Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
657
116.545.845
 
GÁNH NẶNG
Giang Tâm

Chập tối, Cúc quàng gánh về nhà với một mớ nhôm nhựa thu được. Suốt từ sáng đến chiều, bước chân cô đi khắp hang cùng ngõ hẽm, từ làng này sang làng khác cố nhặt nhạnh, mua vài đồ ve chai phế thải mong kiếm chút tiền để trang trải cho cái gia đình nghèo khổ đang trông chờ cô từng giây, từng phút. Đến cuối hẽm, căn nhà nhỏ bé,cũ kĩ, không biết xây từ năm nào nay xuống cấp dột nát, rêu bám đầy tường vôi. Xung quanh đây nhà nào cũng đèn điện sáng trưng duy chỉ có nó thấp thoáng ánh đèn dầu leo lét bên trong. Cúc dừng lại. Cô nghe tiếng trẻ khóc bên trong, tiếng cái gì đó rơi loảng xoảng xuống đất. Lòng nôn nao, cô đặt gánh hàng xuống cổng rồi   bước vội vào nhà. Thế là người mẹ sau một ngày vất vả kiếm sống giờ phải lo toan cho cái gia đình mà từ lâu cô xem đấy là một gánh nặng. Đúng, đó là một gánh nặng, gánh nặng mà cô mang suốt bao nhiêu năm qua. Nó nặng gấp trăm, ngàn lần quang gánh cô mang trên vai đi đây, đi đó.                    

 

Một gia đình với năm miệng ăn: cô, chồng và ba đứa con nhỏ. Ông Bảo-chồng cô là một người thất nghiệp, lại có tính lười biếng, ăn rồi chỉ biết trông vào vợ, đã thế lại mắc chứng nghiện rượu suốt ngày say xỉn, đánh chửi vợ con khiến cho cảnh nhà đã khổ càng khổ hơn. Ba đứa con thì còn rất nhỏ, chưa biết gì. Bé Dung lớn nhất, học hết lớp sáu thì nghỉ vì nhà không lo đủ tiền cho nó đi học, giờ nó ở nhà trông em và làm việc nhà giúp mẹ. Thằng Tâm- thứ nhì thì đang học lớp 1.Nó là đứa hiền lành nhưng phải tội hay dau ốm nên hành hạ cô mỗi lần nó phát bệnh. Đứa út mới hơn một năm tuổi nhưng trông nó còi cọc đến tội nghiệp. Bọn trẻ suốt ngày lêu lổng. Giây phút mẹ về nhà là khoảnh khắc mà chúng mong đợi, vui mừng nhất trong ngày.

 

Cúc lại bế thằng Út đang khóc bù lu bù loa. Cạnh nó thằng Tâm dỗ mài không nín nên ngồi nhìn,vẻ mặt giận dỗi. Thấy mẹ về , nó la lên:

- A, mẹ về rồi! Mẹ về rồi chị ơi!

 

Tiếng la của nó làm con Dung đang nấu ăn dưới bếp cũng chạy lên, mừng quýnh. Cúc nhìn đứa con mặt mày nhuốm đầy nhọ nồi, quần áo bẩn thỉu mà không khỏi chạnh lòng. Tội nghiệp con bé quá! Thằng Út bồng trên tay không khóc nữa mà nũng nịu vào vai cô, cười tít mắt. Thằng Tâm cũng ôm mẹ nó, cười theo. Cúc dáo dát nhìn quanh gian nhà tối thui vì ánh đèn dầu không đủ sáng, hỏi:

- Ba mày đâu?

 

Bé Dung chưa kịp trả lời thì thằng Tâm chen nói trước:

- Ba ngủ sau giường kìa. Hồi chiều ba nhậu với chú Cường và chú Việt xong lăn ra ngủ luôn.

 

Cô chợt buồn, nỗi buồn trước cảnh ông chồng đang say ngủ , bỏ mặc ngoài kia biết bao chuyện gia đình .Ông bảo như một diễn viên kịch, ngày này qua tháng khác mãi chỉ biết diễn vở "Lưu Linh uống rượu" mà không biết chán .Trong cơn mê ngủ , ông ta thỉnh thoảng lại huơ tay múa chân, miệng không ngớt chửi những câu tục tĩu. Cúc nhìn đi chỗ khác,mắt rơm rớm, nhỏ nhẹ bảo con Dung :    

- Cơm chín chưa ?Con dọn cơm lên cho mấy em ăn.

Đoạn quay sang thằng Tâm:

-Tâm,tới kêu ba con dậy ăn cơm.

Nói rồi hôn thằng ÚT một cái, đặt nó xuống đất dỗ dành :

- Ngồi yên đây nhé cưng, để mẹ đi dọn hàng nào .

 

Cúc lững thững lại dỡ từng mớ hàng trên hai đôi gióng .Vừa dỡ hàng cô lại suy nghĩ mung lung.   Cuộc đời cô thật đầy éo le và biết bao bất hạnh.Sinh ra trong một gia đình bần nông, tuổi thơ không được học hành chỉ biết đến đồng ruộng và những con trâu. Lớn lên may nhờ có chút nhan sắc nên cô được nhiều chàng trai để ý. Những tưởng sẽ chọn cho mình một tấm chồng xứng đáng để thoát qua cái cảnh lam lũ, nghèo hèn. Nào ngờ duyên trời xui rủi khiến cô chọn phải một anh công nhân thất nghiệp, nổi tiếng là tay chơi bời có tiếng. Thế là bao nhiêu mộng ước tươi đẹp thời con gái tan tành theo mây khói. Làm vợ cho một kẻ ăn không ngồi rồi, nhậu nhẹc, say xỉn, thỉnh thoảng lại giở thói vũ phu làm cô nhiều phen muốn bỏ đi cho rảnh nợ đời. Nhưng nghĩ lại đàn con thơ bé bỏng cô không nỡ dứt tình, đành ở vậy chấp nhận số phận.

 

Ở tuổi ba mươi ba, Cúc già đi trông thấy. Khuôn mặt hốc hác. Đôi mắt lõm sâu. Một vài nếp nhăn xuất hiện trên làn da cháy sạm vì nắng, vì gió. Tuy lờ mờ, nhỏ tí nhưng cũng khiến cô già đi, cái già trước tuổi. Mỗi nếp nhăn là một nỗi khổ, nỗi lo toan đang ngày đêm bào mòn đi nét thanh xuân của người thiếu phụ. Thân hình cô ốm nhom, tiều tụy cũng vì miếng cơm manh áo. Bà con lối xóm thấy Cúc như thế ai cũng thương hại.

 

Bữa cơm diễn ra thật buồn tẻ. Mọi người ăn trong im lặng , không một tiếng cười nói của lũ trẻ. Trong không khí im lìm đó, thi thoảng lại nghe thấy tiếng thở phì phò của ông Bảo đương say giấc nồng dù thằng Tâm có cố sức lay mãi cũng không buồn dậy. Cúc nhìn các con ăn, lại nhìn mâm cơm đạm bạc mà con Dung vừa nấu. Trên cái mâm đồng cũ rích mà cô mua ve   chai gặp phải đành lấy dùng tạm chỉ có một bát canh rau khoai, một đĩa cá rô kho và một chén muối ớt. Cúc ăn mà thấy mằn mặn, hăn hắt bởi bàn tay nấu ăn còn rất đỗi vụng về của đứa con gái lớn. Dù vậy vì đói nên cả bốn mẹ con đều cảm thấy ngon miệng. Thằng Út ăn được vài miếng thì vung tay múa chân làm cơm vung vãi khắp chiếc chiếu, gây nên chút xáo động nho nhỏ trong bữa ăn. Mỗi lần như thế thằng Tâm lại mắng khẽ:

- Út! Mày không ăn thì thôi chớ có phá nghe!

 

Thằng Út nhìn anh nó , cười khúc khích chẳng chút sợ sệt. Bỗng nó nghe tiếng tivi của nhà hàng xóm bật lên. Nó ngọng nghịu:

-T..t..ti…v..v..vi

 

Như đụng phải dây nóng thằng Tâm ao ước với mẹ nó:

 

- Mẹ ơi mua cho con cái ti vi mà coi nghe mẹ.

 

Cúc sững người. Cô không biết nói sao. Nhà nghèo túng đến điện còn không có nói gì đến tivi. Cả xóm quanh đây nhà nào cũng đèn điện sáng trưng, ti vi đua nhau mở rộn rã suốt ngày. Riêng nhà chúng buồn thiu chẳng khác nào cái nhà hoang. Mọi vật dụng trong nhà đều thiếu thốn cho một cuộc sống bình thường. Tội nghiệp lũ trẻ lúc nào cũng mơ đến cái ti vi mà coi cho đỡ công ngày nào cũng chạy sang nhà hàng xóm coi ké. Cúc thương con không biết làm sao đành ậm ờ cho qua chuyện.

 

Cuộc sống cứ vẫn như thế qua đi. Cúc vẫn ngày ngày đi mua hàng đến tối mịt mới về.Vẫn tiếng lũ trẻ cười vui mỗi khi đón mẹ.  Vẫn những bữa cơm đạm bạc. Và vẫn ông chồng tối ngày say xỉn. Cái gánh nặng  của đời đó cứ đeo bám Cúc mãi . Cho đến một ngày…

 

Một năm sau. Vào lúc chiều tối như mọi ngày, Cúc về nhà. Chẳng giống mọi khi, Tâm và Útt thấy mẹ về nhưng mặt mày buồn thiu, rũ rượi ngồi chống cằm nơi xó cửa. Cúc liếc nhìn nhà cửa thấy vắng tanh. Chẳng thấy bóng dáng con Dung nấu ăn dưới bếp. Cũng   chẳng thấy ông Bảo đâu. Cúc biết là có chuyện gì nên hỏi :- Ba và chị Dung đâu hả con?

 

Thằng Út giờ đã nói rõ ràng, hoạt bát hơn trước nhanh nhảu:

- Mẹ ơi, ba đau rồi. Ba vào bệnh viện …

 

Nghe  hai tiếng ba đau Cúc đã thấy hoảng. Như không tin vào lời con nói Cô lặng thinh, lòng trào dâng nỗi lo lắng. Cô biết ông Bảo đã có triệu chứng đau ốm từ mấy tháng nay, không ngờ giờ phải vào viện. Đầu óc quay cuồng, hai chân liêu xiêu rồi đổ quỵ xuống. Cúc quá sốc. Tâm và Út liền chạy lại đỡ mẹ nó. Thằng Út kêu thét:

- Mẹ…mẹ ơi!

 

Thằng Tâm nhanh chân pha một cốc nước cho mẹ nó uống rồi chạy sang kêu bà Vi hàng xóm. Một lúc, Cúc bình tâm trở lại xua tay nói bằng giọng yếu ớt:

- Tâm, con. Không cần đâu. Mẹ không sao cả.

 

Bà Vi cùng vài người hàng xóm tới nơi thấy Cô như vậy cũng thất sắc. Mọi người dìu cô lại giường, an ủi. Bà Vi nói:

- Cô cứ bình tĩnh đã. Chuyện gì còn có đó.

- Có thật là nhà cháu đã vào viện rồi không?

 

Thằng Tâm bây giờ mới kể tiếp chuyện về ba nó:

-  Hồi chiều ba nhậu với chú Việt. Uống xong thì nôn mửa đầy cả nhà, kêu vang đau bụng.Thế là chú Việt và chị Dung phải đưa ba vào viện .

 

Bà Vi nói thêm vào:

-Đúng là như thế đó cô Cúc ạ. Thằng Việt nó cũng có sang bảo tôi khi nào cô về thì nhắn giùm.

 

Cúc nước mắt đầm đìa:

- Ôi! tiền đâu mà cứu chồng tôi bây giờ. Tôi buôn bán được vài đồng con, lo cái ăn không đã khổ nói chi đến tiền chữa bệnh cho chồng. Hu..Hu..HU

 

Thằng Tâm và Út thấy mẹ khóc cũng khóc theo. Bà con làng xóm thấy thương, khuyên nhủ:

- Cô đừng khóc nữa. Mau vào viện xem ông Bảo bệnh tình thế nào. Nhà cửa chúng tôi trông. Còn tiền bạc cô đừng có lo. Nhà cô sao chúng tôi ai cũng biết.

- Đúng, đúng đấy!

 

Cúc lau nước mắt, ôm con rồi nói:

- Vậy tôi xin cảm ơn các bác.

 

Nói xong tức tưởi chạy vào bệnh viên.

 

Ông Bảo nằm mê man trên chiếc giường bệnh. Thân thể ốm nhom, gầy còm như người nghiện thuốc. Mớ tóc dài rối rắm, lòa xòa trên gương mặt xương xẩu. Ông nằm bất động như cái xác vô hồn. Chốc chốc, ông rên rỉ, chửi lâm râm vì những cơn đau bất chợt kéo đến làm con Dung đứng ngồi không yên. Do nghiện rượu lâu ngày nên cơ thể ông Bảo mắc nhiều chứng bệnh. Nào viêm phổi, suy gan, nào loét dạ dày. BỆnh đã có từ mấy tháng nay, giờ phát ra làm ông không chịu nổi. Sau cuộc túy lúy hồi chiều với ông Việt-một bạn nhậu thân thiết, ông đổ gục xuống, co dật liên hồi, tiếp đó nôn mửa khắp cả nhà.Ông Việt và con Dung hãi quá liền đưa ngay vào bệnh viện. Không một đồng xu dính túi, cả hai chỉ biết ngồi nhìn ông sau khi người ta sơ cứu sơ sài cho ông Bảo. Họ đang cố chờ, chờ cô Cúc.

 

Cúc đến khi ông Bảo lên cơn đau. Thấy chồng nằm kêu la trên giường bệnh, hốc hác đến tội nghiệp. Cúc chẳng nói nên lời ôm mặt òa khóc. Cô khóc to đến nỗi cả bệnh viện ai cũng nghe thấy. Bé   Dung và ông Việt chưa kịp mừng thì đã vội lo. Dung lại khuyên mẹ mãi không nín cũng òa khóc theo. Hai tiếng khóc hòa làm một khiến những người hiếu kì đến xem rất đông. Khu giường chồng cô nằm nhộn nhịp bóng người. Ông Bảo thức giấc thấy vợ khóc lóc:

-Ông ơi là ông ơi . Ông ốm thế này tiền đâu cứu chữa bây giờ. Hu..Hu..Hu. Ông ơi..                                               

 

Dù ốm, ông vẫn cố gượng dậy. Trông thấy vợ con như thế, ông bỗng cảm thấy hối hận, không hiểu vì sao ông tự trách mình làm khổ đến vợ con. Hỡi ôi, lúc này ông mới nghiệm ra có quá muộn không? Một hồi, Cúc nhìn quanh bắt gặp hàng chục cặp mắt thương hại của mọi người liền gạt nước mắt qua một bên. Cô dốc hết toàn bộ tiền lưng, tiền vốn ra nộp viện phí để cứu chữa cho chồng. Tiến ấy không đủ cho ca phẫu thuật nên cô để ông Bảo lại cho con Dung và ông Việt chăm sóc. Một mình chạy về nhà vay mượn bà con lối xóm, ai cũng nhiệt tình giúp đỡ.

 

Nửa tháng sau bệnh tình ông Bảo đã thuyên giảm đi rất nhiều thì cũng là lúc gia đình Cúc lâm vào cảnh túng bấnchưa từng có. Tiền đi buôn sạch nhẵn. Nợ nần chồng chất. Đồ đạc trong nhà cái gì bán được cũng đã bán hết. Mấy mẹ con ở nhà, rầu rĩ chỉ biết trông chờ vào sự hảo tâm giúp đỡ của mọi người sống tạm qua ngày. Ông Bảo về nhà thấy cảnh đó không biết   nói sao, không biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm. Giờ đây ông mới tỉnh ngộ, lòng day dứt mãi không yên.

 

Một buổi tối, cả nhà ngồi quây quần bên nhau. Ông tỏ ra là một người cha tốt của những đứa tre. Ôm thằng Út vào lòng, như người vừa tỉnh khỏi cơn mê, ông nói với cả nhà bằng giọng tỉnh táo lạ thường :

- Mẹ mày và mấy đứa nhỏ lại đây ba bảo.

 

Rồi ông xuống giọng nhỏ nhẹ hơn:

- Bà ơi, mấy hôm nằm trên giường bệnh tôi đã hiểu ra nhiều điều lắm…

 

Hiếm khi cả Cúc và bọn trẻ nghe cái giọng từ tốn, êm đềm đó của ông Bảo. Dù ngạc nhiên nhưng ai cũng lắng nghe.

 

- Từ khi bà về làm vợ tôi-ông nói tiếp-nuôi kẻ thất nghiệp như tôi, khổ cực đủ điều mà tôi không giúp gì được lại còn làm tội, làm khổ bà với các con. Vừa rồi tôi đau ốm mới hại ra cảnh nhà thế này thật không biết nói sao cho phải lẽ. Chỉ mong bà và các con hãy tha thứ cho tôi. Tôi hứa từ nay sẽ không uống rượu nửa, lo làm ăn mà nuôi sống cả nhà.

 

Cúc suýt rơi nước mắt khi bắt gặp những tiếng nói chân tình ấy, nghẹn ngào cô an ủi chồng :

- Nếu ông đã biết thế thì mẹ con tôi cám ơn ông lắm. Mọi chuyện cứ cho qua hết đi ông nhé!

 

-Qua hết đi! Qua hết đi! -thằng Út và thằng Tâm hét to lên. Cái nhà mấy ngày qua im lìm bỗng rộ lên tiếng cười nói của một gia đình hiếm khi có sự vui vẻ này.

 

Hai vợ chồng nhìn nhau- một cái nhìn trìu mến, cảm giác yêu thương bao năm qua lại tràn về len lõi, thấm dần trong từng khoảnh khắc cả nhà bên nhau.

 

Ông bảo nói tiếp về tương lai, mọi dự tính mà ông ấp ủ khi nằm trên giường bệnh bằng giọng phấn khởi: - Bà à, tôi tính sẽ đi làm ở xí nghiệp lại.

- Để khi nào ông khỏi bệnh cái đã. Vội gì, nỡ lại đau ốm nữa thì mẹ con tôi biết làm sao.

-. Giờ nhà ta nợ nần chồng chất, con cái thiếu ăn thiếu mặc khổ dủ trăm bề. Tôi là đàn ông mà cam chịu cảnh này sao. Bà cứ để vài hôm nữa tôi cùng chú Việt vào trong đó làm. À tôi tính tăng gia sản xuất cho nhà ta đâý bà. Mình sẽ vay nợ ngân hàng mua lấy mấy con heo, vài con gà, tận dụng đất rộng phía sau nhà mà trồng rau, trồng quả. Khi đó thì còn lo gì nghèo đói nữa. tôi quyết chí làm rồi, làm là được!

 

Cúc cảm động gần như oà khóc làm mấy đứa nhỏ phát hoảng. Nhưng không đấy là giọt nước mắt hạnh phúc, cô ôm các con vào lòng nước mắt chảy nhưng miệng thì nở nụ cười khiến ông Bảo cung cười theo.

 

 Vừa lúc đó có tiếng vỗ tay, rồi một giọng đàn ông trầm ấm: - Mọi người hạnh phúc quá nhỉ!

 

Cả nhà ngạc nhiên quay lại và bất ngờ vì đó là ông trưởng thôn, ngoài cổng lại thấp thoáng mấy bóng người nữa. Nào là bà hội trưởng hội phụ nữ cùng mấy người hàng xóm thân quen. Họ đến đây làm gì? Đó là câu hỏi lớn hiện lên trong đầu của mỗi thành viên gia đình Cúc.

 

 Bà hội trưởng bước vào cũng cười vui không kém ông trưởng thôn. Vợ chồng Cúc vội chào những người mới tới. Bọn trẻ tíu tít kê bàn ghế, rót nước mời khách uống. Khi đã ổn định, ông trưởng thôn lới lên tiếng:- Chú Bảo sao rồi?

- Dạ cháu tạm ổn rồi.

- Hôm nay cả nhà có gì mà vui thế?

 

Ông Bảo ngập ngừng:- Dạ có chi đâu. Chuyện nhà cháu ấy mà.

-  Đã vui rồi thì tôi cũng công bố thêm mấy tin vui nữa cho vui luôn thể.

 

Ông Bảo ngạc nhiên không hiểu làm sao, nhìn vợ.

 

Ông trưởng thôn nói tiếp:- Cả thôn ta quyết định quyên góp chút ít cho cô chú giải quyết khó khăn. Nói rồi ông đem một gói giấy nhỏ vuông vứt trao cho Cúc. Cúc lưỡng lự không dám nhận. Mấy bà hàng xóm đứng sau lưng giục cô:- Cứ nhận đi. Đó là tấm lòng của chúng tôi. Đừng ngại!

 

Bà Vi nói thêm:- Số tiền mà cô nợ bọn tôi thì lúc nào trả cũng được.

Cúc chỉ biết cám ơn mọi người:- cháu xin cảm ơn các cô, các bác đã giúp đỡ gia đình cháu. Cháu cũng không biết làm thế nào…

 

Ông Bảo định lên tiếng thì bà hội trưởng ngăn lại:

- Còn tin vui nữa. Hội có ý cho gia đình cô vay vài ba triệu để ổn định tình hình và góp thêm chút vốn cho gia đình làm ăn. Cô chú nghĩ sao? Còn chuyện bé Dung, Tôi thấy đã lớn rồi cần tạo cho cháu công ăn việc làm gì đó. Sắp tới đây hợp tác xã có mở dạy lớp cắt may cô cứ cho cháu đi học để kiếm thêm cái nghề. Nếu có thời gian thì cho cháu học tiếp lớp bổ túc văn hoá. Gia đình đừng lo về tiền bạc, mọi chi phí đã có hội lo rồi.

 

Đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, lòng Cúc trào dâng lên niềm vui sướng. Niềm vui sướng đó lan sang ông Bảo, bé Dung và nhưng ai có mặt trong căn nhà cũ nát ngày hôm đó. Sự quan tâm của mọi người như một ngọn lửa sưới ấm thêm cho không khí gia đình cũng đang ấm nồng. 

 

Suốt buổi tối hôm đó mọi người trò chuyện vui vẻ. Bao dự tính của đôi vợ chồng đều được mọi người chia sẻ. Khi ra về ông trưởng thôn còn quay trở lại công bố thêm tin cuối cùng là hợp tác xã khuyến mãi bắt điện cũng miễn phí cho nhà Cúc. Cả nhà ra tận ngoài cổng để tiễn khách về. Bọn tre háo hức vỗ tay liên hồi. Cúc nhìn về phía ngôi nhà đã bao năm sinh sống, cô thầm nghĩ : ÔI! Gánh nặng cuộc đời có phải đến lúc mày nhẹ đi không?    

Giang Tâm
Số lần đọc: 2208
Ngày đăng: 01.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
CON GÁI CỦA RỪNG - Đào Hiếu
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc - Trần Lệ Thường
Những đồng đội cũ - Hội An
Chuyển sang thể loại - Ngô Phan Lưu
Cầu vồng bẩy sắc - Phan Thị Thu Loan
Trần gian nhìn từ sau lưng - Nguyễn Hiệp
Nước mắt tượng - Võ Tấn Cường
Những bông hoa sẽ nở - Lê Vũ
Nguyệt thực nửa đêm - Phan Thị Thu Loan
Về một lời ước nguyện - Ngọc Thiên Hoa
Cùng một tác giả
Tiếng Nhục (truyện ngắn)
GÁNH NẶNG (truyện ngắn)