Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
534
115.991.566

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đạo Mẫu gắn với cội nguồn dân tộc
Hầu đồng tại đền Dầm - Hà Nội ẢNH: NGỌC THẮNG Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1.12.

 

Theo Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã đáp ứng nhiều tiêu chí để đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời cũng theo ủy ban, khi di sản này được các nhóm dân tộc khác nhau ở VN chia sẻ, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.

Một giá trị nữa được UNESCO ghi nhận là từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản.

Cuối cùng, UNESCO cũng đánh giá cao giá trị mà hồ sơ cung cấp, đó là di sản này đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, được kiểm kê cập nhật hằng năm với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử...

Ông Phạm Sanh Châu, đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ VN về các vấn đề UNESCO, trưởng đoàn VN đến TP.Addis Ababa, Ethiopia (nơi xét duyệt danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lần này) cho biết: “Lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ VN qua hình ảnh của Thánh Mẫu. Hồ sơ về đạo Mẫu được viết với chất lượng cao và là 1/18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận. 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt kể cả di sản Yoga của Ấn Độ”.

Đạo mẫu hướng con người về thế giới hiện tại

Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, đạo Mẫu (tên khác của tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt) mang thế giới quan cổ xưa của người Việt. Theo đó, người Mẹ của con người cũng là người Mẹ tự nhiên, không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn nữ tính hóa tự nhiên, làm cho việc sùng bái tự nhiên thành sùng bái con người mang tính nữ.

“Đạo Mẫu có Mẹ Mưa, Mẹ Mây, Mẹ Chớp, Mẹ Kim... Cũng có cả Mẫu Thiên cai quản trời, Mẫu Địa cai quản đất, Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi rừng... Cách nhận thức thế giới như vậy có mặt tích cực giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận và lắng nghe để bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi hành tinh đang bị tàn phá, dẫn đến biến đổi khí hậu”, ông Thịnh phân tích.

Cũng theo GS Thịnh, đạo Mẫu xác lập một nhân sinh quan tín ngưỡng của người Việt hướng về đời sống trần thế, đó là cầu mong sức khỏe, tiền tài, phúc lộc. “Khác với một số tôn giáo tín ngưỡng khác, đạo Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực trong thế giới hiện đại. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính thực tế của con người VN”, ông cho biết.

Ông Thịnh còn nói, một giá trị lớn khác của đạo Mẫu. Đây là thứ chủ nghĩa yêu nước VN đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị thánh đều gắn với công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chẳng hạn, Trần Hưng Đạo hóa thành Đức Thánh Trần. Mẹ Âu Cơ thành Mẫu Thượng Ngàn. Nguyễn Xí thành Ông Hoàng Mười... “Bằng cách đó, đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn dân tộc đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước VN, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm”, ông cho biết.

“Bảo tàng sống” của văn hóa dân tộc

Ông Thịnh đánh giá lên đồng là một nghi lễ quan trọng bậc nhất của đạo Mẫu, là một hình thức diễn xướng tâm linh, một “bảo tàng sống” của văn hóa dân tộc Việt. “Hầu đồng như một hình thức sân khấu tâm linh hay một văn hóa đạo Mẫu. Ở hình thức này có thể thấy được lối nghĩ, nếp sống, quan niệm nhân sinh, nếp ăn, cách mặc, sinh hoạt nghi lễ của cha ông xưa”, ông cho biết.

TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Tôn giáo, cho rằng hình thức biểu diễn văn hóa của lên đồng chính là những nguồn tư liệu quý giá từ góc độ văn hóa dân gian và nhân học. Chẳng hạn, trang phục hầu đồng tuy đa dạng nhưng vẫn có yếu tố cơ bản quy định về bản chất, gốc gác của mỗi thần thể hiện qua màu sắc của mỗi phủ. Đỏ - trời, vàng - đất, trắng - nước và xanh - rừng. Theo bà Mai, lên đồng tạo ra một môi trường cộng cảm rất tốt. “Nhất là trong những canh hầu lớn. Cung văn sành nghề biết mọi lề lối, thể thức thì hầu như bất cứ một người nào biết rung động trước cái hay, cái đẹp đều trầm trồ, say sưa và bị cuốn vào với những tiết tấu âm nhạc... Từ những bộ trang phục mà ở đó gói ghém tất cả những triết lý nhân sinh về vũ trụ, thế giới và đẳng cấp được các Đồng hóa thân vào thành Thánh Thần để rồi mỗi người một vẻ, một tác phong, một cách thể hiện khiến các điệu múa thiêng cũng mang bản sắc cá nhân rất nhiều”, bà Mai nói.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt còn là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở VN như người Mường, Tày, Nùng, Dao... Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc bộ, bắc Trung bộ và TP.HCM mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

 

 

Hầu đồng còn được gọi dưới rất nhiều tên khác nhau như hầu bóng, ngồi đồng, lên đồng. Theo quan niệm dân gian, một cuộc lên đồng được gọi là một vấn hầu hay một canh hầu. Trong một canh hầu ở người Việt Bắc bộ có rất nhiều vị thần giáng về, nhập vào người ngồi đồng. Lúc đó chủ thể là người ngồi đồng chỉ là lấy thân xác mình làm cái cốt (xác) cho thần linh nhập vào để giáng trần. Mỗi lần một vị thánh giáng, làm việc và thăng (ra đi) được gọi là một ghế đồng.

(Trích Nghi lễ lên đồng, lịch sử và giá trị, TS Nguyễn Ngọc Mai)

 

 

Trinh Nguyễn - TN0