Trên đoạn đường chưa đầy 1 km đã có đến 19 địa điểm kinh doanh “đồ tiếng”. Với thanh âm huyền hoặc chẳng nơi nào có được, chiêng Phước Kiều đã có mặt trong lễ hội khắp nơi, từ Nam ra Bắc, từ ngược về xuôi. Theo chân du khách, chiêng còn ngân vang nhiều nơi trên thế giới. Vậy đâu là sức hút của tiếng chiêng Phước Kiều?
Ông lão gõ chiếc dùi gỗ bọc cao su vào núm chiêng. Một âm thanh trầm trầm lan tỏa trong không gian, liền sau đó, một âm khác cao hơn từ từ vang lên mỗi lúc một lớn dần... Như thanh âm của núi rừng vọng lại, tiếng chiêng nhỏ dần rồi mất hút giữa không gian tĩnh lặng. Đó là tiếng “thụng oang” hay “thụng ngoao” có một không hai của tiếng chiêng Phước Kiều.
Ông lão đặt ngửa chiêng xuống đất, dùng chiếc búa nhỏ gõ gõ lên lòng chiêng mấy cái. Đưa chiêng lên đánh, tiếng “thụng oang” biến mất, thay vào đó là một âm thanh đùng đục xẳng lè như lệnh vỡ. Người khách thử lại, vẫn không tìm thấy “thụng oang” đâu. Mỉm cười, ông lão đặt chiêng xuống đất rồi lại gõ gõ mấy cái. Đưa chiêng lên đảo quanh một vòng, mắt ông ánh lên vẻ vừa ý. Khi ông chạm dùi vào núm, tiếng “thụng oang” huyền hoặc lại trở về như một phép lạ. Bí mật của nghề đúc chiêng làng Phước Kiều nằm ở đó.
Để có một chiếc chiêng đạt yêu cầu, phải trải qua nhiều công đoạn. Việc đầu tiên là làm khuôn, gồm khuôn ngoài và cốt trong. Khuôn ngoài làm đúng kỹ thuật có thể dùng được đến hai tháng. Còn cốt trong thì mỗi lần đúc xong chiêng đều phải phá bỏ. Đất sét được nhồi chung với trấu theo một tỷ lệ nhất định. Nhiều hoặc ít trấu đều làm cho khuôn mất độ bền, ảnh hưởng đến chất lượng chiêng sau này. Khuôn làm xong được đưa vào lò nung chín một ngày. Khuôn ra lò bị nứt nẻ phải xổm, trét lại kỹ càng, đưa vào nung thêm một ngày nữa.
Trước khi làm cốt xong, phải làm vành trên khuôn ngoài. Đây là một công đoạn quan trọng, gọi là lấy thịt, quyết định cho độ dày mỏng và độ tráng đều của chiêng sau này. Sửa soạn đâu vào đấy, người thợ bắt đầu đun đồng, gọi là lên cơi. Ở đây, bài toán về cân lượng cũng phải chính xác, bởi ít đồng thì không đủ đúc chiêng, nhiều đồng quá đã mất công lại còn tốn của nữa.
Đồng nóng chảy là đến công đoạn xuống cơi. Người thợ dùng một cái bẹ dừa nhúng nước tạt lên lửa, nghe “xèo” một tiếng. Kẹp hai lớp vải dày lên hông nồi, với một vẻ chú tâm đặc biệt đến nghiêm trang, họ bắt đầu rót đồng vào khuôn. Nếp nhăn trên trán người thợ dãn dần ra. Khuôn đầy, việc đúc chiêng đã qua công đoạn căng thẳng nhất. Phải đợi đến lúc phá cốt trong lấy chiêng ra mới biết được chiêng có đạt yêu cầu kỹ thuật không. Có nơi đặt làm chiêng dày - gọi là ăn cứng, hoặc đặt chiêng mỏng - ăn mềm. Người nắm bí quyết làm đâu được đó. Kẻ không lành nghề đập lên đập xuống, hao công tốn của mà chẳng nên tích sự gì.
Đúc chiêng, việc quan trọng nhất nằm trong công đoạn cuối cùng: lận tiếng hay còn gọi lấy tiếng. Gọi là lận, vì chiêng vừa mới ra khuôn cứ phẳng lì một mạch từ núm ra vành, phải dùng búa gõ để tạo cho chiêng một khuôn mặt duyên dáng hơn. Phải bào bớt chỗ quá dày, dùng búa lắc cho đều thịt để chiêng cho tiếng tốt. Việc “lấy tiếng” còn phụ thuộc vào nơi dùng chiêng sau này, nghĩa là do người đặt hàng định trước. Người A Sao, A Lưới (Huế) hay Hiên, Giằng (Quảng Nam) chuộng chiêng có hai giọng, ngân dài từ thụng và chấm dứt bằng oang. Người Trà My lại thích chiêng một giọng, vang lên thật to, ngân nga nhỏ dần rồi dứt. Người Trà Bồng (Quảng Ngãi) lại chọn theo cách khác: 2 chiêng được đánh cùng một lúc, âm của chúng phải hòa vào nhau trong cùng một giọng. Người Kinh mua chiêng dùng trong tế lễ, gọi là chiêng việc tộc, chọn loại có tiếng ngân dài là tốt. Người dân tộc kỹ tính hơn, họ đến thử chiêng ngay tại làng. Các chiêng có tiếng “ăn”với nhau được xếp thành bộ. Tùy theo từng vùng mà có bộ ba, bộ tư, bộ sáu…10 bộ chiêng 60 chiếc, chỉ “ăn” tiếng với nhau 5 đến 6 bộ là cùng.
Một lần chạm dùi mà đã vang lên nhưng hai âm “thụng oang”, chỉ có người Phước Kiều mới làm được những chiếc chiêng như thế. Thơ ca dân gian đã khẳng định từ lâu: Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều. Vậy bí mật nằm trong chiêng Phước Kiều nằm ở đâu? Thật đơn giản: kỹ thuật chế đồng + nghệ thuật lận tiếng = chiêng Phước Kiều. Người nắm được kỹ thuật chế đồng không ít. Thế nhưng, để đạt đến bậc thầy trong nghệ thuật lận tiếng thì chẳng đơn giản chút nào. Đã trở thành bí quyết nhà nghề, không ghi thành văn bản, được khẩu truyền cho thế hệ kế thừa nhưng cũng chẳng được nhiều người tiếp thu bằng trí thông minh sáng tạo.
Khi được hỏi, các cụ mỉm cười cho rằng, kỹ thuật chế đồng hay nghệ thuật lận tiếng chẳng qua là một cách nói. Bí quyết nằm ở chỗ nghệ nhân phải biết cách gửi cả tâm hồn mình vào chiêng. Khi chiêng rùng mình phát ra âm thanh, đó chính là lúc tâm hồn nghệ nhân đang hân hoan ca hát. Nói như thế cũng chẳng ngoa, vì như các bạn thấy đó, nghệ nhân có thể cho đi hoặc lấy lại tiếng “thụng oang” huyền hoặc ẩn chứa trong lòng chiêng vào bất cứ lúc nào./.