Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
734
116.009.069
 
Đình và lễ hội cúng đình ở nông thôn Khánh Hoà xưa
Nguyễn Man Nhiên

Trong lịch sử dân tộc, vùng đất Khánh Hòa ngày nay chính thức trở thành đất đai Đại Việt vào năm 1653. Cùng với quá trình khai hoang lập làng, quy dân lập ấp, những thiết chế văn hóa truyền thống của người Việt như đình, chùa cũng được xây dựng trên vùng đất mới. Trải qua hơn 3 thế kỷ rưỡi với nhiều đổi thay, biến động, hiện nay Khánh Hòa còn khoảng trên 200 ngôi đình phân bố ở hầu khắp địa bàn các huyện, thị xã và thành phố.

 

KIẾN TRÚC NGÔI ĐÌNH

 

Ngày xưa vật liệu xây dựng còn thô sơ, nghèo nàn, tùy hoàn cảnh địa phương các đình ở Khánh Hòa thường được xây cất bằng:

- Ghè ống: một loại gạch cổ hình tròn như cái ống, lớn cỡ bình thuỷ 1 lít, dài khoảng 25 phân, đầu dưới bịt kín, đầu trên là miệng hơi túm lại một chút, làm bằng đất sét tốt nung kỹ, chắc hơn gạch thường, chịu đựng trên 100 năm.

- Đá san hô loại miếng to và mỏng gọi là “san hô bánh tráng”, ghép lại hai ba miếng làm một.

- Đá san hô cục to, đẽo bớt cạnh cho gọn.

Những đình ở ven biển thường dùng đá san hô, lấy lên khỏi nước mặn phải phơi nắng mưa ít nhất 6 tháng cho hết chất muối biển rồi mới xây cất, khi đó đá san hô sẽ giữ chất vôi vữa lâu bền cả trăm năm.

 

Những hình ảnh tượng trưng cho sự linh thiêng như Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), Ông Hổ,  Lưỡng long tranh châu, Lưỡng long chầu nguyệt … được đắp trên các mái đình, trên án thờ, trước cổng đình, bằng vôi vữa trộn mật đường và nước nhớt của các loại vỏ cây bời lời, dây tơ hồng hoặc các cây có chất keo, độ bền có khi đến 200 năm.

 

Nóc đình xưa lợp ngói “âm dương”, đến giữa thế kỷ XIX lợp “ngói vảy cá”, từ thế kỷ XX lợp “ngói tây” là ngói làm theo khuôn của Pháp, bằng xi măng và cát, bền chắc hơn ngói ta bằng đất sét.

Bên trong đình là các hàng cột to nguyên thân cây cổ thụ. Rừng núi Khánh Hòa vốn nổi tiếng nhiều gỗ quý, tuỳ theo mức đóng góp của nhân dân địa phương mà tha hồ lựa chọn.

Về kiến trúc, hầu hết những ngôi đình trong tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ đều xây cất cùng một kiểu giống nhau, gồm có:

 

- CHÁNH ĐIỆN: Chia làm ba gian, gian giữa để bàn thờ chính, trên vách có treo tấm biển viết chữ “THẦN” bằng Hán tự thật lớn. Hai bên để bàn thờ hai vị thần tả - hữu, là hai vị thần hỗ trợ cho thần chính. Trước bàn thờ có cặp chim lạc đứng trên lưng rùa. Kế đến là hai giá cắm lô bộ, binh khí (thường là 18 môn binh khí - thập bát ban võ nghệ), trống, chiêng và một khoảng trống để Hương chức lạy cúng.

 

Đồ thờ để trên bàn Thần gọi là “tam sự” gồm có chính giữa là lư hương, hai bên là hai cây đèn, hoặc “ngũ sự” thêm hai ống cắm nhang. Tam sự hay ngũ sự bày thẳng một đường phía ngoài hương án, phía trong có hai độc bình. Chính giữa là một cái khay chân quì, trên để ba cái đài, mỗi đài có chén đựng rượu, cơi trầu và bát nước. Sau ba ngày cúng tế, Ban Tế tự cất hết những đồ thờ chỉ chừa lại cái lư cắm nhang, để phòng kẻ trộm.

 

- VÕ CA, VÕ QUY: Ngạch cửa của chánh điện dính liền với một gian rộng bằng ba gian trong, thành một nền hình chữ nhật gọi là võ ca, gồm một khoảng nền trống để ghế ngồi ngay giữa, hai bên là sạp gỗ đóng như bậc thang, là nơi dân chúng ngồi xem hát gọi là võ quy. Phía trong là sân khấu để đoàn hát bộ trình diễn mỗi khi cúng kiến hầu vị Thần xem. Đình nào nghèo không có làm sạp gỗ như bậc thang thì dân chúng tự động đem ghế đẩu ngồi xem hát.

Cạnh đình có căn nhà bếp, phía trước là phòng ăn, gọi là nhà tổ. Trong ngày cúng đình đồng bào đến nấu nướng cho hương chức và nhân dân ăn. Trước cửa vào đình có cổng tam quan với tấm bình phong vẽ hoặc chạm hình cọp, gọi kính cẩn là Ông Hổ. Sau cổng tam quan có nền gạch cao, gọi là nền Xã tắc, giữa có bia thờ Thần Nông, bên trái có miếu thờ Thổ Thần và miếu thờ Sơn Quân, bên mặt có miếu thờ Ngũ Hành và miếu thờ Long Thần.

 

HƯỚNG CỦA ĐÌNH VÀ CÁCH BÀI TRÍ

 

Trước khi cất đình người ta phải nhờ một thầy địa lý hoặc một người am tường về thuật phong thuỷ định hướng ngôi đình. Ngày xưa tổ tiên ta chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, thường làm theo sách vở của Tàu. Nhà vua dựng đền đài, cung điện, tôn miếu, đền tế Nam Giao đều quay mặt về hướng Nam, có ý mong được sự sáng suốt như lửa đỏ vì hướng Nam thuộc về hành Hoả (lửa). Đình ở Khánh Hòa cũng xây cất không ngoài định lệ trên. Thường thường đình nào cũng quay mặt về hướng Nam với hy vọng dân làng được sống yên ổn, làm ăn khá giả.

 

Đồ trang hoàng trong đình theo nghi lễ thông thường gồm có:

- Tàng, lọng, cừ, quạt, võng, ngựa, chiêng, trống, kiểng, cổ lịnh, thái bình (cái mõ bằng cây).

- Bát bửu và Lô bộ để trên giá gần bàn thờ Thần, dựng hai bên để ngăn bàn thờ ở gian giữa.

- BÁT BỬU: Xưa nay Bát bửu hay Lô bộ không được ấn định thước tấc hoặc bao nhiêu món, như Bát bửu có nơi 8 món, có nơi 10 hoặc 12. Một tư liệu ghi Bát bửu gồm có: 1. Pho sách, 2. Cuốn thơ, 3. Lẵng hoa, 4. Bầu rượu, 5. Bàn tỳ, 6. Cái quạt, 7. Phất trần, 8. Gậy như ý. Một tư liệu khác ghi Bát bửu là 8 món của 8 vị Tiên cầm ở tay: 1. Cái quạt của Chung Ly Quyền, 2. Đôi xến của Lữ Đồng Tân, 3. Bầu rượu của Lý Thiết Quài, 4. Thanh gươm của Tào Quốc Cựu, 5. Lẵng hoa của Lâm Thái Hoà, 6.  Gậy của Trương Quả Lão, 7. Ống tiêu của Hàng Tương Tử, 8. Hoa sen của Hà Tiên Cô.

- LÔ BỘ: Một tư liệu ghi Lô bộ là 8 món: 1. Quả đấm, 2. Quạt, 3. Bút, 4. Bài, 5. Búa, 6. Kích, 7. Đao, 8. Gậy. Một tư liệu khác ghi Lô bộ là 18 món võ khí thời xưa (thập bát ban võ nghệ): 1. Chùy, 2. Trái đấm, 3. Búa, 4. Kích, 5. Kiếm, 6. Song kiếm, 7. Trường thương, 8. Đại Đao, 9. Đoản đao, 10. Siêu đao, 11. Roi, 12. Mác, 13. Khiên, 14. Xà mâu, 15. Giáo, 16. Cung tên, 17. Rìu, 18. Côn. Cũng có nơi ghi 14 hay 16 món kể cả hai bên, có khi trên giá Lô bộ có cả cờ và lọng. Sắm Lô bộ tại đình cho đúng cần phân biệt đình Thần của quan văn, quan võ, hoặc cả quan văn lẫn võ.

- LỌNG: Lọng ở đình luôn luôn là lọng màu vàng, khác nhau theo cấp bậc của vị Thần:

- Thượng đẳng Thần: 4 lọng vàng, mỗi lọng có 20 tụi thòng xuống.

- Trung đẳng Thần: 4 lọng vàng, mỗi lọng có 16 tụi thòng xuống.

Chỉ riêng miếu thờ Phước Thần: 4 lọng xanh, mỗi lọng có 12 tụi thòng xuống. Mỗi ngôi đình có một là cờ lớn là “Cờ lịnh”, thượng lên khi đình có đại lễ hoặc ngày Tết Nguyên Đán. Trong đình có cờ ngũ hành hay năm lá cờ hình vuông có 5 màu: xanh thuộc mộc, đỏ thuộc hỏa, trắng thuộc kim, tím thuộc thủy, vàng thuộc thổ.

 

ĐÌNH VÀ MIẾU

 

Miếu nhỏ hơn đình rất nhiều, diện tích chỉ khoảng hơn 1 đến 2 mét vuông, vừa đủ để bàn thờ và một khoảng trống để phẩm vật cúng kiến. Trong miếu không có tượng Thần Thánh, chỉ có chữ nho trên bức hoành ghi tên vị Thần như bà Cửu Thiên, Bà Chúa xứ, Sơn Thần, Cô Hiên v v… và lư hương, chân nến, hoa treo, đèn kết. Trên nóc miếu người ta gắn hình rồng, cá hoá long, hoặc để trơn như mái nhà.

 

Cũng có nơi do địa thế thuận tiện, người ta xây cất miếu khá to như Miếu Bà ở Đèo Bánh Ít (thuộc thôn Hà Thanh, xã Ninh Đa, Ninh Hoà). Miếu Vạn An ở Cây Dầu Đôi (nay thuộc xã Diên An huyện Diên Khánh) ngày trước là cái miếu nhỏ thờ Thần (gọi là miếu Ông Cây Dầu), nhưng từ khi có sự kiện Bình Tây đại tướng Trịnh Phong - lãnh tụ phong trào yêu nước chống Pháp tại Khánh Hòa bị bắt tại mặt trận Hòn Khói rồi bị giặc Pháp chém và treo thủ cấp tại cây dúi phía trong miếu nên sau đó dân làng Phú Ân thờ ông tại miếu này, từ đó gọi là miếu Trịnh Phong.

 

LỄ HỘI CÚNG ĐÌNH

 

Hầu hết các đình ở Khánh Hòa đều theo lệ cúng mỗi năm hai lần (xuân thu nhị kỳ), nhưng cũng có một số đình chỉ cúng mỗi năm một lần như đình Cửa Bé (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) cúng một lần vào tháng 10 âm lịch là tháng biển động, ngư dân nghỉ hành nghề. Ngày cúng đình mỗi nơi mỗi khác, tùy theo tập quán địa phương. Cúng xuân vào tháng 3 hoặc tháng 4 âm lịch là cúng kỳ an tức cầu Thần hộ trì cho quốc thái dân an, cúng thu vào tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch là Thu tế, lễ tạ ơn Thần. Tùy theo điều kiện kinh tế và sinh hoạt, mỗi nơi chọn lễ cúng nào là lễ chính (chẳng hạn ở đình Ngọc Hội, đình Phú Vinh cúng xuân là lễ chính, còn ở đình Phương Sài cúng thu là lễ chính).

Những vị thần được thờ tại đình gồm: Thành Hoàng Bổn Cảnh tức vị Thần phù hộ; các vị Thần ở địa phương được triều đình sắc phong; các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền có công lập ấp, lập làng giúp đỡ nhân dân; các vị quan có công với triều đình khi chết được sắc phong. Đình đóng cửa quanh năm, hàng ngày có ông Từ lo việc nhang khói và quét dọn, chỉ mở cửa trong mấy ngày cúng xuân, cúng thu. Thường thường lễ cúng gồm có: lễ rước sắc; lễ cúng Thần; lễ cúng Tiền hiền - Hậu hiền; lễ cúng Bà Thiên Y Thánh mẫu (làng thôn nào có miếu Bà thì việc thờ cúng Bà được tổ chức tại miếu); lễ dâng hoa; lễ tụng kinh cầu an; lễ tống na.

 

TƯ LỢI CỦA ĐÌNH VÀ QUỸ TẾ TỰ

 

Trước năm 1975 đình ở vùng nông thôn được làng cấp ruộng đất gọi là công điền công thổ từ 5 đến 10 mẫu ruộng hạng nhất tuỳ theo sổ công điền của làng. Ruộng đất này khỏi đóng thuế, là tư lợi của đình để lo việc tế tự hàng năm và tu bổ đình. Việc sử dụng tư lợi của đình được giao cho Ban Tế tự quản lý:

- Trích ra 1 hay 2 sào cấp cho ông Thủ sắc là Hương chức được cử giữ sắc phong của triều đình tại nhà.

- Trích ra 1 sào cho ông Từ, người coi việc nhang khói hàng ngày và quét dọn đình, gọi là ruộng hương đăng.

- Ruộng đất còn lại thì cho thuê hoặc đấu giá.

Những đình ở Ninh Hoà, Vạn Ninh có ruộng thì cho các chủ nuôi vịt bầy đấu giá để họ thả vịt ăn lúa rụng sau khi gặt, gọi là đấu giá “lạc túc”, lấy tiền sung vào các quỹ tế tự, tu bổ đình. Đình nào quỹ ít, không đủ cho mỗi lần cúng hoặc tu bổ thì dân chúng đóng góp thêm.

Những đình ở thành phố Nha Trang và các làng ven biển vì không có ruộng đất làm tư lợi đều dựa vào sự đóng góp của nhân dân địa phương. Dân gian có câu “cúng Thần, Thần đãi” nên dù ít nhiều tùy hảo tâm, không hạn chế, khi kêu gọi đóng góp để cúng lễ thì không ai keo kiệt, từ chối, nhất là các chủ nậu, chủ chành, chủ vựa, các tiệm buôn lớn, các chủ nghề lớn như lưới đăng, lưới cản, giã cào… vì đây là dịp để trả lễ Thánh Thần và để chứng tỏ sự hào phóng.

Từ 1985 đến nay quỹ tế tự của nhiều đình ở ven biển như đình Cù Lao, đình Cửa Bé, đình Vĩnh Nguyên (Nha Trang), các đình ở Hòn Khói, Ninh Hoà, Vạn Ninh, Cam Ranh được dồi dào hơn nhờ sự ủng hộ của bà con Việt kiều mỗi lần về thăm quê cũ.

 

BAN TẾ TỰ

 

Trước đây, mỗi đình có một Ban Tế tự, phần đông là các ông Hương chức trong làng, mỗi người giữ một phận sự cùng chung lo chăm sóc, tu bổ, cúng tế và mọi việc liên quan đến ngôi đình. Thành phần Ban Tế tự do dân làng bầu ra, thường gồm 9 người :

- Chánh tế hay Chánh bái: 1 ông

- Phụ tế hay Bồi bái: 2 ông

- Đông hiến hay Tả Ban: 1 ông

- Tây hiến hay Hữu Ban: 1 ông

- Kích hát hay người đánh mõ: 1 ông

- Chinh hay người đánh chiêng: 1 ông

- Cổ hay người đánh trống: 1 ông

- Đao phủ thủ hay người thọc huyết heo: 1 ông

 

Ông Chánh tế thường là ông Thủ sắc trong làng hoặc ông Lý trưởng. Trường hợp hai ông này không thể đảm nhận được (vì nhà đang có tang hoặc vợ có bầu) thì cử một ông khác phải là người có uy tín, đạo đức trong làng.

 

Khi chuẩn bị tế lễ, các ông trong Ban Tế tự tập hợp ra mắt trước án Thần, ai vào vị trí nấy, 2 ông phụ tế đứng hai bên trái phải của Chánh tế, 2 ông Đông hiến, Tây hiến đứng bên bàn thờ phía đông và tây theo hướng của đình. Đến giờ hành lễ, Ban Tế tự làm theo lời xướng của Lễ sanh (học trò lễ) hoặc ông Thầy lễ.

 

Ngày xưa Ban Trị sự của làng ngoài ông Lý Trưởng còn có các ông lo phụ việc cụ thể là Hương kiểm, Hương mục, Hương bộ, Hương việc, Hương bản (còn gọi là ông Thủ bổn tức thủ quỹ của làng), Hương nông, Hương lâm và Hương đàng.

Khi có tu bổ đình thì Ban Trị sự bầu ra Ban Tu bổ, ngoài số Hương lý còn có hào lão tham gia. Tài chánh thì có ruộng quan trích cho làng; riêng các đình ở Ninh Hòa, Vạn Ninh có thêm tiền đấu giá “Lạc túc” và tiền ủng hộ của các chủ nuôi vịt bầy.

 

CHƯƠNG TRÌNH CÚNG TẾ

 

Hằng năm đến ngày vía, Ban Tế tự tổ chức lễ cúng Thần suốt ba ngày. Cứ ba năm đáo lệ có thuê đoàn hát bộ trình diễn hầu Thần xem và đồng bào thưởng thức. Trước khi cúng Thần có lệ cúng “Tiên sư” là ông Tổ nghề tại nhà việc của làng. Lễ cúng vào sáng ngày thứ nhất, lễ vật gồm có một con heo gọi là “heo cơm”, một số mâm xôi, mâm bánh do Ban Tế tự lo liệu hoặc do dân làng mang đến theo lời nguyện vái. Con heo của đồng bào cúng trả lễ Tiên sư gọi trại đi là “con gỏi”, phần nhiều là heo nhỏ. Kế đó là cuộc thỉnh sắc Thần về đình, khởi đầu từ nhà việc của làng đi tới nhà ông Thủ sắc thỉnh hộp đựng sắc vào đình. Sau 3 ngày cúng xong lại hoàn sắc về nhà ông Thủ sắc với lễ nghi như lúc thỉnh.

 

Thành phần cuộc thỉnh gồm có:

- Một người cầm ống loa kêu gọi dân làng tránh đường cho vị Thần đi.

- Một người đánh trống do hai người khiêng.

- Một người đánh chiêng cũng do hai người khiêng.

 

Tiếp đến là các đoàn thể, học sinh, đoàn múa lân và đông đảo dân làng. Một bàn hương án dọn hương đăng trà quả kèm hai cây lọng vàng do 4 người mặc áo đỏ, đội nón chóp khiêng đi giữa hai hàng Lô bộ, Bát bửu. Có làng không dọn hương án thì khiêng hai cái long đình, một cái nhỏ để áo mão vị Thần, một cái lớn để sắc Thần. Có làng chỉ khiêng một cái long đình. Hương chức đi theo phải mặc áo thụng xanh hoặc áo dài đen, đội khăn tử tế. Tại nhà ông Thủ sắc cũng thiết sẵn lễ khi đoàn thỉnh tới, xong chính tay ông Thủ sắc kính cẩn bưng hộp đựng sắc để trên long đình. Bấy giờ đoàn hát bộ phái hai cô đào hầu hai bên long đình gọi là “Đào thài”.

 

Sắc Thần được viết trên miếng lụa dệt hình rồng bay trên mây mà mỗi Triều vua vẽ kiểu khác nhau, màu sắc đậm lợt khác nhau. Chữ viết trên sắc do người có hoa tay. Bề dài của sắc khoảng 1m2, bề ngang 0m60. Miếng lụa bồi trên giấy không dày lắm để dễ cuốn tròn đút trong ống tre hoặc ống thiếc, đựng trong hộp gỗ có khoá đề phòng tráo sắc khác, đặt trên bàn thờ tại đình, treo trên nóc đình hoặc để tại nhà ông thủ sắc (nhờ có người giữ riêng như vậy nên nhiều đình bị giặc Pháp thiêu hủy trong những năm kháng chiến mà bằng sắc vẫn còn).

 

Làng nào có hậu duệ ông Tiền hiền thờ ông tại nhà thì đoàn thỉnh sắc ghé nhà rước bài vị về đình luôn. Thân nhân vị Tiền hiền làm sẵn cái kiệu khiêng theo. Làng nào có miễu thờ Tiền Hiền thì thiết lễ cúng tại miễu. Dọc hai bên đường dân làng để bàn thờ, hương án bái vọng khi kiệu Thần đi qua.

Khi vào đình, ông Trưởng ban Tế tự bưng hộp sắc để trên bàn thờ, ông Hương lễ đọc bài văn thỉnh vị Thần an vị. Trong lúc đoàn rước sắc khởi hành thì ở tại đình làm lễ “Khai môn thượng kỳ” nghĩa là mở cửa đình, treo cờ lịnh trước đình. Cửa đình thường đóng suốt năm. Mở cửa rồi, Ban Tế tự thiết lễ tế Thần Nông trên nền xã tắc trước đình. Lễ vật cúng Thần Nông là con heo trắng, để xẻ thịt làm thức ăn buổi trưa, còn phần xôi bánh thì phân phát cho đám trẻ mục đồng.

 

Sau khi thỉnh Thần an vị, Ban Tế tự bưng hộp sắc ra bàn giữa chánh điện mở ra cho hương chức trong hội tề xem - gọi là “trình sắc” hay “khán sắc”, mục đích để chứng minh sắc còn nguyên vẹn không bị mối ăn, không bị tráo. Khán xong sắc được đưa lên bàn thờ, đoạn Ban Tế tự hành lễ đọc văn tế Thần. Buổi chiều cử hành lễ Túc yết (mổ heo). Nửa đêm, xây chầu hát bộ một lớp sơ cổ. Ngày thứ nhì, cử hành lễ “Đàn cả” vào buổi sáng, buổi chiều hát bộ. Ngày thứ ba, cúng Tiền Hiền và cầu siêu các chiến sĩ trận vong và hội viên quá cố;  buổi chiều hát bộ và hồi chầu, bế mạc.

 

Đình nào cúng trong một ngày thì 7 giờ sáng rước sắc, 10 giờ làm lễ Túc yết và Đàn cả, 13 giờ cúng Tiền hiền. Đình Cửa Bé (Vĩnh Trường) tổ chức lễ cúng trong một ngày gồm có: thỉnh sắc; cúng cha chú (tức Tiền hiền); cúng Thần; cúng tất và tống na (tống quái). Ban Tế tự làm chiếc ghe nhỏ bằng bẹ chuối, để ít thực phẩm trong ghe và thả ra biển.

 

Ngày xưa sắc Thần để trong đình, đến chiều 30 tháng Chạp Ban Tế tự thỉnh sắc từ đình về nhà việc của làng gọi là để vị Thần ăn Tết. Suốt bảy ngày từ mùng 1 đến mùng 7 Hương chức không làm việc. Đến chiều mùng 7 cúng Khai sơn rồi Ban Tế tự thỉnh sắc về đình. Từ lúc sắc Thần để trong nhà ông Thủ sắc thì làng bỏ tục lệ trên.

 

NGHI THỨC HÀNH LỄ

 

Đến giờ hành lễ, các ông trong Ban Tế tự mặc áo thụng xanh và áo dài đen cùng đoàn lễ sanh sắp hàng đi lên chánh điện từ hướng đông, khi xuống đi hướng tây). Đình nào không dùng học trò lễ thì có ông Hương lễ điều hành nghi thức. Mỗi vị đứng theo vị trí của mình, chức lớn đứng trước bàn Thần, chức nhỏ đứng phía sau lưng và hai bên tả hữu. Một lễ sanh (hoặc ông Hương lễ) đứng cạnh bàn thờ để xuống điều khiển cuộc lễ, còn lại thì đứng hai bên dọc theo bàn thờ Thần.

Lễ túc yết có 4 đến 8 người phụ giúp. Trong lễ túc yết, lễ sanh xướng: “Củ soát tế vật”, thì một vị trong Ban Tế tự đến xem xét tế vật có đủ món không rồi lấy dĩa đựng lông và huyết heo đem ra sân đình chôn. Có làng không chôn thì lễ sanh xướng câu: “Ế mao huyết”, người phụ trách đem dĩa lông và huyết heo để kế bên con vật hy sinh trước bàn Thần. Đoạn Ban Tế tự theo lời xướng đi rửa tay, lau tay. Một vị bưng hộp hương, một vị bưng lò hương trao cho Tế quan làm lễ thượng hương. Kế tiếp Tế quan lại chỗ để cái mõ dỡ tấm khăn đỏ trải phủ thân mõ đánh 3 hồi dài. Hai vị bồi tế đánh 3 hồi dài chiêng trống. Nhạc lễ trổi lên, Ban Tế tự trở về vị trí lạy Thần 4 lạy. Lễ sanh dâng 3 tuần rượu, 3 tuần trà. Vị Hương lễ đọc bài văn tế. Lễ tất.

 

LỄ XÂY CHẦU

 

Theo lệ xưa, trước khi đoàn hát bộ trình diễn đêm đầu, Ban Tế tự tổ chức “Lễ xây chầu” còn gọi là “Khai tràng”. Người phụ trách xây chầu gọi là Chấp sự, phải là người đứng đắn, cao tuổi, có gia đình đông đảo, có uy tín, được dân làng trọng vọng. Ông Chấp sự phải biết mỗi năm tùy hướng “Đại lợi” mà xoay cái trống cho đúng hướng. Mặt trống chầu gọi là Thái cực. Coi hướng xong phải lấy địa bàn phân kim ngay ngắn, lấy phấn làm dấu dưới chân trống cho khỏi xê dịch, trật chỗ. Mặt trống phải đậy khăn đỏ không cho ai rờ mó. Trên giá trống có cây đèn dầu, phải giữ cháy luôn luôn và coi chừng mèo chuột chạy đổ ngã.

 

Đến giờ hành lễ, Ông Chấp sự đến chỗ để trống, lòng thật bình tĩnh, trong tâm cầu nguyện Thần Thánh hộ trì. Ông đứng nghiêm ngay thẳng, oai nghi như cây trụ đồng, chân theo chữ “đinh”, mắt ngó thẳng hướng Đại lợi. Khi lễ sanh xướng: “Chấp sự viên hành sự” thì ông Chấp sự ngó vào mặt trống, tay dỡ khăn đỏ, tay cầm dùi đánh ba hồi dài. Đến hồi chót ông đánh tiếp 3 chập, mỗi chập 3 tiếng, cộng lại là 9 tiếng, theo câu “Tam như tam, thiên hạ thái bình” là 3 hồi dài vừa dứt, bây giờ thì “Cửu như cửu, trình tường tứ phước”. Tục lệ này còn gọi là ba hồi chín chập.

Sau đó tuồng hát bắt đầu, ông Chấp sự muốn ngồi đánh trống thưởng phạt hoặc nhường cho người khác cũng được, nhưng phải lựa người đàng hoàng. Lúc hồi chầu bế mạc thì đánh một hồi trơn mà thôi. Nếu phần hát chầu chấm dứt mà có người mướn đoàn hát trình diễn thêm để cúng Thần trả lễ theo lời nguyện vái thì sau hồi trống có thêm 3 tiếng cho một tuồng, 3 tiếng nữa cho tuồng thứ hai. Đánh như vậy có nghĩa là tuy đã hồi chầu nhưng còn có hát thêm. Ban Tế tự của đình trọn quyền chọn tuồng hát nhưng thường cũng không ngoài những tuồng dưới đây:

- Sơ cổ, buổi thứ nhất: “Trương Phi thủ cổ thành” hoặc “Huê Dung đạo”

- Kế tiếp: “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”; “Chung Vô Diệm”; “Xử án Bàng Quý Phi”; “Lưu Bị cầu hôn giang tả”; “Bá Lý Hề”…

 

THƯỞNG TIỀN

 

Người thưởng tiền là ông cầm chầu. Ông phải rành tuồng tích, hát đúng hoặc hát nhận lớp (bỏ lớp). Khi diễn viên hát nhận lớp hoặc hát dở quá, ông gõ vành trống mấy cái để nhắc nhở hay cảnh cáo không nên qua mặt. Lúc hát hay, đúng tuồng tích và nhất là những “pha gay cấn” đào kép diễn tả đúng điệu, tiếng trống đánh một chập 3 tiếng, hai chập 6 tiếng hoặc dồn dập nhiều hơn, tiền thưởng mỗi lần nhiều hay ít theo tiếng trống. Thấy việc ném bạc giấy lên sân khấu mỗi lần thưởng có vẻ bất tiện nên về sau người ta dùng thẻ tre, quy định mỗi thẻ là bao nhiêu tiền, đến khi buổi hát tạm ngưng thì có người mang số thẻ đến cho ông cầm chầu thanh toán.

Ba năm mới có một lần hát bộ cúng đình nên đây là dịp để các ông cầm chầu trổ tài hiểu biết tuồng tích và phô tiếng trống sành điệu. Ông nào cũng tỏ ra hào phóng, đánh trống ầm ầm, ném tiền (hay thẻ tre) lên sân khấu không biết mỏi tay khiến thằng bé con của bạn hát cứ lom khom chạy lượm mãi, tạo nên cảnh vui nhộn cho buổi hát giữa sự ồn ào của đám đông khán giả bình dân.

 

LỄ VẬT CÚNG THẦN

 

Người ta thường dùng vật hi sinh để cúng Thần (theo Từ nguyên, Hi là con vật toàn một màu sắc hoặc đen, hoặc trắng; Sinh là súc vật làm thịt rồi). Vật hi sinh là heo gọi là “cang lạp”, dê gọi là “nhu mao”, xôi gọi là “tư thành”. Có làng cúng thêm bò hoặc trâu, gọi là “tam sanh”. Ngoài món thịt , người ta cho món xôi là vai chánh trong buổi lễ, kế là bánh trái.

 

Đây là dịp cho bà con dân làng hãnh diện được có phần một mâm xôi. Từ ông Tổng, ông Hội đồng, đến ông Lý trưởng, Hương thân, Hương hào, Hương bộ … mỗi vị cúng một hoặc hai mâm. Mỗi nhà tự chọn nếp thật tốt, lo nấu xôi thật ngon, khéo. Xôi xây tròn trên mâm thau, vành mâm có dán mảnh giấy ghi tên người cúng. Khi cúng xong, Ban Tế tự cắt làm hai, một nửa để đãi tại đình, một nửa cho người cúng đem về nhà gọi là “lộc của Thần”. Khi đưa mâm xôi đến đình, người chủ phải đội trên đầu hoặc bưng trên vai, không được phép bưng ngang hông dưới nách; nếu để mâm xôi vào gióng phải hai người khiêng chứ không được gánh hai đầu như gánh nước hay đi chợ. Khi cúng rồi đem một nửa mâm xôi về nhà thì tự bưng gánh thế nào cũng được.

 

Những đình quá nghèo thì không có việc cúng mâm xôi như trên. Nhiều đình ở Ninh Hoà, Vạn Ninh khi cúng tế thì Ban Tế tự lo việc nấu nướng tại nhà Tổ để đãi khách. Khi chấm dứt cuộc cúng tế, Ban Tế tự chia phần thịt heo biếu Hương chức gọi là “Kiến”. Đầu heo và cái nọng kiến cho hai ông cao cấp nhất, còn các vị khác thì mỗi vị một miếng thịt. Có làng nhân dân cúng ít xôi không đủ đãi đằng thì Ban Tế tự không hoàn lại nửa mâm như cựu lệ mà biếu người cúng một miếng thịt.

 

Bánh cúng có bánh thuẫn, bánh bông lan, bánh in, bánh cốm, bánh ít… Trái cây thường là cam, chuối, xoài, thanh long, mãng cầu, ổi xá lị, vú sữa, bưởi… mùa nào thức ấy, không bắt buộc.

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 4638
Ngày đăng: 17.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Luật tục Katu về các mối quan hệ gia đình : Quan hệ vợ chồng - Lê Anh Tuấn *
Tục cưa răng : Từ quan niệm đến lễ thức - Trần Đức Sáng
Lễ hội đâm trâu – Một hình thức sinh hoại cộng đồng nhiều ý nghĩa của đồng bào người Katu - Lê Anh Tuấn *
Truyền thống của người Chơ Ro. - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Vấn đề đáp ứng nhu cầu cho con người – Cư dân vùng đồng bằng Sông cửu long - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Hành trình Katê - Inrasara
Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt - Hà văn Thùy
Kinh Lá trong các Chùa dân tộc Kmer Nam Bộ - Trần Bắt Gặp
Khám phá mới di truyền học về lịch sử con người ở Đông Á - Nguyễn Đức Hiệp
Lễ hội Nghinh Cô Long Hải - Hạnh Phước
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)