Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
585
116.534.726
 
Khảo cổ học và môi trường sinh thái.
Nguyễn Thị Hậu

1. Khảo cổ học Việt Nam và việc nghiên cứu khảo cổ từ môi trường sinh thái.

 

Có thể lấy năm 1898 làm mốc ra đời của ngành khảo cổ học Việt Nam với sự thành lập Uy ban Khảo cổ học Đông Dương, sau đổi thành Viện Viễn đông bác cổ vào năm 1900. Đây là cơ quan đóng vai trò chủ yếu trong việc tìm kiếm, thu thập, lưu giữ và nghiên cưú những cổ tích ở Việt Nam và Đông Dương. Cùng với viện Viễn đông Bác cổ, Sở Địa chất Đông Dương cũng có nhiều đóng góp cho ngành khảo cổ học, do các nhà địa chất làm việc ở đây đã phát hiện và nghiên cứu nhiều nền văn hóa khảo cổ thời đồ đá Việt Nam. Từ sau Hội nghị quốc tế về tiền sử học Viễn Đông lần thứ I tổ chức tại Hà Nội năm 1932, học giả phương Tây bắt đầu biết đến Việt Nam – ĐNA là một khu vực có nền văn hóa độc đáo, một nền văn minh ở trình độ cao chứ không phải là một khu vực trì trệ lạc hậu như quan niệm trước đây. Các học giả Pháp đã có công phát hiện các nền văn hóa sơ kỳ đá mới như Hòa Bình, Bắc Sơn…và bước đầu nghiên cứu các nền văn hóa thời kim khí như Đông Sơn, Sa Huỳnh. Từ sau năm 1954 đến nay các nhà khảo cổ học Việt nam đã phát hiện và nghiên cứu nhiều nền văn hóa thuộc các giai đoạn khác nhau, lấp được những “khoảng trống” trong lịch sử Việt nam từ thời Tiền-Sơ sử đến các triều đại phong kiến sau này. Theo quy ước khảo cổ học chia làm hai ngành lớn là Khảo cổ học Tiền-Sơ sử và Khảo cổ học Lịch sử. Khảo cổ học Tiền-Sơ sử nghiên cứu về những di tích, di vật có niên đại thời đồ Đá và Kim khí, thuộc giai đoạn Trước Công nguyên. Còn đối tượng nghiên cứu của Khảo cổ học Lịch sử là những di tích di vật từ đầu Công nguyên về sau. Tất nhiên mốc thời gian này chỉ là tương đối tùy thuộc vào lịch sử từng quốc gia. Do khung niên đại thuộc thời Nguyên thủy là thời kỳ hình thành và phát triển Con Người và xã hội Loài Người nên Khảo cổ học Tiền-Sơ sử thường gắn liền với việc nghiên cứu môi trường tự nhiên, bối cảnh của di tích. Tức là nghiên cứu hệ sinh thái nhân văn thể hiện tác động qua lại giữa con người và quần thể sinh học, khả năng thích nghi của con người với môi trường sống. Vì vậy, trong phạm vi khảo cổ học có liên quan đến nội dung của Bảo tàng lịch sử tự nhiên, có thể điểm lại một số thành tựu quan trọng của KCH Tiền-Sơ sử Việt Nam như sau.

                     

Về thời đại đồ đá, chúng ta đã tìm thấy dấu vết của Homo Erectus có niên đại khoảng nửa triệu năm trong các hang động tỉnh Lạng Sơn, công cụ sơ kỳ đá cũ ở nhóm di tích Núi Đọ (Thanh Hóa), phát hiện văn hóa hậu kỳ đá cũ như Sơn Vi, mái đá Ngườm-Miệng Hổ. Tiếp tục có những phát hiện mới về các văn hóa Đa Bút, Quỳnh Văn, Thạch Lạc, Hoa Lộc, Hạ Long…để thấy được sự phân bố của nhiều lọai hình kinh tế trong một không gian khá rộng lớn vào hậu kỳ đá mới. Qua đó đã chú ý đến mối quan hệ giữa môi trường sinh thái và văn hóa tiền sử và tìm ra quy luật hoạt động kinh tế của người tiền sử Việt Nam-ĐNA. Những năm cuối TK XX khảo cổ học Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng trong việc phát hiện các di tích đồ đá ở Tây Nguyên, một số văn hóa đồ đá bắt đầu được xác lập như Văn hóa Lung Leng, Biển Hồ…Nhiều địa điểm thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã tìm thấy dấu tích công cụ đá cũ.

                     

Về thời đại kim khí các nhà khảo cổ học VN đã đạt được những thành tựu rực rỡ: Việc phát hiện các nền văn hóa Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng như Phùng Nguyên-Đồng Đậu-Gò Mun và một số văn hóa lưu vực sông Mã, sông Cả ở Bắc Trung bộ đã chứng minh nguồn gốc bản địa, tính thống nhất và đa dạng của văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa có địa bàn phân bố rộng rãi nhất trong thời kim khí. Đặc biệt còn tìm thấy mối quan hệ giữa những văn hóa khảo cổ này với giai đoạn lịch sử “huyền thoại” là Thời đại Hùng Vương: nền văn minh sông Hồng chính là biểu hiện cụ thể di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thời dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc, thời kỳ ra đời nhà nước sơ khai Văn Lang của các vua Hùng. Thời kỳ Đông Sơn đã phát triển kinh tế trồng lúa ở địa bàn chủ yếu là đồng bằng và chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm.

                     

Về phía Nam, văn hoá Sa Huỳnh được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh NamTrung bộ. Giai đoạn Tiền Sa Huỳnh và các loại hình địa phương đã được tìm hiểu để góp phần nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của văn hóa này. Ở Nam bộ đã xác lập được văn hóa Đồng Nai – một trung tâm kim khí mới có nhiều nét độc đáo riêng, đồng thời có những mối quan hệ giao lưu mật thiết với Sa Huỳnh, Đông Sơn và ĐNA, đặc biệt là những di tích ở Cần Giờ-TP.HCM. Hai văn hóa này cho biết phương thức sống chủ yếu của cư dân cổ là trồng trọt ở vùng bán sơn địa và khai thác thủy hải sản.

                     

Một thế kỷ qua khảo cổ học Việt Nam đã đóng góp nguồn tư liệu quyết định trong việc khôi phục buổi bình minh của lịch sử Việt Nam, làm sáng tỏ hơn cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam. Khảo cổ học còn cung cấp nguồn sử liệu vật thật quan trọng để khôi phục một cách chân xác và sống động hơn lịch sử VN từ đầu Công nguyên đến đầu TK XX.

 

2. Khảo cổ học Nam bộ nhìn từ môi trường sinh thái.

 

Nam bộ có hai tiểu vùng sinh thái tự nhiên, cũng là hai tiểu vùng văn hóa phát triển liên tục từ thời cổ  cho đến nay:

- Đồng Nam bộ gồm lưu vực Đồng Nai, Sài Gòn, sông Bé, Vàm Cỏ với các dạng địa hình – hệ sinh thái đồi núi rìa cao nguyên, châu thổ cũ và khu vực rừng ngập mặn ven biển.

- Tây Nam bộ chủ yếu là châu thổ sông Cửu Long mới và đang thành tạo, với tứ giác nước Long Xuyên – Đồng tháp mười kéo dài tới vùng ngập mặn bán đảo Cà Mau.

 

Sự phân chia tiểu vùng này tất nhiên chỉ là tương đối, với “ranh giới” chuyển tiếp Đông – Tây Nam bộ là Long An. Tuy ‘ranh giới” chỉ là tương đối nhưng trên quan niệm sinh thái nhân văn thì hai tiểu vùng sinh thái – văn hóa trên không thể gộp chung mà rõ ràng cần được nhìn nhận như một “phức hệ văn hóa” trên cơ sở sự đa dạng của địa hình – sinh thái.

 

2.1 Tiểu vùng văn hóa Đông Nam bộ. Cho đến nay, thành tựu quan trọng nhất của Khảo cổ học Tiền-Sơ sử Nam bộ, là việc nghiên cứu và xác lập văn hoá Đồng Nai. Sau thời đại Đồ Đá mà dấu vết phát hiện được còn khá ít ỏi, từ khoảng 4000 năm cách nay ở lưu vực sông Đồng Nai xuất hiện một lớp cư dân mới thuộc thời đại Kim khí - chủ nhân của văn hóa Đồng Nai. Sự phát triển của văn hóa Đồng Nai đã làm cho miền Đông Nam bộ trở thành một trong 3 trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên: Đông Sơn ở miền Bắc – Sa Huỳnh ở miền Trung – Đồng Nai ở miền Nam. Văn hóa Đồng Nai là bước mở đầu cho truyền thống văn hóa phát triển rực rỡ vào khoảng thời gian trước - sau Công nguyên và sẽ trở thành nguồn gốc bản địa của một văn hóa cổ ở Nam bộ: văn hóa Oc Eo (TK I – VII sau Công nguyên).

 

Hàng trăm di tích văn hóa Đồng Nai từ giai đoạn sớm đến muộn phân bố trên địa bàn rộng rãi của lưu vực Đồng Nai – Sông Bé – Vàm Cỏ, suốt từ vùng đồi gò cao đến vùng đất thấp ven biển. Trên quan điểm gắn liền việc nghiên cứu di tích khảo cổ với môi trường phân bố chúng, có thể phân chia văn hóa Đồng Nai thành 5 tiểu vùng văn hóa – sinh thái.

 

- Vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ (di tích hoạt động núi lửa) ở Đồng Nai. Đây là vùng phát sinh và phát triển quan trọng và liên tục của văn hóa Đồng Nai. Di tích ở đây có đủ các loại hình cư trú, mộ táng, công xưởng, diện tích thường rộng lớn và tầng văn hóa dày. Điển hình là các di tích Cầu Sắt, Suối Chồn, Phú Hòa, Hàng Gòn (Đồng Nai).

 

- Vùng đồi đá phiến và cao nguyên đất đỏ sông Bé tồn tại loại hình di tích đặc biệt là các công trình đắp đất hình tròn với hào sâu ở Lộc Ninh – Bình Long (Bình Phước).

 

- Vùng phù sa cổ dọc đôi bờ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn tập trung dày đặc hệ thống di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng đơn ngành hay đa ngành.Tiêu biểu là di tích Bình Đa, Gò Me, Suối Linh, Đồi Phòng không (Đồng Nai), Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Bưng Sình (Bình Dương)…

 

- Vùng phù sa đất xám lưu vực sông Vàm Cỏ Đông -Tây ngày càng phát hiện được nhiều di tích quan trọng như An Sơn, Rạch Núi, Gò Ô Chùa (Long An)…với nhiều mộ táng huyệt đất di cốt còn khá nguyên vẹn.

 

- Vùng đồng bằng thành tạo chưa hoàn chỉnh ở cửa sông Đồng Nai là khu vực đầm lầy ngập mặn, rải rác trong đó có những bưng nước ngọt hoặc giồng đất nhỏ còn lưu lại dấu tích cư trú, sản xuất gốm, đá, mộ táng…Tiêu biểu là các di tích Bưng Bạc, Bưng Thơm, Giồng Lớn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ-TP.HCM)…

 

Tại năm tiểu vùng văn hóa – sinh thái này khảo cổ học đã phát hiện hàng ngàn di vật từ các chất liệu đá, gốm, đồng sắt, gỗ, xương, vỏ nhuyễn thể…Qua tổng thể di vật ở đây có thể biết được người xưa khai thác, sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trong môi trường tự nhiên (và môi trường văn hóa thông qua trao đổi giao lưu) để chế tác công cụ lao động và các vật dụng cần thiết .

 

+ Đồ Đá là loại di vật phổ biến và số lượng lớn nhất ở loại hình công cụ lao động sản xuất. Đây cũng là đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Đồng Nai, nơi mà công cụ bằng đá chiếm ưu thế lâu dài trong suốt thời Tiền sử. Mặc dù đã ở vào giai đoạn hậu kỳ kim khí nhưng công cụ, vũ khí bằng đồng, sắt không nhiều, có lẽ do ở đây thiếu vắng nguồn quặng kim loại cần thiết nhưng khá phong phú nguồn nguyên liệu đá Bazan, đá phiến, sa thạch…rất thuận tiện cho việc chế tác công cụ, vũ khí mà phổ biến là rìu, cuốc, mai, dai hái, mũi tên, đục, bàn mài…Ngoài ra còn có nhiều loại vòng đeo tay, đeo tai. Một loại di vật độc đáo bằng đá của văn hóa Đồng Nai là những thanh đàn đá được tìm thấy ngay trong di chỉ khảo cổ như ở Bình Đa, Gò Me, một số di chỉ ở Bình Phước.

 

+ Đồ kim loại phát triển kỹ thuật đúc đồng với khuôn hai mang liên hoàn nhiều vật đúc. Các công xưởng lớn là Dốc Chùa, Suối Chồn, Cái Vạn, Bưng Bạc…Các loại hình phổ biến là rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, đục, lao ngạnh…Giai đoạn muộn còn phát hiện “kho Qua đồng” (một loại vũ khí) ở Long Giao (Đồng Nai). Trang sức có vòng, khuyên tai, lục lạc, vật đeo hình tượng thú. Đồ sắt chế tạo bằng kỹ thuật rèn thường thấy là giáo, lao, lưỡi câu, một vài cuốc sắt, kích thước khá lớn. Di vật sắt thường là đồ tùy táng trong mộ chum, lại được bọc vải cho thấy sự qúy hiếm của đồ sắt trong văn hóa Đồng Nai.

 

+ Đồ gốm và nghề làm gốm đã xuất hiện từ rất sớm và tồn tại lâu dài trong tất cả các di tích của văn hóa Đồng Nai. Di vật gốm có số lượng áp đảo so với những di vật thuộc các chất liệu khác. Tuy nhiên, hầu hết hiện vật chỉ còn  là những mảnh gốm dày đặc trong tầng văn hóa nên phải chỉnh lý gắn chắp mới phục dựng để nhận biết được loại hình: phổ biến là các kiểu vò, nồi, bình, bát đĩa chân đế cao thấp khác nhau, nhiều kiểu bếp lò gốm (cà ràng), bi gốm, những dụng cụ lao động như dọi se sợi, chì lưới, bàn xoa gốm, cả khuôn đúc bằng gốm… đồ gốm là loại vật dụng được mang theo người chết nhiều nhất, cả vật thật và cả vật minh khí. Căn cứ vào kiểu dáng đồ gốm có thể nhận thấy địa bàn cư trú chính của cư dân cổ là môi trường sông nước, thể hiện qua các kiểu đồ đựng đáy bằng, đáy tròn, nhất là bếp lò bằng gốm rất nhiều (đây là vật dụng cần thiết cho cư dân sống trên ghe xuồng hay nhà sàn mà ta quen gọi là Cà ràng). Ngoài ra, còn có loại gốm đáy nhọn, đáy tròn phổ biến ở vùng ven biển khắp thế giới. Giai đoạn muộn của văn hóa Đồng Nai còn hiện diện những di tích mộ táng quan tài chum gốm lớn, tập trung ở ven biển Cần Giờ TP.HCM và ở khu vực đồi bazan Xuân Lộc Đồng Nai. Đây cũng là táng tục phổ biến của cư dân cổ ven biển ĐNA kéo dài lên Đông Bắc Á.

 

+ Đồ gỗ tìm thấy khá nhiều ở các di tích bưng lầy vùng sinh thái ngập mặn như Bưng Bạc, Bưng Thơm…gồm nhiều loại công cụ lao động, chưa kể dấu tích cọc nhà sàn dày đặc ở đây.

 

+ Đồ xương và vỏ nhuyễn thể cũng phổ biến ở những di tích ven biển. Hiện nay tại một số di tích trong vùng Đồng Tháp Mười (Long An) cũng tìm thấy nhiều di cốt động vật rừng bên cạnh vỏ nhuyễn thể biển.

 

Điểm qua chất liệu và loại hình di vật của văn hóa Đồng Nai để có căn cứ tìm hiểu về đời sống của cư dân cổ Đông Nam Bộ. Các nhà nghiên cứu cho rằng hình thức quan trọng và phổ biến nhất, trong đời sống kinh tế truyền thống ở đây là trồng trọt trên vùng bán sơn địa không dùng sức kéo, gồm lúa cạn, các loại rau đậu, cây có qủa củ…bằng phương pháp phát đốt đặc trưng của nông nghiệp nương rẫy. Bên cạnh đó vẫn duy trì lâu dài phương thức khai thác sản phẩm rừng bằng săn bắt hái lượm, sản phẩm thủy hải sản bằng cách đánh bắt, câu…Văn hóa Đồng Nai cũng xuất hiện sự chuyên môn hóa các nghề thủ công khá sớm. Có thể nhận thấy những “công xưởng” như Suối Linh, Đồi Phòng Không, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt…không chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu tại chỗ, mà đã đạt đến trình độ sản xuất hàng hóa nhất định để trao đổi trong vùng và còn trao đổi đến những vùng xa hơn ở ĐNA lục địa và hải đảo…

 

2.2 Tiểu vùng văn hóa Tây Nam bộ.  Cho đến nay thành tựu chủ yếu là về một nền văn hóa cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến TK VII và truyền thống của nó còn kéo dài đến thế kỷ X – XIII, đó là văn hóa Oc Eo với trung tâm là tứ giác Long Xuyên, vùng trũng ngập lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

Môi trường của văn hóa Oc Eo là vùng sông rạch, đầm đìa, bưng biền…và đồi núi như Bà Đen, Núi Sam, Núi Sập, Bảy Núi, Ba Thê …những giồng, gò nổi cao giữa vùng thấp trũng ngập nước hàng năm. Đây là vùng chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt biển tiến thời Holocene từ khoảng 5000 năm TCN đến khoảng 1200 năm (TK XII) sau Công nguyên. Thời kỳ Trước Công nguyên biển tiến Holocene đã ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa Đồng Nai xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy ở miền Tây Nam bộ tìm thấy khá ít ỏi di tích khảo cổ thời Tiền sử. Chỉ đến khoảng đầu CN nước biển rút thì các nhóm cư dân bản địa của văn hóa Đồng Nai bắt đầu mở rộng địa bàn cư trú xuống vùng này cùng với một bộ phận cư dân từ hải đảo vào. Liên quan đến thời kỳ văn hóa Oc Eo là biển tiến Holocene IV bắt đầu từ giữa TK IV và đạt dỉnh cao vào giữa TK VII, sau đó rút biển dần trả lại bề mặt đồng bằng vào khoảng TK XII. Đợt biển tiến này được coi là yếu tố quan trọng đã “tàn phá” các di tích của văn hóa Oc Eo: hiện nay ở Nam bộ chỉ còn lại các phế tích kiến trúc đền tháp, di tích cư trú kiểu nhà sàn kéo dài dọc sông rạch, di tích cư trú trên các giồng gò cao giữa đồng bằng…Các cuộc khai quật từ thời L.Malleret (1944) đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng thấp trũng tứ giác Long xuyên. Đây vừa là hệ thống đường giao thông lợi dụng thủy triều ra vào cảng thị Oc Eo, vừa là hệ thống thủy lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên vùng trung tâm khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật qúy giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh họat tinh thần tồn tại khá nhiều tại các di chỉ cư trú (in-situ)… Đợt biển tiến Holoxene IV ở đồng bằng sông Cửu Long đã là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho nền văn hóa Oc Eo rực rỡ “đột ngột biến mất”, vì phần lớn cư dân buộc phải dần dần rời bỏ địa bàn cư trú thấp trũng, tìm các gò giồng cao để ở hay tiến lên vùng cao miền Đông Nam bộ hoặc xa hơn. Vì vậy  di tích văn hóa Oc Eo miền Đông Nam bộ thường có niên đại muộn và sau TK VII trên tòan Nam bộ vẫn tồn tại truyền thống văn hóa Oc Eo đến tận TK XIII, thời điểm mà theo ghi chép của Châu Đạt Quan trong Chân Lạp phong thổ kí  đây vẫn là vùng hoang vu hầu như không có người sinh sống.

 

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của văn hóa Oc Eo từ TK I đến TK VII, khu vực Oc Eo – Ba Thê được nhìn nhận là một cảng biển – đô thị của vương quốc cổ Phù Nam, trạm dừng chân quan trọng trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là An Độ vàTrung Hoa. Để có thể tồn tại và phát triển, cư dân Oc Eo đã tạo ra những điều kiện sống thích hợp, chấp nhận và khai thác những mùa nước nổi theo chu kỳ hàng năm. (Khái niệm “sống chung với lũ” chỉ mới xuất hiện từ khoảng năm 1996 với những ám ảnh tiêu cực, thiệt hại vật chất và sinh mạng. Vì vậy, chúng ta thường ứng xử một cách lúng túng và bi thảm hóa một hiện tượng bình thường của tự nhiên mà ông cha ta trước đây đã bình tĩnh khai thác làm lợi cho mình). Đặc điểm nổi bật của lối sống cư dân văn hóa Oc Eo là tiếp tục cuộc sống trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, chọn các vùng đất cao như đồi, gò, giồng…để cư trú và canh tác. Điều thú vị nhất  là dù ở môi trường địa hình nào thì cư dân cổ toàn Nam bộ vẫn chung một loại hình di vật độc đáo: bếp gốm – cà ràng, vật dụng của cư dân sống trên nhà sàn và trên ghe xuồng. Từ đó hình thành hai phương thức kinh tế chủ yếu là làm ruộng ở vùng thấp miền Tây sông Hậu – miệt ruộng và làm vườn ở vùng cao ven hạ lưu sông Tiền – văn minh miệt vườn. Cảnh quan làng Nam bộ theo đó cũng có nét độc đáo riêng: phân bố trải dài theo sông rạch, nhà cửa quay mặt ra sông rạch đón gió mát khi nước lớn. Phương tiện giao thông chủ yếu là ghe xuồng nương theo con nước thủy triều lên xuống, chờ con nước lớn  nước ròng các bến neo đậu ghe xuồng dần trở thành thị tứ, chợ búa. Tính chất cởi mở, giao lưu rộng rãi là đặc điểm xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế – văn hóa Nam bộ ít nhất là từ thời văn hóa Oc Eo đến nay.

 

3. Bước vào thế kỷ 21, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và sự gia tăng các nhu cầu văn hóa, vai trò của các thiết chế văn hóa-giáo dục, trong đó có bảo tàng ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội. Đặc biệt trong xu thế “tòan cầu hóa” thì Bảo tàng lại càng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ sự đa dạng và bản sắc văn hóa của các cộng đồng người trong những môi trường sinh thái khác nhau và ở những giai đọan phát triển khác nhau của lịch sử lòai người.

 

Theo ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thuộc UNESCO), “bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, họat động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa đón công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, gíao dục và thưởng thức.” Theo định nghĩa trên bảo tàng có 3 chức năng quan trọng là nghiên cứu khoa học, sưu tầm và bảo quản di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng các mẫu vật thiên nhiên. Như vậy, nếu căn cứ vào các bộ sưu tập hiện vật và nội dung trưng bày thì sẽ có 2 lọai hình bảo tàng chính là bảo tàng lịch sử xã hội và bảo tàng lịch sử tự nhiên. Ở Việt Nam những bảo tàng đầu tiên do người Pháp thành lập vào khỏang đầu thế kỷ 20 cũng gồm 2 lọai hình trên, đó là Bảo tàng Hải dương học (Nha Trang), Bảo tàng Địa chất (1914, Hà Nội), Bảo tàng Điêu khắc Chăm (BT H.Parmentier, 1918, Đà Nẵng), Bảo tàng Blanchard De la Brosse (1929, Sài Gòn), Bảo tàng L. Finot (1932, Hà Nội). Ngòai ra, Vườn bách thảo Hà Nội và Thảo cầm viên Sào Gòn cũng được coi là hai công viên - bảo tàng tự nhiên của Đông dương lúc bấy giờ. Trải qua một thế kỷ phát triển, đến nay Việt Nam đã có một hệ thống 115 bảo tàng với 7 bảo tàng Quốc gia, 6 bảo tàng chuyên ngành, 78 bảo tàng thuộc tỉnh, thành phố, 24 bảo tàng thuộc Lực lượng vũ trang…Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là với kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú, hệ thống bảo tàng Việt Nam còn chưa khai thác được tiềm năng của di sản thiên nhiên đa dạng và độc đáo để phát triển lọai hình bảo tàng tự nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của lọai hình bảo tàng lịch sử xã hội dưới hình thức là các bảo tàng khảo cứu địa phương. Vì vậy, dịnh hướng Quy họach Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020  của Bộ Văn hóa – Thông tin đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt có nội dung thành lập và xây mới Bảo tàng Thiên nhiên Việt nam tại Hà Nội cùng với các chi nhánh là những bảo tàng chuyên ngành về Lịch sử tự nhiên và các khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước, trong đó có Bảo tàng về thiên nhiên Nam Bộ đặt tại Thủ Đức – TP.Hồ Chí Minh. Đây là một trong những định hướng nhằm đón đầu khả năng phát triển và nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy gía trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của ngành bảo tàng Việt Nam.

 

Lý thuyết bảo tàng học hiện đại những năm gần đây xuất hiện khái niệm “bảo tàng hóa” di sản văn hóa. Theo nghĩa rộng đó là bảo tồn và phát huy tất cả các di sản văn hóa (động sản và bất động sản) đã bị/ được đưa ra khỏi môi trường tồn tại ban đầu và đặt trong một môi trường nhân tạo do con người tổ chức ra - đó là các bảo tàng. Còn theo nghĩa hẹp là một phương án tối ưu và hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trực tiếp ngay trong môi trường sinh thái nhân văn, nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra và hiện đang tồn tại gắn bó với cộng đồng cư dân là chủ thể của những di sản văn hóa ấy: một “bảo tàng sống – tại chỗ” bao gồm trong đó có tự nhiên, con người  và di sản văn hóa vật thể – phi vật thể do con người sáng tạo nên trong một môi trường và ở một trình độ nhất định. Chính vì vậy mà các văn hóa khảo cổ học thời tiền sử – vốn có vị trí quan trọng trong loại hình bảo tàng lịch sử xã hội – cũng đã trở thành một nội dung trưng bày của lọai hình bảo tàng lịch sử tự nhiên với ý nghĩa: thông qua di vật mà các cộng đồng dân cư cổ đại để lại (công cụ lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt, tàn tích thức ăn, di cốt người, động vật…) ta có thể nhận biết điều kiện sống qua mức độ khai thác môi trường tự nhiên, tức là mức độ thích nghi với tự nhiên của người xưa. Nói một cách khác, di vật khảo cổ chính là bằng chứng, là sự phản ánh gián tiếp của môi trường sinh thái và những biến đổi của tự nhiên. Có thể lấy thành tựu nghiên cứu về khảo cổ học Thời đại đồ đá Việt Nam minh chứng cho điều này. Khi nghiên cứu tiền sử Việt Nam cũng như Đông Nam Á, khảo cổ học hết sức chú ý đến Hệ sinh thái  ở khu vực này được phản ánh qua lối sống, cụ thể trong hoạt động săn bắt hái lượm của cư dân tiền sử ở đây. Căn cứ vào tàn tích thức ăn động thực vật, khảo cổ học nhận thấy người cổ đã sử dụng nhiều loại thức ăn nhưng mỗi loại một ít, lại tùy theo mùa và thức ăn thực vật khá phong phú. Trong khi đó thức ăn động vật có được do hoạt động săn bắt không nhiều, phổ biến các loại động vật thủy sinh nhất là các loài nhuyễn thể nước ngọt, nước lợ… Khảo cổ học gọi đây là lối hái lượm theo phổ rộng. Từ đặc điểm này có thể nhận dạng hệ sinh thái ĐNA – Việt Namhệ sinh thái Phổ tạp với đặc trưng chỉ số đa dạng cao, số loài nhiều nhưng số cá thể ít, thực vật nổi trội hơn động vật về giống loài và số lượng, động vật thủy sinh chiếm ưu thế. Hệ sinh thái Phổ tạp phân bố ở khu vực nhiệt đới khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, môi trường sông nước phổ biến…Trong môi trường sinh thái này, từ lối sống hái lượm theo phổ rộng và trội vượt hơn săn bắt, khi tiến lên nền kinh tế sản xuất thì cư dân ở đây sẽ phát triển một nền nông nghiệp đa canh, tức là thuần hóa nhiều loại thực vật một lúc và trồng trọt sẽ trội vượt hơn chăn nuôi. Quá trình phát triển các nền văn hóa cổ Việt Nam từ thời đồ đá như văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn, Hạ Long, Quỳnh Văn, Đa Bút, Hoa Lộc, Bàu Tró…đến các nền văn hóa thời kim khí như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai là sự thể hiện sinh động cho quá trình này.

 

Hiện nay trong nhiều bảo tàng khi trưng bày về Thời Tiền sử, di vật khảo cổ luôn được đặt trong bối cảnh môi trường sinh thái vì chỉ có như vậy người xem mới hiểu được chức năng, công dụng và ý nghĩa của di vật, nhất là công cụ lao động, đồng thời cũng để tăng cường sự hấp dẫn của hình thức trưng bày.

 

Như vậy với những thành tựu trên, bước đầu Khảo cổ học Nam bộ đã được các nhà khảo cổ nghiên cứu di tích – văn hóa khảo cổ gắn liền với môi trường, địa hình sinh thái. Qua đó cho thấy môi trường tự nhiên và sự thay đổi của nó (nếu có) hết sức quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những cộng đồng cư dân cổ. Dấu ấn để lại không chỉ là sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên mà còn là sự tác động và biến đổi môi trường tự nhiên vì lợi ích của con người. Trong xu hướng phát triển của bảo tàng Việt Nam hiện nay, việc xây dựng Bảo tàng lịch sử tự nhiên Nam bộ đã trở thành nhu cầu cấp thiết, không chỉ để nghiên cứu và bảo tồn kịp thời những mẫu vật tự nhiên, hệ sinh thái tự nhiên mà còn nhằm nghiên cứu để nâng cao nhận thức và hiểu biết một cách đúng đắn về phương thức sinh sống của các tộc người cổ xưa trong môi trường sinh thái đặc thù của Nam bộ.Văn hóa khảo cổ trong bối cảnh môi trường sinh thái nhân văn, vì thế, cần được thể hiện trong một phần nội dung của Bảo tàng lịch sử tự nhiên Nam bộ khi bảo tàng này được xây dựng.  Có như vậy, bảo tàng mới thực hiện được vai trò chức năng tuyên truyền giáo dục trong đó có việc giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn trong cộng đồng cư dân, vì  đây là một tiền đề quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia khi mà môi trường sinh thái trên trái đất hiện nay đang trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu.

 

THAM KHẢO

 

- Trần Quốc Vượng chủ biên. Cơ sở văn hóa Việt Nam. NXB Giáo dục, 2000.

- Viện Bảo tàng lịch sử VN và Bảo tàng lịch sử VN.TPHCM. Khảo cổ học Tiền sử và sơ sử TPHCM. NXB Trẻ, 1998.

- Lê Xuân Diệm – Đào Linh Côn – Võ Sĩ Khải. Văn hoá Oc Eo những khám phá mới. NXB KHXH, 1996

- Hà Văn Thùy. Từ sự tiêu diệt của Phù Nam nhìn lại đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Xưa và nay, số 246 tháng 10 – 2005.

- Nguyễn Minh Nhị. Mùa nước nổi nay mai sẽ là mùa sản xuất chính ở An Giang. Báo Sài Gòn giải phóng thứ bảy, số 648 ngày 16.8.2003

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 5103
Ngày đăng: 05.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn hóa Óc Eo , Một nền Văn hóa cổ ở Nam Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Cần Giờ hai ngàn năm trước - Nguyễn Thị Hậu
Vài nét về văn hóa khảo cổ Đồng Nai . - Nguyễn Thị Hậu
Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa - Nguyễn Thị Hậu
Hệ thống di tích khảo cổ học ở Tp.Hồ Chí Minh - Nguyễn Thị Hậu
Khảo cổ Việt Nam soi sáng văn minh Đông Sơn-phần một - Nguyễn Đức Hiệp
Khảo cổ Việt Nam soi sáng văn minh Đông Sơn-tiếp theo và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Lâm Ấp, Champa và di sản - phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Lâm Ấp, Champa và di sản - phần 2 hết - Nguyễn Đức Hiệp
Bước đầu “ giải mã” gia phả khắc đá ở Việt nam ? - Nguyễn Văn Hoa
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)