Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
462
116.388.683
 
Những thành tựu văn chương phú yên thế kỷ xx
Phạm Ngọc Hiền

Phú Yên là một tỉnh duyên hải miền Nam Trung Bộ, địa hình phần lớn là núi đồi, điều kiện thông thương bị hạn chế do đèo Cù Mông và đèo Cả chắn ở hai đầu. Dân số không đông, phần lớn sống ở đồng bằng Tuy Hoà, nơi được xem là vựa lúa lớn nhất miền Trung. Trong khi nhiều tỉnh phía Bắc đã có bề dày văn hoá hàng ngàn năm thì đại đa số các tỉnh phía Nam có lịch sử phát triển muộn hơn. Tỉnh Phú Yên được thành lập từ năm 1611, nhưng mãi cho đến đầu thế kỷ XX thì nền văn học viết mới thực sự hình thành.

 

Trong nửa đầu thế kỷ, đội ngũ sáng tác rất mỏng. Chỉ có Đặng Ngọc Cư là được nhiều người biết đến qua những truyện ngắn đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy và một số báo khác trong Nam ngoài Bắc. Đỗ Huy Nhiệm cũng là người Phú Yên nhưng phần lớn cuộc đời sống ở Hà Nội. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh viết về Đỗ Huy Nhiệm như sau: “Sinh ngày 16 – 03 – 1915 tại Nam Định. Chính gốc người Phú Yên (…) Hiện làm ở Sở Trước bạ Hà Nội – Viết báo thường ký Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Đã xuất bản Khúc ly tao (1934), Thiên diễm tuyệt (1936)”. Trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến”, Nguyễn Tấn Long cũng dành trên 20 trang để nói về thi sĩ gốc Phú Yên này. Thầy giáo Trần Sĩ là người đầu tiên có sách viết về Phú Yên, cuốn “Địa dư tỉnh Phú Yên” từng được xem là sách giáo khoa. Sau này vào Sài Gòn, ông thường làm thơ với bút danh Đà Giang. Tỉnh Phú Yên nằm trên đường quốc lộ nối liền Bắc Nam nên cũng có vinh dự đón tiếp nhiều thi nhân tài tử khắp ba miền. Tản Đà từng có thời gian dừng chân ở Sông Cầu khá lâu và để lại câu thơ nổi tiếng:”Đa tình con mắt Phú Yên”… Nhà thơ Trần Hữu Thung (tác giả bài Thăm lúa) đã từng có thời gian làm thư ký ở nhà máy đường Đồng Bò thuộc huyện lúa Tuy Hoà. Sau tháng 8 - 1945, ông có tham gia cách mạng tại địa phương một thời gian.

 

Các địa danh Phú Yên, Tuy Hòa, La Hai… chỉ được ghi trên bản đồ văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám. Theo chân đoàn quân Nam tiến, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã đến sống và sáng tác tại nơi này như: Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Tế Hanh, Trần Huyền Trân, Trần Dần, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Bá Khoản, Sĩ Tiến, Hoàng Như Mai, Phan Canh (Mộng Bình Sơn), Nhật Tĩnh, Tịnh Hà (em ruột Xuân Diệu)… Trong kháng chiến chống Pháp, Phú Yên đã hình thành các tờ báo như: Chiến Thắng, Cứu Quốc, Phấn Đấu, Sức Mới, và các tập san: Hồn Trẻ, Mùa Đông Binh Sĩ… Lực lượng sáng tác gồm người địa phương và các văn nghệ sĩ Nam Tiến. Trong bộ tứ bình thơ kháng chiến chống Pháp, đã có hai bài viết về Phú Yên và viết tại Phú Yên. Đó là Đèo Cả (1946) của Hữu Loan và Nhớ máu (1946) của Trần Mai Ninh. Bài Nhớ máu được nhắc đến khá nhiều  trong các công trình nghiên cứu, phê bình văn học. Đông đảo bạn yêu thơ trong cả nước đã thuộc lòng những câu:“Ơ cái gió Tuy Hoà / Cái gió chuyên cần và phóng túng”… Trần Mai Ninh còn có bài Tình sông núi nổi tiếng, sáng tác năm 1946, góp phần mở đường cho nền thơ ca cách mạng. Nhà thơ Vĩnh Mai từng là phó chủ tịch uỷ ban cách mạng huyện Tuy Hoà kiêm trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Phú Yên buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ Nguyên Hồ sinh quán tại Hòa Thắng – Phú Yên đã vinh dự mang về cho tỉnh nhà giải thưởng văn học đầu tiên, đó là giải thưởng Phạm Văn Đồng với tập Ca dao kháng chiến (1953). Sau này, ông ra Bắc giữ các chức vụ: Phó giám đốc Nhà xuất bản Phổ Thông, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hoá nghệ thuật… Đội ngũ sáng tác của Phú Yên thời chống Pháp còn có:  Đặng Ngọc Cư, Bùi Xuân Các, Đặng Hướng, Nguyễn Tiết, Phi Lân, Hà Nghi, Đoàn Anh…

 

Phải sau năm 1954, đội ngũ sáng tác văn học Phú Yên mới đông đảo, đa dạng. Trước hết là bộ phận văn học cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ở Phú Yên có các báo Đoàn kết, Giải phóng…Với sự góp mặt của nhiều nhà báo – nhà văn như Trần Thiện Lục, Bằng Tín, Vũ Trung Uyên, Lương Nguyên,  Hoàng Tất Thắng… Nhà báo Đặng Minh Phương gốc người Bình Kiến – Tuy Hoà từng làm tổng biên tập Báo Cờ Giải Phóng Trung Trung Bộ, phóng viên Báo Nhân Dân… Bà Võ Thị Kim Đính, một cây bút không chuyên nhưng được nhiều bạn đọc biết đến qua bức thư gởi chồng là cán bộ tập kết ngoài Bắc được in trong tập “Từ tuyến đầu tổ quốc”, một cuốn sách rất nổi tiếng thời chống Mỹ. Nhà thơ Văn Công là người gắn bó nhiều nhất với mảnh đất Phú Yên thời chiến tranh, từng là quyền chủ tịch tỉnh Phú Khánh. Ông đoạt giải Nhất thơ báo Thống Nhất năm 1959, giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 và đến năm 1969 thì có thơ (in chung) được xuất bản ở Paris. Nhà văn Y Điêng quê ở huyện miền núi Sông Hinh, từng làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông viết khá nhiều thể loại: trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, ký sự… Đáng chú ý nhất là Trường ca Tây Nguyên (1961), tiểu thuyết Hơ Giang (1978), Chuyện bên bờ sông Hinh (1985 – 2001)... Ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006. Một nhà thơ dân tộc thiểu số khác ở Sông Hinh cũng ra Bắc tập kết là Mô Lô Y Choi. Bài thơ Cô gái vót chông của ông được Hoàng Hiệp phổ nhạc thành một bài hát phổ biến khá rộng rãi. Nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ sinh ra tại Tuy An - Phú Yên rồi tập kết ra Bắc. Ông là tác giả của bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ từng được đưa vào sách giáo khoa Văn 12. Ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006. Trong những năm tháng hoạt động tại Tuy Hoà, Trần Vũ Mai đã sáng tác  trường ca Ở làng Phước Hậu (viết vào cuối năm 1974 nhưng được in vào năm 1978). Đây là một trong những trường ca đặc sắc của văn học Việt Nam. Nhà thơ Liên Nam, gốc Hoà Trị – Tuy Hoa, có mặt ở chiến trường Phú Yên suốt hai cuộc kháng chiến, từng công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội và làm chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên. Ông đoạt các giải thưởng: Nguyễn Đình Chiểu, Văn nghệ Giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… Nhà văn quân đội Tô Phương sinh ra ở Đồng Xuân - Phú Yên nhưng bước chân của ông đã từng xông xáo khắp các chiến trường Đông Dương. Ông từng là phóng viên báo Quân đội nhân dân và tổng biên tập báo Phú Khánh – Phú Yên. Ông đã xuất bản nhiều truyện ký nhưng nổi tiếng hơn cả là Mùa hoa ô môi (1979) kể về các nữ du kích anh hùng dưới địa đạo Củ Chi. Nhà văn Thanh Quế gốc Tuy An – Phú Yên cũng có mặt ở chiến trường Trung Trung Bộ thời chống Mỹ. Tính đến nay, ông đã ra mắt khoảng 30 tác phẩm gồm cả thơ, trường ca, truyện, hồi ký…Từng đoạt nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam… Hiện là Tổng biên tập tạp chí Non Nước… 

 

Bộ phận văn học Phú Yên vùng tạm chiếm cũng phát triển sôi động với sự ra đời của nhiều tờ báo như: Xây Dựng (chủ bút Lam Giang), Núi Nhạn (của Phan Long Yên), Hiện Diện (của Trần Huiền Ân, Phan Việt Thuỷ cùng các thi hữu Tuy Hoà), Tâm Đàm (của Nguyễn Bá Quát – trường Nguyễn Huệ), Sóng (của Hoàng Đình Huy Quan), Đất Việt (của Phan Phúc Gia, Lý Thơ Phúc), và các tập san: Vì Trẻ, Sông Ba, Thể Hiện… Phú Yên đã vinh dự sinh ra nhà văn Võ Hồng, một cây bút xuất sắc của văn học miền Nam trước năm 1975. Ông quê ở An Thạch - Tuy An, từng học ở Quy Nhơn, Hà Nội, làm Bí thư ở toà Tổng Đốc Đà Lạt rồi về quê làm trưởng ty Bình dân học vụ thời chống Pháp. Phần lớn cuộc đời ông gắn với nghề dạy học ở Nha Trang. Truyện của ông mang đậm bản sắc Phú Yên. Tính đến nay, ông đã có 30 tập sách in riêng, tiêu biểu như: Hoài cố nhân (1959), Hoa bươm bướm (1966),Vết hằn năm tháng (1965), Như cánh chim bay (1971), Nhánh rong phiêu bạt (1970), Thiên đường ở trên cao (được chuyển thể thành phim phát trên Đài Truyền hình Việt Nam năm 1998)… Một cây bút quen thuộc khác là Trần Huiền An, từng có thơ được đưa vào sách giáo khoa trước 1975. Ông viết khá đều tay ở nhiều thể loại khác nhau và nhận nhiều giải thưởng của các báo: Văn nghệ Giải phóng (1976), Văn nghệ TP.HCM (1993)… Từ cuối thập niên 1960, nhiều văn nghệ sĩ Phú Yên như Nguyễn Tường Văn, Nguyễn Kim Ngân, Phan Long Côn… đã hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên yêu nước. Bài thơ Người mẹ Bàn Cờ của Nguyễn Kim Ngân được Trần Long An phổ nhạc đã thành vũ khí tinh thần quan trọng của sinh viên các đô thị miền Nam. Ngoài ra, Phú Yên còn có nhiều cây bút khác thường xuyên xuất hiện trên các báo miền Nam và đã có tác phẩm xuất bản trước 1975 như Hoàng Đình Huy Quan, Nguyễn Lệ Uyên, Khánh Linh (Lê Khánh Nam), Y Uyên, Phạm Cao Hoàng, Đỗ Chu Thăng, Từ Xuân Lãnh, Phạm Ngọc Lư, Mang Viên Long… Nhưng phần lớn sáng tác của họ thuộc về giai đoạn sau 1975.

 

Sau giải phóng, Phú Yên có một thời gian nhập chung với Khánh Hoà thành tỉnh Phú Khánh. Nhiều cây bút chuyển vào công tác ở tỉnh lỵ Nha Trang, thị xã Tuy Hoà không còn là trung tâm văn hoá cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều văn nghệ sĩ ở đây đã tự giác tổ chức nhiều hoạt động để duy trì truyền thống văn học của địa phương. Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tách ra, sự kiện này đã tạo điều kiện tốt cho sự phát triển phong trào thơ văn của tỉnh. Đôi ngũ sáng tác rất đông đảo gồm nhiêù thế hệ cầm bút khác nhau. Huỳnh Quang Nam vẫn tiếp tục sáng tác sung sức với hàng chục tác phẩm in riêng và có mặt trong các tuyển tập:”Thơ miền Trung thế kỷ XX”, “Thơ Việt Nam 1975 – 2000”, “Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX”… Đoàn Việt Hùng cũng xuất hiện thường xuyên trên các báo và đoạt giải Ba cuộc thi truyện ký của Tuần báo Văn nghệ năm 1991, giải Nhất cuộc thi viết về nhà giáo do Bộ Giáo dục và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2006, giải C của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2007. Huỳnh Thạch Thảo là cây bút truyện ngắn khá quen thuộc trên báo chí cả nước, anh đã có hàng chục tập truyện in riêng và rất nhiều tuyển tập in chung, hai lần đoạt giải thưởng của báo Tiền Phong (1997, 2001). Huỳnh Văn Quốc sáng tác đều tay ở cả hai thể loại thơ và văn xuôi, đoạt giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền Phong năm 1995, giải thưởng của NXB Kim Đồng năm 2000…

 

Gần đây, ở Phú Yên còn xuất hiện thêm nhiều cây bút mới với văn phong đa dạng, sáng tác sung sức, tiêu biểu Ngô Phan Lưu. Năm 2007, ông đã mang về cho tỉnh nhà giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Sau sự kiện đó, báo chí trong nước nhắc đến khá  nhiều về hiện tượng lão nông cầm bútt ở Phú Yên… Ngoài ra, còn có nhiều văn nghệ sĩ khác cũng thường xuất hiện trên các báo TW và địa phương và có sách in riêng như  Trần Quốc Cưỡng, Y Nguyên, Nguyễn Văn Tâm, Đinh Lăng, Trần Văn Lan, Nguyễn Duy Tẩm, Hải Sơn, Huỳnh Duy Hiếu, Đào Khải, Vũ Phương, Phan Kim Việt, Nguyên Đạt, Lê Anh, Đào Tấn Trực...

Ở lĩnh vực văn học dịch, nhà văn Đào Minh Hiệp được bạn đọc cả nước biết đến với việc dịch bộ phim nổi tiếng Nước mắt người giàu phát trên đài truyền hình Việt Nam năm 1992. Ông là người đa tài, đã dịch tới 20 cuốn tiểu thuyết và phim truyện nước ngoài, viết truyện ngắn, kịch bản phim, hoạ sĩ, kỹ sư, giáo viên, chủ tịch Hội VHNT Phú Yên… Ông đoạt giải B của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2007. Nhà thơ Triệu Lam Châu cũng có hàng chục cuốn sách dịch và đoạt giải Nhất trong các cuộc thi được tổ chức bởi: Hội nhà văn Việt Nam – Báo Văn nghệ – NXB Văn học (1994), TW Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga phối hợp với Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây (2000), giải C của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2007… Mảng phê bình văn học của Phú Yên còn trẻ trung với sự xuất hiện gần đây của các cây bút Nguyễn Thị Thu Trang, Phạm Ngọc Hiền… Cả hai đều được nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc. Ở lĩnh vực văn học kịch, có các nhà soạn kịch kiêm đạo diễn như Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Phụng Kỳ… Họ đã có công lãnh đạo đoàn tuồng Phú Khánh đoạt nhiều giải thưởng trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng. Trong lĩnh vực khảo cứu văn học, giới nghiên cứu văn hoá dân gian cả nước không ai là không biết đến tên tuổi của Y Điêng và Ka Sô Liễng. Gần nửa thế kỷ nay, Ka Sô Liễng được xem là một trong những người có công đầu trong công tác sưu tầm, dịch thuật văn học các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là sử thi. Ngoài ra, Phú Yên còn có nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đoạt nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… như Trần Huiền Ân, Nguyễn Đình Chúc, Xuân Tính, Dương Thái Nhơn, Ngô Sao Kim, Đoàn Việt Hùng… Phú Yên cũng có khá nhiều nhà báo tham gia sáng tác văn học như: Đào Đức Tuấn, Phương Trà, Huỳnh Hiếu, Nguyễn Quốc Khương, Đắc Hoa, Phan Xuân Luật, Đặng Văn Thơm, Phan Thanh Bình… Ngoài ra còn phải kể đến các văn nghệ sĩ gốc Phú Yên hiện đang thành danh ở nơi khác như hai cha con Trúc Chi – Khánh Chi, Kpă Y Lăng, Nguyễn Đức Linh, Sang Thu Thuỷ, Thiên Thanh, Đạm Lan, Trần Hoàng Nhân, Nguyễn Vũ Bằng… Đặc biệt là Phan Hoàng, tác giả của Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam, và Lê Thiếu Nhơn, một trong những gương mặt thơ trẻ tiêu biểu ở Sài Gòn hiện nay… Nói đến văn học Phú Yên, thiết tưởng cũng nên nhắc đến những nhà văn từ các nơi khác từng đến nơi đây và để lại nhiều tác phẩm hay về Phú Yên như: Chế Lan Viên, Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Nguyễn Gia Nùng, Đỗ Kim Cuông, Xuân Hoàng, Bế Kiến Quốc, Thanh Thảo, Tạ Hữu Yên, Khuất Quang Thuỵ, Trần Nhật Thu, Song Hảo, Trần Mạnh Hảo, Trần Vạn Giã, Cao Duy Thảo, Từ Thế Mộng, Văn Công Hùng, Nguyễn Khôi, Hoàng Hương Trang, Lê Văn Ngăn, Ý Nhi, Nguyễn Văn Chương… 

Phong trào văn nghệ quần chúng ở Phú Yên cũng phát triển rất mạnh. Đêm thơ Nguyên Tiêu truyền thống trên núi Nhạn được xem là đặc sản của tỉnh nhà và là một ngày hội thơ lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hội thơ này được tổ chức đều đặn từ năm 1981 và có thể được xem là nơi khởi nguồn cho Ngày thơ Việt Nam. Từ sau tết Nguyên Đán đến rằm tháng giêng, Phú Yên tưng bừng trong hội thơ của các huyện, cơ quan, trường học… Câu lạc bộ thơ Diên Hồng và các hội thơ ở đồng bằng Tuy Hoà, huyện Sông Cầu, Sơn Hoà… duy trì sinh hoạt thường xuyên. Hoạt động thơ văn trong các trường học cũng đi vào chiều sâu như ở trường Cao đẳng Sư phạm, Lương Văn Chánh, Nguyễn Huệ, Trần Quốc Tuấn… Nhiều tài năng văn học liên tục xuất hiện ở đây và đang sống sáng tác ở nhiều vùng khác nhau trong cả nước.

So với nhiều tỉnh khác ở miền Trung như Huế, Bình Định thì Phú Yên chưa có bề dày văn học bằng. Nhưng vài chục năm trở lại đây, đội ngũ sáng tác rất đông đảo, không thua kém các tỉnh bạn. Rất nhiều nhà văn đoạt các giải thưởng Trung ương và xuất hiện đều đặn trên báo chí, có những bài viết gây tranh luận trên các báo. Nhiều người đã có thể sống bằng ngòi bút.  Chúng ta có quyền hy vọng trong tương lai không xa, văn nghệ sĩ Phú Yên sẽ còn đóng góp cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa.

 

tham khảo :

- Tuyển tập tác phẩm văn học Phú Yên thế kỷ 20 – Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên xuất bản năm 2004

- Văn học Phú Yên thế kỷ XX – Nguyễn Thị Thu Trang – NXB Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh - 2004

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 8783
Ngày đăng: 24.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cách hiểu khác nhau về hai truyện ngắn “ chí phèo” và “đôi mắt” của nam cao - Phạm Ngọc Hiền
Viết ngắn 30. Về một thế hệ thơ … - Inrasara
Nông dân cần được đối xử công bằng - Vũ Ngọc Tiến
Mỹ học trong chủ nghĩa tồn tại của M. Heidegger (1889-1976) - Khổng Ðức
Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn
Viết ngắn 10. Các trào lưu văn chương - Inrasara
Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: tính trực giác - Khổng Ðức
Viết ngắn 09. Truyền thống - Inrasara
Sự ám ảnh về cái chết trong cuộc đời và tác phẩm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ - Phạm Ngọc Hiền
Cần hiểu đúng về các dị bản của một bài ca dân gian tiêu biểu cho xứ Quảng* - Tần Hoài Dạ Vũ
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)