Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
733
116.542.600
 
Luật tục Katu về các mối quan hệ gia đình : Quan hệ cha mẹ và con cái
Lê Anh Tuấn *

Ðồng bào Katu quan niệm: con cái là quà tặng của Yang, đông con là một điều may mắn, là ân huệ lớn mà Yang ban cho. Khi một đứa con ra đời là niềm vui không chỉ của cha mẹ, gia đình mà cả dòng họ và bản làng. Chính vì thế người phụ nữ Katu cũng nào cũng trải qua nhiều lần sinh nở trong vai trò làm vợ. Thực tế đẻ nhiều không phải là một việc làm vô thức mà xuất phát từ yêu cầu khách quan của nền kinh tế nương rẫy với lối canh tác thủ công: thêm một thành viên là thêm một nhân công. Trong thực tế hoạt động sản xuất, gia đình có nhiều nhân lực là tiền đề đem lại sự giàu có ấm no, là điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Ðây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quan niệm coi trọng con trai, họ được ví như “cây cột Cái” trong nhà; phát triển Tor, Kabhuh;  con gái chỉ có giá trị khi đi lấy chồng, qua việc thách cưới. Ðiều này đã tác động rất lớn đến tâm lý phân biệt con trai và con gái trong đối xử.

 

Tuy nhiên, trong thực tế mỗi ông bố bà mẹ Katu đều bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết vào nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Từ khi mang nặng đẻ đau cho đến lễ đặt tên, lễ thành đinh, họ luôn cố gắng hạn chế những rủi ro, cầu mong thật nhiều điều tốt lành cho con cái bằng nhiều lễ cúng phức tạp.  Khi đứa trẻ mới sinh ra cha mẹ phải làm một lễ nhỏ báo cáo với các vị thần linh và ma quỷ; từ một tuầng đến một tháng tuổi cha mẹ làm lễ nhập họ, đặt tên cho đứa trẻ (tên đó phải trách trùng với tên của ông bà, những người đã khuất thì đứa trẻ mới không bị ốm đau); khi đến tuổi thành niên phải trải qua các nghi lễ như cà răng, căng tai... Ðây vừa là nghĩa vụ vừa là tình thương của bậc cha mẹ, bởi trong quan niệm tín ngưỡng cũng như trong quy định mang tính luật tục, nếu cha mẹ cúng bái, lễ lạt không đầy đủ, chu đáo để cho ma quỷ về quấy phá, làm hại, dẫn đến con cái bị đau ốm, bệnh tật sẽ bị lên án là người vô trách nhiệm.

 

Họ dạy con cái từ những điều nhỏ nhất trong ứng xử hàng ngày cho đến các nghi thức trong lễ tiết, hội hè. Ðể giáo dục tính thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cha mẹ thường nói với con cái: “A chăk kiếc biết chiêu” (tạm dịch: mình ăn ít chia họ ít, ăn nhiều chia họ nhiều).

 

Cha mẹ Cơ tu là tấm gương cho con cái noi theo, khi con cái hư hỏng, lười biếng chính là lỗi của cha mẹ đã không biết bày dạy, không thực hiện tròn nghĩa vụ của mình. Luật tục quy định xử phạt bố mẹ khi con cái (nhỏ tuổi) vi phạm: phải đứng ra xin lỗi, chịu phạt với làng. “Ðeban truôi cel loong loong cur alic ăn truôi nghẽ moi taral. Ðe truôi atây choong moi lam te kuôi pết pung pit kang nghẽ moi tanol nương” (tạm dịch: một người làm sai mà mất heo cả nhà, mất gà vịt cả làng; ăn trộm một hạt mã não mà mất xong nồi cả). Vì thế, họ giáo dục con cái từ nhỏ tiếp xúc với công cụ lao động, làm quen với nương rẫy, với công việc đi rừng săn bắn; ứng xử giao tiếp với mọi người; giáo dục đức tính thương người, lòng yêu quê hương, sự kính trọng ông bà... qua những câu chuyện kể, những bài hát lý.

 

“Ăn no bụng bằng con mang

Uống nhiều bụng bằng con cá sấu

Cái tay lười không chịu làm

Răng dài như con mang

Răng dài như con cá sấu”.

 

Hình thức hát lý với những hình ảnh ví von đầy hình tượng trực quan, sinh động thường được người Cơ tu dùng để giáo dục, khuyên răn cũng như chê bai những thói xấu tật hư, ít khi chửi mắng hay đánh đập con cái. Nhiều khi họ chỉ nói với con cái rằng: “Li lãm lam trikên, li lãm lam triêêch”, tấm lòng mình phải đẹp như cỏ trikên, đẹp như cây triêêch.

 

Một trong nhưng nội dung khác của luật tục là, việc giáo dục con cái, nhất là nam nữ thanh niên hiểu về những điều cấm kỵ của gia đình, dòng họ, trong đó coi trọng đến các mối quan hệ nam nữ trước hôn nhân. Nam nữ trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua một khoảng thời gian tìm hiểu, phải được sự mai mối của ông Mai, bà Mối, sự thuận tình của hai gia đình, hai dòng họ. Bất luận trong mọi trường hợp, con cái cưỡng lại quyết định hay chưa được sự đồng ý của cha mẹ tự ý thực hiện những điều không được phép đều bị coi là vi phạm. “Chơi thì không được làm bậy, làm bậy thì thiệt cho mình và gia đình. Khi yêu phải báo cho cha mẹ để lo cưới xin” (tạm dịch từ: Pavoc pânal pevốt pêchôal pelai ơ chaly kiđiêl kâcal nên nghai pờ liel bơe thuôl ây amế ama vôt timol kiđiêl).

 

Khi quy định điều này, luật tục Katu đồng thời quy định nghĩa vụ của cha mẹ trong việc dạy bảo, giáo dục con cái, làm cho con cái hiểu rằng việc trở thành vợ chồng của nhau có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt cá nhân lẫn xã hội, về mặt vật chất cũng như tín ngưỡng.

 

Ðáp lại công ơn trời bể của cha mẹ, con cái luôn sống có đạo hiếu, với họ, cãi lại cha mẹ là điều không thể chấp nhận cả về lỗi hành vi lẫn luật tục. Hành vi đó không những bị dư luận chê cười, họ hàng khinh bỉ, mà còn bị xử phạt, nếu mức độ nghiêm trọng. Luật tục quy định nghĩa vụ con cái: vâng lời cha mẹ, chăm sóc nuôi dưỡng khi ốm đau, phụng sự khi về già, lo tang ma thờ cúng khi qua đời.

 

Nếu lễ đặt tên, lễ thành đinh là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái, thì lễ khơi là sự đền đáp của con cái đối với cha mẹ. Trong lễ “khơi” tính chất đạo đức của mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ được thể hiện khá rõ, và trở thành đạo lý ăn sâu vào mỗi con người Katu. Lễ mang một ý nghĩa cao cả: báo hiếu. Khi không thực hiện lễ này người con cảm thấy ân hận suốt đời vì không làm tròn nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ; trong cuộc sống họ bị dân làng coi khinh. Với những ý nghĩa đó, nếu hiểu hết được nội dung, tính chất của lễ “khơi” ta sẽ hiểu rõ hơn về tính giáo dục nhân cách, về mối quan hệ của những người thân trong gia đình Katu. Có thể nói, lễ “khơi” vừa mang giá trị đạo đức vừa có ý nghĩa về khía cạnh luật tục; là cơ sở cho sự hình thành các quy định của luật tục trong điều chỉnh các mối quan hệ gia đình. 

Lê Anh Tuấn *
Số lần đọc: 3498
Ngày đăng: 26.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đình và lễ hội cúng đình ở nông thôn Khánh Hoà xưa - Nguyễn Man Nhiên
Luật tục Katu về các mối quan hệ gia đình : Quan hệ vợ chồng - Lê Anh Tuấn *
Tục cưa răng : Từ quan niệm đến lễ thức - Trần Đức Sáng
Lễ hội đâm trâu – Một hình thức sinh hoại cộng đồng nhiều ý nghĩa của đồng bào người Katu - Lê Anh Tuấn *
Truyền thống của người Chơ Ro. - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Vấn đề đáp ứng nhu cầu cho con người – Cư dân vùng đồng bằng Sông cửu long - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Hành trình Katê - Inrasara
Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt - Hà văn Thùy
Kinh Lá trong các Chùa dân tộc Kmer Nam Bộ - Trần Bắt Gặp
Khám phá mới di truyền học về lịch sử con người ở Đông Á - Nguyễn Đức Hiệp