Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
675
116.001.203
 
Hoa Dã Qùy vàng
Nguyễn Minh Phúc

Tôi lên Đà Lạt vào những ngày sau Tết. Vẫn còn nguyên không khí se lạnh và phảng phất mùi thơm của những cánh hoa dã quỳ vàng rực mọc quanh những hàng rào dọc theo các căn nhà cửa đóng im ỉm . Thành phố buổi chiều như chìm vào trong sương và tôi cứ quẩn quanh đi tìm nhà dì Hạnh , người phụ nữ đã có lần đi vào cuộc đời của ba tôi , rồi sau khi ba mất, vẫn ở vậy nuôi con, thờ chồng. Là tôi cũng chỉ nghe mẹ nói thế! Tự ái của người đàn bà có thời xem dì Hạnh như tình địch đã ngăn không cho mẹ tôi gặp dì dù thời gian đã tròm trèm hai mươi năm .

 

Tôi chỉ biết là dì Hạnh đẹp lắm! Không biết bao nhiêu người đàn ông ở thành phố hoa vàng nầy ngấp nghé xin cưới dì làm vợ nhưng hình như trái tim dì đã đóng chặt từ ngày ba tôi mất. Đứa con trai là kết quả của những ngày yêu nhau say đắm của dì và ba tôi, lúc bây giờ còn là tổ trưởng tổ trinh sát nội thành Đà Lạt. Chuyện có hơi dài vì mối tình của dì và ba tôi đã âm i từ nhiều năm, trước lúc ba tôi vào chiến trường, khi hai người còn học chung ở trường đại học. Đến khi ba tôi thoát ly ra căn cứ hoạt động thì hai người chia tay. Ba tôi lấy vợ vì chìu ý nội trước khi vào cứ để nội tôi yên lòng có cháu ẵm bồng và mẹ sinh ra tôi. Dì đau đớn nhưng lặng thinh chịu đựng. Rồi sau đó, không biết lý do gì, dì lại gặp ba tôi, đâu như hồi Mậu Thân, lúc đơn vị ba tôi được lệnh vào thành phố nhưng bị đánh bật ra phải tá túc ở nhà dì lánh nạn. Dung ruổi thế nào, họ lại nối tình xưa trong những ngày chiến tranh ác liệt gõ cửa đến từng nhà. Có lẽ hai người hiểu rằng khó lòng gặp được nhau nữa nên mới quyết định sống với nhau và đứa con trai ra đời. Quả thật, sau đó ba tôi hy sinh. Dì Hạnh vẫn ở vậy trên một ngôi nhà nhỏ nơi Đà Lạt sương mù cùng đứa con trai năm nay cũng tròm trèm tuổi tôi: hai mươi … Chuyến đi của tôi lên đây tìm dì cũng bắt nguồn từ cái chết của ba tôi, cái chết đến bây giờ vẫn chưa tìm ra manh mối …

 

Sự việc bắt đầu từ lúc bên Sở lao động thương binh chuyển hồ sơ liệt sĩ của ba tôi đi xác minh có thật ba tôi hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ hay không. Khi đó ba tôi là tổ trưởng trinh sát nội tuyến ở Đơn Dương, Đà Lạt. Chuyện cũng sẽ dừng lại ở đó vì nhiều đồng đội của ba tôi hãy còn sống. Họ có thể xác nhận rằng ba tôi hy sinh trong lúc tiếp cận vẽ sơ đồ một chi khu của địch ven ngoại ô thành phố Đà Lạt. Nhưng có một số người lại cho rằng việc ba tôi mất không liên quan gì đến chuyến đi trinh sát định mệnh ấy mà là do hàng địch rồi bị thủ tiêu. Và cái thủ tục hành chánh rùa bò, quan liêu trong những năm sau hoà bình, hồ sơ liệt sĩ của ba tôi bị găm lại, chuyển hết nơi nầy đến nơi khác vẫn chưa có kết luận nào cụ thể . Cái chính không phải nằm ở chỗ nhận phần tử tuất ít ỏi từ sổ liệt sĩ của ba mà là nỗi đau của nội, của mẹ và tôi, đứa con gái ruột thịt ra đời chỉ thấy mặt ba mình trên ảnh cho đến khi nghe tin ba mất. Hồ sơ, giấy tờ đi học của tôi vẫn còn trống ở chỗ con liệt sĩ không biết khi nào mới lấp đầy, bao nhiêu rắc rối nhiêu khê từ đây .

 

Có thật ba tôi hy sinh  hay trong một phút yếu lòng nào đó đã phản bội lý tưởng của mình, ra hàng rồi bị địch thủ tiêu? Không ai biết điều đó! Một lần nhận nhiệm vụ ra đi rồi không về nữa, xác cũng không tìm thấy. Đơn vị hồi đó cử người đi dò hỏi, chỉ biết ba rời khỏi tổ ba người sau khi hoàn thành công việc ở nội thành rồi sau đó mất tích. Hai người đồng đội kia sau đó cũng hy sinh  nên  sự mất tích của ba vẫn trong vòng bí ẩn. Ba tôi về đâu và cớ gì lại không tìm lại đơn vị nếu ông còn sống? Nội tôi cứ như người mộng du, tuổi già vẫn không yên, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được vì câu hỏi bỏ ngõ nầy. Gia đình nội có truyền thống cách mạng , làng trên xóm dưới ai cũng biết và trọng vọng. Vậy rồi đùng một cái, nghe tin ba tôi bị giết vì ra hàng địch. hỏi làm sao không hụt hẫng, đớn đau. Ngay cả những người thân trong gia đình tôi cũng tin rằng lời đồn đãi là có thật! Thiếu gì người trong chiến tranh, không chịu nổi cảnh chết chóc, ác liệt đành ra hàng địch nhưng sau đó bị chúng lừa, thủ tiêu mất xác luôn, họ nói vậy để an ủi nội tôi. Có biết đâu những lời an ủi đó lại càng làm cho vết thương lòng của nội tấy lên, nhức buốt. Còn mẹ tôi! Bà không nói gì, chỉ thỉnh thoảng thở dài … Nước mắt của bà giờ như chảy ngược vào trong. Mang tiếng vợ liệt sĩ mà chẳng nhận được một đền bù nào xứng đáng, lại còn nghe tiếng đời cạnh khoé, chua ngoa, hỏi làm sao không uất, không nghẹn ….

 

Rồi nghe chỉ dẫn của một người bạn chiến đấu một thời của ba, mẹ bảo tôi đi tìm dì Hạnh. Chỉ dì là biết đích xác ba mất trong trường hợp nào, mẹ nói vậy. Là vì mẹ biết ba tôi yêu thương dì Hạnh lắm. Đám cưới với mẹ chỉ làm vừa lòng nội tôi trước lúc vào cứ. Ba không hề yêu mẹ, chỉ gặp nhau đâu vài lần, chưa có kỷ niệm nào đáng nhớ. Còn dì Hạnh thì khác! Năm sáu năm trời học chung với ba, giữa hai người có biết bao điều gắn bó. Mẹ tôi tin rằng ba có đến nhà dì khi làm xong nhiệm vụ trong thành phố. Cũng chỉ là phỏng đoán vậy thôi nhưng nhìn vào mắt mẹ, tôi hiểu điều lớn hơn mẹ muốn nói: khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh về nhau, bất cứ lúc nào …

 

*

 

Loanh quanh mãi, cuối cùng tôi cũng tìm đến được nhà dì Hạnh ở thành phố không lấy gì rộng và đầy sương. Mở chiếc cổng rào bằng tre ọp ẹp, chung quanh có những đoá dã quỳ vàng rực là một phụ nữ luống tuổi, nếp nhăn đã hằn sâu trên đưôi mắt nhưng vẫn còn đẹp một cách kỳ lạ. Người đàn bà mở to mắt và chợt kêu lên thảng thốt khi nhận ra tôi là con gái của ba. Gương mặt bà như bừng sáng lấp lánh, hai cánh tay run lên và đôi môi giần giật tỏ vẻ xúc động lắm. Không ngờ cháu lại đến tận đây, dì mừng quá. Người đàn bà vừa hấp tấp mở cửa cho tôi vừa nghẹn lời và trên đôi mắt đã thấy ngấn lệ. Tôi lặng nhìn theo cái dáng thon thả và yếu đuối của bà, bất giác nghĩ về mẹ tôi. Quả ba tôi có cặp mắt tinh đời. Cả hai người đàn bà ba yêu đều đẹp, đều tha thiết yêu ba. Dù sao, tôi cũng không còn cái cảm giác trẻ con để không thích bất kỳ ai là mẹ kế của mình. Tôi là phụ nữ, tôi hiểu trái tim của họ. Người đàn bà nào cũng chỉ muốn trong lòng người đàn ông họ yêu duy nhất hình bóng của mình. Thương cho mẹ tôi những ngày vắng ba. Nỗi đau về sự cách xa thì ít mà lòng quặn thắt về trái tim ba đã có người khác thì nhiều. Mẹ tôi thường ôm tôi vào những buổi tối, cứ thầm thì câu hát : Chiều chiều bóng ngã về tây … nghe buồn não nuột . …

 

Ngôi nhà có vẻ lạnh lẽo, dù nhỏ nhưng dễ thương. Treo trên chiếc bàn thờ giữa nhà là di ảnh của ba tôi, bên cạnh chưng lọ hoa mà trong đó là từng chùm dã quỳ vàng đến nhức mắt. Dì Hạnh ngồi đối diện tôi, thầm thì:

-Cháu tên Huyên, phải không? Có lần ba cháu có nói với dì về người vợ trước và cháu. Không sao, cháu đừng ngại! Dì nói nhỏ nhẹ khi tôi đứng lên xin phép thắp cho ba mình nén nhang. Ba cháu đã đúng khi nói rằng cháu rất xinh đẹp … Chỉ tiếc rằng ông không còn sống để nhìn thấy đứa con gái của mình …

-Cả đứa con trai của ba nữa chứ! Tôi mĩm cười nói. Mẹ cháu vẫn thường nhắc đến dì. Bà cũng chưa bao giờ biết mặt dì và đứa con trai của ba. Mẹ bảo có dịp nhất định sẽ ghé thăm. Dù sao, chúng ta cũng như một nhà, phải không dì ?

 

Dì Hạnh gật đầu thay cho câu trả lời. Từ đuôi mắt đẹp của dì phảng phất nét rạng rỡ, trông bớt héo úa. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện có vẻ dễ chịu hơn và thỉnh thoảng dì mĩm cười, nụ cười buồn mà tôi hay bắt gặp trong tranh của những hoạ sĩ Ý thời Phục hưng.

- Ba cháu đã là một phần đời của dì! Hai mươi năm trôi qua mà dì không có cảm giác thời gian nầy là dài lắm. Kể cũng lạ, lạ hơn nữa là dì cảm thấy không thể yêu ai được nữa ngoài ba cháu kể từ sau cái chết của ông ấy. Niềm hy vọng duy nhất của dì là thằng Huy, nó chắc sắp về tới. Dù sao, nó cũng là em cháu, đứa em cùng cha khác mẹ …Dì mong hai đứa sẽ nhận ra nhau, cảm thông nhau để vong linh ba cháu đỡ buồn tủi … Giọng dì như gió thoảng, ngậm ngùi.

 

Tôi không biết phải nói gì thêm, rơm rớm nước mắt. Định mệnh, tin hay không tin, tôi hiểu, đã sắp đặt cả. Ba người đàn bà, kể cả tôi đành cuốn theo dòng chảy của nó. Phải thương người mình không thương, cay nghiệt lắm chứ. Nhưng làm sao khác được! Dì Hạnh, cả Huy nữa, dù sao, cũng là một phần đời ba tôi … Mà ba thì đã không còn …

 

Cuối cùng thì tôi cũng nói ý định mình đến thăm dì: tìm nguyên nhân cái chết của ba tôi. Tôi không rào đón:

-Thật tình, đến bây giờ nhiều người vẫn chưa rõ về cái chết của ba cháu, kể cả những người thân. Tôi nói sau khi kể cho dì Hạnh nghe những rắc rối nhiêu khê từ những lời đồn đãi, đàm tiếu từ lúc ba tôi mất tích trong chiến dịch Mậu Thân. Cả phần học tập, công tác của cháu cũng gặp không ít khó khăn. Thật ra là ba cháu mất trong trường hợp nào?  Dì có biết không?

 

Trong không gian lạnh lẽo của buổi chiều sắp tàn, không trả lời tôi, dì Hạnh đứng lên khép chiếc cửa sổ đóng hờ và đứng nhìn hồi lâu những đoá dã quỳ vàng giờ đã dịu sắc thắm. Như không nghe tôi nói, không nhìn thấy tôi, dì cứ đứng lặng im như thế. Hệt một bức tượng cô đơn, quạnh quẽ đến nao lòng! Và sau đó, cố nén tiếng thở dài, dì như lẩm bẩm một mình:

-Tôi biết sẽ có lúc phải nói lên điều nầy nhưng không ngờ là hôm nay,bây giờ! Cháu Huyên, dù sao thì người đầu tiên dì nói về cái chết của ba cháu là cháu. Nó cũng làm dì  nguôi ngoai với vong linh người đàn ông mà dì yêu thương hơn bất cứ điều gì trên đời … Vâng! Dì biết và chứng kiến cái chết của ba cháu …

 

Tôi ngồi im lặng bởi biết đây là thời khắc thiêng liêng nhất trong đời mình. Cái màn bí ẩn về cái chết của ba tôi cuối cùng cũng hé mở. Cả không gian lặng lẽ đến mức nghe cả tiếng gió thổi rì rào quanh ngôi nhà và những đoá dã quỳ rung rinh trong gió.

-Tết Mậu Thân năm 68, dì Hạnh nói khó nhọc, ba cháu nhận lệnh đưa tổ trinh sát từ Đơn Dương vào thành phố. Mấy ngày sau, khi đã hoàn thành nhiệm vụ trinh sát và chuẩn bị rút lui thì thay vì cùng đồng đội ra về, ba cháu lại ghé đây, tại ngôi nhà nầy với dì. Không biết cái mãnh lực ghê gớm nào đã xui ông ấy làm một việc tưởng chừng không thể. Vượt qua bao nhiêu là đồn bót, đối chọi biết bao hiểm nguy, cầm chắc bị phát hiện vì thời gian nầy, bọn địch đã hay tin tiến công của cách mạng. Khó hơn nữa, ông bỏ cả đồng đội để một mình về đây với dì là chấp nhận mọi rủi ro, mọi nghi ngờ.  Có lẽ một mình dì hiểu vì sao. Đó chỉ duy nhất là tiếng gọi của tình yêu. Khi tình yêu lên tiếng thì không ai cưỡng được lòng mình, phải không cháu …. Và sau đó …

 

Nói đến đây dì Hạnh như nghẹn lời, rấm rứt khóc. Tôi biết dì đang trong cơn xúc động dữ dội. Nhìn cánh tay run rẩy, đôi bờ vai rung lên và nhịp thở gấp gáp, tự nhiên tôi thương dì quá. Tình thương mà mới cách đây chỉ vài tiếng đồng hồ khi mới đặt chân vào nhà dì còn một chút gì đó là đắn đo, ích kỷ giờ đã trôi tuột trong suy nghĩ của tôi. Tình yêu! Sự nhiệm mầu của nó chỉ có người trong cuộc mới hiểu, không thể nói cùng ai, không ngôn ngữ nào diễn đạt được!

 

Tiếng của dì thầm thì như loãng vào tiếng gió khi nói câu sau cùng cất lên  mà tôi cố phải dựa sát vào người dì để nghe cho rõ:

-Sau đó thì ba cháu ở lại đây với dì. Chỉ hai đêm! Hai đêm hạnh phúc nhất trong đời người đàn bà mà dì đã có. Chính hai đêm đó đã tạo nên thằng Huy và đó là tất cả những gì ba cháu để lại. Ông ấy định về cứ theo đơn vị vào ngày thứ ba nhưng rồi …. Ngay đêm hôm ấy bọn lính xét nhà. Bằng mọi cách dì che dấu ba cháu nhưng không được. Cuối cùng bọn chúng cũng biết ba cháu là ai … Rồi mặc cho bao lời van xin, lạy lục của dì, chúng vẫn bắt ba cháu đi cùng chúng. Nhưng chỉ ra mới đến cổng, chỗ những đám quỳ vàng mà cháu thấy đó, dì nghe tiếng súng nổ. Khi chạy ra thì nhìn thấy xác ba cháu nằm bất động, máu thắm đỏ cả hàng rào hoa quỳ trước ngõ …

 

Kể đến đây, dì Hạnh như quỵ hẳn xuống. Tôi cố đỡ tấm thân mềm nhũn của dì lên ghế và lấy dầu nóng xức khắp người cho dì tỉnh lại. May sao, đúng lúc ấy Huy về. Thoạt nhìn,  Huy giống ba tôi như đúc. Cái dáng cao lênh khênh , đôi mày rậm, chiếc cằm vuông …

Tôi kể cho Huy nghe về những chuyện đã xảy ra và đẫm nước mắt ôm đứa em trai cùng cha vào lòng. Ngước nhìn lên, tôi nghe môi mình mặn chát. Hình như Huy cũng khóc! Những giọt nước mắt đàn ông lần đầu tiên rơi lả chả trên mặt mũi, trên vai tôi …

 

*

…Chiều hôm sau, trong cái lạnh sắt se của phố núi cao nguyên và sắc màu vàng rực của những đoá dã quỳ, có ba người lặng lẽ đi dọc theo con đường dẫn ra nghĩa trang thành phố. Một thiếu phụ và đôi trai gái trạc tuổi hai mươi. Họ đến một ngôi mộ gần cuối nghĩa trang và thành kính thắp nhang khấn vái, đặt trên mộ người đã khuất những đoá dã quỳ vàng rực …. Người đàn ông trong ảnh như nhìn họ, mĩm cười. Người đàn ông có đôi mày rậm và chiếc cằm vuông …/.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 3154
Ngày đăng: 06.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chùm truyện ngắn mi ni - Hoàng Nhật Tuyên
Chuyện thật như ma - Lê Hiền
Đàn ống tre bên kia sông - Khôi Vũ
Hảo hán cuối cùng - Nguyễn Minh Nữu
Tình yêu thiếu phụ - Hồ Việt Khuê
Đi qua đồng chiều - Sương Nguyệt Minh
Mười sáu - Dương Thuỳ Dương
Bao Dung - Nguyễn Nguyên An
Chuyện của Cậu tôi - Trần Kỳ Trung
Những mảnh vỡ (4) - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)