Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
663
116.003.596
 
Xí bệt , xí xổm
Thai Sắc

Ba tôi bảo đi tàu hỏa là nằm trong chiếc cũi heo để mấy cha đồ tể khiêng rượt qua đất cày, lục cục lào cào, thấp tha thấp thổm, tức muốn được liệng quách cho rảnh nợ. Ông trối trời cái giường tầng ba, cột người ta vào nóc con tàu rồi xả hơi nước đá vào mặt như đang ướp đồ biển mang vô đồng. Nằm ở giường tầng một – chỗ tôi mua cho - thì ông bảo đó là cái chõng đặt ngoài hiên, ai cũng ghé đít vào, nhất là vào ba bữa ăn mỗi ngày. Mà cái nhà hỏa xa cũng bày đặt lắm trò, đã ăn toàn đồ hộp nguội ngắt, mắc mớ chi giăng ra đủ ba bữa cho chộn rộn leo lên trèo xuống. Mua giường là để ngủ, nằm mà không ngủ chỉ có kẻ lười chảy thây mới khoái chứ lão nông tri điền thì như bị phạt trói chân tay. Một ngày người ta ngủ chỉ hết phần ba thời khắc, người già ngủ càng ít, nên giường coi như là dùng để ngồi. Ngồi ở giường tầng trên người thành ba khúc, nên giường tầng một y chang cái chõng tre đặt ngoài hiên là đúng qúa xá. Ba tôi là nông dân rặt nhưng sống có qui củ và tinh tươm lắm. Ông chịu không thấu sự hằm bà lằn của cái giường tầng một ấy. Ông bảo đi tàu xịn mà hỗn tạp thế này thì lần sau ra Hà Nội ngồi quách chiếc cộ trâu cho đã đời. Mình ên giữa trời, mỏi thì nằm trên rơm lót sẵn, mượt như cỏ chỉ đầu xuân, thích thì ngồi vắt vẽo lưng trâu ngắm giang sơn gấm vóc. Qủa là một ý tưởng lạ hoắc lạ huơ, tôi và mọi người nghe, cười ói nước. Trời đất, đi bằng cộ trâu từ Đồng Tháp Mười ra thủ đô thì giáp năm mới đến viếng được Lăng Bác chớ bộ!

Ông cười theo :

- Là nói vậy ! Chớ sắp được viếng Cụ thì  cực cách chi cũng ráng !

Chuyến tàu S2 như chẳng màng chi tâm sự của lão nông Nam bộ là ba tôi, cứ rin rít, rèn rẹt lao trên hai thanh đường ray mỏng mảnh, gập ghềnh, có lúc tưởng sắp hẩy toa tàu lên trời rồi quăng xuống vệ đường lổn nhổn đá. Đây là đoàn tàu hiện đại vào bậc nhất của ngành đường sắt hiện nay, đặc biệt là những toa giường nằm. Tôi thường xuyên đi tàu nên nhận thấy rõ điều đó. Còn ba tôi thì khác, ông đã lần nào ngồi tàu hỏa đâu mà so sánh. Đối với ông, tàu hỏa phải hơn xe hơi bởi không phải trườn qua ổ gà, phải hơn tàu thủy vì không phải chồm qua sóng biển. Ai dè cùng một bè ! Tôi thưa với ba đi tàu hỏa an toàn hơn các phương tiện khác thì ông gạt ngang : “Tao bị bao giờ đâu mà biết thằng nào hơn thằng nào ! Chết hay không ở con người chớ đâu do cái tàu, cái xe mậy !“.

 

Ở quê, mỗi lần đi đám hoặc có công chuyện chi đó loanh quanh xóm ấp, xa hơn chút là bên cồn, ba tôi leo lên chiếc xuồng ba lá sạch bong, trên lót mấy tấm ván gáo vàng hươm, nhấn mấy đường sào hay vẫy vài tay dầm là tới. Xuồng lướt mướt rượt tựa như bay trên mặt kinh, đáy không thèm dính nước. Đi đâu xa, ba tôi xách cái máy cole gắn vô đuôi chiếc võ lãi sơn hai màu xanh đỏ phía đầu mũi hai bên vẽ hai con mắt rồng, giật một cái, máy phành phạch nổ, vọt đi êm ru như uống li đế nghe cái ót, không thấy dội, thấy vấp chỗ nào trong cổ họng. Ba tôi có cái thú và cũng là cái tật là xài thứ chi cũng muốn xài cho ngon trớn, chớ ba chớp ba nháng, sình lên dọp xuống là ổng chịu không thấu. Nhà tôi nép cạnh bờ kinh xáng thổi, chỉ là ngôi nhà sàn mái phi-rô xi măng vách gỗ nhưng cứ gọi là khang trang nhất nhì ấp nhờ bàn tay gầy dựng, sắp xếp, tỉa tót của ba tôi. Ba tôi nói ông có được đức tính này là nhờ cả đời học mót ở Cụ Hồ. Ông thường dạy con cái là phải luôn noi theo nếp sống của Cụ, bình thường, giản dị, chất phác nhưng đâu ra đó, nhìn thấy đẹp, thấy sang, không phải dễ làm được. Thường những lúc con cháu tụ họp đông đủ, cả nhà đoàn tụ, ba tôi thường mở khóa bồi dưỡng chính trị cấp tốc như vậy. Ông qủa quyết rằng cả thế giới mới có được một người như Cụ Hồ, mình là dân Việt, là con cháu ruột rà của Cụ mà không học theo Cụ để thế giới họ học hết thì uổng phí lắm. Và có tội lớn nữa. Lũ cháu con chúng tôi hiểu ba mình, kính trọng và thương yêu ông hết mực nên bao giờ cũng ngồi nghe ông thuyết giảng một cách say sưa, tâm đắc. Một nông dân chỉ biết cầm bút vạch mỗi chữ kí của mình lên giấy như ba tôi mà giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh hấp dẫn và có lí hơn khối ông cán bộ tuyên tuyền chuyên nghiệp, rặt một thứ giọng huyên thuyên, rỗng tuếch, lí thuyết suông khiến lúc nào cũng có hai phần ba lớp học ngủ gật. Có điều, cứ sau mỗi lần răn dạy con cháu như vậy, ba tôi lại buông một câu buồn khôn xiết : “Trước khi ra nằm vườn, ba có kịp được vô lăng viếng Cụ không đây ?”.

 

Đã bao lần mấy anh em tôi bố trí đưa ba tôi ra thăm thủ đô, vào lăng viếng Bác nhưng cứ trật giuộc hoài do hết lí do này đến lí do khác.

- Tao muốn biết cái nhà sàn thứ thiệt ở Hà Nội chớ cái nhà sàn của Cụ ở Cao Lãnh rờ vô thấy nó giả, sượng cái tay lắm ! Mình là con cháu thứ thiệt của Cụ mà !

 

Chuyến tàu hỏa mang số hiệu S2 dường như chẳng hề quan tâm chi đến tâm trạng “khó ở” của ba tôi, cứ lịch kịch, dập dềnh trườn qua những cung đường quanh co của dãi đất miền Trung. Ngồi riết cũng mệt, lại đang đêm, ba tôi đành đặt mình xuống chiếc giường tầng một, mắt thiêm thiếp. Tôi thấy yên dạ và bớt áy náy, vì rồi ra, ba tôi cũng đã chịu chấp nhận cái sự “cơ cực” của việc đi tàu để đến cho được Hà Nội. Tôi vễnh tai và nghe như ở phía dưới có tiếng ngáy. Tôi biết tính ba tôi, nói là nói vậy thôi, chứ ông rất dễ bỏ qua mọi điều phiền phức, cốt tìm cho mình sự đơn giản để sống. Nói chung, bản tính nông dân là vậy !

 

Bỗng nhiên, ba tôi la :

- Đồ ăn tàu hại bao tử tao rồi !

Tôi giật mình, nghiêng người ngó xuống. Ba tôi lệt bệt tìm dép, đẩy cửa lao ra ngoài. Tôi tuột nhanh, theo ông.

- Nhà cầu ? – Ông quắc mắt nhìn tôi trong ánh điện xanh nhạt.

Tôi kéo tay ông đi nhanh về phía đầu toa tàu. Bảng điện tử có hình người màu đỏ. Lại kéo tay ông chạy ngược về phía cuối toa tàu. May quá, hình người màu xanh nhấp nháy như đang cười trên bảng điện! Tôi đẩy ba tôi vào rồi đóng nhanh cửa toa - lét.

Hình như tàu đang chạy chậm dần trên một sân ga nào đó.

“Bùm… bùm…bùm…”. Cùng với tiếng đấm cửa phát ra, tôi nghe có tiếng ba tôi la :

- Ỉa kiểu ngồi họp, tao không rành !

Trời đất, đang tháo nước mà sao ba tôi nhiêu khê thế này ?

 

Tôi mở nhanh cửa. Ba tôi đứng trân nhìn xuống. Tôi chợt hiểu ra, ba tôi không quen ngồi kiểu xí bệt. Ngoảnh lại, cái xí xổm đầu toa vẫn còn hình người màu đỏ. Mà cái hình người màu đỏ kia có biến ngay thành màu xanh thì cửa toa – lét cũng sẽ đóng lại ngay bây giờ vì tàu bắt đầu dừng bánh trên sân ga. Tàu hỏa xứ ta là vậy, cả tuyến đường sắt có dơ dáy kiểu gì thì cũng còn được cái sân ga là sạch vì không chứa sản phẩm bài tiết của hành khách do các cửa toa – lét được đóng lại ngay khi tàu vừa dừng bánh, dẫu lúc đó có bao nhiêu người đang bị Tào Tháo rượt như ba tôi.

- Ba chịu khó một lúc nghen ! – Tôi an ủi.

- Hết… chịu… nỗi rồi… con ! – Ba tôi khom người lách nhanh qua tôi, đi về phía cửa toa tàu đang mở.

 

Tôi nhảy xuống sân ga, theo ông. Ba tôi luồn qua một toa tàu đỗ sẵn trên sân ga, khuất ánh sáng, ngồi thụp xuống. Nếu ai đã từng tự tận hưởng cái khoái cảm bài tiết một cách đích thực, chắc sẽ hình dung rất sinh động gương mặt mãn nguyện của ba tôi lúc đó.

- Nhanh lên ba ! Tàu chỉ đỗ ba phút !

- Hà…hà…Nhứt quận công, nhì ỉa đồng…- Ba tôi cười to, như không thèm để ý đến lời cảnh báo của tôi – lời cảnh báo vào loại quan trọng trong đời người : lỡ tàu.

 

Tàu réo còi, chạy, bỏ lại cha con tôi trên một sân ga miền Trung buồn tẻ và không phải là không bẩn thỉu.

 

Hình như ba tôi đang mỉm cười nhìn đoàn tàu tăng tốc rời sân ga, trong cái thói quen “xí xổm” đã ngấm vào máu thịt người nông dân ngàn năm nay. Còn tôi thì đang bóp đầu nghĩ phương cách làm sao từ đây đưa ba tôi ra được Hà Nội, tìm đến nhà tàu nhận lại hành lí, nếu nó vẫn còn, trước khi vào lăng viếng Bác…

 

2004

Thai Sắc
Số lần đọc: 3602
Ngày đăng: 11.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô gái gọi mặt trời - Hồ Tĩnh Tâm
Chia đôi - Trần Huyền Trang
Kẻ phá thối - Lê Xuân Quang
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Người vợ trẻ và Con chó già ! - Lê Xuân Quang
Người hàng xóm - Lưu Thành Tựu
Chí Tây ! - Lê Xuân Quang
Học trò - Nguyễn Quang Nhàn
Duyên Tu-1 - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả
Chim lá rụng (truyện ngắn)
Bà ngoại (truyện ngắn)
Xí bệt , xí xổm (truyện ngắn)
Em (thơ)