Khúc sông ấy, khúc sông mà người ta ví nó như một khúc ruột đói cơm lúc nào cũng teo tóp, hom hem phơi cát vàng, bãi biền ngút ngát một màu nắng chói, khúc sông mà bên ni là thị trấn sầm uất với làng trầm, với xóm than, với chợ Trung Phước ngược xuôi ghe thuyền, bên nớ lặng lẽ xóm làng, tre xanh miên man, vườn trầm trầm trổ hoa, đơm trái và cũng trầm trầm ngọt khi mùa về với chim trời thánh thót… Chắc là phải đi, cái chân muốn đi sẽ không thể nào ngồi mãi nơi quá bình yên này được! Nhưng khi đi ra phố thị cộ xe ngược xuôi, khói bụi rộn rã, đành sao mà quên được cái khoảng bình yên đến nao lòng, cái quãng lặng khảm dấu những con đường những cổ lũy, những mái nhà và những bờ rào râm bụt, những chiếc cổng chẳng bao giờ đóng… trong tâm hồn ấy được chứ! Có lẽ vì vậy mà trước khi qua đời, người con xứ Đại Bình chỉ kịp làm vỏn vẹn một điều: nói chị cho mình một tờ giấy trắng, viết lên đó hai chữ rõ to Về Quê rồi trút hơi thở cuối cùng…
Tôi nhận tin anh qua đời lúc sắp đi ngủ, lúc ấy chừng hai giờ sáng, điện thoại báo tin nhắn, nhà thơ Vũ Trọng Quang nhắn cho tôi: Thái ơi, anh Khương Bình mất rồi, đang trên đường về quê, em lên đón anh ấy và tiễn anh ấy nhé! Thay vì trả lời tin, tôi soạn một ít tư trang và ngồi uống cà phê đợi trời sáng. Tôi gọi anh Phùng Tấn Đông báo tin, anh trả lời: Mi xài tùm lum số tau chẳng biết đâu mà gọi, giờ đi nhé, đứng sẵn trên đường, anh lên rồi đi!
Đến ngã ba Nam Phước, tôi ghé vào thắp nhang anh Nguyễn Trung Bình và báo anh ấy tin về anh Khương Bình để anh ấy còn hay tin mà đón bạn…
Đường từ ngã ba Hương An lên đến đèo Le đang sửa chữa bụi và ổ gà không biết đâu mà kể xiết, vào một quán cóc, nhìn ra đường, Tấn Đông lắc đầu: Trời ơi! ổ gà như vậy thì Bình nó nằm chẳng yên được, tội Bình quá Bình ơi! Tôi thấy mũi cay cay và con đường kéo dài tới chân trời một màu bụi đỏ, cái màu bụi pha sắc máu và bột đất mang dự cảm cho anh em tôi lúc này thật buồn và trống rỗng…
Mười hai giờ trưa tôi và Tấn Đông đến Đại Bình, bà con đang chẻ lạt, buộc đòn khiêng và làm nhà đưa linh. Tôi ghé thăm vợ chồng người bạn thân thuở nhỏ của anh Khương Bình, chị Lài đang nấu cơm trưa, anh Trí đang ngồi viết điếu văn. Anh chị mời chúng tôi cùng ăn cơm và Tấn Đông ngồi viết thêm một điếu văn thay mặt anh em văn nghệ.
Năm giờ chiều, trưởng thôn thông báo tất cả bà con hãy ăn cơm tối thật sớm để chuẩn bị đón người con “ở xa mới về” và “tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng…”. Anh Trí dắt tôi và Tấn Đông ra cổng làng, chỉ lên chiếc cổng và giới thiệu đây là công trình, là tâm huyết của cuộc đời Nguyễn Ngà (Khương Bình) mà anh đã thực hiện trước đây vài năm… Tôi nhìn ra bến sông, có chừng độ trên dưới một trăm người trong làng đã ra ngồi ngoài bãi cát nhìn sang bên kia... Mọi người liên tục gọi điện thoại và từng đoạn đường anh đi qua đều được điểm tên: về tới Chu Lai rồi… Về tới Núi Thành rồi… Về tới Tam Kì rồi… Về tới ngã ba cây cốc rồi… Về tới đèo Le rồi… Về tới Trung Phước rồi… Cho tôi qua đò với… Tôi đi đón Ngà…”. Thanh niên trong làng thi nhau xuống đò qua sông đón anh, người trong làng kéo ra đứng chật bến sông… Chủ đò í ới “… í í đừng có xuống đông quá nó lật một phát thì chết đó, xuống ít ít thôi, dư người khiêng rồi mà!...”. Nói thì nói vậy mà người vẫn cứ theo nhau xuống đò, sang sông.
Xe về đến bến sông, mọi người nhìn xe rồ ga mấy tiếng như đang chào dân làng, tự dưng không khí im lặng đến lạnh lùng… Có người khóc, rồi nhiều người sụt sịt… Và tôi đưa máy ảnh lên bấm mấy tấm hình chiếc áo quan của anh đang từ từ rời xe, những đôi vai đang dìu anh về làng, họ đi rất khẽ, họ nói với nhau rằng đi nhè nhẹ thôi kẻo anh Bình xóc hông anh em ơi… Nhẹ thôi… Nhẹ nữa nào…! Tự dưng tôi bật khóc khi nhớ đến hình ảnh lần gặp anh đầu tiên ở trên đường Thích Quảng Đức, lúc đó có cả anh Nguyễn Trung Bình và vợ tôi nữa… Anh chỉ vào tôi và nói: trẻ, cũng được trai đó, sao viết bài về tập của anh buồn quá vậy, mà chú mày lém lắm nhé, sao “kê” anh ở đoạn cuối vậy, thì cứ nói thẳng là anh sắp chết, chuyện gì phải nói bóng bóng gió gió, ai mà chả chết đâu em…! Vào quán được một lúc, uống vài ly bia, ngà ngà say, Nguyễn Trung Bình chui vào toilet đứng khóc, khóc như mưa, khuyên gì cũng không được… Nguyễn Trung Bình mếu máo: Chừ nhìn nói cười vậy chứ mai một thành đất ai mà nhậu với anh, anh chịu không được, cho anh khóc chút đi em!... Ai dè người khóc lại qua đời trước, rồi anh lại tiễn người khóc mình lên xe về quê… Giờ tôi đón anh về quê, đứng trên bến sông này, tôi buồn quá, những người trong cuộc rượu hôm đó từ từ rời bỏ tôi mà đi, người bỏ theo cách này, người bỏ theo cách khác… Những cuộc chia ly thật là buồn!
Áo quan xuống thuyền, người nằm dưới vòm trời nhong nhong trăng hạ tuần, mang mang bóng tối… Một nắm nhang đỏ rực trước mũi thuyền, những người thân đứng ngồi quanh anh, tiếng máy nổ chầm chậm, hai bên bờ người đứng nhìn anh qua sông… Tấn Đông gọi điện thoại cho Trần Tuấn: … trời ơi mây che trăng, sông tối như mực Tuấn ơi! Chẳng nhìn thấy rõ đâu! Về làng như Bình buồn quá!... Trần Tuấn không nói gì, chỉ khóc… (Theo lời kể của Phùng Tấn Đông).
Mười một giờ đêm, bà con đưa anh ra huyệt mộ, anh được đặt nằm cạnh hai ngôi mộ thân sinh và đứa con thân yêu của mình. Những người bạn thức suốt đêm ngồi uống rượu bên mộ anh, họ vẫn dành một ly cho người nằm dưới đất kia. Họ cụng ly và tưới một ly lên chỗ đất anh nằm, họ thay nhau tưới và nói: Ngà ơi, uống ly này nhé!... Đến lúc trời hửng sáng, những người bạn tưới ly rươu cuối cùng lên mộ anh rồi nói: Ngà ơi, ngủ ngoan nhe, tụi mình về đây…
Một cuộc đời khép lại sau một chuyến đi dài, một cuộc đời ngủ yên sau những tháng ngày cô đơn, quạnh quẽ, làm khách độc hành, sau cuộc qua sông tịch liêu trong bóng đêm quê nhà với những tiếng thở dài chua xót, một số điện thoại xóa đi trên máy và lưu lại trong sổ tay như một kỷ niệm… vĩnh viễn chia tay Nguyễn Khương Bình – một nụ cười hiền giữa lòng bạn bè! Anh Bình ơi!
Ở đâu đó dưới vòm trời này, Trung Bình và Khương Bình lại gặp nhau, dắt nhau vào quán rượu và đọc thơ, bình thơ và lại nhắc về chúng ta như những người đã chết… Vì họ sống, họ đã từng sống!./.