Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
477
122.646.437
 
Lữ Quỳnh và Sinh nhật của một người không còn trẻ.
Nguyễn Mạnh Trinh

Tôi đọc “ Sinh nhật của một người không còn trẻ” thơ Lữ Quỳnh.Cái cảm giác ‘ không còn trẻ” có phải là chưa về già, hình như trong tâm cảm và thơ có điều gì , nửa như tiếc nuối , nửa như nhớ về. Ở đời thường , thi sĩ là một người dễ mến với nụ cười trên môi qua đôi mắt long lanh sau đôi kính cận . Thế mà , đọc thơ sao nghe như có một điều gì  lặng lẽ tha thiết trong tâm. Thơ là ngôn ngữ của lặng thầm , và là những hồi ức mà suốt đời thi sĩ không bao giờ quên được.Thời gian mấy chục năm , đối với lịch sử đất nước chỉ là một chớp mắt. Nhưng với một đời người, thì lại là khoảng cách rất lâu. Thi sĩ đã đi và về, trong khoảng cách ấy bằng thơ.Nếu nói thơ là đời sống , không biết có phải là nhận định vội vàng không? Ơ cảm quan của một người đọc, tôi  thấy như vậy!

 

Những câu thơ đã thành ý tưởng tiền chế cho một cảm giác chia sẻ , để như thấy lại một không gian cũ, một thời gian xưa. Thơ không phải  kể chuyện đời sống , mà , chính nó là cuộc sống.

 

Sinh nhật tôi

Một ngày tháng chạp

Những ngọn nến thắp

Là hồi ức buồn.

 

Những người sinh vào tháng chạp, ở thời điểm cùng tận của một năm đã thắp lên một ngọn nến để soi tỏ lại dung nhan  cái hồi ức của mình. Giản dị chỉ có vậy, nhưng trong liên tưởng tôi thấy bàng bạc một mùa đông. Một nỗi niềm  nào từ không gian , thời gian lan tỏa tới làm bước chân quay trở lại về quá khứ.Không gian ấy , thời gian ấy , có phải là vương quốc của thơ đang ngự trị?

 

Một nhận xét đầu tiên, là một nghịch lý. Trong khi chúng ta  nói về tình yêu lúc tuổi trẻ và thời thế lúc tuổi già. Thì ngược lại, Lữ Quỳnh đã làm thơ để suy nghĩ về đời sống , nói lên những cảm nhận về thời cuộc lúc còn trẻ, rất trẻ. Và, ông làm thơ về tình yêu với những tình cảm trầm lắng vào lúc tuổi già.Nếu không có những dòng ghi ngày tháng sáng tác ở cuối mỗi bài thơ , có lẽ tôi  sẽ bị  sai lầm mà nghĩ theo lệ thường như vậy…Trẻ và già, ở tùy từng người. Có khi trẻ ở tuổi bảy mươi tám mươi  và già ở tuổi hai mươi , hai mốt. Điều đó , đâu có gì là lạ lùng , nhất là đối với những thế hệ đã trải qua nhiều biến động thử thách của thời thế như Lữ Quỳnh.Với người thơ , cái ý niệm thời gian và không gian có khi chỉ là biểu kiến . Thơ vượt qua những khoảng cách tháng năm , có thể chứ sao không? Trong cảm giác của người đọc thơ , tôi lờ mờ thấy qua con chữ những ngỏ lời rất lặng thầm nhưng lại hằn dấu  trong tâm thức, Thơ  về hồi ức hay là hồi ức, tôi tự hỏi khi đọc từng bài trong “Sinh nhật của một người không còn trẻ”…

 

Thơ tình yêu của Lữ Quỳnh , buồn nhưng ấm áp , như có ngọn lửa sưởi trong lòng dù dông bão buốt giá ngoài kia, dù khung cảnh nghĩa trang lạnh lẽo dưới mưa, dù những con đường ướt sũng nỗi niềm:


”Em quấn khăn quàng cổ màu xanh

Như tranh Đinh Cường thời thiếu nữ

Tôi không còn trẻ để cầm tay em nữa

Nhưng lòng luôn sẵn lửa cho em

Và tình luôn ấm áp trong tim

Để sưởi em ngày đông tuyết gía

Tội nghiệp những con đường xe qua buồn bã

Không bóng người chỉ bong bóng mưa xao..”

 

Tình yêu có thể là những ngày thật yên bình của tuổi già khi  mùa đông về từ ngoài khuôn cửa. Một cảm  giác ấm áp dịu dàng của người vừa chợt hiểu ra hạnh phúc:

 

“ bắt đầu những ngày bình yên

ngắm mùa đông

ấm áp trong tóc em

 trong ánh mắt reo vui

 bữa cơm chiều..”

 

Làm thơ cho bạn hữu ,cho những tri kỷ của đời mình , qua những gập ghềnh của cuộc nhân sinh, người thơ như cảm thấy thời gian quá  xa  và không gian thì vời vợi.  Những câu thơ như:

 

“ ngồi tưởng quê nhà đang có bạn

đứa nằm hiu hắt chốn trăng sao

đứa đang chiếc bóng đêm mờ tỏ

thì cuộc xum vầy nay chốn nao..”

 

Những  địa danh như đường Duy Tân , như phố Tân Định của Sài Gòn ngày nào  đã  nhắc nhở đến những bằng hữu, đến nơi chốn của kỷ niệm mù xa , của những Trịnh Công Sơn , những Đinh Cường của một thuở nào thân thiết.

 

Với Đinh Cường:

 

“Chiều Tân Định rưng rưng phượng đỏ

đỏ gió mùa khô. Đỏ mắt mình

rượu đỏ trên tay tràn nỗi nhớ

hoàng hôn nào hoàng hôn trong tranh

đường thuốc lá chiều nay vắng bạn

một ly mình. Và một ly không

điếu thuốc lá ngậm hoài thấy nhạt

Khói lang thang khói cũng ngập ngừng

Quán hoa giấy chiều nay lãng đãng

Uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không.”

 

Và với Trịnh Công Sơn:

 

“..hai  chiếc ly thủy tinh

lóng lánh rượu  vàng

giữa sương khói-khói hương

đêm tĩnh lặng

nhẹ nhàng cụng ly

mơ hồ nghe cổ đắng

anh bên kia núi

gõ nhịp lãng du

hát mệt nhoài cát bụi.”

 

 Khi tuổi trẻ,những bài thơ là những suy tư của một người  biết vui buồn sầu cảm sớm hơn tuổi đời. Ở ngày hai mươi tuổi, đời sống mở ra trăm nghìn bí nhiệm mà cõi hồn còn xanh ngát những ước vọng ban đầu.

 

“rồi anh vẫn là loài câm vĩnh viễn

đi bơ vơ trong thế giới loài người

anh sẽ xin trời từng ánh sao rơi

để đốt lửa lên cho lòng ấm lại

lúc mở mắt gặp mùa thu chín trái

nên lới anh vi vút tiếng chim rừng

 nên hồn nhiên như những lứa nam trân

và hơi thở thơm mùi hương dạ thảo…”

 

Ngày mười bảy tuổi , thi sĩ  thành một người trưởng thành sớm hơn tuổi để trong  dịp giáng sinh  cao giọng cất rao lời kêu gọi loài người.  Thơ chững chạc trong sự suy nghĩ của một cậu bé òa vỡ những cảm giác của một thời những giấc mơ, những mộng uớc của mai sau:

 

“Hỡi loài người hãy quỳ gối cùng tôi

đêm nay sẽ thấy ý đời trở lại

đêm nay sẽ thấy ý đời thôi khổ ải

sẽ thấy đời tràn ngập cảnh yêu thương

những tràng chuông dồn dập giữa đêm trường

cùng bao ánh mắt dịu hiền trao trả

hỡi loài người hãy cùng tôi quì gối

đón hòa bình trong sóng nhạc đêm nay

mỗi âm thanh là ánh mặt trời này

ôi bất diệt hòa bình ơi bất diệt”

 

Năm 1959 là năm  đất nước còn thanh bình. Nhưng chỉ mấy năm sau, chiến tranh đã thành cơn ác mộng cho cả dân tộc . Và , Lữ Quỳnh, trong những bài thơ sau này đã nhìn cuộc chiến với người trong cuộc và đau sót vì những mất mát chia ly. Có những chàng trai, vì bổn phận  mà phải gia nhập quân ngũ, nhưng lòng vẫn không vui khi phải tham dự vào một trò chơi của những tênđấu thầu  chiến tranh lợi dụng những chiêu bài buôn bán máu xương. Hãy đừng trách họ phản chiến . Bởi vì họ đã nói lên một thực trạng của đất nước mà những người tham dự cuộc chiến như những con cờ để những cường quốc đấu chiến quyền lực với nhau.

Ở thời điểm chiến tranh khốc liệt nhất, năm 1969, Lữ Quỳnh đã viết :

 

“.. Xin tha lỗi anh thêm một lần

hỡi em hỡi em-chỉ thêm một lần

vì đầu chiến tranh chưa vỡ

vì súng này chưa biến thành cành khô

để anh gởi tặng đám học trò

chiều tất niên đốt làm lửa trại

hy vọng xanh rờn cho tay em hái

sẽ không bao giờ còn một mình

nằm nghe gió quái đầu hiên

cùng nỗi nhớ anh chập chờn nước mắt.”

 

Một bài thơ cho Huế. Không phải của Huế thơ mộng áo trắng nữ sinh lượn tà . Cũng không phải cầu Trường Tiền sương mù trên mặt dông Hương. Mà là Huế oan khốc , nát tan .Thơ mùa xuân mà tang tóc.

 

“ bây giờ thành phố đó

đạn rền khắp ngoại ô

bnạ bè anh ngã xuống

chết đi như tình cờ

bây giờ thành phố đó

lạnh nằm trên ngọn cây

mùa xuân trong áo rét

em qua cầu có hay

giòng sông là qúa khứ

soi mặt mấy trăm lần

tuổi thơ loài  thú dữ

tiếng gầm nào đã tan?

Hàng cây cao lá đỏ

Ngày xưa anh đến trường

Ngày nay anh máu đổ

Rơi hồng trên quê hương

Bây giờ thành phố đó

Bạn bè như bóng mây

Mùa xuân không pháo nổ

Chỉ súng dội quanh ngày.”

 

Viết những con chữ,dù làm thơ hay viết văn, vẫn là một cách thế khắc ghi lại đời sống bằng văn chương. Ơ Lữ Quỳnh , một điều thấy rõ là ông có cái tâm bình hòa và sự sôi nổi, sự vọng động của thời thế , ít hoặc nhiều khi không ảnh hưởng đến văn phong của ông.Nét nhân bản là một đặc tính  chứa sẵn trong thơ và truyện của ông.

 

Lữ Quỳnh khởi nghiệp viết văn làm thơ khá lâu , tính đến nay đã gần nửa thế kỷ. Thế mà đọc thơ của ông, bây giờ , vẫn thấy được nét trẻ trung, vẫn tìm được những lạc quan của thời còn trai trẻ. Một tập thơ , có những bài viết từ năm 1959,mà  xuất ban hôm nay , chắc phải là những điều mà  thi sĩ tâm đắc. Nghĩ về chiến tranh, giở lại từng phần hồi ức , có phải ông đã sống lại cuộc sống mình, đã “ trẻ hóa” tâm tư.Và bên cạnh tình cảm với đất nước , tình tri kỷ với bằng hữu, còn có tấm lòng ‘ở” với văn chương.Trẻ hay không còn trẻ , câu hỏi ấy từ thuở chập chững làm tạp  chí Ý Thức ở miền Trung thời chiến tranh hay bây giờ, ở xứ người,chắc  không phải là vấn đề mà nhà văn Lữ Quỳnh của “ Cát Vàng”, của” Sáng sương mù” , của “ Những cơn mưa mùa đông” , của “ Vười Trái Đắng” hay của nhà thơ tác giả” Sinh nhật của một người không còn trẻ” , quan tâm.Bởi , vẫn vời vợi trong ý thức là hình dáng con người Việt Nam muôn đời , dù trải qua bất cứ những đa đoan , những trầm bổng thế sự nào…/.

 

Nguyễn Mạnh Trinh
Số lần đọc: 1695
Ngày đăng: 14.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương phản ánh và ký thác - Trần Văn Nam
Nỗi cô đơn mang tên đàn ông - Võ Kim Ngân
Kẻ ngoại tình với văn chương - Phạm Xuân Hùng
Nhà Thơ Vũ Xuân Hương Trong Sắc Giới Ảo Tượng Bụi Thiên Hà - Dương Kiều Minh
Đọc thơ Lê Quốc Hán - Yến Nhi
Miền ấu thơ khắc khoải - Lâm Xuân Vi
Đặng Ngọc Khoa và Thơ Thời - Hậu Sói - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Hà Văn Thể và cảm thức bên những tinh cầu hừng hực thầm trôi - Dương Kiều Minh
Nhìn gần vài dung nhan thơ trẻ nữ Sàigòn - Nhị Ka
Hồn nhiên Lê Thị Kim - Trọng Vũ