Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
693
115.993.969
 
41 giai thoại làng Văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX-1
Thai Sắc


Những mẫu chuyện nho nhỏ sau đây có thể coi là chút giai thoại. Đã là giai thoại thì phải ít nhiều thêm muối thêm mắm cho có phần lung linh, hấp dẫn… Trên cơ sở sự thật 100%, người ghi lại những chuyện này không muốn thoát khỏi chuyện này. Những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ…được tác giả ưu ái đưa vào đây, nếu thấy có chi tiết nào không giống mình lắm hoặc vượt lên cả sự thật, hà tất đừng quá bực mình và mở rộng cõi lòng thênh thang của người sáng tạo văn học nghệ thuật mà cứu rỗi cho người viết. Mang lại cho độc giả chút vui trong sáng, thánh thiện qua chính những phiến đời nho nhỏ của mình, thế cũng là hạnh phúc như đã sáng tạo được một tác phẩm rồi !

 

Nhà thơ trăng mà chỉ biết đi bộ

Hạc Thành Hoa là tác giả của tập thơ về trăng vừa được Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1995. Anh cũng là một Nhà giáo Ưu tú mà xa gần đều biết tiếng bởi những giờ dạy Văn hấp dẫn.

Thơ cũng như bài giảng của anh luôn bay bổng, tìm đến với bầu trời, với trăng sao xa vời…Nếu buộc phải chở những ý tưởng ấy của anh lên bao la vũ trụ, hẳn phải dùng tàu liên hợp!

Anh sống phóng khoáng và giàu lòng nhân ái.

Có điều, đến giờ đã ngót lục tuần mà anh vẫn chưa hề biết đi xe đạp, nói chi đến xe máy…Chỉ “ham” mỗi phương tiện giao thông bền, chắc, không mất tiền mua là xe…"hăng cải”. Nghe đâu có lần, vì một lí do nào đó, nhà thơ trăng đã đi bộ từ chợ Bến Thành ra Xa cảng Miền Tây, lên xe đò về Cao Lãnh.

Nếu xe đò hết, chưa biết chừng…

Giá thống kê được số km đi bộ của thi sĩ Hạc Thành Hoa trong gần sáu chục năm qua trên cõi Trần này, biết đâu, đó là một con số đáng đưa vào sách kỉ lục của ngành giao thông thế kỉ XX ?

Nhờ thất nghiệp mà viết văn

Phan Ngọc Quang (Ngọc Châm, Thương Huyền…) vốn là một cử nhân văn chương ngành Sư phạm. Chẳng hiểu trời đất đưa đẩy qua việc “giảm biên" thế nào mà thành ra…thất nghiệp. Chạy vạy đủ nghề mà đời sống vẫn quá khó khăn. Sẵn cái vốn văn chương đại học và chút năng khiếu, anh quyết "chơi” một “quả” đột phá, chuyển sang…nghề sáng tác văn học nghệ thuật; viết, vẽ đủ thể loại : Truyện ngắn, tiểu phẩm, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, thơ, tranh vui, mẫu chuyện vui, viết cho thiếu nhi… và…cả món vọng cổ nữa mới nễ chứ ! (Anh là người Nghệ mà !)

Tưởng chơi, ai ngờ viết được, vẽ được; nhận giải thưởng tới tới trong các cuộc thi, từ những chốn danh giá như : giải nhì kịch bản phim của Hãng phim Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, giải ba kịch bản sân khấu của Đài truyền hình Cần Thơ…đến các giải "cây nhà lá vườn" bên dân số - kế hoạch hóa gia đình hay bên công đoàn…Thu nhập tăng rõ rệt !

Riết rồi, tạp chí “Văn nghệ Đồng Tháp” số nào vắng cái tên Ngọc Châm ở mục tranh vui, chuyện vui…thì số đó như thấy thiếu thiếu một cái gì…

Làm văn học nghệ thuật theo cách đó và được như vậy, ở Đồng Tháp, mới chỉ có một Phan Ngọc Quang !

Bị "vạ" lây

Nhà Xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp ưu ái cho Thai Sắc ra tập truyện thiếu nhi mang tên "Điểm mười". Chẳng hiểu in ấn thế nào mà khi thành phẩm, Giám đốc Nhà Xuất bản giãy nãy lên vì cái ảnh chân dung của tác giả ở bìa 4 và mấy dòng "rao" sách sẽ in của tác giả ở bìa phụ. Điện thoại lập tức cho tác giả phải in lại bìa mới cho phát hành. Dĩ nhiên, Nhà Xuất bản thương tình nhà văn nghèo mà quyết định tạm thôi không thu các khoản tiền (dẫu không nhiều) phải nộp, để tập trung kinh phí thay cái bìa cho kì được.

Trước đó, nhiều phương án đưa ra đều bất khả thi.

Thai Sắc, mặt nhăn hơn khỉ ăn ớt, đành nghe theo. Nếu không, sách không cho bán, chỉ có nước… bấm bụng viết vài cuốn sách tào lao, mùi mẫn, rẻ tiền đang thịnh hành, kiếm tiền trả nợ nhà in !

Có lẽ, thấy việc "triệt" Thai Sắc như vậy cũng nặng quá, sách nó đàng hoàng thế mà làm tình làm tội hơn mấy cuốn lá cải thì coi cũng hơi kì, nên để cho có bạn, Nhà Xuất bản lập tức triệu hồi nữ sĩ Bạch Phần và phán : Hãy xẻo bớt cái bìa phụ của tập thơ “Hoa bằng lăng”, in trước đó khá lâu, đã phát hành được chút ít, bởi ở đó có mỗi dòng chữ dễ thương và hiền hậu mà người sáng tác nào cũng có quyền làm : SẼ IN : TÌNH CA QUÊ HƯƠNG (CA CỔ).

Bụng mang dạ chữa, đẻ được tập thơ, mong “phân phối” lẹ đứa con tinh thần để lo sinh con thiệt; ai ngờ, vì Thai Sắc mà Bạch Phần "vạ" lây !

Rác rưởi thành mái ngói hồng

Lệ thường, Tết Nguyên đán hàng năm, Trường Trung học phổ thông Thị xã Cao Lãnh đều có xuất bản tờ báo xuân mang tên "Khởi điểm”. Tờ báo do nhà thơ Hạc Thành Hoa lo từ thu thập bài vở, biên tập, trình bày đến in ấn, phát hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng.

Vậy mà, số báo Xuân Giáp Tuất, 1994, chính tác phẩm của Hạc Thành Hoa bị cơ quan cấp giấy phép "xài xể".

Đó là hai dòng đầu trong bài thơ "Mùa lũ" đầy ý tưởng mới mẻ và khơi gợi :

"Và nước lũ đã tràn vào lớp học

Mang theo bao rác rưởi ở bên ngoài"

Những người duyệt bài (vâng, nơi cấp giấy phép ở đây, rất thích duyệt cả bài vở !), vốn chẳng phải là dân văn chương, đã ngắt hai dòng thơ này ra khỏi chỉnh thể bài thơ và phán : Nếu không sửa dòng thơ thứ hai thì không cho in bài thơ và có thể không cấp cả giấy phép cho tờ báo.

Vốn là người hiền lành, không thích to chuyện, đôi khi hơi "nhát", Hạc Thành Hoa lập túc "tuân lệnh", mặc dù, với tư cách nhà thơ, trong lòng xiết bao xót xa.

Và dòng thơ thay thế ra đời như sau :

"Và nước lũ đã tràn vào lớp học

Mái ngói hồng vẫn cứ hồng tươi"

Tuyệt vời ! Vậy là không còn "bôi đen” mà là đại “tô hồng”! (có đến hai từ “hồng” xuất hiện trong một dòng thơ mà !).

Mới hay, dưới bàn tay "phù thủy" của nhà thơ, rác rưởi biến thành mái ngói hồng chỉ trong nháy mắt !

Suýt thọ nạn giữa "Tràng giang"

Báo “Giáo dục Đồng Tháp” số Xuân Quí Dậu, 1993 có đăng bài viết : "Tràng giang - hoại niệm về một quê hương đã mất" của Nguyễn Đường Thai (tên thật của nhà thơ Hạc Thành Hoa). Đó là một bài viết công phu, có những ý tưởng mới, riêng và thuần túy văn chương khi bàn về bài thơ nổi tiếng của Huy Cận.

Vậy mà, không hiểu sao, “nó” được bên an ninh văn hóa (PA25) “để mắt”.

Té ra, trong một kì thi ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, một đồng chí bên PA25 được mời đến giám sát. Trong lúc làm nhiệm vụ, đồng chí ấy nghe lỗ mỗ lới bàn của mấy giáo viên Văn ở đây về bài viết, khi về đọc lại ngỡ là có vấn đề lẫn khuất này kia, mới "gõ cửa" bộ phận biên tập tờ "Giáo dục Đồng Tháp” để làm việc.

Cũng may, những người biên tập ở đây đã giải thích rõ ràng quan điểm của tờ báo cũng như ý tưởng của bài viết dưới góc độ văn chương, nên mọi việc rồi cũng êm xuôi.

Sau chuyện đó, Thai Sắc, người biên tập chính của tờ báo đùa với Hạc Thành Hoa.: "Chút xíu nữa là ra giữa "Tràng giang" mà "củi một cành khô lạc mấy dòng" nhé !"

"Té re"

Nhà riêng Hạc Thành Hoa và Thai Sắc gần nhau trên con đường Trương Định, nên hai người thường qua lại thăm thú và đàm đạo văn chương. Mặc dù, "cướp" thời gian của thi sĩ - nhà giáo xứ Thành Hoa (Thanh Hóa) khỏi những học trò "chầu chực" học thêm không phải dễ dàng chi !

Một lần, vừa đi Đà Nẵng về (Hạc Thành Hoa rất có duyên với Đà Nẵng nhé !), gặp Thai Sắc, Hạc Thành Hoa khềnh khệch cười :

- Chuyến này "té re" !

- Ủa, ra Đà Nẵng ăn ghẹ biển Thanh Khê, lạ bụng hả ?

Một tràng cười giòn như súng liên thanh :

- Là chuyện làm thơ ! Bỗng nhiên, ra một lèo hơn chục bài, như kiểu đau bụng chạy “té re”…

- Ha, ha…zvậy thì lâu lâu cũng phải "té re" vài "cú" chứ ! "Táo bón" hoài như Thai Sắc căng quá !

Từ đó, “té re” và "táo bón" là những tiếng lóng của hai vị mỗi khi hỏi han về chuyện sáng tác văn chương.

"Gã cô đơn"

Hạc Thành Hoa, Thai Sắc cùng Hoàng Đình Huy Quan (Phú Yên), Phù Sa Lộc (Cần Thơ) và Hồ Thanh Điền (An Giang) đi uống bia, dạo mấy nhà thơ xứ khác về Đồng Tháp chơi.

Chẳng hiểu trời đất xui khiến thế nào mà "đi lạc” vào quán bia có mấy cô gái phục vụ rất nhiệt tình và hơi bị…xinh.

Mới xuất hiện, các nàng đã "lăm lăm” khăn lạnh, nhằm cái bản mặt phong trần của các nhà thơ mà lau. Mà các nhà thơ vốn hiền lành và rất dễ mủi lòng, nên cũng lặng yên để mặc cái mặt mình cho các em "chăm sóc”…

Duy mỗi Hạc Thành Hoa là thao tác ngược lại !

Dịu dàng chiếc khăn lạnh trên tay, chàng thi sĩ từ từ đưa lên tấm dung nhan đầy son phấn của của cô gái trẻ.

Trời đất, có phải chàng tính nom cho rõ khuôn mặt người đẹp ? Hay vì chàng quá xúc động mà động tác đâm ra bối rối, vụng về ở những nơi như thế này ?

Bông hoa giật nảy mình, vụt đứng dậy, thót ra ngoài.

Từ lúc đó, Hạc Thành Hoa trở thành "gã cô đơn” trong căn phòng lạnh, rúc rích tiếng nói cười và cả những vần thơ bay bổng…

Phía sau một tập thơ

Sau hai tập thơ in trước năm 1975, mãi cuối năm 1995, Hạc Thành Hoa mới in tập thứ ba. Chuyện xin giấy phép xuất bản cho tập thơ này rắc rối như một pha truyện giật gân.

Vì là tập thơ nằm trong kế hoạch tài trợ kinh phí (50%) của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, nên lúc đầu nó được mang đi xin giấy phép tại Nhà Xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp.

Khi biên tập, không những biên tập viên của Hội Văn học Nghệ thuật mà chánh, phó Chủ tịch Hội và cả Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều đọc. Ai cũng nhận xét, đây là tập thơ tốt, nên in, tuy có đề nghị bỏ bớt vài bài, sửa chữa đôi chỗ.

Vậy mà đến lạ, nhà xuất bản không chịu cấp giấy phép. Ông giám đốc ở đó còn tuyên bố một câu xanh rờn :

- Cả tập không được bài nào !...Tôi phải giữ cái này của mình chứ ! – Ông vừa dùng cánh tay phang ngang cổ như thể đang có ỡi dao chém rạt qua, vừa rụt đầu lại cái rật. Cực kì hài hước !

Cũng may, dạo đó nhà thơ Trinh Đường đang làm cuộc Nam du, ghé qua Đồng Tháp, biết chuyện, xin mang bản thảo về Hà Nội gửi cho Nhà Xuất bản Thanh niên cấp giấy phép.

Nhà thơ Phan Xuân Hạt, biên tập tập thơ, viết thư riêng cho Hạc Thành Hoa, khen hay. Nhà thơ Trinh Đường còn đề từ cho tập thơ.

Mấy tháng sau, tập thơ ra đời với cái tên : "Phía sau một vầng trăng”.

Lạ ! Chưa thấy “cái đầu” nào ở Hà Nội bị "chặt" cả !

Đặt tên con

Trần Quốc Toàn hiện làm việc tại Tạp chí "Thế giới mới" nhưng anh là một trong những nhà văn viết cho thiếu nhi dí dỏm và hấp dẫn hiện nay.

Có lẽ vì thế mà việc đặt tục danh cho hai thằng con trai, dạo sinh ra chúng ở Đồng Tháp khi anh còn dạy học ở đó, cũng ngộ lắm !

Chuyện rằng, thằng con đầu của anh, nghịch ngợm làm sao, chọn đêm 30 Tết, đúng lúc giao thừa mà "chui" ra. Và thế là cu cậu được gắn cho cái tên ban đầu đầy gợi cảm : Tết.

Thằng thứ hai cũng tếu ra phết ! Khi nó cất tiếng khóc oa oa chào đời đúng khớp tiếng chuông nguyện cầu của mấy ni cô bên Chùa Hương (Sa Đéc) rung ngân. Thế là chàng trai tương lai được gọi ngay bằng cái tên tượng thanh : Boong.

Trong giới văn nghệ Đồng Tháp, ít ai biết “danh chính” của các con trai nhà văn Trần Quốc Toàn là gì. Họ chỉ quen gọi chúng bằng những cái tên ngồ ngộ nhưng đầy ắp kỉ niệm ấy.

Dám phê "câu đối” của bộ trưởng

Dạo đó, ông Đoàn Duy Thành còn làm bộ trưởng. Một lần về viếng Lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Cao Lãnh, nhân hứng mà viết vào sổ lưu niệm hai dòng :

"Thiên hồng địa tử giai Sinh Sắc

Giải phóng sơn hà rực Chí Minh"

Chuyện rằng, Công ty Xuất nhập khẩu Tỉnh, vì muốn đẹp mặt vị bộ trưởng quản lí ngành mình, liền đem hai dòng đó khắc lên đá cẩm thạch khổ lớn bằng chữ Hán, mạ vàng, trình bày theo kiểu câu đối, đặt ngay chính diện của ra vào Nhà Lưu niệm ở Lăng Cụ Phó bảng.

Lần ấy, Thai Sắc đưa các ông Nguyễn Quốc Túy, Nguyễn Quốc Luân (Nhà Xuất bản Giáo dục) vào viếng Lăng. Đọc câu trên, nhờ chút vốn liếng Hán – Nôm hồi học ở đại học cùng sự trao đổi với hai vị đàn anh, Thai Sắc liền "nổi máu nghề nghiệp", "phang" luôn một bài trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”, “bửa” thẳng thừng cái gọi là "câu đối” ấy.

Đại khái phê rằng : đây không phải là một câu đối vì nó không hề chỉnh chút nào về mặt chữ nghĩa, từ loại, ý tứ…nhất là việc đem hai cha con đối nhau chan chát ở hai vế câu đối.

Sau bài báo, Ban Quản lí Lăng lập tức khiêng tấm bia vào kho lưu trữ.

Nghe đâu, một lần vào miền Nam, ông Đoàn Duy Thành có tìm đọc bài báo và thốt rằng : "Viết vậy là đúng ! Tôi có ngờ đâu, cái câu ngẫu nhiên đầy cảm tính ấy lại “bị” đưa lên bảng vàng bia đá !”

Vì rượu mà suýt rơi “đài"

Nguyễn Quang Ngọc (Quang Ngọc, Thanh Thủy…) là cây bút thơ, truyện ngắn, kí…quen thuộc trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”, có biên chế ở Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, trụ sở tại Thị xã Sa Đéc.

Một dạo, anh nổi tiếng bởi thiên bút kí "Tản mạn về con sếu Tràm Chim Tam Nông", khi chính quyền huyện này, mà cụ thể là ông phó chủ tịch văn xã viết thư khiếu nại nội dung bài báo, gửi Toà soạn báo "Văn nghệ Đồng Tháp” và nhiều cơ quan hữu trách khác.

Thấy không có gì "lớn", nên cuối cùng, người ta cũng giải quyết vụ việc êm xuôi.

Nào ngờ, "thoát hiểm" nơi này, Quang Ngọc "thọ nạn" chỗ khác.

Số là, một lần về Thị xã Cao Lãnh công tác, sau khi xong việc, Quang Ngọc được mấy anh em ở bộ phận tuyên giáo Thị uỷ mời đi lai rai ở Ngã tư Đèn Dầu. Đó là thời đang rộ lên cái gọi là "đa nguyên đa đảng”. Có hơi men phừng phừng, hứng chí, anh đứng dậy tuyên bố ủng hộ cái "học thuyết húy kị" này.

Tưởng là chuyện say xỉn, nào ngờ trong đám nhậu có tay chơi ác, tấu sự tình cho lãnh đạo hay.

Quang Ngọc - một phóng viên truyền hình xông xáo, một đạo diễn phóng sự có bản lĩnh - bị “dong” lên "đoạn đầu đài" chờ kỉ luật đuổi việc.

May thay, ông giám đốc đài dạo đó là người am hiểu, biết trọng tài năng, lại đang gặp hoàn cảnh ít nhiều nét hao hao Quang Ngọc nên đứng ra bảo lãnh cho anh.

Quang Ngọc thoát hiểm trong gang tấc. Như để tạ ơn, anh đầu tư làm bộ phim phóng sự đầy tâm huyết và xuất thần : "Bông sứ cùi”, kể về một cô gái trẻ, đẹp lặn lội và gắn bó với những bệnh nhân cùi (phong, hủi) cũng chính trên mảnh đất Tam Nông của sếu đầu đỏ.

Đó là bộ phim chia tay của Quang Ngọc với Đồng Tháp để chuyển về báo “Nông nghiệp Việt Nam”. Và đó cũng là bộ phim đạt huy chương vàng duy nhất của truyền hình Đồng Tháp cho đến lúc này.

Đã có thời thét ra lửa

Quang Ngọc, chiết tự chữ Hán tức : ngọc sáng. Tương tự, Thanh Thủy (bút danh khác của Nguyễn Quang Ngọc) nghĩa là : nước trong. Bút danh đẹp như bản tính trung thực, hiền hậu và trong sáng của anh.

Thế mà có thời Quang Ngọc từng thét ra lửa, "quân lệnh như sơn”, không phải trong quân đội mà trước các nàng liễu yếu đào tơ của trường sư phạm.

Số là, anh từng đi bộ đội đánh Mĩ, phục viên về học tiếp đại học sư phạm, ngành Sinh học; ra trường, là một trong những người đầu tiên về xây dựng Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp.

Trong đợt huấn luyện quân sự đầu tiên của trường, Quang Ngọc được "phong" làm chỉ huy trưởng. Oai phong lẫm lẫm, anh chỉ huy tiểu đoàn "lính" sinh viên còn gắt gao hơn cả trong quân đội.

Ngay cả nhiều đồng nghiệp, trên thao trường, xớ rớ là bị vị chỉ huy "bất đắc dĩ” quát xối xả. Thầy và trò chẳng ai dám ho he. Cái nếp quân sự hồi mới giải phóng miền Nam là thế ! Quang Ngọc nhập vai xuất sắc và ai cũng chấp nhận, tôn anh như một "vị tướng" !

Lần ấy, chỉ huy trưởng dẫn quân đi đá banh ở Trường Công nhân Kĩ thuật Đường sông. Chưa tan trận, bất ngờ xảy ra ẩu đả giữa cầu thủ hai đội. Cuộc rượt đuổi nhau không bóng trên sân vô cùng dữ dội. Ai cũng ngơ ngác tìm vị "tư lệnh". Nào ngờ, nhân lúc rối ren, "nhà quân sự" co giò "zdọt" về nhà, mặt "xanh như đít nhái” !

Quang Ngọc không dám làm "quân sự" mà chuyển sang sáng tác văn chương từ đó chăng ?

Suýt thành ni cô

Đang làm thơ ngon trớn với những vần điệu đẫm mùi đời – “Em ngủ những đêm con gái…Tắm đêm chỉ có trăng nhìn" - bỗng nhiên, chị ăn chay và chuyên cần đi lễ chùa hằng đêm. Thành tâm đến độ, chị được nhà chùa chọn vào đội nữ danh dự, luôn gần gũi với mấy “thầy”.

Thấy chị “thoát tục”, anh em văn nghệ ai cũng áy náy, bùi ngùi.

Bỗng nhiên, có lần, chị chìa ra tấm hình, khoe :

- Nè, ông thầy chùa đẹp trai hết xẩy !

Đúng là đẹp trai thiệt - đẹp trai kiểu nhà chùa thời mở cửa - đứng oai vệ bên chiếc xe máy phân khối lớn trong bộ trang phục tu hành.

Có người chọc :

- Coi chừng ! Tín nữ nhà thơ khiến sư thầy phạm điều giới răn thì chí nguy cho Giáo hội Phật giáo !

Ít lâu sau, thấy chị thưa đi lễ chùa hơn. Và rồi, chị bỗng chuyển hẳn về Thành phố Hồ Chí Minh. Với chiếc SANYANG màu thanh thiên, chị xông xáo, "lăn lóc” đây đó để viết, với tốc độ chóng mặt, những thiên phóng sự mà trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp” gần đây, số nào cũng đăng vài ba tác phẩm.

May mắn thay cho văn nghệ Đồng Tháp khi nhà chùa đã không "cướp" nổi một nữ sĩ có duyên và một phóng sự gia sung mãn - Trần Thị Hoàng Anh.

Siêu phát hành thơ

Nữ sĩ Bạch Phần là một sĩ quan ngành công an. Thơ chị chơn chất, dễ đọc, ít nhiều phù hợp với đối tượng độc giả là những đồng đội của mình.

Đầu năm 1995, chị xuất bản tập thơ đầu tay “Hoa bằng lăng”, trong lúc chuẩn bị sanh đứa con thứ hai.

Bạch Phần rất lo lắng về khâu phát hành. Bán không hết sách, lo chưa trọn đứa con tinh thần mà lên bàn đẻ thì rối lắm ! Lại thêm có chút trục trặc với nhà xuất bản, khiến chị lúc nào cũng như đang đứng trên tổ kiến lửa.

Nào ngờ, sách vừa in xong lại đúng lúc ngành công an tổ chức mấy cuộc họp lớn. Bạch Phần mang thơ mình đến các hội nghị. Gặp tác phẩm của một chiến sĩ trong ngành, ai cũng phấn khởi "mua ủng hộ".

Vèo ! Chỉ hai tuần lễ, Bạch Phần đã "phân phối" xong gần ngàn cuốn sách.

Nụ cười hiền hậu nở trên môi, Bạch Phần thoáng nhìn xuống thấp, khẽ khàng :

- Ơn Trời ! Vậy là có thể yên tâm để lo cho đứa con này rồi !

Đừng đụng đến thơ

Thầy giáo dạy Văn : Lê Minh Hùng vừa in tập thơ đầu tay, đặt tên : "Hái bên đường". Nhiều người khen tập thơ hay, song cũng có kẻ vì không thích tính khí tác giả mà chê này chê nọ.

Anh ít quan tâm đến chuyện khen chê, sống ngang bạc, chỉ quí bạn hiền, văn chương hay và từng giọt rượu.

Chuyện xảy ra trong một tiệc nhậu tại trường trung học phổ thông, nơi anh đang dạy học.

Trong lúc lừng sừng, một vị nào đó, tạt ngang đường, nghênh ngang làm cái việc giải thoát cho bia và bảo to với Lê Minh Hùng :

- Nè, phải gọi tập thơ của ông là "Đ…bên đường" mới tuyệt chiêu !

Nhà thơ của chúng ta quát :

- Vớ vẩn ! Đứng đụng đến thơ !

Rồi đó, tìm đến một lùm cây kín ven đường đầy hoa dại, anh thanh thản tận hưởng cái khoái cảm bài tiết như một người bình thường.

Thơ tình mà ngỡ thư tình

Tương truyền, thuở Thu Nguyệt còn là cô sinh viên Ngữ văn trẻ trung, xinh đẹp của Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, tập làm được bài thơ thì mừng lắm. Bèn chép thành ba bổn, trân trọng mang tặng để xin ý kiến của ba người thầy mà chị quí trọng. Hai ông thầy Văn, một ông thầy Toán.

Hai ông thầy Văn khen với nhau về triển vọng của cô học trò ngoan trên bước đường sáng tác văn chương.

Riêng ông thầy Toán cứ bâng khuâng, xốn xang mãi bởi bài thơ.

Chẳng đừng được, ông thầy Toán tìm đến một trong hai ông thầy Văn, thổ lộ :

- Cái Thu Nguyệt nó…tỏ tình, cậu ạ !

- Hả ? – Ông thầy Văn giật mình.

- Đọc đi !

Nhìn thoáng tờ giấy, ông thầy Văn phá ra cười như nắc nẻ :

- Khổ, tớ và ông H. cũng được diễm phúc có cái như cậu. Thơ tình chứ có phải là thư tình đâu !

Con dế của chú…Trần Quốc Toàn

Trần Quốc Toàn là nhà văn đa năng. Anh sáng tác tất cả các thể loại văn chương và rất có duyên trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi.

Dạo đó, anh cho đăng truyện ngắn “Con dế của chú Pau-tôp-ski” trên báo "Văn nghệ Đồng Tháp”, đại để kể chuyện vui về tụi trẻ vào dựng chương trình văn nghệ trong phòng thu của đài truyền hình, mang theo cả dế, để chúng gáy ỏm tỏi khi thu thanh; lại có đứa vì ráng thu đi thu lại nhiều lần mà tè ra cả quần…

Ông giám đốc đài truyền hình lúc đó là một người được coi là có năng lực, vốn là một cán bộ miền Nam tập kết, đã từng viết văn, có tác phẩm đăng trong cuốn hồi kí nổi tiếng “Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Thế mà, chẳng hiểu sao, bỗng nhiên cho rằng Trần Quốc Toàn có ý chơi xỏ đài ông, bèn viết một bài, tự mình đọc trên máy, phát liên tục trên Đài Phát thanh Tỉnh để “đánh” tác giả truyện ngắn, với những lời lẽ gay gắt, đầy kì thị và non văn hóa giao tiếp.

Dân cả tỉnh nghe đài, giật cả mình, tưởng chuyện lớn sắp đến nơi !

Nhà văn của thiếu nhi chỉ biết lắc đầu.

Cũng may mà Tỉnh uỷ, với những vị am hiểu hoặc cảm tình với văn chương, đứng ra trực tiếp dàn xếp mấy cuộc, cuối cùng chuyện mới yên.

Bỗng nhớ trước đó, truyện ngắn “Hàng sao bên kia sông" của Trần Quốc Toàn cũng bị một số người luôn nhìn văn chương dưới con mắt xã hội học dung tục gán cho cái tội tày trời : "có ý nói xấu lãnh đạo”. Chuyện là, hồi đó, khu Tỉnh uỷ đóng có một hàng sao cổ thụ na ná như hàng sao mà nhà văn miêu tả. và người ta quả quyết, chuyện xảy ra trong truyện ngắn chính là chuyện viết về Tỉnh uỷ vậy ! Quả là hết chỗ nói !

Hết "án treo hàng sao" lại tới "án con dế", thật là một dạo "gian nan" đối với cây bút Trần Quốc Toàn.

Lại…”Nhân văn - Giai phẩm”

Tập thơ “Đối thoại với trái tim” (1991) của Thai Sắc có hai phần “ “Nhật kí đọc chung” và "Tự bạch".

Có một dạo, khi tập thơ mới ra đời, trong dư luận một số người, xôn xao rằng : "tập thơ có vấn đề” !

Trần Quốc Toàn báo với Thai Sắc :

- Nghe đâu, có vị còn tuyên bố : cái mảng "Nhật kí đọc chung” của ông là một kiểu "Nhân văn - Giai phẩm” mới !

Thai Sắc nghe, không nói gì, trong lòng vô cùng băn khoăn. Cây ngay chẳng sợ chết đứng, nhưng nếu người ta cố gán ghép, làm to chuyện thì rồi cũng mất ăn mất ngủ chứ chơi à !

May sao, trong lãnh đạo Tỉnh có nhiều vị cũng am hiểu văn chương thi phú, đã lên tiếng bênh vực cho tập thơ.

Một số báo chí ở trung ương cũng đã trích đăng nhiều bài thơ trong đó để góp tiếng nói chống tiêu cực.

Thế là yên hàn vô sự. Hú vía !

Cứ nghĩ đến Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán…một thời mà kinh !

Một kiểu đi thực tế

Giữa những năm 80, Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Đồng Tháp làm ăn còn phát đạt. các rạp chiếu bóng luôn sôi động và phim nhựa đang chiếm lĩnh màn ảnh hàng đêm.

Một lần, Công ty tổ chức đi thực tế cơ sở để viết bài phản ánh về hoạt động của ngành, gửi đăng trên báo chí.

Trần Quốc Toàn và Thai Sắc được mời tham gia.

Trên chiếc tắc – ráng cơ động, đoàn đã đến các vùng xa xôi nhất của Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười…Nơi nào, đoàn cũng được đón tiếp thân tình, nồng hậu và…"chơi" hết mình !

Chỉ trừ buổi sáng đầu tiên xuất phát từ Sa Đéc là Trần Quốc Toàn và Thai Sắc còn tỉnh táo để có thể quan sát, nắm bắt, ghi chép tư liệu. Bắt đầu từ buổi chiều trở đi cho đến ngày về, sau gần một tuần rong ruổi, hai nhà thơ bao giờ cũng ở trong trạng thái "khật khưởng" hoặc "say nhừ".

Hễ cứ ghé vào một đơn vị cơ sở là lập tức "triển khai tác chiến", vừa lai rai vừa bàn công chuyện. Mà khả năng từ chối của dân văn nghệ là rất yếu. Vậy cho nên, cứ xuống tắc – ráng đi tiếp là Trần Quốc Toàn và Thai Sắc trở thành hai cái "bị thịt", nằm dài trên xuồng. Anh Trấn, anh Nghĩa và chị Mai bên Công ti Phát hành phim và Chiếu bóng trở thành những người phục vụ cho hai nhà thơ.

Vậy mà rồi sau đó, hai vị cũng cho ra được những tác phẩm đọc được về ngành chiếu bóng như : "Xem phim trên đồng nước" (Trần Quốc Toàn), "Buổi chiếu phim giữa Đồng Tháp Mười" (Thai Sắc)…

Thai Sắc
Số lần đọc: 5608
Ngày đăng: 05.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng gà gáy trong tâm thức Người Việt - Lê Huỳnh Lâm
Xưa là chợ rượu - Nguyễn Thanh Mừng
Ngó về quê Mẹ… - Lê Huỳnh Lâm
Mùa hoa giữa phố - Nguyễn Ngọc Tư
Tôi đến với Hội Bảo Trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (NTT&TMC) Thừa Thiên Huế - Nguyễn Nguyên An
Thành phố bây giờ... - Phạm Lưu Vũ
Bóng tối - Bích Ngân
Mẹ Ca Dao - Trần hữu Lục
Nghệ sĩ ở tỉnh… - Đào Đức Tuấn
Kẻ không cần quảng cáo - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Chim lá rụng (truyện ngắn)
Bà ngoại (truyện ngắn)
Xí bệt , xí xổm (truyện ngắn)
Em (thơ)