Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
612
116.454.658
 
Trần gian nhìn từ sau lưng
Nguyễn Hiệp

Con đường ấy,  một bên là dãy chùa chiền mái cong vút liền nhau, bên kia vòng dài qua con thác Thơm. Thác có tên như vậy nhờ một loại cỏ phát hương mọc ven bờ nước, nhiều người cứ nhầm tưởng cái tên Thơm kia, cái hương thơm kia xuất phát từ nhang khói của hàng lư to lớn đủ dạng dát vàng, dát đồng, sơn xanh, sơn đỏ chạy dài… Ông già râu trắng biết rõ điều đó hơn ai hết vì ông là cư dân, là người thợ sửa xe đạp lâu năm ở đây. Không khí trời đất nơi này thoang thoảng mùi hương suốt ngày đêm nên có người còn gọi bằng cái tên khác là Miền Thơm, cái miền tưởng chỉ có đâu đó trong tâm tưởng, trong hoài vọng, trong viễn tượng khao khát xa xôi.

 

Những lúc không có khách, ông già hết ngồi nhìn thác nước trắng xóa đổ miên man lại nhìn tượng Phật Bà Quan Âm bất động với bình nước cam lồ trên tay. Đôi lúc, ông còn trò chuyện, chất vấn với pho tượng Phật Bà, rồi thều thào một mình: “Lấy cái… tinh thần!” không ai hiểu, nhưng thường thì ông ngồi yên lặng. Ông già râu trắng ngồi bó gối như con ốc cúc hóa thạch với thùng đồ nghề sửa xe đạp màu rêu tưởng cũng đã hóa đất hóa đá hóa bụi hóa bờ, cả hai cái dáng, dáng người cong vòng và dáng thùng lù lù vuông vức, không thay đổi, bất di bất dịch từ lâu lắm rồi.

 

Thế mà một ngày kia lại có sự thay đổi lớn lao. Đó là ngày ông già râu trắng chợt phát hiện ra con mắt sau lưng mình hoạt động, con mắt không lồi ra mày mi trang trí đủ đầy như những con mắt khác, nó chỉ gợn chút hình dáng nhô nhô sau lớp da đã bắt đầu nhăn nheo của ông, nhưng nhìn thì thấy được cả những điều ít ai nhìn thấy, cũng có thể do người ta không chú tâm nhìn nên chưa thấy nhưng cũng có thể con mắt này siêu phàm thật, con mắt đã sống lại thực sự sau chừng ấy năm, trước đây, chính ông cũng không hề biết sự tồn tại của nó trên cơ thể mình. Con mắt nhìn thấy cả màu sắc chớ không mù màu như mắt bò trâu, cái nhìn chắc chắn xác thực không đen trắng cực đoan, ông chợt thấy mừng thầm trong bụng vì điều đó. Ông thử xoay người lại và nhìn thấy dòng nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống ấy bỗng nhiên thật lung linh, thật ảo mộng. Ông vòng tay ra sau lưng dụi con mắt ấy mấy lần nhưng vẫn cứ thấy trong dòng trắng kia hiện lên vô số những người đàn bà mặc áo nâu tay cầm những tờ giấy trắng lớn. Ông thấy rõ ràng mấy bà lom khom bước ra từ dòng nước, áp tờ giấy trắng vào ngực, nhìn ông mỉm cười rồi tất cả co ro cút rút ngồi xúm vào nhau như những hòn đá đầy rêu già nâu nhạt. Ông hơi bàng hoàng vì tự dưng ông lại liên tưởng đến hình ảnh mấy bà nông dân mất đất ngồi chờ trước cổng Ủy ban Thành phố. “Quên đi! Lấy cái… tinh thần”, ông tự nhủ, lại xoay lưng nhìn sang tượng Phật Quan Âm, khối xi măng cứng đơ bỗng nhiên mềm lại, dịu lại, da người hồng hào sống động, con mắt khẽ chớp, đôi môi nhoẻn cười, giống nụ cười của mấy bà nông dân. Những nụ cười giống nhau như đúc. Những nụ cười ấy là một, cùng bao dung, độ lượng, mênh mang, nhìn phía khác nhau thì thấy khác đôi chút, kì thực là một thôi. Ông dụi mắt lần nữa và xác tín điều đó, ông cũng chợt thấy trong cái mênh mang, độ lượng của nụ cười ấy lắng đọng điều gì đó như là sự cay đắng không cùng.

 

Sao lại có chuyện lạ kì? Ông vừa thắc mắc trong lòng thì chợt thấy mình bé lại, cả cơ thể mét sáu mét bảy của ông bỗng trở thành tí hon hạt cát trong chốc lát. Ông thấy mình biến thành chú khỉ nhỏ lắc xắc loay hoay, líu quíu, bế tắc, hết nhảy chỗ này đái một bãi lại trèo lên chỗ khác đái một bãi để đánh dấu, ông đái mãi, đái mãi mà vẫn không sao hình dung được cái lòng tay đang chụp lấy mình bao lớn, không sao tìm được cái kẽ hở nào để thoát khỏi bàn tay không ranh giới kia. Con khỉ nhỏ nhảy mãi, đái mãi rồi ngồi gục xuống, vai nó rung lên, rung lên, rồi co giật, rồi lăn ra gẫy đổ, vụn cám, nhưng bặt không tiếng khóc, không một âm thanh nào vang lên. Sống chừng ấy năm, rong rêu sần sùi rồi, con người ông làm gì còn âm thanh nào đủ sức phát ra nữa, tịnh không một âm thanh nào nữa…

 

Nhưng phải có một luồng sáng, một con đường, một lối thoát để cho ông đi ra khỏi cái sự lòng vòng luẩn quẩn này chứ, ông thầm nhủ rồi tự dưng thấy rạo rực, hân hoan, lại trở về với kích thước thật của mình, lòng tràn ngập một niềm tin tưởng vô bờ bến, ông tin cuộc đời này, trần gian này còn có chân lý, dứt khoát phải có chân lý, một loại chân lý trắng nguyên, không hề hoen ố, nó nằm đâu đó trong sâu thẳm lòng người, ẩn mình đâu đó trong nhân gian đầy ô trọc, ham muốn, bất an và khốn khổ khốn nạn. Khi mình thật sự cần thấy thì chắc chắn lẽ phải sẽ có mặt, ông lặp lại lời tự nhủ với mình nhiều lần như thế. Ông cũng tự thấy lạ mỗi lần óc não ông có một câu hỏi, một luồng điện xẹt qua là cơ thể ông cũng có những biến đổi mà trí tưởng tượng hữu hạn của ông không tài nào theo kịp. Trần gian vô cùng quá! Con người hữu hạn quá, ngay cả trí tưởng tượng của con người cũng hữu hạn.

 

Hăm hở quay lưng về phía thác, ông lại nhìn thấy dòng nước trắng xóa thơm ngát kia đổ xuống, trườn mình vòng vèo qua những kẽ đá, không biết cơ man nào là chữ, chữ như rồng bay phượng múa hẳn hoi, hóa ra chữ đang tuôn ra từ những tờ giấy của mấy bà nông dân áo nâu lù lù ẩn phía sau, dòng nước nhìn cứ như là những cuộn giấy trắng ngà mềm mại. Chữ. Giấy. Ông lại dụi mắt. Vẫn chữ. Vẫn giấy. Ông dụi mắt lần thứ ba thì tất cả biến mất, chỉ còn thác nước trần trụi lõa lồ, mùi thơm cũng xa xôi quá, loãng quá, không thật, nói đáng tội, ông già nghĩ mùi thơm ấy chỉ có thật trong quá khứ, trong một thời đoạn cuộc đời đã qua rồi, qua lâu rồi. Mùa gặt hương thơm đã qua rồi! Nhưng sao ông lại tin, tin ghê lắm, niềm tin quả thật có được quá ư đơn giản, không có khuôn đúc nào cho niềm tin cả, nó chợt đến từ một thác nước, từ nụ cười mênh mang chợt hiện, từ những chiếc áo nâu ngàn đời phơi lưng mưa nắng, phơi mặt bùn lầy, từ mùi thơm của một loài cỏ dại không tên hay đã bị ai đó ăn cắp mất tên mình rồi… “Lấy cái… tinh thần!” Ông lại nhếch môi cười, miệng hơi lệch một bên.

 

Niềm tin kì diệu thật. Ông già miên man, miên man bơi trong dòng suy tưởng, bơi trong đầy ắp nỗi niềm tin tưởng, rồi thiếp ngủ, mê man, cằm tì vào thùng đồ nghề sửa xe đạp xanh rêu, tay buông thõng chạm cả những nhánh cỏ ướt dưới nền.

 

Căn nhà số lẻ nằm ngay mặt đường là “tiệm” sửa xe đạp của ông già râu trắng, chẳng có gì đặc biệt ở đây cả ngoại trừ mùi cứt heo thum thủm khai nồng trong căn nhà bay ra “tra tấn” người đi đường, người dạo cảnh. Trong nhà, ông già có nuôi một cặp heo đốm, sống với heo riết rồi ông thực sự thấy dễ chịu, heo là giống đáng cho ta làm bạn hơn là cái lũ nửa người nửa ngợm trâng tráo tanh tưởi dương dương tự đắc, tác oai tác quái trong ngôi nhà phía tây kia. Ông thật sự ghê tởm cái đứa con gái lớn của “thằng bố” Lê Văn… tự xưng Đại Mỹ Nhân với hàm răng như là trời sinh ra dùng để nạo dừa ấy.

 

Gần nửa năm nay, đôi bàn tay của ông già trắng trẻo hẳn ra, người ta không còn thấy ông ngồi vá sửa xe đạp nữa, thùng đồ nghề đã dọn vào trong, chỉ còn cái bảng vuông nhỏ bằng tôn xiêu vẹo nằm hờ hững một góc hiên nhà.

 

Ông già đã chuyển sang nghề khác, nghề viết đơn kiện, không phải viết thuê mà là viết cho chính ông. Ông mất đất, người ta đã “đi đêm” cướp mất quyền làm chủ mảnh đất máu thịt của ông. Hôm trước, con Đại Mỹ Nhân ấy leo lẻo: “Ông không xài để cho nhà cháu xài”. Hôm sau, nó lại vói sang xấc xược: “Để cho tá túc đến ngày đi gặp ông bà, từ thiện vậy là chơi đẹp đấy nhá! Mà chẳng còn xa nữa đâu. Hi hi…” Nó cười đắc thắng, thách thức. “Đồ cướp ngày!” Môi ông run run, ông quỵ xuống đưa hai tay ôm ngực. Ông muốn lấy lại quyền làm chủ ngôi nhà, làm chủ lô đất của mình, chẳng biết để làm gì, chẳng biết để cho ai, ông có còn ai thân thuộc đâu mà cho, mà ông với đất thì cũng gần nhau quá rồi, “chẳng còn xa”, đúng vậy, nhưng ông phải kiện, ông tin có một thứ chân lý trắng nguyên, không bị hoen ố còn ẩn mình đâu đó trong thăm thẳm trần gian. “Lấy cái… tinh thần là chính!” Ông lại tự nói với lòng. Nửa đêm, ông choàng dậy lồm cồm bò qua chuồng heo, xoa xoa đầu hai con heo đốm mà tâm sự về niềm tin vừa có và cái quyết định phải viết đơn kiện của mình. “Tụi con thương ta mà ra đi, ta thật không nỡ, nhưng đi kiện tốn kém lắm, với lại con đường đi kiện như đi vào nơi gió cát mù trời vậy, không có đường quay lại đâu các con… Ta đành đứt ruột mà bán các con thôi. Mong sao khi được hóa kiếp các con biến thành cánh chim bay liệng đừng quá ham muốn đất đai mà sinh hư, mà ô uế, mà không thành có, mà trắng thành đen, các con nghen!” Ông già nghiêng đầu nhìn thật sâu vào đôi mắt của hai chú ụt ngây thơ. Ông đưa tay gãi gãi lên lưng hai chú ụt, chúng vẫn vô tư cạ cạ vào tay ông, từ từ nép mình vào tay ông rồi nằm bẹp xuống. “Lấy cái… tinh thần!” Ông lại thều thào rồi xiêu vẹo đứng lên không dám nhìn chúng lần nào nữa.

 

Những ngày này, tự dưng đầu ông nóng ran, ông tìm mua quyển luật đất đai, ông đọc đi đọc lại, gạch dưới, đóng khung từng câu, mực đỏ, mực xanh, dấu hỏi, dấu than hiện dày trên từng trang luật. Ông viết nắn nót từng chữ lột tả nỗi niềm, ông trích cẩn thận từng câu luật lệ cẩn nghiêm, thỉnh thoảng ông dừng lại lầm rầm một mình: “Lấy cái… tinh thần”, ông mơ hồ thấy như mình đang từng bước từng bước chạm đến chân trời của sự công bằng, của sự phải đạo, của cái điều minh bạch mơ được ước thấy ngàn đời.

 

… “Kính gửi…

Tôi đứng tên dưới đây là…

Tôi làm đơn này kính trình lên cơ quan công lý, Lên Tòa án Nhân dân, lên Viện Kiểm sát Nhân dân…

Nguyên lô đất 100-10, rộng…, dài…, đông giáp đường… , tây giáp…, bắc giáp…, nam giáp… vốn là đất thừa kế của vợ chồng tôi từ đời khẩn hoang lập ấp cha ông chúng tôi để lại. Chúng tôi sinh ra và ở trên lô đất này cả ba thế hệ, có nộp thuế đầy đủ theo chế độ thuế hiện hành. Vì thương tình, vào năm… vợ chồng chúng tôi bàn với nhau cho không bốn mét, tính theo mặt tiền, cho ông Lê Văn…, người mà chúng tôi vốn coi như là con nuôi của mình. Nay, ông Lê Văn… qua đời, nhưng chẳng biết bằng cách nào, cô Lê Thị…, con ông Lê Văn, lại làm được quyển sổ đỏ sở hữu luôn cả phần đất của chúng tôi (hai mươi mét chiều ngang).

Bản thân tôi cũng đã già nua, sức cùng lực kiệt, chẳng còn ham hố gì nữa, mất gì tôi cũng bỏ qua được, nhưng mất đất thật chẳng cái nhục nào bằng. Đây là sự cướp đất trắng trợn ngay khi tôi còn sống sờ sờ ra đây…

 

Tôi làm đơn này tha thiết kính xin…”

Ông viết. Ông gửi đi, kính gửi các nơi mà ông biết được, có đơn ông còn viêt cả câu: “Lấy cái… tinh thần là chính”. Các cánh cửa vẫn lặng im. Chồng đơn dày lên. Viện kiểm sát huyện đã thụ lý hồ sơ. Ông cuộn người chờ. Tòa án đã xử. Thất bại, ông khiếu kiện lên cấp trên. Lại hy vọng. Lại chờ. Kết quả y án. Ông vẫn tiếp tục viết đơn, lành với Bụt ông quyết không lành với ma. Báo chí lên tiếng. Dân chúng bức xúc, sẵn sàng làm chứng bênh vực ông già.

 

Tòa án cấp trên nữa đã xử. Nội dung bản án phúc thẩm: y án. Ông như chiếc lá rụng khỏi thân cây hy vọng. Nghe đâu cô ta có người bà con làm chức quan cao lắm nên quan cấp dưới né tránh, sợ mất ghế.

 

Ông vẫn tiếp tục viết nhưng không gửi đi đâu nữa, ông viết theo quán tính, thói quen, phản xạ có điều kiện, như sự tiết nước miếng của con chó trong thí nghiệm, dịch vị của chó bình thường mỗi phút tiết ra hai mươi lăm giọt, ông “tiết” ra mỗi phút cả trăm từ. Mỗi khi vớ được cây bút, mảnh giấy là ông viết, viết hăng như con chó trong phòng thí nghiệm nghe tiếng chân người bê thức ăn mà số giọt dịch vị tăng lên cả trăm cả ngàn. Ông cần viết như cần thở, cần ăn, cần thức, cần ngủ cho đủ đầy một kiếp trần ai. Ông cần “lấy cái… tinh thần” như vặn một thứ dây cót cho những ngày sống cuối đời, cho chút hơi thở tà dương còn mang ý nghĩa.

Hạnh phúc có thật trong lòng ông già râu trắng khi ông phát hiện con mắt sau lưng của mình còn nhìn thấy được cả quá khứ. Ông nhắm hai mắt trên khuôn mặt của mình lại không nhìn phía trước nữa để tập trung cho cái nhìn từ sau lưng. Bao nhiêu năm tháng ông khao khát nhìn lại được nụ cười của vợ ông không ngờ bây giờ điều mơ ước ấy đã thành hiện thực. Nhưng tức chết là cứ mỗi lần hình ảnh nụ cười của vợ ông hiện lên là hình ảnh cái “thằng bố” rách rưới ấy cũng hiện lên cùng lúc. Ông thấy như in cái ngày đầu tiên “thằng bố” rách rưới ấy bưng đến cho vợ chồng ông dĩa bắp luộc bốc khói, loại bắp nếp hột nhỏ ấy sao mà thơm ngon. “Mệ ăn đi kẻo nguội!”, “thằng bố” ấy nhìn vợ ông trìu mến mà nói như vậy, chả lẽ lời ấy, thái độ ấy lại của kẻ giả dối, kẻ mưu đồ ư? Ông cũng nhớ như in chính “thằng bố” Lê Văn… ấy khom vai một đầu võng cùng ông lụi hụi chạy đến bệnh viện trong đêm khi bà vợ ông bị mấy viên sỏi bàng quang hành cho đau xé người ngất lên ngất xuống. Thương cảm vậy đó nên vợ chồng ông mới gọi “thằng bố” ấy đến cho mấy thước đất phía tây. Chính bà vợ ông lận lưng quần ra, mở hai lớp kim băng, lấy đưa cho “thằng bố” ấy chiếc nhẫn dành dụm cắc củm một đời để cho con trai của mình cưới vợ. “Phận em nó ngắn ngủi, con cầm chiếc nhẫn này mua lá mua cây làm nhà, có cái mà đụt mưa đụt nắng với người ta, con à”. Vợ ông là người như vậy, bà ấy sống tốt với mọi người cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

 

Ông bần thần ngồi hồi lâu, chợt cái buổi trưa nghiệt ngã ấy hiện ra mồn một, cái buổi trưa mà chỉ cần gợn lên trong đầu ông đã rùng mình…

 

Thấy vợ vói lên hiên nhà bếp lấy cái ní xắn măng xuống lau lau chùi chùi có vẻ chú tâm lắm, ông hỏi: “Làm gì?”. “Kiếm mấy mụt măng nấu cháo”. “Tôi đi cho!”. “Ông nghỉ đi! Tôi chỉ vào bìa rừng đây thôi mà”. Đúng là bà chỉ vào tới bìa rừng, những mụt măng vàng óng đến ngon mắt sờ sờ trong bụi tre gai bên đường hút lấy mắt bà, hút hết hồn bà. Phải chi bà tỉnh táo mà sựng lại thắc mắc: “Sao sờ sờ đó mà không ai xắn? Sao bụi tre ngay bên đường mà không thấy dấu chân người bén mảng?” thì đâu trở thành nạn nhân của bầy ong dữ, đâu trở thành cái xác còng queo tím máu trong bụi tre trưa ngày hôm ấy. Vợ ông đổi sự sống lấy chút mụt măng nấu cháo mà chẳng được, cây ní chắn ngang trên ngực như một sự bày đặt tang thương đau xót của người tìm kiếm miếng ăn nhỏ mọn, của người đi vào ngõ cụt đói nghèo. Phải chi con trai ông đừng bị chiến tranh cướp mất sự sống thì giờ đây hẳn là con cháu đã đầy đàn, đã chật mảnh đất này, tiếng cười nói ríu ran của chúng đã rộn ràng khu vườn này. Phải chi vợ chồng ông là người đành đoạn bán đất để ăn thì không có cái chết buồn tủi của vợ ông, thì làm gì có cuộc “cướp ngày” trâng tráo này. Cứ nghĩ thương người như thể thương thân là phải đạo, có ai ngờ đâu cái thói đời nó đáng khinh bỉ đến vậy. Ai có ngờ đâu “thằng bố” ấy chết chưa đầy năm, lũ con cháu du côn du đãng kia lại lén lút “đi đêm” để có được quyết định pháp lý chủ quyền sử dụng toàn bộ lô đất của ông, không hiểu vì điều gì mà người ta lại nhẫn tâm chứng thực cho bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế ấy, mà theo thỏa thuận này xem như toàn bộ đất đai của ông đều là di sản của “thằng bố” Lê Văn… để lại cho con mình.

           

Từ ngày thua kiện, ông cứ như người lẩn thẩn, hết ngồi bó gối khóc thương cặp heo đốm, ông lại lục tục cả ngày cả đêm lôi hết các loại sách vở trong nhà ra, hễ chỗ nào có trang trắng, nửa trang trắng là ông viết đơn khiếu nại vào đó, ông không thể dừng lại được nữa rồi. Mọi người thấy vậy buộc miệng: “Ông già bị bệnh kiện”. Có người đi qua thở ra rồi thì thào: “Trời gần sáng là lúc trời tối nhất. Đợi thôi!”

 

Một cán bộ trực tính ở huyện ủng hộ việc kiện cáo của ông, bước vào nhà định hướng dẫn cho ông đường đi nước bước để lặp lại vụ kiện. Nhưng ngay chính hôm ấy anh này phát hiện ra ông già đã bệnh xơ gan cổ trướng, bụng phình lên cứng ngắc, cứ một chặp lại thấy ông đi vào nhà cầu, lại ra mồ hôi rịn đầy trên trán, rồi lại vào với cái bụng trương ướng gào đòi thải ra. Sau, ông cứ ngồi ì luôn trong đó vừa giải quyết “cơn đòi” kia vừa hí hoáy viết đơn vào trong những tờ giấy vệ sinh, viết xong lại xỏ từng tờ cẩn thận trở lại vào cọng kẽm móc. Ông ngồi làm cẩn thận những động tác ấy như đang xây một công trình lớn lao nghiêm túc.

 

Ông tắt thở, dân làng đến đập cửa tẩm liệm cho ông. Vừa khiêng xác bỏ vào hòm, ông lại sống lại. Tiếng nói đầu tiên ông thốt lên trong lúc mọi người đang còn bàng hoàng là “cây… viết…”. Ai đó rút một cây viết bi từ túi áo ngực đặt vào tay ông. Người ta thấy ông mở mắt ra, tay quơ một bó giấy súc, loại giấy mềm vàng đục để tẩm liệm xác chết, ông mở bung ra và bắt đầu viết. Đám đông tò mò theo dõi… “Đơn kiện”… “Lại đơn kiện!” Ai đó thốt lên xót xa. Đột nhiên bụng ông vồng lên, co giật liên hồi. Cây viết văng ra. Cuộn giấy súc quấn ngang người ông. Tất cả lại đột ngột yên lặng trở lại. Người đàn ông làm công việc tẩm liệm đưa ngón tay ngang mũi ông già kiểm tra hơi thở, lắc đầu: “Đi rồi!”

 

Mọi người giãn ra. Chuẩn bị đậy nắp. “Chiêng trống đâu, nhớ là trống phải theo chiêng…” Câu nói của người đàn ông tẩm liệm đang nửa chừng thì im bặt. Không phải mình ông mà cả những người xung quanh đều nghe rõ ràng tiếng nói ông già phát ra từ quan tài. Người ta lại đưa ngón tay ngang mũi, lại giật mình vì hai tiếng “cây… viết” vừa thốt ra rõ ràng từ miệng ông già. Viết lại được đặt vào tay. Giấy súc lại mở bung ra. “Lại đơn kiện!” Ai đó thốt lên. Lần này ông già viết như một con ma nhập xác, ngón tay run run giật giật nhưng chữ vẫn lả lướt rồng bay phượng múa, có điều rồng phượng giờ đã tàn lực tàn hơi nên có ngoằn ngoèo đôi chút. “Còn một hơi thở thì rồng phượng vẫn cứ là rồng phượng chớ sao!”, “Lấy cái… tinh thần là chính!”… Vài người bình luận chua xót.

 

Một bó giấy súc khác vừa được bung ra thì bụng ông lại trương lên, vồng lên, toàn thân ông giật nảy liên tiếp mấy bận. Có người quay mặt đi. Có người chồm tới tìm cây viết đặt vào tay ông già nhưng cơn co giật làm văng ra, lại đặt vào, lại văng ra… Khi các ngón tay co rút lại nắm chặt cây viết, ai cũng nghĩ chạm được cây viết ông sẽ hồi dương, sẽ viết, người ta chờ đợi hai chữ “đơn kiện” sẽ hiện ra trên mặt giấy đục vàng. Nhưng không, các ngón tay vàng tái đầy gân xanh của ông từ từ giãn ra, giãn ra rồi cả hai bàn tay buông thõng. Cây bút dường như cũng tắt thở ngã ngoẹo trên lòng bàn tay.

 

Anh cán bộ huyện bảo người đàn ông tẩm liệm lật xác ông già úp xuống. “Để lưng quay lên, cho già lấy cái… tinh thần”. Vừa nhớ lại lời dặn khó hiểu ấy, vừa quấn gọn các vòng giấy “đơn kiện” quanh xác ông già, giọt nước mắt của anh cán bộ huyện chợt rơi xuống ướt một góc giấy, anh ta vội chùi chùi lia lịa. Anh cán bộ huyện cứ ân hận vì để giọt nước mắt rớt vào quan tài, “người chết sẽ không siêu thoát”, anh luôn miệng nói với mọi người như vậy. Chợt ngay lúc ấy, lưng áo của ông già căng ra, căng ra. Người tẩm liệm chợt thụt lùi, thụt lùi, rồi bật ngửa xuống nền nhà. Mọi người nhào tới, ai ai cũng trố mắt đứng chết như trời trồng: Làn da lưng ông già đã rách toạc, hình hài một con mắt ướt rượt, đỏ hoe trồi lên, bẹp xuống, phập phồng, máu trong con mắt ấy lan ra, rịn ra, đọng thành hình giọt lệ. Chỉ anh cán bộ huyện là còn chút tỉnh táo nhưng mồ hôi cũng nhoè nhoẹt hai bên thái dương, “Ước vọng của ông già còn đè nặng lên con mắt”, anh thầm nghĩ vậy, lừng khừng một thoáng vì sợ hãi nhưng cuối cùng bàn tay run run của anh cũng đặt lên con mắt, khẽ khàng vuốt một đường xuôi xuống. Kì lạ thay, con mắt chợt dịu lại, khép lại rồi lặn chìm vào trong da thịt. Cơ thể ông cũng xẹp xuống bất động, một luồng khí dương thoát mạnh qua đường hậu môn.

 

Từ hôm ông già ra đi, quán xá lấn át chùa chiền, son phấn ứ mùi, không còn ai gọi con đường ấy là Miền Thơm nữa, mặc dù hàng lư nhang to lớn đủ dạng dát vàng, dát đồng, sơn xanh, sơn đỏ ngày càng thêm ra, đủ sắc. Nghe nói loài cỏ thơm tự dưng lại lụn chết hết.

 

Dưới chân núi Tà Cú, tháng tư, 2008

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 2438
Ngày đăng: 25.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bông hoa sẽ nở - Lê Vũ
Nguyệt thực nửa đêm - Phan Thị Thu Loan
Về một lời ước nguyện - Ngọc Thiên Hoa
Hư vô trắng - Võ Tấn Cường
Con nhà tông... - Đổ Thị Hồng Vân
Florence - Phạm Thị Ngọc
Con diều - Lỗ Tấn
Con quỷ và tôi - Nguyễn Đình Bổn
Ở nơi băng tuyết - Bùi Công Thuấn
Ghét lộc - Võ Tấn Cường
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)