Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
610
122.646.807
 
Hàng xóm
Kim Quyên

Lên thành phố  đã ba năm mà tôi vẫn chưa quen đượclối sống nơi thành thị. Cách ăn ở, đi đứng, cư xử vẫn rặt là người thôn quê.Buổi tối có thói quen ở quê ngủ sớm, 11, 12 giờ đêm đã ngủ được nữa giấc rồi để 4,5 giờ sáng hôm sau trở dậy cho heo, gà, dê, ngỗng ăn, chở rau đi bỏ mối, tưới cây cối trong vườn , ăn sáng rồi đi dạy. Bao năm sống ,công việc, giờ giấc như vậy đã quen, bây giờ lên thành phố mọi sinh hoạt đảo lộn, khó khăn, khó chịu hết biết.

 

Khu phố chỗ nhà tôi, ban đêm người ta không thiết tha với việc ngủ nghê. Không biết ban ngày họ làm việc gì mà ban đêm, đợi lúc đường vắng xe, con nít đem banh ra đá, chúng vừa đá,vừa hò hét, chửi thề ỏm tỏi, người lớn thì mua bán, cười nói ì xèo. Họ bán cháo lòng, cà phê hủ tíu, nghe nói có bán cả “ hàng trắng”… cho dân lao động đi làm về khuya và cho cả dân ăn chơi, hút chích.

 

 

Có hôm, vừa mới dỗ được giấc ngủ thì từ bên con hẻm 46 vang lên tiếng thét kinh thiên động địa rồi tiếp theo đó là một tràng chửi lộn giữa hai phe. Những tiếng tục tĩu, những từ nặng nề nhất được trưng dụng tối đa, sau đó hai phe kéo ra đường, phía trước nhà tôi dàn trận. Một bên  dao búa, gậy gộc, một bên thủ trong tay củi bửa, gạch đá. Đứng nép sau màn cửa nhìn ra, dưới ánh đèn điện, tôi thấy mặt người nào người nấy đằng đằng sát khí như trong phim kiếm hiệp chiếu thường ngày trên T.V. Thằng con tôi đứng cạnh  thì thầm:

 

- Tụi nầy bán heroin . Họ giành mối bán đó! Mẹ coi kìa! Thằng nhóc gương mặt trắng trắng là con bà Thảnh, nhà sát cạnh mình , nó  cầm đầu một phe, cái mặt  thấy ghê hôn.

 

Tôi nhìn thằng nhỏ có gương mặt hiền lành, dáng vẻ thư sinh,đang cầm trên tay con dao trong tư thế nghênh chiến, nói:

 

-  Con chạy qua cho má nó hay liền đi.

 

-  Ổng bả đâu có nhà. Hình như đi vắng mấy ngày nay, đi chùa hay đi đâu rồi.

 

-  Con nhớ số Công an phường mình không?

 

-  Mẹ không nhớ sao?

 

- Trạm dân phòng của khu phố ở gần đâu đây con biết không?

 

-  Trời đất ! Mẹ đi họp tổ dân phố bao nhiêu lần mà mẹ không biết, con làm sao biết được.

 

Tôi nổi quạu, nhìn nó:

 

- Mầy đàn ông, con trai mà không biết việc gì của địa phương rồi khi hữu sự  làm sao?

 

- Tối ngày con lo học hành có việc gì dính líu tới địa phương đâu mà biết.

 

- Thôi! Học đi cho được việc, để tao tính.      

 

Nó ngồi vào bàn học, còn lại mình tôi đứng chơ vơ trong bóng đêm, cảm thấy sợ hãi cãnh tượng diễn ra trên đường, cảnh tượng mà tôi chưa hề thấy khi còn ở dưới quê. Thế nào cũng có người chết trong đêm nay, trước nhà tôi. Khủng khiếp quá! Sao bây giờ người thành phố , có nơi họ sống dã man như vậy không biết.

 

Tiếng gạch đá chọi nhau bình bịch, tiếng chân chạy rậm rịch, tiếng kêu thét ré lên trong trời đêm khi có người trúng gạch bị thương. Cái bóng đèn đường vàng quạch trên cao bị trúng đá nổ tan tành , miễng văng xuống đường nghe rổn rảng.

 

Tôi run rẫy bước đến bên điện thọai, tìm số của ông tổ trưởng. Tiếng tuýt tuýt vang lên đều đặn, một hồi lâu sau, phía bên kia có tiếng quát:

 

- Ai mất dạy quá vậy? Đêm hôm không để cho người ta ngủ vậy?

Tôi cố lấy giọng nhỏ nhẹ:

 

- Chị ơi! Anh tổ trưởng có  nhà không ?

 

- Chi vậy?

 

- Ở đây có đám đánh lộn…

 

- Sao không kêu Công an, tổ trưởng có quyền gì giải quyết?

 

- Nhưng  tôi quên số, chị có thể ….

 

Phía đầu bên kia cúp máy. Tôi đâm giận mình quá chừng. Đi họp tổ dân phố bao nhiêu lần mà không ghi được những con số cần thiết để khi cần như thế nầy biết nhờ cậy ai. Thằng con nói đúng. Tôi đi họp tổ dân phố cho có lệ chớ chưa ý thức gì về địa phương, bây giờ đụng chuyện mới thấy sự hời hợt, lơ là của mình.

 

Tôi bước ra ngoài, đến cuối hành lang, gỏ cửa nhà của vị giáo sư  thường đi tập thể dục buổi sáng chung  với tôi ở  câu lạc bộ H.Đ. Lát sau, cánh cửa sổ hé mở, đôi mắt lờ đờ sau làn kính trắng nhìn tôi chăm chú, giọng ông ta nhỏ nhẽ:

 

- Có chuyện chi không chị?

 

- Đám đánh lộn trước đường ì đùng quá mà tôi không có số gọi Công an, anh có làm ơn cho tôi xin.

 

- À! Vậy hả? Tôi không có đâu.Ôi! hơi sức đâu chị quan tâm. Chuyện xảy ra hàng ngày mà, đã có chánh quyền giải quyết rồi. Tòan “ đầu trộm, đuôi cướp “ không đó, chị đừng dính vô.

 

- Không. Tôi phải báo Công an ngay. Để như vầy sẽ gây án mạng, có thằng con của bà hàng xóm mình đang tham gia ở dưới, với lại rần rần như vậy làm sao ngủ được?

 

- Hà..hà.. Ngủ không được thì nhét bông gòn vô lỗ tai, làm phòng cách âm mà ngủ. Chấp nhận ở đây là phải chịu vậy thôi. Gọi Công an không đến đâu. Nó đánh lộn hà rầm mà hơi sức đâu họ tới.

 

- Thôi! Tôi về.

 

Tôi gạt ngang rồi bước nhanh ra phía cầu thang, bực bội vì lối nói nước đôi, nụ cười lạnh lùng  trên gương mặt lạnh lẽo của ông ta.

 

Một mình băng qua con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Bóng đèn hắt ánh sáng yếu ớt, vàng vọt xuống những căn nhà tối tăm, ẩm thấp khiến tôi nổi gai óc. Con hẻm nầy là nơi ẩn chứa bao tội ác mà Công an phường và đội dân phòng cũng phải gờm. Tôi vừa đi vừa chạy, mồ hôi đổ lấm tấm trên trán, trên lưng, tim đập thình thình trong lồng ngực.

 

-  Cướp… cướp…

 

Có tiếng kêu thất thanh phía trước rồi bóng một tên cao lớn chạy ào vào hẻm, trước mặt tôi. Vừa chạy, nó vừa đưa vật gì sáng lấp lánh cho vào miệng.Tôi vội nép vào, tên kia chạy vút qua , giây sau cô gái ăn mặc hở hang đuổi theo , giọng kêu đã khàn, thấy tôi cô ta hỏi:

 

-  Chị thấy nó chạy vô đây không?

 

Tôi gật đầu:

 

- Thôi! Cho nó đi! Cô chạy theo nguy hiểm lắm!

 

Người phụ nữ có vẽ ngập ngừng, đi tiếp vài bước rồi quay trở lại, ra khỏi hẻm. Tôi bảo:

 

- Đi theo tôi xuống phòng Công an trình báo luôn.

 

Giọng cô ta chán chường:

 

- Mệt quá rồi! Thưa họ cũng không giải quyết gì được đâu?

 

- Sao cô nói kỳ vậy? Chưa gì mà đã biết không được là sao?

 

- Thôi! Tôi không cần nói với ai hết. Tôi tự giải quyết với tụi nó đươc rồi.

 

- Cô ta vội ngoắc chiếc xích lô vừa trờ tới, leo lên xe, lủi mất trong đêm.

 

Tôi bước vào. Nghe tiếng động, anh Công an đang ngủ gật trên bàn dụi dụi đôi mắt, hỏi giọng ngái ngủ:

 

- Có chuyện gì vậy chị?

 

- Ở hẻm 46 có đám đánh lộn cậu à!

 

- Hẻm 46 thuộc khu vực của anh Phát. Anh ấy đang đi tuần tra với đám dân phòng mà không hay vụ nầy sao?

 

- Mấy cậu lên gấp dùm, sắp đổ máu . Ở đó có hai phe mua bán xì ke, tranh mối khách chém giết nhau hàng ngày, mấy cậu  hay chưa?

 

- Dân hẻm đó là dân đi kinh tế mới, về mấy năm nay không có công ăn việc làm, họ quậy nhức xương, nhức cốt chịu đời không thấu.Tụi tôi trầy vi, tróc vãy với họ bao nhiêu năm  mà chưa ổn định được. Mạng lưới cán bộ khu phố đó yếu nữa, dân tình thì lềnh lềnh, thờ ơ. Không ai biết tụi tôi khổ như thế nào, chuyện lớn, chuyện nhỏ, nhiêu khê nhiều việc quá làm không xuể, vậy mà hở ra bị dân phiền trách. Nói để chị thông cảm, đừng trách tụi tôi lơ là với khu phố đó. Thôi ! Để tôi gọi cho đồng chí Phát đến ngay. Chị về đi. Cậu ấy tới liền đó . Sao không gọi điện thoại mà đêm hôm đi qua  hẻm , coi chừng không an tòan đâu. Hùng à! Hùng!

 

Tiếng ngáy của người nằm trong mùng ở góc phòng ngừng lại, giọng  nói nhừa nhựa phát ra :

 

- Gì vậy anh Dũng?

 

- Dậy đưa chị nầy qua hẻm dùm anh.

 

- Hẻm nào?

 

- Hẻm 45, kế bên đây nè.

 

Chàng trai lồm cồm ngồi dậy mặc áo, ca cẩm:

 

- Qua hẻm mà làm như ngày xưa bộ đội qua lộ không bằng, có giao liên đưa đón nữa.

 

Dũng đưa tay che miệng ngáp dài, giọng uể oãi:

 

- Giúp dùm chút xíu đi. Hồi hôm giờ mầy ngủ thẳng cẳng còn muốn gì nữa. Đi rồi về thay cho tao ngủ một chút coi.Mệt quá trời quá đất đây! Chị  theo nó về đi.

 

- Cám ơn cậu nhiều, cậu làm ơn cho biết số điện thoại ở đây để khi cần thì gọi.

 

- Số dễ nhớ lắm . 8882221. Đây! Chị cầm luôn số di động của tôi cho tiện. Khi nào có việc cứ gọi, đừng ngại gì cả.

 

- Cám ơn cậu, tôi về.

 

Tôi  lặng lẽ theo cậu dân phòng.Đến nữa đường, tôi bảo:

 

- Cháu trở lại được rồi.

 

- Dạ. Tới đây an toàn giao thông rồi. Gần sáng, tụi nó cũng chuẩn bị “rút quân “.Dân phòng sắp đi qua rồi đó cô à.

 

Chàng trai vội vã quay trở lại. Cậu ta bước nhanh trong đêm, miệng huýt sáo một điệu nhạc vui.

 

Về tới nhà thì đám “giặc đường” cũng vừa dẹp yên. Bốn người bị thương và mấy tay cầm đầu ( trong đó có thằng con bà Thảnh ) bị giải lên xe, đám đàn em lần lượt rút vào các hẻm. Chiến trường còn ngổn ngang gạch đá, cây sắt, củi khô và những vệt máu đỏ thẩm, mấy người buôn bán quanh đó vẫn còn ngồi lại bình phẩm về cuộc chiến vừa kết thúc.

 

Thằng con vẫn còn ngồi miệt mài với bài vở. Còn tôi đã quá giấc, coi như trắng  một đêm đầy lo âu, sợ hãi. Giấc ngủ sớm theo thói quen dưới quê  bị phá vỡ tàn hại, giấc ngủ ở đây bầm dập vì bao nỗi lo và vì những tiếng động của lớp người sống về đêm.

                                            ***

 

Điều buồn bực mà tôi không thể nào quen được là những người sống trong chung cư tuân thủ theo lối  sống “ mackeno “. Đó! Như chuyện đánh lộn, chửi lộn hàng đêm trước mặt chung cư hay chuyện long trời, lở đất hơn nữa cũng không thấy ai nhúc nhích, cục cựa gì .Mạnh ai nấy rút vô cái “hang” với những tiện nghi hiện đại của mình, mặc cho bên ngoài  ra sao thì ra.

 

Hồi mới dọn nhà lên thành phố, tôi vẫn quen cái tánh thảo ăn của người nhà quê. Về quê lên, có mớ trái cây với mấy quày dừa, bảo con xách đi phân phát cho mỗi nhà một ít ăn lấy thảo. Thằng con xách đi một lát mang trở về, nó nói không nhà nào nhận vì không biết.. chặt dừa . Trời đất! Lại thế nữa, cái cách của người thành thị ăn uống khác mình mà quên. Ở thành phố, người ta bán món gì cũng làm sẵn, gọt sẵn mà mình quên để ý. Thôi để hôm nào rảnh nấu món ăn thật ngon cho họ để làm quen,chớ sống ghẻ lạnh với nhau như vầy chịu sao thấu.

 

Một ngày chủ nhật đẹp trời, mấy mẹ con hè hụi đổ bánh xèo, bắt thằng con đội bánh đi cho mỗi nhà một dĩa. Chỉ có nhà của vị giáo sư nhận còn ba nhà kia  cám ơn,bảo ăn cơm rồi. Thằng con cằn nhằn:

 

- Xóm nầy không phải như dưới mình đâu mẹ ơi ! Họ sống cách biệt, khép kín lắm. Mẹ đối xử như kiểu dưới quê là trớt lớt rồi.

 

Tôi nhìn nó nghi ngờ:

 

- Nói như tụi bây, lối xóm ở đây phải đối đãi thế nào mới vừa bụng họ?

        

Nó cười:

 

- Tại cái xóm mình kỳ vậy chớ, chỗ khác chắc không có như vậy đâu.

           

Tôi ngao ngán thở dài:

 

- Tao chịu hết nổi cái lối sống kỳ cục nầy rồi. Ngày nào còn ở đây tao phải nhảy vào cuộc chiến nầy mới được.

 

Thằng con ngạc nhiên:

 

- Cuộc chiến nào mẹ?

 

- Cuộc chiến chống bệnh lạnh cảm của con người, con không thấy nhan nhản trước mặt đó sao?

 

Con tôi cười ngất:

 

- Mẹ nói gì nghe ghê quá !

 

Tôi cười gằn, nói như nói với kẻ thù trước mặt:

 

- Tụi bây tuổi trẻ mà đành bó tay sao?  Để coi tao làm được không? Ít ra là  với khu phố nầy.

                                   ***

Sau đêm hỗn chiến, Công an phường thấy tôi có trách nhiệm với việc chung nên đề  cử chức vụ tổ trưởng tổ 19 của khu phố để thay ông tổ trưởng cũ thường xuyên say xỉn. Tôi nhận lời không chút do dự, dù biết đó là công việc “bao đồng”, tối ngày “ ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng”, cái chức dễ sanh thù chuốc oán mà không có lợi ích nào cho bản thân.

 

Từ lúc nhận chức, những người hàng xóm gặp tôi, có người gật đầu chào, nhưng bà hàng xóm sát cạnh nhà thì gương mặt vẫn vênh vênh váo váo. Nghe Công an khu vực báo, chồng bà ta trước đây làm phó Chủ tịch phường nhưng do thâm lạm ngân sách của phường và ăn hối lộ trắng trợn nên bị đuổi về. Vậy mà bà ta vẫn quen cái thói hống hách của kẻ có chức,  vẫn còn hoạnh hẹ những người chung quanh. Vậy mới biết , cái thói cửa quyền của vợ chồng bà ta kỳ quặc đến cỡ nào.

           

Tôi vốn ghét thân hình đẩy đà và gương mặt vô duyên, quàu quạu của bà ta, bây giờ biết lai lịch của họ như vậy càng ghét thêm, nhất là khi tôi mới dọn nhà về, bà ta làm khó dể đủ điều, xéo xắc từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Kỳ nầy  bà ta biết tay tôi, tôi sẽ trị  một trận cho biết mặt .

 

Không đợi lâu, mới sau hai ngày nhậm chức, bà Năm( (nhà số 4C, cùng dãy với nhà tôi)  sáng sớm đã chạy lại kêu cửa:

 

- Cô tổ trưởng ơi! Cho tôi gặp một chút!

 

Vừa mở cửa, nhìn thấy tôi, bà tiếp:

 

- Cô qua nhanh bên nhà tôi để lấy tang chứng.

 

- Tang chứng gì bà Năm?

 

- Con chó của bà Thảnh mới sáng sớm chạy qua nhà tôi ỉa bậy, mà nhiều lần nói bả còn chửi lại, cô làm ơn nói với bả một tiếng dùm tôi, thiệt là phiền hết chỗ nói. Chủ sao tớ vậy, thiệt là đồ cái quân..

 

- Quân gì? Cái bà kia! Bộ bà tưởng tôi sợ tổ trưởng lắm hả? Tổ trưởng là cái thá gì mà tôi sợ. Bà có giỏi đi thưa Công an đi, tôi hầu cho. Bà mới là cái quân không biết điều, ở xứ nào trôi dạt tới đây còn làm phách hả?

 

Tôi quát:

 

- Hai bà im được không ? Tôi giận dữ nhìn vào mặt bà Thảnh . Sao chị lanh, chị giỏi quá vậy? Ở thành phố mà nuôi 3,4 con chó để đi ỉa bậy như vậy hả? Chị tưởng chị là thứ gì ở đây? Chị muốn Công an giải quyết phải không? Được. Tôi sẽ gọi họ tới ngay, nhưng mấy chị quá quắc lắm, động một chút là gọi Công an, người ta lo chuyện lớn lao, ai tối ngày đi giải quyết chuyện linh tinh của mấy chị? Chị sống không biết điều thì phải nhờ pháp luật thôi. Chị chờ đó! Tôi gọi họ tới đây.

 

- Thôi thôi cô tổ trưởng ơi! Chuyện nhỏ mà gọi Công an nổi gì. Để tôi chịu khó hốt cho rồi. Giọng bà Năm khẩn khoản.

 

- Ối! Người ta kêu được thì để cho người ta kêu, bà cản làm gì?  Giọng chanh chua của bà Thảnh thách thức tôi.

 

Tôi chạy vào nhà gọi điện cho Công an khu vực, căn dặn Phát phải tới ngay để yểm trợ cho tôi giải quyết công việc.Tôi doạ, nếu Phát không tới tôi sẽ từ chức tổ trưởng. Phát cười ha hả, hỏi tôi làm gì giận dữ vậy? Làm công tác quần chúng mà nóng quá không nên. Bữa nào rãnh đi theo Phát một ngày sẽ thấy nhiều chuyện đáng giận hơn nhiều. Cậu ta hứa 5 phút sau sẽ tới.

 

Hai bà hàng xóm đã rút vô”hang”, cơn giận của tôi cũng dịu bớt nhưng tôi nhất định phải làm cho ra lẽ, không thể để tình trạng nầy kéo dài.

 

Mấy phút sau, Phát tới. Thấy gương mặt hầm hầm của tôi, cậu ta cười ngất:

 

- Chị mà làm Chủ tịch phường chắc chừng một ngày chị xin từ chức quá! Việc gì dính tới dân phải kiên nhẫn mới được chị à!

 

- Nhẫn gì được mà nhẫn. Ăn ở với nhau như kẻ thù, lối xóm mà một việc nhỏ cũng không thương lượng được, rồi còn bao nhiêu tệ nạn nó dàn ra trước mặt hàng ngày như một trận chiến, làm sao  bình tỉnh được.

 

- Hà..hà..Vậy mới biết, một việc nhỏ thôi mà chị bức xúc cở đó, công việc của tụi em còn nhiêu khê tới cở nào? Thôi ! Chuyện đâu còn đó, từ từ giải quyết. Chị mời hai bà hàng xóm đến dùm, giải quyết xong, em còn nhiều việc nữa.

 

- À!  Còn việc thằng Khanh con bà Thảnh sao không đưa đi cai ở trại nào xa xa. Hôm rồi cầm đầu đám đánh lộn, vậy mà giam có một bữa rồi thả về như bắt cóc bỏ dĩa vậy?

 

- Phường đâu có quyền giam lâu. Phải chờ ý kiến của các ban ngành đoàn thể đầy đủ rồi mới đưa đi được. Khó khăn ở chỗ bà Thảnh không tự nguyện đưa con đi, vất vã là như vậy đó.

 

- Ráng cứu dùm thằng đó. Mặt mày nó sáng sủa mà vướng vô chuyện ác nghiệt thấy tội quá. Hôm rồi, chị không kêu Công an tới giải vây là nó chết rồi, vợ chồng bà Thảnh đâu có hay, lo đi chùa đâu dưới Châu Đốc lận.

 

- Gia đình như vậy làm sao giáo dục được con. Bữa nay mời nó xuống y tế phường thử máu, đợt nầy đưa đi luôn, không xét tới xét lui gì cả. Chị qua gọi bả qua đây dùm em đi.

 

Tôi bước qua nhà bà Thảnh gọi, không ai trả lời. Ba con chó nhảy ra chỗ cửa sổ sủa ông ổng, điếc tai. Qua nhà bà Năm , cửa đóng kín mít, nhấn chuông mấy lần không ai mở cửa. Cơn giận lại bốc lên đầu, quay về nhà báo cho Phát hay. Cậu ta bảo:

 

- Để đó em! Mấy bà nầy  em  giải quyết mới được.

             

Phát đứng trước nhà bà Thảnh gọi lớn:

 

- Chị Thảnh ơi!  Có giấy mời thằng Khanh đây!

 

- Chuyện gì đó chú Phát?

 

- Thằng Khanh có nhà không chị?

 

Bà ta te tái đi ra,hỏi dồn:

 

- Có chuyện gì không cậu?

 

- Chị kêu nó xuống phường kiểm tra lại máu, lúc nầy nó nghiện lại                 rồi đó, chị hay không?

 

- Vậy à?

 

- Mời chị qua nhà tổ trưởng giải quyết vụ con chó một chút.

 

- Dạ. Tôi qua liền.

 

Phát đi kêu bà Năm đến. Đợi hai bà ngồi xuống ghế, cậu nói ngay:

 

- Chuyện nhỏ nhặt của hàng xóm mà tại sao các dì, các chị không tự giải quyết được? Chỉ cần chịu khó suy nghĩ, chịu khó nhường nhịn nhau chút xíu là xong mọi việc. Sao các chị thích gây rắc rối cho mọi người quá vậy? Bản thân gia đình chị  Thảnh  trước nay đã giúp ích gì cho địa phương nầy?  Cố gắng sống sao cho thuận hòa, thân thiết với nhau phải vui hơn không. Phố mình sắp lên khu phố văn hoá rồi. Tổ nầy đã có tổ trưởng mới, các chị nên tôn trọng người trên, kẻ dưới, giúp cho chị ấy hòan thành nhiệm vụ. Từ nay, tôi sẽ theo dõi sát tổ nầy, nhất là gia đình chị đó. Mấy con chó dẹp bớt đi! Ở thành phố nuôi nhiều làm gì? Bộ nhà giàu lắm sao mà sợ ăn trộm dữ vậy?

 

- Dạ đâu có, làm gì mà giàu. Tại cậu không biết chớ tôi nhường nhịn bà Năm nhiều  chuyện lắm. Cách đây mấy ngày, bả lấy thuốc diệt cỏ xịt tiêu mấy bụi Mai Chiếu Thuỷ trước nhà, tôi biết mà không thèm lên tiếng đó chớ.

 

- Nè! Chị kia! Giọng bà Năm khàn đục vì giận dữ. Có Công an ở đây, nói năng bừa bãi vậy hả? Tang chứng, vật chứng ở đâu? Chó chị ỉa tang chứng trơ trơ có tổ trưởng làm chứng, tôi làm chết kiểng của chị, tang chứng ở đâu? Chú Phát coi như vậy đó làm sao nhịn được. Tôi đề nghị chú Phát đưa toàn bộ sự việc xuống Công an phường đi chú Phát.

 

- Trời đất quỉ thần ơi ! Tôi thét lên . Vừa phải thôi! Đưa hai bà nầy về phường đi Phát, hết thuốc chữa rồi.

 

Phát nhăn mặt, đứng lên:

 

- Thôi được. Đầu giờ chiều, hai người xuống phường gặp tôi. Chị Thảnh dẫn thằng Khanh xuống giải quyết luôn.Lần nầy, chúng tôi phải giải quyết tới nơi tới chốn mấy vụ lặt vặt nầy. Chính mấy cái linh tinh nầy mà xóm làng không yên, gia đình rối loạn. Chiều nay làm không xong thì ngày mai ngày mốt, bữa kia, bữa kìa, bữa nào xong thì thôi, phải rốt ráo mới được.

 

- Tôi đâu có tội gì chú Phát. Tại bà Thảnh chớ xưa nay tôi sống trong chung cư nầy chưa làm mích lòng một đứa con nít. Tôi không đụng chạm tới ai mà sao bả gây sự với tôi hoài vậy?

 

- Dì Năm có lỗi hay không cũng phải có mặt giải quyết mới được. Chuyện xóm làng là chuyện trách nhiệm liên đới, mình không vô tư đứng ngòai được. Dì cũng biết “ bán bà con xa, mua láng giềng gần mà” Tình láng giềng lớn lao lắm không gì mua được đâu. Năm nay, khu phố mình phải là  “khu phố văn hoá”, không nên sống lạc hậu như trước nay nữa dì Năm à. Chiều dì chịu khó xuống phường, có đủ các ban ngành, đoàn thể, người ta nêu một số vấn đề cho các dì, các chị nắm rõ hơn.

 

Hai người phụ nữ lí nhí chào tôi rồi mạnh ai nấy về” hang” của mình. Phát cũng vội đi  sau mấy câu  động viên tôi. Cơn giận đã nguôi nhưng nỗi buồn vô cớ tràn ngập cõi lòng. Tôi tự hỏi, sao mình lại sống trong chung cư nầy, tại sao mình lìa bỏ làng quê cật ruột có những người lối xóm chân tình , tốt bụng để đến sống với những con người lạnh lùng, xa lạ nầy. Giữa khu phố ồn ào nhộn nhịp mà sao tôi cảm thấy trơ trọi quá. Rồi ngày nào đó, khi đau yếu, già nua, con tôi  trưởng thành, chúng đi làm ăn tứ tán khắp nơi, còn một mình tôi ở nhà, làm sao  sống được giữa những con người như vậy. Bất giác, tôi chợt rùng mình khi nhớ đến những điều tệ hại ấy thế nào cũng xãy đến cho tôi trong tương lai.

 

***

Nửa đêm đang say giấc, bỗng nghe tiếng khóc rấm rức trước cửa nhà. Bước ra mở cửa sổ phía trước, thấy bà ta đang ngồi gục đầu trước thềm, đôi vai đầy thịt rung rung. Bà ta khóc rất lâu, thỉnh thoảng nấc lên: “Trời ơi! Con ơi..ơi..” Tôi đi tới, đi lui trong phòng khách một hồi . Nữa muốn bước qua hỏi xem chuyện gì, nữa muốn mặc kệ. Hơi sức đâu lo chuyện bao đồng. Con người đó có đáng cho sự giúp đỡ của mình không? Giúp không đúng người, đúng việc đâu có  ích gì? Thứ sâu mọt thì có chết cũng đáng, đở chật đất.

 

Tôi  đi vào phòng đóng kín cửa . Giấc ngủ đã lỡ mà tiếng khóc vẫn lọt được vào phòng khiến tôi bực bội ngồi dậy, bước ra mở cửa trước, hỏi vọng sang:

 

- Gì vậy bà Thảnh?

 

- Thằng Khanh tôi…chết rồi chị ơi..!

 

Tôi bước vội qua :

 

- Tại sao chết ?

 

Giọng bà ta âm âm trong cổ:

 

- Chích thuốc quá liều….Tiền bạc của tôi nó vét hết…Bây giờ không có tiền làm đám ma chị ơi..ơi…

 

- Xác để đâu?

 

- Ngoài nhà xác, bệnh viện không cho đem về…Nó bị nhiễm ..Để đó đem đi thiêu luôn..uôn…  

 

- Chị cần bao nhiêu?

 

Đôi mắt đỏ chạch của chị ta nhìn tôi bối rối, hồi lâu cất giọng  ấp úng:

 

- Chị cho tôi mượn à?

 

- Tôi có mấy triệu để đóng tiền học cho thằng con, chị cứ lấy rồi tính sau.

 

- Chị cho tôi mượn hai triệu thôi. Cuối tháng, con gái lãnh lương trả lại .Cám ơn chị nhiều lắm..ắm…

 

Tôi lấy tiền đưa cho chị ta. Nhìn gương mặt đầm đìa nước mắt, dáng ngồi ủ rũ , lòng tôi bỗng chùn  lại. Hóa ra, trong mỗi cái” hang” đều có những vấn đề bức bách mà không thể thổ lộ cùng ai . Như hôm rồi, cô gái ở tầng ba nhảy lầu tự tử mà hỏi mọi người, kể cả mẹ cô ta cũng không biết vì lý do gì.

 

Lạ quá! Tại sao con người khó hiểu, khó gần nhau quá như vậy không biết ?

Kim Quyên
Số lần đọc: 3135
Ngày đăng: 19.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngón tay phật tổ - Phạm Lưu Vũ
Nỗi đau - Triệu Xuân
Bia mộ - Lê Đình Trường
Quán rượu người câm - Nguyễn Quang Sáng
Dân chơi - Nguyễn Quang Sáng
Bạn nhỏ - Thanh Giang
Sự tích núi mồ côi - Phạm Lưu Vũ
Vẻ đẹp - Lê Đình Trường
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Cùng một tác giả
Mùa dưa gang (truyện ngắn)
Mưa nửa đêm (truyện ngắn)
Bông (truyện ngắn)
Đám cưới vùng sâu (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Lá rụng (truyện ngắn)
Nắm tro (truyện ngắn)
Nghiệp văn (truyện ngắn)
Người ấy (truyện ngắn)
Người dưng khác xứ (truyện ngắn)
Sóng ngầm (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Sen (thơ)
Cúc (thơ)
Hồng (thơ)
Mai (thơ)
Đi Biển (truyện ngắn)