Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
669
116.546.180
 
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-1
Bùi Công Thuấn

Viết về Thanh Tâm Tuyền   là một đề tài nhạy cảm ở thời điểm hiện nay , bởi rất dễ gây ra những ngộ nhận cách này hay cách khác . Vì thế cần nhìn nhận vấn đề trên quan điểm lịch sử và phương pháp phân tích khoa học , cùng  với tấm lòng trân trọng thi ca dân tộc . Cũng cần lưu ý rằng có một Thanh Tâm Tuyền ngoài đời  , con người  xã hội    Thanh Tâm Tuyền trong thơ của ông , con người thi sĩ . Hai con người này không đồng nhất , và không nên đồng nhất hai con người này . Đã có một thời người ta  đồng nhất con người xã hội và con người nhà thơ nhà văn , khiến cho  Nguyễn Du , các nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn , Vũ Trọng Phụng …một thời không được đánh giá đúng tài năng và những đóng góp cho lịch sử văn chương Việt Nam. Thanh Tâm Tuyền là một hiện tuợng thơ đặc biệt  góp phần cách tân thơ ca ở miền  Nam sau 1954 , nhưng thơ ông không dễ đọc .

 

1 . “Hoàng đế đầy đủ quyền uy”

 

Thanh Tâm Tuyền có một vương quốc thơ . Người đọc thơ  ông là người hoàn toàn tự do, có thể đọc và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ. Nhưng nếu muốn nhập lãnh thổ thơ ông , người đọc phải thần phục những luật lệ tinh thần do ông  đặt ra.  Ông nói với người đọc :

 

«Ở đây tôi là hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, người hoàn toàn tự do. Để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ. Người hoàn toàn tự do. Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ.» (1)

               

Đó là những lời thách thức  cao ngạo đối với độc giả đương thời . Cao ngạo là một thứ bệnh tự huyễn hoặc của nhà thơ,  nhà văn . Xưa nay thường thế , vừa như một cá tính , vừa như để bắt thiên hạ phải chú ý đến mình , Nguyễn Công Trứ , Cao Bá Quát , Tản Đà , Nguyễn Tuân , Xuân Diệu …đã từng một thời  cao rao :Ta là một là riêng là thứ nhất “( Xuân Diệu ) , “ thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn . Thanh Tâm Tuyền tự phong mình là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy trong lãnh thổ thơ của mình , bắt người đọc phải thần phục, thì cũng là một cách chơi ngông như thế . Nhưng Thanh Tâm Tuyền thách thức thiên hạ , và lời  thách thức ấy cho đến nay dường như vẫn còn nguyên giá trị .

             

Người ta ca ngợi , người ta khẳng định tài năng Thanh Tâm Tuyền , và đòi phải xác lập vị trí của ông trong thơ ca Việt Nam hiện đại , thế nhưng dường như chưa có ai thực sư thâm nhập được vùng đất đai thơ Thanh Tâm Tuyền . “ Người đọc theo dõi, tìm hiểu, chứ thật sự yêu thích thì không nhiều; cũng có người, có bài báo chê trách là thơ lập dị, bí hiểm, hũ nút. “ (2 )


Chẳng hạn, đọc bài Tĩnh Vật (tạp chí Sáng Tạo, số Xuân 1957) , Phạm Việt Tuyền  chỉ tiếp cận được một cách  cảm tính , ông không đọc được bằng  trí tuệ , bởi vì trí tuệ  bất lực trước một cấu trúc ngôn ngữ  mới lạ : “ Đấy là thứ thơ phải hiểu bằng trực giác, phải nhờ tưởng tượng và tình cảm để nếm cái khoái trá bí mật nhưng có thật đối với những kẻ định dùng cân lượng của văn xuôi mà đo lường...”(3)

 

Phạm Xuân Nguyên , gần 40 năm sau ( 1994 ) ,  dẫn bài Tĩnh Vật như là tiêu biểu thơ tự do cuả ThanhTâm Tuyền , cũng không  có một kiến giải nào về bài thơ trên ( có lẽ không  nhập được vào lãnh thổ thơ Thanh Tâm Tuyền )  . Ông muợn ý cuả Phạm Việt Tuyền , Cao Thế DungTrương Vũ để kết  : “ Nhận xét của Cao Thế Dung và Trương Vũ, theo tôi, đã nói được khá chính xác giá trị thơ Thanh Tâm Tuyền và ý nghĩa cuộc đổi mới thơ của ông đối với thơ Việt miền Nam nói riêng và thơ Việt nói chung “(4)

            Vậy làm thế nào để nhập vào được lãnh thổ thơ Thanh Tâm Tuyền ? tất nhiên là phải thần phục những luật lệ tinh thần do Thanh Tâm Tuyền đặt ra. Những luật lệ ấy là gì ?

 

Theo tôi đó là “ thi pháp “ cuả thơ Thanh Tâm Tuyền . Không khám phá thi pháp này , không thể đọc thơ ông .

 

Đặng Tiến cho rằng “ Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ : loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra «diễn ca», còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.” (5)

           

Nhận xét trên của Đặng Tiến là có cơ sở , nhưng chỉ ở mặt kỹ thuật viết  , kỹ thuật Tân Hình Thức . Điều này Nguyễn Xuân Sanh đã làm rất đạt từ trước Thanh Tâm Tuyền ( chẳng hạn bài Buồn Xưa ) . Thanh Tâm Tuyền không phá vỡ vỏ ngữ âm cuả câu, hay bài thơ. Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, người đọc luôn nghe một giọng trầm buồn nhẹ nhàng nhưng sâu lắng . Thanh Tâm Tuyền vẫn triệt để khai thác nhịp điệu thơ . Ông dùng nhiều kiểu  trùng điệp , kiểu ngắt nhịp , kiểu câu dài ngắn xen kẽ , kiểu câu kể xen với câu trữ tình , câu độc thoại …

 

Vậy cốt lõi thi pháp của thơ Thanh Tâm Tuyền là gì ?

Đó là nguyên tắc sáng tác  có nền tảng tư tưởng và nghệ thuật dưạ  trên chủ nghiã Hiện Sinh , chủ nghiã Siêu Thực và kỹ thuật Tân Hình Thức. Thanh Tâm Tuyền đã kết hợp cả ba ý thức nghệ thuật trên cùng một lúc trong tác phẩm cuả ông để làm nên sự mới lạ trong thơ.

 

Thơ Thanh Tâm Tuyền ( TTT ) , mỗi bài thơ là một  dòng  ý thức , một trạng thái hiện sinh cuả nhà thơ , không phải dòng chảy tâm trạng như trong thơ Lãng Mạn . Đây là một bước cách tân , đưa thơ Lãng Mạn 193-1945 vào bảo tàng quá khứ .Vì đặc điểm căn bản cuả Thơ Mới là dòng chảy tâm trạng trước thực tại , là sự tồn tại Cái Tôi tiểu tư sản trong thơ . Thơ TTT ở hai tập thơ đầu , được viết với kỹ thuật  dòng ý thức .Thơ là dòng ý thức tuôn chảy ,  như một  sông, ở đó những tư tưởng , cảm xúc , liên tưởng bất chợt , luôn lấn át nhau , đan bện vào nhau kỳ quăc và phi logic . Hiện thực bị cắt vụn , bị phân ly , ném đi mỗi nơi một mảnh . “ Cái tôi “ tồn tại trực tiếp trong ý thức .Bài thơ không có bối cảnh hiện thực. Không gian thời gian  bị tước bỏ  vai trò làm bối cảnh , chỉ còn cái lõi là dòng  ý thức . Dòng chảy ý thức ấy không còn bám rễ được vào hiện thực  khiến cho nó trở nên thực sự không hiều được .

 

Nếu dòng ý thức tạo nên cấu trúc tác phẩm thì những mảng hình ảnh siêu thực lại là phương cách TTT thể hiện ý thức.Thơ Thanh Tâm Tuyền đầy dẫy những hình ảnh siêu thưc , như trong những giấc mơ  quái gở . Giải mã những giấc mơ như thế là vô nghiã . Nhưng nó lộ ra những  vùng sâu thẳm trong ý thức cuả Thanh Tâm Tuyền đối với thực tại . Chẳng hạn : Giấc mơ  tôi thèm giết tôi “ bằng cách  bóp cổ chết , giấc đi tìm thần chết , nắm tóc bắt thần chết gật đầu

 

tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

thanh tâm tuyền

bóp cổ tôi chết gục

( Phục Sinh )

 

Từ biệt nàng tôi hỏi

Em đã chết rồi chăng?

Trong quan tài nàng đáp

Ôi đất lạnh mưa băng

 

Tôi tìm thần chết hỏi

Nàng được tự do chăng?

Thần chết câm và điếc

Tôi nắm tóc bắt gật đầu

Và trở về dương thế…

( Sầu Khúc )

 

Ta đã gặp đâu đây những cơn mộng mị hoảng loạn như thế trong thơ cuả  Hàn Mặc Tử :

 

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mưả máu ra

( Say Trăng )

 

Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng

Để cho hồn bớt nỗi bi thương

Nhưng khốn nỗi , xác ta đành câm tiếng

Hồn đi rồi khôn nhập xác thê lương

( Hồn Lià Khỏi xác )

                       

Quả thật ,  không phải vô tình mà TTT ca ngợi Hàn Mặc Tử  , vì trong dòng Thơ Mới 1930-1945 , Hàn Mặc Tử đã vượt qua Tượng Trưng để đến với Siêu Thực.

 

Về ngôn từ , Thanh Tâm Tuyền  dùng nhiều phép so sánh , ẩn dụ . Để hiểu những ẩn dụ này , người đọc phải vượt qua nhiều liên tưởng mới tới được ý nghiã thực  . Nhiều ẩn dụ đòi hỏi những bước liên tưởng quá xa ,  không sao lần ra  nguồn cội ,  người đọc mệt trí và bất lực.

 

tôi buồn chết như buồn ngủ

dù tôi đang đứng bên bờ sông

nước đen sâu thao thức

( Phục Sinh )

 

Câu “ tôi buồn chết như buồn ngủ / dù tôi đang đứng bên bờ sông  là một so sánh bình thường,  vế so sánh đã có chút mới lạ  . Đến câu “ nước đen sâu thao thức “ phép ẩn dụ đã đưa tư duy người đọc đi rất xa , câu thơ trở nên đa nghiã. Có thể là : tôi đứng bên bờ sông nước đen , dòng nuớc sâu  thao thức ;  hoặc tôi đứng bên bờ sông , đêm đen , sâu thẳm , tôi thao thức về trạng thái “ buồn chết ‘ …

 

Trong một câu thơ, đôi khi TTT lắp ghép thật nhiều hình ảnh thuộc những trường nghiã khác nhau , khiến cho người đọc không sao lần ra những mối quan hệ giưã chúng

bàn tay /  mày / mắt /  trăng /  môi /  nhiệt đới

chiến tranh  còn những khoảng trống đất hoang

( Chim )

 

Câu thơ TTT cũng được thiết kế theo một cách riêng , ông không   ngắt câu theo cú pháp thông thường , mà viết liền mạch các câuliên tiếp chồng lên nhau hoặc cắt vụn cấu trúc câu ra chỉ còn đơn vị từ. TTT cũng tạo ra nhiều kiểu bố cục mới lạ  ,  ý tứ không được sắp xếp  theo logic  bình thường mà đảo lộn bất thường . Chẳng hạn , mở đầu bài thơ là một loạt những  cận ảnh , sau đó  ống kính lùi dần, lộ ra câu thơ chủ thể . Câu thơ mang ý nghiã  chủ đề có thể đứng ở giưã hoặc cuối bài ( Nhịp Ba ; Chim ; Định Nghiã Một bài thơ Hay ; Một Bài Thơ ; Cỏ ..) Người đọc phải biết ngắt câu thơ TTT đúng cách , biết tìm ra cấu trúc bài thơ trong đó ý tưởng chủ đạo bị ẩn dấu , bị vây quanh , bị làm nhiễu bởi những hình ảnh siêu thực , những ẫn dụ , nhữ đan bện phi logic pha tạp cuả ý thức , cả cái thực và cái hoang tưởng . Tức là phải tháo rời bài thơ ra , lắp ráp lại, phải xoay sở tìm cho được cái logic đã bị phá vỡ , giải mã những ẫn dụ ,  phải đọc nhiều lần bài thơ may ra trí tuệ mới tìm ra lối vào.

                       

Xin đem tất cả những kỹ thuật cuả thi pháp TTT nêu trên để thử sức với bài Tĩnh Vật

( bài thơ mà cả Phạm Việt Tuyền và Phạm Xuân Nguyên , cách nhau gần 40 năm , đều không có một lời minh giải )

 

Mẩu bánh mì ở góc bàn
Và cốc nước trong như mắt đẹp     


Thôi / để giấc mơ lên cỏ hoa


Hiện hình nỗi chết
Từ ngón tay

Hết cả niềm hồn hậu
Người đau bằng màu bằng âm thanh
Những ngày nghèo đói
Ăn mày
Cố sức
/ tiếng cười trên cổ nõn
Tóc mai


Phố nhỏ lên chiều /  mãi nhớ thương
Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực


Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống.

( Sáng Tạo, số Xuân 1957.)

 

Bài thơ được viết liền mạch , tôi thử tách dòng phân đoạn bố cục , và ngắt ý bằng vạch nhịp , in đậm những chữ cần chú ý , để khi nhìn vào chúng trong tổng thể bài thơ  , sẽ nhận ra những  mối quan hệ nào đấy :

 

Hai câu đầu có thể là bức tranh tĩnh vật , được tả thực với phép so sánh bình thường.

 

Mẩu bánh mì ở góc bàn
Và cốc nước trong như mắt đẹp     

 

Đến câu thứ ba,  dòng ý thức hiển lộ nhanh , trực tiếp , pha tạp , đan bện phi logic nhiều

 hình ảnh chớp nhoá . Hiện thực bị cắt ra ,  vứt chỗ này một mảnh , chỗ kia một mảnh  , cần phải hàn gắn chúng lại :

Ta hình dung ra thế này : Đó là buổi chiều , nơi con phố nhỏ, TTT nhìn thấy (trong ý thức

cuả mình) , những kẻ đi ngoài kia la  lối đòi  sống. Đó là những số phận nghèo đói , ăn mày ,  đau thương , nhổ máu ra khỏi  ngực , nỗi chết chực chờ , đã cố sức nhưng không sao thoát khỏi nỗi tuyệt vọng , hết cả niềm hồn hậu. Thôi / để giấc mơ lên cỏ hoa .

 

Dòng ý thức cứ tuôn chảy .  Những  hình ảnh xuất hiện liên tiếp như trong giấc mơ hỗn độn , không có gốc rễ . Bức tranh tĩnh vật ở hai câu đầu nhập nhoà với thực tại .Cuộc sống đang bày ra trong dòng ý thức cuả TTT cũng là tĩnh vật . Tại sao lại “ Là tĩnh vật “ , vì cuộc sống nghèo đói , ăn mày ,  đau thương , nhổ máu ra khỏ ngực , nỗi chết cuả hiện thực miền Nam lúc bấy giờ cứ bày ra đấy  ngày này qua ngày khác , không có gì thay đổi , như bức tranh tĩnh vật treo trên tường kia , chỉ từng ấy sự vật , không thay đổi ,  một bức tranh chết .Nỗi bi đát cuả những thân phận người  chính là ở chỗ: cuộc sống là Tĩnh vật , tuyệt không có gì thay đổi , dù cố sứcla vào mồm đòi sống .” La vào mồm “ là một cụm từ lạ . Đó là hình ảnh những con người trong một cuộc đấu tranh xô xát ở ngoài kia ,   ( chẳng hạn trong những cuộc biểu tình xô xát với cảnh sát ) ,  mặt đối mặt, sấn sổ vào nhau , mồm sát mồm , gào thét lên như “ la vào mồm “nhau , quyết liệt

 

Trước thực tại “ hiện hình nỗi chết , Hết cả niềm hồn hậu ấy “ , Thái độ tình cảm cuả TTT là gì ? TTT bi thương , phẫn nộ , tuyệt vọng. Thái độ tình cảm ấy ẩn dấu trong những hình ảnh , những động từ mạnh “ nhổ máu ra , la vào mồm / sống . Nhịp thơ ngày càng ngắn lại , quyết liệt , sau cùng chỉ còn duy nhất mộ chữ SỐNG  cuồng nộ bi thương.

 

Phố nhỏ lên chiều /  mãi nhớ thương
Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực
Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống.

 

 TTT dành tình cảm sâu nặng cho những kiếp người nghèo đói , ăn mày ,  đau thương ,

nhổ máu ra khỏi  ngực , nỗi chết chực chờ , đã cố sức nhưng không sao thoát khỏi nỗi tuyệt vọng  trong thế giới này . TTT đau nỗi đau thân phận thời đại. Giọng thơ buồn sâu thẳm , bi phẫn .

 

Bạn đọc sẽ hỏi , vậy những chữ trong bài thơ tôi chưa nói tới có ý nghiã gì ? thực ra đó

là những từ cuả phép ẩn dụ ( so sánh ngầm ) . Nó tạo ra sự phong phú cuả hình ảnh thơ , tạo ra sự lấp lánh cuả nhiều lớp nghiã , và có tác dụng gây nhiễu với kiểu đọc  logic . Hiểu được chúng cũng được , bỏ qua cũng không sao , cái chính là nắm cho được dòng ý thức cuả TTT , nhận cho ra cái  hiện thực TTT đang đối diện và đào xới cho được cái mạch ngầm tình cảm ẩn trong con chữ tưởng như trơ trơ . Đồng thời phải vượt qua đuợc nhiều bước liên tưởng cuả câu chữ ẩn dụ để tìm đến cái nguồn TTT muốn nói . Nhưng yêu cầu quan trọng là  người đọc phải nhập đuợc vào dòng ý thức cuả TTT .

 

Chẳng hạn câu Và cốc nước trong như mắt đẹp . Cốc nước trong là yếu tố thực được

miêu tả  . Cụm từ so sánh “ như mắt đẹp “ chỉ tôn thêm cái trong cuả cốc nước và tạo thêm cái lạ trong cách so sánh, hiểu hay không hiểu chẳng thêm gì cho yếu tốc chính là  cốc nước trong ‘. Câu    Phố nhỏ lên chiều  mãi nhớ thương” phải được ngắt ra làm hai ý : ‘Phố nhỏ lên chiều /  mãi nhớ thương” . Bối cảnh suy tư cuả TTT là phố nhỏ , có thể là chiều đã lên  . Trong bối cảnh ấy TTT thấy lòng mình mãi nhớ thương . Câu thơ tiếp nối dòng ý thức là “ Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực có thể là TTT nhìn thấy trong ý thức nhiều người đang ngủ ( muôn ngàn giấc ) đấy là những con người khốn khổ , lao lực kiệt sức ( nhổ máu ra khỏi ngực ) . Phép ẩn dụ tạo nên nhiều liên tưởng  , nhờ vậy câu thơ đa nghiã , đồng thời có cả thái độ bi phẫn cuả TTT .

 

Miêu tả dòng ý thức , đem vào thơ những giấc mơ hoang tưởng siêu thực , sử dụng những kỹ thuật  xáo trộn ngôn ngữ , rõ ràng TTT chịu ảnh hưởng những trào lưu hiện đại phương Tây , đó là bước cách tân cuả TTT. Nếu nói TTT cách tân thơ ca thì chính là kỹ thuật này , ở TTT đó là một kiểu tư duy nghệ thuật , một thi pháp

 

ai hỏi anh ngoài hàng dậu

lãng mạn lập thể siêu thực dã thú đa đa

( Chim )

Hiển nhiên các trào lưu hiện đại đang mời gọi TTT  . Trước các trào lưu Lãng mạn , Lập thể , Siêu thực , Dã thú , Đa đa  , TTT chọn thái độ nào ?

 

Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao

( Mưa Ngủ )

không đa đa siêu thực

thẳng thắn

khởi từ ca dao sang tự do 

(   Một Bài Thơ )

Xem tiếp phần 2

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 3504
Ngày đăng: 06.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gõ đời vào phím cô đơn - Nguyễn Đức Thiện
THANH TỊNH: Mòn Mỏi... Nhớ Huế! - Lê Xuân Quang
Ngọn gió lang thang về đâu . . . - Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Thơ Lục Bát , Một cõi trời mênh mông-1 - Bùi Công Thuấn
Thơ Lục Bát , Một cõi trời mênh mông-2 - Bùi Công Thuấn
CHÍNH HỮU: Ngọn Đèn Đứng Gác - Đã tắt! - Lê Xuân Quang
Thơ Nguyễn Lương Vỵ - Một tiếng gầm tịch liêu - Hồ Ngạc Ngữ
Nhụy Nguyên LẬP NGÔN QUA “LẬP THIỀN”* - Nguyên Hào
Chuyện tính mùa tạp kỹ * - Một bài tập lập dị có ý đồ và khuynh hướng hậu hiện đại. - Dư Thị Hoàn
Thanh Hoa và những truyện ngắn đầy suy tư về thế thái nhân tình - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)