Thật thích thú khi làm loại bài khó mà không lạ này! Tất sẽ có nhiều điều chưa phải, chưa hay, Nhiệt Kế - tên tựa bài và cũng là tên tác giả (A, cái này thì lạ đây!) - mong được cùng bạn đọc đi vào các tụ điểm của bầu khí quyển làng văn Việt Nam.
Ở bài chào hàng, Nhiệt Kế xin điểm các sự kiện, nhân vật và tác phẩm mới và đáng kể trong làng văn từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 vừa qua. (Những cập nhật cần thiết sẽ được bổ sung ở bài sau.)
A. BỐN SỰ KIỆN BUỒN: Nhà thơ Hữu Loan đã ra đi vĩnh viễn; Bài thơ Đất Nước Thời Gian Lao của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến; Tiểu thuyết Sợi Xích của ca sĩ, diễn viên, nhà văn Lê Kiều Như; Bài thơ Trăng Nghẹn của nhà thơ Hoài Tường Phong.
1. Nhà thơ Hữu Loan - tác giả Màu Tím Hoa Sim đã vĩnh viễn ra đi, ngày 18/3/2010 tại làng Vân Hoàn, tỉnh Thanh Hóa (nơi ông ra đời vào ngày 2/4/1916, với tên thật Nguyễn Hữu Loan.) Chỉ sau đó trong vài tiếng đồng hồ đã có nhiều báo mạng, blog khóc và tụng ca thi sĩ huyền thoại của thi ca, của thời cuộc VN! Ba ngày sau đó, có tới khoảng 55 bài, mới cũ, nhân cái tang lớn này trong làng thơ VN hiện đại. Xin trang trọng trích dẫn các nhận định tiêu biểu, như một nén hương thắp muộn của những người đi sau kính dâng lên hương hồn tiền bối.
* Ông Nguyễn Hữu Vũ, con trai thứ hai của nhà thơ Hữu Loan:
“Mới trước ngày mất một tuần, cha tôi còn ngồi nói chuyện bằng tiếng Pháp, đọc thơ với các giáo viên từ Đà Nẵng đến thăm cụ. Hôm đó trông cụ khỏe, minh mẫn, ai cũng mừng. Nhưng đến cách hôm cụ qua đời 3 ngày, bữa cơm nào cụ cũng nhắc con cháu cúng tổ tiên trước. Rồi đột nhiên sáng 18/3, cụ giục con cháu may cho cụ một bộ quần áo dài trắng. Vậy là con cháu biết cụ chuẩn bị ngày ra đi. Tối 18/3, cụ nằm ngủ một giấc dài và không dậy nữa. Cụ đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19g ngày 18/3. Con cháu đã an táng cụ trên đồi Vân Hoàn, nhìn ra sông Mã theo đúng tâm nguyện và lời căn dặn của cụ trước lúc lâm chung”.
* Nhà thơ Hữu Thỉnh (“Hữu Loan là sở hữu tinh thần hôm qua, hôm nay và mai sau của chúng ta”):
“Ông là nhà thơ hai lần đặc sắc. Đặc sắc ở hồn quê và đặc sắc trong khí phách. Những bài Đèo Cả, Quách Xuân Kỳ táo bạo, mới mẻ, ngang tàng, và quyết liệt bao nhiêu thì Màu Tím Hoa Sim, Hoa Lúa, Những Làng Đi Qua quyến luyến tha thiết bấy nhiêu. Hữu Loan là nhà thơ đi tiên phong trong việc đổi mới thơ trong kháng chiến chống Pháp, tài hoa rất mực mà cốt cách đến điều. Từ thơ ông và từ con người ông toát lên vẻ đẹp thuần khiết của một thi nhân và ngọn lửa ấm của một nghệ sĩ cách mạng. (...) Trong giờ phút đau thương và mất mát vô hạn này, thay mặt Hội Nhà văn VN, Hội Văn nghệ Thanh Hóa và thi hữu cả nước xin gửi tới gia quyến nhà thơ những lời chia buồn thống thiết nhất. Xin vĩnh biệt nhà thơ Hữu Loan kính mến.”
* Nhà phê bình Đặng Tiến (“Hữu Loan, đèo Cả”):
“Hữu Loan là khuôn mặt văn học đặc biệt trong nền thi ca đương đại từ hơn 60 năm nay. Ông làm thơ hay, hiện đại, tân kỳ, nhưng tên tuổi thường xuất hiện theo thời sự. Màu Tím Hoa Sim, làm trong thời chống Pháp, là bài thơ nổi tiếng nhất, nhưng được nhắc nhở, đôi khi không phải vì lý do văn học, thậm chí còn làm nhiễu lý luận văn chương. Khắc họa chân dung văn học chân chính và phức tạp của Hữu Loan là việc khó nhưng trước sau cũng phải làm. (...) Điều thiệt thòi cho ông là: khi nhắc đến Hữu Loan, ít người quan tâm, bàn luận đến những đóng góp của ông vào nghệ thuật thi ca từ thời 1945 đến nay. Ít nhiều cũng do chính bản thân ông không mấy quan tâm đến sự nghiệp văn học, dù ông là một trong những người đi tiên phong trong việc cách tân thơ Việt Nam. Bắt đầu là bài Đèo Cả, làm năm 1946 (...) Với Hữu Loan qua cuộc đời dài non thế kỷ, sôi nổi, khói lửa, trầm luân, đánh giá từ đâu, kiểu gì đi nữa thì chúng ta đều phải công nhận hai nét son: tài hoa và tiết tháo. ”
* Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (“Tình Thủ đô - Một kiệt tác đời hồ như quên hẳn”):
“Được viết vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước (...) với một xu hướng cách tân rõ rệt, trường ca Tình Thủ Đô là một trong số những bài thơ tự do hiếm hoi trong kháng chiến chống Pháp thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của dòng Thơ mới (1939-1945). Tiết tấu hoạt, gân guốc, câu ngắn (thường chỉ hai, ba âm tiết), sắc gọn như mũi chông, hình tượng bất ngờ cắm phập vào cảm quan: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa... Nắng loá tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối...”, những điểm chấm phá gợi cảm như tranh Seurat: “Mắt em biếc/ Một chiều xưa/ Quan Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu/ Tháp Rùa...”
* Nhạc sĩ Phạm Duy (“Anh Hữu Loan đi, tôi chỉ tiếc thương cái tài” - Phỏng vấn):
+“Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà đã làm toát lên sự hào hùng và bi thương, cái tinh thần chính của Màu Tím Hoa Sim. Lý do nào ông quyết định phổ nhạc cho bài thơ này?
- Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc Áo anh sứt chỉ đường tà người ta cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi muốn soạn một “đại khúc” (grand music) bi hùng dài tới 5-7 đoạn, một “chant patriotic”, và bài thơ cho tôi cảm hứng ấy. Nhưng hơn cả, tôi thích bài thơ và tôi đã đã phổ nhạc theo bổn phận của người nghệ sỹ.
* Nhà báo Hồ Bất Khuất (“Người nhuộm tím thi đàn bằng màu hoa dại”):
“Cho đến lúc này, người ta vẫn chưa biết nhà thơ Hữu Loan đã viết tất cả bao nhiêu bài thơ. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Vũ Quần Phương thì khẳng định: Hữu Loan viết tất cả 24 bài. Một số nhà nghiên cứu khác nói ông viết được khoảng 40 bài. Một người con trai của ông đang tìm tòi, sưu tập bản thảo viết tay tất cả những bài thơ của ông. Anh chưa chính thức công bố vì chưa hoàn chỉnh, nhưng theo anh, toàn bộ sáng tác của bố anh không quá 60 bài thơ.”
* Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (“Người đi bộ ngược chiều"):
“Hóa ra Màu Tím Hoa Sim là cảnh ngộ của nhiều người lính trên trái đất này trong chiến tranh. Có một bài dân ca Grudia mà nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng rất thích cũng mang tứ như thế. Sau Màu Tím Hoa Sim, ta còn đọc Núi Đôi của Vũ Cao, Quê Hương của Giang Nam đều có cái tứ ấy. Vậy là bi kịch này sẽ còn mãi nếu còn chiến tranh. Ở VN, Hữu Loan là người phát ngôn bi kịch ấy bằng thơ đầu tiên. Một bài thơ xuất thần được trả giá bằng cái chết đau thương của chính vợ nhà thơ - bà Lê Đỗ Thị Ninh. Và với việc phát ngôn bi kịch này, ngược với cách tuyên truyền tụng ca ngày đó, Hữu Loan đã chính thức là "người đi bộ ngược chiều" trong nhiều năm tháng của lịch sử văn học VN.”
* Nhà văn Hà Đình Cẩn (“Thấp thoáng Hữu Loan”):
“Đời thơ của cụ bắt đầu từ Đèo Cả, khép lại là Hoa Lúa, vỏn vẹn mươi bài, nhưng cụ nghĩ về thơ, người thơ, cõi thơ thì cả đời, nếu chép ra thì cả bộ trường thiên. Thi bá cho rằng thơ thuộc về âm, nghĩa là thuộc về đêm, thuộc về trăng, con nước, thuộc về đàn bà. Người có sao Thái âm đóng cung mệnh, người đó mới làm được thơ, mới trở thành nhà thơ. Thơ thuộc hành thủy, mềm đấy mà cứng đấy, thấy trước mặt mà không nắm được trong tay, ngỡ là hữu hình mà hoá ra vô hình. Bởi vậy trong thơ thường có trăng, có sông, lại khăng khít với nhau, tạo những suối nước. Ngày trăng viên mãn, thì nước ngập tràn. Ngày trăng hao mòn thì con nước nghẹn ngào. Bản chất của thơ là buồn, là cô đơn, là hiu quạnh. Khi vui người ta hát. Khi buồn người ta đọc thơ. Kiếp nhân sinh có vui có buồn. Khi buồn người ta cần có thơ để vịn mà đi. Thơ trường tồn là vậy. Bao nhiêu rượu quê Nga Sơn, bao nhiêu chiều ngồi ngắm rượu trên tay của một đời thơ để cụ cảm về thơ, nghĩ về thơ tràn đầy và thâm hậu đến như vậy?”
2. Bài thơ Đất Nước Thời Gian Lao của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, cuối tháng 2, được Giải B cuộc thi thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (2008-2009), nhưng thấy có “một số ý kiến và thông tin” rằng bài thơ của mình “có nhiều vấn đề”, tác giả đã tự nguyện xin không nhận giải thưởng. Giản dị trình bày lý do, nhà thơ còn nói: “Tôi đã từng được giải cao của VNQĐ về thơ nên việc có thêm một giải thưởng nữa cũng không quan trọng lắm”. Nhưng ai dễ chiều lòng thi sĩ! Dư luận la lên: Quan trọng chứ bộ? Sự kiện này đã tạo tranh cãi trên nhiều báo chí, trang mạng, blog trong gần nửa tháng. Mời đọc dưới đây một số ý kiến khác nhau...
Tác giả của Đất Nước Hình Tia Chớp – nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng: “Đất Nước Thời Gian Lao của Nguyễn Việt Chiến là một bài thơ hay, như một âm bản, một phiên bản thật nhất của tâm hồn nhà thơ đang ngồi trên chiếc chiếu manh hòa bình, tưởng nhớ đến những vạt cỏ phủ lên đồng đội xưa ngã xuống, những vạt cỏ của kinh cầu hồn (Requiem) thi ca, của nỗi buồn thánh treo veo nước mắt. Chúng tôi đã rất cảm động khi lần đầu đọc bài thơ này của Nguyễn Việt Chiến, đến nỗi khóe mắt rơi giọt sương khuya”. Còn ở bài bình nửa thơ nửa đời, mang tên Nguyễn Việt Chiến... Cười, nhà thơ Thanh Thảo nói rõ: “Bài thơ Đất Nước Thời Gian Lao của Nguyễn Việt Chiến vừa được giải B cuộc thi thơ Tạp chí VNQĐ. Nhiều người nói với tôi, bài thơ ấy giải A mới xứng! Tôi… cười, một nụ cười gần giống nụ cười của tác giả bài thơ.” Tác giả Khối Vuông Ru Bích khẳng định: “Đây là bài thơ mà phải đọc nó bằng tấm lòng yêu nước thương dân thì mới vào được chiều sâu ngỡ bình dị của nó. Có thơ nông cạn bẩm sinh, có thơ lừa ta bằng sự sâu sắc “dỏm”- thực chất là nông cạn và sáo rỗng. Nhưng cũng có thơ đánh lừa ta bằng sự đơn giản bên ngoài. Ta phải bình tĩnh đi qua sự giản đơn đó…”
Nhà phê bình, nhà thơ Võ Tấn đã chú ý hình tượng chính của bài thơ trong các câu: “Họ đã ngủ cả rồi/ những người lính bị chiến tranh săn đuổi/ họ nằm mơ gặp lại bầy hươu/ gác sừng lên người bạn vô danh/ trên cánh rừng đã chết/ Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ/ chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi/ chỉ còn lại câu thơ thầm lặng/ về những người đã ra đi.”
Trong cái nhìn ngược lại, Tuần báo Văn Nghệ TPHCM ngày 25/2 đã đăng 2 bài phê phán mạnh mẽ tác phẩm nói trên, với Lời tòa soạn: “Một bài thơ như bài Đất Nước Thời Gian Lao của Nguyễn Việt Chiến lại hợp khẩu vị của một số báo, tạp chí, được họ bốc lên, suýt chút nữa được trao giải thưởng lớn.” Bài của tác giả Nguyễn Văn Thịnh viết: “Đáng buồn là bài thơ lại được nhận giải cao từ cuộc thi thơ văn do một tờ báo lớn của người lính Cụ Hồ chủ xướng! Chẳng lẽ những người thẩm định không nhìn ra sự lệch lạc và bi lụy tới mức bôi nhọ tinh thần vì nước hy sinh của bao nhiêu người mẹ, bao nhiêu đồng đội trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của chúng ta tới mức bạn bè kính nể, kẻ thù khâm phục và đang có những việc làm công khai thiết thực ủng hộ nhân dân ta hàn gắn vết thương chiến tranh hoặc sám hối những tội ác họ đã gây ra? Phải chăng do thơ văn bế tắc hay chỉ là cái ngón thừa của một bàn tay? Đó là điều không thể chấp nhận được!”
Dẫu là “sự kiện buồn”, Nhiệt Kế cho rằng, về hình thức, đây là biểu hiện mới và cần thiết xung quanh giải thưởng văn học ở VN trong vài năm nay: người nhận giải có thể từ chối, vì lý do mình cho là hợp lý, và họ - chính tác giả chứ không ai khác - chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình, với giải thưởng cũng như với dư luận. Về nội dung, vụ việc Đất Nước Thời Gian Lao, thêm một lần nói về một nan đề thời hậu chiến: mô tả mặt trái của chiến tranh ra sao? Với chiến tranh, cũng như tình yêu, và còn hơn tình yêu ở sự tàn khốc cho một cộng đồng, không nói về cái đau thì không chịu được; mà điều khó cho văn nghệ sĩ là ở chỗ dư luận xã hội không chịu được việc nói đó đến mức nào. Về mặt tổ chức, nảy ra câu hỏi: nếu cũng bài thơ này, cũng của Nguyễn Việt Chiến ấy mà ở một giải thưởng ít tính “nhà binh” hơn thì sao?
3. Với tiểu thuyết Sợi Xích, ca sĩ, diễn viên Lê Kiều Như đã làm náo hoạt làng báo, làng văn! *)
Sáng 12/3, tại khách sạn New World, Lê Kiều Như - một “sex star” nhiều tai tiếng trong làng trình diễn, giải trí - đã có buổi họp báo ra mắt cuốn sách đầu tay nói trên. Nhanh hơn điện, nó lập tức thành đề tài nóng bỏng trên mặt báo chí khắp nơi với sự phê phán là có “nội dung dung tục, văn chương thô thiển, khiêu dâm.” Thiên hạ nhớ ngay câu “để đời” của người đẹp Tây Đô trước khi cô hạ bút gõ cửa làng văn Việt: “Tôi mặc áo dài thường xuyên, chẳng ai biết tôi là ai. Nhưng khi tôi mặc áo quần tươi mát, người ta lập tức biết đến Lê Kiều Như”.
Thế rồi chiều cùng ngày, 2.000 cuốn Sợi Xích đã bị niêm phong và ngưng phát hành. Chiều 15/3, trả lời phóng viên Pháp Luật TP HCM, Giám đốc NXB Hội Nhà văn - nhà văn Trung Trung Đỉnh - cho biết “cuốn sách này là cách để tác giả Lê Kiều Như tạo xì-căng-đan đánh bóng tên tuổi. NXB cũng gặp ‘tai nạn’ khi để lọt một cuốn sách như thế qua khâu biên tập. Tôi thừa nhận nó không có giá trị văn chương, giọng văn tự nhiên chủ nghĩa, có đôi chỗ thô thiển, đơn giản của một người viết nghiệp dư nhưng cũng không đến nỗi là dâm thư, khiêu dâm như nhiều báo chí đã nêu”. Tác giả tiểu thuyết Chuyện Tình Ngõ Lỗ Thủng cho rằng, báo giới đã “ác mồm ác miệng” khi phê phán cuốn sách này cũng như NXB, và vì tác giả là một ca sĩ, diễn viên nên dư luận đã quan tâm quá đáng.
Sáng 15/3, bên lề cuộc họp về xuất bản tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Đỗ Quý Doãn, khẳng định “đến nay, xuất bản phẩm Sợi Xích chưa được nộp lưu chiểu theo quy định. Đây là hành vi vi phạm Luật Xuất bản. Trong quá trình đăng ký xuất bản, Cục Xuất bản cũng đã lưu ý tác giả và NXB Hội Nhà văn về những nội dung mang tính sex trong tác phẩm.” Được biết, CTy Sách Youbooks đã tổ chức họp báo ra mắt cuốn sách này nhưng không xin phép. Cho tới cuối tháng 3, một số trang mạng bán sách trực tuyến vẫn tiếp tục rao bán Sợi Xích.
Ở khổ in nhỏ gọn, trang bìa Sợi Xích phải nói là bắt tay bắt mắt với bức ảnh đen trắng gợi cảm của chính tác giả. Còn đây là một đoạn trích chương IV, mà báo chí lấy từ blog của một nhà báo:
“... Tôi tê dại cả người, có cái gì đó như đang cương cứng mấp mé giữa đôi chân của tôi, làm tôi càng thôi thúc, hứng tình nhiều hơn... anh cắn nhẹ và lả lướt vào những vùng nhạy cảm... Anh nhấc hẳn hông tôi lên, bất ngờ anh nhấn vào rồi từ từ đẩy sâu vào bên trong. Tôi quíu cả hai chân lại và rú lên, nó ran rát và đau, tôi lạnh cóng và bóp chặt hai lòng bàn tay vào nhau, còn anh như một con thú hoang hổn hển ra vào, dịch chuyển rồi lại phi nhanh, cổ họng tôi rên rỉ bằng những tiếng rên run rẩy, cắn răng nếm đau đớn đi cùng sự khoái cảm đang dâng trào... Nẩy người, tay tôi đã vuột khỏi khăn trói tay, anh vẫn còn đang hổn hển với những vũ khúc, tôi đau đớn như đang bị xé da thịt, lấy tay mình tự ve vuốt lên ngực rồi mò mẫm xuống phía dưới chỗ anh đang... Tôi hoảng hốt bật đèn sáng lên!”
Nhà báo Thoại Hà, tóm tắt rằng, Sợi Xích “viết về thân phận của một cô dâu trẻ (xuất thân từ trại mồ côi, lớn lên làm cô giáo dạy dương cầm) phải gắn cuộc sống của mình với một ông chồng đại gia, yêu cô, muốn sở hữu cô nhưng bị bất lực. Cô đã bị ông bắt trói vào sợi xích, khi biết ý định bỏ trốn. Trong những ngày sống mà như chết với cảnh cầm tù, cô đã ngoại tình với một chàng trai trẻ. Đến phút cuối, cô phát hiện ra sự thật về chàng trai ấy. Và cô đã chọn cho mình một lối thoát.”
Người từng được tác giả nhờ đọc bản thảo, đạo diễn Lê Hữu Lương nói rõ: “Sợi Xích có nội dung tốt, chi tiết không khiên cưỡng. Đó là đề tài nhạy cảm, nhưng rất cần nói đến. Tôi rất ngạc nhiên khi Lê Kiều Như nghĩ ra được nhiều chi tiết độc đáo để kết nối mạch chuyện. Tuy nhiên, phải thừa nhận điểm dở của cô ấy là chưa biết viết văn, cách hành văn còn vụng về. Cái đó chúng tôi đã thấy ngay từ đầu nhưng quyết định không can thiệp (...)”
Nhà văn Bùi Anh Tấn lâu nay là “cái đinh” của văn xuôi VN về các đề tài nhậy cảm, đã có mặt hôm ra mắt Sợi Xích và cho rằng “đây là một nỗ lực đáng tuyên dương, vì cô ấy vốn không phải nhà văn mà là ca sĩ, diễn viên”. Nhưng nhà văn Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM thì không chịu: “Có ép tôi đến mấy tôi cũng không đọc cuốn đó. Giới nhà văn chúng tôi chỉ quan tâm những gì thuộc về văn học, còn cuốn đó không phải là tác phẩm văn học!” Cây bút Gia Quan có vẻ “cận nhân tình” hơn: “Khép cuốn sách mỏng manh lại, thấy Lê Kiều Như đáng thương hơn đáng giận. Vì nhiều người độ lượng sẽ lờ mờ nhận ra cô ca sĩ háo hức ấy đang chới với vướng vào “sợi xích” danh vọng khoa trương thời hưởng thụ đua chen!”
Đã tới lúc nhường lời cho “khổ chủ” của sự cố văn học này! Tác giả Lê Kiều Như trả lời trên báo chí: “Tôi chưa đủ tài năng để viết dâm thư đâu. Tôi nghĩ, xuất thân là một diễn viên nên tôi đã quen với việc khen chê...” Về việc cuốn sách bị thu hồi do nội dung liên quan quá đến sex hay không, nhà văn đáp: “Đó không phải là nguyên nhân. Theo luật xuất bản, chúng tôi phải nộp lưu chiểu 10 ngày mới được xuất bản. Tuy nhiên, do nôn nóng tôi đã không chờ đợi đúng thời gian để ra mắt đứa con tinh thần của mình.” Còn về việc biên tập: “Tôi đã tiếp xúc với bên kiểm duyệt rồi. Họ cho rằng cuốn Sợi Xích không có gì quá phản cảm hoặc nhố nhăng nên vấn đề xin phép tương đối thuận lợi. Trên cơ bản, những tình tiết, câu chữ của tôi không bị cắt gì cả.”
Để khép màn trình diễn chữ nghĩa của người đẹp tài tử họ Lê, chúng ta cùng tới buổi giao lưu “Alessandro Barrico - Bậc thầy kể chuyện”, tại Hội chợ sách TP HCM lần 6, sáng 19/3. Tác giả cuốn sách Lụa từng chinh phục cả triệu con tim thế giới, đã chia sẻ với độc giả Việt trong chuyện viết lách về tình dục thế này: “Trong một tác phẩm văn học, viết về sex là một điều rất khó khăn. Nếu câu chuyện thật sự cần sex thì tất nhiên người viết phải viết ra thôi. Nhưng tôi nghĩ đề tài tình dục luôn là mối nguy cho văn học nếu như người viết loại trừ tính nghệ thuật ra khỏi nó.”
Nếu như độc giả vẫn còn “bức xúc”, mời ghé vô bài phóng sự hình ảnh dzui mà thiệt thiệt mà dzui, ở trang mạng nhathonguyentrongtao.wordpress.com, để coi ảnh biên tập viên của cuốn sách Hoàng Đình Quang “đang nghĩ cách phá Sợi Xích”! Và cũng để xem tác giả tập thơ Em Đàn Bà – thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo – vỗ “mouse” mà than: “Chỉ có mấy đoạn tả chuyện phòng the mà ầm ĩ cả lên. Những thứ đó so với bậc thầy Vũ Trọng Phụng chả thấm tháp vào đâu. Biết đâu nữ tác giả sexi này theo học thầy Phụng mà chưa thành? Mà coi Vũ Trọng Phụng là thầy thì tiểu thuyết nước ta chắc còn hay hơn nữa, vì thầy chính là một tiểu thuyết gia sáng giá của văn chương nước nhà ai mà chẳng biết.”
4. Bài thơ Trăng Nghẹn của nhà thơ Hoài Tường Phong,*) vào ngày 20/2/2010 đã được Ban giám khảo trao giải Nhất tại cuộc thi thơ lần thứ IV khu vực ĐBSCL do TP Cần Thơ đăng cai tổ chức. Dự kiến lễ phát giải diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày thơ VN. Thế nhưng, bé cái... buồn: tới chiều 3/3, Ban thường vụ Liên hiệp Hội VHNT TP Cần Thơ đã chính thức quyết định loại bỏ giải Nhất của bài thơ này. Tác giả Hoài Tường Phong nói trên báo Tiền Phong ngày 12/3 rằng sẽ không rút khỏi giải dù có bị sức ép. Sự kiện không vui tất nhiên đã làm chuyển động làng báo, làng văn trong mấy tuần, từ Nam chí Bắc. Mời độc giả đến với một số trích dẫn một số ý kiến, bình luận...
* Phan Huy - Trưởng BTC giải Thơ ĐBSCL 2009 (“Không được phép đi ngược lại với nhân dân”, trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hoàng, 17/3):
“(...) một bạn đọc khác cho rằng khổ cuối của bài thơ: “Chập tối buồn nhìn ra bến nước cô đơn/ Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ/ Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ/ Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê” là cái nhìn sai lệch, u tối về mảnh đất và con người đồng bằng sông Cửu Long. (...) điều tôi thất vọng không phải vì bài thơ này “có vấn đề” mà tôi thất vọng vì giá trị nghệ thuật của nó rất khiêm tốn. Nó vẫn là cách nhìn cũ, cách cảm cũ trên nền tảng một hình thức quen thuộc. (...) Đó thực chất là những câu thơ thông tấn mà thông tấn thì thường không phải là thơ.”
* Lê Xuân (Thư ký cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4 - 2009):
“Nhưng điều đáng nói ở cuộc thi Thơ lần này là sự lạm quyền, tùy tiện của ông Phan Huy – Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT TP Cần Thơ làm Trưởng BTC. Trước hết phải khẳng định một điều, đây là cuộc thi ở cấp khu vực thuộc 13 tỉnh, thành ĐBSCL thỏa thuận, góp tiền thưởng để tạo một “sân chơi” nhằm đánh giá và động viên cho sự phát triển thơ ĐBSCL chứ không phải cuộc thi Thơ của TP Cần Thơ, nên những việc quan trọng đều cần có ý kiến của Chủ tịch các Hội VHNT trong khu vực. Đằng này ông Phan Huy phớt lờ tất cả, không tôn trọng ý kiến ban Chung khảo và của công chúng yêu thơ. Từ đó dẫn đến một số sai lầm đáng tiếc (....)”
* Nhà thơ Lê Chí ("Một lời nhắc ngậm ngùi’):
“Trăng Nghẹn dầu chỉ là lát cắt vùng đất này bằng nỗi đau sâu thẳm trong lòng, nhưng tiếc là lát cắt khá sâu và có phần nhấn mạnh, làm người đọc dễ “hụt hẫng”, nhất là ở khổ bốn câu cuối cùng.(...) Với Trăng Nghẹn, một lần nữa nhà thơ Hoài Tường Phong muốn nhắc chúng ta đừng bao giờ lại để “lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn”.”
* Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên (“Ai là người đang Nghẹn cùng Trăng?”):
“Có thể nói đây chỉ là bài thơ thuộc loại trung bình so với mặt bằng thơ hôm nay. Tuy nhiên so với mặt bằng của 915 bài thơ từ 255 tác giả gửi về tham dự giải, có thể đây lại là bài thơ khá nhất. (...) Tóm lại, Trăng Nghẹn không có gì mới về ý tưởng, đề tài, giọng điệu, ngôn ngữ thể hiện và hình tượng thơ, nhưng nó lại quá “lộ mạch”, điều tối kị đối với văn chương, nghệ thuật như các cụ ta đã dạy: Sông kị khúc, văn kị trực. Lối văn “tả chân” theo kiểu “huỵch toẹt” này bao giờ cũng là con dao hai lưỡi.”
* Tác giả Bùi Văn Bồng, báo QĐND (“Trăng Nghẹn - Nghẹn hoài vậy sao?):
“(...) để góp đôi lời về một tác phẩm đã để lại ấn tượng đẹp trong tâm hồn người đọc, trong bạn yêu thơ, tôi có thể mạnh dạn nêu chính kiến của mình: đây là một bài thơ hay, giàu tính nhân văn. Cho dù không đoạt giải vì lý do gì đi nữa thì cũng đừng ai cho rằng tác giả bài thơ có chủ ý ác tâm.”
* Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Tiền Phong phỏng vấn):
“(...) bài thơ hoàn toàn phù hợp với tiêu chí cuộc thi. Chất lượng nghệ thuật chưa phải xuất sắc nhưng bài thơ rất chân thật và đặc biệt, nói được một thực trạng và, từ thực trạng đời sống ấy, bộc lộ được tâm trạng của mình. Một khi ban giám khảo chọn trao giải cho nó, nghĩa là cần tôn trọng sự đánh giá ấy. Mọi sự qui kết với cái nhìn dung tục bắt phải áp vào thực tế, sai đúng đến đâu so với thực tế, đều là phản nghệ thuật, phản văn học. Tưởng đã qua rồi thời ấu trĩ, soi chiếu đời sống vào tác phẩm và hiện thực một cách thô thiển. Nhớ lại vụ Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư cũng bị qui chụp thô thiển, bắt tác giả làm kiểm điểm.”
* Nhà thơ Thanh Thảo (Tiền Phong phỏng vấn):
“Trước nay các cuộc thi nếu có bị can thiệp thì là can thiệp ngay từ đầu, như đề nghị tác giả rút khỏi danh sách dự giải. Còn khi đã công bố kết quả rồi mà còn lấy lý do này lý do khác để gạt đi thì là chuyện chưa từng có.”
Dù các trích dẫn trên đã đủ gọi tên “con mèo là con mèo” trong sự cố văn học này, chúng tôi còn muốn đưa tới độc giả “trích ngang” về tác giả Trăng Nghẹn, cũng từ bài của tác giả Bùi Văn Bồng:
“Hoài Tường Phong sinh năm 1945, quê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) nay thường trú tại số nhà 94A/17, đường Trần Quang Diệu, phường An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ). Học tới đệ nhị, tương đương lớp 11 bây giờ, ông tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, bị bắt bỏ tù hơn một năm. Ra tù, ông lên Sài Gòn kiếm sống. Thấy làm ăn ở Sài Gòn khó khăn, ông đưa vợ con về thành phố Cần Thơ. Nghề làm răng giả chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày. Vợ ông bán ăn uống ở chợ. Ba đứa con thì hai lớn đã ra riêng, còn con gái út ở chung cùng buôn bán lặt vặt. Bài thơ như sự kể lại riêng tư đời thường của tác giả. Thực tế trong cuộc sống có nhiều cảnh đời còn bi đát, khổ đau, thất vọng hơn thế nhiều.”
B. CÁC SỰ KIỆN VUI
+ Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII được diễn ra dịp Rằm tháng Giêng Canh Dần tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành đã là một điểm sáng không chỉ cho làng văn nghệ mà cả bộ mặt văn hóa, xã hội. Sự kiện này đã được tất cả các báo chí nói đến trong suốt một tháng trước và sau đó. Theo đánh giá tổng quan của nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn thì nó được “dư luận đánh giá rất cao về độ hoành tráng, sự phong phú các hoạt động và sự đông vui tấp nập; (....) xứng đáng được coi là lễ hội mở đầu của năm Đại lễ hội 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.” Trong con mắt của một người sáng tác và ham vui bạn văn, trên hoinhavanvietnam.vn, nhà thơ Vân Long có bài Thơ – Từ Văn Hoá Đọc như một sơ kết.
+ Hội Nhà văn VN gặp gỡ chúc thọ các nhà văn cao tuổi, vào sáng 3/3, với sự tham dự của hơn 100 hội viên tuổi từ 70 đến 94. Theo hoinhavanvietnam.vn, năm nay Hội có 19 hội viên bước sang tuổi 70, như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Tuấn Vinh. Do “đệ nhất lão gia” là nhà văn Học Phi 96 tuổi không đến dự được, thế là “đệ nhị lão gia” Vũ Khiêu 94 tuổi đã trở thành người cao niên nhất hội trường. Một lão thi vừa được kết nạp năm nay là Việt Phương với tuổi 82. Văn nhân cả làng đều biết, những “lão tướng” khác là các giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Đình Quang, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, dịch giả Trần Đĩnh... đã ở tuổi hạc mà còn rất “xung”! Được biết, với 925 hội viên của Hội Nhà văn thì các số vị tuổi từ 70 trở lên là 236, chiếm 26%. Tức là cứ hơn 4 tay bút thì có một bút đụng nóc “cổ lai hy”! Thiển nghĩ, vấn đề trẻ hóa hội viên chắc cũng là một điều Hội Nhà văn đang được coi là... VIP?
+ Thi sĩ Hoàng Cầm bước sang tuổi 89 vào tối 25/2. *) Theo
nhathonguyentrongtao.wordpress.com, mọi năm, ngày sinh của Hoàng Cầm cũng chỉ có mặt bạn bè thâm giao vài chục năm trời qua đủ thăng trầm cùng thi nhân. Người nhà kể chiều hôm ấy, khi được hỏi “Hôm nay là ngày gì?”, tác giả Lá Diêu Bông mỉm cười khó nhọc. Trong đôi phút hiếm hoi, như chợt bừng tỉnh, thi nhân khẽ gọi tên những người xung quanh, rồi lại thanh thản nhìn quanh. Được tới thăm Hoàng quân vào cuối năm ngoái, nay chúng tôi hoàn toàn hình dung được điều đó. Cầu mong lão thi luôn bình an ở bên kia dốc thời gian, sau cả hành trình đầy mây thơ và tràn bão đời!
Một điều đáng chú ý trong dịp này: Nhiều năm trước, Hoàng Cầm đã nói và tự thu âm vào 53 băng cassete các hồi ức mà ông chứng kiến, nhất là thời Nhân Văn – Giai Phẩm và khi bị giam giữ ở Hỏa Lò năm 1982, vì tội chuyển bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài. Năm 2006, ông đã giao 11 cuốn băng trong số ấy cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để làm tư liệu, và sau đó ít lâu người con trai cả của Hoàng Cầm đến xin lại. Tại tối hôm 25/2 đó - lời Nguyễn Trọng Tạo - “khi tôi hỏi 53 cuốn băng cassete của ông. Ông lắc đầu không nhớ nó đang ở đâu. Hai người con của ông cho biết, cách đây 3 năm đã giao cho Cty Phương Nam với hợp đồng sẽ xuất bản thành sách, và gia đình đã nhận 60 triệu đồng (giá trị 50% hợp đồng). Nhưng đến nay vẫn chưa thấy Phương Nam xuất bản.”
+ Giáo sư, nhà giáo ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh bước sang tuổi 80, vào ngày 18/3 vừa rồi. Trang mạng vietvan.vn của Khoa Sáng tác & LLPBVH đánh giá: “Những công trình nghiên cứu phê bình văn học của ông đã góp phần làm sáng tỏ lại và sáng tỏ thêm các giá trị văn học VN, mở ra khuynh hướng mới trong đời sống học thuật: nghiên cứu tư tưởng, phong cách nhà văn. Những bài giảng hấp dẫn, minh triết của ông thực sự đã thúc giục, gợi mở, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò (...)” Thi sĩ Hồ Dzếnh vốn là người không viết nhiều về phê bình đã từng có câu: "Nguyễn Đăng Mạnh, một nhà phê bình có khả năng nhận ra được cái thần của mỗi nhà văn.” Quả vậy, nhất là với cuốn Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh từng làm sang chấn cộng đồng văn chương. Nhân dịp Giáo sư thượng thọ, ThS Trần Hồng Liễu cho biết: “Thời gian này, sức khỏe thầy không được như trước. Nhất là sau “tai nạn nghề nghiệp” mới xảy ra cách đây chưa lâu. 20/11 năm ấy, nhà thầy vẫn rất nhiều hoa, rất nhiều tiếng chuông kính coong báo hiệu một người học trò cũ chuẩn bị xuất hiện trên ngưỡng cửa, song đằng sau nụ cười tươi tắn của thầy không khó để nhận ra một nỗi niềm, một sự thất vọng trước thế thái nhân tình…” Kính chúc Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh sức khỏe, và có dịp chuyển hóa hồi ký đặc biệt đó thành một bản văn chính thức để tâm và tài của mình được đúng tầm, góp thêm vào kho tàng văn học VN một tác phẩm cần thiết và đặc sắc.
+ Nhà thơ Vân Long tròn 76 tuổi, vào ngày 6/3, theo trannhuong.com trong bài của nhà thơ Phạm Đức. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm gọi ông là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thế hệ, qua tình bạn vong niên, từ tuổi 90 trở xuống như cụ Hữu Ngọc, từ cánh trẻ Tây Nguyên trở ra”. Đây là tác giả của nhiều câu thơ tạo dấu ấn. Ở cuốn Nghìn Câu Thơ Tài Hoa của Nguyễn Vũ Tiềm có đến gần 30 cụm câu thơ hay của ông. Vân Long là một nghệ sĩ đa tài, có độ thẩm thơ cao và tinh, cẩn trọng mà mạnh mẽ. Việc ông biên tập thơ Trần Dần trong “thời điểm khó khăn” là một minh chứng. Bài thơ nằm lòng độc giả của người thơ này là Qua Mưa: “Qua dải sân mưa tôi ngắm em/ Màn mưa nhòa những nét thân quen/ Tình yêu mới nở sao mà đẹp/ Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen!”
+ Giỗ 100 ngày của nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Trung Bình 20/3/2010 (4/2 âm lịch) đã diễn ra tại quê nhà Quảng Nam. Theo vanchuongviet.org, nhiều bạn bè gần xa đã có bài hồi tưởng về chàng nghệ sĩ đoản mệnh mang danh “Trẻ dáng nâu”. Tháng 5/1996 tại TP HCM, vào những ngày trọng bệnh tại nhà thương, Nguyễn Trung Bình đã cho sinh ra tác phẩm quan trọng của mình, sau in trong tập thơ cùng tên: Bài Của Trẻ Dáng Nâu. Bài thơ dài mang thi hứng của một trường ca đã phác họa hình ảnh người con xứ Quảng trước con đường “mở mang về phương Nam”: “những dáng nâu lên đường/ những dáng nâu ở lại/ chia tay bằng thắm thía/ rằng chung một gia tài không chia chác được/ dáng nâu.”
+ Nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, theo Tuổi Trẻ 18/3. Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh năm 1941 tại Hội An; tập kết ra Bắc năm 1954 và học tại ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc năm 1964, ông được chọn đi học ở nước ngoài nhưng đã tình nguyện trở về Nam. Trên quê hương Quảng Nam, ông đã xung trận như một phóng viên chiến trường, và hy sinh năm 1971 khi mới 30 tuổi, để lại nhiều tác phẩm giá trị: Gió Cửa Đại, Mặt Biển - Mặt Trận, Nhật Ký Chiến Tranh... Một nét đẹp trong số phận của cuốn Nhật Ký Chiến Tranh là toàn bộ nhật ký của Chu Cẩm Phong đã được một sĩ quan VNCH gìn giữ, rồi trao lại cho Hội Văn nghệ giải phóng ngay sau chiến tranh, và năm 2005 đã được in thành sách cùng với các nhật ký khác.
+ Giải thưởng Văn học Sông Mekong của VN, theo tin ngày 13/3 của Hội Nhà văn VN, đã thuộc về 3 tác phẩm: Bão rừng của nhà văn Ngọc Tự - Thoong BC; Chú Tư, Con Là Ai của nhà văn Nguyễn Chiến Thắng - Thăng Sắc; Một Ngày Và Mười Năm của nhà văn, nhà báo Phạm Quang Đẩu; Còn nhà văn Tô Hoài được đề nghị trao Giải thưởng đặc biệt với chùm tác phẩm ký sự Thăm Campuchia và Luangphabang.
+ Hội sách TP HCM lần 6, từ 15-21/3/2010, với 3 cuốn sách bán chạy nhất là: Đảo Mộng Mơ (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ): 10.000 bản; Biểu Tượng Thất Truyền (Dan Brown; dịch giả Nguyễn Xuân Hồng, NXB Hội Nhà văn): 7.500 bản; Nhắm Mắt Thấy Paris (Dương Thụy, NXB Trẻ): 4.000 bản. (Mời đọc dưới đây về một số sách khác ra mắt dịp này.)
C. TÁC PHẨM MỚI
+ Trần Dần, thêm một lần, được đọc và đọc lại, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội, tối 1/3. Theo báo Tiền Phong, có thể nhận ra sự đa chiều trong thái độ khách quan và thi tính ở cách đánh giá “một ca rất đặc biệt của Việt Nam, cả về thơ lẫn đời” (Dương Tường). Lời khai mở của vị Giám đốc Trung tâm coi Trần Dần là một trong số nhà cách tân thơ ca hiện đại VN đã được bàn thảo sinh động.
Trần Dần phía nhật thực là hình ảnh mà nhà thơ, dịch giả Dương Tường nói về thi phận bạn thơ của mình: “13 năm sau khi ông mất, mặc dầu được truy tặng Giải thưởng Nhà nước, nhưng phần lớn di sản thơ của ông vẫn nằm đau”. Dương Tường coi Trần Dần là nhà thơ cách tân số Một của văn học hiện đại VN. Hà Thị Hạnh, mới hoàn thành luận án thạc sỹ về thơ Trần Dần nêu một ý mới: “Chúng ta chẳng thể phủ nhận ông một cách hồ đồ, càng không nên ái mộ một cách vội vàng khi chưa thấu sáng, bởi: Đến với tôi phải đến từ đằng trước - đằng sau có gì, toàn là chết những ngày qua” (Trần Dần). Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì cho rằng, không nên coi Trần Dần là nhà thơ có ảnh hưởng nhất trong làng thơ hiện đại VN. Vì, mãi tới các năm 1990, ông trở lại văn đàn, nên các nhà thơ bấy giờ tiếp nhận thơ họ Trần theo lối đi khác.
Cuộc hội thảo nóng lên lúc một người yêu thơ thắc về hai câu thơ Trần Dần: “Tôi yêu đất nước này có cỏ hoa làm chứng/ Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi” như trong các văn bản hiện có, nhưng lại có văn bản khác ghi: “Tôi yêu đất mẹ này có cỏ hoa làm chứng/Tôi yêu đại nghĩa này nhật nguyệt cãi cho tôi.” Diễn giả họ Dương bèn lý giải rằng chính tác giả đã sửa, trong một lần biên tập để đi in; Câu có “đất mẹ, nhật nguyệt" viết trước. Xin phép lạm bàn: Câu sau hay hơn, Trần Dần hơn về tu từ và khí thơ. Tới khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hỏi nếu không gặp hoạn nạn, liệu có một Trần Dần nhà thơ như đã từng không. Dương Tường quả quyết trong thời gian hoạn nạn, nhà thơ vẫn viết như thường. Còn nhà thơ Hữu Việt khái quát: hoạn nạn như thứ quà Thượng đế ban tặng một thiên tài. Trộm nghĩ: thật ra, đối với thơ ngoại hạng và với thi sĩ ngoại cỡ, chẳng nên điền thêm vô chữ “Nếu”.
Trung tâm Văn hóa Pháp làm cuộc “đọc lại Trần Dần” này là nhân dịp tác phẩm quan trọng “hùng ca-lụa” mang tên “Đi! Đây Việt Bắc!” mới ra đời ở dạng toàn vẹn (NXB Hội Nhà văn, 2009). Trên blog của mình, dịch giả Cao Việt Dũng có bài bình rất đáng chú ý, mang tên Một Cái Êm Rất Xóc - lấy ý mà thi sĩ từng nói về thi pháp của mình. Đầu năm, có dịp trò chuyện cùng nhà báo Trần Trọng Văn, trưởng nam của thi sĩ, chúng tôi được biết kho di cảo Trần Dần vẫn đang được gia đình dần dần khai thác và xuất bản.
+ Tập thơ Không Trái Tim Ai Ngừng Đập Trên Đời (NXB Thanh Niên, 2010) của nhà thơ Đặng Ngọc Khoa ra đời khi tác giả đã nằm xuống vừa được 49 ngày ở tuổi 52.
Trên evan.vnexpress.net, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong bài Đặng Ngọc Khoa Và Thơ Thời 'Hậu Sói’ đã dẫn bình thơ của người bạn thơ quá cố: “Trong một thời đại mà mọi niềm tin bị thử thách trầm trọng thì vẫn còn đó những đạo lý như bản lề, mở ra những le lói hy vọng, những ngay thẳng của cái chết: “Cái sống cái chết không có ranh giới ở Ninh An/ Bình quân mỗi người 165 kí thóc nợ/ Người sắp chết dặn con bó chiếu/ Nợ có vay có trả/ Nhớ đừng quên cái hái cái liềm.” Và bí mật của thơ giống như bí mật của ngôi mộ cổ. Những hoa văn được chạm khắc trên mặt mỗi ký tự. Những gì khai quật hôm nay đã gửi gắm tự ngàn xưa: “Đêm nằm nghe tiếng quê nhà/ Tiếng sông chảy sáng tiếng gà gáy trăng/ Tiếng đời ta tiếng tật nguyền…” “Ta rồi chết giữa mùa màng”. Với thơ, Đặng Ngọc Khoa, kẻ chẳng bao giờ tin vào mình? Hay với thơ, Đặng Ngọc Khoa “thượng thừa”, kẻ quá tự tin vào mình, trước sau gì hố thẳm thi ca chữ nghĩa của anh cũng sẽ được khai quật? Thi tứ bay loạn ảo giác. Một tài hoa xẹt ngang ánh chớp định mệnh. Ngỡ không cho ai và cũng chẳng ai cần cả. (...) Đong đầy một mùa màng. Thơ. Đặng Ngọc Khoa là một ví dụ.”
Nhân Tết Nguyên tiêu và Ngày Thơ VN, vào đêm 27/2, tại quê nhà xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, đã có Chương trình đêm thơ, nhạc “Không trái tim ai ngừng đập trên đời này” của đồng hương và văn thi hữu khắp nơi tới tưởng nhớ cố nhà thơ, nhà báo Đặng Ngọc Khoa - nguyên là phóng viên Báo Thanh Niên.
+ Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai đã ra tập thơ thứ hai mang tên Cởi Gió (NXB Hội Nhà văn, 1/2010).
Đọc bản thảo tập thơ này, nhà nghiên cứu-phê bình TS Chu Văn Sơn cho rằng: “Thơ Nguyễn Phan Quế Mai thể hiện một nữ tính mãnh liệt mà trong lành, một tấm lòng nồng hậu với cuộc sống và tình yêu. Trong thi đàn hiện nay, giọng thơ như thế này có phải đang ngày một ít đi?" Còn đây là nhận định của nhà thơ Đỗ Quyên: “Mới mẻ và đằm thắm về thi hứng, xao động và tìm tòi về bút pháp, sâu lắng và hiện thực về thể tài, tập thơ đã mở ra những chỉ dấu về sự có thể ở một phong cách ổn định và riêng biệt của tác giả trên nền thơ đương đại VN. Với Cởi Gió, Nguyễn Phan Quế Mai đang chững chạc và dịu dàng trên sườn dốc con đường thơ của mình.”
Trên phongdiep.com, trong bài Cởi Gió Ra Và Bay Lên Trên Ý Nghĩ, tác giả Hoàng Hải Anh viết: “Bản thân tên của tập thơ Cởi Gió đã mang một ý nghĩa giải phóng. (...) những câu thơ kết thúc bài thơ đầu tiên Cởi Gió có lẽ cũng đóng luôn vai trò là tư tưởng xuyên suốt cho toàn bộ tác phẩm. (...) Đã từng sống và làm việc ở nước ngoài, từng tới nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi nơi đều để lại cho Nguyễn Phan Quế Mai những cảm xúc riêng. (...) Viết về Hà Nội, về những điều tưởng như đã muôn đời xưa cũ nhưng Nguyễn Phan Quế Mai đã biết thổi vào đó những nét mới, bằng nhiều so sánh, liên tưởng bất ngờ, bằng những cặp hình tượng sóng đôi rất lạ.”
Được cùng tham dự trong suốt thời gian Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học VN hồi đầu năm, chúng tôi thấy nữ sĩ như cánh chim én chao lượn rộn ràng trong chức năng thông dịch viên. Có thể nói Quế Mai đã góp phần đưa “mùa xuân” tới một sinh hoạt quan trọng của văn học nước nhà. Như mọi người đều biết, cô đã tham gia trình diễn thơ tại sân Thơ Trẻ Văn Miếu trong hai năm nay, và là đồng tác giả tập thơ in chung Thơ Trẻ 360 Độ - Tám Gương Mặt (NXB Hội Nhà Văn 2008). Nguyễn Phan Quế Mai còn là người tuyển chọn và dịch giả tiếng Anh của một số nhà thơ VN như Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý, Nguyễn Hồng Hải...
Mời độc giả thưởng thức toàn bộ bài thơ Cởi Gió: “Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Tôi nhìn xuống thấy một con kiến bị cầm tù trong hộp thư điện tử nhiều ngăn, trong chiếc điện thoại di động thỉnh thoảng lại đổ chuông/ Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Tôi nhìn xuống thấy một con chim bị cầm tù trong tiếng ngợi ca của bầy đàn, trong những mốc giới hạn mỹ cảm đã được sắp đặt/ Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Gió trao tôi đôi cánh/ Và bảo tôi hãy cởi gió ra và bay lên trên ý nghĩ”.
+ Nhà báo, nhà văn, dịch giả Trang Hạ với 2 tác phẩm mới trong buổi hội ngộ vui vầy tại Sài Gòn. Trang lethieunhon.com loan tin, và đăng bài Phụ Nữ - Lao Công Của Nghề Viết của nữ sĩ tài danh và năng nổ trên “quân khu Mạng” trong nhiều năm nay. Tuy cuốn tiểu thuyết mạng Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường vẫn còn nằm ở nhà in, nhưng quà của Trang Hạ đưa tới bạn văn là cuốn tản văn Đàn Bà Ba Mươi.
Trong bài báo cô đọng và trực diện, nữ sĩ dóng diết đưa ra đề tài không bai giờ cũ: Nghề viết và phụ nữ, với các luận điểm phải nói là “nhất biên đảo” về mặt nữ quyền. Tỷ như: “Đàn bà mắc mưu những ông trùm sách, cho nên đàn bà trở thành lao công của nghề viết và cũng thành người tiêu thụ sản phẩm hào hứng nhất của văn học nữ giới. Trong quá trình đó, người viết tìm thấy mảnh đất màu mỡ của chuyện tình, lãng mạn, bi kịch, giải phóng khao khát, xác lập lại vị trí và mối quan hệ (trên lý thuyết) với xã hội đàn ông.” Bình: Chưa hẳn vậy! Tính nữ của ngòi bút nữ không hẳn bị các “ông trùm sách” đe dọa. Và độc giả của tác giả nữ không hẳn cũng chỉ là.. nữ. Vả, nữ giới viết là để... chống đờn ông sao?
“Nhưng đầu óc người đọc thường lười biếng, khi buộc phải xếp văn học nữ giới vào một khoảnh nào đó trong tủ sách (hoặc trong nhận thức) của mình. Thường ta sẽ nhìn nhận nhà văn nữ và tác phẩm văn học nữ giới như sau: đàn bà, sến, đời thường.” Bình: Có nhẽ đâu thế!
Còn nữa: “Ưu điểm của văn học nữ giới chính là tinh thần phụ nữ. (...) Văn chương cũng thu hút bởi thân phận người trong đó. Mà còn nhà văn nào nói về thân phận mùi mẫn hơn nhà văn nữ tự kể chuyện đời?”. Bình: 50/50 thôi!
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Lê Tám, trên vietnamnet.vn, nhà văn từng “bám trụ” ở Đài Loan đã trở về quê hương, với một cuộc "Nam tiến" nhiều dự phóng: “Với tôi, TP HCM là mảnh đất đầy duyên nợ. Nó có một sợi dây gắn kết không chỉ là tình cảm mà còn là kinh tế nữa. Tôi xa nó đã 15 năm và đây là lần trở về mà tôi dự định sẽ không rời xa nó nữa.” Kế hoạch văn chương của Trang Hạ “thấy mà ghê”: Chưa từng coi kịch cọt chi ở Sài Thành mà dám hợp tác làm vở kịch tiền tỷ tác phẩm dịch Xin Lỗi Em Chỉ Là; Sẽ làm 20 đầu sách văn học dịch; Thực hiện một số kịch bản phim nhựa và 2 phim truyền hình dài 30 và 60 tập. Chưa hết: sau vở kịch Xin Lỗi Em Chỉ Là..., mần tiếp với kịch chuyển thể từ tác phẩm Mẹ Điên của mình. Wow! Ta sẽ khó tin nhà văn nữ đi tiên phong của dòng văn học Mạng có thể gánh nổi các dự án “đội Giời” đó, nếu chưa coi đến các câu chót của phỏng vấn: “Tôi chỉ làm việc tốt dưới ngọn roi vọt. Nghĩa là chỉ làm việc tốt khi mình cảm thấy áp lực. Hàng ngày, tôi dành nhiều thời gian lên mạng, rất ít khi ra đường. Nếu tình cờ gặp tôi ngoài đường, rất có thể lúc đó tôi từ ngân hàng, hay từ chỗ lĩnh lương về!” Chí lý, hình như người Hoa có câu tục ngữ “Tiền ở ngoài đường”.
+ Nhà văn Bích Ngân “sinh hạ” tiểu thuyết đầu tay Thế Giới Xô Lệch sau 17 năm! Sáng 17/3, tại Hội chợ sách TP HCM, diễn ra buổi tọa đàm về cuốn sách này của vị Phó giám đốc NXB Văn Nghệ, với sự tham dự của hơn 100 độc giả cùng các cây bút nổi tiếng trong nghề. Theo bài của nhà báo Dương Bình Nguyên trong trang antgct.cand.com.vn, Bích Ngân đã dành 17 năm trời để chuyển truyện vừa Đò Ơi - viết khi học Trường viết văn Nguyễn Du và được điểm 10 vào lễ tốt nghiệp – thành tiểu thuyết Thế Giới Xô Lệch. Chúng tôi thấy nữ sĩ gốc Cà Mau quả là một “Ngu Công chuyển núi”... chữ!
Dương Bình Nguyên bình dẫn một đoạn trong tiểu thuyết đó như sau: “Thế Giới Xô Lệch vượt qua được cả những mỹ từ ồn ào và cách sử dụng phương ngữ một cách đầy dụng ý. (...) Và khi bạn đọc kịp ngấm những đòn roi của cuộc sống, sẽ thấy thấm thía nhiều hơn với những chiêm nghiệm của Bích Ngân. Cuộc đối thoại giữa chị gái và cậu Út trong gia đình đặc biệt ấy là một ví dụ: "Đàn ông hay đàn bà thì cũng không khác gì nhau. Khi thật sự trưởng thành là lúc họ nhận ra được những giới hạn, đặc biệt là những giới hạn không thể vượt qua…Út à, đôi khi thói quen cũng là một thứ giới hạn khiến người ta hèn yếu và vô tâm..." Hay như: "Tấm ảnh gia đình trong ngày cưới đối với tôi trở thành một điều gì đó thật quý giá. Trong luồng sáng chiếu rọi đâu đó từ ký ức, từ những cuộc gặp gỡ rồi chia lìa, từ khổ đau và hạnh phúc, từ những mất còn, không chỉ là của riêng tôi, nó cũng đặc biệt không kém sự kiện đêm tân hôn của đời tôi. Tôi lại đem gương mặt và cuộc đời của ba tôi, má tôi, chị tôi, anh tôi, chị dâu tôi, cháu tôi, cô tôi và chú tôi; đặt gần rồi đặt xa cùng với những hình ảnh ông tôi còn sót lại trong trí nhớ, và cả bà tôi nữa, người tôi chỉ biết qua lời kể của má. Tôi lờ mờ nhận ra, trước mặt, rồi sau lưng của mỗi người là khoảng trống và giữa các thành viên của đại gia đình, cũng là khoảng trống. Khoảng trống vô hình đó hình như là nơi trú ngụ của bóng tối.”
+ Dịch giả Trần Đĩnh ra sách Cô Gái Có Hình Xăm Rồng (NXB Phụ Nữ) trong dịp Hội chợ sách TP HCM vừa qua. Theo Vnexpress, “đây là tập 1 trong bộ ba tiểu thuyết Millennium của văn sĩ Thụy Điển Stieg Larsson. Xuất hiện vào năm 2004 tại Thụy Điển, tiểu thuyết này đã gây được tiếng động trong bạn đọc, và đến 2009 đã trở thành sách bán chạy nhất châu Âu với 26 triệu ấn bản ở khắp thế giới. Nhân vật chính là Lisbeth Salander, một cô gái trẻ có tuổi thơ và tuổi trưởng thành hết sức đặc biệt. Bị coi là có vấn đề về mặt tâm thần, từ năm 13 tuổi Salander được nuôi dạy trong một bệnh viện dành cho thiếu nhi... Vẻ bề ngoài cứng rắn gai góc, cách cư xử, giao tiếp như đi ngược lại những nguyên tắc xã hội, nhưng Salander có một trí thông minh tuyệt vời, trí nhớ đáng ngạc nhiên, cộng với sự liều lĩnh và quyết đoán đến không ngờ.”
Đã 80 tuổi, rành rẽ 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa, nhà báo - nguyên Phó ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân - Trần Đĩnh từng dịch nhiều sách văn học nước ngoài ra tiếng Việt, với các tác phẩm giá trị như Linh Sơn (Cao Hành Kiện, 2002), Những Con Chim Hồng Hộc (Trương Nhung, 2005), Rebecca (Daphne Du Maurier), Ngầm (Haruki Murakami, 2009)... Báo Thanh Niên, 2 năm trước, đã “phong” cho ông là “Lão nhà văn được phụ nữ ghi công” trong ngày lễ của NXB Phụ nữ kỷ niệm 50 năm thành lập, khi ông tâm sự: "Tôi đã viết, gắn bó với phong trào phụ nữ từ thời chống Pháp, và với tôi phụ nữ vẫn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn". Tưởng cũng nên nhắc lại với các độc giả trẻ rằng, cuốn hồi ký nổi tiếng một thời mang tên Bất Khuất của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận chính là do Trần Đĩnh chấp bút đấy ạ!
D) CHUYỆN NGHỀ VĂN, NGHỀ BÁO
+ Lại Nguyên Ân thêm một lần đặt lại vấn đề Phan Khôi với phong trào Thơ mới:
Vài năm nay nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã hơn 3 lần tung nghi vấn này trên nhiều mặt báo, từ tuần báo Văn nghệ Trẻ (số 40 – 2009) cho tới các trang mạng bốn phương. Bài mới nhất, tham luận gởi Hội thảo quốc tế “Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)” do ĐH Quốc Gia TP HCM tổ chức, 18-19/3, được đăng tại viet-studies.info, nêu rõ: “Trong cộng đồng văn nghệ VN với công chúng của mình, việc Phan Khôi đề xướng “thơ mới” tiếng Việt là một sự kiện mà tính hiển nhiên của nó trước sau vẫn được thừa nhận, có lẽ chỉ trừ một quãng thời gian 30 năm (1957-1987) ở miền Bắc, tại đó tên tuổi và tác phẩm của ông bị loại bỏ khỏi đời sống văn nghệ. Tuy vậy, những dữ kiện về quan hệ của Phan Khôi với phong trào thơ mới thì hầu như vẫn chưa được làm rõ.” Theo tác giả tham luận, việc Hoài Thanh (1941) lấy ngày 10/3/1932 làm dấu mốc lịch sử khởi đầu một “cuộc cách mệnh về thi ca”, là không hợp lý; vì bài báo đề xướng thơ mới của Phan Khôi cùng với bài thơ Tình Già của ông đã ra mắt bạn đọc Hà Nội từ trước ngày đó trên 1 tháng lận!
Vụ này, thiển ý, có giá trị nhớn về văn học sử; chớ còn sinh mệnh của một dòng thơ chắc cũng vầy vậy thôi khi bị tính lộn ngày sinh tháng nở hơn thua 1 tháng. Còn như đã tin rằng, một dòng thơ mang số phận như một con người thì việc Lại quân nêu ra ắt là to chuyện!
Điểm kết của bài khảo cứu phải nói là đắt giá: “Phan Khôi đề xướng và cổ vũ phong trào thơ mới tiếng Việt chủ yếu không phải với tư cách một nhà thơ đi tìm không gian ngôn ngữ mới cho sự sáng tạo của bản thân mình, mà chủ yếu như một nhà hoạt động văn hóa nhận thấy sự cần thiết giải thoát thi ca tiếng Việt khỏi giới hạn của những khuôn khổ cũ, mở đường tìm kiếm những không gian ngôn ngữ mới, thích hợp với việc bộc lộ thế giới xúc cảm trữ tình của con người VN khi đó bắt đầu bước vào đời sống hiện đại.”
+ Đỗ Hoàng “dịch” thơ:
Gần đây chuyện này không lạ lẫm với thi giới Hà Thành và nhiều tỉnh thành ở nước Nam ta, khi thi sĩ Đỗ Hoàng - một người thơ quá đỗi quen thuộc về các chuyện thơ và cả ngoài thơ - cứ nhăn nhăm tay bút tay dao tìm và dịch/diệt thơ của đồng nghiệp. Đến cả siêu đồng nghiệp là Nguyễn Du còn được chiếu cố trên chính kiệt tác Kiều, thì chẳng đồng nghiệp đương đại nào lỡ ta thán. Nhiều vị còn sướng! Có không ít vị tức, và ấm ức! Nói cho ngay, việc “dịch thơ” từ tiếng mẹ đẻ ra tiếng má sinh của Đỗ quân phải nói là có một chưa hai trên làng thơ toàn cầu. Dám cá cõng vòng quanh Văn Miếu 3 vòng đấy!
Hôm 9/3 vừa rồi, nơi trang nhà của nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn có bài viết ngắn Dịch Vô Lối Ra Thơ Việt của họ Đỗ. Bài có 3 phần đầu, mình, tứ chi minh bạch.
Đầu là lý giải của nhà “tìm và dịch/diệt”: “Người viết cứ viết ra theo sự suy nghĩ chủ quan của mình. Sau đó người ta phân và chia ra làm nhiều thể loại như: Văn, thơ, phú, tế, kịch, hịch, ca dao, tục ngữ, vè, nói lối, hát vui chơi, nói vui chơi… Thời hiện đại các tác giả cũng có nhiều cách viết, cách nói, cách lập ngôn nhưng chưa thấy các nhà phê bình phần loại thể. Tôi đã có nhiều lần đề nghị với tư cách cá nhân khi thấy nhiều người viết ra nhiều kiểu lạ mắt lạ tai, thấy thơ cũng không phải thơ, văn cũng không phải văn, dịch cũng không phải dịch, truyền thống cũng không phải truyền thống. Người trẻ cũng có, người già cũng có. Tộc người đa số cũng có, tộc người thiểu số cũng có. Các kiểu viết ấy với cái tên phân thể loại là “Vô lối”. Từ “Vô lối” cũng đủ giải nghĩa các kiểu viết trên. Đại biểu cho kiểu “Vô lối” này là Thanh Tâm Tuyền, Lê Văn Ngăn, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phú Trạm Inrasara, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Phạm Vân Anh, Hoàng Vũ Thuật…”
Mình là 2 bài thơ: bản “tiếng mẹ đẻ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, mang tên Lịch Sử Một Tấm Thảm Thổ Nhĩ Kỳ; bản “tiếng má sinh” của dịch/diệt giả Đỗ Hoàng.
Tứ chi là các “còm” của độc giả. Vui đáo để.
Để kết thúc, với độc giả không chịu vào mạng dẫn thượng coi toàn bộ sự tình, Nhiệt Kế đành chọn cách trích các câu đầu của 2 bản của bài thơ.
Nguyễn Quang Thiều: “Người hướng dẫn: Được dệt thủ công bởi một người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ/ Người mua: Mua lại từ một ông già da đen Cuba ở Havana năm 1986/ Chủ nhân: Quà tặng của con trai tôi. Được treo trên bức tường này 21 năm.”
Đỗ Hoàng: “Tấm thảm Thổ thăng trầm thiên biến/ Hướng dẫn viên dẫn chuyện rõ ràng: - Thảm này dệt sợi dọc ngang/ Một bà người Thổ tay vàng làm ra/ Người mua lại một ông già/ Da đen quốc tịch Cu Ba rạch ròi/ Ở Ha va na hẳn hoi/ Vào năm tám sáu cũng thời mới đây/ Chủ nhân nói: - Tấm thảm này/ Quà con trai tặng cho thầy u thương! Hai mốt năm treo trên tường.”
+ Oét Trannhuong.com mở pho-rùm Nói Theo Ý Của Bạn:
Xin tóm lược nội dung mà vẫn để trong nháy nháy (bảo đảm không sai tiên ý của gia trang chủ): “Thưa các bạn đồng nghiệp! Chỉ còn mấy tháng nữa Đại hội Hội Nhà văn VN khóa VIII sẽ diễn ra. Với tinh thần xây dựng Hội, Trannhuong.com mở diễn đàn Nói Theo Ý Của Bạn để các hội viên thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc chuẩn bị Đại hội và phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới. Những ý kiến thảo luận trên Trannhuong.com không mang tính định hướng và thực tế cũng không làm được việc đó. Chúng tôi không nhận ý kiến giấu tên hoặc dùng tên khác để tham gia diễn đàn. Mọi ý kiến tham gia xin gửi về Trannhuong.com qua địa chỉ Email
truongnhan_hnv@yahoo.com. Trân trọng cảm ơn. Xin lưu ý đây là một diễn đàn mang tính cá nhân, trao đổi đồng nghiệp với nhau.”
+ Nhà văn Ngô Tất Tố và cách "rút tít" làm báo:
Nếu ông thi sĩ Rasul Gamzatov lừng danh không chỉ xứ Dagestan mà nói đúng thì tít bài như là cái mũ để người đời dễ nhận ra một người. Ký giả Cao Đắc Điểm, chắc cũng nghĩ vậy, nên vừa cho chạy trên antgct.cand.com.vn bài báo mang tít dẫn thượng, với nội dung rất hữu ích trong nghề báo, nghề viết:
“Đặt tên bài là cả một nghệ thuật - "nghệ thuật rút tít" trong nghề làm báo - nhưng không phải ai cũng dễ dàng đặt được những tên bài báo hay. Giỏi rút tít không chỉ là khéo dùng ngôn từ mà còn là tài cô đúc. Rút tít là việc rất được Ngô Tất Tố, một nhà báo dày dạn trường đời và tầm hiểu biết sâu rộng đối với việc đời, người đời quan tâm.
Dưới đây là một số nét đặc trưng trong nghệ thuật rút tít làm báo của Ngô Tất Tố, một nhà báo thuộc nửa đầu thế kỷ trước, xuất thân từ cựu học, làm báo tân học và chưa từng qua bất kỳ một trường, lớp đào tạo, huấn luyện nào về báo chí.”
“Tên bài ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, nêu bật chủ đề: Đề cập tới muôn mặt cuộc đời, tên những bài báo của Ngô Tất Tố ngắn nhất chỉ là 2 chữ như: Bỏ làng, Cảnh ngộ, Mua cỗ (...) hoặc là 3 chữ: Bạn và vợ, Chết vì ăn, Dân là quý, Làng kiện làng, Cụ Lang Bần... (...) dài hơn là 4 chữ như: (...) Muốn làm Khổng Tử, Lừa thế còn ít, Trời của dân quê..., hoặc 5 chữ như: Kính tặng bà kiểm duyệt, Cứ để cho nó chết, Đồ ăn của con mắt (...)
“Giữa lúc chữ quốc ngữ mới "nhất sơ thành lập", ngay từ thời gian đầu bước chân vào làm báo, Ngô Tất Tố đã nhấn mạnh "Đề mục trên mặt báo như con mắt ở mặt người", sau đó đã ra sức gây dựng các chuyên mục trên mặt báo đi đôi với việc công phu chọn đặt tên cho các bài báo.”
Thế ra, khác với ông Dagestan Của Tôi, với cụ Tắt Đèn, thì tít bài là... con mắt!
Để kết thúc, xin có một bài đố: Mời độc giả coi cái tít của ký giả Cao Đắc Điểm có cần... rút nữa không? Còn với các vị nhiều thời gian, làm ơn rút dùm - nếu thấy có thể - các tít khác của Nhiệt Kế trong cả bài này. Đa tạ.
Hẹn tái ngộ!
Ngày 25/3/2010
--------
*) Các tin này sẽ được cập nhật ở bài sau (N.K.- 6/6/2010)