Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
748
116.504.494
 
Tâm sự của Hồng Vân cư sĩ qua bài “ Phồng đá trả lời”
Nguyễn Văn Hầu

Trong Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, mục Quý Mùi nơi phần đầu năm, có in một bài “Cổ Thi” mà nguyên văn như sau :

 

Hỏi Phổng Đá

Ông đứng làm chi đấy hỡi ông ?

Trơ trơ như đá vững như đồng.

Giữ gìn non nước cho ai đó ?

Dâu bể cuộc đời có biết không ?

 

Thật ra, bài “Cổ Thi” đó, tác giả của nó là nhà thi hào Nguyễn Khuyến; nguyên danh Nguyễn Văn Thắng, người làng Yên Đỗ huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, thi đỗ đến Tam Nguyên.

 

Tác giả có một nghệ thuật miêu tà thần tình, quan sát sự vật cực kì tinh tế. Ông lại là một nhà thơ trào phúng hữu danh. Mỉa đời, cười mình, châm chọc bọn quan trường nhũng lạm.

 

Nguyễn Khuyến còn nặng lòng yêu dấu quê hưong, đã xuất chính làm quan đến Tổng Đốc. Nhưng khi gặp quân Pháp chiếm đóng khắp nơi, thế nước hoàn toàn rơi vào tay giặc không tài nào cưỡng được thì ông cáo bệnh từ quan, gói ghém tâm hồn ưu ái giang sơn trong những lời thơ nồng nàn thấm thía.

 

Trong một bài ca trù, chủ đề ông Phổng đá, trong đoạn mưỡu kép, tác giả Tam Nguyên Yên Đỗ cũng mưỡu rằng :

“ Người đâu tên họ là gì ?

Hỏi ra chích chích, chi chi nực cười

Dắt tay ngảnh mặt trông trời

Hay còn lo tính sự đời chi đây ?”

 

Ý thơ phảng phất niềm đắng cay thời thế. Và cả hai bài, tình tứ tương tợ với nhau. Hỏi để rồi suy gẫm. Hỏi để mong đợi khơi mạch cảm trong tâm sự của những ai mẫn thế ưu thời !

Bài Phổng đá mà chúng tôi trích dẫn trong quyển Thi Văn Giáo Lý trên đây trong các sách thi ca

văn học của nước nhà còn có bản chép khác đi đôi chút.

 

“Tượng Sành Đứng Trên Hòn Non Bộ”

Ông đứng làm chi mãi đó ông ?

Trơ trơ như đá vững như đồng

Đêm ngày gìn giữ cho ai đó ?

Non nước đầy vơi có biết không ?

 

Một bài tứ tuyệt đã có đến ba câu hỏi : cái cảnh ngộ nào đã thúc đẩy tác giả dệt nên những vần thi hứng như kia ?

Nhìn quang cảnh hòn giả sơn “núi non bộ” đắp lên giữa sân nhà, thấy tượng cốt đuợc làm bằng sành hoặc bẳng đá, đứng trơ ra đó vững vàng bất động, người làm thơ có tâm tư đa cảm không khỏi bất giác nảy lên những câu thầm hỏi trong lòng. Lão Phổng đá kia đứng làm chi đó? trước mặt lão là giang sơn gấm vóc của Tổ tiên nhà, có phải lão muốn canh chừng, gìn giữ cho ai đó chăng ? mảnh giang sơn đó hưng vong thế nào ? trách nhiệm lão là gì ? Lão có am tường chăng nhỉ ?

Đưa ra một loạt ba câu hỏi dồn dập với nhiều ý tưởng dồn dập, ý chừng tác giả như muốn khuynh đáo pho tượng, bắt buộc tượng đá phải thốt lên thành tiếng để đáp lại cho mình, mình mới nghe cho !

Nhưng từ ấy những đi, đã lê thê thời gian, ông Tam Nguyên Nguyễn Khuyến đã mòn mỏi trong già nua luống tuổi, để rồi phải chịu đi theo định luật tuần hoàn “chôn chặt văn chương ba tấc đất”. Những câu hỏi của ông tường như một tiếng hú trong bãi sa mạc hoang vu, một tiếng kêu cứu thất thanh ở ngoài khơi biển cả, trong đêm dài vắng bóng nhân loại.

Nhưng không.

Nguyễn Khuyến đã có tri kỷ.

 

Sau 34 năm khi tác giả vĩnh viễn ra đi, Hồng Vân cư sĩ, một thi nhân ái quốc, một nhà đạo đức tôn kính trong một ngày đầu xuân, ngắm hòn giả sơn rồi nhớ bài Cổ Thi, đã đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Thi hào Nguyễn Khuyến đã được phúc đáp một cách phong phú. Mời bạn đọc nghe âm ba dõng dạc phát ra từ cửa miệng của “ông phổng đá”.

 

Phổng đá trả lời :

“Ông đứng đây cho chúng biết ông,

Kêu lên một tiếng tợ chuông đồng.

Khắp trong thiên hạ đều lai tỉnh,

Bước xuống thuyền từ đến cửa không.

 

Đứng chờ thời vận đến cho ông,

Rải đạo huyền vi khắp đại đồng.

Bao bọc non Hồng cùng nước Lạc,

Việc đời cũng biết chớ sao không ?

 

Đứng chờ đại chúng trọng tôn ông,

Dựng cuộc hoà mình khắp đại đồng.

Mao việt giang sơn bờ cõi vững,

Đuổi loài phiên tặc lội về không.”

 

Tác dụng của Phổng đá là vừa trả lời đầy đủ 3 câu hỏi dồn của Thi hào Nguyễn Khuyến, vừa nói lên cái tâm tư man man từ lâu chưa có dịp tiết lộ đầy đủ của cư sĩ Hồng Vân.

 

Đáp câu thứ nhất, người hỏi ; hỏi rằng “ông đứng làm chi mà trơ người ra  mãi  thế ?”

Phổng đá với một giọng rõ ràng thẳng thắn trả lời :

Tôi đứng đây để trực kêu lên to tiếng như chuông đồng, cho vang dội khắp thế gian, cho mọi người đều thức tỉnh cho họ biết rõ tôi, để họ cùng với tôi, nhẹ gót xuống thuyền từ mà lìa bờ mê tiến sang bến giác.

 

Câu thứ nhất đã được trả lời ngần ấy ý tưởng, thế nhưng chừng như mạch hứng dồi dào, tơ lòng còn nhiều rung động, phổng đá bèn minh giải thêm, rằng tôi hiện còn vận bỉ, đang đợi thời cơ, để khi vận hội tốt đẹp đưa đến, thì tôi sẽ đem mối đạo huyền vi mà tung ra, gieo rải khắp mặt đất, không riêng vì ở nơi nào.

Đáp câu thứ hai, Yên Đỗ hỏi : “ông đứng đó chắc có mục đích gìn giữ đất nước cho ai đó chứ chẳng không”, thì phổng đá nhanh nhẩu nói ngay :

- Có chứ ! tôi đứng đây để gìn giữ, chở che cho non Hồng nước Lạc, nghĩa là phải làm sao cho tồn tại mảnh giang san gấm vóc của dân tộc Việt Nam nầy.

Đáp câu hỏi thứ ba, hỏi rằng “Ông đứng đây cao nhìn toàn dãy Nam Quan – Hà Tiên mà cuộc đời dâu bể đất nước mất còn ông có biết không ?” thì phổng đá nói toạc cho ai nấy cùng nghe :

- Biết lắm đấy, viếc đời tôi đã theo dõi đầy đủ. Tôi đang chờ ý thức được toàn cõi đại chúng, bây giờ sẽ dựng dậy cuộc hoà hợp liên minh khắp cả nhân loại đại đồng. Chừng đó chẳng những cờ Mao búa Việt – ( hiệu kỳ và binh khí ) tôi sẽ bài trừ tận gốc bọn ngoại chủng xâm lăng để giữ yên bờ cõi, mà còn gây nên một cuộc thái bình cho thế gian nầy.

 

Một điểm đáng lưu ý khác mà ta thấy là cả ba bài đáp ba câu đối, đếu cùng hoạ y nguyên vận theo bài xướng, không sót vận nào.

 

Bài hỏi toàn Nôm, thì bài đáp cũng toàn Nôm. Một vài từ ngữ Hán có thấy dùng, như hoà minh, đại đồng, phiên tặc… cũng đã Việt hoá nhẹ nhỏm đi rồi !

Nếu để ý phân tích, ta sẽ thấy tâm sự của tác giả bài phổng đá trả lời bộc lộ một cách thiết thực như vầy :

- Tôi cổ võ cho toàn dân thức tỉnh, quay về với tôn giáo nhà Phật.

- Tôi bảo vệ nòi giống và đất nước Việt Nam.

- Tôi sẽ dùng thần oai mà đuổi bọn xâm lăng dị chủng.

Như đã giới thiệu, tác giả bài phổng đá trả lời là Hồng Vân cư sĩ : tức là một biệt hiệu của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo mà Ngài đã có dịp ký dưới bài ký thác tâm sự nói trên từ năm 1943.

 

( Sưu tầm từ Đặc San Liên Hoa 6, 1970)

Nguyễn Văn Hầu
Số lần đọc: 5599
Ngày đăng: 26.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VI tại Bình Định:“TRÁI ĐẤT RỘNG THÊM RA MỘT PHẦN VÌ BỞI CÁC TRANG THƠ” - Nguyễn Thanh Mừng
Cuộc “đấu khẩu” thơ Bùi Chí Vinh - Phan Hoàng - Thu Trân
Xuân trong ta - Trần Kiêm Ðoàn
thơ rơi có cần phải được nghiên cứu ? - Khaly Chàm
Đừng quên những bài học trong quá khứ ! - Triệu Xuân
Đọc Bình Ngô đại cáo - Đặng Thân
Tập bút ký của một nhà khoa học nữ - Huỳnh Như Phương
Tiểu thuyết&tiểu thuyết đầu tay (1) - Lê Anh Thu
Ngày xuân nói chuyện văn hóa ẩm thực :Của mắm và..đời - Triệu Xuân
VĂN HỌC VIỆT NAM 2007: Nhộn nhịp,sôi động và sẵn sàng cho cuộc khai phóng - Inrasara