Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
731
116.007.397
 
Đi tìm thơ hay -2
Bùi Công Thuấn

3. Phải chăng tác phẩm không có  can hệ gì với tác giả ?

 

            Sau khi bác quan điểm coi thơ hay là ở cái tâm cái tình  , ông Nguyễn Đình San phủ định luôn mối quan hệ giưã tác phẩm  và tác giả . Ông viết “ Tất cả những câu thơ  , bài thơ mà ta thấy hay là nhờ ở cái gì ? Không lẽ ta có ngọn đèn thần mà rọi vào trang giấy để xem thử cái tâm cuả tác giả hiện lên ra sao chăng ? hay vẫn phải căn cứ vào chữ nghiã ? Vậy nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ xem xét một bài thơ lại căn cứ vào những cái ngoài bài thơ , nhất là căn cứ vào tác giả ..”

 

 Phải chăng ông Nguyễn Đình San đã nhìn vấn đề theo quan điểm cuả Cấu Trúc Luận? Cấu Trúc Luận (structuralism)  xác định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ngôn ngữ , văn bản ,  tuyên xưng cái chết của tác giả; Văn chương  cuối cùng chỉ còn là cấu trúc văn bản , đoạn tuyệt với con người ?!

Đúng là mỗi tác phẩm ( thơ cũng như truyện ) là một sinh thể tồn tại độc lập với tác giả . Tác phẩm có cấu trúc nội tại riêng , có sinh mệnh riêng , có thần thái cốt cách riêng , và khi đã ra đời , tác phẩm không còn là cuả tác giả , nhiều khi tác phẩm nói tiếng nói không trùng khớp với tiếng nói cuả tác giả .

Nhưng “ văn là người “ . Từ Plato cho đến các nhà phê bình mới Hoa Kỳ, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều hoặc ít, người ta tin rằng một tác phẩm văn học , công trình sáng tạo , là con đẻ của của tác giả, diễn tả bản ngã của chính tác giả  ( Theo Nguyễn Minh Quân, "Từ lý thuyết đến phê bình” ) . Nội dung cuả tác phẩm chính là những “ cuộc bể dâu “ mà tác giả đã trải nghiệm. Chủ đề , tư tưởng cuả tác phẩm chính là những vấn đề tác giả nghiền ngẫm , nung nấu. Thông điệp về chân lý  trong tác phẩm mà tác giả muốn gửi tới người đọc , chính là sự giác ngộ cuả tác giả. Toàn bộ thế giới tâm hồn cuả tác giả được huy động để làm nên tác phẩm . Vốn ngôn ngữ dùng để viết  là ngôn ngữ cuả riêng tác giả , dù rằng ngôn ngữ ấy là cuả cái cộng đồng  . Và caí giọng điệu , cái tạng riêng cuả tác giả tạo nên cái giọng riêng cuả tác phẩm. Giọng Hồ Xuân Hương khác giọng Nguyễn Công Trứ . Giọng Trần Tế Xương khác giọng Nguyễn Khuyến ,giọng Phạm Tiến Duật khác giọng Tố Hữu , giọng Xuân Quỳnh khác giọng Xuân Diệu…Không có giọng riêng , sẽ không có văn chương. Không thể phủ định cá tính sáng tạo cuả nhà thơ nhà văn trong tác phẩm .

K. Marx  chỉ ra  bản chất xã hội cuả con người  , “ Trong tính hiện thực cuả nó , bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội “ ( K.Marx- Luận cương về Feuerbach , đoạn 6 ) . Con người sống là sống trong xã hội . Nó chịu sự quy định phức tạp cuả ý thức và các mối quan hệ xã hội ( Kinh tế , chính trị , luật pháp , đạo đức , phong tục , tập quán … )  . Chủ nghiã Tân Duy Sử và Duy Vật Văn Hoá (New Historicism and Cultural Materialism ) , chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác,  quan niệm văn học cần phải được đặt trong bối cảnh xã hội và văn hoá rộng lớn hơn: mỗi tác giả đều sống trong một thời đại nhất định, chịu ảnh hưởng và nội tâm hoá một số ý thức nhất định; những ý thức hệ ấy trở thành một phần trong tác phẩm của họ, bởi vậy tác phẩm của họ bao giờ cũng có tính lịch sử và bao giờ cũng ít nhiều tham gia vào sự tương tác giữa các quan hệ quyền lực trong xã hội. ( dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc )

Hơn bất cứ thể loại nào khác , thơ là tiếng nói trực tiếp cuả “ cái tôi “ tác giả , vì thế đọc thơ là tiếp cận trực tiếp với tác giả trước khi nhận ra những giá trị khác cuả tác phẩm .    

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, 
                tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một   tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay…trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!
Ðã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình! 
( Trừ Đi – Chế Lan Viên )

 

Đọc những dòng thế như thế , người đọc sẽ nghĩ gì về thông điệp mà Chế Lan Viên gửi đàng sau chữ nghiã ?

4.Đi tìm thơ hay .

           

     Thưởng thức nghệ thuật là sự cảm thụ riêng cuả cá nhân . Có người thích thơ , có người cả đời không biết đến bài thơ nào . Một bài thơ có thể là hay với người này và không hay với người kia ; Vì thế không thể có bài thơ hay với mọi người . Chẳng hạn việc tuyển 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX ,  ban tuyển chọn cho đó là hay nhưng có người bảo rằng trong 100 bài thơ ấy có tới 50% hay 70% là bài dở .

 

 Cũng có một thực tế  khác : đã có những bài thơ được nhiều người cho là hay và được truyền tụng qua nhiều thời  , qua nhiều biên giới quốc gia . Thơ Đường không chỉ là thơ đời Đường ( 618-906 ) ở Trung Quốc , mà trở thành một nền thơ nhân loại.  Thơ R.Tagore ( Lời Dâng  -  Gitanjali ) được yêu mến trên toàn thế giới . Lịch sử văn chương Việt Nam cũng  để lại nhiều tác phẩm giá tri .Vậy  đâu là bản chất cuả vấn đề ?

 

 Thơ hay , dở trước hết tuỳ thuộc vào đối tượng người đọc và thời đại đọc thơ .

 Người đọc là một thành tố quan trọng cuả sáng tạo nghệ thuât. Thuyết Người Đọc (reader theory ) xem người đọc là nguồn nghiã chính . Tác phẩm văn chương là một cấu trúc khác với thực tại , nó có vô số những điểm bất định: mỗi điểm bất định như thế là những khoảng trống mà người đọc cần phải lấp đầy và cụ thể hoá để tác phẩm văn học từ một cấu trúc xương xẩu biến thành một đối tượng thẩm mỹ thực sự. Công việc lấp đầy các khoảng trống và cụ thể hoá những điểm bất định này đòi hỏi ở người đọc khả năng tưởng tượng cũng như phán đoán và chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau như học vấn, trình độ tư duy , trình độ trải nghiệm , phương pháp đọc , năng lực giải mã ngôn ngữ,.. .  Trong tác phẩm ,tác giả đặt  ra ý nghĩa còn người đọc tạo dựng liên nghĩa; ý nghĩa chỉ có một và cố định trong khi liên nghĩa có thể thật nhiều và biến đổi theo thời gian  , mọi sự diễn dịch đều là cuộc đối thoại vô tận   . Người đọc còn mang theo một hệ thống liên chủ thể hoặc một hệ thống quy chiếu  dùng  để đánh giá khi tiếp cận tác phẩm . Người đọc còn là một thành viên cuả một  ‘cộng đồng diễn dịch’, bao gồm những hệ thống niềm tin, quy phạm và quy ước chung về văn học để dựa theo đó các cá nhân đọc, diễn dịch và đánh giá các tác phẩm văn học. v.v... Chính vì vậy, cái đọc biến dạng từ người này qua người khác, thậm chí, ở từng người, biến dạng từ lần đọc này qua lần đọc khác ( dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc – Các lý` thuyết phê bình  )

 

 Thời kháng chiến chống Pháp , người đọc là quần chúng công , nông , binh vưà thoát nạn mù chữ , lại đọc thơ trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ , thì những bài thơ giàu tính quần chúng sẽ được quần chúng đánh giá hay .

                                          Giọt giọt mồ hôi rơi

                                             Trên má anh vàng nghệ

                                             Anh vệ quốc quân ơi

                                             Sao mà yêu anh thế ..”

                                          ( Cá Nước – Tố Hữu )

Cũng vì thế mà Đất Nước - Nguyễn Đình Thi ; Màu Tím Hoa Sim –Hữu Loan ; Tây Tiến-Quang Dũng .. bị phê phán 

 

Vô tri bất mộ . Không hiểu biết thì không yêu mến ,  người trẻ hôm nay không cảm thụ được cái hay cuả  Đoạn Trường Tân Thanh  nếu không đuợc giảng giải tường tận về từ ngữ , điển tích , thi pháp , hoàn cảnh xã hội , tài năng sáng tạo cuả Nguyễn Du.  Em Nguyễn Phi Thanh , học sinh giỏi văn  lớp 11A18 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội , tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005 đã viết như sau :Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc...Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?...Lỗi không phải ở em , mà lỗi ở thầy cô không giúp các em hiểu những giá trị cuả tác phẩm. Tự các em không thể hiểu được đúng đắn tác phẩm ,  trình độ tư tưởng ,  tư duy  nghệ thuật , kiểu ngôn ngữ  và thời đại cuả Văn tế Nghiã Sĩ Cần Giuộc  đã khác với thời đại em đang sống . Bằng cảm giác ,  em chỉ viết được là “ không thích , không thể rung động ..”mà thôi.

 

     Chương trình Văn hiện nay , học sinh lớp bảy được học thơ Lý Bạch , Đỗ Phủ , học Cảnh Khuya , Rằm Tháng Giêng cuả Hồ Chí Minh , tôi nghĩ rằng điều ấy là quá sức đối với học sinh và với cả thầy cô giảng dạy . Thơ Đường là kiểu thơ tư tưởng. Tư duy thơ Đường là tư duy thiên về trí tuệ .Tứ thơ Đường là loại tứ thơ “ ý tại ngôn ngoại “ . Thơ Chữ Hán cuả Hồ Chí Minh cũng được viết với tư duy nghệ thuật như thế, hơn nưa,  những bài thơ ấy được kết tinh từ tâm hồn một con người uyên bác văn chương , văn hoá Đông , Tây , lại trải nghiệm mọi cảnh đời khắp năm châu bốn bể , học sinh lớp 7 làm gì có được trình độ như thế về trải nghiệm , về tâm hồn , về năng lực  đọc , để  hiểu và cảm  thơ. Nếu các em có chê  thơ không hay , ấy là tại trình độ cuả các em , không phải tại thơ dở . Đối với người bình dân thì ca dao là hay . Thơ lãng Mạn ( 1930-1945 ) chỉ hạp với khẩu vị thanh niên thành thị Tiểu Tư sản

Thành thị đương thời .Vì thế có hiểu thơ mới cảm được cái hay cái đẹp cuả thơ .

 

 Nhưng để hiểu thơ thật không dễ .Hoàng Cầm tâm sự : khi làm thơ ông phải đào xới mạch cảm xúc để cho “  ngôn thi, tâm thi và thần thi đều có thể xuất hiện trên trang viết Và cùng lúc đó thì có ba cái "thức" đều phải vận động, phải làm việc cho thơ. Đó là ý thức, tiềm thức và vô thức, cũng đủ cả một cặp: trí thức và tâm thức nữa . nhất là với toàn tập Về Kinh Bắc, tôi đã huy động tất cả nội lực của mình: cả thể lực, trí lực, tâm lực và đương nhiên, ở tôi, thần lực thường tự động làm bật ra rất nhiều lời thơ lắm khi tưởng như vô nghĩa, mà ngay bản thân tôi cũng không hiểu những từ ngữ chính mình viết ra mang ý nghĩa gì cụ thể. Ai hỏi tôi lá Diêu bông, cỏ Bồng thi là lá gì, cỏ gì, ở đâu? Tôi chịu không giải thích được. Ngay cả nhiều sinh viên khoa Văn ở Hà Nội cũng đã hỏi tôi: "Miếu Hai Cô" là ở đâu? Hai Cô nào? Tại sao lại thờ? Hoặc cầu bà Sấm là trên con sông nào, bến cô Mưa là ở khúc nào của con sông nào, tôi cũng chịu không có lời giải đáp. Hoàng Cầm bày tỏ một tâm nguyện : “Tôi hy vọng, rất chân thành, được gặp những tâm hồn bầu bạn, có độ lượng để bao dung, có tấm lòng nhân ái để thông cảm, có tri thức đủ để hiểu thấu đáo tác phẩm và tác giả, hiểu cả điểm mạnh và điểm yếu của một người suốt đời lấy Thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống..”

Thơ hay cuả thời này có thể là thơ không có người đọc ở thời sau đó. Ngày nay đọc lại thơ Lãng Mạn 1930-1945 , người đọc còn tìm được bao nhiêu bài là thơ hay ? Kiểu thơ Tượng Trưng , lối thơ bảy chữ , tám chữ , . kiểu ngôn ngữ cuả “ chàng và nàng “ ,  kiểu tâm trạng , kiểu “ cái tôi “ trong thơ đã trở thành “ cổ điển “ so với thời đại hôm nay . Cũng vậy , người đọc hôm nay dường như dị ứng với lối thơ tụng ca mà nhân vật trữ tình xưng “ ta “ tự dại diện cho tất cả , sử dụng kiểu ngôn ngữ hướng về quần chúng : Mẹ ơi ! em ơi ! , cò ơi! Nghé ơi ! Mây ơi !. ..Kiểu thi pháp ấy Tố Hữu , Chế Lan Viên , Phạm Tiến Duật đã có những bài thơ đạt đỉnh cao mà những người đi sau chỉ lặp lại lối mòn.

 

 Thời hôm nay cần một kiểu tư duy nghệ thuật khác , một kiểu ngôn ngữ khác , một cách thể hiện khác, đòi hỏi một đối tượng người đọc khác và cách đọc khác.

Mùi quế hương lưu vong
tấm lưng trần liệm nắng
ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất
những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!

Se tháng năm vất vưởng đáy rốn
nhúm nhau dạt chân trời
không tổ chức
lụt bão
luật lệ
tử cung
sự giao lưu hoang hoải ngực Mạ
một ngày mai tinh khôi vân tay
một ngày thơ cô đơn rực rỡ mai San Francisco
hao gầy
bóng Mỹ
nợ nần
lửa khói
hoe đáy mắt phù du Thiên Cầm
phủ dụ kiếp biển
mùi nước mắm vàng lên chân lời Hồng Lĩnh

( Văn Cầm Hải – Hoe Chân Lời )

Với bài thơ trên thì cách đọc cảm tính hay cách đọc truyền thống có thể sẽ dẫn đến sự bất lực trong việc tiếp cận tác phẩm .

Theo tôi , đã có những dấu hiệu cuả cách viết Hậu Hiện Đại (Postmodernism  ) trong bài thơ . Đó là sự phá vỡ trật tự không  gian; sự rỉ mòn của cảm thức về thời gian; việc trải chữ lên bề mặt của văn bản như những ký hiệu vật chất manh mún; sự liên kết lỏng lẻo giữa các ý tưởng; tính cách đa nghi hoang tưởng (paranoia)… và những cặp vòng tương tác (vicious circles), ( 1) Nói cụ thể , cấu trúc truyền thống cuả một bài thơ đã bị phá vỡ . Không có sự liên kết các yếu tố để tạo ra một cốt truyện, không có bối cảnh không gian. Ý thức thời gian rạn vỡ , không có nhân vật trữ tình ( yếu tố cốt lõi cuả thơ truyền thống ) , có sự lắp ghép các mảnh , đem vào những yếu tố ngẫu nhiên , tạo ra sự xáo trộn cuả ngôn từ , phương thức trữ tình là phương thức đặc trưng cuả thơ được thay thế bằng phương thức phơi bày trên giấy những hoang tưởng , từ đó người đọc không thể nhận ra nội dung , chủ đề như trong một bài thơ truyền thống , đáp ứng yêu cầu phủ định những đại tự sự mà thay vào đó là những tiểu tự sự. Người đọc không còn nhận ra bất cứ  đại tự sự nào trong thơ 45-75 như kiểu nhân vật trữ tình sử thi, sự thể hiện chủ nghiã anh hùng cách mạng , hình ảnh nhân dân vĩ đại , tình cảm yêu nước , lòng tự hào dân tộc … mà thay vào đó là sự vỡ vụn cuả hiện thực : không tổ chức / lụt bão / luật lệ / tử cung / hao gầy / bóng Mỹ /  nợ nần / lửa khói / hoe đáy mắt phù du / mùi quế /  lưng trần / râu khoai / bầu vú / đáy rốn / nhúm nhau / ngực Mạ / vân tay ..
           
Quả nhiên , bài Hoe Chân Lời đã có những dấu hiệu mới mẻ cuả thi pháp . Nhưng bài thơ có hay không, câu trả lời thuộc về sự cảm nhận cuả mỗi người .

 

             Vậy cái hay cuả thơ tìm ở đâu ?

             Tác phẩm nào cũng có những lớp cấu trúc . Những lớp này phải tuân theo những quy luật cuả ngôn ngữ và tư duy . Nếu xem cấu trúc cuả một tác phẩm văn chương là những lớp vòng tròn đồng tâm thì lớp ngoài cùng , lớp thứ nhất là ngôn ngữ và hình thức cấu trúc , bút pháp , cách thể hiện ( các yếu tố hình thức ). Lớp thứ hai bên dưới ngôn từ là nội dung , được kể hay được trình bày hay phơi bày , bộc lộ . Lớp thứ ba bên dưới nội dung là chủ đề  và lớp thứ tư , lớp cốt lõi là tư tưởng , ẩn dưới nội dung và chủ đề .

 

            Nếu tác phẩm chỉ mới lạ ở lớp thứ nhất ( hình thức ngôn ngữ ) , thì có chăng chỉ tạo được sự

hiếu kỳ “ đối với người đọc ( như sự hiếu kỳ dành cho Buồn Xưa cuả Nguyễn Xuân Sanh và bài Hoe Chân Lời cuả Văn Cầm hải ) .Cái hay cuả lớp thứ hai ( nội dung , tâm trạng ) đã đem đến cho tác phẩm ít nhiều giá trị  .Chẳng hạn nội dung các bài thơ : Hai Sắc Hoa Tygôn; Lỡ Bước Sang Ngang ; Chuà Hương , Núi Đôi , Quê Hương ( cuả Giang Nam ) .Cái hay cuả lớp cốt lõi là tư tưởng , mới làm nên giá trị vĩnh cửu cuả thơ. Sự tồn tại bền vững cuả những bài thơ những nền thơ lớn luôn là thơ tư tưởng ( Thơ Đường , thơ Thiền , R. Tagore(Lời Dâng  -  Gitanjali )  , Walt Whitman ( tập  Lá Cỏ - Leaves of Grass ) .Đoạn Trường Tân Thanh …

 

            Tác phẩm văn chương là tác phẩm ngôn ngữ. Chức năng quan trọng cuả ngôn ngữ là giao tiếp , tư duy và thẩm mỹ. Nếu tác phẩm văn chương không  đáp ứng được yêu cầu cuả những chức năng cơ bản này , văn chương sẽ không tồn tại . Cũng không nên lầm lẫn giưã cái hay cuả tác phẩm với giá trị cuả tác phẩm .Cái hay mới chỉ là một phần  nằm trong giá trị thẩm mỹ. Tác phẩm văn chương còn có những giá trị khác . Những giá trị đích thực và vĩnh cửu là những giá trị  gắn với nhân dân , dân tộc , thời đại , góp phần làm thăng tiến đời sống , tâm hồn con người .

 

            Trong đời sống kinh tế thị trường , mọi thứ đều trở thành hàng hoá . Thị trường có nhiều chủng loại hàng hoá  phục vụ cho yêu cầu nhiều đối tượng khách hàng .Tất cả đều vận hành theo vòng quay cuả chủ nghiã thực dụng , phải đổi mẫu mã liên tục . Giá trị một món hàng là do quảng cáo , do chiến lược tiếp thị quyết định . Nhà sản xuất tạo ra thị hiếu , tạo ra nhu cầu cho người tiêu dùng . Văn chương nghệ thuật không tránh khỏi quy luật ấy . Chẳng hạn trong lãnh vực âm nhạc ,  vẫn có người thưởng thức Giao hưởng , có người chỉ nghe nhạc trữ tình tiền chiến, giòng nhạc trữ tình cách mạng vẫn là tiềng nói tâm hồn cuả thời đại , nhưng vẫn có nhiều người  ghiền nhạc “ sến “ , các bạn trẻ bị cuốn vào Hi-Hop , hát  Rap như cãi nhau , trên sân khấu chỉ có ồn ào , nhảy nhót loi choi , người ta đem sinh hoạt đường phố cuả người bình dân lên sân khấu. Đủ mọi thứ nhố nhăng .  Một ca khúc thời trang trước kia đứng được chừng một năm , giờ không sống được hai tháng . Nhìn vào thị trường văn chương , nhiều tác giả tác phẩm được tiếp thị nổi đình nổi đám , và nhiều người đọc đã bị lưà  . Cũng đủ thứ thơ rác ,  thơ dơ , văn chương Sex - thứ sex  bẩn đuợc tác giả  tiếp thị là nghệ thuật  . Cũng  bôi mặt vẽ trò , phô diễn mông đùi đình đám . Thôi thì cứ muá cho vui , cứ màu sắc cho rực rỡ, cứ sex cho tươi mát , cứ nhảy nhót cho sinh động , cứ la hét to cho sôm tụ , để được cả danh và cả tiền…Thị trường mà !

 

   Nhưng trong cái xô bồ ấy ,  chỉ những giá trị thực mới tồn tại .Rác rưởi rồi sẽ trôi lềnh bềnh vào quên lãng. Những bôi mặt vẽ trò mua vui được chốc lát rồi cũng lộ ra hình hài tầm thường .

 

               Người yêu thơ , đi tìm thơ hay , sẽ tìm thấy gì trong cái chợ trời ồn ào xô bồ ấy ?

 

   Thiên tài thơ ca rồi sẽ xuất hiện , như đã từng xuất hiện những Xuân Diệu , Nguyễn Bính , Hàn Mặc Tử , Chế Lan Viên , Hoàng cầm , Quang Dũng , Phạm Thiên Thư …Nhưng trước hết người đọc thơ phải là ngườ có tấm lòng tri kỷ như mong mỏi cuả Hoàng Cầm thì mới mong tìm thấy thơ hay : “ Tôi hy vọng, rất chân thành, được gặp những tâm hồn bầu bạn, có độ lượng để bao dung, có tấm lòng nhân ái để thông cảm, có tri thức đủ để hiểu thấu đáo tác phẩm và tác giả, hiểu cả điểm mạnh và điểm yếu của một người suốt đời lấy Thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống.

 

                                                                                                                        Tháng 6 / 2007

 

(1) ( Dẫn theo bản dịch cuả Hoàng Ngọc Tuấn  từ nguyên tác  "Postmodernism and Literature, or: Word Salad Days, 1960-90", ed. Stuart Sim (Cambridge: Icon Books, 1998)

 

 

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 4226
Ngày đăng: 20.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi đau của Chế Lan Viên - Khổng Ðức
Trở lại đoạn kết Truyện Kiều - Nguyễn Minh Hùng
Đọc lại bài THU ĐIẾU, THU VỊNH của Nguyễn Khuyến - Khổng Ðức
Triệu Xuân luôn luôn “Lấp lánh tình đời” - Nguyễn Tý
Hữu Loan và màu tím hoa sim - Nguyễn Đức Hiệp
Có chăng một Nhà thơ Hồ Xuân Hương ?! - Đoàn Hữu Hậu
Bài thơ cuộc đời của nhà văn Trang Thế Hy đã tìm ra chính bản. - Phan Tấn Tài
“Màu tím hoa sim” bản nào là đúng nhất ? - Nguyễn Minh Hùng
Chuyện buồn [Hết] …Cười [Nổi] : Về bài Văn chương mạng của Inrasara trên báo Văn nghệ số 20, 19.05.2007. - Inrasara
Lại nói về Linh Phương là tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em - Vũ Trọng Quang
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)