Buổi sáng ngày Tân Hợi vào tiết thu phân năm Nhâm Tuất bà Mối làng Phong Lưu hẹn sang gặp bà Đội làm thủ tục vấn danh, thưa với bà việc ông Chánh Hào bên ấy muốn xin cô Nhàn, con gái lớn của bà cho cậu con trưởng của ông. Thời tiết mùa thu hanh hao se lạnh. Bà Đội dậy sớm hơn bình thường, têm miếng trầu ăn cho ấm bụng rồi bà sang phòng cậu Mùi. Lúc ấy cậu Mùi đang ngủ say, bà lặng lẽ ngắm khuôn mặt ngây ngô với thân hình to bự của con giai, buột miệng thở dài. Mới đấy mà đã mười lăm năm hai tháng ba ngày, nếu tính cả tuổi mụ cho thì con bà đã mười sáu tuổi. Bà chợt nhìn xuống bộ phận giống má của cậu Mùi thấy nó cương lên thẳng đứng. Mắt bà sáng long lanh xúc động, phấn chấn. Vậy là con giai bà đã có thể thành đàn ông như mong ước. Những điều bà chờ đợi bao năm sắp thành hiện thực. Bà sẽ có đứa cháu đích tôn thông minh khỏe mạnh, hóa giải những ân oán của cuộc đời. Thấy bà chủ đứng lặng bên giường cậu Mùi, người vú em vội bước tới. Bà quay lại vui vẻ hỏi :
- Đêm cậu có thức giấc không?
- Dạ thưa, cậu ngủ say suốt đêm ạ! Vú em lễ phép trả lời.
- Cái “cục đàn ông” của cậu có hay ngỏng lên như thế không?
Bà tươi tỉnh đưa mắt về phía bộ phận giống má đang cương cứng của cậu Mùi. Người vú em (thường gọi là chị Vú) kém bà vài tuổi nhưng đã có bốn đứa con, chỉ vì nhà chồng đối xử tệ bạc nên đến ở với bà chăm sóc cậu Mùi từ ngày còn ẵm ngửa. Nghe bà chủ hỏi chị Vú đỏ mặt lúng túng. Bà Đội nghiêm giọng bảo:
- Nhà chị cũng là đàn bà, ngượng gì chuyện ấy! Tôi hỏi như thế là để lo việc đại sự, chị không phải e ngại gì cả.
Vú em lấm lét nhìn bà, lí nhí trả lời:
- Dạ thưa… lúc con tắm cho cậu, kỳ cọ chỗ ấy nó cũng ngỏng cứng như đàn ông khỏe mạnh đấy ạ!
Bà gật gù vẻ hài lòng. Bà dặn dò chị Vú nên cho cậu ăn món gì, cách thức tắm rửa ra sao, rồi hứa sẽ thưởng tiền hậu hĩnh, đền đáp công lao.
Rời khỏi buồng cậu Mùi bà đảo xuống nhà ngang, nơi ở của cô con gái lớn là Đào Thị Nhàn. Chỉ lát nữa thôi bà Mối làng Phong Lưu sẽ đến bàn với bà về chuyện trăm năm của cô Nhàn. Năm nay Nhàn đã mười bảy tuổi. Quả thật, bao năm nay bà không mấy quan tâm đến cô con gái xinh xắn nết na của mình. Bà bị cuốn vào dòng xoáy của họ Đào, dốc hết tâm lực vào cậu con giai để lo cái việc phát triển dòng giống, gia tộc. Cũng may cô Nhàn được ông Chánh Hào để mắt tới. Làm dâu nhà họ Nguyễn lớn nhất tổng là một diễm phúc lớn, bà có thể yên tâm về cô con gái từng chịu nhiều thiệt thòi của mình. Bà Đội vào phòng lúc cô Nhàn đang ngồi trước gương chải tóc. Nhìn mái tóc đen dày của cô lật qua bờ vai để lộ chiếc cổ cao trắng ngần, bà chạnh lòng nhớ tới bóng dáng của mình năm xưa. Ngày ấy bà được khen là cô gái đẹp nhất làng, mặt trái xoan, mắt lá dăm, lông mày lá liễu cổ kiêu ba ngấn, má lúm đồng tiền. Ngay cả những chuẩn mực thể hiện khả năng sinh con đàn cháu đống của người đàn bà như thắt đáy lưng ong, lưng chữ cụ vú chữ tâm cũng hội tụ ở người con gái ấy. Vào tuổi trăng tròn bà được chọn làm tướng cờ trong dịp hội làng. Đó là niềm vinh dự lớn lao, là sự tôn phong sắc đẹp của dân làng đối với một thiếu nữ chưa thành gia thất. Nhiều năm sau, khi bà đã thành con dâu nhà họ Đào, danh hiệu “tướng cờ” của bà vẫn được người làng nhắc đến với vẻ trầm trồ ngưỡng mộ.
Bà đến bên Nhàn, âu yếm vuốt mái tóc mượt mà của con. Nhàn ngước mắt nhìn bà vẻ ngạc nhiên bởi cử chỉ khác với ngày thường của mẹ. Bà khẽ khàng bảo, bằng tuổi con người ta đã lấy chồng từ lâu rồi. Vì thương con, sợ con vất vả nên u không muốn con phải làm dâu quá sớm. Nhưng dù sao con gái lớn cũng phải gả chồng. Hôm nay bà Mối bên Phong Lưu sẽ sang nhà ta thưa chuyện ông Chánh muốn xin con cho cậu Cả Hào. Họ Nguyễn nhà ấy bề thế nhất tổng Hà. Đời nào cũng có người đỗ đạt, nhiều vị kỳ hào chức sắc danh giá ở làng, ở tổng. “Kén vợ xem tông, kén chồng xem giống”, u thấy đám này rất ưng ý. Con được làm dâu nhà ấy cũng là phúc lớn.
Đôi gò má cô con gái ửng hồng. Lúc sau cô bẽn lẽn nói rằng phận làm con cha mẹ đặt đâu ngồi đó, không dám trái lời.
Có tiếng chó sủa gâu gâu ngoài cổng lớn. Bà Đội dặn dò con gái thêm mấy câu về trang phục khi lên chào bà Mối, rồi bà đi chếch qua góc sân lên nhà trên. Con Nhài ở đợ tất tả chạy vào thưa bà Mối làng Phong Lưu đã đến. Bà Đội sai con Nhài dẹp lũ chó đưa khách lên nhà trên. Ở Tây Lưu cơ ngơi nhà ông Đội Quí vào loại lớn nhất nhì, bao gồm ba tòa nhà gỗ lợp ngói âm dương ôm lấy khoảng sân rộng lát gạch tàu. Phía ngoài là khu chăn nuôi lợn, gà, trâu bò nằm khuất giữa vườn cây, ao cá, xung quanh có tường gạch kiên cố cao gần bốn thước. Phía trên tường cắm nhiều mảnh thủy tinh nhọn sắc lởm chởm lẫn giữa những dây leo chằng chịt, hoang dã.
Hoành tráng nhất là nhà chính, thường gọi nhà trên, quay hướng Đông Nam (cung “Tốn” theo hướng phong thủy), thềm cửa cao một thước, gồm năm gian, kiến trúc theo lối cổ, hai thò ba thụt, cột gỗ lim đen kê đá tảng. Xà hoành rui mè đều bằng gỗ mun, gỗ lim hàng trăm năm tuổi được chạm trổ hoa văn xen lẫn hình tượng cách điệu tứ linh Long, Ly, Qui, Phượng. Gian chính giữa là nơi thờ tự có đặt linh vị tổ tiên, hoành phi câu đối, thâm nghiêm trang trọng. Hai gian thò bên phải, bên trái nhà có bưng ván ngăn cách, một gian làm buồng ngủ cho bà Đội, gian kia là buồng của cậu Mùi. Hai gian kề gian giữa đặt bộ tràng kỷ, sập gụ, tủ chè.
Hai tòa nhà còn lại thường gọi là nhà ngang nằm đối diện nhau qua khoảng sân gạch. Nhà ngang bên trái có đặt gian bếp, mở cửa tại “Nhất vận” để phối hợp với cung “Tốn” của nhà chính mà theo thày phong thủy thì sự phối hợp này là phép “Tứ Lục Tinh” tạo sự hưng thịnh, học hành tiến tới, thi đỗ bảng vàng, con cái đẻ ra toàn là giai tài gái sắc, thông gia với người quyền quí. Ba gian còn lại vừa là nơi xay thóc giã gạo, vừa là nơi ở của mấy người đầy tớ nam gồm thằng Nhỏ, anh Cam, anh Quýt.
Nhà ngang bên phải có một phòng rộng rãi thoáng mát gần kề buồng ngủ của bà Đội ở nhà trên, dùng làm buồng ngủ cho cô Nhàn. Mấy gian còn lại là nơi ở của chị Vú, con Nhài, gian nữa là nhà kho.
Cuối khoảng sân gạch, đối diện với nhà trên là dãy bể chứa nước mưa, hàng cau tứ quí, vườn cam Búa Hạ với giàn trầu xum xuê xanh biếc.
Cơ ngơi đồ sộ của chi trưởng họ Đào gây dựng từ thời cụ cố chánh tổng Đào Văn Bính. Đến năm Giáp Thìn Đội Quí cho mời thợ giỏi về sửa sang lại nhà chính, làm thêm sân gạch, hai tòa nhà ngang, cổng và tường bao. Những năm Đội Quí được tri phủ sủng ái, số người ăn kẻ ở trong nhà thường xuyên đông nườm nượp. Sau khi ông Đội Quí mất đi, bà Đội chỉ giữ lại trong nhà chị Vú, con Nhài cùng ba đầy tớ nam. Họ đều là những người họ xa hiền lành thật thà trung thành với chủ. Vào vụ mùa màng bà mướn thêm những tay lực điền, thợ cấy, thợ gặt làm công nhật, canh tác mấy mẫu ruộng mật ở đồng Ván. Số ruộng còn lại cho cấy rẽ. Tiền bạc, thóc lúa, của nả chẳng thiếu thứ gì nhưng bà Đội không hề quan tâm đến sự hưởng thụ, lúc nào cũng lo âu tính toán việc gia tộc, con cái, nhà cửa, đồng áng.