Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
617
116.453.371

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Theo dấu xưa, chuyện cũ: Đường xe lửa răng cưa độc đáo
Bánh xe lửa răng cưa đặc trưng của tuyến Sông Pha - Đà Lạt ẢNH: TƯ LIỆU Sau nhiều ngày dò hỏi, chúng tôi mới tìm được nơi ở của cụ Nguyễn Văn Viễn, người cách đây hơn 60 năm từng cầm lái những chuyến tàu lửa răng cưa độc nhất vô nhị ở châu Á.

 

Cụ Viễn năm nay 96 tuổi, sống trong căn nhà nhỏ tại Đà Lạt, trong khu vực vốn là cư xá của công nhân hỏa xa do người Pháp xây dựng từ năm 1949.

Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về tuyến đường xe lửa răng cưa, cụ Viễn hào hứng vào phòng lấy ra tập tài liệu, trong đó có cả bản đồ, họa đồ, lịch trình những chuyến tàu do cụ lái.

“Con đường xe lửa răng cưa từ Tháp Chàm (Ninh Thuận) lên Đà Lạt dài 84 km này do người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1903, theo lệnh của Toàn quyền Paul Doumer, đến năm 1932 mới hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng trên 200 triệu franc vào lúc bấy giờ”, cụ Viễn cho biết. Theo cụ, đoạn Tháp Chàm - Krông Pha (Sông Pha) đường bằng, dài 41 km, thi công đến năm 1919 thì hoàn thành.

Còn đoạn Sông Pha - Đà Lạt dài 43 km thi công trong 13 năm. Việc thi công đoạn đường sắt này rất gian nan vì rừng núi hiểm trở và có độ dốc lớn, chỉ 43 km nhưng độ cao lên tới gần 1.400 m (Sông Pha cao 186 m, Đà Lạt cao 1.550 m so với mực nước biển). Theo cụ Viễn, nhiều công nhân người Việt, người dân tộc đã chết vì bệnh sốt rét, vì hổ vồ hoặc bị tai nạn sập hầm đá. Phía trên hầm đá số 1 gần ga Sông Pha hiện vẫn còn một nghĩa trang chôn cất những công nhân xấu số.

Cụ Viễn cầm họa đồ giải thích: “Toàn tuyến có 16 km đường sắt răng cưa, chia làm 3 đoạn, bố trí tại những nơi dốc cao từ 12 độ. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai đường ray chính rộng 1 m; đồng thời đầu máy xe lửa phải gắn thêm bánh răng để bám vào đường ray răng cưa”. Bánh răng được thiết kế chỉ quay một chiều, để nếu khi chết máy thì tàu không bị tuột dốc. Cụ Viễn cho biết toàn tuyến có 5 hầm chui xuyên qua núi, hầm dài nhất hơn 600 m và nhiều cầu xe lửa. Sau năm 1977 ngành đường sắt tháo hết tà vẹt, đường ray để duy tu tuyến đường sắt bắc - nam nhưng thất bại vì đường sắt bắc - nam khổ 1,2 m, còn các đầu máy hơi nước răng cưa đã bán cho một công ty Thụy Sĩ vào năm 1979.

Ký ức lái tàu lửa răng cưa

Cụ Viễn cho biết năm 1932 đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt thông tuyến, nhưng đến năm 1936 chuyến tàu đầu tiên mới chính thức chạy. Cụ quê ở Hải Hậu, Nam Định, vào Đà Lạt năm 1942, ban đầu làm tại Sở trà Cầu Đất, năm 1947 cụ được tuyển dụng vào ngành hỏa xa. Trong 5 năm đầu, cụ chỉ được giao nhiệm vụ đốt than, củi; đến năm 1953 mới được phụ lái tàu rồi lái chính cho đến lúc tuyến đường này ngưng hoạt động.

Một đồng nghiệp của cụ Viễn là cụ Nguyễn Hai (83 tuổi, quê Bình Định), vào Đà Lạt năm 1955, nhờ có bố là ông Nguyễn Văn Hữu lái tàu lửa cùng thời cụ Viễn nên được ưu tiên tuyển dụng lái tàu năm 1960. Cụ Hai cho biết nếu tàu khởi hành lúc 7 giờ thì phải dậy từ 5 giờ sáng để đốt than củi. Chỉ khi nào nước sôi đạt tiêu chuẩn thì tàu mới có thể khởi động được. Vào mùa Đà Lạt mưa dầm, ẩm ướt, việc đốt củi rất vất vả.

Cụ Viễn (phải) giải thích tài liệu về các chặng đường sắt răng cưa ẢNH: N.D

 

 

Cụ Viễn nhớ lại, đoạn đường bằng Tháp Chàm - Sông Pha đầu tàu có thể kéo được 21 toa, nhưng từ Sông Pha lên Đà Lạt chỉ có thể kéo được từ 2 - 4 toa với trọng lượng tối đa 65 tấn. Lúc đó tuyến này có 9 đầu máy xe lửa răng cưa, trong đó 5 đầu máy lớn (kéo 65 tấn) và 4 đầu máy nhỏ phục vụ việc sửa chữa đường tàu. Bình thường mỗi ngày có 2 chuyến xuống và 2 chuyến lên. Ngoài việc chở khách, các chuyến tàu thường chở vật liệu xây dựng, phân bón, vũ khí lên Đà Lạt; còn chuyến xuống chở rau quả, gỗ... về miền xuôi. Theo quy định, khi chạy qua đường ray răng cưa tốc độ chỉ 5 km/giờ, những đoạn đường bằng 35 km/giờ, nhưng những lái tàu nhiều kinh nghiệm khi qua đoạn răng cưa vẫn có thể chạy 10 km/giờ. Do đó, thời gian một đoàn tàu chạy từ Sông Pha - Đà Lạt và ngược lại mất từ 3 - 3 tiếng rưỡi. Các đầu máy răng cưa chỉ chạy tới Sông Pha rồi quay đầu lên Đà Lạt, đoạn đường bằng từ Sông Pha đi Tháp Chàm có đầu máy bình thường đảm trách.

Cụ Viễn cười: “Lúc đó lái tàu lửa thích lắm, được hưởng cả lương vợ con (cụ Viễn có tới 12 người con). Lương của tôi 7.000 đồng/tháng, trong khi vàng chỉ 3.800 đồng/lượng”.

Sau một chút trầm ngâm, cụ Viễn nói khi đường sắt răng cưa mới đưa vào khai thác đã xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng vào năm 1940, tại đoạn Km 40+800 đến Km 42. Đoàn tàu đang xuống dốc thì bị trật đường ray, lao xuống vực làm hơn 30 người thiệt mạng. Đoàn tàu ấy chở các quan Pháp và học sinh người Pháp (học tại Đà Lạt) đi về miền xuôi du lịch. Còn cụ Nguyễn Hai cho biết từ năm 1968, do hoàn cảnh chiến tranh, tuyến đường sắt này liên tục bị cài mìn, cho nên đến năm 1969 gần như dừng hoạt động...

 

Lâm Viên - TN0