Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
545
115.980.384
 
Cần Giờ hai ngàn năm trước
Nguyễn Thị Hậu

Huyện Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam TP.HCM, là vùng đồng bằng cửa sông – vịnh biên mới được thành tạo từ khoảng 6.000 – 5.000 năm cách ngày nay. Bề mặt đồng bằng thấp trũng bao phủ bởi thảm thực vật kiểu rừng nước mặn, lại bị chia xẻ do hệ thống sông rạch chằng chịt. Trên vùng địa hình phức tạp này các di tích khảo cổ học thường được tìm thấy trên các giồng đất được thành tạo từ quá trình tích tụ phù sa chưa hoàn chỉnh ở vùng cửa sông Đồng Nai. Dấu tích cư trú của con người từ rất sớm ở nơi đây đã làm cho môi trường sinh thái – nhân văn của Cần Giờ khác hẳn những khu vực rừng ngập mặn khác, nơi đơn thuần chỉ có dấu vết quá trình lấn biển của tự nhiên.

 

Từ những phát hiện đầu tiên vào những năm 1976 – 1978, qua nhiều lần khảo sát, thám sát và qua 3 lần khai quật liên tục (1992, 1993 và 1994), các nhà khảo cổ học đã bước đầu phác dựng lịch sử Cần Giờ giai đoạn từ 3.000 đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, qua việc nghiên cứu các đặc trưng văn hoá khảo cổ nơi đây.

- Là những di tích chỉ cư trú có tầng văn hoá khá dày, hình thành ngay trên nền sét biển. Tích tụ của quá trình sản xuất gốm văn hoá đã góp phần cùng với tự nhiên tạo nên những giồng đất di tích khảo cổ.

          - Di chỉ cư trú dần trở thành khu mộ táng với tục hung táng trong mộ chum là chủ yếu. Tuy nhiên, có thể nhận thấy có một số táng thức khác ở vào giai đoạn sớm hoặc muộn hơn giai đoạn mộ chum.

          - Di vật và đồ tuỳ táng của các di tích mộ chum Cần Giờ vô cùng phong phú và độc đáo. Đó là loại gốm Giồng Cá Vồ – Giồng Phệt, được coi là tiêu chí để nhận biết mối liên hệ của Cần Giờ với những vùng khác. Đó là vô số các kiểu đồ gốm mang phong cách của các nền văn hoá Đồng Nai, Sa Huỳnh, Óc Eo… Là các loại hình đồ trang sức cho biết nguồn gốc được sản xuất tại chỗ hoặc du nhập nguyên liệu và kỹ thuật từ những khu vực khác ở ĐNA hải đảo, là sự thiếu vắng các công cụ sản xuất nông nghiệp mà chỉ có mặt một số loại vũ khí mang tích chất tượng trưng cho quyền lực.

          - Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy đây không phải là một nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng trọt – như nhiều nền văn hoá khảo cổ trong thời đại kim khí – mà chủ nhân của văn hoá này có đời sống kinh tế khá đặc biệt. Đó là phát triển thương mại kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên.

 

Chính vì vậy, có thể cho rằng Cần Giờ hai ngàn năm trước đây là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hoá bản địa.

         

Những điều kiện để “cảng thị” Cần Giờ hình thành và phát triển

Nhìn trên bản đồ địa lý tự nhiên, Cần Giờ giống như một bán đảo bị cắt rời khỏi đất liền bởi các con sông lớn: phía Bắc là sông Nhà Bè – sông Lòng Tàu, phía Đông là sông Đồng Tranh – sông Thị Vải, phía Tây là sông Soài Rạp, còn phía Nam là Biển Đông. Được bao bọc 4 phía bởi sông và biển, Cần Giờ còn bị chia cắt bởi các con sông, rạch tắc… lớn nhỏ khác, ngang dọc chằng chịt khắp vùng rừng Sác. Cho đến nay, phương tiện giao thông chính ở vùng này vẫn là đường thủy, con đường giao lưu của Cần Giờ với những vùng khác vẫn là đường sông, đường biển. Hướng vào nội địa, từ vịnh Cần Giờ có thể theo các con sông ngược lên đến Nhà Bè. Từ đây, hoặc theo sông Sài Gòn đi sâu vào vùng đồi gò thềm phù sa cũ ăn liền với khối Đông Bắc Campuchia, hoặc theo sông Đồng Nai lên vùng Đồng Nai Hạ trù phú, và xa hơn, lên Đồng Nai Thượng (Đại Đồng – Sông Lớn) gắn liền khối Nam Tây Nguyên. Giữa lưu vực Đồng Nai và Vàm Cỏ, vài ngàn năm trước còn bị ngăn cách bởi vùng trũng phèn rộng lớn. Do vậy, con đường giao lưu thuận tiện nhất giữa hai miền Đông – Tây là sông Sài Gòn/ sông Đồng Nai – sông Nhà Bè – sông Soài Rạp – sông Vàm Cỏ Đông – Tây.

 

Hướng ra bên ngoài, Cần Giờ quay mặt ra biển Đông bằng vô số các cửa sông lớn nhỏ đổ ra vịnh Gành Rái và vịnh Đồng Tranh. Biển Đông mang tính chất là một biển kín, được bao bọc bởi lục địa Châu Á và các quần đảo kéo dài từ Đài Loan qua Philippin đến Boocnéo. Trong vùng biển này chỉ có các dòng hải lưu nhỏ, mang tính địa phương, chịu ảnh hưởng của địa hình vùng biển và do chế độ gió mùa quyết định. Có hai dòng hải lưu, dòng hải lưu chạy dọc bờ biển Việt Nam theo hướng Đông Bắc – Tây Nam chảy mạnh và ổn định nhất vào mùa thu – đông. Còn dòng hải lưu Tây Nam – Đông Bắc vào thời kỳ xuân – hè chảy ven các quần đảo của Đông Nam Á hải đảo. Vùng biển Cần Giờ có chế độ bán nhật triều mạnh, biên độ thuỷ triều rất lớn, vào sâu trong đất liền hàng chục km vẫn còn ảnh hưởng của thuỷ triều.

 

Vị trí địa lý của Cần Giờ khá đặc biệt, đó là vùng cửa sông – vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, lại là “trạm trung chuyển” giữa hai miền lưu vực Vàm Cỏ – Đồng Nai hay là Tây – Đông Nam Bộ. Câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai – Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” tuy xuất hiện khá muộn nhưng hẳn cũng là tâm trạng của những người dân lênh đênh trên sông nước, ngược từ vịnh biển Cân Giờ hay từ Vàm Cỏ Đông – Tây lên miền Gia Định – Đồng Nai ngay từ thời xa xưa ấy. Chọn vị trí này để cư trú, có lẽ cư dân cổ Cần Giờ đã góp phần hình thành một trong những quy luật của “làng Nam Bộ” là định cư trên giồng cao nơi “giáp nước”, nơi gặp nhau giữa nước thủy triều chảy ngược và nước sông chảy xuôi. Thủy triều đẩy nước vô các kinh rạch, gặp dòng chảy của sông ra biển, khi gặp nhau, dù nước lớn hay nước ròng phù sa đều lắng đọng ở những nơi này – ghe xuồng ngược xuôi buôn bán thường nghỉ lại đây chờ con nước. Làng mạc mọc lên… ở đâu là nơi giáp nước, ở đó trên bờ là thị tứ, chợ búa…

 

Mặt khác, các nền văn hoá khảo cổ thời kỳ tiền sơ sử ở ĐNA đã cho thấy Biển Đông không phải là yếu tố ngăn cách và cô lập các tộc người ở khu vực này, mà trái lại, đã là một “chiếc cầu” nối liền các tộc người ven biển với nhau, liên kết giữa ĐNA hải đảo và ĐNA lục địa, giữa ĐNA với những vùng xa hơn trong Thái Bình Dương bao la.      

 

Bước vào thời đại kim khí, vùng châu thổ Đồng Nai đã là một trung tâm nông nghiệp sầm uất, nơi quy tụ lượng tài vật khá lớn của cả phần nam bán đảo Đông dương. Hàng chục di tích khảo cổ học phân bố dày đặc dọc đôi bờ Đồng Nai, trên cả những cù lao và kéo dài đến vùng ven biển. Dấu tích cư trú lâu dài, ổn định và phong phú của con người thể hiện trên số lượng di vật rất lớn, nhiều loại hình và phản ánh được các đặc trưng văn hoá, đặc trưng kỹ thuật của các cộng đồng người ở đây. Những xưởng thủ công lớn sản xuất nhiều loại vật dụng cho cuộc sống của con người như đồ gốm, công cụ đá, khuôn đúc và công cụ kim loại, đồ trang sức bằng đá mà số lượng sản phẩm đã vượt qua mức độ tự cung tự cấp. Miệt Vàm Cỏ cư dân cổ cũng tạo lập cuộc sống định cư trên những “núi đất” giữa vùng lầy trũng, tại đó  phong phú công cụ sản xuất bằng đá, đồ dùng bằng gốm, đặc biệt nhiều loại công cụ xương thú và vỏ nhuyễn thể. Dù mối quan hệ giao lưu giữa Vàm Cỏ và Đồng Nai phát triển trên quy mô lớn và đã rất thường xuyên, nhưng cư dân Vàm Cỏ vẫn có lối sống và sản phẩm văn hoá mang bản sắc riêng.

 

Dựa lưng vào một hậu phương rộng lớn và trù phú như vậy, “cảng thị” Cần Giờ đã có một nền tảng kinh tế – xã hội để tồn tại và phát triển. Như trên đã nói, điều kiện tự nhiên của Cần Giờ không thích hợp cho kinh tế nông nghiệp trồng trọt vì đây là vùng ngập mặn quanh năm, chỉ có các loại cây rừng Sác là chủ lực trong việc giữ đất hình thành hệ sinh thái kiểu “mắm trước đước sau”.  Nước ngọt ở đây rất hiếm hoi, mùa mưa còn có nước mưa tạm đủ dùng, nhưng mùa khô hoàn toàn phải mua nước ngọt chở bằng ghe theo đường sông từ Đồng Nai – Sài Gòn xuống. Có thể nói, nếu không có lương thực và nước ngọt của hậu phương Đồng Nai thì cư dân cổ Cần Giờ khó có thể tạo dựng được một “cảng thị” dù là “sơ khai” dạng các bến – chợ. Không chỉ thế, tại Cần Giờ còn tìm thấy những loại vũ khí và công cụ bằng đồng và sắt như rìu, giáo, lao, những dao nhỏ, lưỡi câu và cả đồ trang sức … Nguồn gốc của chúng chắc chắn là từ trung tâm luyện kim Đồng Nai, hoặc xa hơn, từ Ban Chang, Non Nok Tha ở Đông Bắc Thái Lan. Tuy số lượng không nhiều nhưng vũ khí và công cụ kim loại đã có vai trò tích cực trong hoạt động khai thác tự nhiên ở Cần Giờ. Đặc biệt một số vũ khí còn mang ý nghĩa tượng trưng cho quyền lực hay địa vị khi chúng được làm đồ tùy táng trong mộ chum.

 

Việc trao đổi “thương mại” giữa Cần Giờ và lưu vực Đồng Nai không phải chỉ diễn ra một chiều như vậy. Chủ nhân các di tích ở Cần Giờ không hoàn toàn phụ thuộc vào hậu phương mà tự thân họ đã tạo dựng nơi đây trở thành một trung tâm thủ công nghiệp với các nghề làm gốm, làm đồ trang sức bằng đá, vỏ nhuyễn thể, nghề làm thủy tinh… Sản phẩm của họ đã mang tính chất hàng hoá, được trao đổi một cách “bình đẳng”, thậm chí còn là những mặt hàng qúy giá. Với lưu vực Đồng Nai, cùng với sản phẩm khai thác từ tự nhiên thì những đồ gốm sản xuất tại Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt đã có mặt tận Dốc Chùa, Phú Hoà, Suối Chồn, Long Bửu ở lưu vực Đồng Nai; Gò Cao Su, Gò Ô Chùa ở lưu vực Vàm Cỏ. Nhiều kiểu dáng đồ trang sức ở khu mộ chum Phú Hòa như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai 3 mấu, hạt chuỗi mã não… trước đây vẫn được coi là bằng chứng của sự ảnh hưởng của văn hoá Sa Huỳnh, thì nay đã có thể nhìn nhận là kết quả của mối quan hệ mật thiết với cửa biển Cần Giờ.

 

Đặc biệt, loại hình Cà ràng (bếp lò gốm) có sự phát triển ngày càng hoàn thiện, từ giai đoạn sớm ở Vàm Cỏ đến Đồng Nai, giai đoạn muộn ở Cần Giờ đã mang dáng dấp của Cà ràng trong văn hoá Óc Eo. Từ đây, loại bếp gốm của cư dân sông nước Nam Bộ đã trở thành loại vật dụng quen thuộc của cư dân nhiều nơi ở Đông Nam Á.

 

Khác với những di tích khác trong vùng Đồng Nai – nơi chủ yếu sản xuất đồ gốm và luyện kim – Cân Giờ là trung tâm thủ công sản xuất đồ trang sức từ các chất liệu vàng, đá quý, thủy tinh và từ vỏ nhuyễn thể. Tại đây, đồ trang sức bằng đá giữ vai trò chủ đạo cả về số lượng, mẫu mã và kỹ thuật sản xuất. Sản phẩm chính là các hạt chuỗi đá ngọc, đá mã não, khuyên tai hai đầu thú… Nghiên cứu bước đầu cho biết, một số sản phẩm được chế tạo tại chỗ từ nguyên liệu ngoại nhập (đá ngọc, đá mã não), từ nguyên liệu sản xuất tại chỗ (thủy tinh) hay từ nguyên liệu tự nhiên (vỏ ốc, vỏ hàu…). Tuy vậy vẫn dễ dàng nhận ra yếu tố giao lưu kỹ thuật với Ấn Độ và xa hơn, nhất là trong việc chế tạo đồ ngọc và thủy tinh. Nhiều sản phẩm ở Cần Giờ mang dấu ấn nhiều nền văn hoá khác như đồ gốm mang phong cách văn hoá Sa Huỳnh; bông tai gốm kiểu hoa thị, đồ trang sức vàng, các kiểu chậu gốm, tượng hình chim mang phong cách hiện vật của vùng đảo Philipinne… Cho đến nay tại cần Giờ đã tìm thấy 28 khuyên tai hai đầu thú bằng đá ngọc và thủy tinh – chiếm hơn nửa số trang sức này trong các di tích khảo cổ ở Đông Nam Á. Đây là loại trang sức độc đáo trước đây được coi là đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh ven biển miền Trung Việt Nam. Nhưng từ những tư liệu khảo cổ ở Cần Giờ một giả thuyết mới được đặt ra, phải chăng nguồn gốc các loại trang sức có mặt trong nhiều khu mộ chum ở ĐNA lục địa và hải đảo là được sản xuất tại Cần Giờ?

 

Mối quan hệ giao lưu rộng rãi của “cảng thị” Cần Giờ là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của văn hoá Đồng Nai thời tiền sử và góp phần quan trọng vào quá trình hình thành văn minh Óc Eo từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nhờ luôn hội tụ và phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, sự giao thương rộng rãi với bên ngoài và nguồn lực vật chất của lưu vực Đồng Nai – Cửu Long, cảng thị sơ khai Cần Giờ xưa kia, cảng Bến Nghé thời Nguyễn và Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh ngày nay đã giữ vững vai trò quan trọng của mình trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là một đặc thù mà hầu như không có một cảng biển nào ở nước ta không có được.

   ---------------

  Hình 1 : Hình minh họa

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 5951
Ngày đăng: 22.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài nét về văn hóa khảo cổ Đồng Nai . - Nguyễn Thị Hậu
Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa - Nguyễn Thị Hậu
Hệ thống di tích khảo cổ học ở Tp.Hồ Chí Minh - Nguyễn Thị Hậu
Khảo cổ Việt Nam soi sáng văn minh Đông Sơn-phần một - Nguyễn Đức Hiệp
Khảo cổ Việt Nam soi sáng văn minh Đông Sơn-tiếp theo và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Lâm Ấp, Champa và di sản - phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Lâm Ấp, Champa và di sản - phần 2 hết - Nguyễn Đức Hiệp
Bước đầu “ giải mã” gia phả khắc đá ở Việt nam ? - Nguyễn Văn Hoa
Phát hiện nhạc cụ cổ nhất của nhân loại: Cây sáo cổ tích - Khuyết danh
Khảo cổ học Việt Nam: Dấu ấn 2001 - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)