cũng có cát.
Trời tối rất nhanh. Rừng núi chung quanh trở nên dày đặc. Trên con đường cát dài, rải rác có những chiếc xe bò dừng lại nghỉ đêm. Những con bò đứng bất động im lìm, chỉ nghe phì phò những hơi thở dài. Mùi mồ hôi bò tảo ra giống như mùi cỏ bị giập tới nát nhừ.
Chị Nuông vẫn chạy. Cái khăn trên đầu tuột bay mất. Hai tay chị quờ quạng như một người mất trí. Gặp chiếc xe bò nào chị cũng dừng lại hỏi: “Có thấy anh Sô Phan không?”, “Không”, “Bộ đội trên núi về chưa?”, “Chưa thấy”. Chị tuyệt vọng. Chị mệt đuối. Chị sắp chết. Còn chiếc xe bò phía trước nữa kia. Chị ráng chạy tới đó. Quá đà, chị vượt lên khỏi xe, chân vấp phải vòng bánh xe. Chị té nhào về phía trước, ngã vật xuống bụng hai con bò. Hai con vật hốt hoảng lồng lên. Người ngồi trên xe bò giật mình. Ông chồm dậy giật dây, điều khiển đôi bò né sang bên và hét lên một âm thanh rền dài phát ra trong cổ họng!
- Hậy! Chậc! Chậc . . . !
Cả chiếc xe phía sau bị xoay lệch, rít lên ken két.
Dưới đường, vừa ngẩng mặt chị Nuông thoáng thấy những chân bò lồng lên rồi cắm xuốngcát im lìm những cây cột dựng đứng.
Chín giờ tối ngày hôm ấy.
Trung đội của Sơn và Trắng cắt rừng theo đường tắt gấp rút trở ra đường cái.
Trên lưng Sơn cần ăng ten của chiếc máy PRC 25vượt qua khỏi những lùm cây, rung động dữ dội. Sơn mở máy chỉ nghe trải thuần một tiếng độ rè rè lẫn vài tiếng nổ lụp bụp. Trong ống nghe thỉnh thoảng có tiếng nói của những làn sóng lạc nào đó thoáng qua rồi biến mất. Sơn nóng ruột hét lớn trong máy:
- B3 đây. B3 gọi tiền phương.
Họ đã xuống tới một khoảng rừng thưa và đang dừng quân dưới những tàn me cổ thụ. Gió mạh từng đợt. Những tàu lá thốt nốt đằng xa cứ dựng lên, xõa xuống. Tiếng nói của Sơn thoảng mất liền sau đó. Tiếng máy PRC 25 lại trải ra.
- B3 đây – Sơn áp tai vào ống nghe.
Trong thoáng chốc, Sơn rùng mình vì có cảm tưởng như đang áp tai vào một cái vỏ ốc rỗng. Sơn buông thõng:
- Không liên lạc được.
Tất cả đều hướng mắt về Sơn. Hùng, Sô Phan và Sô Đanh được cáng trên võng. Tình trạng của Sô Đanh nặng nhất. Anh bị một loạt đạn AK quét ngang hai đùi. Máu loang thành quầng lớn trên hai chiếc võng dù xanh. Sơn cố liên lạc với bệnh viện tiền phương xin xe cứu cấp. Sơn đang siết cứng ống nghe, bỗng bật kêu:
- Phải tiền phương đó không?
Trong máy, thoáng một tiếng trả lời rất nhỏ, xa tít:
- B3! B3! Tiền phương đây.
Sơn trả lời tức khắc:
- Nói lớn lên. Nghe không rõ. Tiền phương nghe rõ không? Rõ hả! Nghe B3 đây – Hai đường gân hai bên cổ Sơn căng phồng lên, cổ anh dẹt lại – Đề nghị các anh cho xe cấp cứu. Một bị thương nặng bảy mươi phần trăm. Hai bị thương nhẹ. Không chuyển xe bò được – Sơn đổi giọng – Nghe rõ hoàn toàn?
Tiếng trong ống nghe vọng ra:
- Nhận được hoàn toàn.
Sơn ngừng lại lấy hơi. Đôi mắt mừng rỡ. Anh thở phào nhẹ nhõm. Gần một tiếng đồng hồ, Sơn chỉ chờ để được nói bấy nhiêu đó. Sơn áp môi vào ống nói, dặn dò thân mật:
- Ráng xin “Xếp plai” giùm tụi tao gấp. Một “Em” bị nguyên băng AK vào đùi. Rất nặng.
Nhanh lắm là bốn giờ nữa xe tới. Từ tiền phương tới chỗ dừng quân của B3 gần một trăm cây số đường chim bay. Đường bộ còn xa hơn nữa, trong đó có khoảng năm mươi cây số đường đất phủ dầy cát núi, xe chạy dễ bị trượt bánh lệch xuống những trũng thấp đầy đá nhọn hai bên đường.
Dưới ánh trăng non, quầng máu ướt trên võng Sô Phan nằm phản chiếu hơi sáng sáng. Gió núi đổ xuống rừng cây nghe như tiếng sấm động dài, ở xa. Sau lưng Sơn chiếc máy PRC 25 gồ lên một hình khối nặng trĩu.
Trắng nói với Sơn :
-Vết thương này không chịu nỗi ba cây số đường xấu vì bị xe giằn xóc.
Trời không có sao. Những đám mây màu chì đậm nhạt nằm cong cong giống như những mảnh màu được phết vội bằng cọ lớn bản bị khô lại. Những đám mây mỏng phản chiếu ánh trăng, khiến bầu trời đỡ thấp và nặng. Trăng vẫn chưa lên khỏi núi.
Gió từ trên đổ xuống. Gió vẫn lay động rừng cây, có lúc giống như tiếng thác nước từ trên cao đập mạnh xuống các ghềnh đá. Càng xuống đồng bằng trống trải, gió lan loãng, nhẹ nhàng. Lẫn trong tiếng gió bỗng nhiên có một tiếng động mờ mờ, xa xa. Một người kêu lên:
- Có xe tới!
Sơn đứng lên. Anh thấy hai điểm sáng nhỏ từ phía đường đất đang di động tới. Tiếng động cơ rõ dẫn. Sơn nói lớn:
- Chuyển thương ra lộ.
Ba chiếc võng cáng thương binh di chuyển dần về phía đường cái. Đường trống, chỉ có vài lùm cây đen mọc rải rác. Có vài người đá vào những vật rỗng, tròn tròn lăn lông lốc. Trong ánh sáng mờ mờ họ nhận biết, họ đang đi qua một bãi xương người. Thỉnh thoảng có người đạp nhằm hộp sọ mục, nghe rõ tiếng vỡ xốp, rời từng mảnh. Hân vác B41 đang bước tới. Đôi chân anh bỗng rũn ra vì anh đang bước lên một chỗ mềm, đang lún dần xuống. Một mùi khô gắt, hơi tanh bốc lên. Hân hoảng hốt:
- Trời!
- Gì vậy? – Có người hỏi.
- Đạp nhằm đống quần áo mục.
Hân rút chân ra. Một sợi dây dài vướng theo lòng thòng ở cổ chân anh. Hân rởn ốc:
- Ghê quá! Tới bây giờ tôi vẫn không thể hiểu vì sao chúng dám đập đầu con người hàng loạt.
Họ ra tới lộ. Đằng xa, trên con đường đất rộng, đầy những lỗ trũng lớn, chiếc xe Dodge trồi lên, hụp xuống. Nó chao đi, lảo đảo như một chiếc lá giữa dòng. Xe tới nơi. Bụi cuồn cuộn xoáy trong hai nguồn sáng. Trên xe có một y sĩ và hai bảo vệ.
Ánh đèn làm chói mắt Sô Phan. Anh mở mắt. Trắng bước tới kéo chiếc mền dù bị lệch lên đắp kín cổ anh. Sô Phan thò bàn tay yếu ớt ra níu lấy Trắng:
- Trắng ơi! Cái áo . . .
Trắng lật mền thấp xuống ngực Sô Phan:
- Cái áo em đã mặc cho anh rồi đây.
Sô Phan hơi cúi. Mắt nhìn xuống ngực. Anh thấy mình đang mặc chiếc áo kaki quen thuộc. Tay anh bấu chặt lấy Trắng. Trắng từ từ mở nhẹ tay Sô Phan ra . . .
*
Sáng sớm hôm sau, chị Nuông hay tin về anh Sô Phan. Chị lính quýnh chuẩn bị xe bò rồi đánh xe ra bệnh viện tiền phương. Trời mát dìu dịu. Thật xa, trên đỉnh Chàng Ô cao ngất vẫn còn một màn nước trắng xóa mù mịt che khuất đỉnh núi. Khi tới bờ suối, đồi bò khựng lại bên mép nước. Chúng vục mõm xuống: hơi thở phì phò làm mặt nước rung rung. Chị Nuông giật dây mạnh, đôi bò ngóc cổ lên, những vòng lục lạc khua động mạnh. Chúng bước nhanh qua dòng suối chảy, nước văng tung tóe.
Ở bệnh viện tiền phương, anh Sô Phan đã hồi tỉnh. Anh bị bốn viên đạn xuyên qua hai bên đùi. Đạn chỉ trúng phần mềm không chạm xương. Khoảng một tháng sau anh có thể đi lại bình thường. Lúc chị Nuông vào tới chỗ anh nằm, thấy gương mặt bình thản của anh, chị mỉm cười mà trên mặt chị ràn rụa nước mắt. Chị kêu lên:
- Anh Sô Phan! Cái chân anh . . .
Anh cười, bàn tay to lớn, vụng về lần giở cái mền anh đang đắp. Anh nói: “Không sao hết. Cậu Trắng lấy lại được cái áo cho anh rồi đây”. Bàn tay đen, rộng của anh vỗ vỗ vào ngực. Chị Nuông ngồi bên mép giường. Bây giờ chị chỉ biết khóc cho thỏa. Chị không tin anh Sô Phan còn sống. Người chị rúng động từng chập. Chị khóc. Chịu vùi mình vào cơn khóc mù. Từ trong đôi mắt to rộng, mênh mông, nước mắt cứ trào ra không bao giờ dứt.
------------------------------------
Chú giải :
1981.
Kampuchia vừa được giải phóng khỏi chế độ diệt chũng Pôn- Pốt. Tàn quân của Pôn Pốt hãy còn trong rừng sâu. Lúc này, đồng ruộng đất nước Chùa Tháp hãy còn hoang vắng , rải rác khắp nơi là những xương người , sọ người...;chợ búa còn đơn điệu- rất ít các mặt hàng...
Theo chân bộ đội, tác giả đi sâu vào vùng rừng núi Kom-pon-sa - pư. Truyẹn này được viết trong chuyến đi công tác ấy.