Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
606
116.538.326
 
Nhà trên đường…” kiến trúc của thế kỷ XXI
Trần Đình Bá

Trái đất xanh sẽ đi về đâu, khi “cơn lốc” đô thị hoá và sự gia tăng dân số đang bùng nổ! Đô thị dường như đang bị “sa mạc hoá” vì màu xanh cây cỏ phải nhường chỗ cho bê tông cốt thép mọc lên. Làm gì để giải quyết bài toán về nhà ở, về giao thông, mà vẫn giảm thiểu được tốc độ “sa mạc hoá” đô thị?! Đó là trăn trở cho một mô hình tổ chức không gian mới cho nhân loại: Nhà trên đường và đường trong nhà kiến trúc của thế kỷ XXI!

 

Khi những núi băng ở Bắc Cực ầm ầm đổ xuống gây “địa chấn” toàn cầu, thì đó cũng là lúc các kiến trúc sư - những nguời mang sứ mênh vinh quang: tổ chức không gian sống cho nhân loại mới bừng tỉnh, để có thể nhìn lại thế giới do mình “vẽ” nên. Chúng ta không khỏi giật mình, vì chính “chúng ta” lại là những người góp phần tích cực trong việc làm tăng nhanh mức độ “sa mạc hoá” trái đất bởi sự xây dựng. Hiện tại, diện tích của các công trình kiến trúc và giao thông có thể gấp hàng trăm lần diện tích sa mạc Xahara và sẽ không chỉ dừng lại ở đó.     PHỐI CẢNH MỘT CỤM “NHÀ TRÊN ĐƯỜNG “

 

TƯƠNG ĐƯƠNG MỘT TIỂU KHU BAO GỒM CÓ CÁC CĂN HỘ- VĂN PHÒNG – NHÀ TRẺ MẨU GIÁO , TRẠM Y TẾ

 

Trái đất xanh sẽ đi về đâu khi quan điểm bảo tồn giá trị “xanh” đang đối nghịch với những đô thị “nén” ngút ngàn bê tông và những con đường thênh thang. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và nhà ở, mà vẫn có được những không gian xanh rộng lớn, chúng ta phải tìm ra được những mô hình ở mới cho nhân loại. Và loại hình nhà nằm ở bên trên không gian đường phố có thể là một thử nghiệm đáng xem xét, bởi sự tiết kiệm đất xây dựng của nó.

 

Xưa nay, các công trình nhà ở và đường sá thường tách rời nhau hoàn toàn. Mỗi loại đều có chức năng riêng biệt và “cát cứ” một vùng diện tích đất riêng, vì vậy các đô thị càng phát triển thì đất đai ngày càng trở nên khan hiếm. Đô thị hoá càng nhanh thì diện tích đất trồng trọt càng bị thu hẹp, dẫn đến việc thiếu lương thực và thiếu diện tích xanh cho đô thị.

 

Để giải bài toán này, các kiến trúc sư đã tổ chức nhà ở nhiều tầng, song vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên vẫn phải “xây cho nhà cao, cao mãi” và trở thành toà nhà “chọc trời” chót vót. Để làm được điều đó, các nhà xây dựng phải giải quyết một lúc nhiều bài toán kỹ thuật phức tạp, như độ ổn định về trọng lực, tính đến lực xô ngang của gió, giải quyết giao thông theo trục đứng…Việc đảm bảo an toàn thoát người khi gặp sự cố, chống cháy càng nan giải. Ở độ cao trên 100 m, biên độ dao động theo phương ngang có thể  đạt 2- 3 mét tạo cảm giác “chơi vơi” rất mạo hiểm, nhất là khi có địa chấn. Nhà “chọc trời” càng cao – giá thành diện tích ở càng đắt và càng mất an toàn.

 

Một giải pháp khác là tạo “thế giới ngầm” trong lòng đất, giải pháp này cũng hạn chế ở những yếu tố kỹ thuật hết sức phức tạp như thông gió, ánh sáng…giá thành đất, mà mức độ an toàn và chất lượng môi trường sống không cao.

 

Các công trình giao thông còn chiếm diện tích xây dựng lớn hơn nhiều lần các công trình nhà ở. Do nhu cầu đi lại phát triển, nên đường bộ ngày càng được mở rộng, từ chỗ chỉ có một đến hai làn xe, nay được mở rộng thành đường cao tốc – siêu tốc rộng với bốn đến bảy làn. Hệ thống mạng lưới đường cũng mở rộng theo tốc độ đô thị hoá và thế là đô thị đang bị đẩy dần đến chố “sa mạc hoá”.

 

Để tiết kiệm diện tích đất, các nhà kỹ thuật đã thực hiện nhiều tuyến giao thông ngầm. Song cũng như các công trình kiến trúc, việc thực hiện rất tốn kém và thiếu an toàn. Vì vậy, giải pháp giao thông trong lòng đất cũng bị hạn chế. Kiến trúc sư Lecorbuger – “ông tổ” của trường phái kiến trúc hiện đại - người đã từng vạch ý tưởng: trên nóc các nhà chọc trời sẽ được nối thông nhau bằng hệ thống đường trên cao…Ý tưởng đầy lãng mạn, nhưng siêu tưởng…Điều đó đã chắp cánh cho các kiến trúc sư và các nhà kỹ thuật tạo ra tàu điện, xe lửa trên không, tiết kiệm được đất. Nhưng giải pháp này cũng vô cùng tốn kém lại thiếu an toàn.

Các kiến trúc sư  chúng ta có lẽ do mải mê “chinh phục độ cao” nên chưa nhận thấy rằng: cách mặt đường bộ khoảng 6,5 m là một khoảng không gian lý tưởng và rất dồi dào để tổ chức nơi ở, sinh hoạt, làm việc cho nhiều tỷ người. Với ý tưởng về một không gian kiến trúc mới, bằng việc lồng ghép các công trình kiến trúc nhà ở với các tuyến đường đi lại – “Nhà trên đường…” ta sẽ không phải lo tốn thêm đất đai hay lo sợ sự “sa mạc hoá” đô thị…

 

“Nhà trên đường…” sẽ giải quyết bài toàn nhu cầu về khan hiếm diện tích đất xây dựng, tận dụng không gian phía trên cao của đường để tổ chức không gian ở nhằm tiết kiệm đất. Dành quỹ đất này cho cây xanh và an ninh lương thực, đồng thời việc này cũng làm giảm tác động gây hiệu ứng nhà kính. Các công trình kiến trúc nằm phía trên đường có cả sáy mặt đều được tiếp xác với thiên nhiên, lại không cản trở lưu thông của xe cộ, “lợi đơn cùng lợi kép”, vừa che chở cho mặt đường và phương tiện trước tác động của bức xạ mặt trời vừa che mưa che nắng cho mặt đường. Mái của “Nhà trên đường” sẽ tổ chức trồng cây xanh, và đó cũng là độ cao lý tưởng để đặt các trạm thu năng lượng gió, mặt trời, làm giảm được việc sử dụng năng lượng hoá thạch gây hiệu ứng “nhà kính”.

 

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của nhân loại hiện nay đang tạo cơ hội “Vàng” cho kiến trúc sư thực hiện thành công ý tưởng này bằng các vật liệu như: bê tông cốt thép dự ứng lực; thép cường độ cao, các vật liệu chất dẻo tổng hợp. Các giải pháp lắp ghép nhanh sẽ cho phép tổ chức không gian ở - sinh hoạt ngay trên đường đi, mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động đi lại. “Nhà trên đường” sẽ trở thành cầu vượt rất an toàn tiện dụng cho khách bộ hành qua lại. Do có độ cao vừa phải, chỉ cần 50 mét, cho nhà 8 – 12 tầng, nên dễ dàng thoát người khi có sự cố, vừa dễ dàng tiếp cận các phương tiện chữa cháy, cứu hộ…, tiếp cận với hệ thống cấp, thoát nước, các cáp ngầm kỹ thuật…ngay dưới chân công trình. Cư dân khi bước xuống mặt đất là tiếp cận ngay với phương tiện giao thông vì dưới nhà là khu vực lý tưởng để lập các trạm đón trả khách mà không cần mái che. “Đường trong nhà” vừa được chở che, lại được nằm trên mặt đất, tiếp xúc hoàn toàn các mặt với không gian nên thuận tiện trong thông gió chiếu sáng…khắc phục sự cố giao thông…Cả “nhà trên đường và đường trong nhà” đều nằm trên mặt đất, dễ thi công, bảo dưỡng, giá thành rẻ và hoạt động lại an toàn. Đó sẽ là thế mạnh của mô hình không gian kiến trúc mới, đáp ứng nhu cầu rất lớn cho nhân loại!

 

Việc quy hoạch “nhà trên đường - đường trong nhà…” đối với những khu đô thị mới hoàn toàn rất dễ dàng khi thực hiện cho các cụm có chức năng như các tiểu khu. Việc tổ chức thi công đồng bộ - đường đến đâu nhà mọc lên đến đó thật thuận tiện và kinh tế. Quỹ đất để dành cho công viên - hồ nước - tiểu cảnh sẽ có nhiều hơn…Với các đô thị đã có, chọn lọc các khu vực thuận tiện, nơi tiếp cận dễ dàng với các bãi đỗ xe , công viên, khu giải trí công cộng…để tổ chức “nhà trên đường…”. Không gian này tiện dụng, kinh tế, thích hợp với các dạng công trình như: nhà ở chung cư – khách sạn – văn phòng công sở - công xưởng gia công lắp ráp nhẹ - siêu thị - trường học – thư viện - rạp chiếu bóng - nhà thi đấu…

 

Triển vọng ứng dụng sáng kiến này sẽ rất lớn, mang tính toàn cầu, đặc biệt cho các quốc gia đất chật người đông, cho các vùng dân cư thấp trũng bị đe doạ sóng thần, ngập lụt…Không gian trên đường hoàn toàn do Nhà nước quản lý, nên khi thực hiện không phải lo giải phóng mặt bằng hay đền bù giải toả.

 

Nước ta là một quốc gia mà diện tích đất liền chỉ có khoảng 328 ngàn kilômet vuông, với dân số 85 triệu người, thuộc một trong những quốc gia đất hẹp người đông, vấn đề nhà ở cho cư dân rất cấp bách, do đó ta nên tiên phong ứng dụng tổ chức không gian “nhà trên đường”, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

 

Nên ứng dụng “nhà trên đường” cho các tuyến đường dẫn đến các khu công nghiệp…Xây dựng Trường học, Trạm y tế, chợ…cho vùng ngập lụt Đồng bằng sông Cửu Long và vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ, để tiết kiệm đất tôn nền. Tại các ga xe lửa trong đô thị như Ga Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế - Đà Nẵng – Nha Trang nên ứng dụng “Nhà trên đường” để tổ chức các siêu thị, chợ, khác sạn, văn phòng…Nên tổ chức “nhà trên đường” cho công nhân làm việc ở các khu công nghiệp tập trung như ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương…

Nhân loại đang đứng trước hiểm hoạ môi sinh môi trường do khí hậu nóng dần lên và băng tan. Để tiết kiệm đất đai cho sản xuất – an ninh lương thực, cây xanh…hy vọng ý tưởng này của kiến trúc sư Việt Nam sẽ tạo ra một “vũ khí mới” cho nhân loại, cùng nhân loại đoàn kết trong “cuộc chiến” toàn cầu chống đói nghèo, bảo vệ môi trường cho Trái đất xanh!

 

Tạp chí Quy hoạch Xây dựng số 28 năm 2007.Bản tác giả gửi

Trần Đình Bá
Số lần đọc: 3126
Ngày đăng: 23.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng Việt cổ Đường Lâm có biến mất? - Nguyễn Thắm
Báo cáo của Hội KTS chưa thể hiện tinh thần hội thảo? - Hoàng Thúc Hào
Về Bình Dương thăm nhà cổ - Nguyễn Thị Hậu
TP Huế: Tan nát những ngôi đình cổ - Quốc Toản
Vật liệu kiến trúc bằng đất nung tại di tích hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Nước mắt người xuất gia. - Khánh Phương
Kiến trúc sư,họ là ai ? - Nguyễn Trọng Huân
Vật liệu trong kiến trúc cổ Việt Nam - Tạ Hòang Vân
Giải thưởng Pritzker - Khuyết danh
Ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc - Khuyết danh