Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
463
115.988.196
 
Tấm ảnh
Nguyễn Minh Phúc

Chuyến tàu ra khơi chậm hơn hai tiếng đồng hồ. Ngồi cạnh tôi là một ông lão hom hem, ốm yếu đâu chừng bảy chục tuổi. Lão hút thuốc luôn mồm. Và hôi rượu! Tôi chúa ghét mùi khê nồng từ người lão bốc ra nhưng biết làm sao hơn. Vé tàu đã có số, không đổi lại được. Tôi cứ trông tàu chạy, ít ra cũng đỡ phải hít thở cái mùi khó chịu kia. Hành khách nhốn nháo ở hai bên boong càng khiến tôi nóng ruột. Hôm nay đúng là ngày chết tiệt.

 

May cho tôi, đúng lúc tôi muốn điên cả người thì còi tàu hụ. Tiếng chân vịt đạp nước và rồi con tàu nặng nề rời bến. Ơn trời! Tôi nhủ thầm trong bụng. Gió biển bắt đầu phả vào mặt nghe mát rượi. Bây giờ tôi mới định thần nhìn kỹ người đồng hành bất đắc dĩ kia…

 

Đó là một ông già nhỏ thó, đôi mắt đục và sâu với cặp môi trề xuống làm cho vành miệng đã móm càng móm thêm. Những mảng da đen đúa, xù xì, nhăn nheo trên gò má càng khiến cho người lão co quắp lại trông đến tội nghiệp. Hành trang duy nhất của lão là chiếc giỏ bàng lép xẹp, không nhìn vào bên trong ai cũng biết chẳng có gì ngoài mấy bộ đồ rách. Lão ngồi khật khà, khật khưỡng, cặp mắt lim dim đờ đẫn như chẳng chú ý đến chuyện gì chung quanh. Từ bộ quần áo lâu ngày không giặt bốc mùi chua loen lóet cộng với mùi hôi rượu từ miệng lão phả ra khiến ngồi gần không ai chịu nổi. Dù cố gắng chịu trận đến mấy, cuối cùng tôi cũng nhỗm dậy định đi lên boong tàu, dù không có chỗ ngồi trên ấy cũng còn hơn…

 

Đúng lúc ấy thì người soát vé đi lại. Mọi người ngồi chung quanh băng ghế chìa vé ra cho y kiểm tra. Lão già cứ loay hoay mãi, hết lục giỏ đến mò túi mà chẳng có tấm vé nào. Tiếng gã soát vé hét lên:

- Ồ! Lại lão già hôm qua bị đuổi lên bờ đây mà! Hôm nay bố lại trốn lên tàu. Thôi, xin bố cho con làm ăn. Bố có chịu lên không thì bảo! Tàu con đếch chạy bằng nước lạnh được đâu bố ạ!

 

Gã dang hai tay lùa những người đi chui vào hầm tàu, miệng không ngớt chửi rủa thậm tệ. Lão già tay run run cầm giỏ, tay lạy gã soát vé như tế sao:

- Cậu làm ơn làm phước cho lão đi nhờ! Lão ra đảo tìm thằng con mất tích! Nó đi làm mướn cho người ta trên ghe… Nghe nói ghe bị chìm…

 

Gã soát vé không cho lão nói hết câu, lớn giọng:

- Thây kệ bố! Nhưng lên tàu là phải có vé, không thì lát nữa xéo lên vỏ mà vô bờ. Khoản nầy mà có rơi xuống biển thì không ma nào chịu trách nhiệm đâu… Mà hôm qua tôi đã nói với lão rồi mà! Bộ lão điếc hả?

 

Gương mặt lão già xìu xuống, lộ rõ vẻ thất vọng. Biết năn nỉ cũng vô ích, lão im lặng lò dò bước về hướng hầm tàu, chờ đến lượt người ta tống lão lên bờ. Trong đôi mắt mờ đục nhăn nheo kia, tôi thấy hình như mắt lão ngân ngấn nước…

 

Có lẽ tôi quá đa cảm chăng! Nhìn mọi người trên tàu, tôi chẳng thấy ai quan tâm đến lão. Trong cái dáng gầy gò, nhẫn nhục của lão bỗng dưng tôi thấy tội nghiệp. Soát kỹ lại ví tiền, nhẩm tính thời gian công tác ở đảo tôi cố giúp lão xem sao.

- Này! Lão gì ơi! Tôi nói. Lại đây xem tôi có giúp được gì cho lão hay không?

 

Lão tiến lại gần tôi. Trong đôi mắt lão ánh lên tia hy vọng khó có gì tả nổi. Cái giỏ bàng cứ run run theo bàn tay lão.

- Cậu ơi! Làm ơn giúp tôi! Tôi mang ơn cậu! Mấy ngày rồi tôi trốn lên tàu đều bị đuổi xuống. Tôi không còn đồng bạc nào, cậu ơi!

- Thế tiền đâu mà lão uống rượu, tôi hỏi.

- Mấy đứa nhỏ trên bờ cho tôi. Lão trả lời. Chẳng là khi tôi bị trúng gió. Sợ tôi chết, mấy đứa đổ rượu vào miệng tôi cho tỉnh lại. Chúng còn cho vào giỏ tôi nắm xôi rồi bỏ đi. May mà có nắm xôi ấy hôm nay tôi còn ở đây. Cậu tính, tôi đói mấy ngày rồi còn gì!

- Thế nhà cụ ở đâu? Ra đảo làm gì mà khổ thế!

 

Câu hỏi của tôi như chạm vào nỗi đau riêng của lão, mắt lão rơm rớm:

- Tôi không có nhà cửa gì, cậu ạ! Ở đậu nhà đứa cháu. Vợ tôi mất sớm, chỉ còn thằng con trai độc nhất. Khổ quá, nó bỏ quê ra đảo cả năm không nghe tin tức gì cả. Vừa rồi có người cho hay ghe của nó đi bị chìm. Nóng ruột, tôi đi tìm nó. Lạy trời cho nó bình an vô sự… Tôi chỉ còn mình nó…

 

Tôi tính lựa lời an ủi lão nhưng thôi. Không khéo lại chạm vào nỗi niềm riêng của lão. Đưa nốt cho lão số tiền mà tôi bấm bụng nhịn tiêu xài trong chuyến công tác, tôi nói:

- Tôi không khá giả gì nhưng thấy hoàn cảnh của cụ, xin biếu cụ số tiền  nhỏ này để làm lộ phí.

 

Lão cầm số tiền tôi trao bằng đôi tay nhăn nheo, mãi một lúc lâu mới thốt lên:

- Cảm ơn cậu nhiều lắm! Biết lấy gì đền ơn cho cậu!

 

Rồi lão khóc. Những giọt nước mắt đùng đục chảy ra từ đôi mắt sâu hoắm của lão khiến tôi không chịu nổi… Tôi động viên:

- Thôi cụ, đừng khóc nữa, ở đời ai cũng có cái số cả. Chắc là cụ sẽ tìm được thằng con thôi mà! Có cha con bên cạnh, chắc cụ sẽ bớt khổ…

 

Con tàu dần dần tăng tốc. Câu chuyện giữa tôi và lão già thêm rôm rã. Lão kể tôi nghe thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Từ chuyện vợ con, hàng xóm, những người mà lão đã có lần gặp trên con đường phiêu bạt, đến những chuyện về thằng Đực, con trai lão, cái thằng mà theo lời lão kể khi còn nhỏ đã có lần lão đã tính cho người ta vì nuôi không nổi. Nó còn sống đến hôm nay là nhờ ơn trời, lão bảo vậy. Cũng may, tôi nghĩ, chuyến đi lần này ra đảo của tôi cũng đỡ tẻ nhạt phần nào nhờ những câu chuyện không đầu, không đuôi của lão.

 

Tàu cặp bến lúc trời đã sắp tối. Trước khi chia tay, lão mò mẫm mãi trong chiếc giỏ bàng, đưa cho tôi một tấm hình nhàu nát của thằng con lão, khẩn khoản:

- Cậu đi đây, đi đó nhiều, biết đâu chừng có lần gặp thằng Đực, con tôi. Đây là tấm hình của nó, có rảnh cậu xem. Nếu may mà gặp nó, cậu nhắn giùm có tôi đi tìm. Tôi mang ơn cậu…

Chẳng biết làm sao hơn, tôi đành gật đầu chia tay lão…

 

*

… Xong công việc ở đảo, tôi thu xếp hành lý định ngày mai về đất liền theo chuyến tàu sớm nhất. Buổi chiều cuối cùng còn lại, tôi lang thang dọc theo bờ biển, nơi có nhiều chiếc thuyền con nằm vắt ngang trên bãi cát đợi chuyến ra khơi. Ngồi tụ tập quanh bãi là đám vạn chài lưng trần rám nắng đang ngồi uống rượu. Bỗng nhiên, tôi lại thích cái không gian khoáng đạt nầy và những người đi biển đang vui chơi, hò hét đến mình sau chuyến ra khơi. Tôi gia nhập cuộc vui của họ bằng cách lấy máy ảnh ra chụp cho họ vài tấm hình kỷ niệm… Có vẻ thích thú lắm, đám dân chài mời tôi cùng uống rượu. Sau đó, khi đã ngà ngà, cả  bọn chúng tôi hứng khởi nhảy múa reo hò trước biển như những người điên.

 

Cuộc vui đang tiếp diễn một cách say sưa bỗng có một người trong bọn lên tiếng:

- Nếu mà hôm nay còn thằng Đực thì vui nữa. Nó biết nhảy nhót làm trò cười hay lắm!

- Ừ, đúng đó… Nó mà làm trò thì hết chê! Cả bọn đều nói vậy rồi chợt lặng thinh. Tiếc cho cái số nó ngắn quá… Mới hăm mấy tuổi đầu!

 

Một người khác, có lẽ lớn tuổi nhất trong bọn ngậm ngùi kể:

- Hôm ấy, nếu không cứu mấy thằng cùng ghe thì nó không chết. Tội nghiệp nó. Đi biển mấy năm ngoài đảo nầy không ai biết nhà cửa của nó ở đâu mà báo tin. Chỉ còn lại tấm hình nó chụp chung với mấy thằng bạn hôm cúng ghe hạ thủy hồi năm ngoái…

 

Trong cơn say ngật ngưỡng, nghe đến tấm hình và tên thằng Đực, tôi bỗng tỉnh hẳn lại. Thằng Đực, tôi nhớ ra rồi! Có phải thằng Đực con của lão già mà tôi gặp hôm nọ trên chuyến tàu ra đảo. Tôi run run mở ví lấy tấm hình  nhàu nát mà ông lão đưa cho. Lạy trời không phải nó! Tôi khấn thầm.

 

Mọi người cùng nhìn vào tấm hình tôi chìa ra. Và không khó khăn gì, họ nhận ra ngay thằng Đực. Đúng là nó đây rồi! Mà sao ông lại có tấm hình của nó? Ông là gì của Đực? Họ nhao nhao hỏi tôi.

 

Biết trả lời làm sao với họ bây giờ? Tôi kể tóm tắt chuyện tôi gặp ông lão trên chuyến tàu hôm nọ, chuyện ông ấy đưa tấm ảnh mà tôi nghĩ nhận lời cốt chỉ để an ủi ông già lúc đó… Làm sao tôi biết được rằng sẽ nghe tin dữ về thằng con trai duy nhất của ông già ngay ở đây, lúc nầy, lúc mà tôi không ngờ nhất…

 

… Đêm trên đảo xuống thật nhanh, gió ầm ì thổi vào bãi cát từng đợt, cuốn tung tóe những hạt cát vào mặt, vào mũi. Tôi nghe mắt mình cay cay. Lẫn trong bóng của buổi chiều chập choạng, tôi hình dung rất rõ hình dáng của lão già đang lầm lũi bước với đôi mắt mờ đục, ngấn nước, lang thang tìm con trong cô đơn tuyệt vọng.

 

Giọng kể đều đều của những người cùng đi chung chuyến biển với thằng Đực làm lòng tôi  se lại…

… Đúng ra hôm ấy thằng Đực được ở nhà. Nó bệnh đã mấy hôm chỉ ăn được cháo, người còn yếu lắm. Nhưng nó cứ nằng nặc đòi đi biển cho bằng được. Nó bảo đã dành dụm được ít tiền, cố chuyến này nữa sẽ xin chủ về đất liền thăm ba nó. Mấy năm trốn nhà ra đảo kiếm sống, không lúc nào nó không nghĩ đến người cha. Một lần nó nhận được tin cha. Ông đã già  yếu lắm. Nó tính lần nầy về sẽ đưa ông già ra đảo ở luôn với nó, cha con có nhau, đùm bọc sống qua ngày. Nó còn khoe mới sắm được cho ông già cặp kiếng đồi mồi đã củ. Ông già trên bảy mươi, mắt mũi giờ kèm nhèm lắm rồi, nó nói thế!

 

Có ai ngờ đây là chuyến đi cuối cùng của nó. Ra khơi được hai ngày thì biển động. Con bão số năm bất ngờ ập đến. Tàu của nó va phải đá ngầm, mọi người đều ôm phao nhảy xuống biển. Thằng Đực tuy yếu nhưng lội rất giỏi. Những đợt sống lưỡi búa như muốn hất tung nó ra khỏi phao, dìm nó xuống tận cùng một lổ sâu hun hút rồi ném nó lên tận trời. Trong đám bạn cùng đi với nó có nhiều người chịu không nổi đàng phải buông phao, phó mặc cho số mạng… Đến phút cuối cùng, thằng Đực vẫn còn ôm cứng phao bơi vì nó biết buông phao là sẽ không còn sức chống chọi với những đợt sóng lớn đang cuồn cuộn lao tới.

Đúng lúc nầy nó nhìn thấy hai người bạn cùng đi chung chuyến biển đã mất phao đang tuyệt vọng chống chọi với những đợt sóng thần ập đến. Một người lớn tuổi đã có hai con và người kia, nhỏ tuổi hơn, sắp lấy vợ… Không hiểu sao thằng Đực đẩy phao về phía những người bạn… Dù sao nó cũng còn độc thân, không nhiều gánh nặng gia đình như hai người bạn của mình. Và nó quyết định buông phao nhường cho họ. Giữa làn ranh sống chết mới thấy tấm lòng thằng Đực thật cao thượng. Nó lặng lẽ chấp nhận hy sinh cho các bạn nó được sống…

 

Giọng kể của những người đi biển chùng xuống, lẫn vào tiếng sóng ầm ì:

- Hôm sau, người ta vớt được xác thằng Đực. Trông nó cứ giống như người vừa đi ngủ, trên cổ vẫn còn quàng cái túi xách nhỏ. Trong ấy có ít tiển nó dành dụm được và cái kiếng lão gọng đồi mồi đã cũ. Chắc là nó mua cho ba nó…

 

Nói rồi họ quay sang tôi, khẩn khoản:

- Nghe ông kể, chắc là ông biết ông lão, ba của thằng Đực. Chúng tôi muốn nhờ ông chuyện nầy: Gia tài thằng Đực chẳng có gì ngoài ít tiển và cặp kiếng, ông nhận giùm và nếu gặp ông lão đâu thì trao giùm ông ấy. Ông giúp được, lòng chúng tôi cũng đỡ áy náy…

 

Tôi không biết phải làm gì hơn! Cầm trên tay những di vật của một người mà tôi chưa hề quen biết, bỗng dưng lòng tôi thấy xốn xang như mang một món nợ nặng nề không biết bao giờ trả nổi…

 

*

… Tôi ở nán lại đảo hai ngày nữa với hy vọng ặp lại lão già hôm nọ. Và đi loanh quanh ở bến tàu, bến cá mong tìm được lão già. Nhưng mặc với mong đợi của tôi, lão biến đâu mất tăm như chưa từng hiện diện trong cuộc đời này. Tôi cố gắng nhờ thêm mấy người bạn cùng giúp sức nhưng cũng không có kết quả. Biết làm sao khi thời gian công tác của tôi cũng đã hết. Tôi đành phải chia tay hòn đảo, chia tay những người bạn chài tốt bụng mà lòng nặng trĩu…

 

Ông lão ơi, bây giờ ông đang ở đâu? Cặp kiếng của ông tôi vẫn còn giữ đây, nặng nề lắm trên ngực áo…/.

 

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 2845
Ngày đăng: 03.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khóc chẳng để làm gì - Nguyễn Khương Bình
Chết hoang - Phạm Thái Ba
Nể vợ mày - Huỳnh Văn Úc
Cả làng hát karaoke - Nguyễn Lệ Uyên
Chim sẻ - Nguyễn Hồng Nhung
Nó hiểu - Nguyễn Khương Bình
Giấc mơ trượt ngã - Ngô Kế Tựu
Sông trôi về đâu - Nguyễn Minh Phúc
Khoảng cách - Huỳnh Văn Úc
Con chó quý - Phạm Thái Ba
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)